26 tháng 4, 2012

Độc lập lần này là vĩnh viễn ???

Mấy hôm trước báo chí nói về vụ Tiên Lãng ở Hải Phòng, vụ Quán Cụ Hồ ở Paris, toàn là những chuyện cưỡng chế thu hồi.

Tin chưa ráo mực thì mấy hôm nay lại nổ ra chuyện Văn Giang ở Hưng Yên. Vẫn là chuyện cưỡng chế thu hồi đất đai. 

Lần này thì có đến hàng ngàn nông dân bị cưỡng bức phải trời bỏ hơn 70 ha ruộng ở Hưng Yên. Lý do là Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hưng Yên đã quyết định giao 70 ha đất cho Công Ty Cổ Phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) để lập khu "thành phố sinh thái" Ecopark.

http://www.ecopark.com.vn/index.php?option=com_content&%0Aview=article&id=1&Itemid=61&lang=vi

Hồi còn chiến tranh chống Mỹ, tôi vẫn hay đọc các tư liệu của các đồng chí cộng sản kể lại những vụ cưỡng bức thu hồi đất đai mà thực dân Pháp đã thực hiện trên ruộng vườn của nông dân Việt Nam. 

Bây giờ, gần một thế kỷ trôi qua, đất nước đã độc lập, không còn bóng xâm lược, không còn thực dân cũng chẳng còn đế quốc ... thế mà người nông dân lại vẫn phải gậy gộc đi gìn giữ từng con ao từng tất đất.

Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, tôi có dịp tiếp xúc với một quan chức cao cấp trong nước. Trong khí thế phấn khởi lúc đó, vị này đã khẳng định rằng: "Trước đây, trong thời phong kiến quân chủ, mỗi khi có xâm lăng thì giới quan lại và tầng lớp nhân dân cùng nhau hợp lực thành sức mạnh tuyệt vời để đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhưng sau khi giành được độc lập rồi thì vua quan lại quay trở lại bóc lột hà hiếp người dân ... do đó đất nước lại rơi vào tình trạng chia rẽ suy yếu ... và rồi lại bị ngoại xâm ... rồi lại đoàn kết giành độc lập ... rồi chiến thắng ... rồi lại bóc lột chia rẽ .... Cứ thế cái vòng lẩn quẩn phong kiến quân chủ khiến đất nước cứ tiếp tục bị mất độc lập. Nhưng năm 1975, đây là lần đầu tiên đất nước vừa giành được độc lập  lại vừa đạp đổ chế độ phong kiến ... Trong tinh thần dân chủ vô sản lần này sẽ không còn cảnh vua quan bóc lột người dân, đất nước sẽ không bao giờ suy yếu. Độc lập lần này là độc lập vĩnh viễn".

Quan chức cao cấp ấy là một người cộng sản chân chánh. Ông ta đã nói với tất cả lòng thành và tin tưởng của mình. Vì chính ông ta cũng không thể ngờ rằng 37 năm sau đó ... nông dân lại bị cưỡng bức bóc lột chẳng khác gì thời phong kiến. Hay còn tệ hơn thời phong kiến, bởi vì lần này người ta cưỡng bức thu hồi đất đai với danh nghĩa là "xây dựng đô thị" ... nhưng chắc chắn là những đô thị đó sẽ không phải cho nông dân ở .... mà cho giai cấp quan lại nhà nước hay tư sản đỏ ở, hay tệ hơn nữa là cho người nước ngoài có tiền có của đến "đầu tư".

Quan chức cao cấp ấy nay đã qua đời rồi. Chỉ còn tôi ... vẫn còn nhớ những câu nói năm xưa mà nghe cay nơi khóe mắt.

Roma, 25/04/2012

PS: Hôm nay là 25/04, ngày lễ kỹ niệm giải phóng của Ý. Mấy hôm nay ở Ý lại nổ ra những tranh cãi về chuyện có nên mời những nhân vật "nhà nước" nhưng lại là những tay phát xít tham dự lễ giải phóng hay không. (Ông Thị trưởng thành phố Roma, Gianni Alemanno là người trước đây thuộc đảng phát xít, Bà Thống đốc vùng Lazio Renata Polverini cũng là gốc phát xít. Cả hai đều được Berlusconi "tháo củi sổ lồng" (sdoganato) và biến tướng thành đảng viên của đảng Tự Do của Berlusconi). Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi nước Ý được giải phóng khỏi ách phát-xít, mà câu chuyện "hòa giải hòa hợp" vẫn còn gây tranh luận. Nhưng đó là chuyện "hòa hợp hòa giải" giữa hai bên đối nghịch khi xưa. Còn ở mấy xứ rồng rắn, đế quốc đã ra đi 37 năm rồi, ngụy quyền đã tan biến thành tro bụi rồi .... thế mà chỉ còn có mỗi nông dân là vẫn tiếp tục tranh đấu để gìn giữ mãnh đất vườn rau y như thời thực dân đế quốc. Tệ thế thì nói chi đến "hòa giải hòa hợp" với "ngụy quân ngụy quyền" - trừ phi "ngụy quân ngụy quyền" bây giờ biến tướng thành Việt kiều nhiều đô về "thăm quê hương" và "đầu tư", thế là "hòa giải hòa hợp" ngay lập tức. Xem ra coi bộ mấy xứ rồng rắn "hòa giải hòa hợp" nhanh hơn nước Ý nầy đấy.

Khốn nạn cho nước Ý.

Cái khốn nạn cho nước Ý là mỗi ngày trên báo chí, bên cạnh những tít lớn về tình hình kinh tế tài chánh suy thoái, về thất nghiệp tràn lan, về thuế má gia tăng trong khi phúc lợi xã hội bị cắt xén, về đời sống khó khăn đắt đỏ, về tệ nạn tham nhũng tràn lan, về băng đảng mafia ... thì lại xuất hiện những tin tức với tình tiết rất ư là "gay cấn" trong các phiên tòa đang xét xử vụ "Rubygate" mà trong đó ngài cựu Thủ tướng Berlusconi có nghị phạm là đã lợi dụng chức quyền Thủ tướng của mình để áp lực với văn phòng cảnh sát ở Milano nhằm buộc cảnh sát phải trao trả tự do lập tức cho cô Ruby, lúc ấy đang còn ở tuổi vị thành niên, bị bắt vì bị tố cáo ăn cắp và không có giấy tờ tùy thân. Chính vì không có giấy tờ tùy thân nên Berlusconi đã "xạo" với Trưởng ty cảnh sát Milano rằng cô Ruby là ... cháu gái của (cựu) Tổng thống Ai Cập Mubarak (27/05/2010).

Khốn nạn ở chổ là trong cảnh dầu sôi lửa bỏng của đất nước, hàng triệu gia đình đang đứng trước thảm họa "Hy Lạp" ... thì ngành tư pháp bắt buộc phải chạy đi cáo buộc một thằng già còn thích chơi trống bỏi. Không thể nào trách ngành tư pháp: luật là luật, hể bị tình nghi thì tòa án phải xét xử ... dù đất nước có trong cảnh dầu sôi lửa bỏng ....   Nhưng dẫu sao, khi đọc trên báo chí ghi lại những cú điện thoại mà công an cảnh sát đã nghe lén giữa Berlusconi và đám "chân dài" thì mới thấy cái khốn nạn: hàng triệu người lao động đang chới với ... thì ông Thủ tướng vẫn chỉ mãi miết lo tổ chức những đêm hoang lạc.

Tệ hơn nữa là trong hơn hai thập niên, kể từ khi chiến dịch "bàn tay sạch" nổ ra với hy vọng là dẹp bỏ được vấn nạn tham nhũng ... thì đến hôm nay tham nhũng, chẳng những không bị quét sạch, mà lại bành trướng gấp trăm ngàn lần so với hai thập niên về trước.

Cá nhân Berlusconi chẳng những đã không phải trả bất cứ một món nợ công lý nào: từ tham nhũng hối lộ đến gian lận sổ sách tài chánh, từ trốn thuế đến lạm dụng quyền lực .... bất cứ một vụ án nào ... y cũng đều động âm binh trong quốc hội để nặn ra những đề luật "lá chắn" để chạy tôi cho y.


Ruby và Silvio

Ruby và SilvioKhốn nạn cho đất nước Ý là sau gần hai thập niên rượt bắt tay gian hùng du đảng như Berlusconi với đủ các tội phạm như đã nói trên .... cuối cùng ngành tư pháp chỉ còn lại có mỗi vụ án "Rubygate" (bắt đầu ngày 06/04/2011) với những màn ăn chơi trác tán của một thằng già không nên nết. Tất cả những vụ xét xử khác ... rốt cuộc đều bị chìm xuồng: hoặc vì những nghi phạm đã không còn là tội phạm theo luật "lá chắn", hoặc các phiên xử đã bị "quá-đát" (quá thời gian xét xử). 

Rốt cuộc rồi Berlusconi vẫn bình chân như vại không hề bị suy suyển, cơ ngơi gia sản của y cũng không hề bị mất mát .... Bây giờ chỉ còn vụ án "gái gọi chơi đêm". 

Nicole Minetti, Ủy viên Hội đồng vùng Lombardia, người có trách nhiệm tổ chức những đêm truy hoang cho Silvio, đang "briffare" tình hình tổ chức vui chơi với Silvio.  ("briffare" là động từ do Minetti đẻ ra, lấy từ âm của chữ "brief" tiêng Anh nghĩa là "vắn tắt", "tóm tắt" - theo quảng cáo của Silvio, la Minetti rất thông thạo Anh ngữ)

Rất có thể là đối với tư duy của phần lớn người Ý, nhất là của phía nam giới, một ông già gần 80 tuổi mà vẫn còn chơi trống bỏi ... thì cũng là điều đáng nể phục (điều mà trong thâm tâm, trong tận cùng vô thức, hầu như anh người Ý nào cũng mơ).... Cho nên dù rằng tòa án nếu một mai có kết tội được Berlusconi, thì cũng chỉ là tội quèn so với những tội tài trời như tham nhũng hối lộ mà y đã thoát lưới công lý. Và biết đâu chính đấy là diện hãnh diện cho một Berlsuconi vốn thích đề cao cái "nam nhi chi chí" bệnh hoạn (macho)  của hắn.

Roma, 25/04/2012

25 tháng 4, 2012

Mặt dạn mày dày.


Một ông Thống đốc (1) của một trong những vùng lớn và giàu nhất nước Ý, vùng Lombardia, đang bị phanh phui về chuyện đi ăn chơi, du lịch, nghĩ hè ở những nơi cực kỳ sang trọng .... đều được một đại gia đài thọ từ A đến Z. Mà vị đại gia này thì lại có áp-phe trong khu vực y tế của vùng Lombardia.

Một ông (cựu) Bộ trưởng (2) của (cựu) chính phủ Berlusconi .... được một đại gia bỏ tiền ra (900 ngàn Euro) để mua một căn hộ ngay trong trung tâm thành phố Roma và có sân thượng nhìn ra ... Colosseo. Mà vị đại gia này lại có những áp phe trong những công trình trực thuộc Bộ của ông Bộ trưởng.

Một (cựu) Thủ tướng (3) đã gần 80, đất nước thì đang trong cơn dầu sôi lửa bỏng, tối ngày chỉ lo tổ chức những đêm trác tán với các nàng đôi mươi, thậm chí đến cả vị thành niên. Và trong những cuộc vui chơi các cô diễn những màn thoát y rất hấp dẫn (bunga bunga).

Khi vụ việc bị phanh phui, hỏi các vị “vì sao nên nổi” thì ....

Ông Thống đốc thì bảo .... chỉ là bạn bè bao nhau thôi, chứ chẳng có ai trục lợi ai cả.

Ông (cựu) Bộ Trưởng thì “ngửa mặt kêu trời” rằng .... ông nào có biết là có đại gia nào đó đã mua nhà cho ông ta đâu.

Còn ông (cựu) Thủ tướng thì bảo rằng ... nào có chuyện thoát y .... Đó chỉ là những màn “burlesque” (hoạt kê hài hước mua vui rẽ tiền) trong những buổi cơm “thanh lịch”.

Biết rằng nói cũng chẳng ai tin. Nhưng vẫn cứ nói. Trơ mặt ra mà nói.

Tiếng Ý có chữ “faccia tosta”. Mặt dạn mày dày.

24/04/2012
Huê Đăng

(1): Thống đốc Roberto Formigoni, và đại gia là Pierangelo Daccò.
(2): Cựu Bộ Trưởng Claudio Scajola (Bộ phát triển kinh tế), và đại gia là Diego Anemone.
(3) Cựu Thủ tướng .... không cần nói tên ai cũng biết rồi.

24 tháng 4, 2012

Tuổi trẻ tài .... mau


Ngày 14/04 vừa qua cô Tô Linh Hương vừa được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex - PVC (PVV). Cô Tô Linh Hương 24 tuổi, Cử nhân ngành Quan hệ Quốc tế tại Học viện Báo Chí và Tuyên Truyền.


CTCP Đầu tư Xây dựng Vinaconex - PVC hiện có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, niêm yết 30 triệu cổ phiếu tại sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán PVV.

Các cổ đông lớn của công ty có Vinaconex E&C, Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVX), Ocean Bank...

Được biết Cô Hương là con gái của Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, ủy viên Bộ Chính trị Tô Huy Rứa.

Cô Tô Linh Hương trong buổi nhậm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Xây dựng Vinaconex - PVC


Nhân đọc tin này, nhớ ở Ý có chuyện tiếu lâm thời Đệ I Cộng Hòa Ý (chuyện này vẫn còn giá trị ở thời các nền Cộng Hòa tiếp theo).

Có một tay lãnh đạo cao cấp của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (Democrazia Cristiana – là đảng cầm quyền ở Ý liên tục gần ½ thế kỷ kể từ sau Đệ II thế chiến, đảng nổi tiếng với những vụ tham nhũng hối lộ, phe cánh, ô dù ....) có đứa con đã gần 30 tuổi nhưng tối ngày cứ chơi bời lêu lổng, không chịu học hành mà cũng chẳng muốn làm ăn chi cả. Ông ta muốn tìm cách gởi gắm con mình vào một cơ quan nào đó để cậu ấm có thể bắt đầu học cách làm ăn và tránh cảnh chơi bời lêu lổng. Ông đến nói chuyện với một tay đệ tử xưa được ông cất nhắc nay đã lên làm giám đốc một xí nghiệp rất lớn.

Ông vừa mới mở miệng thì tay giám đốc đã nhanh nhẩu:
  • -       Bác đừng lo, cháu sẽ cho nó vô làm giám đốc phân khu hành chánh .....
  • -       Không, không được đâu, cháu nó chưa có kinh nghiệm chi cả, vã lại mới vô mà cho làm chức to thế ... cháu nó đâm ra hợm hỉnh. Tôi đề nghị cho cháu một chân ... nhỏ hơn ....
  • -     Thế thì ... thôi cho nó vô phụ trách văn phòng thu mua .... Chổ này cũng ngon lắm ... dễ có điều kiện ... “bao bì” bác ạ ...
  • -     Không, không được đâu, chức vẫn còn quá lớn  .... mà mới vô lại bắt đầu chuyện bao bì e không tiện... Thôi cho nó một chân khiêm nhường hơn ....
  • -       À ... thế thì để cháu cho nó vô làm trưởng nhóm nghiên cứu ....
  • -       Không, cũng còn lớn quá .... cho nó một chức thấp hơn nữa đi ....
  • -       Thôi thì cho nó làm phó văn phòng ...
  • -       Cũng còn cao quá ...
     Tay giám đốc vò đầu suy nghĩ mãi .... sau cùng nhăn nhó :
  • -       Bác ạ, thế này thì chỉ còn có mỗi cái chân gác dan ......
  • -       Tốt tốt. Chổ này được đấy. Như thế nó mới biết giá trị lao động như thế nào .... Tôi đồng ý đấy ....
Nhưng tay giám đốc lại vẫn nhăn nhó ..... “Nhưng Bác ơi, chổ gác dan này ... thì lại cần phải có bằng ... trung học phổ thông bác à !!!” 

Kể nghe chơi thôi, chứ cô con tổng Rứa thì có bằng cử nhân cơ, nên không phải thuộc diện phải nhờ cha mẹ gởi gắm nhé.




Hồi khoảng thập niên 60, gần nhà tôi có một cái “đề-pô” bán nước đá, la-ve, nước ngọt, than củi .... đủ thứ của một gia đình Hoa kiều.


Dù rằng gia đình này rất giàu, có cả xe “huê-kỳ”, nhưng mấy đứa con ... từ lớn đến bé, đứa nào cũng phải lao động cực nhọc không thua mấy người nhân công trong “đề-pô”. Ba má tôi vẫn hay nói rằng (và chắc là gián tiếp “nhắn tin” đến tôi): “Mấy người Ba Tàu họ đều rèn luyện con cháu lao động để biết giá trị của đồng tiền ... trước khi giao tất cả cơ ngơi sản nghiệp cho con cháu.”


Nhưng chắc đó là những người Hoa di dân, đi tha phương cầu thực rồi làm nên cơ nghiệp, chứ còn nghe nói mấy “cô chiêu cậu ấm” của mấy tay cán bộ đảng hay đại gia “đỏ” bên Trung Quốc bây giờ đều là “tuổi trẻ tài ... mau” cả, ngủ một đêm thức dậy lên làm giám đốc khơi khơi .

Nhưng đó là chuyện bên Trung Quốc !!!

Roma, 24/04/2012
Huê Đăng


10 tháng 4, 2012

Miriam Mafai - la ragazza rossa


Thêm một ký giả lão thành Ý ra đi: Miriam Mafai, thọ 86 tuổi. Từng được mệnh danh là "la ragazza rossa".  

Miriam Mafai

Bắt đầu tham gia đấu tranh chống phát xít rất sớm, từ ghế nhà trường, năm 1936. Năm 1938 bị đuổi học vì nhà nước Ý dưới thời Mussolini áp dụng luật "chủng tộc" (leggi razziali), và mẹ của bà là người gốc Do Thái. Năm 1944 Miriam Mafai tham gia hoạt động trong cơ quan báo chí của tổ chức kháng chiến, và tại đây bà bắt đầu quen biết Giancarlo Pajetta, một trong những lãnh đạo lịch sử của đảng Cộng Sản Ý.

Năm 1948 Miriam Mafai trở thành một trong những lãnh đạo trẻ của đảng Cộng Sản thời hậu chiến, và cũng trong năm đó lập gia đình với Umberto Scalia, thư ký thành ủy PCI ở l’Aquila, và có được hai con.

Đã từng là ủy viên của hội đồng quản trị thành phố Pescara vào thời hậu chiến, bà đã từng có dịp quan sát tận mắt những khó khăn, nghèo đói, cơ cực của xã hội Ý sau chiến tranh: cảnh những gia đình sơ tán, trẻ em không có áo quần, không có điều kiện đến trường. Và đấy cũng là những kinh nghiệm để sau này bà trở thành một trong những ký giả lỗi lạc của Ý viết về những đề tài có liên quan đến xã hội Ý trước và sau chiến tranh, nhất là trong thời gian tái kiến thiết hậu chiến.

Mặt dù đã lập gia đình, nhưng sau đó (1962), bà bắt đầu có quan hệ tình cảm với Giancarlo Pajetta (il ragazzo rosso), dù rằng trong những thập niên 60 ngay trong đảng PCI quan hệ nói trên cũng ít nhiều bị “tai tiếng”. Quan hệ tình cảm với Pajetta kéo dài khoảng 30 năm, cho đến khi Pajetta mất năm 1990.

Miriam Mafai bắt đầu sự nghiệp nhà báo với tờ “l’Unità” (cơ quan ngôn luận của PCI) vào đầu thập niên 60. Nhưng trước đó, vào những thập niên 50, Miriam Mafai cũng đã từng cộng tác từ Paris với tuần báo “Vie Nuove”.

Năm 1970 trở thành chủ biên tập của tờ “Noi Donne”, cơ quan ngôn luận chính thức của phụ nữ đảng PCI, và cũng trong năm đó bà bắt đầu cộng tác với tờ Pease Sera.

Năm 1976, bà là một trong những thành viên sáng lập tờ “la Repubblica” cùng với Eugenio Scalfari.

Miriam Mafai cũng đã tham gia đấu tranh bảo vệ các quyền lợi xã hội như phá thai, ly dị, nhà nước trần tục chống lại các sự can thiệp của Vatican về các vấn đề xã hội, phong tục.

Miriam Mafai cũng biên soạn nhiều sách về các đề tài xã hội, kinh tế của Ý thời sau chiến tranh và trong giai đoạn tái thiết.

Một trong những quyển sách nổi tiếng của Miriam Mafai là “Pane Nero” (Bánh mì đen đúa): kể về điều kiện sinh hoạt khó khăn của phụ nữ Ý vào những năm sau chiến tranh, nhất là điều kiện lao động vất vã và đôi khi đi đến cả chà đạp nhân phẩm của người phụ nữ. Một trong những cảnh mà Miriam Mafai kể trong quyền "Pane Nero" là vào những thập niên 40-50, trong rất nhiều hảng xưởng làm việc dây chuyền, mỗi sáng sớm người ta cho trải mạt cưa lên nền nhà, nơi các nữ công nhân sẽ đứng làm việc dây chuyền, bởi vì trong suốt thời gian làm việc họ sẽ không được quyền ngưng tay, kể đến cả việc đi vệ sinh cũng không được, do đó, nếu cần những nữ nhân công cứ “dang chân ra và tiểu đại xuống nền nhà, nơi đã được trải mạt cưa". Đến chiều, sau khi tan việc, sẽ có những người làm vệ sinh đi hốt hết mạt cưa thấm nước tiểu.
Đấy là một trong những đoạn văn gây ấn tượng lớn cho người đọc, và mô tả cho thấy thế nào là quá trình tích lũy của tư bản, và thế nào là tư bản rừng rú, một thứ tư bản mà nhiều nước rồng rắn trên thế giới đang áp dụng một cách hồ hởi dưới mỹ từ “Kinh tế thị trường”.

Roma, 09/04/2012
Huê Đăng

Đem đàn bà đi tế thần

Lịch sử cho thấy là mỗi khi một triều đại hay một tổ chức quyền lực (đảng chính trị chẳng hạn) đi vào giai đoạn cáo chung với những bi kịch, không phải chỉ đẫm lệ mà có khi đẫm cả máu, thì thường hay có một người đàn bà trong vai "thủ phạm" của tất mọi chuyện, là người đã gây ra tội ác, đã làm tha hóa cả một guồng máy cai trị, và làm tiêu tan sự nghiệp "đế vương". Và dĩ nhiên là những người đàn bà này đều có một mẫu số chung: gian ác, tham lam, xa hoa ... và nhất là tội đã "khống chế đế vương".

Thường thì tất cả những người đàn bà này, trước khi triều đại đi vào gia đoạn cáo chung, tức là trong thời điềm huy hoàng rực rỡ của "vương đế", chỉ thấy khép nép sau tấm màn nhung ...  cho đến khi triều đại đi vào khủng hoảng thì mới thấy nanh vuốt của họ.

Từ Hy Thái Hậu là người đã làm tiêu tan triều đại nhà Mãn Thanh. Một người mà lịch sử Trung Quốc mô tả là tàn ác, tham quyền cố vị, đã thao túng toàn bộ triều đình nhà Thanh và đã đưa nhà Thanh đến suy vong.

Sau khi Mao Trạch Đông mất năm 1976, đấu đá quyền lực của Đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng đã đẻ ra được một Giang Thanh, một trong nhóm băng đảng 4 tên (Tứ nhân ban), đã từng núp sau lưng Mao để mưu đồ bất chính những tham vọng chính trị, thao túng đảng Cộng Sản Trung Quốc dưới thời Mao.

Dưới thời Ngô Đình Diệm, người ta cũng hay kể về một Trần Lệ Xuân mưu mô gian ác và cũng đã khống chế gia đình Ngô, gây ra tang thương cho miền Nam và dẫn đến diệt vong của nhà Ngô.

Mấy hôm nay ở Ý nổ ra các vụ xì-căn-đan về biển thủ trong đảng Lega Nord. Người ta nói về một "cái vòng mầu nhiệm" (cerchio magico) bao gồm những người trong gia đình, hay bà con, bè bạn thân tín của "thủ lĩnh tối cao" Umberto Bossi, một kiểu "gia đình trị" na ná như chuyện thời Ngô Đình Diệm ở miền Nam: toàn là những nhân vật tham ô, lạm quyền, ăn cắp công quỹ .... Và cũng trong đám "mầu nhiệm" này, người ta đang bàn tán về một người đàn bà, mà theo báo chí kể lại chính là "thủ phạm chính" của mọi chuyện.

Rosa Angela Mauro, biệt danh là Rosy Mauro, còn tục gọi là "la badante" (vú già) của Umberto Bossi, ngày đêm không rời Bossi một bước. Theo báo chí tường thuật thì chính Rosy Mauro đã khống chế Umberto Bossi, che dấu tất cả mọi chuyện, và đã nhân danh "thủ lĩnh" lạm quyền và thao túng đảng.

Đã có nhiều tiếng nói, thậm chí trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng Lega Nord, cũng đang đòi hạ bệ "vú già", ít nhất là phải từ chức khỏi ghế "phó chủ tịch thượng viện".

Vú già

Xét về mặt pháp lý mà nói, Rosy Mauro chưa bị truy tố, mọi chuyện hiện nay vẫn còn đang trong vòng điều tra của tòa án, và tât cả chỉ điều dựa lên các lời khai của một số nhân chứng và trên các cú điện thoại bị công an  nghe lén. Do đó, chẳng ai hiểu vì lý do gì mà Rosy Mauro phải từ chức ? 

Thực ra, cũng giống như thời của Từ Hy Thái Hậu, thời của Giang Thanh hay của Trần Lệ Xuân: các triều đại muốn "gỡ tội" cho "đế vương" (trong trường hợp hiện nay là Umberto Bossi) nên đang ra sức tạo ra một "mụ đàn bà để đem tế thần". Nếu tất cả trách nhiệm đều do người đàn bà gây ra, thì "đế vương" chỉ phải chịu cái tội "ngu vì đàn bà" chứ không phải phạm các tội như biển thủ, lạm quyền ... Tội ngu vì đàn bà thì chẳng tòa án nào có thế kết tội được. Còn những tội khác thì hiến pháp có ghi rõ rành rành.

Vã lại, các lãnh đạo của đảng Lega Nord đang tìm đủ mọi cách để đổ hết trách nhiệm lên đầu cái "gia đình trị" .... cứ làm như trong mấy chục năm qua, nằm trong cương vị lãnh đạo họ chẳng hề biết những sự kiện tham ô, lạm quyền ? Hóa ra toàn bộ lãnh đạo đảng Lega Nord vừa ngu vừa mù với một thủ lĩnh bị đàn bà không chế ? 

Một đảng như đảng Lega Nord tự xưng là "vừa tinh (khiết) vừa cứng" (puro e duro) ... Cứng thế mà lại bị đàn bà khống chế hay sao ?

Thực ra chỉ là những màn hèn hạ của đám đàn ông, mỗi khi gặp khó khăn thì họ lẫn trốn trách nhiệm bằng cách đổ lên đầu những người đàn bà đã từng làm "vợ, nhân tình, thư ký, vú em" cho họ.

Roma, 10/04/2012
Huê Đăng



8 tháng 4, 2012

La caduta degli Dei - Khi các thiên thần sụp đổ (*)


4 tháng sau khi “đại đế” Silvio Berlusconi phải “đi lùi một bước” thì bây giờ đến phiên “thủ lĩnh tối cao” (leader maximo) Umberto Bossi phải từ chức. Các con cờ lần lượt gục ngã giống như một dãi quân cờ Domino.

Các "thiên thần" của cánh hữu ở Ý, những nhân vật mà mới ngày hôm qua còn chễm chệ trên ngai vị của cơ chế nhà nước, không phải để quản lý một nhà nước pháp quyền, mà để ra tay bòn rút một đất nước, hôm nay rơi rụng như lá mùa thu.

Nếu 4 tháng trước, trong cảnh dầu sôi lửa bỏng của nguy cơ vỡ nợ nhà nước Ý và khả năng phá sản cả hệ thống đồng tiền Euro của cả Châu Âu, sự bất tài và thái độ thụ động của Berlusconi đã khiến Châu Âu phải áp lực lên nước Ý và sau cùng Berlusconi phải chấp nhận từ chức ... “như là một hành động lấy trách nhiệm đối với đất nước”, thể theo tuyên bố vớt vác của chính Berlusconi trước báo chí. Thì hôm nay những phanh phui về vụ xì-căn-đan lạm dụng công quỹ để tiêu xài riêng tư cho gia đình và bè phái đã nhận chìm “thủ lĩnh” Umberto Bossi, và lần này, cũng y hệt như kịch bản của Berlusconi, Bossi cũng từ chức vì ... “có trách nhiệm phải gìn giữ đoàn kết cho Lega Nord”.

Chỉ trong vòng hơn 4 tháng cả cái nền Đệ II Cộng Hòa đã trên đường ra nghĩa địa.

Với cảnh hạ bệ của B&B (Berlusconi và Bossi) công luận sẽ không còn phải tiếp tục chứng kiến cái mô hình chính trị hữu khuynh “hiện thực” và cực đoan trong những màn “khua chiên múa trống” như hai thập niên qua.

Trong thời Đệ II Cộng Hòa Ý thì Lega Nord là đảng chính trị “lâu đời” nhất, được sinh ra trong khi nền Đệ I Cộng Hòa đang cáo chung, đã “vượt cạn” và lớn lên trong cơn bão táp của chiến dịch chống tham nhũng “bàn tay sạch”, một chiến dịch đã thay hình đổi dạng cả nền địa chính của Ý. Ngay sau khi bão tố vừa ngưng, Lega đã nhanh chóng liên minh với Berlusconi, tuy là một nhân vật tuy vốn là con đẻ hợp pháp của nền Đệ I Cộng Hòa và đã từng núp dưới ô dù của các triều đại thời ấy, nhưng cũng đã nhanh chóng “thay cờ đổi mão” để nhảy qua xác chết của Đệ I Cộng Hòa và chiếm ngôi kế vị với lá bài “bình mới ... rượu cũ”.

Trừ khoảng gián đoạn ngắn năm 1994 khi Bossi “hờn dỗi” chửi bới “tay Berlusconi là Mafia” với “bầy heo phát-xít” (ý nói đến “tàn dư” phát xít của Fini, lúc ấy đang là một trong những đồng minh của Berlusconi), liên minh cộng sinh (symbiosis) giữa Berlusconi và Bossi ngày qua ngày tháng qua tháng đã “keo sơn bền chặt” trên nền tảng của “đôi bên cùng có lợi” và dựa trên một thứ bản năng ý thức hệ thực dụng, và đã nặn ra một “cánh hữu hiện thực”. Một mô hình chính trị hữu khuynh phi-chính trị (antipolitica) trước đó chưa từng thấy trong các tảng văn hóa nhà nước Tây phương: một mớ xào trộn thập cẩm của chủ nghĩa mị dân của thế lực kinh tế tài chánh (Berlusconi) cộng với khái niệm “liên bang” kịch cởm kiểu “thùng rổng kêu to” (Bossi) , pha thêm món “tôn sùng lãnh tụ” kiểu Bắc Hàn, rồi đem lên sân khấu với những màn “tung hô vạn tuế” trên bệ xe (predellino) (Berlusconi) hoặc trong đám khăn cờ màu xanh lá cây phất phới trên những đồng ruộng của vùng đồng bằng sông Po (Bossi), với đám quần chúng bị kích thích cực điểm với những món từ “miễn thuế” đến “liên bang tự trị”, từ “đánh đổ nền công lý của các tên thẩm phán cộng sản”  đến “ly khai”, thậm chí đến cả tư duy “bài ngoại”.

Cộng sinh


Nếu Berlusconi đã trực tiếp nhảy ra làm chính trị ... chỉ vì ô dù chính trị trước đây của hắn cũng đã tan theo mây khói trên đóng tro tàn của nền Đệ I Cộng Hòa, thì Bossi đã nhanh chóng lợi dụng thời buổi nhiểu nhương với cảnh “về chiều” của một đẳng cấp chính trị trong bối cảnh của nước Ý lúc đó, Bossi tự coi mình như là một “quan toàn quyền” của một nước thực dân coi nước Ý như là một “thuộc địa” cần phải ra sức bóc lột: y chửi bới nhà nước Ý trong khi đang chễm chệ trên những chiếc xe sang trọng mang biển số nhà nước Ý, y thẳng tay xúc phạm đến lá cờ của nước Ý trong khi y đang ăn lương Bộ trưởng của nước Ý, y chẳng ngần ngại lăng mạ hiến pháp Ý ngay sau khi y đã tuyên thệ trung thành với hiến pháp Ý để ngồi vào ghế Bộ trưởng. Nếu đối đa số công luận, nhất là công luận quốc tế, tất cả lời ăn tiếng nói của Bossi đều là kỳ quái và không có một lô-gích nào cả. Nhưng thực ra cung cách hành xử của Bossi đều tuân theo một lô-gích rất hiện thực: vì không đẻ ra nổi một đường lối chính trị, không có nổi trong đầu một tư duy, không có khả năng bàn thảo nghiêm chỉnh .... nên Bossi chỉ còn lại lá bài “ăn tục nói tỉu” chửi bới từ trên xuống dưới để kích động cử tri và gây mầm sống cho Lega Nord. Cứ tưởng tượng một Bossi không chửi thề, không văng tục, không múa tay múa chân .... thì chỉ còn là một ... “tượng đá trăm năm”. Tượng đá trăm năm thì làm sao mà câu phiếu được ?

Umberto Bossi với một trong những cách diễn đạt tiêu biểu của hắn


Lịch sử lúc nào cũng có những trớ triêu.  Một Berlusconi với đầy nợ nần công lý và suốt hai thập niên đã không làm gì khác hơn là mở một cuộc thánh chiến một mất một còn với ngành tư pháp ... thế mà nguyên nhân khiến y bị hạ bệ không phải đến từ công lý mà lại là do “khủng hoảng kinh tế”.

Một Bossi, cùng với câu thần chú “chống hủ hóa sa đọa”, trong mấy chục năm đã chửi bới cái “Roma đầu trộm đuôi cướp” (Roma ladrona) và cái “nhà nước chỉ biết vơ vét”, để rồi hôm nay chính Bossi bị  hạ bệ vì chính đảng Lega Nord đã ngộ ra rằng dân “đầu trộm đuôi cướp” lại hiện hữu ngay trong nhà, thậm chí lại là nhà của Bossi. Và “vơ vét” lại chính là vơ vét ngay trong cơ sở của Lega, vơ vét đồng tiền do chính người dân đóng góp.

Dù là hai nhân vật khác biệt nhau về đẳng cấp xã hội cũng như về cung cách hành xử, nhưng cả Berlusconi và Bossi lại có những điểm tương đồng đên độ gây ngạc nhiên: cả hai đều áp dụng lá bài mị dân để cai trị, cả hai đều chọn lựa cận thần không phải dựa trên khả năng chuyên môn hay kinh nghiệm, mà tất cả chỉ dựa trên quan hệ “chúa-tôi”, bè phái và gia đình hoặc tin tưởng lẫn nhau. Trong suốt mấy chục năm hoạt động, cả hai đảng của Berlusconi và Bossi đều không hề có những tổ chức đại hội bầu bán lãnh đạo một cách minh bạch, mà tất cả các nhân vật lãnh đạo trong hai đảng đều do “bề trên” chỉ định. Có lẽ đây là nguyên nhân của sự sụp đổ mô hình “cánh hữu hiện thực”: vì không có khả năng đào tạo lãnh đạo, nên trong suốt hai thập niên qua, cả Berlusconi lẫn Bossi đều không đủ sức đương đầu với quá trình “kế vị” lãnh đạo. Kết quả là sau hai thập niên cầm quyền, cả hai đảng đều đang phải đối đầu một cách vất vả vấn đề “kế vị”. Thậm chí có khả năng là cả hai đảng của Berlusconi và Bossi sẽ bị chia rẽ sâu sắc vì những đấu đá nội bộ.

Điều đáng nực cười là chỉ trong vòng mấy tháng, kể từ khi bắt đầu nổ ra vụ biển thủ công quỹ hàng mấy chục triệu của Luigi Lusi (tháng 2/2012), thủ quỹ của cái đảng (không còn hiện hữu) Hoa Cúc, rồi đến biển thủ công quỷ của Francesco Belsito, thủ quỹ của Lega Nord, bổng dưng cả Quốc Hội Ý “phát giác” ra rằng cái luật “hoàn trả chi phí tranh cử” (rimborso elettorale) không ổn. Bổng dưng toàn bộ đẳng cấp chính trị ngộ ra rằng với cái luật này thì khả năng biển thủ rất cao.

Theo thống kê thì thì từ năm 1994 đến cuộc bầu cử Quốc hội lần chót năm 2008, nhà nước đã phải trao 2,5 tỉ Euro cho các đảng dưới danh nghĩa “hoàn trả chi phí tranh cử”, trong khi các kê khai chi phí tranh của các đảng chỉ lên đến 579 triệu Euro. Phần khác biệt giữa 2,5 tỉ và 579 triệu ... được các đảng coi như là “tiền riêng” của đảng, các đảng có toàn quyền xử dụng ... dù rằng tiền đó là tiền do người dân đóng góp. 

Roma, 07/04/2012
Huê Đăng

(*) "La caduta degli Dei" (1969) là tựa đề của một cuốn phim nỗi tiếng của Luchino Visconti.