27 tháng 10, 2013

Chẳng lẽ Nhà Trắng đi làm phim ... con heo ???


Berlusconi: Hóa ra bọn Mỹ chũng bây nghe lén điện đàm của chính khách trên thế giới. Chẳng hạn như mụ Merkel ? Thế thì chắc chúng mày cũng nghe lén điện thoại của tao ?

Obama: Không. Silvio không có đâu. Bảo đảm là điện thoại của mày không bị nghe lén. Bởi vì tụi tao biết làm gì với mấy cú điện đàm của mày ? Chẳng lẽ dùng nó để làm phim ... con heo ?

Roma, 27/10/2013



Finish Italy !!!



Không phải nước Ý đang rơi xuống vực thẩm. Đơn thuần là nước Ý đang tục hậu. Đang lần lần tan biến ra tro bụi. Còn cách nói nào khác để thể hiện tình trạng bi đát hôm nay của nước Ý ? Nhất là nhìn các giải pháp mà nước Ý đang tìm cách khắc phục tình trạng khó khăn hôm nay ... thì chỉ thấy đó là những biện pháp ngày ngày đưa nước Ý vào con đường vô vọng.

Sau gần hai thập niên chót gần như hôn mê tê liệt (trong khi trong hai thập niên đó toàn cầu đang đối đầu với những thay đổi biến chuyển sâu sắc trong mọi lãnh vực), nước Ý lại bị bồi thêm một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh lớn nhất kể từ thời hậu chiến của thể kỷ trước ... Một cuộc khủng hoảng có thể được xem như là hệ lụy không tránh được bởi những lỗi lầm trong quá khứ cũng như những nhược điểm và thiếu kém năng lực trong hiện tại.

Dân Ý vẫn còn lầm lẫn rằng nguyên nhân của những khốn đốn hiện nay là cuộc đại khủng hoảng kinh tế tài chính có tính khu vực ở các quốc gia Tây Âu. Trên thực tế “chuyện nước Ý” không phải chỉ đơn thuần là khủng hoảng kinh tế tài chính. Lầm lẫn bởi vì những khó khăn kinh tế tài chính chỉ là “bề nổi” của câu chuyện ... và cũng bởi vì những hệ lụy của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thường là những thông số dễ so sánh và ... “dễ đọc” ... Nhất là những hệ lụy đó có “vòng quay” rất nhanh lên đời sống hằng ngày của hàng triệu gia đình Ý.

“Chuyện nước Ý” hôm nay thật  ra là một cuộc khủng hoảng sâu rộng, có thể nói là toàn diện ở mọi lãnh vực nhà nước cũng như trong các sinh hoạt của xã hội: từ cơ chế nhà nước ở khắp “ba miền”: hành pháp, tư pháp, lập pháp đến khu vực kinh tế sản xuất, đến  hệ thống tài chính ngân hàng, từ lãnh vực giao thông, y tế cho đến giáo dục văn hóa. Khủng hoảng trong các lực lượng chính trị đảng phái (tả cũng như hữu) đến các tổ chức công đoàn hay đoàn thể ban bệ. Tất cả các tổ chức từ trung ương đến địa phương hình như chỉ vận hành theo một “kim chỉ nam” duy nhất là phục vụ quyền lợi ngắn hạn trước mắt của phe nhóm hay phường hội ... bỏ qua tất cả những ích lợi chung của đất nước. Tất cả những quy luật rườm rà và quan liêu ở mọi ngỏ ngách được áp dụng hầu như chỉ để “đề kháng” từ bên trong cơ chế và chống lại tất cả những “vật thể ngoại vi” đang muốn hội nhập ... Và đấy là vùng đất mầu mỡ cho phép sản sinh hàng loạt các hô hào mị dân (italianità, orgolio nazionale, libertà ...) trên thực tế chỉ là những chiêu bài nhằm che dấu những tính toán riêng tư bè đảng.

Chỉ cần để ý ghé mắt đến cơ chế vận hành nhà nước là thấy nhan nhản những bất cập. Toàn bộ hạ tầng cơ sở hiện có của đất nước từ nhiều năm đã trở nên cũ kỹ hao mòn và không được bảo quản đúng yêu cầu, thí dụ như hệ thống đường xá cầu cống, truyền thông, thậm chí đến các mạng phân phối nước, trường học, bệnh viện. Đôi khi nguyên nhân rất đơn giản .. là vì thiếu ngân quỹ. Trong khi đó báo chí ngày ngày cứ đăng những xì-căng-đan về những công trình xây dựng hoành tráng hàng tỉ Euro ... để rồi bỏ xó nửa chừng ... vì thiếu khả thi áp dụng ... hoặc chỉ đơn giản là những công trình “ma” nhằm để bòn rút công quỹ.

Thậm chí đến các khu di tích cổ thời trước Công nguyên, vốn xưa nay vẫn được xem là “nồi cơm câu khách du lịch” ... cũng chịu số phận hẩm hiu kiểu “nhan tàn khói lạnh” khiến bị hư hỏng sụp đỗ đến độ không còn có khả năng tái thiết vì thiếu bảo quản như đã xẩy ra trong khu di tích ở Pompei hay ở ngay chính Giác đấu trường (Colosseum) nằm sừng sững ở thủ đô Roma.

Về bậc thang “âm tính” mà nói ... thì nước Ý chiếm gần hết các giải “quán quân” về những tệ nạn ở Châu Âu: từ trốn thuế đến tỉ lệ bỏ học, từ áp lực nợ nhà nước đến các bậc lương “khủng” của các đại biểu Quốc hội, từ con số tù nhân quá tải trong các trại giam đến thời gian xét xử của các vụ án kéo dài lê thê từ đời cha xuyên qua đời ... cháu, từ tệ nạn tham nhũng hối lộ và lạm quyền lạm chức  đến hiện tượng băng đảng Mafia thâm nhập vào cơ chế nhà nước và lũng đoạn nền kinh tế sản xuất,  từ các chính sách hành chánh quan liêu với hàng chục chữ ký và dấu mộc trên mỗi thứ giấy tờ chỉ đến xin phép mở cơ sở kinh tế sản xuất .... đến việc các phường hội (lobby) khống chế tất cả các sinh hoạt tự do của mỗi công dân (chỉ cần đi xin giấy phép lái taxi ... thì đã thấy đỗ mồ hôi hột ... chứ không bắt buộc phải ngó lên các nghề chuyên môn cao cấp như bác sĩ, kỹ sư, luật sư, công chứng ...). Các tệ nạn quan liêu và bất cập ăn sâu vào tâm thức của người dân đến độ gần như người ta coi như đó là ... “chuyện thường ngày ở huyện” ... và chẳng ai còn có ý chí muốn phản kháng.

Thậm chí đến hình ảnh thống nhất của một quốc gia cũng đang lần lần bị sói mòn theo năm tháng bởi các tranh giành ảnh hưởng quyền lực và kinh tế giữa các địa phương với nhau hoặc giữa địa phương với trung ương. Các đảng phái chính trị chỉ biết co cụm khăng khăng bảo vệ địa phương của mình để tiếp tục nắm giữ cử tri ... mà không cần biết đến những hệ lụy lâu dài lên toàn bộ đất nước.

Một đất nước mà hiện nay thành phần “bô lão” trong xã hội đang lần lần qua mặt thế hệ trẻ trong tuổi lao động ... khiến cho gánh nặng phúc lợi hưu trí ngày càng đè nặng lên cán cân chi tiêu nhà nước .. trong khi giới trẻ trong tuổi lao động đã ít ... mà lại không tìm ra công ăn việc làm nên lại càng không có khả năng đóng góp vào ngân sách phúc lợi xã hội.

Trách nhiệm phần lớn chắc chắn là thuộc về giai cấp lãnh đạo chính trị của các đảng phái. Trong suốt giai đoạn từ thời hậu chiến (giữa thập niên 40) cho đến đầu những thập niên 90, suốt gần nữa thế kỷ, nước Ý đã có được một ổn định chính trị nhất định và một quá trình phát triển kinh tế không kém các quốc gia Tây Âu khác ... Nhưng nhìn kỹ lại thì đấy không phải là do tài cán của giai cấp lãnh đạo chính trị đang cầm quyền lúc đó ... mà chỉ vì “thời thế” của cuộc chiến tranh lạnh, mà trong bối cảnh đó, do vị trí địa chính của mình ở vùng Địa Trung Hải, Ý đã là một “đồng minh chiến lược quan trọng” của khối NATO, khiến Mỹ đã phải “gồng mình” đổ tiền viện trợ để giữ “ổn định” chính trị ở Ý ... dù rằng Mỹ cũng thừa biết những giới hạn của giai cấp lãnh đạo chính trị Ý, nhất là của đảng cầm quyền lúc đó là đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo. Cũng phải nói thêm rằng tình trạng bị “nghiện viện trợ” không phải chỉ xẩy ra trong các đảng phái chính trị “hữu khuynh” thân Mỹ, mà chính các lực lượng chính trị đảng phái cánh tả, đứng đầu là Đảng Cộng Sản Ý, cũng đã từng được “đàn anh” Liên Xô “mớm cơm” từng ngày. Tất cả các “viện trợ”, dưới hình thức này hay hình thức khác, đã không được giai cấp lãnh đạo chính trị Ý đánh giá như một đòn bẩy để nâng cao khả năng vận hành đất nước ... mà ngược lại chính các nguồn viện trợ dồi dào, và dễ dãi (một thứ viện trợ vô điều kiện),  đó đã làm tha hóa giai cấp lãnh đạo chính trị ... làm triệt tiêu tất cả các khả năng đề kháng ... để rồi khi chiến tranh lạnh chấm dứt ... nước Ý ngày một ngày hai mất hẳn vị thế chiến lược trên sân khấu chính trị quốc tế .... và do đó các nguồn viện trợ bị cắt đứt một cách thảm hại .... như một đứa trẻ ngày một ngày hai bị cắt dòng sửa mẹ trong khi chưa hề biết học nhai học nuốt ... Thảm họa bắt đầu từ đó.


Nhưng thảm họa của Ý không phải chỉ do giai cấp lãnh đạo chính trị gây ra. Cũng cần phải thấy rõ vai trò vị trí và trách nhiệm của giai cấp tư sản Ý trong suốt giai đoạn tái thiết thời hậu chiến. Những “đại gia” đã từng nắm giữ vận mạng công nghệ sản xuất và hệ thống tài chính của đất nước. Họ đã đóng góp như thế nào trong quá trình phát triển kinh tế thời hậu chiến ? Họ đã chứng minh cho thấy khả năng và can đảm đối đầu với những thách thức kinh tế thương mãi, nhất là trong những giai đoạn bắt đầu thời kỳ kinh tế toàn cầu ? Họ đã dám “cả gan” đầu tư chính tiền bạc vốn liếng của họ vào các công trình nhầm nâng cao công nghệ tiên tiến và mở rộng khả năng cạnh tranh thương mãi ? Hay họ chỉ biết loay hoay chạy theo nắm vạt áo của giai cấp lãnh đạo chính trị để đi tìm ô dù ... và trợ cấp bù lỗ của nhà nước (điển hình nhất là ... cơ sở hàng không dân dụng Alitalia ... cứ mỗi năm ba năm ... là lại bị đe dọa phá sản ... nếu nhà nước không tìm ra phương án ... bù lỗ) ? Câu trả lời rất đơn giản: chỉ cần nhìn sự hiện diện khiêm nhường của nền công nghệ sản xuất Ý trên thị trường thương mãi toàn cầu ... giới hạn ở các mặt hàng “thời trang” hay “xa xỉ” ... trong khi các mặt hàng công nghệ cao cấp hay sản xuất đại trà ... thì đều bị các giới tư sản của các quốc gia khác đè bẹp. Hay chỉ cần đọc báo để thấy ngày nào cũng có hảng xưởng của Ý đang bị thua lỗ tục hậu vì bị cạnh tranh ... hoặc nếu còn có khả năng sản xuất ... thì lập tức bị các giới tư sản của các nước khác “thu mua” (trường hợp chót là Telecom Italia đang bị Telefonica của Tây Ban Nha thu mua).

Nhìn sang lãnh vực ngân hàng tài chính ... thì tình trạng cũng chẳng khá hơn. Trên lý thuyết thì vai trò của các ngân hàng là hổ trợ tài chính để các cơ sở sản xuất đẩy mạnh quá trình phát triển công nghệ quốc gia. Nhưng trên thực tế ở Ý thì các tập đoàn ngân hàng tài chính lại là những gánh nặng làm trì trệ phát triển lành mạnh của nền kinh tế đất nước. Phần lớn các ngân hàng thực ra chỉ là những tổ chức kinh tài của các nhóm “đại gia” với sự thông đồng của giai cấp lãnh đạo chính trị. Thông thường việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các tổ chức ngân hàng tài chính không dựa trên khả năng thực sự của ứng viên ... mà chỉ là kết quả của những thỏa thuận về xếp đặt nhân sự giữa các quyền lực kinh tế và chính trị với nhau. Từ đó các quyết định vận hành của ngân hàng đều hoàn toàn tùy thuộc vào các ích lợi cục bộ của các tổ chức quyền lực kinh tế và chính trị, bỏ ra ngoài tất cả những ích lợi chung cho đất nước. Thậm chí, ở các tầng lớp thấp, các tổ chức ngân hàng tài chánh thường là những nơi để giai cấp lãnh đạo chính trị thu xếp “nơi ăn chốn ở” cho con cái, gia đình, dòng họ, bà con hay bè bạn ... thậm chí cho bồ nhí ... với chế độ lương bổng vừa “khủng” và công ăn việc làm vừa “bền”.

Hình tượng “văn minh” tiêu biểu của đất nước Ý hôm nay là một xã hội tiêu thụ “hậu hiện đại” với con số thống kê “khủng” 160 điện thoại di động cho mỗi 100 cư dân ... nhưng đồng thời cũng là một đất nước mà thống kê cho thấy là trên mỗi hai cư dân ... thì mỗi năm chưa đến có được một người đọc được một quyển sách. Một đất nước nắm giải vô địch Châu Âu với con số 4 giờ mỗi ngày mỗi người ngồi thụ động trước ti-vi để “nuốt” hết các chương trình lãm nhãm từ fiction kiểu “Hàn Quốc” cho đến các show “tài năng mới” hoặc các “talk-show” văn hóa trá hình trong đó đến người chưa hề tốt nghiệp đại học cũng có thể đàm luận về các phương pháp trị liệu khoa học hiện đại.


Toàn bộ nước Ý như đang chìm đắm trong một cơn mê muội nghiện ngập để cố tình không nhìn thấy căn nguyên bệnh trạng của đất nước ... Mê muội đến độ các chính khách mị dân liên tục thay nhau lên sân khấu mà không một khán giả nào có đủ khả năng đứng lên phản đối và rời bỏ rạp hát ....

Nếu nói rằng ... lịch sử vẫn thường hay lặp lại ... thì rõ ràng nước Ý là một bằng chứng hùng hồn nhất.

Người ta còn nhớ hai thập niên về trước cả một nền Đệ I Cộng hòa Ý hóa ra tro bụi dưới chiến dịch “bàn tay sạch” của Tòa án Milano trong các vụ án tố cáo các lãnh đạo chính trị của các đảng phái nắm quyền lúc đó về tội tham nhũng hối lộ ... để rồi hai thập niên sau nền Đệ II Cộng Hòa cũng đang đi trên con đường phá sản ... vẫn với ngòi nổ hối lộ tham nhũng. Ít ra thì ở thời Đệ I Cộng hòa ... chính khách tham nhũng còn biết cúi đầu hổ thẹn và từ bỏ quyền chức chạy tháo thân ra nước ngoài ... Còn ở thời Đệ II Cộng hòa, người bị kết án tham nhũng không những không “thèm” hổ thẹn ... mà còn dấy âm binh tố ngược lại các tòa án về các “vụ án chính trị” .... Không biết rồi mai đây, sau khi nền Đệ II Cộng hòa ra tro bụi (nếu một mai có ngày ra tro bụi) thì nền Đệ III Cộng hòa sẽ còn được “phát triển” đến đâu. Có lẽ chính sự nghi ngờ này (và kinh nghiệm của hai thập niên vừa qua) đã khiến xã hội Ý cũng không còn mấy “hồ hởi” trước những viễn ảnh “đổi mới” ... Vì cũng như tựa của một vở kịch nghệ nỗi tiếng ở Ý: “Ai bỏ cái cũ để chọn cái mới thì biết chắc cái mình bỏ ... nhưng không biết cái mình sẽ có” (*).

Thực ra thì cũng chẳng ai biết là ... ngoài việc tranh giải vô địch bóng tròn thế giới và tổ chức các màn trình diễn thời trang ... và còng lưng ra trả nợ nhà nước ..... nước Ý có thực sự là còn cần thiết trên sân khấu quốc tế nữa hay không ? Kết thúc cuộc chiến tranh lạnh đã làm nước Ý mất đi cái vị thế địa chính chiến lược quan trọng trên ván bài quốc tế ... và do đó đã làm mất “nồi cơm” của Ý. Rồi kế đến thời kinh tế thương mãi toàn cầu đã đẩy nước Ý vào thế co cụm trong cạnh tranh thương mãi ... gần như một anh bán hàng rong tỉnh lẻ.

Nhìn sân khấu chính trị của Ý trong những năm gần đây mà thấy ngao ngán. Cả một đất nước suốt gần hai thập niên ... chỉ biết chạy quanh một đại gia ... vốn có nhiều điều còn u tối trong quá trình gầy dựng sản nghiệp to tát hiện nay.

Điều đáng ngại nhất là hình như con đường sự nghiệp chính trị của đại gia cũng đang bắt đầu bước vào giai đoạn cáo chung .... nhưng các đảng phái chính trị, ngay đến cả các lực lượng chính trị đối thủ, cứ như đang bị mất phương hướng .... vì không còn cái cối xây gió để mà vung kiếm.

Hết Ý. Theo nghĩa “Finish Italy”.

Roma, 27/10/2013




(*) “Chi lascia la via vecchia per la nuova, sa quel che lascia, e non sa quel che trova” là một kịch bản sân khấu 3 màn của Giuseppe Giocosa viết năm 1870.

13 tháng 10, 2013

Khóc Đại tướng ... và khóc cho cả chính mình !!!



Nhìn những tấm hình trong đó hàng ngàn người trong dòng người vô tận kéo dài qua cả mấy khu phố đến trước cổng nhà của Đại tướng để được đốt một nén nhang và cúi đầu kính cẩn trước vong linh của con người đã đi vào lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ... mà không khỏi không có một thoáng bất ngờ. Nhất là trong dòng người xếp hàng ấy rất đông là thành phần thanh niên trẻ sinh ra và lớn lên khi đất nước đã không còn chiến tranh và Đại tướng đã trở thành một “huyền thoại lịch sử” đứng bên lề của một guồng máy đang vận hành đất nước.

Những cụ già bộ đội tay chân run rẩy được con cháu dìu đến đốt nén nhan trước bàn thờ của Đại tướng, những cán bộ đảng viên hưu trí đứng trầm ngâm mặc niệm trước vong linh của Đại tướng, những bà mẹ anh hùng liệt sĩ nước mắt lăn tròng trên khuông mặt già nua trước tấm ảnh quàng băng đen của Đại tướng ... Đó là cả một thế hệ đã một thời sống trong khó khăn cùng cực của đất nước và khổ đau nhọc nhằn của dân tộc  ... nhưng cũng đã hít thở được những giây phút hào hùng của một quốc gia nhược tiểu dám “cả gan”  đánh bại cả thực dân lẫn đế quốc. 


Nhưng còn những thanh niến thiếu nữ tuổi đôi mươi, thậm chí đến những siêu sao của nền nhạc pop hậu hiện đại ... cũng cùng với dòng người lũ lượt đến đốt một nén nhan để rồi thở dài ... như đánh mất một cái gì vô giá ?  Cùng lắm thì họ cũng chỉ “biết” Đại tướng qua những lời kể lại của thế hệ đi trước, qua những trang sách lịch sử trên ghế nhà trường, qua những tư liệu in ấn bày bán trong các cửa hàng sách, hay qua những thước phim của một thời ... Thế thì cái gì đả dấy lên trong lòng họ những cảm tình thành kính đối với một ông tướng già ... như ông nội ? (theo cách nói của Cô Tư Xứ Mũi).

Cái gì đã làm cho cả một xã hội đang ngày đêm vất vả  bươn bả chạy đi tìm đồng tiền và tiêu thụ hưởng lạc ... rồi bổng dưng như khựng lại trước tấm ảnh của Đại tướng mà trầm ngâm mặc niệm ?

Có lẽ xã hội đã thấu nhận được rằng ... sau lưng Đại tướng ... chỉ còn là một khoảng trống vô hồn ... nơi đó không còn giá trị nhân bản lẫn dân tộc. Tất cả chỉ còn là một cuộc chạy đua tha hóa kiểu cá lớn nuốt cá bé, kiểu “con quan thì được làm quan, con sãi nhà chùa thì quét la đa”.

Có lẽ hàng người vô tận trước cửa nhà Đại tướng khóc thương tiếc một vị anh hùng dân tộc ... nhưng họ cũng khóc cho chính mình ... trước một đất nước đang trên đà tha hóa với những nguy cơ mất độc lập tự chủ ... như thời cha ông của họ đã phải trải nghiệm. Với câu hỏi như một cây đinh trong đầu: "Nhưng lần tới này liệu đất nước còn “đẻ” ra được một vị tướng hào hùng như Đại tướng vừa mới mất hay không ?"

Roma, 13/10/2013

1 tháng 10, 2013

Mồ ma sống dậy ???



24 tiếng đồng hồ nữa là các lá bài trên canh bạc chính trị ở Ý sẽ được lật ngữa, và mọi người sẽ biết được là đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo sẽ sống dậy hay không: một đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo “hậu hiện đại” thời Đệ Tam Thiên Niên kỷ (Terzo Millennio), điểm hồi chuông khởi đầu quá trình “tro tàn cát bụi” của “đế chế berlusconiano”. 

Hoặc ... nước Ý lại sẽ quay ngược kim đồng hồ đi 8 tháng ... để trở lại phòng phiếu ... và “quái kiệt” Berlusconi có thể “bị” thắng cử một lần nữa ?

Không phải dễ lường trước được hết các kịch bản khả thi ... và đối với những ai có kinh nghiệm sinh sống ở Ý, nhất là trong hai thập niên vừa qua, cũng phải tâm niệm trong đầu: “ở đời ai học chữ ngờ !!!”.

Không phải dễ. Đã có quá nhiều lần ... các đối thủ chính trị tưởng đã sắp đi dự “tang lễ sự nghiệp chính trị” của Berlusconi ... để rồi hơn một lần ... Berlusconi lại hồi sinh như Chúa Jesus sống lại sau khi bị đóng đinh trên cây thập giá.

Người ta còn nhớ một buổi tối giá lạnh thứ bảy của tháng 11 năm 2011 hàng ngàn người đã tự động kéo nhau đến trước cửa dinh Tổng Thống Ý (Quirinale) vui mừng nhảy múa ca hát ... vì cứ ngỡ rằng đã “tuyệt nọc” được berlusconismo và hai thập niên đế chế của Berlusconi đã vĩnh viễn khép lại ...  Mùa thu năm 2012 ... tất cả các cuộc thăm dò ý kiến đều “phóng” các biểu đồ hiển thị cơn tuột dốc vô vọng của đảng Nhân Dân Tự Do (15%). “Thái tử” Angelo Alfano (người thường được xem là bất tài vô tướng ... nhưng trung thành với Berlusconi) và “cận thần” Renato Schifani (ngoài bất tài vô tướng ... còn được xem như là một trong những đường dây liên lạc giữa Berlusconi với Mafia) lúc đó đang “âm mưu” tìm cách “đảo chính” Berlusconi (người ta còn nhớ những sáng kiến của hai tay này đòi tổ chức “bầu sơ bộ” (primarie) để tìm người lãnh đạo đảng Nhân Dân Tự Do ... thay Berlusconi). Để rồi đến mùa xuân 2013, Berlusconi “sống dậy” giáng những cái tát tay chí tử vào mặt mấy đám quần thần toan tính âm mưu phản trắc “đế vương” ... và tiếp tục chểm chệ trên ngai vàng vừa ban phát “hồng ân” cho những ai bái đầu quy phục ... vừa răn đe hăm dọa những ai dám ngốc đầu ú ớ !!!

Mùa thu 2013. Liệu rồi lần này ... kịch bản cũ sẽ lại tái diễn ? 

So với các lần khác trong quá khứ ... thì lần này Alfano và đám “đảo chính” đã leo lên lưng cọp. Lần này thì “đồ dơ đã được phơi bày ra trước làng xóm” ... thay vì “giặc giũ trong nhà” như nhng lần khác.

Và lần này "Thái tử" Alfano đã dám cả gan tuyên bố “diversamente”.

Alfano thủ thỉ với Letta: “Enrico, tao có trong tay khoảng 30-40 mạng dân biểu đây. Và như thế là chắc chắn chính phủ của mi sẽ “thọ”. Đánh đổi lại, mi phải ráng cầm cự cho đến 2015 để tụi tao có thì giờ chuẩn bị lực lượng làm sống dậy cái mồ ma Dân Chủ Thiên Chúa Giáo.  Thực tâm mà nói ... trong cái đám mồ mà Dân Chủ Thiên Chúa Giáo này ... cũng có chổ cho mi, cho Franceschini, cho Casini .... tụi mình nói cho cùng ... cũng đã từng uống chung ao nước của Dân Chủ Thiên Chúa Giáo ... trước khi Berlusconi nhào ra phá đám. Thậm chí cũng có chổ cho cả Mario Monti. Cái tay Matteo Renzi xem ra “nổi danh” hơn mi .... khó mà mi có thể quật được nó trong cái đảng Dân Chủ ... Thôi thì đám tụi mình ngồi làm lại trang sử mới Đệ Tam Thiên Niên kỷ cho đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo ... xem ra vừa hợp tình vừa đúng ý (đồ)”. 

 Angelino Alfano, Dario Franceschini, Enrico Letta
(DD - Dân Chủ Thiên Chúa Giáo doc)

Cái lá phiếu “tín nhiệm chính phủ” mà ngay mai Enrico Letta sẽ đòi trước Quốc hội ... đang được tạo dựng xoay quanh kịch bản mà Angelino vừa nói với Enrico.

Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo sẽ sống dậy ? Hay Berlusconi hồi sinh ?

Ngày mai mọi sự sẽ rõ ràng !!!

Và nước Ý ??? Chắc rồi lại .... rượu cũ bình mới mà thôi !!!

Roma, 01/10/2013