26 tháng 7, 2012

Cải thiện nòi giống ???


Hôm nọ có một anh bạn gởi giới thiệu cho xem hai bài báo đăng trong nước nói về chuyện nhà nước Việt Nam đầu tư đến 600 tỉ đồng (khoảng 30 triệu đô-la) cho một dự án nhằm nghiên cứu bộ gien của người Việt với mục tiêu “cải thiện nòi giống” con Rồng cháu Tiên.



Đọc xong không biết nên cười hay nên khóc.

Những kế hoạch nghiên cứu về gien của con người thực ra cũng đã được một số các chính phủ và các cơ sở y tế cùng các tổ chức đại học, nhất là ở những nước công nghệ hiện đại, đề ra trong phạm vi nghiên cứu và với hy vọng (chỉ gọi là hy vọng) trong tương lai nhân loại có thể có thêm nhiều hiểu biết về gien để có thể có những biện pháp phòng ngừa các căn bệnh di truyền hay tạo thêm khả năng đề kháng cơ thể trong một số điều kiện đặc biệt nào đó. Không nghe nói là có một quốc gia nào đó đặt mục tiêu để “cải thiện nòi giống”. Ít ra là trên giấy trắng mực đen. (Có thể là “bên trong hậu trường” cũng có người có những ý tưởng về “cải thiện nòi giống”, nhưng có lẽ vì vấn đề khá tế nhị nên không bao giờ được nhìn nhận như một mục tiêu chính thức của các kế hoạch nghiên cứu về gien).

Câu từ “cải thiện nòi giống” nghe ấn tượng quá. Trong lịch sử cũng đã có những chế độ (quân phiệt hay độc tài) đã đưa vấn đề “nòi giống” lên hàng quốc sách và các kế hoạch “cải thiện nòi giống” thường đưa đến các chính sách nặng mùi kỳ thị chủng tộc. Điển hành gần nhất là chế độ Đức Quốc Xã vào những thập niên 20-40 của thế kỷ vừa qua với quốc sách “bảo tồn nòi giống Aryan” cũng đã đưa đến những thảm kịch diệt chủng hãi hùng.

Nếu bảo là “cải thiện nòi giống” mang nội dung y tế điều trị cho nhân loại ... thì còn có thể hiểu được. Và điều này thì một số chính phủ và các tổ chức y tế trên thế giới cũng đã và đang làm trong nhiều năm nay như đã nói ở phần trên.

Nhưng nếu “cải thiện nòi giống” mang nội dung hạn chế hơn với mục tiêu con Rồng cháu Tiên sẽ “rồng rắn” nhiều hơn .... để “đi trước đón đầu” các dân tộc khác .... thì có lẽ còn nhiều câu hỏi sẽ phải được đặt ra trước một một công trình đã được chính phủ cho đề xuất đến 30 triệu đô-la trong thời buổi khó khăn kinh tế hiện nay (Nhà nước Việt Nam hiện nay đang kiểm soát chặt chẽ ngoại tệ vì cán cân thương mãi bị nhập siêu).

Tạm thời không nói đến các yếu tố y học, di truyền, về bộ gien ....  Điều thấy nhan nhản trước mắt hàng ngày là đại bộ phận người dân Việt Nam hiện nay đang sống trong một xã hội mà trong đó các quan hệ giữa người với người, giữa người với môi trường, hầu như không có một nền tảng luân lý đạo đức nào để làm mức chuẩn trong đời sống. Ở một xã hội mà tất cả những giá trị nhân bản đều được chà đạp thoải mái bằng sức mạnh của quyền thế và tiền bạc. Đọc báo chí mỗi ngày thấy nhan nhản những tệ nạn từ trộm cướp giữa phố phường, đến án mạng giết người đoạt tài sản, từ những hành hung dã man vì những chuyện nhỏ nhặt trên đường phố đến những băng đảng xã hội đen hoành hành khắp phố thị ... Những cảnh “mua vui” dã man, không những trên thú vật, như trường hợp các món nhậu đặc sản chế biến từ thịt của các loài động vật hoang dã đang được các tổ chức bảo vệ môi trường thế giới cho vào danh sách cần bảo vệ, mà thậm chí lên cả thân xác và nhân phẩm của con người. Và đi xa hơn nữa là những tệ nạn “cao cấp” như tham nhũng hối lộ, bòn rút công trình, chiếm đoạt đất đai của nông dân để đầu cơ bất động sản, bằng cấp giả, đại học giả, thầy thuốc giả ...

Một xã hội không còn tính người đến một cơ chế nhà nước hầu như vô pháp quyền ... Trước một xã hội đất nước với những tệ nạn như thế ... lý do chẳng lẽ chỉ vì gien ? Và chỉ cần phù phép một vài yếu tố gien ... là chúng ta sẽ có một xã hội nhân bản và một nhà nước pháp quyền kỷ cương ?


Ông Hồ ngày xưa có câu nói nổi tiếng: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Nhà nước Việt Nam hiện nay không biết có kế hoạch trồng người ra sao ? Chỉ biết là giáo dục hiện nay xuống cấp đến độ thảm hại. Chỉ cần nói chuyện với các em học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông là thấy khả năng kiến thức phổ thông của các em hạn chế đến mức khủng khiếp không tưởng tượng nổi. Thậm chí còn tệ hơn thời cả hai miền Nam Bắc còn có chiến tranh. Có lần trên một bải biển ở Phan Thiết, tôi có dịp nói chuyện với một em học sinh về chuyện hoàng hôn bình minh ... mới té ngửa ra là em chẳng biết quy luật trái đất xoay quanh mặt trời như thế nào ... để mỗi ngày chúng ta ra bãi biển ngắm bình minh hay hoàng hôn ... Em chỉ ngắm ... thế thôi. Chuyện nhỏ nhặt thế ... nói chi đến pháp quyền, kỷ cương, đạo đức ?

Bây giờ chẳng lẻ tất cả những vấn nạn xã hội này sẽ được giải quyết bằng những kế hoạch kiểu 30 triệu đô-la để “cải thiện nòi giống” ?

Bỏ qua một bên kết quả thuần túy y học của một công trình vĩ đại như thế. Nhưng 30 triệu đô-la trước mắt có thể giải quyết bao nhiêu chuyện bức xúc hằng ngày trong xã hội: từ giáo dục đến y tế, từ giao thông đến văn hóa ....

Chỉ cần nhà nước xác lập lại được những giá trị nhân bản trong xã hội, và tạo cho nhà nước một cơ chế pháp quyền rõ rệt (và bình đẳng) ... là nòi giống sẽ được cải thiện ... Không cần phải “giải ngân” (1) 30 triệu đô-la vào một kế hoạch có hơi hướm “thùng rỗng kêu to” hơn là một công trình nghiên cứu thật sự.

Còn nếu muốn tiếp tục nói chuyện “phong thần” thì có thể nói rằng chỉ cần “cải tạo nòi giống” của nhóm lãnh đạo nhà nước ở Việt Nam để họ biết được thế nào là các giá trị nhân bản, văn hóa, thế nào là bình đẳng, thế nào là nhà nước pháp quyền, thế nào là độc lập tự chủ ...  Như thế thì “nòi giống” của cả nước sẽ tự nhiên tốt hẳn lên ...

Roma, 26/07/2012.




 (1) “Giải ngân” là từ vựng mới sau này (ở miền Nam thời trước 1975 không có). Có nghĩa là phải “giải tỏa ngân sách” đã được cấp trên cấp cho trong thời điểm nào đó. Ví dụ như trong năm 2011, nhà nước đã đồng ý cấp ngân sách là 30 tỉ đồng cho một cơ quan nào đó, mà nếu đến gần cuối năm 2011 số tiền trong ngân sách còn thừa nhiều quá, thí dụ như còn hơn đến 10 tỉ đồng chưa chi, thì cơ quan phải tìm cách “giải ngân” ngay trước cuối năm, vì nếu không thì trước nhất là phải “hoàn trả” ngân sách dư cho nhà nước (điều mà chẳng cán bộ nào của cơ quan nào chịu áp dụng cả), nhưng tệ hơn là nếu năm 2011 đã không “xài” hết ngân sách, thì đến năm 2012 chắc chắn nhà nước sẽ cho ngân sách thấp hơn năm 2011. Giải ngân nói trắng ra là tìm cách “tẩu tán ngân sách cuối năm” để năm tới còn lý do xin nhiều tiền hơn.

16 tháng 7, 2012

Nỗi nhục của người Ý


Có đâu cũng cả mấy chục bạn bè, người quen biết nói thế này: “Lần này thì kể như tàn đời thiệt rồi”.

Người ta bảo hắn vừa già vừa mệt mỏi. Nhưng tôi không hề tin như thế. Quả y như vậy, Hắn đã quyết định trở lại. Khi báo chí vừa loan tin Berlusconi sẽ ra tranh cử lần nữa, nhiều bè bạn người nước ngoài đã viết thư cho tôi. Bè bạn người Ý thì chẳng thấy ai nói gì cả. Người nước ngoài họ hỏi là làm sao mà chuyện như thế lại có thể xẩy ra lần nữa. Sự im vắng của bè bạn người Ý đã trả lời câu hỏi của những người nước ngoài: bó tay thất thủ, ở Ý thì chuyện gì cũng có thể xẩy ra được.

Berlusconi sẽ lợi dụng bầu không khí căng thẳng của xã hội trong thời buổi khó khăn khủng hoảng: lợi dụng cái ảo giác trong tận đáy lòng thâm sâu của rất nhiều người vẫn còn cho rằng dù sao đi nữa với Berlusconi tình hình cũng không đến nỗi tồi tệ (ít ra là không tệ hơn những hy sinh mà Mario Monti đang đưa ra). Và với canh bạc lần này hắn không nhắm đến chuyện thắng cử, chỉ cần quơ quào được một ít phiếu, chỉ cần đủ để có thể có gây được khó khăn, dưới một hình thức nào đó, cho những ai sẽ lên làm chính phủ. Y như từ trước đến nay hắn vẫn làm.

Roberto Saviano
Tháng 7 năm 2012




Thời buổi này thường hay nghe thiên hạ than thở về nỗi nhục nhã làm người Ý. Đúng là người Ý chúng ta có nhiều lý do để mang nhục: nhưng lý do trước nhất là đã không có đủ khả năng để nặn ra một giai cấp lãnh đạo chính trị ra hồn”

Primo Levi
1975

15 tháng 7, 2012

Vá màng trinh !!!


Nghe đâu trên thế giới vẫn còn có một vài nơi, trong đó có mấy xứ rồng rắn, thiên hạ vẫn còn áp dụng cái hủ tục là xem màng trinh như là thước đo để đánh giá nhân phẩm của một người phụ nữ. Em nào mà lỡ “sướng trước thời hạn” để đánh mất cái màng trinh ... thì coi như khó mà đường đường chánh chánh “xuất giá tùng phu” (nhất là khi “phu” – không phải phu khuân vác, phu xe thồ, phu cao su – mà là quý tử của các đại gia – giống như chuyện gì đó xẩy ra ở Cần Thơ mấy tháng trước đây khi gia đình một đại gia tố tụng ra đến tòa án về chuyện một em đã “sướng” xong lại còn tuyên bố còn trinh để đánh lừa cậu ấm .... may là nhờ có bà mẹ chồng khám phá ra “sự gian dối” của cô con dâu – đóng ngoặt).

Nhưng cũng may là trong thời đại khoa học kỹ thuật tiến bộ, y học cũng đã làm nhiều chuyện phi thường .... và nghe nói là một trong những phép mầu nhiệm y học hiện nay là ... vá lại màng trinh. Như thế thì các em nào đã lỡ “sướng” mà vẫn không muốn tan mộng “một bước lên làm bà” ... thì cũng đã được giải quyết ổn thỏa: em như thế là được “sướng” đến hai lần (hay nhiều hơn), các cậu quý tử cũng “lâng lâng” khi có được cảm giác như đã chinh phục “thiên hạ” ... na ná như mấy anh Mỹ hồi thập niên 60 của thế kỷ trước bay lên tận đến đất của chị Hằng để cắm cờ sao cao ngạo.

Thậm chí bây giờ đến cả dân làm chính trị cũng biết đến chuyện “vá màng trinh”.

Sau gần hai thập niên đú đởn trên uy tín của quốc gia, trên thanh danh của nhà nước, trên danh dự của người dân, và nhất là trên tài sản của xã hội, với các màn “burlesque” rẽ tiền đầy ma-cô và đĩ điếm (mà B gọi với danh từ mỹ miều là “những buổi cơm thanh lịch – có điều là cơm thì có thể thanh lịch, nhưng cái gì xẩy ra sau bửa cơm mới là xanh lịch) ... xem ra đã gây nôn mửa cho thiên hạ .... thế là cần phải “vá lại màng trinh” để đến cuối xuân năm tới trình làng nước trong mùa tranh cử.

Để vá lại màg trinh, trước nhất là B phải “khử trùng” quanh mình: cho về vườn những thằng hề không còn tận dụng được kiểu như Emilio Fede đã từng gươm giáo thánh chiến trên tivi bảo vệ giáo chủ, giải tán các “em” đã từng được B nâng niu tâng bốc ... thậm chí đem vô đặt vào ghế của cơ chế nhà nước. 

Điển hình nhất là trường hợp của nàng “chuyên viên vệ sinh răng” (igienista dentale) Nicole Minetti, đã từng được giáo chủ khoe với xóm làng là có đến 2 bằng đại học, thông thạo tiếng nước ngoài, tiếng Anh mẹ đẻ, một triển vọng chính trị cao ngất (thậm chí năm ngoái em này còn tuyên bố với báo chí là em đang “ngọ” ghế .... Ngoại trưởng ??? – Tưởng tượng một bà Clinton phải ngồi đàm đạo với em Minetti về vấn đề Trung Quốc ??? Chắc mấy anh Tàu cười bể bụng !!!). Thực ra em Minetti này bắt đầu "nổi tiếng" kể từ vụ "Ruby gate": chính B, từ Paris trong một phiên họp thượng đỉnh quốc tế, đã điện thoại cho Minetti để ra lệnh em phải đến đồn công an của thành phố Milano lôi "Ruby" về nhà ... trước khi em này "lỡ bạo mồm" nói tùm lum bể thùng.
Vậy mà mấy hôm nay từ giáo chủ đến các quan văn quan võ, cận thần hầu tướng, thậm chí đến các “hoạn quan” cũng nằng nặc đòi em Minetti phải từ chức rời ghế Ủy Viên của Ban quản trị vùng Lombardia.

Nicole Minetti, Ủy viên Ban Quản trị vùng Lombardia


Tính ra thì cũng hiểu cho B. Chuyện em Minetti vào ngồi được trong Ban quản trị cũng là nhờ có lệnh của giáo chủ. Nay giáo chủ muốn “vá màng trinh” thì em Minetti cũng nên biết điều mà ... rút lui có trật tự.

Từ đây cho đến cuối xuân 2013, chắc chắn là chiến dịch “vá màng trinh” sẽ còn gây thêm tai họa cho biết bao cận thần hoạn quan của triều đình phải ôm khăn gói về vườn.

Roma, 15/07/2012




PS: Nghe nói là em Minetti vẫn khăng khăng không chịu từ chức. Thiên hạ đồn rằng em muốn đợi đến tháng 10 để hội đủ “thời gian công vụ” để hưởng “hưu trí nhà nước” .... Tin khác thì nói em đang đòi B phải giao cho em chức Chủ tịch của một tổ chức ONLUS nào đó mà B sẽ nặn ra dưới danh nghĩa “bảo vệ trẻ em”. Đến cả ONLUS, vốn theo định nghĩa là những Tổ chức từ thiện phi chính phủ, cũng bị B “biến tướng” thành ra hạ tầng cơ sở để y gởi ma-cô đĩ điếm đến đó hưởng chế độ hưu non.

14 tháng 7, 2012

Yếu tố B.


Còn non một năm nữa là cử tri Ý lại đi bầu Quốc hội (Quốc hội khóa XVI hiện nay sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối mùa xuân năm tới). Mặc cho tình hình kinh tế vẫn còn đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, mặc cho đời sống xã hội của đa số người dân đang khốn đốn trăm bề (thất nghiệp hiện nay ở Ý đã lên đến 9,4%, và trong giới trẻ (từ 15 đến 24 tuổi) thì tỉ số thất nghiêp đã lên đến gần 36%), các gia đình đang lần lần ăn mòn tất cả những khoảng dành dụm tích lũy từ thời cha mẹ để lại ... Nhưng các lực lượng chính trị, không phân biệt tả cũng như hữu, vẫn “hồn nhiên” ngồi đếm đi đếm lại ai sẽ vào danh sách ứng cử, ai sẽ đứng ra ứng cử vào chức vụ Thủ Tướng (để thay thế Thủ tướng kỹ trị Mario Monti) ... mà cứ làm ngơ quên đi rằng sự ra đời của chính phủ Mario Monti chính là đỉnh cao của sự phá sản chính trị của mô hình đảng phái hiện nay ở Ý. Thay vì phải cố gắng tìm cách tự phê phán và bắt đầu quá trình đổi mới đời sống đảng phái, mới hóa nhân sự của đảng ... thì các đảng phái chỉ có mỗi khả năng là nặn ra các mô hình “bình mới rượu cũ”: loay hoay vẫn cũng chỉ là những “gương mặt quen thuộc” đã hiện lên sân khấu chính trị hơn 2 thập niên vừa qua. Chỉ cần xem thái độ “thu động” của các đảng phái, tả cũng như hữu, cứ thay phiên đỗ dấy trách nhiệm cho nhau ... đễ tiếp tục giữ luật bầu cử hiện hành (còn được gọi với cái tên rất ấn tượng là “Porcellum – Trư Bát Giới” – vì với luật này cử tri bị tước quyền trực tiếp bỏ phiếu tín nhiệm cho từng ứng cử viên dân biểu, mà chỉ còn có quyền bỏ phiếu cho đảng, do đó lãnh đạo các đảng có quyền trực tiếp đề cử ứng cử viên của đảng vào Quốc hội (còn gọi là “danh sách ứng cử viên ô dù” – lista blindata). Nếu đến năm 2013, cử tri vẫn đi bầu Quốc hội mới với đạo luật bầu cử hiện hành thì có nghĩa là lãnh đạo các đảng vẫn cứ “yên tâm” đưa tay sai thân tính, bồi bút, bộ hạ, vợ lớn, bồ nhí, họ hàng, con cháu, cha chú, anh em, gia tộc ... vào Quốc hội ... và đúng là “bình mới rượu cũ”. (Thậm chí nếu tình theo niên đại thì đến năm 2013 rượu lại càng cũ hơn so với Quốc hội khóa trước).

Nhưng có lẽ trong đám ồn ào hổn độn ơi ới gọi nhau để chuẩn bị cho mùa tranh cử 2013 ... thì tin “đồn” rằng Silvio Berlusconi sẽ lại “giáng trần” lần nữa để “cứu độ chúng sinh” là tin giựt gân nhất. Báo chí gọi đây là “yếu tố B” (fattore B) của nền sân khấu chính trị đương đại của Ý.
Thực ra thì cũng chỉ mới là những bài báo kiểu “giựt gân” của các mạng thông tin, như vừa muốn hâm nóng sân khấu chính trị vừa muốn bán báo ....

Kinh nghiệm hai thập niên vừa qua cho thấy là .... Berlusconi luôn luôn ... không bao giờ giữ lời hứa. Thậm chí những gì hắn nói ra, chỉ cần một vài tiếng đồng hồ sau là hắn tuyên bố hoàn toàn ngược lại những gì hắn vừa nói. Nếu cần hắn sẽ mắng chửi báo chí là “vu khống”, hoặc hắn giả mù sa mưa kiểu “nói chơi thôi, ai mà tin là dại !!!”. Cho nên chuyện hắn có “giáng trần” hay không ... thì từ đây đến cuối xuân 2013 còn nhiều pha cụp lạc lắm ... Đây chỉ mới là những khúc dạo đầu tiên của một thiên trường ca bi thảm.

Fattore B


Các cuộc thăm dò ý kiến do báo chí tổ chức cũng cho thấy là “món hàng Berlusconi” hình như không còn mấy ăn khách trên thị trường .... do đó Berlusconi cũng chẳng ngu gì đi rao bán một món hàng đã lỗi thời không còn ăn khách ...

Điều đáng chú ý là sự lo ngại của các lãnh đạo Châu Âu (Đức, Pháp, Anh ....) về tình hình nước Ý sau mùa bầu cử năm 2013. Trong hai năm cuối, trước những khủng hoảng kinh tế tài chánh của Châu Âu, và nhất là những đe dọa sống còn hệ thống đồng Euro ... tất cả các biện pháp, các đề nghị, các tư tưởng lớn ... đều đang tập trung vào nước Ý: nếu Ý vượt cạn được thì Châu Âu có thể thoát cơn khủng hoảng, nếu Ý chìm xuồng thì coi như đồng tiền Euro phá sản. 

Chính phủ Mario Monti đang cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được, thậm chí với những cái giá phải trả rất cao về mặt dân sự xã hội, để Ý không bị gạt ra khỏi Châu Âu, để tránh cho nước Ý nỗi nhục nhã mà Hy Lạp đã phải hứng chịu, để lấy lại uy tín và thanh thế cho nước Ý sau hai thập niên “burlesque” của gánh hát “Silvio & Company”. Và đến nay thì Chính phủ Mario Monti cũng đã đạt được một vài kết quả đáng khích lệ. Nhưng nếu đến năm 2013, với Quốc hội mới, với một chính phủ mới ... thì ai có thể bảo đảm rằng nước Ý sẽ tiếp tục theo con đường “chấn chỉnh” mà Mario Monti đã vạch ra ? Và nếu chính phủ mới lại có Berlusconi ... thì coi như những gì mà Mario Monti đang kêu gọi dân Ý khắc khổ hy sinh ... đều coi như đổ sông đổ biển ... và tình hình Châu Âu lại tiếp tục đen tối.

Dĩ nhiên mỗi quốc gia đều có tự chủ độc lập, không bất cứ một lãnh đạo Châu Âu nào dám hó hé “can thiệp” vào chuyện chính trị nội bộ của nước khác. Nếu có hỏi nghĩ gì về khả năng Berlusconi lại “giáng trần” lần nữa .... thì ông bà Châu Âu nào cũng chỉ ầm ừ tuyên bố ... “đó là chuyện nội bộ xứ Ý !!!”, nhưng theo các tin từ các giới am tường chính trị quốc tế thì các ông các bà Châu Âu đều đang “đánh lung tung trong bụng” ... Thậm chí nghe nói đến ông Obama bên kia bờ Đại Tây Dương cũng ... “run” trước một viễn ảnh .. mà 8 tháng về trước ai cũng tưởng đã đẩy lùi vĩnh viển vào quá khứ. 

Trên thế giới hiện nay chỉ có độc mỗi một lãnh đạo chính trị duy nhất cầu mong Berlusconi “gáng trần” là ... Putin. Gheddafi thì chết rồi nên "được miễn".

Thật ra vấn đề “giáng trần” của Berlusconi, trước khi trở thành vấn đề chính trị, nó là vấn đề thuộc về văn hóa văn minh. Trong một quốc gia nếu có đến gần ¼ cử tri đi bỏ phiếu cho một nhân vật bi hài mà khắp thế giới mỗi khi nhắc đến tên ai cũng bụm miệng cười (khinh bỉ). Ở bất cứ một quốc gia Tây Âu nào với truyền thống dân chủ nghị viện ... thì một danh hài như Berlusconi nếu may lắm là không ngồi tù .... nói chi đến chuyện tham chính và thậm chí lên làm Thủ Tướng. Thậm chí đến các xứ rồng rắn những người lãnh đạo dù có thối nát đến đâu cũng vẫn còn chút ít sĩ diện không lôi cả ma cô và đĩ điếm lên làm bộ trưởng. Chỉ có mỗi nước Ý mới dung thân cho một thằng hề vừa đánh trống vừa la làng. Điều này chứng tỏ rằng trình độ văn hóa và mức độ văn minh của một bộ phận khá đông cử tri Ý còn quá thấp: những trò hề diễu cợt rẽ tiền, những câu nói đùa cợt vừa thô bỉ vừa lỗ mãng ... đáng ra phải làm cho người nghe thẹn giùm ... thì rất đông cử tri Ý lại xem như đó là một cung cách làm chính trị gần gủi với quần chúng: ăn tục nói bậy, thô lỗ y như quần chúng. 

Một lý do khác để khá đông cử tri bỏ phiếu cho thằng hề này là tư duy khinh thường luật lệ nhà nước và chạy chọt đút lót khá phổ biến trong xã hội ý (tham nhũng hối lộ hiện nay là vấn nạn hàng đầu của nước Ý) ... và trong lãnh vực này thì Berlusconi là “vô địch” và đúng là “tấm gương” đáng để các cử tri loại này noi theo.

Nếu ngày nào trình độ văn hóa và mức độ văn minh của cử tri Ý không được “nâng cấp”, thì "yếu tố B" vẫn lúc nào cũng thường trực đe dọa xã hội Ý, cho dù B có mặt hay không có mặt trực tiếp trong Hội đồng chính phủ.

Roma, 14/07/2012