31 tháng 5, 2012

Bóng tròn và Tòa Thánh.


Mario Monti: Tôi đâu có nói phải tạm đình chỉ bóng tròn trong 1-2 năm đâu ? Tôi nói tạm đình chỉ Vatican.

Mấy hôm nay ở Ý nổ ra xì-căn-đan về cá độ bóng tròn: hàng loạt cầu thủ bóng đá nổi tiếng, và một số huấn luyện viên của các đội banh đang bị điều tra vì tình nghi có dính líu đến mấy vụ mua bán kết quả các trận banh để "phù hợp" với các dự tính cá độ bón tròn đã được dàn xếp trước. Không phải đây là lần đầu giới bóng tròn của Ý bị mang tiếng "bán độ". Nhưng hình như lần này "tuyến" cá độ bóng tròn đã đạt được tỉ số cá độ khổng lồ và làm chấn động giới bóng tròn nói riêng, giới thể thao nói chung.
Thủ tướng Mario Monti, khi được hỏi ý kiến về xì-căn-đan bóng tròn hiện nay, ông đã "buộc miệng" tuyên bố là "chắc có lẽ nên tạm đình chỉ các hoạt động bóng tròn trong 1-2 năm".
Hàng loạt "quan chức" thể thao các ban các ngành, hàng loạt cầu thủ, hàng loạt chuyên viên bóng đá ... đã lên tiếng phản đối Mario Monti. Thậm chí có cả các ông bầu của các đội banh đã phỉ báng Mario Monti là "nói mà không biết mình đang nói cái gì !!!".

Cũng mấy hôm nay, hàng loạt xì-căn-đang đang nổ ra trong Tòa thánh Vatican: từ chuyện bãi nhiệm Giám đốc Ngân Hàng Vatican (IOR), đến chuyện người "hầu cận" của Đức Cha làm "nội gián" để tuồn thông tin mật của Tòa thánh ra ngoài. 
Thực chất đây là một trận đấu đá nội bộ tranh giành quyền lực của các phe phái trong Tòa Thánh: một bên là Quốc Vụ Khanh do Hồng Y Tarcisio Bertone cầm đầu, bên kia có thể là Hội Đồng Giám Mục Ý (CEI) do Hồng Y Angelo Bagnasco cầm cán. 

Roma, 31/05/2012




Parmigiano Reggiano.

Phô mai Parmigiano Reggiano là một đặc sản ẩm thực của vùng Reggio Emilia. Nghe nói chỉ nền kinh tế sản xuất thực phẩm của vùng Reggio Emilia cũng đã đóng góp được gần 1% trên tổng sản lượng nhà nước (GDP) của Ý (thống kê năm 2011: GDP của Ý là 1.425 tỉ Euro).

Phong phô mai Parmigiano Reggiano


Thông thường thì Parmigano Reggiano rất đắt, tối thiểu cũng phải từ 15-20 Euro mỗi kg. Mấy hôm nay nghe nói trong các vùng động đất, có những "lái buôn" đến gặp các chủ nhân của các cơ sở sản xuất phô mai Parmigiano Reggiano bị chấn động gây thiệt hại .... để đề nghị mua lại toàn bộ các phong phô mai đang rơi rớt tơi tả trong nhà máy ... với giá .... 2 Euro mỗi kg.
Thời nào cũng có con người "thừa nước đục". Mua 2 Euro mỗi kg Parmigiano đem về cắt nhỏ gói lại, hay bào nhuyển bỏ hộp, cứ thế rồi tung ra siêu thị .... Mua một bán mười ...

Roma, 31/05/2012


Động đất thời kinh tế toàn cầu hóa.

Lại thêm một trận động đất ở Ý. 


Thành phố l'Aquila vẫn còn điêu tàn kể từ sau vụ động đất năm 2009, với 308 người chết, tái thiết vẫn chưa đến đâu ... thì nay lại thêm động đất ở Emilia, và kể từ hôm 20 đến nay đã có hàng mấy trăm chấn động, có khi lên đến 6 độ, và theo báo chí thì đến hôm nay "chỉ" có 17 người thiệt mạng, nhưng thiệt hại về cơ sở vật chất ... nghe nói đã lên đến 5 tỉ Euro, bởi vì vùng Emilia này, thuộc vùng đồng bằng sông Po, vốn là một trong những vùng đất quan trọng của nền kinh tế về nông phẩm, thực phẩm (phô mai Parmigiano Reggiano nổi tiếng toàn cầu) và gia súc, cũng như phần lớn các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa của nền công nghệ kỹ thuật cao cấp của Ý (y sinh (biomedico), phụ tùng xe hơi, thiết bị xây dựng) rất nổi tiếng trên thế giới.



Trong số 17 người thiệt mạng, đại bộ phận phần lớn là nhân công và chính các chủ doanh nghiệp của các cơ sở sản xuất bị động đất gây thiệt hại: phần lớn tử vong là do chính nhân công và chủ nhân đã trở lại nơi cơ sở sản xuất bị thiệt hại với hy vọng là vớt vát để di tản các thiết bị còn sót lại, để tìm cách cứu vãn cơ sở sản xuất, để nhanh chóng đưa các hảng xưởng trở lại hoạt động ...


Những cái chết vì "nghề nghiệp" như đã nói trên đã đang dấy lên một cuộc khẩu chiến giữa phía công đoàn và bên hiệp hội doanh nhân: bên công đoàn thì cho rằng các doanh nhân không thể nào "ép" nhân công trở lại các cơ sở sản xuất bị thiệt hại khi tình hình chấn động chưa hoàn toàn chấm dứt. Phía bên hiệp hội doanh nhân thì bảo rằng họ chẳng ép ai cả, chỉ sau khi các "cơ quan nhà nước có thẩm quyền" tuyên bố là có thể trở lại những nơi bị chấn động ... thì họ mới mở cửa các cơ sở sản xuất .... Bên cạnh cuộc khẩu chiến nói trên, các "cơ quan nhà nước" quản lý về xây dựng, các ông bà thị trưởng, các chuyên viên xây cất, các nhà làm luật ... đang hăng hái đả kích lẫn nhau và đổ trách nhiệm cho nhau ...

Nhân công đang tìm cách cứu vớt những phong phô mai Parmigiano Reggiano trong một cơ sở sản xuất bị thiệt hại.


Theo lời kể của các nhân công của các cơ sở sản xuất trong vùng bị động đất, họ cũng sợ chấn động khi phải trở lại những hảng xưởng bị sập trước đó, khả năng tai nạn rủi ro và có thể gây thiệt mạng rất cao. Do đó ai cũng sợ. Nhưng họ cũng cho biết là thời buổi kinh tế khó khăn khủng hoảng, nếu không nhanh chóng khôi phục sản xuất thì ... làm sao có lương để sống ? Và mối lo sợ lớn nhất là nếu không nhanh chóng khôi phục sản xuất ... thì chỉ cần 1 tháng không hiện diện trên thị trường là .... Trung Quốc sẽ "chào hàng" ngay ... Có rất nhiều hảng xưởng ngay trước khi động đất cũng đang bị đe dọa đóng cửa vì chủ xí nghiệp muốn dời sản xuất sang Ấn Độ hay Trung Quốc (phần lớn đây là những cơ sở sản xuất của các tập đoàn kinh tế quốc tế) .... do đó nếu không nhanh chóng tìm cách khôi phục sản xuất thì giới lãnh đạo tập đoàn "có thể vin vào cớ là sản xuất không còn an toàn" để di dời sản xuất.

Một cơ sở sản xuất bị thiệt hại trong sau chấn động


Sợ. Sợ chết. Nhưng cái sợ mất công ăn việc làm còn lớn hơn cái chết. Các công nhân bảo rằng họ phải lựa chọn: hoặc chết vì chấn động ... hay chết đói vì mất công ăn việc làm ? Trong hai cái sợ, người công nhân đã chọn cái sợ của "thị trường" nhiều hơn là sợ của "thiên tai".

Động đất thời kinh tế toàn cầu hóa là thế !!!

31/05/2012



28 tháng 5, 2012

Finish Italy !!!


Thật tình mà nói, chẳng còn thiếu “món” gì cả: tham nhũng có, hối lộ có, lạm quyền có, truy hoan trác tán có, đĩ điếm lên làm bộ trưởng có, ma-cô lên làm Thủ tướng có, biển thủ có, trốn thuế có, mị dân có, mafia thì xưa nay không thiếu, khủng hoảng kinh tế có, thất nghiệp có, tự vận có, nhập cư bất hợp pháp có, kỳ thị chủng tộc có, đấu đá nội bộ trong các đảng phái có, đấu đá nội bộ trong Tòa thánh có .... sáng nay lại thêm cá độ bóng tròn ....

Hồi nẫm có ai đó dùng tiếng Anh “bồi”, hay nói “Finish Italy” để diển tả thán từ “hết ý” của tiếng Việt .... Thí dụ như ... “Ăn nói như thế thì ... hết ý” hay “Làm ăn như vậy thì ... hết ý”.

Bây giờ đọc lại chữ “Finish Italy” thì thấy không còn “bồi” tí nào cả ... Đúng là cái xứ này “Hết Ý” rồi ....

Roma, 28/05/2012

23 tháng 5, 2012

Ngày này 20 năm về trước ...

23/05/2012. Ngày này 20 năm về trước (1992), trên tuyến đường cao tốc nối liền phi trường Punta Raisi với thành phố Palermo, khoảng đoạn đường gần ngỏ rẻ vô "Isola delle Femmine", vào lúc 17 giờ 56 phút 48 giây, nửa tấn thuốc nổ, trước đó đã được Mafia chôn ngay dưới một cái ống cống băng ngang đường cao tốc, nổ ngay đúng lúc đoàn xe 3 chiếc, trong đó có một xe chở vị thẩm phán nổi tiếng Giovanni Falcone và vợ, 2 chiếc kia là xe hộ tống của công an. Thuốc nổ đã hất tung 3 chiếc xe lên cao và thiêu hủy hoàn toàn:  vợ chồng thẩm phán Falcone cùng 3 nhân viên cảnh sát hộ tống bị thiệt mạng. Sức công phá của nửa tấn thuộc nổ đã để lại trên tuyến đường cao tốc một "hố bom" rộng 14,3 thước. Viện địa chấn nằm trên núi Cammarata gần đó đã ghi nhận "chấn động" trên toàn bộ phía tây đảo Sicilia. Các máy vi tính của viện địa chất đã "vẽ" ra một "lằn sóng" khiến cơ quan phòng vệ dân sự (Protezione civile) đã phải run chuông báo động".





Vào suốt thời gian năm 1992 tôi được cơ quan cử đi công tác thường xuyên ở Palermo. Gần như là tuần nào tôi cũng phải lấy máy bay đi Palermo, ở vài đêm rồi lại bò về Roma. Mấy ngày sau sau vụ đánh bom nói trên, tôi lại lấy máy bay đi Palermo và lúc vào thành phố Palermo xe của tôi có chạy ngang chổ đánh bom: tôi còn nhớ cả một khoảng trống rộng lớn đã được lấp đất để san bằng hố bom, cách đó chừng non một cây số là tấm bảng chỉ đường rẻ vào "Isola delle Femmine".


Hố bom trên tuyến đường cao tốc


Thẩm phán Giovanni Falcone, Francesca Morvillo vợ của Falcone, và 3 nhân viên công an bảo vệ bị thiệt mạng.



Xác của chiếc xe trong đó có vợ chồng thẩm phán Giovanni Falcone



Khoảng đầu thập niên 90 là thời gian mà tòa án Palermo đang bắt đầu mở ra hàng loạt những vụ xét xử (và kết án) các tay trùm Mafia, một trong những vụ xét nổi tiếng mang tên "maxi processo" trong đó hàng loạt trùm Mafia bị đưa ra trước vành móng ngựa và lãnh án (trong đó rất nhiều án khổ sai chung thân). Thẩm phán Giovanni Falcone là hình ảnh tiêu biểu của ngành tư pháp trong chiến dịch xét xử Mafia. Mafia tuyên chiến với nhà nước Ý. Không khí ở Palermo rất nặng nề, người ta sợ những vụ khủng bố của Mafia để trà thù. 10 năm trước đó cũng chính Mafia đã thảm sát vợ chồng tướng Carlo Alberto Della Chiesa (03/09/1982) ngay tại Palermo vì những vụ điều tra do chính vị tướng này cầm đầu chống lại Mafia.

Tôi còn nhớ thời đó mỗi lần lấy máy bay đi Palermo là cứ lo thấp thỏm: sợ trên máy bay có nhân vật quan trọng nào đó ... mà Mafia để ý ... thì mình cũng có thể bị vạ lây. Có lần máy bay vừa ngừng trên phi đạo của Punta Raisi thì nghe tiếng cô tiếp viên yêu cầu mọi người hảy tiếp tục ngồi yên không ai được phép đứng lên sửa soạn ra cửa máy bay, qua khung cửa sổ tôi thấy ba bốn chiếc xe trong đó có xe cảnh sát chạy thục mạng từ xa đến ngừng ngay dưới chân máy bay, lúc đó hành khách mới biết là trên máy bay có ông thị trưởng Palermo thời đó là Leoluca Orlando (và cũng là tân thị trưởng Palermo trong kỳ bầu cử hôm kia, đây là nhiệm kỳ thị trưởng lần thứ tư của Orlando ở Palermo) và xe cảnh sát cùng cận vệ được phái đến để "cỏng" Orlando về Palermo. Giá mà biết trước có thị trưởng Palermo đi cùng chuyến bay đó chắc tôi cũng xin đổi giờ bay.


Tôi có cô cháu gái, bên nội lại có họ là "Falcone", cũng ngay trong thời điểm đó vợ tôi đi mua vé máy bay để cùng cháu gái đi Genova, khi đọc tên họ con bé ... là Falcone, cô bán vé ngưng viết, hỏi xem có họ hàng gì với ông thẩm phán vừa bị sát hại hay không.

Hôm nay ngay ở Palermo có cuộc mít tinh để tưởng niệm cuộc thảm sát 20 năm về trước. 

Album 1992-2012 Palermo
http://temi.repubblica.it/repubblicapalermo-1992-2012/?ref=HREA-1


Sau 20 năm, hiện giờ tòa án của Ý vẫn chưa kết thúc được cuộc điều tra để biết ai là "đạo diển" của vụ thảm sát ? Thủ phạm "hữu hình" (những người đã nhấn nút đánh bom) thì đã bị bắt rồi, bị xử rồi, nhưng vẫn chưa ai biết sau lưng những thủ phạm hữu hình là ai ?

Roma, 23/05/2012







Hành trình xuyên sa mạc đã xong rồi ...

Roberto Maroni - Tân Tổng bí thư (sắp giáng trần) của đảng Lega Nord

Hành trình xuyên sa mạc đã xong rồi ... 
Thế là ta đổi lạc đà ngay !!!

22 tháng 5, 2012

Đến Tết Công-gô ???


Thông thường thì những cuộc bầu cử địa phương cấp tỉnh lớn tỉnh bé cũng chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc chính trị cấp quốc gia (Quốc hội) một cách tương đối, và thông thường được xem như là “hàn thử biểu” để các đảng phái chính trị ở tầm quốc gia “đón gió” chuẩn bị cho mùa bầu cử Quốc hội.

Nhưng năm nay, kỳ bầu cử địa phương 2012 đã đẩy nước Ý “sang trang”: cây cột thủy ngân tăng biến vũ bảo đến độ ... làm nổ tung cả cái hàn thử biểu ...
Dĩ nhiên là tình hình kinh tế tài chính suy thoái, những khó khăn trong đời sống hằng ngày của người dân trước chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ, hảng xưởng đóng cửa, thất nghiệp gia tăng, thuế má dồn dập ... đã là những chất “xúc tác” gây nên những chuyển biến to lớn trong kỳ bầu cử này ... nhưng không thể nào phủ nhận được sự khủng hoảng trầm trọng của các đảng phái chính trị “chính thống”, bất kỳ tả hay hữu, đến cả các đảng “trung dung – ôn hòa” cũng không tránh được cơn bão.

Diển viên hài Beppe Grillo, sư tổ của phong trào 5 sao

Đọc các kết quả bầu cử ai cũng thấy sự kiện mang tính chất “sóng thần” dĩ nhiên là “đại thắng mùa xuân” của cái “Phong trào 5 sao” của anh chàng diễn viên hài  Beppe Grillo: thành phố Parma (thành phố nổi tiếng đã đẻ ra thứ phô mai nổi tiếng khắp thế giới mang tên “Parmigiano”, nổi tiếng đến độ các anh Trung Quốc đã vội vàng nhảy vô làm hàng nhái mang những tên nhại như “Parmesan”, “Parmizan”, “Parmixan” cốt để tránh bị kiện tụng bản quyền), một thành phố khoảng 186 ngàn dân cư, là thành phố lớn đầu tiên có một ông thị trưởng “5 sao”.

Federico Pizzarotti (phải), tân thị trưởng thành phố Parma


Về mặt chính trị có thể nói rằng một “chu kỳ” đã cáo chung ... dù rằng “chu kỳ” mới chưa ai biết mặt mũi ra sao, chỉ biết rằng kết quả bầu cử 2012 đã thể hiện một cách rất rõ rệt rằng nước Ý muốn “đổi mới”: một phần nhỏ của phong trào đòi đổi mới này cũng đến ngay từ bên trong nội bộ của một vài lực lượng chính trị, nhưng đại bộ phận là đến từ bên ngoài của các đảng phái truyền thống và thường bị gán cho cái thương hiệu “đả đảo chính trị” (anti-politica). Trên thực tế phong trào này cũng rất đa dạng và cũng đáng chú ý. Trước mắt có thể nói rằng phong trào này đòi hỏi một “mô hình chính trị” mới, một mô hình mà các đảng phái chính trị hiện nay không đủ sức đáp ứng, bằng chứng là con số cử tri từ chối không tham gia bỏ phiếu lần này cực kỳ cao: 48,6%, tăng đến 11% so với số cử tri không đi bỏ phiếu hồi năm 2008. Nếu trong một vòng bầu cử mà trung bình chỉ có 51 trên mỗi 100 cử tri đi bỏ phiếu ... thì có nghĩa là đã có một sự rạn nức khủng khiếp giữa xã hội hiện thực và cơ chế pháp quyền, và sự bất tín nhiệm của người dân không chỉ thể hiện đối với “giai cấp lãnh đạo đảng phái”, vốn bị xem vừa bất tài vô dụng lại thêm ăn bám ký sinh vào nhà nước, mà bất tín nhiệm ngay đối với cơ chế dân chủ nghị viện.

Nhưng thay đổi lớn có tính chất cấu trúc chính trị và có tác động lên hàng quốc gia chính là sự thay đổi về quan hệ lực lượng giửa các “cực” (poli).

Trước bầu cử, trong số các thành phố có từ 15 ngàn dân trở đã có đến 98 thành phố do phe “trung hữu” (tức là phe đám của Berlusconi cộng thêm mớ lâu la của Bossi) nắm chính quyền, trong khi “cánh trung tả” (tức là mớ hổ lốn của đảng Dân Chủ cộng với mấy cái phong trào cảnh tả nhồi thêm mớ “môi trường cây xanh”) chỉ nắm được 56 thành phố. Kể từ hôm qua mô hình địa chính đã đảo lộn: cánh tả được 95 thành phố (tức là tăng khoảng 70%) trong phe trung hữu chỉ còn nắm được 34 thành phố (tức là giảm khoảng 65%).

Nước Ý “phồn vinh và đầy khoái lạc” của Berlusconi đã biến thành tro bụi: đảng Tự Do gần như bị xóa sổ ở khắp nơi, thậm chí đến ngay cả những vùng “thánh địa” của Berlusconi ở mạn Bắc hay ở những vùng “bảo hộ” ở miền Nam đảng của Berlusconi bị gạt ngay từ vòng một. Nhìn vị Tổng Bí Thư của đảng Tự Do, Angelino Alfano, vất vã chống đở những câu hỏi của ký giả báo chí ... trong mà tội nghiệp. Thậm chí đến thành phố quê quán của Bí thư, thành phố Agrigento, cử tri cũng “thoải mái” cho đảng Tự Do chìm xuồng.

Cạnh đó, cái nước Ý muốn ly khai để thành quốc gia Padania cũng đang thoái trào: mất phiếu một cách không ngờ, dù rằng Bộ Tam Đầu Chế của cái còn lại của cái gọi là Liên Đoàn Phương Bắc (Lega Nord) đã cắn răng gồng mình cắt da xẻo thịt để tìm cách ngăn chận những hệ lụy do “cái vòng mầu nhiệm” (Cerchio magico) gia đình trị của “Bossi and Sons” gây ra, dù rằng vị tân Bí Thư sắp “giáng trần” Roberto Maroni, một trong những tên “man rợ mơ mộng” (barbari sognanti !!! – Thực tình chẳng biết chúng nó mơ gì ?), ngày đêm cứ tụng câu thần chú “vạn lý trường chinh đã kết thúc” (la traversata nel deserto è finita) ... mà không biết rằng chính bây giờ “vạn lý trường chinh” mới bắt đầu.

Có thể nói rằng cái “mô hình cộng sinh B&B” (Berlusconi & Bossi) đã chết. Một mô hình cộng sinh để một bên giữ được cho mình những đặc quyền đặc lợi kinh tế tài chánh và một bên thì bòn rút sinh khí của một vùng đất vốn truyền thống là “đắc địa” của nền kinh tế sản xuất của nước Ý (mạn đông bắc nước Ý).

Cộng sinh B&B


Còn lại “hồng Ý” (Italia rossa), với những lực lượng hổ lốn của cái gọi là “trung tả”: có thể nói là “hồng Ý” đã “trụ” lại được trước những cơn sóng thần. Nhưng có lẽ các lãnh đạo chính trị cánh tả, nếu không mê muội trên “chiến thắng”, cũng phải nhìn nhận rằng cánh tả thắng phần lớn không phải do chính thực lực hay công trạng của mình, mà chính nhờ vào những sai lầm và yếu kém của đối thủ, nhất là suốt cả mùa tranh cử đã dồn dập xẩy ra những xì-căn-đan về tham nhũng, hối lộ, lạm quyền của toàn ban toàn ngành của vùng Lombardia (xì-căn-đan Formigoni) vốn là thánh địa xưa nay của B&B và những xì-căn-đan vây quanh gia đình Bossi.

Cánh tả cũng phải thấy rằng dù kết quả bầu cử 2012 giao cờ luân lưu cho Đảng Dân Chủ, nhưng Đảng này cũng chỉ có được 25% phiếu – mà lại là 25% phiếu của chỉ 51,4% cử tri đi bỏ phiếu, tức là tính ra cũng chỉ được non 13% trên tổng số cử tri có quyền đi bầu. Và nhất là ở những thành phố lớn như Milano, Genova, Napoli hay Palermo ... những ông bà thị trưởng trúng cử hiện nay đều không phải là người của Đảng Dân Chủ.

Thậm chí khi ông Tổng Bí thư của Đảng Dân Chủ, Pier Luigi Bersani, trước sự thắng cử của “5 sao” ở Parma, đã vớt vát một cách vừa thảm thương vừa khôi hài: “đâu phải chổ nào 5 sao cũng thắng đâu, ở Budrio (Emilia Romagna) và Garbagnate (Lombardia) là phía trung tả thắng vòng hai đấy chứ”. Khổ thật. Budrio là thị trấn có 18 ngàn dân, Garbagnate thì có 27 ngàn, trong khi cái thành phố Parma có thị trưởng “5 sao” lại có đến 186 ngàn dân. Nói thế người ta gọi là “nói lấy có”.

Bộ tam của "cực thứ ba": Casini, Fini và Rutelli.

Với sự phá sản của “cực thứ ba” (terzo polo) của “bộ tam” Casini&Fini&Rutelli và nếu không có một thay đổi thật sự của luật bầu cử, thì coi như là đến năm 2013 (bầu Quốc hội mới) thì đảng Dân Chủ của Bersani cũng sẽ bắt buộc phải đem ra “hâm nóng” lại món canh nguội lạnh “liên minh trung tả” dồn vô đó vừa Vendola (SEL) vừa Di Pietro (IDV), một mô hình liên minh, mà báo chí gọi đùa là “tấm ảnh Vasto” (16/09/2011, tại thành phố Vasto, nhân lễ hội của đảng IDV của Di Pietro, có một buổi thảo luận bàn tròn về một liên minh cánh tả với sự có mặt của Bersani (Đảng Dân Chủ), của Vendola (SEL) và Di Pietro), cùng lắm chỉ có thể cho phép cánh trung tả thắng cử, nhưng chắc chắn là sẽ không tạo được điều kiện cần thiết để có thể có một chính phủ ổn định. Mô hình hổ lốn này đã một lần thất bại: năm 2008 với chính phủ “trung tả” Prodi bị ngay chính đồng minh Mastella “đâm sau lưng chiến sĩ”.

Tấm ảnh Vasto - Vendola, Bersani và Di Pietro

Sau gần hai thập niên ngụp lặn trong vũng lầy của chế độ B&B, cử tri đang lớn tiếng kêu gọi “đổi mới”. Lần này là đến phiên cánh tả phải lấy trách nhiệm, và nhất là phải có can đảm “sang trang”. Chứ còn nếu Đảng Dân Chủ với một Bersani vẫn tiếp tục ngồi rung đùi bên bờ sông chờ xác đối thủ trôi ngang ... thì coi như là nước Ý phải đợi đến “Tết Công gô” ....

Roma, 22/05/2012

21 tháng 5, 2012

Thấy vậy mà không phải vậy !!!

Tin luật sư khiếm thị Trần Quang Thành (Chen Guang Cheng) vừa đến Mỹ an toàn ... thực ra không phải là loại chuyện "có hậu". Thỏa thuận giửa Mỹ và Trung Quốc để nhà đấu tranh nhân quyền Trần Quang Thành được "học bổng" đến Mỹ phải được coi như là "giải pháp ít tồi tệ nhất"  (least worst solution) cho nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Trần Quang Thành và vợ đến New York


Trung Quốc thực ra có dày dạn kinh nghiệm để biết rằng những người đấu tranh đối lập với nhà nước một khi đã ra nước ngoài "tị nạn" thì coi như đã bị "vô hiệu hoá" về mặt chính trị. Bằng chứng là hiện nay có bao nhiêu người sống ở Mỹ hay ở Châu Âu hay ở những nước khác trên thế giới biết đến tên tuổi của những nhà đấu tranh đối lập với nhà nước Trung Quốc hiện đang "tị nạn" ở nước ngoài ? Trường hợp của Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ là một trường hợp hạn hữu gần như là duy nhất. Một Lưu Hiểu Ba (Liu Xiao Bo - Nobel về hòa bình 2010) nằm tù ở Trung Quốc chắc chắn là sẽ được thế giới biết đến nhiều hơn là một Trần Quang Thành mà trong một vài tháng tới, khi mà "sân khấu truyền thông" tắt đèn, thì chẳng mấy ai còn nhớ đến.
Đối với nhà cầm quyền Bắc Kinh việc "chụp mũ" những người đấu tranh đối lập phải chạy ra ngoài tị nạn là "phản bội tổ quốc", thậm chí là "tay sai của tư bản" (sic) là một chuyện rất dễ ..... trong khi chẳng dễ gì chụp mũ những người nằm rục xương trong nhà tù Trung Quốc. Thậm chí đến ngay cả Tây Âu, khi một người đấu tranh chính trị đã "được phép" tị nạn ở nước ngoài rồi .... thì Tây Âu dễ có thái độ coi như mình đã "hoàn thành sứ mệnh" và thế là lẳng lặng quên đi người tị nạn trong một căn hộ nào đó được chính phủ Tây Âu trợ cấp coi như là "bổn phận dân chủ".

Ở những xứ rồng rắn khác tình trạng cũng chẳng khác biệt chi. Thử hỏi mấy ai ở Tây Âu còn nhớ đến một Bùi Tín ? một Vũ Thư Hiên ? Hay gần đây hơn là một Dương Thu Hương ?

Roma, 20/05/2012



20 tháng 5, 2012

Merkel và 7 "chú lùn"


Merkel và 7 "chú lùn"


Chủ nhà của G8 lần này ở Camp David là Barack Obama với look "no veston" "no cà-vạt", thế là các khách đực rựa cũng phải "nhập gia tùy tục".

Roma, 20/05/2012



Họa vô đơn chí !!!

Sáng hôm qua 19/05/2012 một vụ nổ kinh hồn xẩy ra vào lúc 7 giờ 45 ở Brindisi (vùng Puglia, Nam Ý): 3 bình gas được che dấu trong một thùng rác đặt ngay trước cổng ra vào của một trường trung học chuyên nghiệp đã nổ tung làm thiệt mạng một nữ sinh 16 tuổi, gây thương tích cho 6 nữ sinh khác trong đó có một em đang trong cảnh thập tử nhất sinh (đến trưa nay, theo tin các đài thì em này đã hồi tỉnh).
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Ý xẩy ra một vụ khủng bố ngay tại một cơ sở giáo dục và đối tượng là những em học sinh. Từ trước đến nay, những vụ đánh bom khủng bố, dù mang tính chất chính trị hay băng đảng Mafia, đều nhắm vào các cơ sở nhà nước như trại lính, tòa đô chánh, tòa án, văn phòng nhà nước, hoặc là những cơ sở kinh tế tài chánh như ngân hàng, văn phòng thương mãi của các tập đoàn kinh tế, hoặc ở những nơi công cộng tập trung đông người như nhà ga, phi trường hay các quảng trường có mít tinh .... Nhưng chưa hề có chuyện đánh bom ở trường học và đối tượng lại là những em học sinh chưa đến 18 tuổi.
Sau hơn 24 tiếng đồng hồ từ khi xẩy ra vụ nổ, Bộ Nội Vụ vẫn chưa có một kết luận dứt khoát về nguyên nhân và tính chất của vụ nổ. Các cơ quan có chức năng điều tra, các Ủy Ban phòng chống Mafia, công an cảnh sát ... chưa bỏ qua bất cứ một giả thuyết nào: khủng bố chính trị ? Khủng bố quốc tế ? Khủng bố Mafia ? Khủng bố của các băng đảng xã hội đen địa phương ? Hay thậm chí chỉ là một hành động điên cuồng của một cá nhân tâm thần nào đó ? Chưa có cơ quan nào có thể khẳng định được.

Nhưng dù nguyên nhân nào đi nữa, dù tính chất của vụ nổ là gì đi nữa, trước mắt có thể khẳng định hai điều: trước nhất là thủ phạm của vụ nổ đã cố tình gây tử vong, vì các trường trung học thường bắt đầu cho học sinh vào lớp lúc 8 giờ sáng, do đó vào lúc 7 giờ 45 khi 3 bình gas nổ tung là giờ cao điểm lúc các học sinh ở nhiều nơi đổ về đang tụ tập trước cổng trường để chờ vào lớp.
Điều thứ hai là chính sách khủng bố, khi đánh vào một cơ sở giáo dục và gây tử vong cũng như thương tích cho các em học sinh, đã "leo thang", đã đang mở ra thêm một "mặt trận" mới,  với những hệ lụy về chính trị và xã hội không thể lương trước được cho nước Ý.

Vụ đánh bom chưa "nguội", thì sáng nay lại động đất ở vùng đông-bắc nước Ý (giữa thành phố Modena và thành phố Ferrara). Cường độ động đất lên đến 6 độ, ngang ngửa với vụ động đất ở thành phố l'Aquila hồi năm 2009. Đến hiện nay có 6 người chết, và "vẫn cảnh" hàng trăm ngàn người trở thành "vô gia cư".  Thành phố l'Aquila, sau bao nhiều "kèn trống" của Berlusconi và đồng đảng Bertolaso (Chủ tịch Cơ quan phòng vệ dân sự thời Berlusconi) ... Từ năm 2009 đến nay thành phố l'Aquila vẫn còn đang là một đống gạch hoang tàn đổ nát. Khó mà có thể hình dung một viễn ảnh "sáng sủa" hơn cho những nạn nhân của vụ động đất sáng nay.

Nước Ý đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, tình trạng kinh tế tài chánh cực kỳ khó khăn, các chính sách thắt lưng buộc bụng và cắt giảm ngân sách (bắt buộc như liều thuốc đắng trong cơn thâp tử nhất sinh) đang "bào mòn" cuộc sống của người dân Ý, nhất là giới lao động tay làm hàm nhai hay những người hưu trí thấp kém .... Bây giờ lại gánh thêm một viễn cảnh khủng bố leo thang và lại thêm một vụ động đất ...

Họa vô đơn chí !!!

Roma, 20/05/2012



Nhưng Tôn Ngộ Không là giống khỉ ...

Có nhiều người đặt câu hỏi vì sao trước thái độ lấn chiếm và những hành động khiêu khích ở Trung Quốc trên Biển Đông, phản ứng của các chính phủ khác, nhất là trong thời gian gần đây của chính phủ Philippine, đều cứng rắn hơn chính phủ Việt Nam, và nhất là ở các nước khác không có cảnh công an cảnh sát của nhà nước đi đàn áp đánh đập và bắt bớ người dân khi họ xuống đường biểu tình bày tỏ sự phản đối của họ đối với nhà cầm quyền Bắc Kinh. Trong khi người dân ở Việt Nam xuống đường biểu tình chống chính sách xâm lăng bành trướng của Trung Quốc là lập tức bị công an cảnh sát Việt Nam thẳng tay đàn áp bắt bớ giam cầm .... cứ như là đang chống lại nhà nước Việt Nam.

Biểu tình chống Trung Quốc ở Philippine

Biểu tình chống Trung Quốc ở Philippine ... lại có thêm phụ diễn văn nghệ ...

Biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam ... là bị đàn áp bắt bớ !!!

Cảnh sát Việt Nam nhìn người Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc ...như nhìn kẻ thù !!!


Sự khác biệt giữa trường hợp của Việt Nam và của các nước láng giềng khác nằm ở chổ .... là ... lãnh đạo ở các nước khác không hề là "đồng chí môi hở răng lạnh" với các đồng chí Bắc Kinh. Còn lãnh đạo Việt Nam thì .... "được" 16 chữ vàng (*) lúc nào như cái vòng kim cô nằm trên đầu Tôn Ngộ Không .... 
Nhưng Tôn Ngộ Không là giống khỉ .... Là con thú ....

Dễ hiểu quá ....
Nhưng cũng khó chấp nhận quá ...

(*) 16 chữ vàng đó là "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” do chính lãnh đạo Trung Quốc đưa ra xác định tư tưởng chỉ đạo và khung tổng thể phát triển quan hệ hai nước Việt – Trung .
Roma, 20/05/2012






10 tháng 5, 2012

Muốn bỏ phiếu thì cần phải có ít nhất là 18 tuổi.

Berlusconi tuyên bố rằng y chưa hề có quan hệ với bất cứ một người đàn bà nào bỏ phiếu cho cánh tả.

Đúng thế, muốn bỏ phiếu thì cần phải có ít nhất là 18 tuổi.




Chuyện tưởng như đùa ... hóa ra có thật.

Roma, 10/05/2012

Lạy ông tôi ở bụi này.



Thủ tướng Mario Monti: "Tôi đã bảo là "Equità" (công bằng xã hội), chứ đâu có nói "Equitalia".

Chú thích: Equitalia là một cơ sở nhà nước, trực thuộc vào Ty Thuế Vụ, có nhiệm vụ gởi giấy đòi thuế đối với những đối tượng không đóng thuế đầy đủ. Trong những tháng gần đây, trước tình trạng kinh tế khó khăn, nhiều doanh nhân của các hảng xưởng nhỏ đã tự vận khi nhận giấy đòi thuế của Equitalia. Theo báo chí thì từ đầu năm đến nay đã có 34 doanh nhân tự vận vì gặp khó khăn kinh tế, nợ nần chồng chất. Bên cạnh đó còn có những trường hợp người lao động mất việc hay quá túng quẩn cũng đã quyên sinh.


Hôm qua, 08/05/2012, Thủ tướng Mario Monti, nói về đời sống khó khăn của người dân, đã tuyên bố rằng "... Có kẻ đã đưa đất nước đến tình trạng nguy khốn như hôm nay, cũng như có người đang ra sức tìm cách cứu vãn tình thế. Tình hình kinh tế xấu xa tồi tệ, thậm chí đã xẩy ra những thảm trạng nhân tính, là hậu quả của sự thiếu sót trong quá khứ về những chọn lựa chiến lược tầm xa để có thể có những thay đổi cấu trúc cần thiết cho nền kinh tế" (Nguyên văn: "C'è chi ha portato la situazione in questo stato e chi sta cercando di risolvere i problemi. Lo stato negativo e per certi versi drammatico dell'economia italia è figlio di una insufficente attenzione prestata in pasato alle scelte di lungo periodo per riforme strutturali").

Dù Monti không đụng đến tên tuổi của bất cứ một chính phủ nào trong quá khứ, và nhận xét nói trên rõ ràng là quy trách nhiệm chung cho tất cả một "chuổi" chính phủ trong quá khứ và cho cả một giai cấp lãnh đạo chính trị vừa bất tài vừa thiển cận (chỉ biết quyền lợi phe đảng mà không thấy quyền lợi của đất nước). Nhưng Berlusconi và đồng đảng của y đã vội vàng la tán oán lên rằng Monti đang tìm cách đổ tội lên đầu Berlusconi trước những vụ quyên sinh của các doanh nhân và thợ thuyền gần đây. Thậm chí hôm nay, 09/05/2012, đã có một số dân biểu của đảng Tự Do của Berlusconi đã ký "tâm thư" yêu cầu Monti phải chính thức tuyên bố phủ nhận "trách nhiệm của Berlusconi".


Không phải tại tôi !!!


Khi lương tâm không sạch ... thì chỉ cần nghe thiên hạ hô "ăn trộm" thì đã vội vàng đính chánh tùm lum.

Đúng là lạy ông tôi ở bụi này. 

Roma, 10/05/2012