30 tháng 8, 2012

Trận tuyến Thái Bình Dương.


Nguyên tác bài báo mang tựa đề “La battaglia del Pacifico Cina-Giappone, le isole contese”  của Giampaolo Visetti, ký giả thường trú ở Bắc Kinh, đăng trên nhật báo “la Repubblca” ngày 29/08/2012. Huê Đăng chuyển ngữ.

****


Địa đầu giới tuyến của cuộc “chiến tranh các quần đảo” đang đốt cháy Thái Bình Dương là một cái làng chài nằm vật vờ trên vùng biển Đông – biển Nam Hải theo cách gọi của Trung Quốc. Cho đến cách đây trên dưới một tháng cái làng chài mang tên Tam Sa (Sansha) này vỏn vẹn chỉ có 128 ngư dân, phần lớn đã già cả và sống âm thầm như những nhân vật bị đắm tàu lạc lên các hoang đảo và bị thế giới lãng quên như trong các câu truyện mạo hiểm. Hằng ngày các ngư dân này ra biển quăng những cánh lưới đánh cá cũ kỹ vá chằng vá chịt trong khi đợi những chuyến tàu tiếp vận hàng tháng chở vật dụng chi tiêu và thực phẩm đến từ cảng Văn Xương (Wenchang)  – thuộc đảo Hải Nam (Hainan) của Trung Quốc) cách Tam Sa dưới 200 dặm. Đó là thời bình an của cuộc sống của những ngư dân, bình an trong lãng quên của thế giới trần tục xa xôi.

Nhưng bây giờ thì trên đảo Tam Sa con số “cư dân” đã được “đôn” lên thành 833 mạng, phần lớn là của 195 gia đình được chính quyền Trung Quốc “hổ trợ di cư” từ thành phố Hải Khẩu (Haikou – phía bắc đảo Hải Nam).

Trong chốc lát khoảng 2 ngàn ngư dân Trung Quốc bổng dưng có trong tay những trang thiết bị đánh cá cực kỳ hiện đại được “gởi” đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Sa. Từ cảng Quỳnh Sơn  (thuộc thành phố Hải Khẩu) chiếc tàu vận tải Quỳnh Sơn 3 (Qiongsha 3) đã khởi hành để đi đến quần đảo Phú Lâm (Yongxing Islands) đầy ấp 250 dân “di cư” đến từ các đồng lúa của Quảng Đông (Guangdong).

Nhiệm vụ của các cánh dân “di cư” này là xây dựng “địa đầu giới tuyến” cho Bắc Kinh trên khu vực đang “nóng hừng hực” ở Châu Á: các quần đảo trên biển Đông đang nằm trong cuộc chiến tranh giành chủ quyền giữa các cường quốc “đang lên” (emergenti) của thế giới, những “vùng đất” có ý nghĩa chiến lược của các nền kinh tế đang có tham vọng thống trị kỷ nguyên hiện đại thông qua sự kiểm soát của một đại dương.

Những người nông dân Trung Quốc bị Bắc Kinh đẩy đến những hoang đảo chơ vơ trên mặt biển này, với mục tiêu gia tăng lực lượng cho các đoàn tàu đánh cá ở đấy, thường là những thanh niên trẻ và trước khi lên đường họ đã được Đảng Cộng Sản Trung Quốc "giáo dục"  qua một khóa huấn luyện về tinh thần ái quốc ... và sau chuyến hải trình vất vã họ đặt chân lên đảo Tam Sa, với làn da đã cháy nắng, trong im lặng và đầu óc đầy những suy tư. 

Song song với các chuyến hải trình của đám “di cư” là các “cầu không vận” của quân đội Trung Quốc  tải đủ thứ: từ lính tráng đến vũ khi, đạn dược, trang thiết bị, vật liệu ... để xây dựng cấp thời những trại lính mới.

 “Phi thường” của Trung Quốc là từ một không gian trống rỗng ... chốc lát biến thành một đô thị pháo đài (città fortezza) nằm ngay lỗ rún của những xung đột trong nay mai, một thành phố được phát triển siêu tốc một sớm một chiều trên một khu vực quần đảo san hô rộng 2,3 kí-lô mét vuông, nhanh chóng biến thành một căn cứ quân sự để “chiếm ngự” 2 triệu kí-lô mét vuông mặt biển đa chủ nhưng lại “mồ côi” ...

Ở quần đảo Phú Lâm hơn 2/3 các đảo nổi đã được quân đội Trung Quốc tuyên bố “khu quân sự - cấm vào” và những người lính Trung Quốc đang ngày đêm chiến đấu quyết liệt trong trận chiến đầu tiên trên quần đảo: xua đuổi các đoàn hải âu và đánh phá các hang động tổ chim của các loài chim biển đã ngàn năm sinh sống trên đó .... để dành lấy đất để xây dựng trại lính, giao thông hào, kho vũ khí, các hạ tầng cơ sở cho các dàn phóng tên lửa ... và thậm chí cho một đường bay để nay mai có thể tiếp đón những phi cơ hạng cở Boeing 737 của những tuyến hàng không dân dụng sẽ đầy ấp du khách đang được quảng cáo trên các mạng du lịch của Trung Quốc. Phần còn lại của quần đảo Phú Lâm hiện nay chỉ là một đô thị mới nhưng mệt mỏi phát triển theo mô hình “Châu Á hiện đại”, hoàn toàn mới toanh bao quanh con đại lộ huyết mạch mang tên .... “đại lộ Bắc Kinh” (sic !!!). Trên con đại lộ duy nhất này hiên thời chỉ có một cửa hàng duy nhất mang tên “China Mobile” (theo mô hình phát triển đô thị mới của các quốc gia “đang lên” thì nhà nước không cần phải đầu tư vào việc xây dựng hạ tầng cơ sở hữu tuyến – đường dây điện thoại, mà phát triển thẳng lên truyền thông vô tuyến – các mạng lưới điện thoại di động), một đại lý của Ngân hàng Công Thương, một văn phòng bưu điện, một cái chợ với những quầy bán hàng gia dụng ... hạng bét, một nhà thương .... và một nhà tù để dành nhốt những tay đánh cá lậu (trong số đó có nhiều ngư dân Việt Nam bị bắt giam – lời ghi thêm của người dịch). Đường xá không thấy có xe hơi, thi thoảng dăm ba chiếc xích-lô có gắn động cơ điện .... nhưng cuối con đại lộ là cả một bãi đậu xe khổng lồ trống vắng ... và dọc theo đại lô là các toán công nhân đa ra sức chùi rửa đánh bóng những khu nhà cao tầng, tuy hoành tráng dù rằng chưa dứt điểm xây cất, dành làm văn phòng chính phủ và nhà nước.

Đấy là thành phố hiện đại Tam Sa, trên thực tế là một trại lính được ngụy trang khéo léo, là “địa đầu giới tuyến” địa chính của nhà cầm quyền Bắc Kinh, là đảng bộ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc nơi tiền đồn, là biên giới cực Nam của một thể chế cộng sản đang trên đường thành công về mặt kinh tế, hình tượng tiêu biểu của cả một dàn máy tuyên truyền ái quốc của siêu cường hiện nay trong khu vực Châu Á. Lễ khánh thành thành phố Tam Sa (ngày 24/07/2012) đã được chính quyền Bắc Kinh “trao chuốt” thành một sự kiện truyền thông vĩ đại. Được nâng cấp hành chánh từ “huyện” lên “địa cấp thị”, đối với 1,4 tỉ người Trung Quốc thì Tam Sa đã thành vùng đất “cực nam” của họ. (Trong cơ chế tổ chức hành chánh hiện nay của Trung Quốc, “Địa cấp thị” lớn hơn “huyện” nhưng nhỏ hơn “tỉnh” – Phía Việt Nam không có đơn vị hành chánh tương đương với “Địa Cấp Thị” của Trung Quốc, và cả Tây Âu cũng không có đơn vị hành chánh tương đương, do đó trong nguyên văn bài viết bằng tiếng Ý, ký giả đã phải “mạnh tay” ghi rằng Tam Sa được nâng từ “contea a prefettura” ... nhưng trên thực tế Tam Sa chưa thể sánh ngang hàng với một prefettura).

Lễ khánh thành đô thị Tam Sa

Từ thành phố Tam Á (Sanya – cực nam của đảo Hải Nam), một kiểu “địa ngục trần gian” đầy bê-tông với xi-măng, theo cách đánh giá phê phán của giới kiến trúc xây dựng, cóp nhặt bắt chước theo kiểu các hải đảo Caribe ở Đại Tây Dương và được nâng lên thành “thiên đàng du hí” của các đại gia mới phất lên ở Trung Quốc, ở vùng Đông Nam Á, thậm chí ở Nga, hàng ngày các kênh truyền hình ra rã những show kiểu “Ngộ ái Tam Sa” với những vũ nữ trẻ đẹp đóng vai nữ quân nhân vận váy cực ngắn chân lắc mông thân lắc ngực mà miệng thì rĩ rã tụng những câu nhạc đại loại kiểu “Tam Sa, Tam Sa, thành phố xinh tươi quê hương em ...”.

Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hải Nam đã tổ chức “Đại Hội Nhân Dân” lần thứ I của thành phố Tam Sa và tấn phong một loạt 60 vị, mà trước đó chẳng ai hề nghe nói đến tên tuổi, thành “Dân biểu” của Tam Sa ... và 60 vị này đang tổ chức thành lập Chính phủ đô thị Tam Sa.

Quá trình thành lập chớp nhoáng đơn vị hành chánh Tam Sa là thành quả của một quá trình “hổn nhập thập cẩm kỳ thú” (fusione straordinaria) giữa ý thức hệ chính trị ái quốc cộng với lực lượng quân đội võ trang bên cạnh các áp-phe béo bở ... tất cả mớ “hổ lốn” ấy được đem đổ lên mấy hòn đảo san hô nằm trơ trọi giữa biển .. với mục đích của Bắc Kinh nhằm diệt từ trong trứng nước tất cả những quyền lợi hay ý đồ đương đại hoặc chỉ đơn thuần là những khích bác thù hận lịch sử của nhiều nước trong khu vực đang làm tăng độ nóng của vùng biển Á Châu ... cứ như là khu vực xung đột mới của thời toàn cầu hóa trong đó những căng thẳng được “di tản” từ Châu Âu sang vùng Đông Nam Á. 

Ở đây các quốc gia thù địch của Trung Quốc là Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Thái Lan, Brunei ... thậm chí đến cả Campuchia và Singapore.

Các vấn đề quyền (quốc tế) về các hoạt động đánh bắt hải sản, hoặc như một làng chài bị “biến tướng” thành một pháo đài ... thực ra chỉ là những cái cớ bề nổi của những cuộc hiệp thương thượng đỉnh đa quốc gia. Trên thực tế, chạy chung quanh mấy cái quần đảo san hô trơ trọi giữa biển cả .... mỗi năm có đến 5 nghìn tỉ đô-la hàng hóa, tương đương với ½ tổng số hàng hóa vận chuyển đường biển của thế giới. Và ai nắm được quyền kiểm soát các tuyến đường hàng hải trong khu vực ... là nắm dao đằng cán.

Bên cạnh đó còn phải kể đến các tài nguyên và năng lượng thiên nhiên nằm dưới đáy của mấy cái đảo san hô: dầu khí, khoáng sản, địa chất hiếm (terra rara) cần thiết cho các công nghệ cao cấp, một kiểu két sắt nằm dưới lòng biển. Kết luận: thống trị được Thái Bình dương cũng có nghĩa là bảo đảm được các nguồn nguyên liệu và năng lượng trong mấy thập niên sắp tới .... và thoát ra khỏi sự tùy thuộc về năng lượng vào các quốc gia Trung Đông hay Nga.

Và tất cả những lợi ích kinh tế trong vùng biển cộng với quá trình “phất lên siêu tốc” của Trung Quốc ... đang trở thành một mối đe dọa thế “thượng phong” của Mỹ, đang có chiều hướng gây ra một cuộc chiến tranh lạnh vây quanh các quần đảo trong vùng biển Thái Bình Dương: từ các quần đảo Sakhalin nằm ở phía Bắc (tranh chấp chủ quyền giữa Nga và Nhật) đến các quần đảo Palawan (Phi Luật Tân) được coi như là “bức màn sắt” đương đại.

Từ Tam Sa Trung Quốc đang mở chiến lược tranh giành địa chính với Việt Nam và 6 quốc gia khác trong vùng trên chủ quyền của tổng thể 750 hòn đảo trong quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) đầy dầu khí, bên cạnh bãi đá ngầm Scarborough ngấm đầy dầu hỏa như một tấm xốp (Phi Luật Tân cũng tuyên bố chủ quyền trên bãi đá ngầm này).

Mặt trận Thái Bình Dương tính ra vượt qua khỏi khuông khổ chủ quyền của các quần đảo, nó xuyên suốt cả toàn bộ đường biển Đông Nam của Trung Quốc, và sau lưng của các đội tàu đánh cá, của các cuộc “đổ bộ” lên đảo của các “nhà  đấu tranh quốc gia” ... là bóng dáng của các hàng không mẫu hạm và các tầu ngầm nguyên tử của các lực lượng hải quân của các siêu cường đang cố gắng vẽ lại bản đồ địa chính của các quyền lực thế giới.

Đã mấy thế kỷ trôi qua, khu vực Á Châu lúc nào cũng có những căng thẳng chủ quyền về lãnh hải cũng như trên các quần đảo mà mỗi bên lại dựa trên những chứng tích lịch sử hay những bản vẽ địa dư khác biệt nhau. Nhưng hiện nay tình hình căng thẳng này đang có những bước “leo thang” chưa hề thấy. Một phần là cũng do những biến động tài chánh của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Tây Âu. 

Các kế hoạch khai thác nguyên liệu và năng lượng thiên nhiên đang chuyển dần từ đất liền ra biển khơi .... Và Trung Quốc đang tìm cách “thu mua” các tập đoàn khai thác năng lượng của Mỹ, của Anh, của Canada, của Úc. Bắc Kinh đang gầm gừ sau lưng Hoa Thịnh Đốn ... Trong khi đó một số nền kinh tế của các nước “đang lên” ở Châu Á đang tìm cách kết hợp với nhau trước mối đe dọa bá quyền của “thực dân mới” Trung Quốc. Các áp lực của tình trạng căng thẳng hiện nay đã khiến các siêu cường đang phải “dàn quân” lại: Mỹ đã phải xem lại chiến lược dàn binh của các căn cứ quân sự từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Nga đã phải ký kết vói Trung Quốc  “hiệp ước năng lượng”. Trung Quốc liên tục gia tăng ngân sách dành cho quốc phòng, nhất là trong lãnh vực nghiên cứu về tàu ngầm nguyên tử và thám hiểm không gian.

Tuy nhiên một mình Trung Quốc không đủ sức để châm ngòi nổ cho một cuộc chiến  trong nay mai. Thực chất của các màn báo động trên các quần đảo có màu sắc trầm trọng ở Châu Á là bởi tác động của “năm 2012”, một năm mà thế giới đã/sẽ chứng kiến quá trình thay đổi quyền lực của 4 nền kinh tế có tính quyết định trên thế giới (bầu cử Tổng Thống ở Nga, bầu cử Tổng Thống ở Pháp, bầu cử Tổng Thống ở Mỹ, đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc) và quá trình thay đổi sâu sắc của hệ thống chính trị-kinh tế-tài chánh của Liên hiệp Châu Âu.

Sau sự kiện Putin trở lại cầm quyền ở Điện Cẩm Linh, đến đảng cộng sản Trung Quốc, vốn đang đấu đá nội bộ giữa hai phe “cải cách” và “bảo thủ”, tháng mười này sẽ lựa chọn lãnh đạo cho thập niên sắp tới. Mỹ thì sẽ đi bầu lại Tổng Thống. Nhật thì sau cuộc khủng hoảng hạt nhân xẩy ra ở Fukushima chắc sẽ bắt buột phải tổ chức bầu cử trước hạn mãn nhiệm kỳ. Chính trị Hàn Quốc thì đang bị xáo trộn sau vụ bắt giam người anh của Tổng Thống về những vụ tham nhũng hối lộ và trong kỳ bầu cử Tổng thống sắp tới cô con gái của cố độc tài Phác Chính Hy (Park Chung Hee) có nhiều khả năng thắng cử. Miến Điện của Aung San Suu Kyi, sau khi tuyên bố xóa bỏ chế độ kiểm duyệt báo chí truyền thông, cho thấy có nhiều hứa hẹn cho thời hậu quân phiệt.

Những cảnh “nghẻn mạch bí đường” (cortocircuito) của các cuộc tranh cử mang đậm màu sắc ái quốc cực đoan đan chùm với nhau, hệ quả của một quá trình toàn cầu hóa bị tha hóa bởi cuộc khủng hoảng của mô hình muốn kết hợp tư bản với dân chủ, đã đang trở thành ngòi nổ cho những cuộc thư hùng giữa các chế độ toàn trị quanh vùng Thái Bình Dương trong bối cảnh xung đột giữa các nền kinh tế vĩ đại của thế giới. Bắc Kinh, Đài Bắc, Tokyo, Seul đang đấu đá với nhau bằng những màn “đổ bộ yêu nước” lên các quần đảo đang tranh chấp: từ các quần đảo Điếu Ngư (Diaoyu – tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc)  đến Trúc Đảo (Takeshima – tranh chấp giữa Hàn Quốc và Trung Quốc), với mục tiêu nhằm thu phục lại được sự đồng tình trong nước dựa trên những nợ nần thù hằn dân tộc xẩy ra từ thời Đệ II thế chiến nhưng đến nay vẫn chưa bôi xóa hết được: vẫn là những cuộc thảm sát hơn nữa thế kỷ về trước, vẫn là những biểu tượng cũ kỹ được đem ra đánh bóng lại, vẫn là những hình ảnh của những nạn nhân phụ nữ bị hiếp dâm tập thể hay bị ép làm “nữ hộ lý” cho những binh sĩ của phe chiến thắng, vẫn là những lá cờ xưa nay: nhưng mục tiêu và quyền lực thì đều mới lạ với sự chỉ đạo của thị trường và hiện diện của các công ty siêu quốc gia đang ra sức đổ bộ lên vùng Châu Á Thái Bình Dương với ý niệm sẽ trực tiếp bắt tay với giai cấp lãnh đạo chính trị và giới quân sự. 

Trên các quần đảo đầy ấp nguyên liệu và năng lượng thiên nhiên cũng như trên các tuyến đường hàng hải ở Thái Bình Dương ... tất cả như đang đứng trên bờ vực thẩm chỉ chực lao xuống và cho đến hôm nay hậu quả trước mắt tạm thời chỉ là những thời khắc căng thẳng ngoại giao, những kế hoạch di quân đổ bộ, và những cuộc tập trận phô trương với súng đạn thật để hù dọa lẫn nhau.

Trung Quốc thì vẫn cứ một mực khăng khăng đảm bảo lòng mong muốn giải quyết những tranh chấp xuyên các cuộc đàm phán ôn hòa song phương.

Nhật thì đang cố gắng ngăn chận những hành vi ái quốc cực đoan của các Thống đốc ở Tokyo và Osaka.

Hàn Quốc thì tuyên bố không đem những tranh chấp trên các bãi đá Dokdo ra trước Tòa án quốc tế.

10 quốc gia của khối ASEAN, dù rằng hồi tháng 6 vừa qua đã không đi đến thống nhất để ký chung một văn bản kết thúc hội nghị: một sự kiện chưa hề xẩy ra trong 45 năm kể từ khi ASEAN ra đời, nhưng các thành viên ASEAN cũng đã hứa hẹn là sẽ chằng dùng đến vũ khí để thắng cuộc chạy đua khai thác nguyên liệu và năng lượng trên Thái Bình dương.

Tuy nhiên trên các đảo ở vùng Viễn Đông, từ Uotsuri đến Okinawa, từ Đài Loan đến Marinne hiện đang xẩy ra 3 cuộc giao tranh có tính chất quyết định cho thế giới: giao tranh để chiếm lấy vị trí lãnh đạo chính trị giữa các siêu cường; giao tranh để kiểm soát năng lượng và nguyên liệu; giao tranh đối đầu mang tầm thế kỷ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc thì dùng chiêu bày cho vay nợ để làm áp lực với đối phương. Mỹ thì tìm cách hỗ trợ các “đồng minh”.

Các ngư dân ở Tam Sa cũng thừa trí khôn để biết rằng lãnh đạo Bắc Kinh chẳng tự dưng khơi khơi bỏ công của tiền bạc ra để biến một làng chài thành một đô thị hoành tráng, một tỉnh lỵ pháo đài .... chỉ để khai thác du lịch ? Hay để mang mỗi năm 5 tấn hàng nhái (hàng giả) của các thương hiệu cao cấp của Châu Âu ra đó trưng bày trong các trung tâm thương mãi lộng lẩy nằm giữa biển khơi ?

Công ty quốc gia khai thác dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc, CNOOC, đã tuyên bố sẳn sàng đầu tư 15 tỉ đô-la để thu mua công ty cạnh tranh Nexen của Canada với mục tiêu đi đến các ký kết thỏa thuận khai thác dầu khí với tập đoàn Exxon và Shell.

Giữa chính phủ địa phương của đảo Phú Lâm và Hồng Kông vừa bắt đầu kế hoạch hợp tác khoang thăm dò ở các độ sâu dưới biển.

Nhà Trắng đánh “lung tung trong bụng”, trên đất liền thì cắm cờ đổ quân, dưới lòng biển thì vừa khoang vừa xây ống dẫn dầu.

Điều chắc chắn là Bắc Kinh không đổ tiền đổ của lên một làng chài .. để ăn tôm ăn cá.

Fu Zaichou, một người Trung Quốc 10 năm trước đến làng chày này lập nghiệp với mớ hành trang gồm mấy bộ áo quần và hai cái bẩy đánh bắt tôm hùm .... Bây giờ thì Fu Zaichou đã chuyển sang nghề .... bán thẻ điện thoại di động cho những cư dân vừa mới được Bắc Kinh "đày" đến Tam Sa.

Khi hàn huyên thì Fu Zaichou lúc nào cũng lớn giọng tuyên bố hùng hồn rằng “phải giữ từng tất đất thiêng liêng của tổ quốc” .... Nhưng sau đó thì chính y lại thì thầm to nhỏ rằng “nếu bọn phản bội Hà Nội đặt chân lên mấy cái quần đảo này .... thì ở đây sẽ tràn đầy thủy quân lục chiến với cờ sao sọc !!!”.

Đúng 15 gờ 30, tàu vận tải Quỳnh Sơn 3 nhổ neo trở về Hải Nam. Trên tàu chỉ còn lại có đám thủy thủ. Những người khác đều đã phải neo lại nơi địa đầu giới tuyến.

Roma, 30/08/2012
Huê Đăng chuyển ngữ.

Bình loạn: Bài viết của ký giả Ý Giampaolo Visetti “La battaglia del Pacifico Cina-Giappone, le isole contese” đăng trên nhật báo “la Repubblca” ngày 29/08/2012 rất đáng đọc: đây là một góc nhìn vấn đề biển Đông của một người “ngoài cuộc”, không có một dính dáng lịch sử gì với các quốc gia đang tranh chấp lãnh hải, do đó không mang một tư duy thù hay bạn. Và nhất là có một cách đánh giá về những căng thẳng ở biển Đông trong một bối cảnh tranh chấp quyền lực chính trị và kinh tế có tính chất toàn cầu, vượt qua các tranh chấp “cục bộ” địa chính trong vùng.

11 tháng 8, 2012

Đàn bà, đàn bà, rồi lại vẫn đàn bà !!!


Y hệt như các  kịch bản cải lương đầy hỉ nộ ái ố trong đó cái thiện và cái ác đấu đá quyết liệt một mất một còn, và màn chót là màn then chốt trong đó ác nhân sẽ phải đền tội đúng lúc trống kèn trổi dậy trong bầu không khí phấn chấn của chiến thắng công lý trước khi tấm màn nhung hạ xuống ... và khán giả hả hê ra khỏi rạp nức nở tôn vinh các vai thiện nhân và hết lời nguyền rủa ác nhân ... Và hôm mùng 9 tháng 8 vừa qua tương lai của cả một siêu cường thế giới đều được quyết định ở Tòa án của thủ phủ Hợp Phì (Hefai) thuộc tỉnh An Huy (Anhui) y như màn chót của một vở cải lương, trong đó toàn bộ giới lãnh đạo Bắc Kinh đã tìm cách thí mạng một ác nhân hầu cứu vớt toàn bộ uy tính của Đảng và sự ổn định chính trị của Trung Quốc, đúng y như những nghi thức tế thần vẫn thường thấy định kỳ trên sân khấu chính trị của các nhà nước toàn trị rồng rắn Châu Á ... và lần này đặc biệt là đoạn chót của cùng một tuồng cải lương được trình bày song song trước khán giả qua hai kịch bản trên hai sân khấu khác nhau ...

Trong khi tòa án Hợp Phì đang cáo buộc tội trạng bà Cốc Khai Lai (Gu Kailai) (1) , vợ của “Hồng Hoàng tử” Bạc Hy Lai (Bo Xilai), vốn là cựu Bí thư đảng ủy của tỉnh Trùng Khánh (Chongquing), và trước đây, trước khi bị hạ bệ, Bạc từng được xem như là “vì sao đang lên” trong hàng ngũ lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc, từng được tôn vinh như “hiện thân của Chủ tịch Mao”, với viễn ảnh sẽ được vào danh sách Ủy Ban Thường Trực của Bộ Chính trị trong kỳ đại hội đảng lần thứ 18 sắp tới ... thì song song đó tại thành phố biển Bắc Đới Hà (Beidaihe) thuộc tỉnh Hà Bắc (Hebei) toàn bộ cấp lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã họp kín kiểu “nội bất xuất ngoại bất nhập” (conclave) để dàn xếp những đấu đá nội bộ trong đảng và để lập danh sách các ứng cử viên sẽ được đưa vào các tổ chức trung ương của Đảng trong kỳ đại hội 18 sẽ được tổ chức vào tháng 10 sắp tới (2). 


Gia đình Bạc Hy Lai thời hoàn kim

Cả hai “sân khấu”, một ở Hợp Phì, một ở Bắc Đới Hà, một là một phiên tòa, một là cuộc họp kín, đều không có sư hiện diện của báo chí cũng như của công chúng và tất cả đều được bao trùm trong một màn sương bí ẩn dầy đặc.

Phiên tòa Hợp Phì xử một vụ ám sát nổi tiếng mà ác nhân là một bà luật sư trẻ đẹp nổi tiếng, và nhất là phu nhân của một bí thư đảng ủy ở một tỉnh với 32,8 triệu dân cư và được xếp trong danh sách của 13 thành phố có nền kinh tế phát triển siêu tốc hàng đầu ở Trung Quốc ... và người bị ám sát là một “tay áp-phe” người Anh có tên là Neil Heywood sống lâu năm ở Trung Quốc, trong quá khứ cũng đã từng hoạt động cho cơ quan tình báo của Anh ... và đã từng có những “áp-phe” với Bạc Hy Lai khi Bạc còn giữ chức vụ Bí thư đảng ủy Trùng Khánh. Nhà chức trách Trùng Khánh đã tìm thấy thi thể của Neil Heywood trong một khách sạn cao cấp ... vị bị ngộ độc ... và bà Cốc Khai Lai, vợ của Bạc Hy Lai bị tình nghi đã chủ mưu đầu độc Neil Heywood vì có những “bất đồng” trong áp phe. Điều “ngạc nhiên” là sẽ chẳng có ai biết đến một âm mưu sát hại ... nếu trước đó Vương Lập Quân (Wang Lijun), vốn là Cảnh sát trưởng khu vực Trùng Khánh dưới thời của Bạc Hy Lai, đã âm thầm đánh cắp một vài tế bào tim của thi thể của Neil Heywood trước khi xác của Neil Heywood được hỏa táng, và chính Vương, vào ngày 6 tháng 2 năm 2012 đã trốn vào lãnh sự Mỹ ở Thành Đô (Chendu) thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan) với các kết quả xác nghiệm trên tế bào tim của Neil Heywood để minh chứng rằng Neil Heywood bị đánh thuốc độc ...và gia đình Bạc Hy Lai có dính líu đến vụ ám sát vì Neil Heywood đe dọa sẽ tố cáo những hành vi tham nhũng của Bạc. Mọi chuyện bắt đầu từ đó.

Theo các giới am tường hậu trường Trung Quốc thì vụ án ám sát đầu độc Neil Heywood thực chất là một vụ đấu đá nội bộ giữa các phe phái trong lãnh đạo đảng trước khi bước vào đại hội Đảng (3). Theo nhận định của các chuyên gia chính trị quốc tế thì hiện nay trong Đảng cộng sản Trung Quốc có một cuộc tranh giành quyền lực giữa phe “kỹ trị” của Ôn Gia Bảo và phe bảo thủ trong đó Bạc Hy Lai là một trong những nhân vật đại diện tiêu biểu. Và trước mắt là vụ án xét xử Cốc Khai Lai đã chắn đường Bạc vào Ủy Ban Thường trực của Bộ Chính trị dù trong nội bộ Đảng cũng còn rất nhiều lực lượng ủng hộ Bạc (4). Và chính vì thế song song với vụ án Hợp Phì ... giới lãnh đạo cao cấp của Đảng đã họp kín ở Bắc Đới Hà để “hòa đàm” giữa các phe phái và tìm cách thống nhất để giải quyết ổn thỏa vụ việc của Bạc, và nhất là phải tìm cách lấy lại được uy tín của Đảng vốn đang bị sói mòn vì những tệ nạn như tham nhũng hối lộ, lạm quyền .... và nhất là những căng thẳng trong giới lao động nghèo khó sống bên lề ở thành thị hay nông dân bị áp bức phải từ bỏ ruộng vườn đưa đến những bất công xã hội và thậm chí đã có những xô xát đẩm máu với lực lượng chính quyền địa phương.

Lịch sử đôi khi xẩy ra những trùng lập một cách bất ngờ.


Nếu cuộc đấu đá nội bộ tranh chấp quyền lực sau khi Mao mất .... đã đi đến màn chót của vở tuồng năm 1976 với kịch bản “Tứ nhân bang” (Băng đảng 4 tên – Gang of four) và ác nhân chính là một phụ nữ: bà quả phụ của Mao, Giang Thanh (Jiang Qing), bị kết án đã chủ mưu (xuyên qua ảnh hưởng lên chính Chủ tịch Mao) gây ra những rối loạn và tội ác trong suốt thời “cách mạng văn hóa”. Và sau lễ tế thần Giang Thanh, cả Chủ tịch Mao và toàn thể lãnh đạo Đảng được “lịch sử tuyên bố trắng án”... Để rồi 36 năm sau, cũng lại đấu đá nội bộ tranh chấp quyền lực trong Đảng ... cũng đi đến màn chót với kịch bản không khác chi mấy so với kịch bản năm 1976: lần này ác nhân vẫn là một người đàn bà, và cũng có quan hệ vợ chồng với một nhân vật cao cấp trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng ... Phiên tòa Hợp Phì cũng đã quyết định kết tội Cốc Khai Lai, rất có thể là Cốc Khai Lai sẽ được hưởng khoang hồng để tránh bị xử tử và bản án sẽ đổi thành chung thân khổ sai ... y hệt như bản án đã được áp dụng cho Giang Thanh 36 năm về trước.

Vấn đề còn lại là số mạng chính trị của Bạc đang được định đoạt ở Bắc Đới Hà.

Hầu như trong mọi bi kịch chính trị ... lúc nào cũng có một người đàn bà đóng vai ác nhân để cứu rỗi cho chính những người đàn ông đã đưa đẩy người phụ nữ vào vai trò ác nhân.

Đàn bà, đàn bà, rồi lại vẫn đàn bà !!!

Nếu như không có đàn bà ... thì chắc các nhà viết sử cũng chẳng biết viết gì ... và lịch sử chắc cũng trở thành một bộ môn nhàm chán với những chuyện vớ vẫn và ngu xuẩn của đám đàn ông không có đàn bà đem lên bàn tế thần để cứu rỗi số mạng chính trị của chính các đấng mày râu.


Roma, 11/08/2012




(1) Bà Cốc Khai Lai đang ra trước vành móng ngựa

(2) Đằng sau cuộc họp ở Bắc Đới Hà

(3) Màu sắc chính trị của vụ Cốc Khai Lai

(4) Cina: appello conservatori contro Wen