27 tháng 11, 2012

Bóng đè.



Trong khi người dân Ý phải nai lưng ra đóng thuế bất động sản, cho dù là nhà để cư ngụ hay cơ sở kinh doanh sản xuất hoặc đất đai trồng trọt, thì chính phủ kỹ trị của Mario Monti, sau bao nhiêu tháng hứa hẹn “công bằng thuế má”, lại vẫn tiếp tục lưu giữ đặc quyền đặc lợi miễn thuế bất động sản cho Tòa thánh Vatican.

Cái đặc quyền đặc lợi miễn thuế bất động sản cho Vatican có từ năm 1929, là một trong những điều khoảng của “Hiệp ước đồng thuận” (Trattato di Concordato - còn có tên là Patti Lateranensi) được chính quyền phát-xít của Mussolini ký với Tòa Thánh Vatican. Dựa theo điều luật của Hiệp ước thì tất cả các bất động sản thuộc quyền sở hữu của Tòa thánh đều được miễn thuế bất động sản. Các bất động sản này có thể là tu viện, chủng viện, nhà thờ, nhà thương, trung tâm an dưỡng, trường học, đất đai, đồn điền, nhà cửa .... của Vatican.

Vấn đề có lẽ cũng không có gì đáng để bàn cãi nếu quyền miễn thuế được áp dụng lên những bất động sản chỉ thuần dùng để hoạt động tôn giáo (nhà thờ, tu viện, chủng viện, cơ quan truyền giáo ...) hoặc dùng để làm các dịch vụ phúc lợi xã hội như viện mồ côi, các “căn tin” hay những nhà trọ qua đêm cho người vô gia cư.

Nhưng khổ nổi là bên cạnh các hoạt động tôn giáo hay xã hội như đã kể trên, ngay trên bất động sản thuộc quyền sở hữu của Vatican, nhà thờ cũng có những hoạt động không chỉ thuần tôn giáo hay xã hội mà lại mang tính chất thương mãi, nghĩa là có “mua bán”, có “đồng ra đồng vô” ... Đó là những “nhà trọ của các Sơ” (nổi tiếng trong cộng đồng người Việt là nhà trọ “Phát Diệm” ở Roma), những địa điểm bán quà lưu niệm cho du khách nằm trong các khu thánh địa, những trường tư thục do các Sơ điều quản ....  Do được miễn thuế bất động sản, các địa điểm hoạt động thương mãi kể trên của Tòa thánh có được những lợi thế trong cạnh tranh thương mãi với những cơ sở thương mãi “dân sự” bình thường khác. Đơn cử thí dụ như nhờ được miễn thuế bất động sản, các “nhà trọ bà Sơ” có thể áp dụng giá biểu thấp hơn là một nhà trọ bình thường (nơi mà chủ nhà trọ phải đóng thuế bất động sản như bao nhiêu công dân khác).

Tình trạng nói trên gây ra hiện tượng “cạnh tranh thương mãi bất bình đẳng” ... Và chính vì lý do này mà từ năm 2006 Ủy Ban Châu Âu đã bắt đầu mở điều tra về khả năng “vi phạm luật tự do cạnh tranh thương mãi” của chính phủ Ý và sau đó đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Chính phủ Ý phải sửa đổi lại việc áp dụng miễn thuế bất động sản cho Tòa Thánh Vatican và đe dọa là sẽ trừng phạt Ý nếu không khắc phục tình trạng nói trên.

Ủy Ban Châu Âu ước tính là, trên tất cả các bất động sản của Tòa Thánh (*), chính phủ Ý thất thu thuế khoảng từ 300 đến 500 triệu Euro mỗi năm, và nếu phải xử phạt từ năm 2006 đến nay thì chính phủ Ý sẽ bị phạt khoảng 3,5 tỉ Euro.

Trong tình cảnh thắt lưng buột bụng, cắt giảm ngân sách dành cho phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục, giao thông công cộng, văn hóa, lại tăng áp lực thuế trong khi công ăn việc làm ngày một giảm, thế mà chính phủ kỹ trị lại vẫn tiếp tục duy trì quyền miễn thuế bất động sản cho Tòa thánh vừa gây thất thu cho nhà nước lại thêm khả năng bị Ủy Ban Châu Âu phạt 3,5 tỉ. Và nếu bị phạt ... thì lại chính người dân phải nai lưng ra trả tiền phạt.

Chính phủ kỹ trị (cũng như các chính phủ khác trước đây) đều đưa lý do là các cơ sở “thương mãi” của nhà thờ đều là những đơn vị kinh doanh bất lợi nhuận (no-profit), do đó không thể xem như là một cơ sở kinh doanh bình thường. Thế thì một căn hộ của một gia đình bình thường dùng để cư ngụ .... thì chắc chắn là căn hộ đó không thể đẻ ra lợi nhuận, thế thì tại sau chủ căn hộ lại không được miễn thuế bất động sản như Tòa thánh ? Tệ hơn nữa là trong tình trạng khủng hoảng kinh tế tài chánh như hiện nay, có rất nhiều cơ sở sản xuất đang gặp khó khăn lỗ lã, do đó không đẻ ra “profit”, thế nhưng đối với pháp luật, các cơ sở đó vẫn phải chịu thuế bất động sản ? Cũng cùng “no-profit” như nhau, thế mà chỉ có Tòa thánh là có đặc quyền đặc lợi được miễn thuế ?

Chính phủ cũng đưa ra thêm một lý lẽ khác: những cơ sở của nhà thờ hoạt động phúc lợi xã hội như nhà thương, trường học ... thì không thể đánh giá là hoạt động thương mãi thuần túy. Thế thì các nhà thương tư dân sự ? Các trường tư thục nhưng không do bà Sơ cai quản ? Các cơ sở “dân sự” đó nào có được miễn thuế bất động sản ?

Do đó nói gì thì nói, chuyện tiếp tục duy trì miễn thuế bất động sản cho Toà thánh Vatican là điều không thể chấp nhận được. Và chắc chắn là một nhà “kỹ trị” như Mario Monti biết rõ điều phi lý nói trên.

Chẳng qua là thành phố Roma, có một dòng sông, đó là con sông Tevere. Bên bờ hữu ngạn của con sông, ở khoảng khúc giữa thành phố có cái tháp hùng vĩ to lớn của Tòa thánh Vatican, một kỳ công kiến trúc và điêu khắc của Ý thời thế kỷ 16. Vào những ngày có ánh nắng rực rở cái tòa tháp hùng vĩ này phủ bóng mình lên một vùng rộng lớn của thành phố  ... như muốn nhấn mạnh rằng quyền lực của Tòa thánh lúc nào cũng “phủ” ảnh hưởng của mình lên đời sống chính trị xã hội của nước Ý.

Tòa tháp hùng vĩ to lớn của Vatican

Chả thế mà cái chính phủ kỹ trị của Mario Monti, một chính phủ nổi tiếng là đã có can đảm đưa ra những đề luật cải tổ cực kỳ “gai góc” mà trước đây chẳng có chính phủ nào dám “thử nghiệm” nếu không muốn bị mất phiếu, (thí dụ như luật cải tổ hệ thống hưu trí, luật lao động ....) hoặc đưa ra những chính sách thắt lưng buột bụng vừa cắt giảm ngân sách nhà nước vừa tăng thuế (mục tiêu là để chấn chỉnh lại cán cân chi tiêu nhà nước vốn từ nhiều năm nay bị lạm chi một cách “vô tư”) gây ra phẩn nộ và chỉ trích của công luận .... để rồi cuối cùng, khi đi ngang qua dòng sông Tevere cũng bị “bóng đè”.

Roma, 26/11/2012
 



Chú thích:
(*) Tòa Thánh Vatican hiện nay có 8779 cơ sở giáo dục và văn hóa trong đó có 140 trường hay viện Đại Học, 6228 nhà trẻ, 1280 trường tiểu học, 1136 trường trung học, 2300 viện bảo tàng và trung tâm văn hóa.
Về mặt y tế Tòa thánh có 4712 đơn vị trong đó có 10 nhà thương đa khoa, 111 bệnh viện, 1853 trung tâm điều dưỡng.
Về cơ sở tôn giáo thì Tòa thánh có gần 50 ngàn đơn vị trong đó có 36 ngàn nhà thờ, 12 ngàn nhà nguyện, 504 chủng viện, 1000 tu viện.
(theo nhật báo “la Repubblica” ngày 25/11/2012)

24 tháng 11, 2012

Một niềm hy vọng.



Trong bầu không khí cực kỳ hổn loạn của chính trường nước Ý hiện nay, với những xì-căn-đan về tham nhũng hối lộ, lạm quyền và ăn cắp công quỹ không phân biệt đảng phái, cộng thêm các đặc quyền đặc lợi của giai cấp lãnh đạo chính trị, đã khiến cho cử tri Ý hầu như trở nên lơ là với đời sống chính trị, thậm chí khuynh hướng "tẩy chai chính trị" (antipolitica) đang nổ ra rầm rộ với sự ra đời của những "phong trào" săc mùi mị dân với những cung cách suy tôn lãnh tụ không kém gì Bắc Hàn .... 

Trong mớ bòng bong hổ đốn đó ... sự kiện  bầu cử sơ bộ của khối trung tả là một chấm sáng trong con đường hầm u tối .... Nó cho phép những cử tri nào còn tin tưởng vào đời sống chính trị đảng phái (lành mạnh và dân chủ) còn có hy vọng ... không phải tất cả đều đổ sông đổ biển. Nhất là bầu không khí tranh cử sơ bộ, mặc dù có khi nổ ra những căng thẳng, những màn đấu khẩu nẩy lửa  (thật ra một không khí tranh cử thật sự thì phải như thế, cứ xem những cuộc bầu cử sơ bộ ở Mỹ chẳng hạn, ở đó đấu đá cũng nào có nương tay ... Thí dụ hồi năm 2008, tranh cử sơ bộ giữa Obama và bà Clinton .... cũng đâu có thiếu những màn đấu đá xảo quyệt ...) cho thấy là có một sự cọ xát so sánh lành mạnh để tìm ra nguồn lực tốt nhất cho đời sống chính trị của khối trung tả nói riêng, của nước Ý nói chung.
  
Nó cũng minh chứng cho thấy là con tim của đời sống chính trị ở khối trung-tả còn "đập nhịp" chứ chưa "hôn mê" như phía bên cánh hữu, nơi mà cho đến nay người ta cũng không biết là đảng PdL của Berlusconi sẽ tổ chức bầu cử sơ bộ hay không ? Thậm chí Bẹt cứ sáng trưa chiều tối ngồi lải nhải như người mắc bệnh tâm thần câu "thần chú": Ta sẽ trực tiếp xông trận ... Ấy thế mà cái câu "thần chú" chết tiệt ấy lại đang định đoạt số phận chính trị của đương kim Tổng Thư ký của đảng PdL: thái tử Alfano Angelino ....

 Đồng sàn dị mộng !!!

Vả lại, nếu tất cả đổ sông đổ biển ... thì cũng có nghĩa là đời sống chính trị đảng phái sẽ tàn lụi. Và trong sự thiếu vắng đời sống chính trị đảng phái (lành mạnh)... thì sân khấu chính trị chỉ còn lại có mỗi một kịch bản duy nhất: "mị dân độc tài đảng trị". Cái kịch bản tồi tệ này thì nước Ý đã nếm mùi trong gần hai thập niên vừa qua. Thời thế hệ ông cha ở Ý trước đây cũng đã nếm mùi này cũng trong hai thập niên cho đến khi chấm dứt Đệ II thế chiến. Mấy nước rồng rắn ở Châu Á thì đang chìm đắm trong kịch bản tồi tệ này ... không biết đến bao giờ.

Dù kết quả bầu cử sơ bộ ngày mai thế nào đi nữa, dù bất cứ ứng cử viên nào thắng ... thì cũng vẫn là điều tốt đẹp: tốt đẹp cho khối lực lượng chính trị trung tả, và cũng vẫn là một niềm hy vọng cho nước Ý.

Roma, 24/11/2012

 

20 tháng 11, 2012

Đi với Bụt mặc áo cà sa … đi với ma mặc áo giấy.



Từ ngày hôm qua (19/11), công luận xứ Ý lại xôn xao bàn tán về một “chuyện lạ”.

Ông kế toán riêng của Berlusconi bị một nhóm “người lạ” xông vào nhà bắt làm con tin suốt cả đêm 15/10/2012 với mục đích gây sức ép lên Berlusconi để “bán” một số tư liệu “có lợi cho Berlusconi” với giá 35 triệu Euro.

Tình tiết của câu chuyện rất ly kỳ, và cho dù nhà chức trách Ý đã bắt giam toàn bộ “băng đảng lạ” … nhưng đối với tòa án câu chuyện vẫn còn có quá nhiều điều “lạ” chưa được giãi mã. (xem chi tiết câu chuyện ở đây  

Điều lạ đầu tiên là không hiểu vì sao mà Berlusconi đợi đến 31 tiếng đồng hồ sau khi xẩy ra sự cố …. mới ra lệnh cho luật sư tố cáo vụ việc với tòa án. Berlusconi cần 31 tiếng đồng hồ đó …tranh thủ “sắp xếp” một số “chuyện lạ gì đó” … trước khi báo cho nhà chức trách vụ việc. ?

Tạm thời bỏ qua một bên câu hỏi mấy cái tư liệu mà “băng đảng lạ” muốn bán cho Berlusconi thực sự là “hàng thật” hay “hàng dỏm”, điều lạ thứ hai là: một nhân vật như Berlusconi, có cả một đạo quân luật sư thầy kiện lẫn đám quần thần có mặt khắp nơi, do đó nếu một ai đó có “hàng” muốn “gạ bán” cho Berlusconi (như đã xẩy ra với các cuộn băng thâu âm mà Berlusconi đã “mua” trước đây trong vụ “áp-phe” Unipol, hay tệ hơn nữa là cuộn băng thâu những buổi gặp gỡ với giới “cải tính” của Piero Marrazzo, (cựu) Thống đốc vùng Lazio), thì chỉ cần “tiếp cận” với đám bầy tôi của Berlusconi …. Chứ cần gì phải võ trang súng ống xông vào nhà bắt kế toán của Berlusconi …. Chỉ để gạ bán tư liệu ? 

Nội chỉ hai câu hỏi đó thôi, cũng thấy là chuyện ông kế toán “bunga bunga” bị bắt làm con tin … quả là quá lạ. (Giuseppe Spinelli có biệt danh là “kế toán bunga bunga” (ragioniere bunga bunga) vì chính hắn là người, theo lệnh của Berlusconi, mang tiền hàng tháng đến cho các “nhí” ở “chung cư” ở đường Olgettina ở Milano)

Nhưng dẫu sao đi nữa thì việc giãi mã những tình tiết “lạ” nói trên là nhiệm vụ của tòa án. Tạm thời cứ phải kiên nhận đợi kết quả của các cuộc điều tra vẫn còn đang tiếp diễn.

Nhưng tự câu chuyện ông kế toán “bunga bunga” người ta có thể đưa ra hai kết luận sau đây.

Kết luận thứ nhất là Berlusconi là một người rất được “quen biết” trong “thị trường chợ đen tư liệu”. Từ những chuyện đi mua những cuồn băng (như đã kể trên), hay thậm chí cho bầy tôi lặng lội đi làm những chứng từ giả mạo (vụ căn hộ Montecarlo có dính líu đến Gianfranco Fini) … tất cả chỉ với mục đích gây áp lực để đánh gục đối thủ chính trị. Từ đó, giới băng đảng xã hội đen đều nhìn thấy Berlusconi như là một “khách hàng sộp”. sẳn sàng trả giá cao để mua những tư liệu (thậy hay giả) “nhạy cảm” được đánh cắp hay được lén lút giấu giữ một cách bất hợp pháp.

Kết luận thứ hai là với những quan hệ như thế với “thị trường chợ đen tư liệu”, thì bản thân Berlusconi cũng trở nên một nhân vật rất dễ bị áp lực: những ai đã “bán” tư liệu cho Berlusconi … thì cũng chính là những người có thể về lâu về dài hăm dọa phanh phui những chuyện “mua bán bất hợp pháp” nói trên. Bất hợp pháp là bởi vì, nếu Berlusconi là một công dân biết tôn trọng pháp luật, thì y đã phải tố cáo với nhà chức trách khi có “người lạ” tiếp cập để “chào hàng” các tư liệu mật …. Đằng này Berlusconi, dù là trong cương vị (cựu) Thủ tướng, dân biểu …chẳng những đã không tố cáo các tội phạm nói trên … mà lại còn hưởng ứng tham gia mua bán những món hàng đó …

Chuyện ông kế toán “bunga bunga” lại một lần nữa minh chứng rõ ràng rằng Berlusconi, dù ở trong bất cứ cương vị nào, y luôn luôn chọn con đường bất hợp pháp (illecito) cho mọi quyết định.

Cũng chẳng có gì lạ. Đến ngay cả cái cơ ngơi đồ sộ của Berlusconi … cũng đã có những nguồn gốc “lạ”. Thí dụ như vào đầu những thập niên 70, khi bắt đầu mở rộng các công trình xây dựng bất động sản .. thì y đã đầu tư vào đó những khoảng tiền kếch sù … mà đến nay chẳng ai biết tiền đó từ đâu đến. Không có một chứng từ nào cho thấy những số tiền đó là vay mượn của ngân hàng. Không biết từ đâu đến. Nhưng chỉ biết là đến giữa thập niên 80 thì trong ngôi biệt thự của Berlusconi có một người giúp việc chuyên lo phụ trách chăm sóc ngựa cho Berlusconi. Sau này tòa án mới phanh phui ra rằng người coi ngựa của Berlusconi thực ra là một tay Mafia (Vittorio Mangano) được gởi đến để “gần gủi” với Berlusconi.

Đi với Bụt mặc áo cà sa … đi với ma mặc áo giấy.


Berlusconi cả đời chỉ biết đi với “ma” …. nên lúc nào y cũng chỉ mặc “áo giấy”

Roma, 21/11/2012

5 tháng 11, 2012

Siêu cường kia cũng có năm bảy đường !!!



Ngày mai 06/11/2012 cử tri Mỹ “lên đường” bình chọn vị nguyên thủ quốc gia cho 4 năm sắp tới. Kịch bản tranh cử lần này cũng không khác hơn những lần tranh cử khác ở Mỹ: các cuộc thăm do ý kiến “trăm hoa đua nở”, các chuyên gia thống kê “nhào nặn” từng giờ từng phút các con số để đưa ra liên tục các “dự đoán” … để rồi “dự đoán” giờ này chỏi 180° với “dự đoán” của giờ trước. Càng đọc nhiều “bình luận phân tích” bao nhiêu thì độc giả càng bối rối bấy nhiêu. Thậm chí nghe nói là có thể xẩy ra trường hợp “bất phân thắng bại”, và trong trường hợp đó thì hai đảng tranh cử sẽ phải đưa nhau kiện tụng trước Tòa án tối cao. Chả thế mà từ mấy hôm nay cả hai đảng đã ra lệnh cho hàng ngàn luật sư của đôi bên “đổ bộ” lên tiểu bang Ohio vốn được xem như là tiểu bang “nhậy cảm” trong kỳ tranh cử lần này. Báo chí đăng rằng mấy hôm nay ở Ohio không dễ tìm ra khách sạn, bởi vì mấy ngàn luật sư đã chiếm hết các phòng trọ.

Mà không phải chỉ có dân Mỹ mới “thấp thỏm” ngóng trong kết quả bầu cử. Cả thế giới cũng đang "đứng tim": người thắng cử ở Mỹ ngày mai cũng sẽ là người mà các nguyên thủ quốc gia, các Thủ tướng, các Hoàng đế … ở khắp thế giới sẽ phải “hầu chuyện”:        từ các vấn đề kinh tế, thương mãi, tài chánh … đến quân sự … và thậm chí những “âm mưu chiến lược” …. 

Siêu cường là thế !!!


Cử tri Mỹ "rồng rắn" xếp hàng đi bỏ phiếu.

Và chỉ hai ngày hôm sau sau cuộc bầu cử ở Mỹ thì lại có một siêu cường khác cũng sẽ “bầu” toàn bộ lãnh đạo mới của nhà nước. Thậm chí ở Mỹ Tổng thống mới chỉ có được 4 năm “vùng vẫy”, còn ở siêu cường này thì lãnh đạo mới được đến 10 năm “múa kiếm”.

Đó là siêu cường Trung Quốc. Ngày 08/11/2012 Bắc Kinh sẽ khai mạc Đại hội Đảng Cộng Sản, và sẽ “trình làng” toàn bộ khối nhân sự lãnh đạo mới của Trung Quốc trong vòng 10 năm sắp tới. Cũng giống như trường hợp của Mỹ, cả thế giới cũng đang dổ dồn hết chú tâm đến sự kiện đổi mới nhân sự ở Trung Quốc. 

Siêu cường là thế !!!

Chỉ có điều là nếu cả thế giới đang “thấp thỏm” và đoán già đoán non xem ai sẽ là người Mỹ mà thế giới phải “hầu chuyện” …. Trong khi đó cả thế giới đều đã biết trước ai sẽ là người Trung Quốc mà cả thế giới phải “hầu chuyện”.

Số là việc chon lựa người lãnh đạo ở Trung Quốc không phải thông qua lá phiếu như ở Mỹ, mà là thành quả “khó nhọc” của một cuộc “thương lượng nội bộ” của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Nếu cử tri Mỹ phải vất vã xếp hàng rồng rắn để đi bầu vị nguyên thủ quốc gia, nếu giới chuyên gia chính trị, các mạng truyền thông đại chúng phải bỏ ra công lao và tiền bạc để làm các cuộc thăm do ý kiến và ngồi đoán già đoán non kết quả bầu cử Mỹ …. Thì ở Trung Quốc cử tri được “miễn lễ” không phải vất vã xếp hàng rồng rắn (như thời bao cấp xếp hàng trước các cửa hàng mậu dịch !!!), báo chí truyền thông cũng không phải vất vã đi làm các cuộc thăm do ý kiến …. Và cũng chẳng cần phải đoán già đoán non chi cả, cứ xem nhà nước bỏ tù đồng chí nào, đem xử vợ con của đồng chí nào về các tội như ám sát, lái xe tông người, trốn thuế … thì cũng biết ai sẽ là những nguyên thủ quốc gia trong 10 năm tới. Khỏe ru. Người Trung Quốc chiều tối ngày 07/11 cứ bình tâm lên giường đi ngủ, sáng hôm sau sẽ biết mặt chính thức toàn bộ những người sẽ cai trị họ trong 10 năm sắp tới.


"Cử tri" Trung Quốc ngồi nghiêm chỉnh đàng hoàng đợi giờ ra mắt của lãnh đạo mới .

Tính ra tổ chức bầu cử như ở Trung Quốc có vẻ ít tốn kém hơn, người dân ít nhọc nhằn hơn …. Và nhất là sẽ không thể xẩy ra kịch bản bất phân thắng bại với hàng ngàn luật sư đang chuẩn bị lâm trận như ở Mỹ.

Siêu cường kia cũng có năm bảy đường !!!

Roma, 05/11/2012

4 tháng 11, 2012

Năm Rồng đi bầu Tổng Thống Mỹ ...



 Năm nay là năm Rồng, vốn thường được thế giới Á Đông xem như là một trong những “quý niên” vì Rồng vốn là biểu tượng của quyền lực, của giàu sang, của phú quý (chả thế mà thời phong kiến các “con Trời” ở vùng Á Châu đều chọn Rồng làm biểu tượng của triều đình).

Năm nay lại là năm “nhuận” đối với cả Á lẫn Âu, “nhuận” ở tháng Tư âm lịch (tức là Nhâm Thìn năm nay có đến 2 tháng Tư âm lịch), còn đối với phương Tây thì tháng 2 năm nay có đến 29 ngày. Tức là càng thêm “quý”.

Xem ra cái Nhâm Thìn 2012 này đúng là “niên đại” rồi.

Chả thế mà chính ngay trong năm 2012 này thế giới toàn cầu đã và sẽ chứng kiến hàng loạt các thay đổi chính trị cực kỳ quan trọng với tất cả các “phản ứng dây chuyền” đi theo trên các bình diện kinh tế, tài chánh, xã hội … và các quan hệ tương quan lực lượng.

Tháng 4 vừa rồi thì ở Nga, “Đại đế” Vladimir Putin được “hoàn trả” lại ngôi vị Tổng Thống sau 4 năm “ẩn dật” sau lưng của “đệ tử” Medvedev.

Tháng 5 vừa rồi thì "sao đổi ngôi" ở Pháp: sau 17 năm bị "lưu đày", Đảng Xã Hội của Pháp với Francois Hollande lại thắng cử Tổng Thống: nước Pháp sang trang.

Đến ngày 06/11 này thì lại sẽ có bầu cử Tổng Thống ở Mỹ: một trong những sự kiện tối quan trọng mà cả thế giới đều phải chú ý.

Và cũng trong tháng 11 này, hai ngày sau khi Mỹ có Tổng Thống mới thì Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ họp Đại Hội Đảng để “trình làng” toàn bộ nhân sự mới sẽ lãnh đạo Trung Quốc trong 10 năm sắp tới.

Chắc tại Berlusconi tệ quá nên bị mất ngôi từ năm ngoái (2011), nếu không thì Ý cũng sẽ có sự kiện lớn vào năm Nhâm Thìn rồi. Nhưng trong trường hợp của Berlusconi thì xin phép “miễn lễ”: Berlusconi “thăng” sớm chừng nào thì nước Ý đở tai họa chừng ấy.



Mấy hôm nay theo dõi các diễn biến tranh cử ngày càng thêm “hot” ở Mỹ. Gần đến giờ “X” hai ứng cử viên Barack Obama và Mitt Romney càng “ấu đả” quyết liệt, bất từ các “thủ thuật” (hay thủ đoạn) truyền thông để “bôi” đối thủ. Obama thì dọa rằng với Romney thì nước Mỹ sẽ đi lùi lại ít ra là một thập niên. Romey thì “tố cáo” Obama đã không giữ được các lời hứa trong mùa tranh cử 4 năm về trước …

Thật ra thì cũng “xui” cho Obama: vừa mới lên cầm quyền chưa kịp ngồi nóng đít cái ghế Tổng Thống thì cơn khủng hoảng “subprime” đổ ập lên đầu như cơn sóng thần gây khó khăn ngay từ đầu nhiệm kỳ. Sau đó là một chuổi liên tục khủng hoảng kinh tế tài chánh ở Châu Âu cũng gây thêm những khó khăn cho Obama. Rồi đến ông “chủ nợ” của Mỹ là Trung Quốc mấy năm nay cũng không còn có những “bước nhẩy vọt” phát triển kinh tế như trước ... cũng khiến Mỹ bị “vạ lây” .... Nói chung là tình hình kinh tế tài chánh và xã hội toàn cầu trong suốt 4 năm vừa qua không hề “khoang nhượng” Obama tí nào cả.

Đối thủ Romney đã lợi dụng tối đa cái “xui” của Obama để tấn công đối thủ. Điều này thực ra cũng dễ hiểu: bất kỳ ứng cử viên nào đang còn tại chức (như trường hợp của Obama) đều dễ bị tấn công vì đối thủ chỉ cần chỉ trích những thiếu sót hay thất bại và chỉ cần “quên” đi những thành tựu .. là có thể gây “ấn tượng” lên cử tri. Nhất là trong thời buổi khủng hoảng như hiện ... thì chính phủ các nước đều dễ bị chỉ trích.

Nhưng Romney có “khuynh hướng” lạm dụng những khó khăn của đối thủ một cách thái quá đến độ thành ra ... “dựng chuyện nói láo”. Thí dụ điển hình là khi Romney tuyên bố chỉ trích Obama đã “bán đứng” Chrysler cho Ý (Fiat-Chrysler) ... và để bây giờ Sergio Marchionne (Giám đốc điều hành của Fiat) lại đang tính “bán đứng” dàn máy sản xuất xe Jeep (của Chrysler) cho ... Trung Quốc. Chỉ mấy ngày sau, chính bản thân của Marchionne đã phải tuyên bố đính chính rằng Fiat chưa hề có một dự tính di dời sản xuất của Fiat-Chrysler ra khỏi đất Mỹ. Chấm hết. Chỉ một bản tuyên bố ngắn gọn chưa đầy nửa trang giấy A4, Romney đã bị “lật tẩy” nói láo ... Và nói láo là điều mà cử tri Mỹ rất “dị ứng” với Tổng Thống.

Có lẻ “bôi bác” Obama chưa đủ để “hút” cử tri, Romney còn mở ra hàng loạt đe dọa “thánh chiến” với các quốc gia trên thế giới: tháng 6 vừa qua thì xúc phạm đến Anh khi tuyên bố chỉ trích Anh đã thiếu sót trong tổ chức Thế Vận Hội 2012 ở Luân Đôn. Sau đó Romney quay sang “nện” Nga là “kẻ thù số một” của Mỹ (giọng điệu thời chiến tranh lạnh). Rồi tiếp tục chửi Trung Quốc là “gian lận thương trường” vì Trung Quốc cứ dìm đồng nhân dân tệ để tạo sức mạnh giả tạo cho xuất khẩu. Chưa hết, Romney còn lôi các nước Châu Âu như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý ... ra như là những “gương xấu” ... và đe dọa rằng nếu Obama thắng cử thì Mỹ sẽ có nguy cơ phá sản như các nước Châu Âu nói trên. Anh, Ý, Tây Ban Nha đều là những đồng minh chiến lược của Mỹ trên khu vực Châu Âu và Trung Đông. Trung Quốc, dù muốn dù không, vẫn đang là “chủ nợ hàng đầu” của Mỹ (theo tập san Limes thì trên tổng số nợ nhà nước Mỹ là 3382,4 tỉ đô-la, hiện nay Trung Quốc có trong tay 776,4 tỉ đô-la công trái phiếu của nhà nước Mỹ, tức là đã chiếm đến gần 23%, tức là đã xấp xỉ gần ¼ nợ nhà nước Mỹ)

 (tập san Limes)

Cử tri tự hỏi: nếu “rủi” mà Romney trở thành Tổng Thống Mỹ, thì Romney sẽ phải “ăn nói” như thế nào để giữ giao hảo với các quốc gia mà hiện nay Romney đang đe dọa “thánh chiến” ?

Thực ra thì chiến thuật “thánh chiến” nói trên của Romney chỉ là một trong những bài “kinh điển” thuật “cầm quyền trị nước” của các chế độ độc tài: để làm giảm áp lực nội bộ thì các nguyên thủ hay gây hấn với bên ngoài để dùng những căng thẳng ngoại giao như “keo sơn” dựa trên tinh thần ái quốc (cực đoan) chỉa mũi dùi ra các quốc gia khác ... để cử tri quên đi những khó khăn bất cập trong nước. Bài học kinh điển này đã được các chế độ độc tài toàn trị từ Âu sang Á, từ Phi sang Nam Mỹ vận hành để đi tìm một hổ trợ chính trị từ phía người dân trong nước.

Nhìn Romney tuyên bố “dương đông kích tây” .... đôi khi người ta chợt nghĩ đến những lãnh đạo của mấy cái đảng “cục bộ địa phương” như kiểu Đảng Lega Nord của Bossi, lúc nào cũng “giương cao ngọn cờ Padania” chống lại lại “bọn kỹ trị trong Hội đồng Châu Âu”, chống lại sự “bành trướng” của Đức, của Pháp, của Trung Quốc ... Nhưng cũng rồi chính những thành viên của chính phủ trong đó có sự hiện diện của Bossi lại lăng xăng chạy sang Bruxells để đòi “trợ cấp” hay bay sang tận Trung Quốc ... để cầu xin Trung Quốc đầu tư vào nước Ý và mua công trái phiếu của Ý ... để Ý tránh vỡ nợ nhà nước ...

 Biết rằng Romney không phải là Bossi, biết rằng không thể đem cái đảng Lega Nord ra so sánh với Đảng Cộng Hòa ở Mỹ, biết rằng Mỹ là một quốc gia (lại là 1 trong những siêu cường) và Padania ... chỉ là vùng đồng bằng lớn nhất ở mạn Bắc nước Ý ... Nhưng nghe Romney nói chuyện .... khó mà tránh không “chạnh lòng” nghĩ đến Bossi.

Dù kết quả bầu cử ở Mỹ như thế nào đi nữa thì chắc chắn Obama cũng sẽ có một chổ đứng trong lịch sử nước Mỹ: Tổng thống da màu đầu tiên trên đất Mỹ. Nhưng thông thường, trên sân khấu chính trị Mỹ thì vị Tổng thống nào mà chỉ có được một nhiệm kỳ thì thường bị xếp vào “loại B”, bị đánh giá không có đủ tài sức để thuyết phục cử tri bỏ phiếu thêm một nhiệm kỳ thứ hai. Vã lại, thông thường chính ở nhiệm kỳ thứ hai là nhiệm kỳ mà Tổng thống có khả năng phát huy hết “công suất” của mình: lý do thứ nhất là 4 năm nhiệm kỳ trước đã chuẩn bị gieo mầm, 4 năm nhiệm kỳ sau là bắt đầu gặt hái, do đó đến nhiệm kỳ thứ hai thì cử tri mới dễ  nhận ra những thành tựu (hay thất bại) của một Tổng thống. Lý do thứ hai là trong nhiệm kỳ thứ hai Tổng thống không còn bị áp lực của một mùa tranh cử sau đó (vì sau 2 nhiệm kỳ liên tục, Tổng thống không thể nào ứng cử lần thứ ba), do đó các quyết định của Tổng thống sẽ không bị đặt dưới một áp lực tranh cử tương lai.

Theo các đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thì trong những năm sắp tới Mỹ có thể bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế, do đó, nếu Romney thắng cử thì chính Romney sẽ thừa hưởng “gia tài” do Obama đã gầy công gánh vác trong 4 năm qua.

Dựa trên các phân tích của các cuộc thăm dò ý kiến thì Romney sẽ được sự ủng hộ gần như tuyệt đối của khối cử tri “da trắng”, chủ yếu là của thành phần giàu có và trung lưu. Obama thì sẽ được sự hậu thuẩn của khối cử tri “da màu”, của các cộng đồng nhập tịch, của các thành phần thấp trong xã hội, và của các phụ nữ “sống đơn lẽ”. Nếu dựa trên con số thì “khối cử tri” của Obama đông hơn “khối cử tri” của Romney. Nhưng vấn đề đặt ra là con số phần trăm cử tri da màu, cử tri nhập cư, cử tri thuộc thành phần thấp trong xã hội đi bỏ phiếu là... rất thấp ... Vấn đề là Obama phải “động viên” được cử tri đi bỏ phiếu.

Bằng ngược lại ....

Roma, 04/11/2012