30 tháng 1, 2014

Nỗi gian truân của người không mua được hàng Ý

Hôm nay tập đoàn FIAT chính thức tuyên bố đổi tên thành FCA (Fiat Chrysler Automobilies - Phát âm "ép-xi-ây" theo cách Mỹ). Đại bản doanh sẽ được đặt ở Amsterdam và đại diện văn phòng thuế má sẽ được đặt ở London.

Cũng trong mấy hôm nay tập đoàn Electrolux của Thụy Điển đang hâm dọa sẽ đóng cửa các cơ sở sản xuất ở Ý.

Hôm nay trên nhật báo "la Repubblica" có đăng một truyện ngắn loại "khoa học giả tưởng" nhưng cũng không giả tưởng lắm ...

Nguyên tác truyện này có tên "L’odissea dell’uomo che non riusciva a comprare italiano" của nhà văn Stefano Benni.






Ông Tarquinio đẩy xe để đồ đầy ắp hàng hóa đến quầy trả tiền với vẻ mặt hầm hầm. Cô thu ngân, vốn có “cảm tình” với các bác lớn tuổi nhưng mái tóc nhuộm đen lóng lánh, chào đón ông với nụ cười mời mọc:

-          Ồ … đầy hàng thế này hỉ ông Tarquinio. Nhưng sao mà mặt mày ưu phiền thế ? Có chuyện gì không ?

-          Cô Zaira ơi, cả một đại họa Tarquinio than thở – Tôi cũng chẳng phải là người ái quần ái quốc chi cả, nhưng tôi yêu nước tôi. Làm sao tôi có thể dửng dưng trước cảnh tàn phá của cái mà người ta gọi là “tư nhân hóa” hảng xưởng ? Để rồi bán tháo bán đổ cơ ngơi tài sản của mình cho ngoại bang ? Rốt cuộc nước Ý sẽ còn giữ lại được bao nhiêu thứ trong tay ? Hổm rày thiên hạ đang bàn chuyện bán cơ quan bưu điện. Họ dám bán cho cả mấy tay Trung Quốc. Đến bưu điện thì lúc nào cũng sắp hàng dài dài, cô thử nghĩ, mai kia mốt nọ sẽ có một người Ý hưu trí nghèo khó … đứng sắp hàng với cả trăm thằng … Trung Quốc ?
-          Không … không phải như thế đâu ông Tarquinio ơi. Nào có phải là bán hết trơn hết trọi đâu …. Hy vọng thế … Tuy nhiên tôi cũng đồng ý bảo vệ “made in Italy” tới cùng. Ngoại bang không thôn tính ta được đâu ....

Nghe tới đấy, ông Tarquinio nở một nụ cười ... làm lóe sáng cả cái hàm răng giả.

-          Ông Tarquinio, tôi hiểu ông – Zaira tiếp tục –, nhưng coi nè, ngoại bang đã đặt chân lên đất nước ta rồi. Không phải tôi muốn bêu rêu những gì mà ông tính mua. Nhưng ... đây này, ông đã lấy cái thẻ sô-cô-la Pernigotti trong khi cơ sở Pernigotti vừa mới bị Thổ Nhĩ Kỳ mua. Chính ông vua của hạt phỉ (nocciole) Toksoz mua đấy. Người ta truyền tụng rằng chính ông này đã có lần gặp một con sóc kỳ diệu ...

-          Tôi không bao giờ thèm mua một thẻ sô-cô-la như thế – Tarquinio tức giận hét lên – Tôi đổi nó với mấy cục sô-cô-la “Baci Perugina” đây.

-         Ối – Zaira thở dài – mà Perugina cũng chẳng còn là ... Ý. Bây giờ đã về tay của tập đoàn siêu quốc gia Nesstlè có đại bản doanh ở Thụy Sĩ. Cũng như gói mì ống nhỏ để nấu súp (pastina per brodo) Buitoni mà ông vừa mới mua. Cả cái hũ da-ua (yogurt) có mùi việt quất (mirtillo) hiệu Parmalat, rất tiếc ông sẽ phải thất vọng, tất cả đã về tay của tập đoàn Pháp Lactalis hết rồi.

-         Bỏ, bỏ lại hết – Tarquinio nói, tay ném một cách xổ xàng mấy gói đồ vào trong một cái xe đẩy trống – Khiếp thật !!! Thôi thì tạm quên sầu với chai bia tuyệt ngon này. Hay tôi làm đại một chai spumante, hay vô luôn một chai rượu đỏ.

-        Chai bia Peroni ... rất tiếc là của Nam Phi. Và ông tính lấy chai spumante Ganci ... nhưng Ganci bây giờ là của mấy tai đại gia Nga. Còn rượu Chianti bây được sản xuất với nho trồng trong một nông trại .... thuộc quyền sở hữu của ... Hồng Kông.

-          Chán thật !!! Thôi đành phải “ta về ta tắm ao ta”: spaghetti với sốt cà.

-          Tôi không muốn tiếp tục làm ông thêm bực – Zaira vừa nói vừa lắc đầu nhè nhẹ – nhưng gói spaghetti Delvedere mà ông có trong xe là của ... Argentina, còn cái hộp cà chua Aerre ... thì vừa mới bị Mitsubishi mua lại. Mitsubishi cùng với Kawasaki đang tìm cách chế ra một loại airbag .... có hương vị ... sốt ragù !!!

-          À ... Mitsubishi .... nhưng tôi vẫn thích những chiếc mô-tô lộng lẫy huy hoàng của Ý – Tarquinio nhấn mạnh – Mấy chiếc Ducati, Benelli của chúng ta đấy.

-          Ducati thì đã “nhập quốc tịch” Đức rồi, còn Benelli thì đã bán cho Trung Quốc mất rồi – Zaira vừa thờ dài vừa vói tay lấy hàng trong xe – Nhưng trở lại chuyện đồ ăn ... nếu ông muốn lấy gói gạo Scotti thì cứ lấy ... nhưng một phần gạo này bây giờ thuộc về Tây Ban Nha đấy, nhưng tôi không thể nào cắt gói gạo làm hai. Còn cái món thịt nguội bresaola đấy là của Brazil và hộp kem Algida thì bây giờ của một công ty Anh-Hòa Lan.

-          Nghĩa là cô muốn nói là chẳng còn gì để bán cả, bởi vì tất cả đã bán đứt hết rồi phải không ? Mất hết cả rồi phải không ? Thế thì tôi đành nhịn đói phải không ? Hay còn có thể nấu nướng ?

-          Tùy – Zaira chậm rãi – tùy ông có bếp hiệu gì. Nếu ông có bếp hiệu Rex, Zoppas hay Zanussi hoặc Molteni ... thì ông nên nhớ tất cả đã trở thành Thụy Điển hết rồi. Hay ông muốn một con gà nuôi theo kiểu Ikea ? Thay vì gà nguyên con ... thì tôi đưa gà loại về nhà ông phải ... lắp ráp lại ?

Ông Tarquinio bật khóc nức nở. Hàng người phía sau lưng bắt đầu sốt ruột. “Làm ơn nhanh lên một chút !”, một gã đàn ông to béo đeo kính đen hét lên

-          Câm miệng lại, đồ chạy theo ngoại bang, không thấy được sự thê thảm à ? Chúng ta chẳng còn gì trong tay ! Chúng ta ... một dân tộc vĩ đại, một kết quả nghiên cứu gần đây xếp chúng ta thông minh vào hàng thứ mười sáu thế giới trên thế giới, thực ra chúng ta có thể lên đến hàng thứ năm ... nếu không có tên Briatore làm giảm độ thông minh trung bình của dân Ý. Thế chúng ta còn gì để có thể hy vọng ? Chắc chỉ còn mấy cái thương hiệu thời trang made in Italy ...

Một mụ tóc vàng nhìn vào là biết đã “tân trang khắp nơi” la lên với cái giọng gằn từng chữ như muốn nhấn mạnh một cách tàn nhẫn: “Bulgari, Fendi, Brioni, Pomellato, Loro Piana, Pucci và Gucci ... tất cả đều là của Pháp, Ferrè thì thuộc quyền sở hữu của Dubai, Fiorucci là của Nhật”.

-          Thế còn ông, ông thuộc đội bóng đá nào ? – Một thằng lõi quấn khăn quàng cổ sọc đỏ sọc đen với giọng nhạo báng.

-          Inter ... tôi biết, tôi biết ... đm ... đã bị một thằng từ Nam Dương qua đây mua mất rồi – Tarquinio buột miệng – cười đi, cứ cười đi, rồi tụi bây sẽ thấy kết cuộc ra sao.

-          Để yên ông ấy – Zaira lên tiếng.

-          Zaira – Tarquinio quỳ xuống trước cô thu ngân – Chỉ có cô là hiểu tôi thôi. Chúng ta hảy cùng nhau trốn đi đến một nơi nào đó trên dãy đất này. Đến bãi biển Rimini, hay lên vùng đồi núi Toscana.

-          Các khách sạn bên vùng biển Adriatico thì đang bị đám Nga thu mua, còn đồi phía đồi núi miền trung thì bị Trung Quốc vơ vét – Zaira nói một cách buồn bã.

-          Thế thì ở Roma vậy.

-          Roma thì phân nữa là của Vatican, phân nữa kia là của mụ Armellini – người đàn bà tóc vàng nói một cách khinh bỉ – và cả Vatican lẫn Armellini chẳng ai thèm đóng thuế nhà cả.

-          Vậy thì mình đi ... đến Venezia – Tarquinio nói – vùng Serenissima mộng mơ.

-          Đây này, ông đọc trên báo hôm nay đây này – gã đàn ông béo mập đeo kính đen lên tiếng – “VVV cần bán toàn bộ một khu dinh thự cổ và sang trọng, cạnh bờ biển, có khi thấp hơn cả mặt biển, chung quanh có đầm nước, có di tích cổ, có khu cờ bạc giải trí và hàng loạt căn hộ được chia cách nhau bằng sông rạch và quảng trường nho nhỏ, chỉ cần tu sửa tối thiểu. Chỉ bán cho người ngước ngoài”.

-          Đm .... – Tarquinio hét lên – mà ... cái “đằng sau” có còn là của ta nữa hay không ?

-          Tùy – bà tóc vàng nói – nếu ông vận quần bò hiệu Valentino ... thì đó là của một đại gia tù trưởng ở Qatar.

-          OK – Tarquinio lên giọng một cách tự hào – cần phải có phản ứng. Zaira ... tôi van cô. Chiều nay cô ghé qua nhà tôi. Hai ta sẽ cùng ăn cơm bên ngọn đèn cầy ... bởi vì công ty cung cấp điện Edison là của Pháp, mình ăn rau xà-lách do chính tay tôi trồng trong vườn, quả ốc chó (noci) của Sorrento và ... mì nấu với nước của thủy thần sông Tevere. Đồng ý không ?

-          Yes – Zaira trả lời . Một tràn vỗ tay không lớn lắm, xen lẫn với những câu cằn nhằn yêu cầu nhanh nhanh lên, chen lẫn tiếng thở phào nhẹ nhỏm của ai đó thấy mọi chuyện đang sắp sửa kết thúc.

Ông Tarquinio trả tiền cho số hàng ít ỏi còn lại: một kí khoai tây và một gói malloreddus (gnocchi vùng đảo Sardegna). Rồi ông rời khỏi quầy tính tiền sau khi đã lăn một nụ hôn gió cho cô thu ngân.

-          Xin lỗi – Zaira bẻn lẻn nói – mà ông cũng chẳng có số điện thoại của tôi.

-          Đúng rồi.

-          Đây .... viết đi: Tres tres siete, uno dos cinco ocho dos cinco nueve ocho. Ông biết đấy .... TIM đã bị bán rồi ....

-          Đĩ mẹ nhà nó !!! – Ông Tarquinio hét lên.

-          Dịch vụ tốt nhất là do một hãng Thụy Sĩ quản lý – Gã béo mập với cặp kính đen nhấn mạnh.


Tarquinio không nói tiếng nào. Ông ta bước ra khỏi siêu thị một cách tề chĩnh, lấy khăn giấy Tempo lau nước mắt. Zaira cũng không dám nói cho ông ta biết rằng cái tên Tempo rất Ý đó ... thực ra là của Đức ... nhưng đã được bán cho Thụy Điển và có tổng hành dinh ở Cincinnati (Mỹ).

Roma, 30/01/2014


chuyển ngữ.

27 tháng 1, 2014

Ba khuyết tật của căn bệnh tê liệt mãn tính ở Ý.

Các cuộc đấu khẩu sôi nổi giữa các đảng phái chính trị mấy hôm nay trên cái “gói” sửa đổi luật bầu cử là hình tượng tiêu biểu của các khuyết tật đã trói chặt nước Ý vào sự tê liệt mãn tính hàng mấy chục năm nay. Và trong đó có ba khuyết tật đặc biệt tai hại.

Khuyết tật thứ nhất là “chủ nghĩa tối đa” (massimalismo): Bất cứ một đề nghị đổi mới nào cũng đều bị cản trở với lý do là ... đề nghị đó chưa đủ .... đổi mới.

Lấy ví dụ cái “gói” sửa đổi luật bầu cử do Renzi và Berlusconi đồng ý đưa ra. So với luật bầu cử hiện hành đã được áp dụng trong ba lần bầu cử cuối cùng thì chắc chắn “gói” đề luật này cũng là một bước tiến. Dĩ nhiên không ai chối cãi rằng đề luật nói trên cũng có những khiếm khuyết, nhng điểm có thể được sửa đổi để đề luật được hoàn thiện hơn. Đấy là điều tự nhiên bởi vì khi một đề luật được nặn ra từ một kết quả hiệp thương giữa hai tầm nhìn và quyền lợi khác nhau ... thì chắc chắn phải mang những khiếm khuyết. Vã lại, trách nhiệm của Quốc hội là phân tích, bản thảo, sửa đổi để khắt phục các khiếm khuyết. Nếu Ý là một quốc gia “bình thường”, có một cơ chế nhà nước vững chãi, một đời sống chính trị lành mạnh với những đảng phái trong sạch, và dân trí không quá tồi tệ ... thì người ta sẽ nhận thức được ngay rằng, trong thời điểm này, “gói” luật nói trên là biện pháp khả thi duy nhất hội đủ cân bằng chính trị để đưa đất nước ra khỏi tình trạng tê liệt không lói thoát hiện nay ở Quốc hội. Và sau khi bầu cử với luật mới, Quốc hội mới, với một thăng bằng chính trị mới, sẽ tiếp tục bàn thảo và sửa đổi các điều lệ để khắt phục những khiếm khuyến còn tồn đọng trong luật bầu cử.

Nhưng Ý, rất tiếc, không phải là một quốc gia bình thường, cơ chế nhà nước vốn đã không vững lại còn bị tàn phá trong suốt gần hai thập niên vừa qua bởi những tệ nạn tham nhũng, hối lộ, lạm quyền, khi thường luật pháp. Do đó thay vì đặt trọng tâm vào việc giải quyết nhanh chóng những khiếm khuyết cơ bản để thông qua lập tức luật bầu cử mới, chuẩn bị cho những tình huống bất trắc nếu chính phủ phải bị “chết yểu” ... thì các ông bà đại biểu Quốc hội đang tìm cách hoàn thiện đến mức tối đa “gói” luật. Nhìn các ông bà đại biểu tuyên bố vung vãi, ai cũng ráng hò hét cho to, ai cũng muốn cho thiên hại thấy rằng mình là “số một” .. trong cứ như đang tham dự một show quiz đố vui có thưởng trong đó câu hỏi vừa được đưa ra là các thí sinh bấm chuông liên tục để tranh nhau trả lời. Cuộc chạy đua giữa các đảng phái để xem ai hơn ai ... trong như là một cuộc chạy giặc. Trong giới lãnh đạo chính trị hiện nay có một tầng lớp “chuyên nghiệp” về đề tài “cải tổ luật bầu cử” ... và trong gần hai thập niên chỉ biết ăn lương rồi ngồi “nghiên cứu” từ đề luật này sang đề luật khác ... mà không hề đẻ ra được một cuộc cải tổ nào cả. Mỗi một đề luật vừa được tung ra là các tay “chuyên nghiệp” lập tức chôn nó xuống dưới một mớ tuyên bố hổ lốn vừa phê phán vừa chỉ trích ... rồi ngồi sửa đổi .... sửa đổi mãi ... đến độ nước Ý có biết bao nhiêu đề luật cực kỳ hoàn thiện ... nhưng không bao giờ trở thành luật !!!



Khuyết tật thứ hai là “chuyên sâu” (particolarismo). Mục tiêu của “gói” đề luật Renzi-Berlusconi không phải là để hoàn thiện một cơ chế chính trị. Không. Mục tiêu chỉ nhắm vào những vấn đề cấp bách trước mắt. Đặc biệt là làm giảm sự manh mún trong Quốc hội và để tạo ổn định chính trị. Lấy ví dụ vấn đề “phần trăm tối thiểu” để có thể có đại biểu Quốc hội. Ở Đức nếu không đạt được tối thiểu 5% số phiếu ... thì coi như .. đứng ngoài cổng Quốc hội. Tháng 9 vừa rồi, cái đảng Tự Do-Dân Chủ (Freie Demokratische Partei, cái đảng của “Chàng trai Việt”), dù rằng đã từng có chân trong Hội đồng chính phủ suốt mấy năm trời trước đó ... nhưng rồi bị gạt ra khỏi Quốc hội vì không đủ đến 5%. Và chẳng thấy ai lên tiếng tố cáo rằng Đức thiếu dân chủ, rằng ở Đức các đảng lớn chơi trò “cả vú lấp miệng em” .... Thế mà 5% của “gói” đề luật đặt ra ... đang bị các đảng phái, nhất là các đảng nhỏ,  chỉ trích với những luận điệu “thiếu dân chủ” và “thảm sát ấu nhi” (infanticidio). Té ra Đức tuy là nước có nền kinh tế mạnh, đầu tàu của Châu Âu, chính trị ổn định lâu dài đến độ Bà Thủ tướng Merkel không bị chết yểu mà còn được tái nhiệm ... nhưng lại thiếu dân chủ hơn ở Ý ?

Trong bất cứ một chế độ dân chủ nghị viện “bình thường” nào cũng có các đảng lớn và các đảng nhỏ. Các đảng nhỏ có nhiệm vụ đưa ra những vấn đề mà có thể các đảng lớn “quên” hay không “để ý”. Đời sống chính trị của một đảng có thể nằm trong Quốc hội, nhưng không phải “chỉ có thể” nằm trong Quốc hội. Các đảng phái vẫn có thể hoạt động ngoài Quốc hội. Nếu không thì các đảng, nhất là đảng nhỏ, chỉ có mỗi mục tiêu chính trị duy nhất là ... đếm ghế dân biểu ???

Nhưng ở Ý thì không phải như thế. Các đảng nhỏ chỉ sống được nếu nằm trong Quốc hội. Và mục tiêu của các đảng nhỏ chỉ là tìm cách “leo lên tàu” của người chiến thắng ... để đóng vai trò “cán cân” trong Quốc hội: dù chỉ có số phần trăm phiếu ít ỏi, nhưng các đảng nhỏ vẫn nắm sinh mạng của Quốc hội, của chính phủ trong tay .... Thậm chí Chính phủ đôi khi phải lấy những quyết định chỉ phù hợp với quyền lợi của một thiểu số lobby mà các đảng nhỏ là đại diện.

Thay vì tìm cách nâng cao số phần trăm tối thiểu để tránh tình trạng manh mún trong Quốc hội, các đảng phái lại đua nhau đòi “giảm giá”. Đến cả đảng PD, hay đúng hơn là phe nhóm chống Renzi,  ... cũng “chạy theo quần chúng” đòi giảm mức ấn định phần trăm tối thiểu.



Khuyết tật thứ ba là “nhất trí tán thành” (consensualismo). Bất cứ cải tổ luật gì ... cũng cần phải có sự “nhất trí thông qua” của tất cả. Không thiếu một ai. Nhưng “nhất trí tán thành” phải là kết quả của cả một quá trình cọ xát, đối chiếu với nhau, để mỗi đảng có thể thuyết phục đưc các đảng khác theo ý mình, hay ngược lại phải chấp nhận ý kiến của các đảng khác nếu có giá trị thuyết phục hơn. Nhưng ở Ý, “nhất trí tán thành” thường chỉ là thành quả của những “trao đổi quyền lợi” cho nhau, cùng nhau gìn giữ ích lợi riêng của giai cấp, hoặc kiểu áp lực với nhau ... Do đó nếu quá trình đàm phán trao đổi quyền lợi không đi đến nơi đến chốn ... thì cải tổ không được thực hiện chỉ vì thiếu sự “nhất trí”.

Với ba khuyết tật nói trên, bất cứ một đề luật nào, bất cứ một sáng kiến cải tổ nào cũng phải “bị” hoàn hảo đến độ ... không thể áp dụng được vào thực tế của đời sống ... bởi vì cuộc sống đời thường vốn không hoàn hảo !!!

Biết làm sao bây giờ ?

Nói theo cách nói của người Ý: “Đành chịu !!!” (Pazienza !!!)



Lịch sử nước Ý rồi sẽ tiếp tục với những chính khách vĩ đại. Vĩ đại theo nghĩa là những chính khách đặt biệt ... chỉ có nước Ý mới có .... kiểu hàng hiếm. Còn ở những nước khác thì nhng người đó sẽ không bao giờ có thể trở thành chính khách .... hay tệ hơn là phải biệt xứ để trốn cảnh lao tù.

Với những cử tri như người Ý ... thì cũng đẻ ra được những chính khách Ý.

Người Ý có câu:  “Dio li fa poi li accoppia”.

Diễn Nôm ra là: “Nồi nào úp vung nấy”.

Roma, 27/01/2014

26 tháng 1, 2014

Đòn dĩ độc trị độc của Berlusconi để hạ Renzi.

Thứ bảy tuần rồi, 18/01/2014, chuyến tàu tốc hành của Matteo Renzi bắt đầu chuyển bánh với cuộc gặp gỡ “lịch sử” giữa (tân) Tổng bí thư trẻ nhất từ trước đến nay của đảng PD với lãnh tụ “lão” nhất của lực lượng hữu khuynh (và mị dân) của đảng FI. Sau hai tiếng đồng hồ “đàm phán”, hai bên đã có những tuyên bố rất hồ hởi trước báo chí và cả hai bên đều bày tỏ sự “vừa ý” với đề luật sửa đổi luật bầu cử “Italicum”.

Những ngày kế tiếp là cả một cơn dậy sống trên chính trường Ý, và đặc biệt là trong nội bộ của đảng PD. Sáng kiến “gặp gỡ” với “tên tội phạm nổi tiếng nhất nước Ý” để bàn thảo về những thay đổi hiến pháp và luật bầu cử ... đã khiến trong nội bộ đảng PD như ... dẫm phải kiến lửa .... Mà không phải chỉ có đảng PD. Và căng thẳng trong đảng PD đã dẫn đến quyết định từ chức của Chủ tịch đảng, Gianni Cuperlo, (và cũng là người đã tham gia  tranh cử với Matteo Renzi vào chức vụ Tổng Thư ký đảng hồi tháng 12 vừa qua).

Điều đáng chú ý tất cả các phê phán về đề luật “Italicum” do Matteo Renzi và Silvio Berlusconi “nặn ra” là tập trung vào quyết định giữ nguyên tình trạng “danh sách ứng cử viên khép” (lista bloccata), tức là cử tri vẫn sẽ không có quyền trực tiếp bầu người mình chọn vào Quốc hội, mà vẫn sẽ chỉ bầu cho “Đảng”, và ban lãnh đạo đảng sẽ trực tiếp chọn đại biểu cho vào Quốc hội.

Trừ đảng FI của Berlusconi ra, và trừ “phe” của Renzi trong đảng PD ra .... còn lại tất cả các lực lượng chính trị khác (và ngay cả “phe thiểu số” trong PD – tức là phe không theo Renzi) đều nhất quyết “giương cao ngọn cờ tự do cho cử tri trực tiếp bỏ phiếu chỉ định đại biểu Quốc hội”: từ hữu đến tả ... không thiếu một đảng nào.

Matteo Renzi đã trực tiếp phản biện các chỉ trích nói trên với hai luận điểm: thứ nhất là, theo Renzi, nếu đảng muốn thực sự trao quyền cho cử tri trực tiếp chọn đại biểu Quốc hội, thì chỉ cần tổ chức trước những cuộc “bầu tuyển chọn sơ bộ” (primarie) để các đảng viên cơ sở quyết định ai sẽ được vào danh sách ứng cử viên của đảng vào Quốc hội, cách giải quyết này cũng đã được chính đảng PD áp dụng trong lần bầu cử Quốc hội hồi tháng hai vừa qua để vượt qua sự bất cập của luật bầu cử hiện hành. Do đó, theo Renzi, nếu các lực lượng chính trị khác muốn vượt qua sự bất cập nói trên thì chỉ cần mỗi đảng tự tổ chức “bầu tuyển chọn sơ bộ” ... là xong chuyện.

Nhưng câu hỏi được đặt ra là: tại sao vẫn cứ phải giữ tính bất cập của luật cũ để rồi đề nghị các đảng tổ chức “bầu tuyển chọn sơ bộ” ? Nếu thật sự Quốc hội muốn trao quyền tự do cho cử tri bầu trực tiếp đại biểu Quốc Hội ... thì tại sao không trực tiếp xóa bỏ cái điều luật “vớ vẫn” “danh sách khép” ?  Mà lại đưa ra cách giải quyết bằng “bầu tuyển chọn sơ bộ” ???

Câu hỏi này khiến Matteo Renzi phải đưa ra luận điểm thứ hai: “Quyết định tiếp tục giữ điều lệ “danh sách khép” là “yêu cầu không khoang nhượng” của Berlusconi. Còn riêng đối với Renzi, thì ông ta sẳn sàng xóa bỏ điều lệ “vớ vẫn” nói trên”. Tức là Matteo Renzi đẩy “trách nhiệm” sang Berlusconi với hy vọng là tất cả mũi súng sẽ chỉa vào Berlusconi !!!

Hôm qua, thứ bảy 25/01/2014, một tuần đúng sau buổi gặp gỡ đã gây sóng gió trên chính trường và gây chia rẽ trong đảng PD, Berlusconi lại vừa tuyên bố rằng: “Đề luật Italicum mà Quốc hội đang bàn thảo .... là của Berlusconi, đề luật mà hắn đã muốn đưa ra từ hai mưới năm về trước (sic !!!) ... chứ không phải là của Renzi.

Như thế là sau đúng một tuần, các lá bài lần lần được lật lên ... và tới đây thì có thể ít nhiều thấy được các chiến lược của các con bài trên canh bạc.

Trước nhất phải nói là (rất tiếc) Silvio Berlusconi lại một lần nữa đã có khả năng “hồi sinh” ngay trong những lúc mà ai cũng ngỡ rằng hắn đang sắp “chầu tổ”. Từ một vai trò “bị kết án vĩnh viễn” và bị “trục xuất” ra khỏi Quốc hội .... Berlusconi lại trở lại sân khấu chính trị trong một vai trò “cha đẻ ra hiến pháp mới” cho nền Đệ Tam Cộng Hòa.

Dĩ nhiên là để trở lại chính trường, Berlusconi đã phải đợi thời cơ, và thời cơ là Matteo Renzi đang gắp rút phải “cho xe lửa khởi hành”. Ba triệu lá phiếu mà Matteo Renzi nhận được hồi tháng 12 vừa qua ... là một gia tài kếch xù ... nhưng cũng rất dễ bị bay hơi ... Nếu trong vòng thời gian ngắn hặn chừng đôi ba tháng mà Matteo Renzi không đem về một “đổi mới” nào ... thì 3 triệu lá phiếu đó sẽ ... biến thành mây khói. Trong một đảng chính trị bình thường, xin nhấn mạnh hai chữ “bình thường”, một Tổng bí thư đảng được đảng viên tín nhiệm cao như thế ... chắc chắn phải nhận được một sự hậu thuẩn (gần như) toàn diện trong đảng, và nhất là trong giới lãnh đạo đảng, nhất là trong thời điểm mà đảng đã liên tục gặp thất bại chính trị trong những năm cuối cùng. Nhưng khổ nổi, đảng PD không phải là một đảng bình thường. Tổng bí thư đảng được nhiều phiếu bao nhiêu ... thì lại càng gặp sự chống đối bấy nhiêu trong giới lãnh đạo đảng. Bất cứ một thành công chính trị lớn nhỏ nào của Matteo Renzi ... cũng sẽ làm cho phần lớn lãnh đạo đảng PD bị “nhột”, như thể những thành công đó, trong một thời gian ngắn hạn, sẽ minh chứng cho thấy sự bất tài, hay thậm chí là cố tình trị trệ, của giai cấp lãnh đạo đảng trước đây. Kết quả là Renzi phải ra sức tăng tốc để đạt một vài thành công chính trị, thậm chí phải chấp nhận những “đánh đổi”, trong khi đa số lãnh đạo đảng PD thì sẳn sàng “cản mũi kỳ đà”, thậm chí sẳn sàng “tiêu thổ kháng chiến” để làm mất uy tín của cá nhân Matteo Renzi. Và Silvio Berlusconi, như cá mập ngửi được mùi máu, đã nhanh chóng nhận thấy ngay cái thế “bất nhất” trong đảng PD ... và hắn đã ... quyết tâm tận dụng thời cơ: nếu Matteo Renzi thành công trong việc cải tổ luật bầu cử ... thì Berlusconi cũng được “thơm lây” vì đã cùng với Renzi đi bước đầu ... và trở thành “cha già dân tộc”, một hình ảnh mà hắn sẽ tận dụng để biến nó thành lá chắn công lý. Nhưng trước mắt thì vấn đề luật bầu cử đang như trái lựu đạn lúc nào cũng sẳn sàng chực nổ trên tay của Renzi (Báo chí còn gọi đây là “Việt Nam của Matteo Renzi” – ý muốn nói Matteo Renzi sẽ còn gặp nhiều khó khăn chống đối ... và thậm chí có thể bị sa lầy). Thậm chí với tuyên bố rằng quyết định giữ lại điều lệ “danh sách khép” là của Berlusconi, Mattero Renzi cũng vẫn không làm cho các mũi súng chĩa sang Berlusconi, mà vẫn chực chừ nã đạn vào Renzi.

Luật bầu cử có được thông qua hay không hay sẽ như bong bóng xì hơi ngay lập tức ... thì đối với Berlusconi chẳng ăn nhầm gì cả. Hắn sẽ chẳng mất mát gì cả. Đôi khi còn được “lãi”. Nhưng với Matteo Renzi thì khác: luật bầu cử là ván cờ sinh tử của Renzi, nếu mọi chuyện tốt đẹp như Renzi mong muốn, thì uy tín của Rezni trong đảng PD lại càng lên cao ... nhưng nếu thất bại ... thì coi như Renzi cũng tiêu tan sự nghiệp ... và cùng với Renzi là đảng PD cũng ... rụi.

Berlusconi như thế là đã lợi dùng chiêu bài “luật bầu cử” để gây căng thẳng trong đảng PD, gây căng thằng giữa đảng PD với các đồng minh trong chính phủ, và ... hy vọng là “nội chiến” trong đảng BD sẽ làm soi mòn uy tín của Renzi, thậm chí, nếu Quốc hội không thông qua được luật bầu cử thì chính Renzi là người bại trận, và ba triệu lá phiếu sẽ bay hơi.

Kết quả là Berlusconi, qua chiêu bài luật bầu cử, có thể sẽ hạ được một địch thủ chính trị mà chắc chắn một mình hắn sẽ không địch lại nỗi: trẻ tuổi, năng động, không có nợ nần công lý, không có những vết tì về mặt “ăn chơi trác tán” ....  Berlusconi bằng chính tay mình không hạ nổi Renzi .... nhưng Berlusconi vẫn có thể dùng ngay chính (lãnh đạo) đảng PD để hạ Renzi. Thậm chí hôm qua hắn còn “đổ thêm dầu vào lửa” khi tuyên bố rằng đề luật bầu cử là do chính hắn đề ra ... chứ Renzi chẳng có công cóc gì trong đó. Điều này càng làm cho các lực lượng nội bộ của đảng PD chống Renzi thêm cớ để tẩy chai đề luật. Dĩ độc trị độc là thế.

Số mạng của đề luật bầu cử rồi sẽ ra sao thì chưa ai biết ... Nhưng trước mắt người thực sự có thể “thắng cuộc” lại một lần nữa chính là Berlusconi.


Cách duy nhất để có thể hạ Berlusconi là đảng PD phải “cắn răng” ủng hộ chính Tổng bí thư của đảng  trong canh bạc, nếu cần thì cũng chỉ nên có những phê phán xây dựng hơn là những phê phán cố tình đã phá. Nhưng đã nói là đảng PD không phải là đảng bình thường .... Và hình như cánh tả ở Ý xưa nay vẫn có khuynh hướng ... thích tự hũy diệt nhau: khi sắp giành được thắng lợi thì cả đảng cố tình “nồi da xáo thịt” để đảng thất cử. Còn “rủi” đảng có thắng cử ... thì cũng sẽ “xào xáo” đến độ ... xù cả canh bạc để đi bầu lại.

Roma, 26/01/2014

14 tháng 1, 2014

Chiến tranh phương đông.


Trung Quốc, Nhật, và hai quốc gia Triều Tiên đã chọn những lãnh tụ ái quốc cực đoan. Thế là phương đông mở cuộc chạy đua vũ trang khiến phương tây cũng rúng động ...


Giới thiệu: Nguyên tác bài này có tựa đề “Guerra d’Oriente” của Giampaolo Visetti, đặc phái viên thường trú ở Bắc Kinh của nhật báo “la Repubblica”, đăng ngày 14/01/2014.
Các phần chú thích là của Huê Đăng.


Sáu mươi năm kể từ khi thế chiến thứ hai chấm dứt hiểm họa bùng nổ chiến sự lại đang xẩy ra ngay ở nơi ... mà đệ nhị thế chiến đã kết thúc một cách thê thảm: Châu Á.

Bầu không khí ở Châu Á hình như đang ngày ngày trở nên “khó thở”: trên một địa bàn vốn đang có tỉ số tăng trưởng kinh tế siêu tốc (trong khi thế giới, nhất là thế giới phương Tây, đang phải đối đầu với trì trệ) lại cùng một lúc đang có sự tập trung đáng ngại, chưa hề thấy trước đây, của các lực lượng quân sự “cực hậu hiện đại” được trang bị những vũ khí tối tân thuộc vào “thế hệ chót” (the last generation army).

Ở trong vùng viễn đông Châu Á đang xảy ra hàng loạt những căng thẳng về chính trị, về quân sự, về thương mãi giữa các quốc gia trong vùng vốn đang đối địch nhau trên những vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Mối đe dọa bùng nổ một cuộc “chiến tranh Châu Á” lại càng thêm gia tăng bởi vì cùng một lúc có đến bốn lãnh đạo chính trị mới lên nắm chính quyền ở bốn khu vực “nhạy cảm” trong vùng: chỉ trong vòng hơn một năm, từ cuối năm 2011 đến tháng ba năm 2013, Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn và Bắc Triều Tiên đã “thay đổi nhân sự” với các chính khách bảo thủ, được sự hổ trợ chính trị của các lực lượng hữu khuynh với tinh thần ái quốc và khuynh hướng “mạnh tay quân sự”, đã đẩy các chính khách cầm quyền vào các vị thế ái quốc cực đoan và bài ngoại.

Trong khi chờ đợi kết quả bầu cử vào tháng ba sắp tới ở Ấn Độ ([1]) thì tình hình căng thẳng nói trên ở Châu Á cũng đang làm phương Tây và các nước trong khu vực báo động.

Ở Bắc Kinh, ở Tokyo, Seul, Bình Nhưỡng ... toàn bộ quyền hành ở bốn thủ đô này đang càng ngày càng trở nên .... “cá thể”, vận mạng của hơn phân nữa dân số trên thế giới và gần phân nữa tiềm lực kinh tế toàn  cầu ... lại hoàn toàn nằm trong tay của một vài nhân vật chóp bu chính trị trong vùng.

Các chuyên gia nghiên cứu chính trị trên thế giới đã bắt đầu phác họa ra một “bóng ma của thế kỷ”: vận mạng thế giới nằm trong tay của bầy “phù thủy Châu Á”, bắt chước chạy theo “sư phụ” của mô hình “độc tài toàn trị ái quốc hậu hiện đại” (neo-nationalist authoritarianism) là Vladimir Putin. Lý luận của các chuyên gia này rất đơn giản: trong khi nền dân chủ nghị viện của Mỹ và của Châu Âu đang phải chứng kiến một cách bất lực quá trình suy vong kinh tế của các cường quốc phương Tây, vốn đã thống trị thế giới trong suốt hai thế kỷ cuối, thì các chính thể “độc tài toàn trị” Á Châu đang tạo điều kiện phát triển kinh tế quốc dân ... và sẽ làm đảo lộn tất cả các cán cân quân bình trên thế giới.


Tiên tri của các chế độ hậu-cộng sản (post-comunist) và của các nền dân chủ “tôn sùng lãnh tụ”, chính là một tay gián điệp của tổ chức tình báo dưới thời Xô viết, người đã chiếm được quyền lực ở điện Cẩm Linh, gầy dựng lại một nước Nga sau khi chế độ Xô viết sụp đổ. Ở các văn phòng chính phủ và các cơ quan ngoại giao trên thế giới thiên hạ công khai dùng từ vựng “tân-putin-nít” (neo-putinism) để ám chỉ “con vi-rút đan lan lây khắp cả vùng Châu Á”. Bốn nhân vật đầy quyền lực của trào lưu tư tưởng mới này cũng chính là bốn lãnh tụ mà trong những tháng cuối gần đây đã gieo sóng gió và căng thẳng trong khu vực Thái Bình Dương: Chủ tịch Trung Quốc Cập Nhật Bình (Xi Jinping), Thủ tướng Nhật Shinzō Abe (An Bội Tấn Tam), Bà Tổng Thống Nam Hàn Phác Cận Huệ (Park Geun-hye) ... và sau cùng là nhà độc tài “tuổi trẻ trèo cao” Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.

Cho đến cách đây khoảng một năm, dù rằng căng thẳng cũng đã bắt đầu gia tăng, người ta vẫn còn nói đến việc tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh cần thiết giữa các nhân vật có vai trò quyết định khu vực. Nhưng hôm nay, trước những sự kiện tồi tệ xẩy ra dồn dập, thì một cuộc họp nói trên coi như đã hoàn toàn bị xếp xó: Cập Nhật Bình và Shinzō Abe đang đào sâu chiến lũy bất thông đồng, Shinzō Abe và Phác Cận Huệ thì từ chối mọi đối thoại, còn Kim Jong-un thì tự mình cô lập bên kia vĩ tuyến 38 với những màn thanh trừng nội bộ, đe dọa, độc ác.

Cái “nhân cách” của bốn vị lãnh đạo nói trên, cộng thêm các cuộc đấu đá chính trị nội bộ của từng nước, rồi thêm các vết thương thù hằn lịch sử tồn đọng giữa các quốc gia với nhau, đang đe dọa Châu Á có thể rơi vào vực thẩm của những cuộc xung đột khu vực thường trực, nếu không muốn nói là một cuộc chiến tranh quy ước (conventional war).

Lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn có  truyền thống gia đình xuất thân từ lực lượng vũ trang nhân dân Trung Quốc ([2]), đang ra sức chuyển đổi nền kinh tế và cố gắng thực thi một số cải tổ sâu rộng nhất từ trước đến nay trong guồng máy chính trị xã hội trong thời điểm Trung Quốc đang trên đường tiến đến vị trí cường quốc số một của thế giới. Quá trình thăng tiến của Trung Quốc cũng đã khiến Mỹ, vốn là một siêu cường đã hạ bệ Châu Âu và thống trị toàn cầu trong suốt niên đại 900, đã khuynh đảo Châu Phi lẫn Châu Mỹ La-tinh, hôm nay lo âu mất ăn mất ngũ và đã phải lên tiếng báo động các nước láng giềng của Trung Quốc.

Chỉ trong vòng vài tháng, Cập Nhật Bình, người thừa kế “được Mỹ hóa” (americanized) của “người cấm lái vĩ đại” Mao Trạch Đông, đã làm những bước “nhảy vọt” ngoài sức tưởng tượng. Phía sau những khẩu hiệu “cải cách” của Bắc Kinh là cả một chính sách chạy đua vũ trang nhằm tăng cường lực lượng chiến đấu của quân đội lớn nhất thế giới với 2,4 triệu lính tại ngũ, vừa mới cho hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm nguyên tử lực đầu tiên của Trung Quốc ([3]), mở ra hàng loạt xung đột và căng thẳng về lãnh hải với tất cả các quốc gia trong khu vực.

Nhưng căng thẳng nguy hiểm nhất hiện nay là với Nhật, trên quần đảo Điếu Ngư (Diaoyu (tiếng Trung) hay Senkaku (tiếng Nhật)), nơi mà trong thời gian qua Trung Quốc đã đơn phương thiết lập “vùng định dạng phòng không” (Air Defense Identification Zone - ADIZ) khiến đã nhiều lần xém xẩy ra những cuộc giao tranh giữa hải quân và không quân của hai nước, và cũng đã khiến Mỹ đã phải “chuyển trục sang Châu Á” (pivot to Asia) huy động đông đảo lực lượng hải quân và quân đội Mỹ đóng quân ở Châu Âu, Trung Đông và Trung Á di chuyển sang Thái Bình Dương.

Mức độ bành trướng thế lực kinh tế, tài chính và thương mãi của Trung Quốc, nhu cầu sống còn về nguyên vật liệu và đòi hỏi độc quyền khai thác các quặng đất hiếm (rare earth elements), đã khiến Trung Quốc khơi dậy tất cả các “vấn đề lãnh thổ” vốn đã bị “đông lạnh” từ hơn một thế kỷ trước, thời mà triều đại Trung Quốc bắt đầu suy vong và bị các thế lực phương Tây xâu xé.

Nhân danh tinh thần yêu nước và trên danh nghĩa kình chống lại các đồng minh của Mỹ, Bắc Kinh hiện nay đang có những động thái chống đối lại Nam Hàn, Đài Loan, Việt Nam, Philippine, Indonesia và Ấn Độ, vạch ra một trận tuyến kéo dài từ dãy Hy Mã Lạp Sơn sang đến Biển Nam Hải (Biển Đông đối với Việt Nam).

Chính sách ái quốc của Cập Nhật Bình, vốn đã phải ra tay trừ khử các phần tử “hoài cổ” tả khuynh hậu-Mao Trạch Đông ([4]) và “hảm phanh” các nhóm thế lực kinh tế ngoài khu vực nhà nước, về mặt đối ngoại lại đụng độ với nhà chính trị hữu khuynh Shinzō Abe của Nhật vốn đang phải ra sức vực lại nền kinh tế của Nhật đang bị giảm phát (deflation) đánh tả tơi, đang phải đối phó với nạn giảm dân số và quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân (sau tai nạn ở Fukushima năm 2011).

Đương kim Thủ tướng Nhật Shinzō Abe, vốn được sự hổ trợ chính trị của các đảng phái hữu khuynh đang ngày càng mang tính bài ngoại. Với lý do để gây tăng trưởng kinh tế, Abe đang đòi Nhật “xét lại” một số giá trị đã được ấn định vững chắc từ sau đệ II thế chiến ([5]). Chính phủ Nhật sẳn sàng đánh đổi nhân quyền để có được tăng trưởng kinh tế.

Chỉ trong mấy tháng mà Shinzō Abe đã tạo ra căng thẳng trên mấy quần đảo tranh chấp với Trung Quốc, và thậm chí cũng gây căng thẳng với Nam Hàn, đã quyết định tăng ngân sách dành cho quốc phòng, đòi sửa đổi hiến pháp hòa bình đã có từ năm 1945, đuổi quân đội Mỹ ra khỏi căn cứ quân sự Okinawa, và đã cho thiết lập mọt cơ quan mang tên “Hội đồng an ninh”, dựa theo mô hình của Trung Quốc nặn ra hồi tháng mười một, và bắt chước theo kiểu tổ chức của Mỹ từ năm 1947.

Với hai cái “Hội đồng an ninh” vừa mới được nặn ra ở Trung Quốc và ở Nhật thì rất có khả năng là chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, có thể là không do chủ ý, có thể chỉ là hệ lụy của những “tai nạn võ trang” giữa cường quốc kinh tế thứ hai và thứ ba của thế giới, nhưng vẫn là chiến tranh.

Trong khi ở Trung Quốc hiện nay nhan nhản đầy đường các trò chơi điện tử trong đó các nhân vật Trung Quốc đóng vai “thiện” còn Nhật toàn là hạng người tàn ác dã man, thì Shinzō Abe từ hôm 26 tháng mười hai đã liên tục đi hành hương thăm đền thờ Yasukini, nơi chôn cất 14 tên tội phạm chiến tranh Nhật. Các tay ái quốc cực đoan đang ủng hộ chính phủ Nhật xem Shinzō Abe như là thứ anh hùng kháng chiến. Nhưng đối với Bắc Kinh và với Seul thì Abe là một tên đồ tể của chủ nghĩa thực dân Nhật thời niên đại 900, một kiểu bành trướng Đức Quốc Xã phiên bản Châu Á ([6]).

Những động thái khiêu khích Trung Quốc của Shinzō Abe, vốn là vô địch về những báo động về một “đất nước mặt trời mọc” bị bao vây, cho phép dân Nhật quên đi những thất bại về chính sách kinh tế của Shinzō Abe, hướng tất cả chú ý của công luận vào cái “hiến pháp hòa bình” đã lỗi thời và cần phải được thay đổi. Nhưng cái giá mà Shinzō Abe bắt dân Nhật phải trả là căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc, cứng rắn với Nam Hàn, và làm cho Mỹ tức giận .... trong khi Mỹ đang lo lắng trước viễn ảnh phải lôi vào Thái Bình Dương những khoảng ngân sách quốc phòng vừa cao vừa vô ích ... với hy vọng kềm chế được sự bành trướng của Bắc Kinh.

Còn ở Seul thì Bà Tổng Thống Phác Cận Huệ, con gái của nhà độc tài Nam Hàn Phác Chính Hy ([7]) bị chính Bình Nhưỡng âm mưu ám sát năm 1979, đã nhanh chóng phát hiện ra được thời cơ để xiết chặc quyền lực và tăng cường sức mạnh quân sự: chỉ trong vòng vài tuần, nhờ vào các mối đe dọa đến từ Bắc Kinh, nhờ vào các động thái khiêu khích của Nhật để giữ chủ quyền trên quần đảo Trúc Đảo ([8]), và trước những tuyên bố vung vãi khiêu khích của Bắc Triều Tiên, Phác Cận Huệ đã được Quốc Hội (với đa số bảo thủ) thông qua một số đạo luật cho phép Tổng Thống có thêm quyền lực, thông qua đề án gia tăng ngân sách dành cho Quốc phòng, thông qua quyết định thiết lập “vùng định dạng phòng không”, và cho phép Mỹ đổ bộ thêm 800 thủy quân lục chiến vào Nam Hàn.

Từ hơn một thế kỷ, chưa bao giờ khu vực Châu Á có một tiềm lực kinh tế mạnh như thế, một khả năng quân sự đáng ngại, nhưng đồng thời cũng vô cùng xáo trộn bởi ý thức hệ ái quốc-hậu hiện đại, và nhất là bị đe dọa bởi sự vươn lên của một siêu cường ngay trong vùng: đó là Trung Quốc.

Châu Á vốn là một đại lục không (chưa) được trang bị những cơ chế pháp lý siêu quốc gia có khả năng triệu tập các nước trong vùng và cứu xét những “bất đồng hàng xóm”. Tâm điểm của các căng thẳng hiện nay trong vùng lại chính là Bình Nhưỡng của anh chàng thanh niên Kim Jong-un. Chỉ trong vòng một năm hắn ta đã hạ bệ tất cả những phần tử của phe nhóm “đổi mới”, thủ tiêu hết tất cả các đối thủ chính trị trong đó có cả bà con họ hàng, đã làm nhục Bắc Kinh và hăm dọa ném bom nguyên tử xuống Tokyo, Seul, thậm chí cả  Washington. Bình Nhưỡng giống như một tế bào điên dại trong một cơ thể đang lên cơn hấp hối. Vấn đề là các nước trong khu vực Châu Á đều nhận thức được rằng trước sau gì Bắc Triều Tiên cũng sẽ “tự nổ”, như một ung nhọt chưa bao giờ được chữa trị lành lặn kể từ sau Đệ II thế chiến, và Châu Á sẽ phải đối đầu với cuộc khủng hoảng chế độ của Bình Nhưỡng trong bầu không khí căng thẳng chia rẽ và trong một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tháng tư sắp tới Barack Obama sẽ bay sang Tokyo, Bắc Kinh và Seul ... và thế giới có cảm giác như Châu Á của năm 2014 là bản sao của Châu Âu năm 1914: cũng các lãnh tụ chính trị thiển cận ái quốc cực đoan, cũng những căng thẳng về kinh tế, những tranh chấp lãnh thổ từ thời xa xưa, những giấc mơ bành trướng, phục hồi, thù hằn dân tộc, rồi cũng chạy đua vũ trang với các khẩu hiệu tuyên truyền ái quốc.

Chỉ biết cầu mong rằng thế giới không đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc đại chiến mới: nhưng điều chắc chắn là hiện nay ở Châu Á mọi thứ đều tăng trưởng, từ kinh tế, thương mãi, đến quân sự .... chỉ trừ hòa bình. Và phương Tây hiện nay đã cam phận, cùng lắm là chỉ biết “điều hành tới đâu hay tới đó những cuộc xung đột mãn tính trên thế giới !!!”.

Roma, 14/01/2014


chuyển ngữ


[1] Cuộc tranh cử ở Ấn Độ đang diễn ra gay gắt, và Ý cũng bị “vạ lây” với sự kiện hai thủy quân lục chiến của Ý đang bị giam ở Ấn Độ với nghi án là đã bắn chết “vô cớ” ngư dân Ấn Độ, và đây là một “chiêu bài” của các đảng chính trị ở Ấn Độ đang tận dụng để tìm cách làm giảm uy lực chính trị của Congress Party mà Chủ tịch chính là bà Sonia Gandhi, người gốc Ý.

[2] Cha của Tập Cận Bình là Tập Trọng Huân (XiZhongxun), một trong những lãnh đạo hàng đầu của cuộc cách mạng Trung Quốc. Tập Trọng Huân, ngoài vị trí là một trong những thủ lãnh của lực lượng du kích chống Nhật, cũng đã có công trong quá trình đánh bại lực lượng Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai Shek).

[3] Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh (Liaoning)

[4] Vụ án Hoàng tử đỏ Bạc Hy Lai.

[5] Một trong những yêu cầu của Shinzō Abe là Quốc hội Nhật xóa bỏ cái “Hiến pháp hòa bình” (pacifist constitution) để Nhật có thể rộng tay phát triển quân đội.

[6] Shinzō Abe là cháu ngoại của Kishi Nobusuke, một nhân vật mà trong suốt thời Đệ II thế chiến là một trong những yếu nhân quan trọng của nền công nghệ Nhật; trong thời chiến tranh Trung-Nhật, Kishi là chỉ huy của toàn bộ guồng máy công nghệ của Nhật ở Mãn Châu, chủ yếu là dựa trên sự bóc lột sức lao động của những nô lệ Trung Quốc thời đó. Năm 1945, sau khi thế chiến kết thúc, Kishi bị Mỹ bắt giam như tội phạm chiến tranh, nhưng khi chiến tranh lạnh bắt đầu thì Mỹ thả Kishi Nobusuke không qua một phiên tòa xét xử nào ... và đến năm 1957 Kishi Nobusuke trở thành Thủ tướng bảo thủ của Nhật. Vào những thập niên 30-40, Kishi Nobusuke là người theo dân tộc chủ nghĩa (nationalist) với khuynh hướng phát-xít. Sau chiến tranh, lòng thù hằn chống cộng sâu sắc đã biến Kishi Nobusuke trở thành một đồng minh đáng tin cậy của Mỹ; Richard Nixon là một trong những người bạn thân của ông ta.

[7] Trong thời Đệ II thế chiến Phác Chính Hy cũng có một vai trò khá mờ ám: dưới một cái tên Nhật là Takagi Masao, Phác Chính Hy đã phục vụ quân đội Nhật với hàm sĩ quan của quân đội hoàng gia: Phác tốt nghiệp trường vĩ bị sĩ quan Nhật ở Mãn Châu (Manchuria), nơi mà Kishi đã có thời là chỉ huy của toàn bộ guồng máy công nghệ của Nhật chủ yếu là dựa trên sự bóc lột sức lao động của những nô lệ Trung Quốc thời đó. Phác Chính Hy cũng là người theo chủ nghĩa dân tộc, ngoài những quan hệ thâm tình với Nhật có từ thời Đệ II thế chiến, nhưng chính cái tư duy chống cộng đã cho phép Phác vẫn tiếp tục có một quan hệ thân thiện với một quốc gia đã thuộc địa một cách tàn nhẫn Triều Tiên trong nữa thế kỷ.

[8] Tên quốc tế là Liancourt, Nhật gọi là Takeshima, Nam Hàn gọi là Dokdo, một nhóm đảo nhỏ nằm giữa Nam Hàn và Nhật, cách đảo Honshu của Nhật  và góc đông nam bán đảo Triều Tiên thuộc Nam Hàn khoảng 220 km. Trúc Đảo đang trong vòng tranh chấp giữa Nhật và Nam Hàn.