8 tháng 12, 2014

Băng đảng mafia lũng đoạn giới lãnh đạo chính trị Roma



Nguyên tác bài này có tên "Il Paese che vive nella Terra di mezzo" của Roberto Saviano đăng trên nhật báo "la Repubblica" ngày 05/12/2014)
(những đoạn in nghiêng là chú thích của người chuyển ngữ)

Mấy hôm nay công luận nước Ý xôn xao về vụ xì-căn-đan “Mafia capitale”: báo chí đã đăng tải rầm rộ những thông tin tình tiết về các hoạt động điều tra của cơ quan ROS (Raggrupamento Operativo Speciale – một tổ chức điều tra của lực lượng Carabinieri Ý – tức là trực thuộc bộ Quốc phòng) dưới sự chỉ đạo của Thẩm phán Giuseppe Pignatone của Tòa án Roma.

Đúng ra cũng gần như là “chuyện thường ngày ở huyện” vốn vẫn hay xảy ra ở Ý vào mỗi tuần trăng. Đã từ lâu công luận vẫn quen nhìn giai cấp lãnh đạo chính trị một cách kinh tởm, nhưng công luận cũng không nhìn nhận ra nổi những trách nhiệm của mình, thì bây giờ cũng đến phiên giai cấp chính trị cũng chẳng hiểu “vì sao nên nỗi”. Trong giới chính trị bây giờ người ta mua bán, cầm thế linh hồn của mình một cách rẻ mạt – có khi chỉ đến 750 Euro mà không nhận thức ra được mức độ trầm trọng của việc nhận “quà cáp” (có lẽ tình hình kinh tế khủng hoảng mấy năm gần đây khiến giai cấp lãnh đạo chính trị cũng phải bán tháo bán đổ nhân cách đạo đức … cũng như người dân bình thường phải bán tháo bán đổ vàng vòng nữ trang tích lũy trước đây). Giới chính trị bây giờ chẳng còn một chút uy tín tối thiểu, đến những lý tưởng cần thiết cho hoạt động chính trị cũng không có. Bây giờ thiên hạ xem việc “làm chính trị” chỉ đơn thuần là một cơ hội để kiếm tiền, thậm chí là một nghề … mà không cần phải có học thức bằng cấp chuyên môn, không cần phải có kinh nghiệm nghề nghiệp.
Câu hỏi tự nhiên là: làm sao mà những nhân vật trong câu chuyện “u ám” này như Salvatore Buzzi và Massimo Carminati lại có thể trở thành đạo diễn, nhân vật chánh của những vụ việc “khủng” như thế ? Một bên là một tay sát nhân và đã từng tham gia các hoạt động khủng bổ cực hữu, như nhóm NAR (Nuclei Armati Riviluzionari), rồi sau đó nhảy sang gia nhập vào băng đảng xã hội đen như băng đảng Magliana. Bên kia là một tay sát nhân đã bị kết án tù (và đã mãn án tù 24 năm), đã từng hoạt động trong các nhóm cực tả. Còn Carminati thì được “trắng án” dù rằng lúc nào cũng “được tòa án để ý”.
Trong một quốc gia “bình thường” khác thì những tay như Buzzi và Carminati sẽ phải sống dưới sự giám sát của chính quyền, chúng nó cần phải có những thái độ “tích cực” để minh chứng khả năng có thể được hưởng quy chế giảm án tù, xem như là một cơ hội để có thể “hoàn lương” chứ không phải là một thứ “ân xá”.
Nhưng ngược lại thì những tay như Buzzi và Carminati lại được giai cấp lãnh đạo chính trị đặt tin tưởng mà không cần phải có một sự minh chứng trong sạch nào cả. Giới chính trị tin tưởng vào bọn này một cách mù quáng. Công luận tự hỏi làm sao có thể xảy ra một điều cực kỳ ngu xuẩn như thế ? Trong mấy hôm nay câu thần chú là: có tội không phải chỉ những người mắc tội, mà cả chính những người cố tình nhắm mắt làm ngơ. Thế thì “chúng ta” là loại người nào ? Loại mắc tội hay loại nhắm mắt làm ngơ ? Cần phải chọn lựa một trong hai, vì không có khả năng thứ ba.
Làm sao mà những nhân vật như Carminati và Buzzi là có thể được đánh giá là “đáng tin cậy” ? Dễ hiểu thôi. Bởi vì chúng ta đang sống ở Ý. Bởi vì ở Ý không phải người ta từ chối và trốn tránh những quan hệ với những kẻ ít nhiều tồi tệ hơn ta, mà người ta từ chối những quan hệ với người khá hơn ta. Đối với những người trong sạch thì đấy là đối tượng để công phá; mục tiêu là phải triệt hạ những hình tượng tích cực. Chả thế mà trong một ban quản trị thành phố bất cứ ai “khác người” vì có “lương tâm nghề nghiệp” là lập tức phải bị “thuyên chuyển”, thậm chí có thể dựa theo những vụ thổi phồng báo chí nào đó, tùy trường hợp, tùy người. Nhưng nếu những người đó “cản mũi kỳ đà” thì lập tức … “out”. (Cũng phải nói thêm rằng, những người không muốn thỏa hiệp thì lúc nào cũng là mối đe dọa đối với cả một guồng máy đã bị mua chuộc). Chính vì thế mà giới lãnh đạo chính trị vẫn phải dùng và tự trói buộc mình với những nhân vật … không mang những hình tượng (tích cực) để người ta có thể đạp đổ và những nhân vật ấy chẳng bao giờ muốn “đổi mới” cái gì cả … và bọn chúng sống trong cái “thế giới giữa chừng” (mondo di mezzo) theo cái “tư duy” của Carminati, vốn bắt chước theo khái niệm “Terra di mezzo” của triết gia John Ronald Reuel Tolkien (1892-1973): “Nhng người sống thì ở trên, người chết thì ở dưới … còn ta thì ở giữa chừng … nơi mà … tất cả rồi sẽ gặp nhau. Và những người ở “tầng trên” (thượng cấp) cũng muốn là những người ở “tầng dưới” (hạ cấp) làm những chuyện … mà không ai muốn … dơ tay. Và đấy là cái hổ lốn … mọi thứ nhập nhằn trộn lẫn với nhau”.
Coi chừng, đây không phải chỉ đơn thuần là một khái niệm kiểu “cầu nối” giữa giới lưu manh băng đảng với giới quan chức nhà nước. Đây là cả một khái niệm đúc kết tất cả hệ thống triết học kinh tế.
Đấy là một “giao điểm” nơi mà người ta đặt tin tưởng vào những ai “có khả năng”, dù bất cứ ai, miễn là “biết chuyện”. Chính ở đấy xuất hiện Salvatore Buzzi với những hợp tác xã hoạt động trong những giới tuyệt vọng, sống bên lề xã hội, những cựu tù nhân, những người nhập cư, tị nạn vốn tự họ không làm ra được của cải, trong một đất nước như Ý, nơi mà các cơ sở kinh tế sản xuất đang giãy chết, một nước Ý bị nghẹt thở dưới áp lực của một cỗ máy thuế má bất hợp lý, một cơ chế đúng ra phải triệt tiêu những chi phí khủng và những phung phí của giới chính trị, thì ngược lại đấy chính là mỏ vàng cần khai thác.
Ở Ý bất cứ một sự kiện báo động hay khẩn cấp nào cũng đều “bắt buộc” phải trở thành cơ hội làm business (thí dụ như lụt lội, mưa gió bão bùng, động đất, rác rưới, thuyền nhân, nhập cư bất hợp lệ, tị nạn chính trị … thậm chí đến cả những bạo động của chính băng đảng Mafia …). Này nhé, khủng hoảng rác ở Napoli đã “tắm mát” giai cấp chính trị, băng đảng camorra và giới … “doanh nhân” hơn một thập niên. Mare nostrum (chiến dịch cứu vớt thuyền nhân trên biển Địa Trung Hải của nhà nước Ý) là một thảm cảnh cho tất cả bất cứ ai … ngoại trừ Carminati và Buzzi. Động đất ở l’Aquila đã gây nên những tràng cười sảng khoái của giới đại gia. Đối với những tay này những làn sóng thuyền nhân không phải là vấn đề “khẩn cấp mang tính nhân đạo” .. mà chỉ là những cơ hội làm ăn cực kỳ lớn. “Với bọn này (thuyền nhân) chúng ta hái ra tiền còn nhiều hơn đi buôn lậu ma túy”, chúng nói “khoe” với nhau như thế. Điều này có nghĩa là tổ chức băng đảng mafia của Carminati không phải kiếm tiền bằng những hoạt động “truyền thống” mà người ta vẫn hay gọi là …. bất chính (thí dụ như ăn cướp, bắt cóc, ma túy, buôn lậu vũ khí, buôn lậu thuốc lá, đĩ điếm …) mà bây giờ chúng nó đã “chuyển” sang các hoạt động đầy ánh hào quang cao thượng. Nhng hoạt động bất khả xâm phạm và cũng không thể nào có thể gây nghi ngờ. Nhưng ở trong những hoạt động “hào quang tỏa sáng” này … người ta chẳng hề thấy hơi hướm nhân đạo hay lý tưởng ý thức hệ đâu cả: chẳng cần biết tả hay hữu, business là business, những “phi vụ” trong việc giải quyết vấn đề hội nhập cho người Rom (di-gan), vấn đề nhà cửa, vấn đề dân nhập cư … tất cả những khẩn cấp này … đều (một cách trớ triêu) do chính tay chân thuộc hạ của Alemanno đứng ra đảm nhận, những tay mà ngay trong các buổi họp của Ủy ban quản trị thành phố hò hét phản đối các luồn sóng nhập cư, phản đối sự hiện diện của người Rom, đòi đuổi những người “vô gia cư” ra khỏi các khu phố … Tóm lại, ở “nghị trường” thì chúng nó hò hét phản đối sự hiện diện của những thành phần khốn khổ của nhân loại (chúng bảo là làm cho thành phố bị xuống cấp) … nhưng ở ngoài đời thì đấy là những “mỏ vàng” của chúng.
Ngay đến cả việc phân biệt màu sắc chính trị cũng không còn là vấn đề: cực tả và cực hữu vẫn có thể cặp kè cùng nhau làm business, cứ xem Carminati đến từ phía cực hữu, còn Buzzi là dân … cực tả … lại chính là cánh tay mặt của Carminati (thậm chí Carminati còn tin tưởng Buzzi hơn cả vợ mình: hắn bảo với Buzzi, tiền của tao thì tao giao cho mày giữ, không đưa bất cứ cho một ai …. Đến cả vợ tao có đòi cũng không được xì ra !!!).
Nhưng nào chỉ có “cặp bài trùng cực tả-cực hữu” nói trên đâu.
Vấn đề quản lý người nhập cư và tị nạn … là thuộc thẩm quyền cấp nhà nước: Bộ nội vụ. Và chính ngay trên bàn của Bộ nội vụ … đã có mặt người của “cặp bài trùng” nói trên.  Đó là Luca Odevaine, một nhân vật dễ làm cho người ta liên tưởng đến Mr. Wolf trong bộ phim Pulp Fiction (một nhân vật lạnh lùng, tính toán, âm mưu). Mọi chuyện thế là đã được giải quyết. Luca Odevaine này vốn xưa kia giữa chức vụ phó-trưởng văn phòng của Ủy ban quản trị Roma dưới thời Walter Veltroni, rồi sau khi Veltroni hết nhiệm kỳ thị trưởng thì hắn được bổ sang làm “Trưởng ty cảnh sát hàng tỉnh” (provincia) và sau đó được thăng lên làm “trưởng phòng cơ quan phòng vệ dân sự” (protezione civile) của pronvincia di Roma (thời của Zingaretti, đảng PD), để rồi cuối cùng được cử sang làm ủy viên trong tổ chức “điều phối cấp quốc gia về vấn đề tị nạn” (tức là quyết định con số người tị nạn được phân tán ở khắp các tỉnh, quyết định tài trợ cho các kế hoạch tiếp nhận người tị nạn, quyết định ngân sách đầu tư hạ tầng cơ sở để tiếp người tị nạn ….).
Để hiểu rõ hơn: chính Luca Odevaine là người có trách nhiệm điều phối thủ đô Roma trong dịp tang lễ của Đức Giáo Hoàng Paolo II (02/04/2005, dưới thời Veltroni làm Thị trưởng Roma) (với hàng triệu giáo dân và hàng trăm phái đoàn cấp nhà nước đổ về Roma).
Tính chồng chéo không màu sắc chính trị của hệ thống “thế giới giữa chừng” của Carminati dựa trên mô hình “phong bì”, lớn có nhỏ có. Luca Odevaine, thể theo các tiết lộ báo chí, nhận “phong bì” 5 ngàn Euro mỗi tháng.
Nhưng điều đáng chú ý là, vẫn dựa theo các hồ sơ của các cuộc điều tra, hình như chẳng một ai trong đám quan chức bị mua chuộc nhận thức được tình trạng “tham nhũng” của mình. Điều mà đã có nhiều người dự đoán rằng “Tangentopoli (bắt đầu với chiến dịch “bàn tay sạch” của Tòa án Milano vào đầu những thập niên 90 … và đã làm triệt tiêu các đảng phái lẫn cả nền Đệ I Cộng hòa Ý) chỉ là màn đầu của một apocalisse (tận thế) vĩnh viễn của cơ chế chính trị và xã hội” … hình như đang bắt đầu trở thành sự thật. Bây giờ những người tham nhũng không phải họ chỉ cảm thấy được toàn quyền làm những điều bất chính, mà thậm chí họ cũng không còn ý thức được đấy là điều bất chính.
Về mặt chính trị mà nói thì ở đây Matteo Renzi …. hơi bị trễ tàu trong việc quyết định đặt thành ủy PD Roma dưới sự giám sát của trung ương đảng (commissariamento). Bởi vì trước khi tòa án cho nổ ra vụ điều tra “Mafia capitale” .. thì cũng đã có nhiều “tín hiệu” to nhỏ … và giai cấp chính trị thực ra đã phải có lỗ tai để nghe được những tín hiệu đó. Thế mà Renzi, dù rằng có thể có đủ công cụ để “tẩy rửa toàn bộ thành ủy” … thì đã không làm (cái này thì bản thân tôi không mấy được thuyết phục, nhưng đây là ý tưởng của nguyên tác giả bài viết) … lại chỉ lấy quyết định sau khi quả bom điều tra nổ ra (tức là người ta có cảm nhận là Renzi lấy quyết đinh vì bị áp lực chính trị nhiều hơn…, hay nói theo cách nói của người Ý: để bò xổng chuồng rồi mới đóng cửa - Nhưng theo nhận xét cá nhân của tôi thì Renzi "phải đợi" đến lúc này mới có được "thời cơ" để có thể (hy vọng) "rottamare" được thành ủy PD ở Roma).
Còn phía hữu bên kia … hay nói cho đúng thì cũng cùng là một bên … dù rằng khi cần đóng tuồng thì xem như hai bên lúc nào cũng hổn chiến với nhau …. Một cánh hữu ngày càng bình thản chiếm cứ các ban bệ để trục lợi, để chi phối đời sống dân chủ, thậm chí đến cả việc tận dụng báo chí để làm loa như trường hợp nhật báo “il Tempo” mà ông chủ bút đã phải cho đăng bài có lợi cho băng đảng Mafia capitale trong một vụ đấu thầu để quản lý “trại đón nhận tị nạn” ở Castelnuovo di Porto (gần Roma), và ông chủ bút đã phải đích thân gặp gỡ Carminati.
Mafia capitale chỉ mới là màn đầu. Những cuộc điều tra khác ở những thành phố khác sẽ cho thấy Roma không phải là trường hợp đơn lẽ. Ở những quốc gia Châu Âu khác không phải là không có tệ nạn tham nhũng hối lộ, nhưng tham nhũng hối lộ ở những nước ấy không đi đến mức độ lũng đoạn cả cơ chế nhà nước: người bị kết tội tham nhũng sẽ bị đẩy ra khỏi cơ chế vốn được xem như thiêng liêng và cần phải bảo bệ. Ở Ý thì ngược lại, cơ chế nhà nước là thứ cần phải được “tận dụng”, chiếm hữu nó … thay vì bảo vệ nó.
Mà tại sao mọi chuyện này xảy ra ? Tại vì ở Ý hiện nay ai ai cũng “ý thức” được một điều: nếu không bôi trơn ... thì chẳng làm được tích sự gì cả. Nếu không “mạnh tay” thì chẳng xảy ra chuyện gì cả. Kết quả là cả tả lẫn hữu đều đi đến kết luận: đừng cố tình làm kiểu “em chả … em chả” một cách vô ích. Tất cả chúng ta đều phải chấp nhận một thỏa hiệp nào đó trong công việc. (Thậm chí đến những công trình ích lợi và tiên tiến kỹ thuật hàng đầu mà cả thế giới phải nghiên mình thán phục … như trường hợp của kế hoạch xây dựng MOSE ở Venezia, một kiểu đập ngăn nước di động theo triều cường … nhưng cũng phải “bôi trơn” để có thể được … trở thành ích lợi cho xã hội !!!). Đấy là cái lô-gích hoạt động của băng đảng “Mafia capitale”. Cái khái niệm “thế giới giữa chừng” của Carminati không phải là một bước đột phá mang đến những tình huống ghê gớm chi cả ….  Nhưng có điều là khái niệm đó đang được áp dụng đại trà lên tất cả chúng ta.
Bởi chính vì thế mà không ai, không một ai trong chúng ta có thể tin rằng mình … “miễn nhiễm”. Nhng “phong bì” mang logo của ban quản trị thành phố Roma cho thấy là chẳng nơi nào có thể được xem như là thánh địa.

Roma, 08/12/2014

chuyển ngữ

26 tháng 11, 2014

L'oro di Mosca (Nguồn vàng Mạc Tư Khoa)



Ngài Đại sứ Nga ở Paris, Alexandre Orlov, chắc phải cảm thấy lên đến chín tầng mây hôm thứ bảy vừa rồi: trước Thánh đường Notre Dame ngài đại sứ đã cùng với Đức Tổng giám mục địa phận Paris, Andrè Vingt-Trois, khánh thành cây Noel truyền thống. Tờ “le Courier de russie” đã hân hoan đăng tải chi tiết: “Sau một buổi gặp gỡ xẩy ra hồi đầu tháng, phía Nga đã quyết định giúp một tay”.


Chi phí để dựng cây Noel năm nay gia tăng: đến những 80 ngàn Euro. Và thế là ngài Đức Tổng Giám mục phải bắt đầu kêu gọi sự giúp đỡ của các cơ quan ngoại giao. Và Đại sứ quán Nga đã không để lỡ cơ hội. Ngàn năm một thuở: nhân danh truyền thống tôn giáo quốc gia Nga và Pháp cùng chung sức với nhau. Hỏi có cơ hội nào hơn cơ hội này ? Thậm chí như là một bích chương khẩu hiệu dành cho Marine Le Pen, người vốn đã từ lâu toàn tâm ủng hộ cuộc thánh chiến của Putin: “Bài trừ nạn nhập cư, chống khủng bố, và nhất là chống lại cái trật tự thế giới dựa trên sự thống trị của Mỹ”, đó là câu thần chú của bà lãnh đạo Fronte Nazionale, nhìn thoáng qua cứ ngỡ như là một khẩu hiệu của Moscow được dịch ra tiếng Pháp cho Le Pen xử dụng. Le Pen và Putin: một cuộc hôn nhân vì lý tưởng … và có tính toán. Theo báo chí thì “First Czech Russian bank”, vốn là của một đại gia thân cận với Putin, Roman Yavubovich Popov, đã đồng ý cho Fronte National vay 9 triệu Eurro. Le Pen đã xác định thông tin trên, và tuyên bố rằng 9 triệu ấy sẽ được sử dụng vào hoạt động tranh cử Tổng thống Pháp sắp tới.


Cái tin 9 triệu Euro tín dụng nói trên đã khiến tay Tổng thư ký Lega Nord, Matteo Salvini, vốn cũng là một người ngưỡng mộ bà Le Pen, thèm rõ rãi: “Giá mà tụi tôi cũng có được những trợ cấp tài chính như thế … nhất là trong thời buổi gạo châu củi quế như hôm nay”.

“L’oro di Mosca” (Nguồn vàng Mạc Tư Khoa). Có một thời ở Ý người ta nói như thế để ám chỉ những khoảng chu cấp tài chính mà Liên Xô dành cho các đảng cộng sản Châu Âu trong chính sách nhằm chống phá đường lối chính trị của NATO trong thời chiến tranh lạnh. Bao nhiêu nước chảy qua cầu … nhưng mục tiêu của dòng tài chính, công khai hay bí mật, hay cũng chỉ có giá trị tương trưng (như trường hợp cây Noel trước thánh đường Notre Dame) vẫn không thay đổi: tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách ngoại giao của Moscow, qua mặt luôn cả cơ chế ngoại giao nhà nước. Có chăng là thay đổi “đối tác” cho hợp với thời đại: xưa thì “vàng” chảy vào két của các đảng “cộng sản anh em”, nay thì “vàng” chảy vào két của các lực lượng mang màu sắc kỳ thị bài ngoại và ái quốc cực đoan.

Dưới con mắt của Moscow, Pháp và Ý được xem như là hai “căn cứ binh vận” lý tưởng, nằm ngay trong “sào huyệt” của NATO: quần chúng phẫn nộ và cảm thấy bị đe dọa trước làn sóng nhập cư và đang đòi hỏi uy quyền quốc gia phải được tái dựng lại và đảm bảo xã hội trước một cuộc khủng hoảng kinh tế xem ra không có ngỏ thoát, bất chấp mọi lời hứa hẹn của chính phủ quốc gia và của Châu Âu ở Brussels.

Hôm nay thì có trục Moscow-Paris, biết đâu chừng ngày mai lại sẽ có trục Moscow-Milano. Các chính phủ của các quốc gia Châu Âu, và ngay cả Châu Âu cứ ngồi đó mà tiếp tục kêu réo, lên án, trước những gì đang xẩy ra ở Ukraine. Khi ở G20 Hollande đã vin vào chuyện Ukraine để lấy cớ làm chậm trễ chuyện Pháp phải giao cho Nga hai chiếc hàng không mẫu hạn, Putin đã bảo Phó thủ tướng Yuri Borisov trả lời: “Chúng tôi kiên nhẫn ngồi đợi”. Kiên nhẫn … cứ như lúc ấy Nga đang còn bận phải lo bận dùng tiền của mình để trang trí cây Noel trước thành đường Notre-Dame.

Chuyển ngữ từ bài "L'oro di Mosca" của Antonio Di Bella đăng trên báo mạng "L'Huffington Post"

Roma, 25/11/2014





23 tháng 11, 2014

Ô dù Trung Quốc.



Nguyên tác bài này có tên “Ombre cinesi” của ký giả Aldo Giannuli được đăng trên tuần san “il Venerdì” của nhật báo “la Repubblica” số ra ngày thứ sáu 21/11/2014



Những gì đang diễn ra trong chiến dịch bài trừ chống tham nhũng được phát động trên dưới hơn một năm nay ở Trung Quốc cũng khiến Tây phương để ý quan tâm, và cũng phải nói là tò mò, bởi vì mức độ to lớn khác thường của hiện tượng: cho đến tháng 9 vừa qua đã có 180 ngàn cán bộ bị truy tố, và từ đó đến nay, con số đã lên đến hơn 200 ngàn cán bộ. 


Tây phương hè nhau đoán già đoán non, kiểu thầy mù sờ voi: có người thì “ôn cố tri tân” ngồi nhắc lại những kiểu “tòa án nhân dân” thời Cách mạng văn hóa của Mao, có người ngược lại đang hình dung ra một quá trình đấu tranh để xây dựng một “nhà nước pháp quyền” để mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, lại có kẻ thì bảo đấy chỉ là các màn đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc, lại có ý kiến thì cho rằng đấy chỉ là các thủ thuật chính trị của nhà cầm quyền Bắc Kinh để giải tỏa bớt phần nào những bức xúc căng thẳng trong xã hội. Cũng có thể nói là các luận điệu vừa kể trên, luận điệu nào cũng có phần thuyết phục. Nhưng xem ra hiện tượng bài trừ chống tham nhũng hiện nay đi xa hơn các nhận xét “bình thường” vừa nói.

Carl Minzer, trong số tháng 9 của East Asia Forum, đã nhấn mạnh đến tương quan giữa chiến dịch chống tham nhũng và các quan điểm của Tập Cận Bình về hiện tượng “cách mạng mùa xuân Ả Rập” mà theo Tập chính sự suy yếu của đảng chính trị cầm quyền là yếu tố quyết định làm nổ ra các cuộc cách mạng mùa xuân nói trên. Chả thế mà, trong các tuyên bố hồi năm ngoái, Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc đã nhấn mạnh đến vai trò trọng tâm của đảng trong quá trình lãnh đạo chính sách đường lối của đất nước và là nền tảng của cơ chế. Trong đó hiện tượng tham nhũng hối lộ của quan chức của đảng, của cán bộ nhà nước và của quân đội bị xem như là những con mối đang ngày ngày gậm nhấm tàn phá từ bên trong đảng, biến đảng trở thành một thứ tổ chức đầy rẫy các nhóm lợi ích làm ăn riêng tư, những kiểu lobby của các phe phái, và như thế là tàn phá cả tính hợp pháp của đảng trước mắt người dân. 


Tuyên bố “tố cáo” nói trên của Tập làm người ta liên tưởng đến khái niệm về “đường lối chỉ đạo” một thời của Mao trong đó quan hệ tín cẩn giữa đảng và quần chúng cần phải được xây dựng xuyên qua một quá trình đấu tranh chống tham nhũng một cách quyết liệt không khoang nhượng trước bất cứ một nhân vật cao cấp nào của đảng. Chính vì thế mà hiện nay đã có nhiều nhân vật cao cấp của đảng đã rơi vào lưới của chiến dịch bài trừ tham nhũng ở Trung Quốc: từ Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), vốn đã từng là “Chủ nhiệm Ủy Ban Chính trị - Pháp luật trung ương” của đảng, trên thực tế là người nắm toàn bộ guồng máy an ninh của đảng, đến Từ Tài Hậu (Xu Caihou), cho đến ba tháng trước còn là phó Chủ tịch “Ủy ban Quân ủy Trung ương đảng”, tức là nhân vật số hai trong quân đội.

Tất cả những gì đang xẩy ra ở Trung Quốc làm người ta dễ chạnh nghĩ đến những truyện cổ tích trong đó một vì vua anh minh được người dân thương mến vì đã dám thẳng tay trừng trị đám quan lại hư thối trong triều đình.

Nhìn từ góc cạnh vừa kể trên (tố cáo không khoan nhượng các quan chức cao cấp tham nhũng), câu chuyện chống tham nhũng của Trung Quốc trong như có vẻ đang đặt trọng tâm vào việc thiết lập một nhà nước pháp quyền, nhưng trên thực tế, cái từ vựng yifazhiguo (依法治国) thực ra chưa hẳn tương đương với khái niệm “nhà nước pháp quyền” hiểu theo cách hiểu của Tây phương. 

Đối với Tây phương, “tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” cũng có nghĩa là người dân phải đối diện với một  “vành móng ngựa” duy nhất, đó là tòa án, tòa án của cơ chế tư pháp nhà nước và không có một tòa án đặc biệt nào khác (trừ Tòa Án Tối Cao Tư Pháp - Alta Corte di Giustizia); ngược lại ở Trung Quốc, một đảng viên (trên lý thuyết là đảng viên của bất cứ đảng chính trị nào, nhưng trên thực tế vì đây là trường hợp độc đảng, nên khi nói “đảng viên” người ta “ngầm  hiểu” là đảng viên đảng cộng sản Trung Quốc) chỉ phải ra trước vành móng ngựa sau khi các “ban bệ” chuyên trách về kỷ luật đảng đồng ý cho phép tòa án xử bị cáo (và thường là khi ủy ban kỷ luật của đảng đã đồng ý giao bị cáo cho tòa án … thì coi như 100% là bị cáo sẽ bị kết án – điều này có thể hiểu rằng trên thực tế chính đảng đã quyết định kết tội bị cáo rồi, và tòa án chỉ thi hành các “thủ tục cần thiết”). Na ná giống như những gì đã xẩy ra với “thẩm quyền điều tra của tòa án Giáo hội đối với các giáo sĩ”. 


Nhưng nói gì thì nói, có một điều chắc chắn là Tập Cận Bình chẳng hề tỏ ý muốn phá bỏ cái thẩm quyền điều tra nói trên của đảng, thậm chí, khi ca tụng vai trò trọng tâm của đảng … Tập đã gián tiếp xác định lại thẩm quyền nói trên.

Vấn đề là chiến dịch “xây dựng nhà nước pháp quyền” (tức là bài trừ tham nhũng) ở Trung Quốc hình như chủ yếu là tấn công vào các nhân vật điều hành các tổ chức ngoại vị của đảng  (tức là các ban bệ không nằm ở trung ương) vốn thường dễ bị các quyền lực chính trị địa phương chi phối. Kết quả là chiến dịch nói trên đang có khuynh hướng “tập trung hóa tối đa” mọi quyền lực của đảng vào trung ương.

Trong tình hình hiện nay, Tập Cận Bình đang phải đối đầu với hàng loạt xu hướng xã hội rất khác biệt nhau: từ những đòi hỏi quyền tự trị ở một số vùng như Tân Cương (Xjiniang), Tây Tạng, Hong Kong, và trong chừng mực nào đó, Mãn Châu (Manciuria), đến các sức ép đến từ nông thôn, từ những vấn đề bức xúc xã hội của giới thành thị đến những đòi hỏi lương bổng của giới lao động, bên cạnh đó là khuynh hướng đang biến guồng máy đảng thành ra một thứ phường hội với các lợi ích phe nhóm riêng tư. 

Và trong các vấn đề vừa kể trên thì vấn đề gay cấn nhất hiện nay là hiện tượng bất bình đẳng xã hội vốn đang tiến đến mức độ hầu như không thể chấp nhận được: hiện nay ở Trung Quốc chỉ số Gini (phương pháp để tính mực độ bất bình đẳng trong quá trình phân chia thu nhập và sự giàu có của xã hội) đã vượt hơn cả Mỹ (vốn xưa nay bị chỉ trích là có mực độ bất bình đẳng xã hội cao) và coi như là một trong những quốc gia có sự bất bình đẳng trong phân chia thu nhập của xã hội cao nhất thế giới. 

Hơn ba thập niên phát triển tăng tốc đã làm cho Trung Quốc trở nên cực kỳ giàu mạnh, nhưng thành quả của sự phát triển ấy chỉ ưu đãi riêng cho một thành phần thiểu số siêu giàu, trong khi đa số các thành phần khác trong xã hội chỉ hưởng được “tí cháo”, và đôi khi, có những trường hợp đến “tí cháo” cũng chẳng có. Ngày nay, các thành phần trung và thấp nhất trong xã hội đang đòi hỏi phải được chia chác ngay lập tức những thành quả của phát triển kinh tế. 

Hơn ba thập niên vừa qua, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã chấp nhận những hiện tượng như bóc lột lao động bằng đồng lương chết đói, cá lớn nuốt cá bé, các hoạt động “mờ ám” của băng đảng xã hội đen (mafia) Tam Hoàng, và nhất là hiện tượng tham nhũng hối lộ đại trà trong đảng và trong cơ chế nhà nước. Tất cả những tệ nạn xã hội vừa kể được Bắc Kinh xem như là những điều kiện thiết yếu nhằm tạo ra “tích lũy ban đầu” để nền kinh tế Trung Quốc cất cánh, na ná như “tích lũy nguyên thủy tư bản” (primary accumulation of capital) đã xẩy ra ở các nước Châu Âu và các thế kỷ XVII và XVIII. 

Chắc chắc là Bắc Kinh đã thành công trong quá trình “tích lũy ban đầu” vừa nói: Trung Quốc hiện nay là siêu cường kinh tế thứ hai trên thế giới, sau Mỹ (thậm chí theo cách tính chỉ số quân bình GDP dựa trên sức mua của từng quốc gia … thì hiện nay Trung Quốc đã qua mặt được Mỹ)

Tất cả “thành quả” nói trên đã đẻ ra một giai cấp “tỉ phú hậu hiện đại” đến từ tay trắng: người ta ước đoán hiện nay có khoảng bốn triệu tỉ phú Trung Quốc (gia tài tính bằng đô-la Mỹ), tăng gấp bốn lần trong mười năm cuối cùng. Trong một quốc gia như Trung Quốc vốn không có hiện tượng “gia sản thừa kế” (như phần lớn xẩy ra ở Tây Âu, các gia đình vọng tộc phú quý đã tạo ra của cải để các thế hệ sau thừa kế - lấy thí dụ như gia đình Agnelli (Fiat) ở Ý chẳng hạn), và nhất là đất nông nghiệp và nhà ở (tức là bất động sản) đều bị phân chia manh múng theo chế độ hợp tác xã trước đây, thì cách chắc ăn nhất và nhanh nhất để có thể tích lũy các nguồn tư bản đồ sộ là … (các hoạt động) bất hợp pháp, và chủ yếu là tham nhũng. Trên thực tế chính cái “đảng tích lũy ban đầu” (tức là đảng cộng sản Trung Quốc) là “nguồn lực cơ bản” của quá trình “phát triển hào hùng” của Trung Quốc trong hơn ba thập niên vừa qua. Và hôm nay cũng chính cái “nguồn lực cơ bản” ấy lại đang trở thành “vấn đề”: sự có mặt của giai cấp thiểu số siêu tỉ phú cực mạnh đã làm nổ ra ngay trong nội bộ xã hội một giai cấp khác chống lại giai cấp siêu giàu. Có những bất công mà người ta đã phải cắn răng chấp nhận hàng bao nhiêu năm … xem ra bây giờ không thể nào tiếp tục chấp nhận được nữa. Đơn cử một thí dụ: những doanh nhân Trung Quốc kinh doanh trong lãnh vực xuất khẩu đều phải đổi đô-la ngoại tệ ra nhân dân tệ (yuan) để trang trải chi phí sản xuất và trả lương cho nhân công trong nước, nhưng mỗi khi đổi ngoại tệ thì các doanh nhân này phải đóng 15% “cho nhà nước”, và dĩ nhiên là như thế thì lợi nhuận của doanh nhân bị giảm thấy rõ. Để tránh bị “mất mát” thì … cần phải đổi tiền … chợ đen …. Và chính ngay ở đây là đầu mối của các hoạt động “bất chánh để làm giàu”.
 
Nhưng không phải chỉ có những “chuyện nhỏ” như thế. Đối với giai cấp “siêu giàu hậu hiện đại” hiện nay … chuyện làm giàu không còn đáng kể: giai cấp này muốn ngay chính cơ chế phải có một sự “biến hóa toàn vẹn” theo chiều hướng “tư bản”, vượt qua nền “kinh tế tư bản nhà nước” hiện nay. (nói trắng ra: lá bùa “kinh tế xã hội chủ nghĩa theo định hướng thị trường” không còn “linh”).

Dĩ nhiên là các sự kiện vừa kể đã tạo ra một sự rạn nứt ghê gớm ngay trong giới lãnh đạo đảng, vượt qua những giới hạn đấu đá (truyền thống) tranh giành quyền lực phe phái trong đảng. Trên thực tế đây là một cuộc đấu tranh “giai cấp” (trong đảng) bao phủ lên toàn bộ các cơ cấu tổ chức đảng từ trước đến nay: trong những nhân vật đang bị điều tra về tham nhũng, ngay đến cả những nhân vật cao cấp nhất trong đảng, người ta thấy có người của phe nhóm Thượng Hải (Shanghai – nhóm của Giang Trạch Dân (Jiang Zemin)), rồi có người của phe nhóm tuanpai (nhóm của Hồ Cẩm Đào và Lý Khắc Cường) rồi đến phe nhóm được mệnh danh là “các hồng hoàng tử” (principi rossi,  chính là nhóm của Tập Cận Bình).

Trước các thế tấn công của chiến dịch bài trừ tham nhũng, các “nạn nhân” đã phản ứng lại bằng chính sách “đình công tư bản”, trên thực tế là “tẩu tán gia sản” ra nước ngoài. Theo tin từ Ngân hàng thế giới thì cho đến nay đã có hơn năm triệu “đại gia” Trung Quốc đang tìm cách tẩu tán tiền bạc vào các ngân hàng Tây phương. Và điều nầy chắc chắn sẽ gây “chấn thương” cho nền kinh tế Trung Quốc. Ở Trung Quốc hiện nay có một giới quan chức đảng hay cán bộ nhà nước được mệnh danh là “cán bộ trên răng dưới dế” (naked officer), đó là những cán bộ đã gởi vợ con và tài sản ra nước ngoài để tẩu tán “bằng chứng” với hy vọng là sẽ không bị kết án, và trong trường hợp bị kết án thì những cán bộ này sẽ quyên sinh, bởi vì luật pháp hiện hành Trung Quốc không cho phép truy tố người quá cố: thế là gia đình và gia sản được “bình yên vô sự”.

Và phía chính quyền cũng đang rục rịch tìm cách thay đổi các luật lệ để thu hồi lại gia sản bị tẩu tán. Và không phải chỉ thu hồi qua đường pháp lý danh chánh ngôn thuận: trong thời gian gần đây một số nguồn tin báo chí nói đến khoảng 250 trường hợp tỉ phú Trung Quốc trốn ra nước ngoài bị chính các lực lượng tình báo Trung Quốc “cưỡng bức hồi hương” với những phương pháp không thua vì các hoạt động “extraordinary renditions” (biện pháp mà các cơ quan tình báo phương Tây dùng để bắt cóc bất hợp pháp những  nghi can về tội khủng bố).
   
Roma,  22/11/2014


 chuyển ngữ


PS: Những hàng chữ in nghiêng là chú thích riêng của người dịch

6 tháng 11, 2014

Thay đổi gì khi Quốc Hội nằm trong tay của Đảng Cộng hòa ?


Những tác động nào sẽ có thể xẩy ra đối với các cuộc đàm phán về các hiệp định kinh tế đối với chính sách đối ngoại của Mỹ?

 


Sau tám năm, đảng Cộng hòa đã chiếm lại được đa số ở Quốc hội, giành Thượng viện từ tay của đảng Dân chủ và xác định lại đa số Hạ viện. Trong quốc hội khóa mới này đảng Cộng hòa trong tay ít nhất 52 thượng nghị sĩ trên tổng số 100 ghế thượng viện, và 249 đại biểu ở Hạ viện so với 186 ghế của đảng Dân chủ.

Thắng cử của đảng Cộng hòa thực ra cũng đã được tiên đoán trước xuyên qua kết quả của các cuộc thăm dò ý kiến, nhưng không ai ngờ là kết quả thắng cử đã vượt xa dự đoán. khoảng cách giữa hai đảng ở Thượng viện cũng có khả năng sẽ tăng thêm sau đợt bầu cử vòng hai Louisiana sẽ được tổ chức vào ngày 06 tháng 12 sắp tới.

Cuộc bầu cử
“giữa nhiệm kỳ”, (midterm – gọi là midterm, term (nhiệm kỳ) ở đây là nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, bởi vì các cuộc bầu cử Quốc hội này xẩy ra hai năm sau kỳ bầu cử Tổng thống lần cuối, và vì nhiệm kỳ Tổng thống là 4 năm, do đó tức là bầu cử này cũng xẩy ra hai năm trước khi có bầu cử Tổng thống mới), vốn thường được coi như là một kiểu trưng cầu dân ý về các chính sách của Tổng thống đương nhiệm, và đối với Obama thì kỳ bầu cử hôm thứ ba 04/11 đã cho thấy là Tổng thống “hoàn toàn bị phá sản”. Và như thế là Tổng thống bắt đầu bước vào hai năm cực kỳ vất vã vì Tổng thống, theo ngôn từ truyền thông Mỹ, đã trở thành … vịt què (lame duck) và phải tiếp tục nắm quyền trong một vị thế suy yếu trước một Quốc hội hoàn toàn nằm trong tay của đảng “đối lập”, và trong khi đó thì đảng Dân Chủ cũng sẽ phải nhanh chóng tìm cách xây dựng một chiến lược tranh cử để có thể có đủ sức đối đầu với cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.



Thắng cử của đảng Cộng hòa sẽ có những tác động gì ?

Với kết quả bầu cử hôm thứ ba vừa rồi thì rất có khả năng là ghế Chủ tịch của nhiều ủy ban quan trọng trong Thượng viện sẽ vào tay đảng Cộng hòa, và điều này có nghĩa là đảng Cộng hòa sẽ có khả năng chi phối chính sách đường lối chính trị của các đề luật của Quốc hội. đây sẽ là một vũ khí lợi hại đảng Cộng hòa sẽ có thể sử dụng để gây lợi thế cho họ trong chiến dịch tranh cử năm 2016 vốn đã bắt đầu trong thực tế.

Theo một số nhận xét thì cuộc thắng cử của đảng Cộng hòa có thể sẽ có một tác động tích cực đối với các cuộc đàm phán thương mại đa phương đang được thảo luận, trong đó có cả hiệp định T-TIP với Châu Âu (T-TIP - Transatlantic Trade and Investment Partnerhsip – Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương) và hiệp định TPP với các quốc gia Châu Á Thái Bình Dương (TPP - Trans-Pacific Partnership – Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương)

Mặc dù rằng nếu các hiệp định đối tác kể trên được ký kết thì điều này sẽ được coi như là những thành công của chính quyền Obama, nhưng trên thực tế hiện nay thì phần lớn các ý kiến kìm hãm việc tiến đến các hiệp định nói trên đều đến từ phía đảng Dân chủ, lý do là những tác động tiêu cực có thể xẩy ra đối với vấn đề công ăn việc làm ở Mỹ. Đảng Cộng hòa thì ngược lại dường như sẵn sàng đẩy mạnh các hiệp định này vì nó mang khái niệm “free trade” vốn xưa nay vẫn được xem như là “mũi nhọn tiến công” của đảng Cộng hòa trong các cuộc đấu tranh chính trị. Và nhất là nếu các hiệp định thương mãi nói trên sẽ được sớm ký kết thì cũng là một món quà tranh cử cho đảng Cộng hòa, bởi vì đảng Cộng hòa có thể tránh không bị mang tiếng là đã “kỳ đà cản mũi” các đề án của Tỏng thống Obama.

Nhưng về mặt chính sách đối ngoại thì một Thượng viện nằm trong tay của đảng Cộng hòa có thể sẽ có những tác động tiêu cực đối với những hồ sơ gai góc: Iran, Nga và Syria.

Rất có thể là trước đây Obama hy vọng sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình với một thành công về đối ngoại, như một thỏa thuận với Iran chẳng hạn, nhưng bây giờ (với kết quả bầu cử vừa rồi) Obama sẽ bị buộc phải xét lại chiến lược của mình. Bởi vì nếu muốn có được một thỏa thuận với Iran thì cần phải có 2/3 phiếu thuận của Thượng viện, và với tình hình như bây giờ thì xem ra khó mà Obama có thể đạt được. Obama có thể sẽ nghĩ đến việc tạm đình chỉ các chính sách trừng phạt cấm vận đối với Iran, đổi lại là Iran sẽ phải chấp nhận một số yêu sách của Mỹ. Một khi Iran chứng tỏ được thiện ý của mình, thì có thể đối với Obama sẽ dễ dàng hơn để thuyết phục đảng Cộng hòa tiến đến phê chuẩn một thỏa thuận tòan vẹn, sau đó sẽ trở thành một thỏa thuận chính thức.

Về “lịch sử” mà nói thì Đảng Cộng hòa thường cứng rắn với Nga nhiều hơn so với đảng Dân chủ. Chính đảng Cộng hòa hồi tháng tư đã áp lực để gia tăng mức độ trừng phạt cấm vận đối với Nga, và bây giờ đảng Cộng hòa đủ các điều kiện để làm thêm một vòng thứ tư tăng trừng phạt cấm vận. Nhưng cũng phải nói là hiện nay quan hệ với Nga cực kỳ xấu, xấu đến độ mà ngay cả nhiều dân biểu của chính đảng Dân chủ cũng đã rục rịch chủ động đòi tăng các biện pháp trừng phạt cấm vận trong trường hợp Obama không quyết định lấy một chính sách cứng rắn hơn với Nga. “Thuốc thử” đầu tiên của một Thượng viện nằm trong tay đảng Cộng hòa có thể hai dự luật có tính đồng thuận lưỡng đảng (bipartisan) hiện đang được thảo luận ở Thượng viện về quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Trong
cuộc tranh cử vừa rồi đảng Cộng hòa luôn mạnh miệng chỉ trích Obama về thái độ thụ động trước vấn đề Syria đối với làn sóng khủng bố thánh chiến Hồi giáo cực đoan (jihadista). Do đó rất có thể là một Thượng viện trong tay đảng Cộng hòa sẽ có những bước đột phá phô trương cơ bắp đối với “Nhà nước Hồi giáo” (IS), tuy nhiên cũng khó mà có thể tưởng tượng được đảng Cộng hòa dám đi đến một quyết định “tham chiến trực tiếp bằng bộ binh”, vốn cũng là điều “cấm kỵ” đối với đảng Cộng hòa




Một chiến thắng … như dao hai lưỡi

Việc chiếm được đa số ở Thượng viện cũng có thể là con dao hai lưỡi cho đảng Cộng hòa. Hiện tượng chung sống” giữa Tổng thống và Quốc hội khác màu sắc chính trị với nhau thực ra cũng chẳng phải là điều mới lạ Washington, nhưng chính những khoảng cách giữa những yêu sách triệt để (những yêu sách mà chính các ngài Nghị sĩ của đảng Cộng hòa đã giương lên như ngọn cờ tranh cử của mình) sự cần thiết phải đi đến thỏa hiệp mà các cuộc “chung sống” đòi hỏi, sẽ có thể là vấn đề đối với đảng Cộng hòa.

Theo nhận xét của tờ Washington Post, nếu một tình trạng tê liệt quốc hội xẩy ra và kéo dài thì chính đảng Cộng hòa sẽ bị thiệt: Obama vẫn có quyền phủ quyết đối với nhiều đề luật của lập pháp hoặc trong những vấn đề nội dung quốc tế quan trọng, đến năm 2016 chính đảng Dân chủ sẽ khéo léo đổ thừa cho đảng Cộng hòa trách nhiệm của hai năm tê liệt của Quốc hội. Ngoài ra cũng cần nên nhớ là đến năm 2016, ngoài việc bầu lại Tổng thống, cử tri Mỹ sẽ bầu lại 1/3 ghế ở Thượng viện, đến lúc đó (2016) thì có thể chính các ghế thượng viện của đảng Cộng hòa là các ghế dễ bị lung lay hơn hết.

Ngoài ra, theo như nhận xét của tờ “Foreign Affaire”, GOP (Grand Old Party – đảng Cộng hòa) đã phải chịu những thay đổi sâu sắc trong gần sáu năm của chính quyền Obama lý do của ba xu hướng chính trị-xã hội chủ yếu, tất cả các xu hướng này đều kết nối với nhau phụ thuộc lẫn nhau: sự lão hóa của giới cử tri bảo thủ tiêu biểu, kế đến là mức độ cực đoan hóa tư tưởng ngày càng tăng của giới tài phiệt, và sau cùng là mức độ ngày càng sơ cứng của các quá trình hoạt động chính trị trong nội bộ đảng: tất cả các yếu tố này tiếp tục ngăn chận đảng có những đổi mới để thích ứng với những thay đổi trong xã hội và từ đó sẽ gây khó khăn cho đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Nguyên tác bài này có tên “Cosa cambia con un Congresso a guida repubblicana”  đăng trên trạm ISPI  http://www.ispionline.it/articoli/articolo/usa-americhe/cosa-cambia-con-un-congresso-guida-repubblicana-11542

Roma, 05/11/2014