29 tháng 3, 2013

Đến đây là xong nửa chuyện ...


Đến đây là xong na chuyện.
Không biết rồi ai sẽ cứu ai ???
(Bà mẹ Phù Sa của Phạm Duy – 1967)

Hôm thứ năm 28/03 khi Bersani trở lại Dinh Quirinale để “thú tội” với Tổng thống Ý Giorgio Napolitano về sự thất bại trong nỗ lực đi tìm số phiếu tín nhiệm trong Quốc hội để thành lập một chính phủ trung-tả ... thì đúng là “đã xong nửa chuyện”.

Tổng thống Napolitano cứ như đang cầm trong tay một bông hoa cúc bị bứt đi từng cánh hoa một, mỗi một cánh hoa bứt đi ... là một khả năng giải cứu bị khép lại ... Và cứ bứt đi bứt lại ... cái hoa trên tay của Napolitano cũng chẳng còn bao nhiêu cánh ... cũng như các kịch bản khả thi ngày càng trở nên hiếm hoi. Thậm chí có người còn nói là chẳng còn kịch bản nào khác !!!

Phe trung-hữu (PDL của Berlusconi và Lega Nord của Maroni) đã từ chối phương án “chính phủ của Tổng Thống”, và chỉ cứ cứng đầu rao bán mô hình “chính phủ đại đoàn kết” (larga intesa) – thực tế là một thứ “thập cẩm hổ lốn” gồm trung-tả (Bersani), trung-hữu (Berlusconi), trung dung (Monti), một thứ chính phủ mà chính 3 tháng trước đây đã bị Berlusconi rút tín nhiệm (chính phủ kỹ trị Mario Monti), thành ra người ta cũng không hiểu vì sao mà Berlusconi lại đòi xào nấu lại chính thực đơn mà hắn đã đổ xuống mương xuống cống. Và về mặt chính trị, một chính phủ “đại đoàn kết” như Berlusconi muốn ... thực chất là một mô hình chính trị tự sát đối với đảng PD của Bersani. Và chính vì thế mà Bersani đã phủ quyết ngay từ đầu phương án “đại đoàn kết” của Berlusconi.

Bầy nhóm 5 sao thù vẫn cứ đỏng đảnh câu thần chú “em chả, em chả” ... rồi tiếp theo là những “đụ mẹ đéo bà” từ trên xuống dưới không tha một ai ....  bất kể tình trạng bế tắt này nếu kếu dài ... thì chỉ có mỗi người dân Ý là sẽ phải gánh lấy hậu quả.

Chiến dịch tranh cử hồi đầu năm bắt đầu với bất ổn chính trị để rồi kết quả bầu cử 24-25 tháng hai vừa qua đưa tình hình chính trị càng thêm bất ổn. Trên thực tế, về mặt chính trị mà nói thì Quốc hội hiện nay nằm trong tay của 3 lực lượng chính trị thiểu số (tức là chẳng có một lực lượng nào tự mình có đa số trong Quốc hội): liên minh trung-hữu, liên minh trung-tả, và đám 5 sao.

Theo các “binh thư yếu lược” thì chỉ có mỗi một con đường “đoàn kết” (intesa), ít nhất là giữa 2 trong 3 lực lượng nói trên, là giải pháp duy nhất để có chính phủ.

Nhưng đám 5 sao thì nhất định “tự sướng”, không chấp nhận hợp tác với bất cứ một lực lượng chính trị nào (vốn “được” 5 sao cho là “ma cô và đĩ điếm”).

Nhìn lại thế trận thì chỉ còn có hai lực lượng chính trị có thể “đoàn kết”. Nhưng với đảng PD, “đoàn kết” với Berlusconi thì cũng có nghĩa là tự sát: các cử tri của PD sẽ không thông cảm, và nhất là  đám 5 sao sẽ sẳn sàng nhẩy cà tưng múa may quay cuồng tố cáo “âm mưu đi đêm” (inciucio) của “ma cố và đĩ điếm” !!!

Chỉ còn lại có mỗi kịch bản .... đi bầu lại !!!

Nhưng đây là kịch bản tồi tệ nhất cho nước Ý, nhất là phải đi bầu lại với luật bầu cử hiện hành .... và với khả năng lại sẽ ... bất phân thắng bại !!!

Chiều nay 29/03, sau khi kết thúc vòng hội kiến nhanh chóng (chỉ trong một ngày) với các lực lượng chính trị, Napolitano đã tuyên bố là cần phải đắn đo suy nghĩ trước khi lấy quyết định vào sáng mai (thứ bảy 30/03).

Nếu không muốn lấy quyết định đi bầu lại ... thì với các ván bài đã lật ngữa ... thì (trên lý thuyết) Napolitano chỉ còn có mỗi một phương án duy nhất: đề xướng một chính phủ “đại đoàn kết” như đám trung-hữu của Berlusconi và Maroni yêu cầu. Và trước mắt là phương án này sẽ mở ra một bi kịch đấu đá nội bộ ngay trong đảng PD.

Dù rằng trước mặt bá quan văn võ, toàn bộ giai cấp lãnh đạo đảng PD đều tuyên bố “đồng lòng” với chiến lược của Bersani (phủ quyết chính phủ “đại đoàn kết”, và tìm cách lôi kéo 5 sao), nhưng ai cũng biết là ngay trong nội bộ đảng PD cũng có 3 chủ trương trái ngược nhau: một bên là nhóm của Bersani từ chối hợp tác với Berlusconi và tìm cách “thu mua” đám 5 sao, bên kia là nhóm của D’Alemma chủ trương cần phải nhìn nhận thực tế không có cách gì khác hơn là cộng tác với Berlusconi. Còn lại là nhóm của Matteo Renzi (rottamatore), dù không nói trắng ra, nhưng đang ráo riết chuẩn bị cho kịch bản đi bầu lại ... và lần này người lãnh đạo liên minh trung-tả sẽ chính là Renzi.

Với sự thất bại trong nỗ lực thành lập chính phủ trung-tả, thì coi như nhóm của Bersani bị loại ra khỏi vòng chiến. Và hai nhóm còn lại thì đang đợi quyết định của Napolitano để biết là có nên “phất cờ” hay không.

Nhưng thực ra, còn có một mấu chốt quan trọng khác có thể làm thay đổi các thế cờ hiện nay.

15 tháng tư sắp tới là Napolitano sẽ hết nhiệm kỳ Tổng thống 7 năm, và lúc đó lưỡng viện Quốc hội sẽ phải nhóm họp để bầu Tổng thống mới.

Ai cũng biết là theo hiến pháp Ý thì Tổng thống không có quyền hành pháp trực tiếp, nhưng có quyền từ chối các đạo luật do hành pháp ban ra. Điều này đã được chính Napolitano áp dụng “triệt để” để ngăn chận một số âm mưu bảo vệ quyền lực cá nhân của chính Berlusconi xuyên qua các sắc luật mà âm binh của Berlusconi ở Quốc hội trong những năm qua đã thông qua để che chắn cho Berlusconi trước những nợ nần công lý hay để bảo vệ các cơ sở kinh tài Fininvest của Berlusconi.

Do đó, song song với vấn đề chính phủ, Quốc hội Ý sẽ còn phải đối đầu với chuyện bầu Tổng thống mới trong hoàn cảnh “bất phân thắng bại” như hiện nay, và nhất là dưới áp lực của chính Berlusconi muốn đưa chính hắn hay tên “hoạn quan” của hắn (Gianni Letta) vào Dinh Quirinale để “bảo kê” cho chính Berlusconi.

Mệt mỏi !!!

Càng gần đến ngày mãn nhiệm kỳ Tổng thống chừng nào thì “hỏa lực” của Napolitano càng yếu chừng nấy. Đến quyết định giải tán Quốc hội để đi bầu lại cũng không còn mấy khả thi (vì quá sát ngày với ngày mãn nhiệm kỳ).

Đến đây thiên hạ mới ngộ ra rằng trong các buổi “đàm phán” tay ba tay bốn giữa các lực lượng chính trị .... người ta nói đến một kịch bản ... mà trước bàn dân thiên hạ không ai dám nói đến một cách công khai: Napolitano có thể lấy quyết định từ chức (thí dụ ngay sau lễ Phục sinh) trước khi mãn nhiệm kỳ để đẩu Quốc hội bầu Tổng thống mới sớm hơn. Bởi vì nếu phải chọn phương án “chính phủ đại đoàn kết” như đã nói trên (PD+PDL) thì chắc chắn sẽ có những trận “thư hùng” trong nghị viện ... và những trận “thư hùng” ấy cần phải được diễn ra khi Dinh Quirinale có một Tổng thống mới với đầy đủ trách nhiệm và “khí giới” trong tay, chứ không thể nào để một Tổng thống đang chuẩn bị va-li ra đi “đứng mũi chịu sào” và phải lấy quyết định trước nhng trận “thư hùng” ở nghị viện.

Chính phủ “đại đoàn kết” ? Đi bầu lại ? Tổng thống từ chức ?

Hoa cúc trong tay của Napolitano bị nhổ cánh ... gần như trơ trụi .. chỉ còn trơ lại cái nhụy hoa.

Đến đây là xong na chuyện.
Không biết rồi ai sẽ cứu ai ???
(Bà mẹ Phù Sa của Phạm Duy – 1967)

Chắc chắn là người dân Ý không mấy ai biết Phạm Duy là ai, nhưng nếu biết được thì chắc cử tri Ý cũng không ngờ từ năm 1967 Phạm Duy đã “tiên tri” được tình hình hoàn toàn bế tắt của chính trị nước Ý của 46 năm sau.

Roma, 29/03/2013

28 tháng 3, 2013

Hợp đồng tác chiến !!!



Không hẹn mà nên: những màn chửi bới phỉ báng (5 sao) và những âm mưu quyền thế riêng tư (PDL)  lại gặp nhau trong tư thế “hợp đồng tác chiến” trên trận địa chính trị nước Ý trước một bối cảnh cực kỳ thê thảm về mặt kinh tế tài chánh cũng như trên bình diện chính trị.
 
Một chiến thuật “hợp đồng tác chiến” giữa Grillo và Berlusconi đã chận hết tất cả mọi khả năng thành công của nỗ lực lập chính phủ của Bersani: những “đụ mẹ đéo bà” của tay hề Genova quyện với những “điều kiện” của đại gia Arcore đã đốt tan thành mây khói những hy vọng của nước Ý có được một chính phủ đổi mới. 



Kể cũng “lạ”, suốt hai thập niên cầm quyền và khuynh đảo Quốc hội của Berlusconi ... cả nước Ý đều cuối đầu chấp nhận .... để rồi đến lần này, là lần đầu tiên mà Quốc hội có đủ số dân biểu để có thể làm được tất cả những đề luật để ngăn chận Berlusconi trong quá trình “thôn tính” nhà nước Ý .... thì cũng là lúc hề 5 sao đứng ra làm tê liệt tất cả các hoạt động chính trị của Quốc hội ... với những tuyên bố vừa cực kỳ phi lý vừa cho thấy sự ngu xuẩn thiếu văn hóa chính trị của một thằng hề nhảy bàn độc: chẳng hạn như “nước Ý không cần có chính phủ !!!”, hoặc “chỉ có 5 sao mới có quyền lập chính phủ”.

Phủ quyết tất cả các sáng kiến để lập chính phủ của liên minh trung tả và một mực từ chối bầu tín nhiệm chính phủ với lý do là 5 sao muốn “sang trang”, không muốn tiếp tục chứng kiến những chính phủ  kiểu “Ballarò” (Trưởng nhóm đại biểu 5 sao ở Hạ viện, Roberta Lombardi, đã “sĩ nhục” Bersani trong buổi hội kiến song phương giữa PD và 5 sao  – có trực tiếp truyền hình (streaming) – rằng “nghe Bersani nói chuyện mà cứ ngỡ như đang xem tiết mục talk-show Ballarò")

Thực ra trước luận điệu như thế, người có một chút hiểu biết về hiến pháp của nước Ý nhận thấy ngay cái tính gian dối của 5 sao: theo hiến pháp, những lực lượng chính trị đã bầu tín nhiêm cho chính phủ đều có quyền, trong bất cứ lúc nào, trong bất cứ tình huống nào, rút lại phiếu bất tín nhiệm nếu cho rằng chính phủ đã không đi đúng theo những lời hứa trước đó (đấy là trường hợp mà người ta gọi là “ngã chính phủ", và điều này đã nhiều lần xẩy ra trong Quốc hội). Điều đó có nghĩa là không hề có một rủi ro “bầu tín nhiệm khống” (voto di fiducia in bianco) cho bất kỳ một chính phủ nào cả, điều mà 5 sao, một cách dối trá, đã cứ ra rã để biện minh cho quyết định bất hợp tác của mình.

Với quyết định phủ quyết mọi khả năng hợp tác để lập ra một chính phủ trung tả, hề Genova đã bịt một cửa trước mặt Bersani với mưu đồ là đẩy Bersani sang cửa bên kia, nơi mà Berlusconi đang ngồi rung đùi đợi “xác” của Bersani trôi qua và như thế là cả hề Genova lẫn đại gia Arcore muốn tiếp tục một chính phủ trong đó lực lượng của PDL, lực lượng mà chính hề Genova ra rả chửi bới mỗi ngày, tiếp tục chi phối đất nước Ý. Đó là mô hình chính phủ “đại đoàn kết” (larga intesa) mà Berlusconi đang ra rả rao bán ... và Bersani đã nhất quyết từ chối “trái táo tẩm thuốc độc” của Berlusconi.

Roma, 28/03/2013
 


18 tháng 3, 2013

Phong trào 5 sao và Khmer đỏ !!!



Mỗi khi nói đến cái Phong trào 5 sao, vốn đang là một trong những mục thời sự cực “hot” của nước Ý, thì tôi không thể nào không liên tưởng đến cái đám Khmer đỏ của Pol Pot.

Xin nói cho rõ một tí: tôi chẳng có gì phải chống lại các cử tri đã bỏ phiếu cho M5S, tôi cũng chẳng có gì phải “ân oán” với các đại biểu Quốc hội của M5S. Ngược lại, tôi cũng hiểu rất rõ những nguyên nhân đã tác động lên những cử tri quyết định bỏ phiếu cho M5S: giai cấp lãnh đạo chính trị ở Ý rõ ràng là đã bị “sơ cứng” đến độ không còn nhận thức được những bất cập trong xã hội và những bức xúc của đại đa số người dân. Tôi cũng tin rằng trong mớ “hổ lốn” đại biểu của M5S cũng có những phần tử trung thực (ít ra là cho đến lúc này) và có nhiệt tâm muốn làm gì đó để nước Ý “sang trang”.

Dù rằng cái phong trào 5 sao vẫn luôn đề cao tinh thần dân chủ quần chúng, không có ai lãnh đạo ai cả (mỗi người bằng một người – uno vale uno – câu “thần chú” của M5S), không cần có dân chủ tập trung vì tất cả đều do tập thể quyết định. Nhưng cái cung cách hành xử của cái nhóm “chóp bu” của M5S thì lại hoàn toàn đi ngược lại tất cả những gì là tinh thần dân chủ quần chúng. Nhất cử nhất động của mỗi đại biểu của M5S đều do “trên” ấn định: cấm tuyên bố nếu “trên” không cho phép, cấm gặp ký giả báo chí nếu “trên” không đồng ý, cấm có quan hệ với những đại biểu của các lực lượng khác nếu “trên” không thích … thậm chí đến quyết định cho lá phiếu của chính mình … thì đại biểu phải tuân thủ theo quyết định của “trên”. 

"Trên" của Phong trào 5 sao


Sau khi vơ được một mớ phiếu khá dồi dào, thì đám chóp bu của M5S chỉ muốn tiếp tục dùng mớ phiếu đó để đe đọa làm tê liệt đời sống nghị viện của một Quốc hội … và thậm chí muốn tiếp tục kéo dài tình trạng vô chính phủ của nước Ý … (vốn trên thực tế đã là vô chính phủ trong hai thập niên trở lại đây).

Chiến lược chính trị hiện nay của M5S là tự cô lập hóa, không cộng tác, không xây dựng … tất cả chỉ là dựa lên thù hằn và đạp đỗ … tất cả những gì gọi là cơ chế nhà nước: từ Quốc hội đến chính phủ, đến các đảng phái chính trị, đến các cơ quan quyền lực ….

Nhưng cũng chính những động thái hiện nay của M5S lại là cứu cánh cho băng đảng của Berlusconi: chừng nào nước Ý còn tiếp tục mất ổn định chính trị, thì Berlusconi mới còn có hy vọng “nước đục”.

Thậm chí “trên” của M5S còn tuyên bố là mục tiêu của M5S là phải chiếm được 100% dân biểu trong Quốc hội ….  Về cái khoảng 100% này thì chỉ có Pol Pot mới làm được ở Campuchia.


 "Trên" của Khmer đỏ

Cái khác duy nhất giữa M5S và Khmer đỏ là M5S không có lực lượng vũ trang để lùa hết dân Ý vào các trại cải tạo …. để mỗi người Ý sẽ rũ bỏ được tất cả những tàn dư của tư bản thối nát và trở thành những công dân tinh khiết …. Như Pol Pot đã làm với gần 3 triệu người Khmer.

Đó là điều may mắn cho nước Ý …. Cũng nhờ ở chổ là Ý nằm trong lục địa Châu Âu, điều mà Campuchia không có … 

Roma, 18/03/2013

12 tháng 3, 2013

Ung thúi của PdL trước cửa Tòa án Milano

(Il marcio del PdL sul Tribunale di Milano ...)




"marcia": tiếng Ý có nghĩa là "tuần hành, tiến quân ...." 

"marcio": tiếng Ý chỉ đồ hư thúi chỉ còn đáng vứt bỏ. (nghĩa đen là chỉ đồ thực phẩm hư thúi, nghĩa bóng là chỉ những tệ nạn xã hội).

Berlusconi đang bị Tòa án réo tên ....

Âm binh của Berlusconi  tuần hành trước Tòa án Milano để gây áp lực lên nghành tư pháp ...

Nhưng nhìn đám âm binh tuần hành .... thiên hạ lại chỉ thấy một mớ hổn độn ung thúi của xã hội.

Roma, 12/03/2013
 
 


11 tháng 3, 2013

Trốn học !!!



Hồi còn ở tuổi cắp sách đến trường, một trong những “chiêu” mà đám anh em nhà tôi vẫn hay áp dụng để trốn học là .... vờ đau vờ ốm: bữa thì than nhức đầu, bữa thì kêu đau bụng, có lúc lại bảo là lên cơn sốt ... nhưng má đặt ống thủy thì vẫn thấy không lên quá 36,5 độ ... Mười lần giả vờ ... thì đến chín lần anh em nhà tôi bị ba má mạnh tay “áp tải” lôi lên xe chở đi học ....

Nữa thế kỷ trôi qua, bây giờ nhớ lại những “chiêu” vờ ốm mà cười cho cái ngây thơ của tuổi trẻ ... Và cho đến mấy hôm trước đây vẫn nghĩ đó là những màn trẻ con vờ vĩnh để trốn học ... Hóa ra đến cả người lớn cũng vờ đau vờ ốm. Mà nào phải là “người lớn” bình thường đâu ? Toàn là đại gia kiêm chính trị gia nặng ký đấy chứ.

Mấy hôm nay thấy báo chí đăng tin đại gia Bẹt phải vô nhà thương vì đau mắt ... nên không thể đi hầu tòa (xử vụ Rubygate đấy mà !!! Kiểu mua bán nhi dục của những thằng già mà chưa nên nết !!!)

Bẹt đau mắt ... phải nhập viện !!!


Nhưng bọn trẻ chúng tôi thì vờ đau vừ ốm để trốn một vài buổi học ... hệ lụy cũng chẳng đến đâu.

Còn đại gia hôm nay vờ ốm vờ đau là để trốn nợ nần công lý và hệ lụy là làm tê liệt đời sống chính trị của một quốc gia.

Sau gần hai thập niên quậy nát cái Quốc hội để nặn ra một đóng luật lệ nhằm che chắn cho đại gia ... nhưng xem ra Bẹt vẫn chưa triệt tiêu được nợ nần công lý ... và bây giờ thì chiêu bài cuối cùng là ... vờ đau vờ ốm.

Nếu tình hình này kéo dài chừng vài tuần thì Bẹt lại phải ngũ ở nhà thương suốt ... trong khi y có trong tay vila biệt thự khắp nơi ...

Nằm trong nhà thương Bẹt đang dấy động âm binh để tạo ra làn sóng phản đối gây áp lực lên các Tòa án “cộng sản”, các y sĩ “nazisti”, vẫn ngày đêm tiếp tục đe dọa tánh mạng của một đại gia vô tội (nhưng không ngây thơ !!!)

Thậm chí các “ông nghị bà nghị” của đảng PDL của Bẹt còn hăm dọa sẽ không tham dự các buổi họp khai mạc Quốc hội khóa mới để phản đối âm mưu (của cộng sản ???) nhằm dùng bộ máy tư pháp để triệt tiêu một đối thủ chính trị ....

Hề lên sân khấu !!!

Nếu như thế thì ngoài Beppe Grillo, lại thêm Bẹt đang tìm cách làm tê liệt ngay từ đầu Quốc hội mới ... và chận đường không cho bất cứ một lực lượng chính trị nào có thể có khả năng đưa ra một chính phủ trong lúc nước Ý đang đứng trên bờ vực thẳm của khủng hoảng kinh tế và vỡ nợ tài chánh ....

Cả một quốc gia trên dưới 60 triệu đầu người ... đang bị hai tên hề giam lỏng.

Thông thường hề bước lên sân khấu thì khán giả cười vỡ bụng.
Nhưng đó là sân khấu ca diễn. Còn khi hề nhảy sang sân khấu chính trị thì ... khán giả chỉ biết khóc ròng !!!

Roma, 11/03/2013

Đâu riêng gì nước Ý ...


Chuyển ngữ từ bài  “MA L'ITALIA NON FA ECCEZIONE” của Marc Lazar đăng tên nhật báo “la Repubblica” ngày 03/08/2013




Ở Ý kết quả bầu cử hôm 24-25 tháng hai vừa rồi thường được đánh giá dựa theo bối cảnh trong nước. Phần lớn ai cũng ráng tìm cách để phân tích ngọn nguồn của sự kiện “đại thắng” của Beppe Grillo, sự kiện trung-tả bị “hớt tay trên” trong kết quả bầu cử, sự kiện quái kiệt Silvio Berlusconi “đội mồ sống dậy”, sự kiện thất cử thê thảm gần như tự sát của chuyên gia kỹ trị Mario Monti. Và trong khi đó thì kết quả bầu cử “bất phân thắng bại” đã đưa nước Ý vào một tình trạng xem ra càng thêm bế tắc với hệ lụy bất ổn chính trị và kinh tế càng thêm suy thoái.

Hề lên sân khấu

Nhưng cũng phải thấy là cuộc bầu cử ở Ý vừa rồi đã thu hút sự chú ý đặc biệt của toàn bộ Châu Âu, không phải chỉ vì có hơi hướm khác đời của hai “danh hề”, nói theo kiểu nhạo báng của một số mạng truyền thông và đã gây ra lắm màn đấu khẩu tranh luận phản bác vừa ở trong nước vừa trên sân khấu quốc tế, mà bởi vì những gì đang xẩy ra ở Ý cũng đã và đang xẩy ra ở nhiều nước khác ở Châu Âu, có thể là dưới những hình thức khác ... không đến nổi “khác đời” như ở Ý.

Có thể nói là cuộc bầu cử ở Ý vừa rồi diễn ra trong bối cảnh của 3 cơn khủng hoảng kết nối với nhau một cách chặt chẽ và diễn biến đồng lúc: khủng hoảng xã hội, khủng hoảng chính trị, và  khủng hoảng cơ chếChâu Âu. Và hiện tượng kết hợp của “ba dòng thác” nói trên chắc chắn không phải chỉ là “đặc sản” của riêng nước Ý.

Trong khối đồng Euro, trừ Đức, Áo và Phần Lan ra, các chính sách thắt lưng buộc bụng và yêu cầu chấn chỉnh nghiêm khắc ngân sách nhà nước đang khiến nền kinh tế của các nước, kẻ ít người nhiều, rơi vào tình trạng suy thoái khiến hiện tượng thất nghiệp (hiện nay tỉ số thất nghiệp trong khối Euro đã hơn 11%) và mức độ nghèo khó gia tăng, và từ đó hiện tượng bất bình đẳng ngày càng thêm nghiêm trọng giữa các thành phần xã hội, giữa các khu vực giàu nghèo, giữa các thế hệ già trẻ, giữa dân bản xứ với các cộng đồng nhập cư. Trong bối cảnh khó khăn như thế thì cũng khó mà có thể thuyết phục được người dân Châu Âu rằng các chính sách khắt khổ và cắt xén để chấn chỉnh ngân sách sẽ tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế và nâng cao mức sống của người dân. Ngược lại người dân ngày càng thêm bức xúc và thể hiện sự giận dữ của họ trên các quảng trường đường phố, như đã xẩy ra ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý. Đến đây thì các cuộc bàn cãi tranh luận ở các hội nghị bàn vuông bàn tròn  không còn là “đặc sản” chỉ dành riêng cho các chuyên gia kinh tế vốn được chia ra làm hai phe: bên thì đòi cắt xén chấn chỉnh nghiêm khắc ngân sách, bên thì muốn ưu tiên kích cầu phát triển kinh tế, mà đã mở rộng ra thành một cuộc tranh cãi cho toàn thể quần chúng trong xã hội. Về mặt chính trị mà nói có thể áp đặt các chính sách thắt lưng buộc bụng để giảm nợ nhà nước và giảm chi ngân sách mà không dẫn đến hiểm họa gây bất ổn trong xã hội ? Chính đây là mấu chốt của vấn đề, và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bất ổn định chính trị nghiêm trọng, vốn đang là hiện tượng “thời sự” nhất ở Ý, những cũng đang lần lần trở thành đại trà ở các quốc gia khác. Bất ổn định chính trị được thể hiện xuyên qua hiện tượng mất tin tưởng của người dân vào cơ chế nhà nước và giai cấp lãnh đạo của các đảng phái, xuyên qua các cao trào tẩy chai chính trị, thậm chí đến các biểu lộ thù ghét không chỉ các tầng lớp lãnh đạo chính trị, mà đến cả các tầng lớp hàn lâm ưu tú trong giới kinh tế, tài chánh, truyền thông và văn hóa. Các hiện tượng tiêu cực nói trên đã “trải rộng” lên toàn bộ các đảng phái chính trị, tả cũng như hữu, trung dung cũng như quá khích, đã liên tục thay phiên nhau lên cầm quyền ... và đảng nào cũng thừa biết trước rằng bất cứ chính phủ nào lên cấm quyền rồi lần lần cũng hứng chịu cảnh “mất lòng dân”.

Và kết quả là các “phong trào” dân túy phản đối (populista protestatario) được đẻ ra như nấm. Dĩ nhiên là giữa các quốc gia khác nhau các “phong trào” nói trên cũng có nhiều khác biệt, chẳng hạn như Phong trào 5 sao ở Ý không phải là Mặt trận quốc gia của Marine Le Pen ở Pháp, nhưng cũng có những nét đặc thù chung: thí dụ như dùng ngôn từ phỉ báng để công kích và lên án các thói quen và phương thức hành xử của giới thượng đẳng hàn lâm ưu tú, đề cao các khái niệm “quần chúng”, “công xã”, “tự phát”, đưa ra những biện pháp cực kỳ đơn giản đến độ không khả thi trước những vấn đề cực kỳ phức tạp, nhồi nhét hổ lốn thập cẩm các vấn đề hoàn toàn khác biệt nhau, tư duy “xét lại” khái niệm Châu Âu. Và đặc biệt là các “phong trào” dân túy này luôn luôn có khuynh hướng tôn sùng lãnh tụ trong đó không thể nào có những tiếng nói đi ngược lại “lời phán” của lãnh tụ .... dù rằng lúc nào khái niệm “dân chủ quần chúng” cũng được ra rã ca ngợi.

Sự lớn mạnh của các “phong trào” đã làm suy yếu toàn bộ hệ thống đảng phái của các lực lượng chính trị “truyền thống”. Và trước sự tấn công vũ bão của các “phong trào”, các đảng phái tìm cách chống đỡ bằng những “ngón nghề thông dụng” như đưa ra các biện pháp liên minh với các “phong trào” với hy vọng lần lần sẽ “bóp cổ” được chính các “phong trào” đó, hoặc đi thế cờ “bảo hoàng hơn vua” hớt tay trên nội dung của các mục tiêu phản kháng của “phong trào”: chẳng hạn như Thủ tướng Anh David Cameron, dưới áp lực tấn công của đảng “Độc lập cho Vương Quốc Anh” (UKIP – United Kingdom Independence Party – hữu khuynh), đã “đề nghị” một cuộc trưng cầu dân ý về Châu Âu. Có những đảng phái khác thì chọn chiến thuật “đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết” để rồi cuối cùng lại phải bắt tay với chính các lực lượng đảng phái đối thủ trước kia, tạo thêm lổ hổng để các “phong trào” có cớ lên tiếng tố cáo âm mưu “thông đồng để bảo vệ đặc quyền đặc lợi”

Châu Âu vốn trước đây được xem như một cánh cửa mở ra nhiều cơ hội thuận lợi .... thì nay lần lần đang trở thành một vấn đề cần giải quyết. Ngày xưa Châu Âu cũng có nghĩa là hội nhập phát triển và thịnh vượng .... thì ngày nay Châu Âu lại đồng nghĩa với khắt khổ và cắt xén. Dù rằng Châu Âu cũng đã có những nổ lực và gặt hái những thành công không thể phủ nhận ... nhưng chính Châu Âu hôm nay như một cái cũi gò bó với đủ thứ luật lệ hà khắt. Và nhất là Châu Âu chưa đề ra được một “mô hình” hội nhập toàn diện ... trong khi người Châu Âu ít nhiều cũng đã cảm nhận được rằng cái khái niệm “nhà nước của từng quốc gia” hình như không còn hợp thời nữa ... Và do đó người Châu Âu đang trong quá trình đi mò mẫm tìm những “khuông thước” mới.

Nhưng điều tệ hại nhất là hiện nay Châu Âu đang bị chia rẽ giữa hai “trường phái”: trường phái của những quốc gia “giàu và mạnh” lấy Đức làm khuông phép phát triển, và trường phái của các quốc gia khu vực “phía Nam” xem mô hình của Đức chính là nguồn gốc của mọi suy thoái ... và nhất là từ đó đã tạo ra những tư duy bài Đức.



Trong bối cảnh chính trị kinh tế toàn cầu hôm nay thì rõ ràng là Châu Âu đang “thoái trào”, dù rằng dưới con mắt của đại đa số cư dân Châu Âu thì Châu Âu vẫn còn mang những giá trị không thể từ bỏ được. Nhưng liệu người Châu Âu còn giữ được những giá trị thiết yếu ấy trong bao lâu nữa ? Trường hợp của Ý thực ra không phải là một “ca” dị thường, mà là dấu hiệu để phát hiện bi kịch hiện nay của Châu Âu với những thực tế kiểu “tiến thoái lưỡng nan” mà người Châu Âu đang phải đối đầu. Chỉ còn biết tuyệt vọng và đem so sánh tình hình hôm nay với cuộc khủng hoảng năm 1930 để rồi ngồi xoa đầu bức tóc lo cho các giá trị dân chủ sẽ bị cơn khủng hoảng kinh tế chôn vùi một cách thê thảm ? Không ai biết trước được màn cuối sẽ ra sao. Một cuộc so sánh với những biến cố lịch sử trước đây cũng không cho phép người hôm nay đưa ra một kết luận chắc chắn nào cả. Chỉ biết là sau kinh nghiệm đau thương tàn phá của Đệ II thế chiến, từ năm 1945 đến nay các giá trị dân chủ vẫn chận đứng được các cơn thác phản dân chủ. Nhưng có lẽ cũng đã đến lúc nên lắng nghe cẩn thận hồi chuông báo động đến từ Ý, quốc gia thành viên sáng lập của Liên hiệp Châu Âu, quốc gia đứng hàng thứ ba trong Châu Âu về tiềm lực kinh tế, và từ tiếng chuông báo động đó mở ra một cuộc thảo luận nghiêm chỉnh và sâu rộng về các đường lối chính trị, kinh tế và xã hội ở mức độ Châu Âu với hy vọng sẽ tìm ra phương hướng để Châu Âu trở lại con đường phát triển: đổi mới các cơ chế hoạt động dân chủ trong mỗi quốc gia thành viên, tái lập lại Liên Hiệp Châu Âu để phù hợp với nhng yêu cầu mới trong thế giới toàn cầu hôm nay .. và nhất là phải làm sao cho Châu Âu có được những phương tiện hoạt động đúng với tầm vóc của một Liên hiệp – điều mà cho đến nay các lãnh đạo chính trị của nhiều nước thành viên vẫn từ chối viện cớ để gìn giữ và tôn trọng “độc lập tự chủ” của mỗi quốc gia. Nếu từ chối bịt tai không chịu nghe hồi chuông báo động nói trên ... thì cũng có nghĩa là đưa cổ vào tròng của một anh hề .... Một anh hề hôm nay chỉ diễn ở trên sân khấu nước Ý ... nhưng có thể là nay mai sẽ lưu diễn sang toàn bộ sân khấu Châu Âu.

Roma, 11/03/2013




8 tháng 3, 2013

Hôm nay mùng 8 tháng 3. FIAT lại dám khinh thường chị em ?



Hôm nay mùng 8 tháng 3 …. FIAT mừng ngày phụ nữ bằng một cử chỉ khuyến mãi chỉ dành cho nữ giới: chỉ ngày hôm nay giá xe sẽ bao luôn cả phụ kiện cảm biến hướng dẫn đỗ xe (sensore di parcheggio).





Thế là sét đánh ngang tai. 

Tập đoàn FIAT chắc cũng đã thành tâm khi đưa ra sáng kiến khuyến mãi mừng ngày 8/3 nói trên, và chắc cả văn phòng phụ trách tiếp thị cũng không đoán trước được là họ đang phạm phải một sai lầm trời đánh.

Khi tin khuyến mãi được các mạng truyền thông tung ra … thì lập tức các đường dây điện thoại của các văn phòng FIAT, của các điểm bán xe FIAT …. trở nên nóng rực với các cú điện thoại của các phụ nữ gọi tới tấp để phản đối tư duy kỳ thị phụ nữ của tập đoàn xe FIAT: “À hóa ra thế !!! Phụ nữ lúc nào cũng dở dở ương ương … đến đỗ xe cũng không xong … may nhờ có hảng xe FIAT tặng cho thiết bị hướng dẫn đỗ xe !!!”.

Tội cho Marchionne !!! Tình ngay mà lý gian ?
Hay không chừng tình gian mà lý cũng gian ?

Roma, 08/03/2013