29 tháng 6, 2012

Nước Ý "hồi sinh" nhờ có những Super Mario.


Không biết chiều hôm qua khi đội tuyển Ý hạ một cách “hoàn hảo” (từ vựng của các tờ báo thể thao Ý) đội tuyển đối thủ Đức ... thì những cử tri mạn Bắc của Lega Nord và những tay “vô sản kỳ thị” ở các vùng miền Nam nước Ý nghĩ gì ? Tất cả vinh quang làm cả nước Ý “hồi sinh” (đến cả Thủ tướng “kỹ trị” Mario Monti, vốn không phải là dân “sống mái” với túc cầu như Bà Merkel ... cũng hồ hởi đến độ tuyên bố là sẽ có mặt trong trận chung kết vào chúa nhật sắp tới) ... đều do công lao của một thằng Ý con nuôi (adottivo), mà lại là một thằng “đen” (negro) đến từ vùng đất lạc hậu Châu Phi .... Nói về “profile” thì anh chàng cầu thủ bóng đá này thuộc vào những đối tượng mà các cử tri Lega và các dân kỳ thị đều “kinh tởm” cả ... Vậy mà hôm qua một thằng “kinh tởm” thế mà lại lóng lánh “hào quang” làm cả nước Ý phải quỳ xuống mà sì sụp lạy.



Thậm chí sáng nay một số báo chí Ý còn "bóng loáng" thêm rằng: Bây giờ có đến 3 Super Mario: hai người đầu tiên là Mario Monti và Mario Draghi (Chủ tịch BCE).

Có lẽ Ý là một trong những nước Châu Âu có chiến lược để xử lý vấn đề nhập cư chậm nhất so với những nước khác (như Đức, Pháp, Anh, Hòa Lan ...). Một phần là do lịch sử của Ý không có quá khứ “thực dân” dồi dào (như Pháp, Anh) nên rất dễ bị “dị ứng” với “cái lạ” ... Thứ hai là (cũng lịch sử) nước Ý trước đây vốn có truyền thống “di dân” sang những nước khác để tìm kế mưu sinh ... nên Nhà nước Ý không “quen” phải đón người nước ngoài đến nhà ... 

Tình trạng đó về lâu dài, đưa người Ý đến những “ngộ nhận” về hiện tượng “nhập cư”: cứ hể thấy người nước ngoài đến nước mình là cứ “y chang” rằng đến để “ăn xin, ăn quịt” .... Xem vấn đề nhập cư như là một “gánh nặng” cho kinh tế nhà nước hơn là một đóng góp cho xã hội. Trong khi đó trên thực tế, hiện nay cộng đồng người nhập cư bắt đầu có thu nhập đáng kể và thuế mà họ đóng góp không phải là nhỏ. Thậm chí có những xí nghiệp do người nhập cư làm chủ đã tạo ra công ăn việc làm cho chính ngườu Ý. Đó là chưa nói những đạo quân chuyên nghiệp người nước ngoài trong cách lãnh vực y tế (rất nhiều cơ sở y tế nhà nước Ý đang phải “nhập” y tá từ các nước Đông Âu), hay làm “vú già” (badante) cho cả một lượng người già ngày càng gia tăng (do tuổi thọ ngày càng cao) mà con cháu thì không muốn “vướn bận”, hay đạo quân lao động chân tay trong các xí nghiệp sản xuất nhỏ .... Nếu không có những đạo quân này thì xã hội Ý rơi vào khủng hoảng, bao nhiều gia đình không biết đem “chôn” cha mẹ ở chổ mô, bao nhiêu nhà thương không biết đào đâu ra người phục vụ y tế ....

Nếu như những nước khác, như Mỹ chẳng hạn, mà “kinh tởm” người nhập cư như phần lớn người Ý ... thì có lẽ nước Mỹ không được như hôm nay, vì đi đến đâu ở Mỹ cũng thấy toàn là dân gốc “nhập cư” cả (đen vàng đỏ ... đủ màu).

Thậm chí ở Ý vẫn còn có những lực lượng chính trị vẫn còn dùng những đề tài như “nhập cư”, “quốc tịch”, “cấm làm việc”, “gởi con đến mẫu giáo” ... để tạo những bức tường ngăn cản hội nhập ... và để câu phiếu cử tri Ý.

Cá nhân tôi không ưa gì anh cầu thủ bóng đá da đen hôm qua: kiêu ngạo, vô giáo dục, thô lỗ ... đó là những “đức tính” mà tôi biết về anh này. Nhưng đó là những “đức tính” hầu như là chung của dân cầu thủ, vốn vừa lắm tiền lắm bạc lại được bàn dân tung hô sùng bái, trong khi kiến thức thì không có, nên dễ "hấp thụ" được những “đức tính” nói trên. Thậm chí những người có học, có bằng cấp mà còn có những “đức tính” nói trên ... thì trách gì những anh cầu thủ bóng đá .... mà công trạng cũng chỉ là những cú sút trên sân cỏ.

Roma, 29/06/2012

26 tháng 6, 2012

Những cái "nicht" của Merkel.


Thứ sáu tuần rồi (22/06/2012) “bộ tứ” Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha đã họp với nhau để tiên đoán “vận mạng tương lai” của đồng Euro cũng tương lai của Châu Âu.

Nhưng chắc không mấy người biết rằng trước đó mấy ngày ở thành phố tiêu biểu của “giai cấp tư bản” Geneve (Thụy Sĩ) đã có một họp giữa một số tài phiệt và doanh nhân Châu Âu, cũng để bàn về “vận mạng tương lai” của đồng Euro cũng như tương lai của Châu Âu. Có điều những người có mặt hôm đó không phải chỉ là “bộ tứ” như ở Roma, mà đúng là “tứ chiếng” của nền kinh tế tài chánh và kinh tế sản xuất của Châu Âu: có Đức, có Ý, có Hòa Lan, có Tây Ban Nha, có Anh, có Pháp ....

Giữa hai cuộc họp Roma và Geneve khác biệt ở chổ nào ? Nếu “tứ chiếng” ở Roma chỉ là tiếng nói chính thức của các cơ chế nhà nước (chính phủ) ... thì “tứ chiếng” ở Geneve là đại diện trung thực nhất cho các giới “làm ăn”, tiếng nói thực sự của những dân “có tiền có của”, có cơ ngơi, nói chung là của giai cấp “tư sản kinh tế”.

Theo “tin đồn” thì ở Geneve giới “làm ăn” Đức suy diễn những sự kiện kinh tế tài chánh hiện nay của Châu Âu một cách hoàn toàn khác hẳn với lối suy diễn của dân “làm ăn” thuộc các quốc tịch khác: giới “làm ăn” Đức hầu như không một mãi mai lo âu về những gì đang xẩy ra ở Châu Âu cũng như trên thế giới. Lý lẽ “bình an” của Đức có thể tóm gọn vào những điểm sau đây:

  1. Trong mấy năm nay (kể từ sau khi thống nhất đất nước) Đức đã hoàn thành toàn bộ những công trình cải cách cần thiết để trang bị cho nền kinh tế của mình có đủ khả năng đối phó với mô hình kinh tế toàn cầu hóa.
  2. Đặc biệt là Đức đã cải tổ hệ thống phúc lợi xã hội và thị trường lao động: nâng cao khả năng cạnh tranh của các cơ sở sản xuất của Đức, gia tăng mức độ thâm nhập của hàng Đức, của doanh nghiệp Đức, của đầu tư Đức vào thị trường ở khắp nơi trên thế giới chứ không chỉ giới hạn ở thị trường Châu Âu.
  3. Cho đến nay, không có mấy quốc gia thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, hay nói trắng ra là chẳng có nước nào ở Châu Âu đã theo con đường của Đức. Và thậm chí bây giờ khi “nước đã đến chân” mà các nước nầy vẫn còn cứ “ ỡm a ỡm ờ” không chịu nhanh chóng làm những gì cần phải làm.
  4. Tuy nhiên trước thái độ “ỡm a ỡm ờ” và trước những bất cập vô trật tự của nền kinh tế của các nước khác, Đức cũng vẫn đã quyết định từ bỏ đồng Đức mã để “khai sáng” đồng Euro của chung Châu Âu. Đối với Đức, đấy là một quyết định thể hiện tình đoàn kết và chứa đựng niềm tin của Đức vào tương lai Châu Âu, nhưng cho đến nay niềm tin đó, tình đoàn kết đó đã không được các “partner” ứng trả một cách nghiêm túc.
  5. Nếu những quốc gia đang “mắc nợ như Chúa Chổm”, trong đó hệ thống ngân hàng tài chánh rối ben, thị trường lao động không năng động, hành chánh nhà nước vừa quan liêu vừa không hiệu quả, bắt đầu có can đảm áp dụng các chính sách “khắc khổ” ... thì có thể Châu Âu có khả năng vượt qua cơn khủng hoảng. Nói như thế có nghĩa là ngay từ bây giờ cũng cần phải bắt đầu chuẩn bị các bước đi để tiến đến mô hình “liên bang” trong đó cần phải chấp nhận “chuyển nhượng (một phần) chủ quyền” trong một số lãnh vực như: chính sách thuế khóa, chính sách tín dụng ngân hàng, chiến lược phát triển kinh tế, giảm nợ nhà nước (theo các điều khoảng ký kết trước đây giữa các nước trong Liên Hiệp Châu Âu thì nợ nhà nước không được hơn quá 60% trên tổng sản lượng nhà nước (GDP), trong khi Ý đã lên đến 160%).
  6. Cho dù trong trường hợp chỉ còn “đơn thân độc mã”, Đức vẫn tiếp tục giữ đồng Euro và vẫn có đủ khả năng để đối đầu với những thử thách mới trong thời đại kinh tế toàn cầu hóa.
Bà Thủ tướng Angela Merkel chắc chắn là không thể nào dám “lơ là” với những “tư duy” nói trên của giới “làm ăn” Đức. Dù muốn dù không, cũng như bất kỳ một chính phủ nào, Bà Merkel phải “đánh hơi” cử tri chứ.

Hiện nay thì hầu như toàn bộ các nước Châu Âu (trừ Anh) đều ít nhiều có “ác cảm” với Bà Merkel vì những cái “nicht” liên hồi: nicht giải cứu, nicht Eurobond, nicht tăng trưởng ... trong khi Đức lại là nước “nắm hầu bao”.

Thực ra thì nói đi cũng phải nói lại. Lấy riêng trường hợp của Ý làm thí dụ: một quốc gia nổi tiếng tham nhũng hối lộ (cả một nền Đệ I Cộng Hòa ra tro bụi cũng vì tham nhũng hối lộ. Đến Đệ II Cộng Hòa thì vấn nạn tham nhũng càng tệ hơn trước), trốn thuế là hiện tượng “đại trà”, bất tuân luật lệ (thậm chí đã có lần người vi phạm luật lệ trước nhất chính là ... Thủ Tướng), vấn nạn Mafia (không phải chỉ là buôn lậu, ma túy, trấn lột ... mà còn lũng đoạn cả cơ chế nhà nước) .... liên tục 4-5 thập niên chỉ biết ký nợ mà ăn (phát hàng công trái nhà nước thay vì sản xuất) ... bây giờ nợ như Chúa Chổm ... thì thử hỏi làm sao bắt bà Merkel phải chấp nhận “cùng gánh nợ” với Ý (Eurobond). Bà Merkel làm sao có thể thuyết phục được cử tri Đức ... giải cứu dân Ý trong khi cử tri Ý chỉ biết đi bầu cho một thằng ma-cô lên lãnh đạo nhà nước đem theo cả một bầy lâu la và đĩ điếm vào hội đồng chính phủ để tối ngày chỉ biết chơi bời trác tán trong khi dân Đức cắm cúi lo làm ăn ?

Hy vọng duy nhất cho dân Ý là nếu Đức có đồng ý những biện pháp giải cứu ... cũng vì dân “làm ăn” Đức không muốn mất trắng hết những gì mà họ đã đầu tư của ở Ý (xí nghiệp, ngân hàng, dịch vụ ...). 

Nếu không ....

Roma 26/06/2012



Monti đi thi tú tài.


Bửa nay là 26 tây, ngày mốt 28 tây, và ngày kia là 29 tây, coi như đó là hai ngày quyết định vận mạng tương lai của Châu Âu, của đồng Euro, và ... của nước Ý.

Đối với Thủ tướng Mario Monti đây là ván cờ khó khăn nhất trong đời, là “trận đánh” quyết định luôn cả vận mệnh tương lai của chính phủ “kỹ trị”.

Berlusconi và đám lâu la đang hăm he đủ thứ .... như chỉ chực chờ ngày 30 là “ăn tươi nuốt sống” Monti.

Thái độ của Berlusconi mấy hôm nay giống như một người cha dẫn đứa con đi thi tú tài mà miệng liên tục hăm he thằng con rằng: dù với kết quả đậu rớt ra sao .... về nhà tao vẫn “đớp” mầy cho hả giận. (1)

Nhưng có 2 khác biệt giữa thi tú tài và thượng đỉnh Châu Âu.

Thứ nhất là trong trường hợp thi tú tài thì mấy ông thầy giám khảo chẳng đếm xỉa gì đến thái độ hành xử của ông bố như thế nào với thằng con.

Thứ hai là trong hội đồng giám khảo thi thú tài chẳng có ông/bà giám khảo nào “bạo dâm” (sadistic) đến độ đi bày đủ trò để “vặt lông” thí sinh ... như bà Merkel.

Roma, 26/06/2012




(1): Sáng nay Berlusconi đã có một buổi gặp gỡ với Mario Monti, trong đó Berlusconi đã chỉ trích chính phủ "hoàn toàn bất tài" (trước tình cảnh khó khăn của đất nước). (nguyên văn tiếng Ý là: C'è un senso di indeterminatezza asoluta). Thậm chí Berlusconi còn đưa ra một "triển vọng"  của một chính phủ mới với thằng bồi thân tín là Angelo Alfano làm Thủ tướng, còn y (Berlusconi) sẽ đóng vai Bộ Trưởng kinh tế (sic !!!). 
Giống như cảnh (tưởng tượng) ngày 29/04/1975 .... Bảo Đại đề nghị lập chính phủ mới để cứu vãn miền Nam.

25 tháng 6, 2012

Đường nào rồi cũng dẫn về La Mã !!!


Bên cạnh những “hỉ nộ ái ố” của bầu không khí thể thao, thông thường các trận bóng đá giữa các đội tuyển quốc gia cũng thường ít nhiều được gán thêm màu sắc “chính trị” thể hiện qua tinh thần “ái quốc” của các cổ động viên.
Nhưng với giải “Túc cầu Châu Âu 2012” năm nay có lẽ chưa bao giờ các sân cỏ bóng đá các trận tranh hùng đượm màu “chính trị” như lần này. Những khó khăn kinh tế tài chánh của Châu Âu, trồi sục bất thường của thị trường tài chánh, đồng tiền Euro như “mành treo sợi tóc”, hàng loạt các quốc gia ven biển Địa Trung Hải đang “dở sống dở chết” (Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý), trong khi Đức là quốc gia duy nhất không bị hệ lụy của cơn khủng hoảng kinh tế, thậm chí là quốc gia duy nhất có thể “ra tay nghĩa hiệp” ... thì lại nhất quyết khăng khăng “xiết hầu bao”.
Nhìn các những tấm ảnh của các cổ động viên ở Ý reo hò hớn hở, múa may nhảy nhót, tung hô vạn tuế các cầu thủ của đội tuyển Ý sau khi thắng đội tuyển Anh ngày hôm qua ... mà thấy thê thảm: tìm một vài giây phút ngắn ngủi để nếm được cái mùi vinh quang .... để trốn chạy những khó khăn thực tế của một đất nước không phải chỉ “dầu sôi lửa bỏng” (chỉ) vì khủng hoảng kinh tế tài chánh, mà tệ hại hơn là khủng hoảng của một tầng lớp lãnh đạo chính trị vẫn cứ tiếp tục vùi đầu vào những đấu đá nội bộ lẫn nhau để giàng lấy quyền lực ... và hoàn toàn không có được một khả năng “tái tạo” để có thể đưa nước Ý ra khỏi cơn bảo táp.
















Cử tri Ý hy vọng nay mai, vô vòng chung kết, đội tuyển Ý sẽ đụng đội tuyền Đức, và nước Ý sẽ có dịp "rửa hận" cho đất nước mình ....

Trước thảm cảnh ngày càng tồi tệ của đất nước, người dân Ý chỉ còn biết trốn chạy theo quả bóng trên sân cỏ để nuôi một ảo tưởng rằng .... “đường nào rồi cũng dẫn về La Mã”.

Roma, 25/06/2012


23 tháng 6, 2012

Đồng Euro tái sinh ?


Số phận của đồng Euro chắc chắn sẽ được quyết định trong kỳ họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu vào hai ngày 28 và 29 sắp tới tại Bruxells, và trong thời gian chờ đợi ... thì hôm qua 22 tháng 6 tương lai của đồng Euro cũng đã được “cân đo kỹ lưỡng” trong cuộc gặp gỡ “tứ chiếng”  do chính Thủ tướng Ý Mario Monti tổ chức tại Roma với sự hiện diện của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy.

"Tứ chiếng" ở Roma

Kể từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chánh hồi 2008, tiếp theo đó là nguy cơ vỡ nợ nhà nước của một số nước Châu Âu (Hy Lạp, Ý), đến nay các chính phủ Châu Âu liên miên  “thượng đỉnh” trên dưới khoảng 30 lần với hy vọng tìm ra phương án giải cứu đồng Euro. Và cho đến nay kết quả của các buổi họp thượng đỉnh vẫn là “tay trắng vẫn hoàn trắng tay”. Sau 4 năm “phù phép” và đổ ra gần 500 tỉ Euro như những cái phao cấp cứu, đồng tiền Euro vẫn cứ như trên bờ vực thẳm.

Sau buổi gặp gỡ bộ tứ hôm qua ở Roma, có thể nói rằng với cuộc họp thượng đỉnh trong tuần tới Châu Âu sẽ “sang trang”, nghĩa là đây sẽ là lần đầu tiên mà giới lãnh đạo Châu Âu phải chấp nhận bỏ rơi tất cả những hy vọng để cứu vãn đồng Euro hiện nay và sẽ tìm cách “khai sáng” một đồng Euro mới trong đó những “khiếm khuyết di truyền” của đồng Euro cũ sẽ (phải) được khắc phục. Và cũng thông qua các tuyên bố sau buổi họp hôm qua, người ta cũng hiểu rằng quá trình “hồi sinh” lại đồng Euro cũng không phải là chuyện dễ.

Trước nhất là khó khăn về yếu tố thời gian: sau 4 năm “phung phí” với ảo tưởng cứu đồng Euro1, Châu Âu hiện nay còn rất ít thời gian để đẻ ra đồng Euro2. Theo tuyên bố của bà Christine Lagarde, Chủ tịch Quỹ tiền tệ thế giới, thì Châu Âu chỉ còn “tối đa” 3 tháng để “đổi đời” đồng Euro. Điều đáng mừng là hầu như toàn bộ giới lãnh đạo Châu Âu đều thống nhất là cần phải “nhanh chóng ra tay”. Nhưng có điều là các quan chức lại không thống nhất với nhau về các “phương cách ra tay”.



Thực tế trong mấy năm nay, kể từ khi đồng Euro ra đời và được áp dụng ở 17 quốc gia Châu Âu, cho thấy là không thể nào tiếp tục duy trì một “Liên hiệp tiền tệ” mà không có một “Liên hiệp về ngân sách”. Mà nếu muốn có một “Liên hiệp về ngân sách” thì cần phải có một chính sách toàn bộ hợp nhất Châu Âu về mặt chính trị kinh tế và thuế khóa. Tóm lại, nói ngắn gọn để dễ hiểu là đồng Euro đang được lưu hành hiện nay không thể tiếp tục nếu Châu Âu không có một mô hình chính trị kinh tế hợp nhất cho các nước thành viên.

Điều này có nghĩa là đồng Euro “tái sinh” sẽ (phải) “cứng cựa” hơn đồng Euro hiện nay, bởi vì trong đó Châu Âu đã phải “hợp nhất” một số lượng đáng kể nợ nhà nước của các nước thành viên, đã phải nặn ra một “Liên hiệp ngân hàng” trong đó mỗi chính phủ sẽ phải “nhượng” vào tay của cơ chế kiểm soát ngân hàng ở Bruxelles một ít “chủ quyền quốc gia” của chính hệ thống ngân hàng của mỗi nước. Nói chung là trong bối cảnh mới, cơ chế ở Bruxelles sẽ được ủy nhiệm để kiểm soát chặt chẻ hơn các “món” như quản lý ngân sách nhà nước, hệ thống ngân hàng, quy chế thuế má ....

Về mặt lý thuyết thì toàn bộ lãnh đạo của các nước thành viên Châu Âu đều đồng ý về  những yêu cầu “hợp nhất” vừa kể trên.

Vấn đề là làm sao “dung hòa” được cán cân mà một bên là “chủ quyền” và bên kia là “giải cứu”.

Và hôm qua, ở Roma, khó khăn về vấn đề “dung hòa” cán cân nói trên đã được thể hiện một cách cực kỳ rõ nét trong quan hệ “lưỡng cực” giữa Pháp và Đức.

Bà Merkel thì bảo: “Không bàn đến việc nhượng chủ quyền thì không thể nào nói đến giải cứu !!! Làm sao Đức có thể đồng ý cho phát hành công trái Châu Âu (Euro-bond, tức là gánh một phần nợ của những nước khác) nếu Đức không có khả năng kiểm soát được cán cân nhà nước của các nước khác ? Và Đức làm sao có thể bom tiền thẳng vào các ngân hàng của Tây Ban Nha (hay của Ý trong một tương lai nào đó) nếu Đức không có bất kỳ một ảnh hưởng nào trong quá trình quản trị của các ngân hàng đó, bởi vì chính phủ của mỗi nước vẫn cứ khư khư coi như việc quản trị ngân hàng của nước mình như là “chủ quyền tối cao không nhân nhượng” của một quốc gia ?

Bên kia cán cân là tiếng nói của ông Hollande: “Không thể nào nói đến khả năng nhượng chủ quyền nếu không có một chính sách giải cứu khả thi. Pháp (thời Sarkozy) đã chấp nhận đề nghị về “bộ luật thuế khóa hợp nhất” (Fiscal Compact) do chính Đức đề xướng với mục tiêu là chấn chỉnh ngân sách nhà nước của mỗi nước thành viên, nhưng đổi lại Pháp vẫn chưa nhận thấy có một chính sách giải cứu nào rõ nét cả, và Pháp không thể nào nhượng bộ trong các mục tiêu tăng trưởng (tăng trưởng là một trong những tiền đề của Hollande trong suốt mùa tranh cử vừa qua) nếu Đức không cam kết một cách cụ thể đồng ý chia xẻ những hệ lụy suy thoái kinh tế mà chiến lược “khắt khổ” của Đức có thể gây ra cho Châu Âu.”. Sau đó chính Hollande lại “bồi” thêm một câu: “Pháp không thể nào ngồi đợi 10 năm để thấy Euro-bond ra đời”.

Tóm lại, chỉ khi nào giữa yêu cầu “nhân nhượng chủ quyền” của Đức và yêu cầu “giải cứu” của Pháp có được một “điểm hội tụ” ... thì lúc đó mới có hy vọng tái sinh được đồng Euro.
10 năm thì thường cũng là “tuổi thọ” của các công trái nợ nhà nước. Trong thời gian chờ đợi đồng Euro tái sinh thì thị trường tài chánh cứ vẫn tiếp tục đi thu mua công trái của Đức, làm giảm mức độ lãi của nợ nhà nước của Đức ... và làm tăng “spread” (mức chênh lệch) về giá trị của công trái của các nước Châu Âu khác so với công trái của Đức. Sức mạnh kinh tế của Đức hiện nay khiến thị trường tài chánh đều đổ tiền vào nền kinh tế Đức. Nhưng cũng chính đây là mối “nghi ngờ” của Châu Âu trước những lời hò hét cổ võ chiến lược khắc khổ của Merkel: công luận sẽ tin vào lời cổ vũ của Merkel nhiều hơn nếu người ta không biết rằng chính nước Đức đang “hưởng lợi” nhiều nhất trong tình trạng suy yếu của đồng Euro hiện nay: bỏ qua một bên hiện tượng xuất khẩu Đức gia tăng vì đồng Euro giảm giá, nhưng chính đồng tiền Euro yếu kém và suy thoái kinh tế tài chánh của các nước Châu Âu khác đang “ép” thị trường tài chánh vồn hết vốn liếng vào thị trường chứng khoáng của Đức.

Châu Âu chỉ có thể có hy vọng thấy được ánh sáng của đường hầm nếu đồng Euro có khả năng “tái sinh”. Và cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu sắp tới có thể là chuyến tàu cuối cùng của đồng tiền Euro.

Roma, 23/06/2012