30 tháng 9, 2014

Bắc Kinh tiến thoái lưỡng nan.



Đối với chính quyền Bắc Kinh mọi chuyện cũng không dễ giải quyết. Trước biển người xuống đường phản đối chính quyền một cách ôn hòa, biển người đang tràn ngập các đường phố Hương Cảng chống lại một “cường quốc đang trổi dậy”, một quốc gia đang có tham vọng trở thành một mô hình “dân chủ” trong khu vực (Châu Á Thái Bình Dương) ... xem ra đảng Cộng Sản Trung Quốc chưa có được một giải pháp để có thể đảm bảo được ích lợi của đảng.

Dĩ nhiên trên lý thuyết thì Bắc Kinh có đầy đủ mọi công cụ để thúc ép chính quyền Hương Cảng áp dụng các biện pháp mạnh. Chính phủ Bắc Kinh vẫn có thể cho tái diễn lại cảnh thảm sát đẫm máu ở Thiên An Môn như hồi tháng sáu năm 1989. Nhưng trên thực tế, những điều kiện khả thi cho Bắc Kinh hồi 25 năm về trước ... thì hôm nay hầu như Hương Cảng không có.

 Biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989

25 năm về trước Bắc Kinh đã có thể lấy quyết định thảm sát đẩm máu để quét sạch “trọn gói” cuộc biểu tình khổng lồ chống chính phủ Trung Quốc ... cũng nhờ vào mạng lưới công an cảnh sát dầy đặt, nhờ vào quyền lực thống trị của đảng và nhà nước, và nhất là nhờ vào tư duy “sống trong sợ hãi (*)” bao trùm lên toàn bộ xã hội Trung Quốc. Nhưng ở Hương Cảng thì mọi chuyện có khác: mạng lưới công an cảnh sát cũng “không bằng” ở lục địa, tư pháp (vẫn còn) là một quyền độc lập, và (nhất là) các phương tiện truyền thông không phải chỉ là “công cụ của nhà nước” (dù rằng tự do báo chí ở Hương Cảng cứ càng ngày càng bị .... “hao mòn”). Do đó, một quyết định áp dụng bạo lực ... lại rất có khả năng làm tăng thêm uy tín của những lực lượng chống đối Bắc Kinh thay vì đàn áp được nó.

 Quang cảnh Thiên An Môn sau khi quân đội đã "tạo lại được ổn định"

Và nếu như các giả thuyết trên là đúng thì những gì đang xẩy ra ở Hương Cảng sẽ mở ra một cuộc khủng hoảng kéo dài và cực kỳ trầm trọng bởi những hệ lụy thảm hại đổ lên hình ảnh và uy tín của Trung Quốc, không chỉ riêng ở Á Châu, mà trên toàn thế giới. Và những hệ lụy thảm hại đó cũng sẽ tác động lên đến nhiều mặt khác ở Hương Cảng, trong đó thị trường chứng khoán Hương Cảng (một trong những thị trường chứng khoán quan trọng trên thế giới) sẽ không tránh khỏi bị suy sụp và phải nhường ngôi lại cho Singapore. Nói trắng ra là: bạo lực không giải quyết được vấn đề, nhưng đồng lúc lãnh đạo Trung Quốc cũng không thể nào để các cuộc biểu tình tiếp tục kéo dài tạo ra một sự bất ổn định ở Hương Cảng. Bên cạnh đó những gì đang xẩy ra ở Hương Cảng có nguy cơ “đánh thức” được những người Trung Quốc đang sống trong lục địa ... và từ đó sẽ nổ ra một cuộc tranh luận nẩy lửa ngay trong hàng ngũ thượng tầng của guồng máy cai trị ở Bắc Kinh.

Cách mạng ô dù Hương Cảng 2014


Trước mắt có thể thấy rằng giải pháp khả thi duy nhất (hiện nay) là đàm phán để đi đến một thỏa thuận ngầm với các lãnh đạo của phong trào đấu tranh dân chủ ở Hương Cảng, bởi vì ngay chính lãnh đạo của phong trào cũng thừa biết rằng họ không thể nào cứ yêu sách mãi mãi. Điều này có nghĩa là có thể các bên sẽ đi đến thỏa thuận (?). Vấn đề đặt ra đối với lãnh đạo ở Bắc Kinh là .... thỏa thuận ở những điểm gì ? Quan trọng nhất là những điểm đó phải là những điểm mà đối với Bắc Kinh chắc chắn là sẽ không tạo ra “chấn thương gốc rễ” cho cơ chế quyền lực của đảng Cộng sản ... và do đó Bắc Kinh có thể chấp nhận cho “thử nghiệm” ở “khu đặc trị” Hương Cảng. Và chính đây là điều đang làm đau đầu lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc.


Viết theo nội dung của bài “Il dilemma di Pechino” của nhà bình luận chính trị quốc tế Bernard Guetta đang trên “Internazionale” http://www.internazionale.it/opinioni/bernard-guetta/2014/09/30/il-dilemma-di-pechino/

Roma, 30/09/2014




(*) Sống trong sợ hãi: tựa đề phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ra mắt công chúng năm 2005

Ô dù ...



Từ lâu lắm rồi, có lẽ cũng phải trên dưới gần bốn thập niên, trước khi trở thành một từ vựng mới trong ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại, từ “ô dù” cũng đã trở thành một khái niệm để chỉ một hiện tượng xã hội tiêu cực ngày càng trở thành “đại trà” trong cơ chế nhà nước. “Ô dù” được đồng hóa với quyền lực, với bất công xã hội, với phân biệt đối xử. Bởi vì nếu không có quyền lực thì cũng chẳng ai phải cầu cạnh được “ô dù”. Bởi vì nếu xã hội bình đẳng thì cũng chẳng ai phải núp bóng “ô dù”. Bởi vì nếu mọi người đều được đối xử như nhau ... thì “ô dù” cũng hóa ra vô ích ...

Ô dù được đẻ ra là để che mưa chống nắng .... nhưng bây giờ trong tiếng Việt hiện đại thì hai chữ “ô dù” đã biến tướng theo sự “thăng hoa” của một xã hội đầy bất công phi lý trong đó .... con vua thì cứ làm vua, con sãi nhà chùa cứ quét la đa ....

Ấy thế mà không ngờ ....

Thật không ngờ !!! Mấy tuần lễ nay từ vựng “ô dù” được gắn liền với một hiện tượng mang tính đấu tranh cho dân chủ, cho tự do.

Số là mấy tuần nay (đầu tiên) là các thanh niên học sinh sinh viên, các người dân ở Hương Cảng (porto profumato) đã xuống đường biểu tình đòi tự do bầu cử ứng cử ghế Thống đốc “khu đặc trị” Hương Cảng. Và hình tượng tiêu biểu của cuộc xuống đường rầm rộ này là ... cái ... “ô dù”.

 Cách mạng ô dù ở Hương Cảng

Hàng ngàn cái “ô dù” được những người biểu tình giương lên để chống đở những luồn hóa chất hại da hại mắt do cảnh sát công an Hương Cảng xịt vào đám biểu tình.

Một cuộc biểu tình rầm rộ nhưng (cho đến nay) cũng rất ôn hòa, không một thái độ bạo động đập phá, không một đám cháy bùng nổ, nhưng cho đến nay, dù trước những de dọa của chính quyền Bắc Kinh, các cuộc biểu tình xem ra vẫn không có chiều hướng tan rã.

 Người biểu tình dùng ô dù để chống đở hóa chất do công an cảnh sát phun xịt

Chính quyền Bắc Kinh đang rất lo sợ. Cái bóng ma Thiên An Môn của năm 1989 kết cuộc bằng một cuộc thảm sát đẩm máu thanh niên học sinh sinh viên lại chập chờn hiện lên trên nóc Cấm thành của Bắc Kinh. Và nếu bộ phim Thiên An Môn được/bị tái bản lần này ... thì coi như mấy chục năm dày công xây đấp một “quyền lực mềm”, một “trổi dậy trong hòa bình”, một “cường quốc bình an” ... đem đổ sông đổ biển ... để rồi Bắc Kinh đánh rơi mặt nạ hiện nguyên hình một quốc gia đầy tham vọng bá quyền và hành xử theo bạo lực.

Nhưng người dân ở Hương Cảng muốn gì ? Họ đang tranh đấu dể đòi hỏi cái gì ?

Hương Cảng hiện nay đang rơi vào một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử, kể từ năm 1997 khi Hương Cảng được Anh trao trả lại cho Trung Quốc. Bắt đầu từ khoảng tháng bảy vừa qua đã bắt đầu có nhiều cuộc biểu tình, và thường cũng bị công an cảnh sát đàn áp thô bạo.  Trước đó người dân ở Hương Cảng đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để thay đổi các quyền bầu cử ứng cử. Nhưng ngày 31 tháng tám vừa qua chính quyền Bắc Kinh đã tuyên bố “bất hợp pháp” cuộc trưng cầu dân ý nói trên. Do đó, những ai muốn ứng cử vào chức vụ Thống đốc Hương Cảng, sẽ được bầu lại vào năm 2017, sẽ phải được ít nhất 50% thành viên của “ủy ban bầu cử trung ương” đề cử, mà tất cả các thành viên của cái “ủy ban” này lại được chính quyền Bắc Kinh chỉ định. Diễn nôm ra là đến năm 2017 người dân Hương Cảng sẽ chỉ được quyền bỏ phiếu cho những ứng cử viên do chính đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ định. Na ná như kiểu bầu bán ở lục địa (hay ở một vài nước rồng rắn Á Châu): các ứng cử viên phải do “mặt trận” đề cử. Không có màn ứng cử viên “tự phát”.

Và quyết định trên của Bắc Kinh đã bị người dân Hương Cảng xem như là một hành động phản bội lại lời hứa mà chính Bắc Kinh đã cam kết với Luân Đôn năm 1989: đến năm 2017 Hương Cảng sẽ tổ chức một cuộc bầu cử ứng cử hoàn toàn tự do.

Thật ra thì quyết định “phản bội” của Bắc Kinh cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Ở một cơ chế độc đảng toàn trị với lớp sơn bên ngoài “thị trường định hướng” ... thì không thể nào đảng Cộng sản Trung Quốc chấp nhận một cuộc tranh cử tự do, bởi vì nếu có tranh cử tự do ... thì đấy cũng có nghĩa là đảng Cộng sản tự sát.

Dù rằng Hương Cảng, theo cam kết với Anh năm 1989, là một “đặc khu tự trị”, và Trung Quốc đã chấp nhận lời cam kết này bởi vì Trung Quốc vẫn còn cần đến Hương Cảng, vốn là cửa ngỏ kinh tế tài chính để Trung Quốc qua đó hội nhập vào nền kinh tế tài chính thế giới. Về lâu về dài, Trung Quốc có chiến lược là sẽ dần dần đưa Thượng Hải lên thay thế vị trí của Hương Cảng. Nhưng điều này còn cần đòi hỏi thời gian. Nhưng dù là “đặc khu tự trị”, nhưng chính quyền Bắc Kinh cũng không thể nào chấp nhận Hương Cảng hưởng quyền tự do bầu cử ứng cử như ở các nước Tây phương. Bởi vì người dân Hương Cảng cũng là người Trung Quốc. Một hiện tượng “dân chủ” nếu xẩy ra được ở Hương Cảng thì ảnh hưởng của nó sẽ sớm muộn gì cũng đến “lục địa”: một tỉ người Trung Quốc sống ở lục địa rồi cũng sẽ đòi hỏi quyền bình đẳng như người Trung Quốc sống ở Hương Cảng. Và lúc đó thì không phải chỉ có một hai hay vài chục cái Thiên An Môn ... mà sẽ có cả trăm cả ngàn cái Thiên An Môn đối đầu với đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều mà chính quyền Bắc Kinh không thể nào chấp nhận.

Một trong những sự kiện khá đặc thù của các cuộc biểu tình “ô dù” Hương Cảng chính quyền Bắc Kinh hôm kia đã vội vã “cảnh báo” rằng .... không bất kỳ một quốc gia nào được quyền xía vào chuyện nội bộ của Trung Quốc. (Chủ yếu là bắn tin cho Mỹ). Đặc thù ở chổ là khi ở Tây phương nổ ra các cuộc biểu tình “Occupy”, đôi khi với lý do kinh tế tài chính (thất nghiệp, mất phúc lợi xã hội ...), thậm chí có cả bạo động ... nhưng chẳng chính phủ Tây phương nào “thèm” lên tiếng “cảnh báo” rằng “chớ ai được can thiệp vào chuyện nội bộ” ...  Nhưng hễ ở Trung Quốc xẩy ra bất cứ một hiện tượng chống nhà nước ... là lập tức .... Bắc Kinh phải “cảnh báo” các nước khác. Không ai hiểu vì sao ? Chỉ biết là ở xứ Giao Chỉ thì hiện tượng đó được gọi là “diễn biến hòa bình” !!!

Roma, 30/09/2014



PS: Theo các kinh sách binh thư yếu lược kinh điển: khi nội bộ trong nước có vấn đề thì phải cho mở "xú bắp" để căng thẳng "xì" ra bên ngoài. Có thể là trong nay mai ... chính quyền Bắc Kinh sẽ nặn ra một vài hoạt động xâm chiếm biển Đông để dấy lên tinh thần ái quốc nhằm hạ hỏa tình hình ở Hương Cảng.


22 tháng 9, 2014

Thằng cùi chửi thằng hủi !!!



Ở Mỹ chắc ai cũng biết đến “House of Cards”. Bên Ý họ chuyển ngữ thành “Gli intrighi del potere” (Âm mưu quyền lực). Tập phim này bắt đầu được trình chiếu ở Mỹ từ hồi tháng hai năm 2013, và trong thời gian gần đây cũng đã được trình chiếu trên thị trường vô tuyến của Trung Quốc.

“House of Cards” là một “political drama television series”, một bộ phim nhiều kỳ trên truyền hình trong đó các câu chuyện giả tưởng xoay quanh các âm mưu mánh khóe của các phe phái quyền lực chính trị ở Mỹ: nhân vật chính là một vị Thượng nghị sĩ Mỹ có tên Frank Underwood (do tài tử Kevin Spacey thủ vai). Câu truyện của bộ phim cũng khá hấp dẫn ... dù rằng đôi khi tình tiết của câu truyện cũng hay bị .... lố bịch quá đà .... Nhưng nói cho cùng thì vẫn là một bộ phim tuồng hư cấu. 



Các thể loại phim kiểu “âm mưu chính trị” như thế này thì xưa nay cũng nhan nhãn đầy rẫy trên thị trường điện ảnh phương Tây. Chuyện thực ra cũng chẳng có gì đáng nói. Chỉ có điều là hôm 16 tháng 6 vừa qua, trên trang web chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc xuất hiện một bài viết về “hiện tượng tham nhũng ở các quốc gia Tây phương”. Và bài viết đã đưa ra rất nhiều dẫn chứng dựa trên các ... tình tiết .... của bộ phim truyền hình “House of Cards” nói trên. Bài báo trên mạng của đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã được tờ New York Times nhắc đến và theo nhận xét của New York Times thì ... đảng Cộng sản Trung Quốc xem bộ phim này như là một bằng chứng chứng minh cho thấy tệ nạn tham nhũng tràn lan ở các nước phương Tây.

 Diển viên Kevin Spacey thủ vai chính của bộ phim

Phải nói là bộ phim cũng được rất nhiều khán giả Trung Quốc mến mộ, bằng chứng là các áo thun và các “phụ liệu khác” có in hình ảnh của vai chính trong bộ phim nói trên đang trở thành hiện tượng thời trang thời thượng hiện nay ở Trung Quốc.

 Quảng cáo bán áo thun và các phụ kiện có in hình tài tử chính của bộ phim ở Trung Quốc

Bài báo đăng trên trang web của đảng Cộng sản Trung Quốc  có cái tựa đề khá dài: “Những thành công của tập phim “House of Cards” ... cho thấy hiện tượng tham nhũng lan tràn ở các nước phương Tây công nghệ phát triển”, ký tên Zhao Lin, một quan chức của Viện Kiểm soát (một ban bệ trực thuộc Bộ Kiểm duyệt của Trung Quốc), và bài viết nằm trong bối cảnh của một chiến dịch chống tham nhũng đang được Chủ tịch Tập Cận Bình phát động rầm rộ trong thời gian qua.

Trong bài viết Zhao Lin đi đến kết luận rằng tham nhũng là một tệ nạn rất nặng và ăn sâu vào các cơ chế của các quốc gia Tây phương, và thậm chí người ta còn cổ vũ tệ nạn này qua các phim truyện như “House of Cards”. Bài báo viết: “Không những (họ) không đủ khả năng diệt trừ chính tệ nạn tham nhũng của họ ... mà thậm chí (họ) đang tìm cách .... “quốc tế hóa” tệ nạn tham nhũng”.

Trong lối viết “hỏa mù sa mưa” bài báo của đảng Cộng sản Trung Quốc pha trộn một cách cố ý những chuyện thật ngoài đời với những chuyện hư cấu của một bộ phim. Trong bài có đoạn đưa ra một tấm ảnh lấy từ trong bộ phim trong đó vai chính Underwood đang nói chuyện với một nhân vật khác có tên Remy Danton, vốn là một tay lobbyist và khi xưa đã từng làm việc cho Underwood, bên dưới tấm ảnh chú thích rằng: “Nhng hoạt động của các nhóm lợi ích là một hiện tượng rất phổ thông ở Mỹ”. Rồi từ đó bài báo rời bỏ sân khấu điện ảnh để bước vào “cỏi thực” bằng cách viện dẫn vụ tham nhũng của cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac, đến việc cố Thủ tướng Israel Ehud Olmert bị kết án, đến vụ mâu thuẩn quyền lợi của tập đoàn dược phẩm Anh GlaxoSmithKline. 

Cái lạ là bài báo không nhắc đến các vụ tham nhũng "long trời lỡ đất ở" Ý, làm tiêu tan cả nền Đệ I Cộng Hòa, quốc gia vốn được xếp hạng 69 trong bảng thứ hạng tham nhũng trên thế giới, trong khi Mỹ đứng hàng 19 và Trung Quốc hàng 80. (và nước Giao Chỉ đứng hàng 116).



Theo nhận xét của Zhao Lin thì mục tiêu của những tác phẩm điển ảnh như bộ phim “House of Cards” là nhằm hợp pháp hóa và bình thường hóa tệ nạn tham nhũng: trong chiều hướng đó, theo Zhao, thì các nhóm lợi ích (lobby) không còn bị xem như là một hiện tượng tiêu cực của hệ thống cơ chế nhà nước của Mỹ … mà trở thành …. “bản chất thực sự” của nền tảng chính trị Mỹ được che dấu dưới những chiêu bài về dân chủ trong hiến pháp.

Bài viết kết thúc với việc nhấn mạnh rằng: “… có sự khác biệt giữa Trung Quốc và các nước Tây phương … Ở Trung Quốc các chính sách gần đây của chính phủ Bắc Kinh là con đường đứng đắn nhất để chống lại tệ nạn tham nhũng.”.

Biết nói gì đây ?

Thằng cùi chửi thằng hủi !!!


(Viết theo nội dung của bài báo đăng trên “il Post”: “In Cina si criticano gli Stati Uniti con “House of Cards””. http://www.ilpost.it/2014/06/21/cina-house-of-cards/  )



 Roma, 22/09/2014



20 tháng 9, 2014

ISIS, Mỹ, Trung Quốc ... và .....



Hôm 15/09/2014 vừa rồi Paris đã tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với sự tham gia của chính phủ của 30 quốc gia (trong đó có rất nhiều quốc gia Ả Rập ở Trung Đông) nhằm thành lập một mặt trận “chống ISIS” (Islamic State of Iraq and Syria - Tổ chức vũ trang Hồi giáo cực đoan hiện nay đang đe dọa các cán cân quyền lực của các nước Ả Rập trong vùng và lợi ích của các nước phương Tây).

Có hai sự kiện đáng chú ý.

Sự kiện thứ nhất là đây là lần đầu tiên nước Nga của Putin tham gia một cuộc họp thượng đỉnh chính trị quốc tế do Tây Âu tổ chức kể từ sau vụ Nga sát nhập Crimea.

Sự kiện thứ hai là sự hiện diện của Trung Quốc trong một bối cảnh chính trị quân sự phức tạp ở Trung Đông xen kẻ với những lợi ích ngày càng to lớn của Trung Quốc trong khu vực này.

Nhìn chung có thể nói là sự kiện ISIS, dù muốn dù không, đang làm cho Tây Âu, đứng đầu là Mỹ, đang phải tìm cách xích gần lại với Nga và Trung Quốc ... Hay nói cách khác là chính Nga và Trung Quốc, trước sự kiện ISIS cũng đang phải xét lại các động thái của mình đối với Mỹ và Tây Âu.

 Thượng đỉnh Paris để tổ chức mặt trận chống ISIS
(Federica Mogherini, ngoại trưởng Ý, là phụ nữ duy nhất có mặt trong cuộc họp)


“Từ ba thập niên trở lại đây bọn họ thủ vai “free rider” khá tốt (tiếng lóng kinh tế, ám chỉ “ăn chùa” – tức là ăn mà không trả tiền), Obama đã tuyên bố như thế trong một cuộc phỏng vấn của ký giả Thomas Friedman khi ký giả này hỏi Obama nghĩ gì về vai trò của Trung Quốc trong các vấn đề thời sự quốc tế. Bằng giọng mỉa mai nhưng cũng rất thành thật, vị Tổng thống Mỹ nói tiếp: “Giởn chơi mà nói, đôi khi tôi tự hỏi phải chăng Mỹ sẽ có ít vấn đề hơn nếu Mỹ cứ cư xử như bọn họ, như thế giới chẳng ai trong chờ điều gì ở bọn họ.” Câu nói tiêu biểu được thốt ra từ miệng của một “người lính bất đắc dĩ” (soldier reluctant) đang phải thủ vai “sen đầm duy nhất còn lại” trên hành tinh này.

Nhưng Trung Quốc sẽ hành xử ra sao ? Sẽ tiếp tục “ăn chùa” ? Hoặc sẽ trở thành một “đối tác” với phương Tây trên các vấn đề chính trị quân sự trên thế giới ?

Như ta đã biết là xưa nay Trung Quốc vẫn theo nguyên tắc “bất can thiệp” (non-intervento),  vốn được kết hợp với các khái niệm như “tôn trọng chủ quyền” (sic !!!) và “chung sống hòa bình (sic !!!). Nguyên tắc nói trên là một trong những cột trụ của chính sách ngoại giao của Bắc Kinh, vốn đã được chính Chu Ấn Lai đề ra trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của các “quốc gia không liên kết” ở Bandung (Indonesia) năm 1955.

Dù rằng công tâm mà nói thì cái nguyên tắc “bất can thiệp” nói trên ... không phải lúc nào cũng được Trung Quốc tôn trọng .... nhưng chắc chắn là đường lối đối ngoại từ trước đến nay của Trung Quốc không phải thuộc vào kiểu “can thiệp trực tiếp” (sic !!!, trừ trường hợp ở Tây Tạng va trên biển Hoa Nam - đối với Trung Quốc, còn Việt Nam thì gọi là Biển Đông, và Phlipiines thì gọi là West Sea).

Nhưng theo các nhà phân tích chính trị thì nguyên tắc “bất can thiệp” nói trên hiện nay không còn đứng vững, bởi vì nguyên tắc đó không phù hợp với việc bảo vệ các lợi ích kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Đơn cử thí dụ như trường hợp chiến tranh hiện nay ở Libya đang gây khó khăn cản trở và đe dọa các kế hoạch kinh doanh của Bắc Kinh và đã khiến khoảng 36 ngàn người Trung Quốc phải rời bỏ Libya.

Khi một quốc gia có kinh tế phát triển ồ ạt và “nuốt” năng lượng ào ào như Trung Quốc, hay cần phải bảo đảm các thị trường kinh tế cho hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, thì khó có thể tiếp tục duy trì ảnh hưởng mà không cần phải sử dụng đến “quyền lực cứng” (hard-power). Cũng chính vì thế mà Trung Quốc đã phải bắt đầu gởi binh sĩ của họ ra nước ngoài. Cách đây vài ngày báo chí có đưa tin bảy trăm lính Trung Quốc đã được điều động đến phía Nam Sudan trong kế hoạch gìn giữ hòa bình (peace keeping) của Liên Hiệp Quốc, và cũng chính Sudan là nơi Trung Quốc có nhiều quyền lợi dầu hỏa to lớn (quân đội của peace keeping có nhiệm vụ bảo vệ đúng các giếng dầu).

ISIS là một mối đe dọa cho chính con rồng Trung Quốc, nhưng là đe dọa về chính trị nhiều hơn là kinh tế. Ở Trung Quốc có một sắc tộc thiểu số khoảng chín triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ và theo đạo Hồi, đó là sắc tộc người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur), vốn xưa nay lúc nào cũng luôn luôn đòi quyền tự trị trong vùng Tân Cương (Xinjiang), thậm chí cũng đả có những hình thức đấu tranh vũ trang (như vụ khủng bố hồi tháng 10/2013 xẩy ra ngay đúng trên quảng trường Thiên An Môn). Các hoạt động tuyên truyền của al-Baghdadi (thủ lãnh của ISIS) có thể gây ra những tác động đến sắc tộc người Duy Ngô Nhĩ, thí dụ như trong bài tuyên bố ở Mosul ngày 04/07/2014 vừa qua, al-Baghdadi đã trực tiếp lên án Trung Quốc là một trong những quốc gia có chính sách đàn áp Hồi Giáo.

Khoảng đầu tháng 9 vừa rồi các lực lượng quân đội Iraq đã bắt được một binh sĩ của ISIS mang hộ chiếu Trung Quốc. Trong mấy ngày qua một nhóm bốn người Ngô Duy Nhĩ bị bắt ở Indonesia vì bị tình nghi tham gia vào một tổ chức quá khích Hồi Giáo. Theo đặc phái viên chuyên trách về Trung Đông của Bắc Kinh, ông Wu Sike, thì hiện nay có khoảng trên dưới một trăm công dân Trung Quốc đang có mặt trong các tổ chức chiến đấu của ISIS.

Trong cuộc viếng thăm Bắc Kinh tuần qua của Trợ lý về an ninh quốc gia của chính phủ Mỹ (và theo chương trình thì Tổng thống Mỹ sẽ đến Bắc Kinh vào tháng 11 sắp tới), bà Susan Rice, dựa trên các yếu tố vừa kể trên,  đã đưa ra yêu cầu Bắc Kinh hổ trợ mặt trận chống ISIS. Cho đến nay phía Trung Quốc chưa có một tuyên bố chính thức nào về yêu cầu nói trên, nhưng theo các nguồn tin “nội bộ” của chính quyền Mỹ thì Trung Quốc đã “bày tỏ sự quan tâm” về đề nghị nói trên. Và “mối quan tâm” đã được thể hiện bằng sự hiện diện của chính Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc, Li Baodong, trong cuộc họp thượng đỉnh vừa qua ở Paris để bàn về một liên minh chống ISIS.

Trước mắt cũng khó có thể tưởng tượng ra một sự tham gia trực tiếp của Trung Quốc trong các hoạt động quân sự nhằm “làm suy yếu và tiêu diệt ISIS”. Nhưng chắc chắn là Trung Quốc sẽ không có một động thái nào cản trở các hoạt động này. Theo Chen Dingding, một học giả ở đại đọc Macao, thì Trung Quốc sẽ hổ trợ “một cách âm thầm” kế hoạch chống ISIS. Tức là có thể diễn nôm ra như thế này: nếu Tập Cận Bình xưa nay vẫn luôn luôn đứng về phía của Putin trong việc phủ quyết tất cả các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc chống lại Assad (ở Siria), thì lần này Tập sẽ không phủ quyết bất cứ một quyết định nào có dính dáng đến al-Baghdadi. Với điều kiện là trong các quyết định sẽ không trực tiếp nói đến các khả năng đánh bom trên lãnh thổ Siria.

Ngoài ra bên cạnh các yếu tố chính trị, cũng đừng quên các yếu tố kinh tế: Iraq là một nhà cung cấp dầu hỏa hàng đầu cho Trung Quốc.

Đứng theo cái nhìn của Tây phương thì các động thái “mở” của Trung Quốc vừa kể trên cũng rất lô-gích. Mỹ cần một sự ủng hộ đến từ Trung Quốc, nếu không trực tiếp bằng quân sự thì chí ít cũng là những hổ trợ về chính trị trên mặt trận ngoại giao. Trung Quốc cũng cần phải liên minh với Mỹ để tiếp tục duy trì lợi ích của Trung Quốc trong khu vực Trung Đông. Một mô hình cộng sinh .... nhưng cũng (có thể) là "đồng sàn dị mộng".

Câu hỏi còn lại là: Mỹ sẽ phải đánh đổi gì để có được sự ủng hộ chính trị của Trung Quốc trong mặt trận chống ISIS ?

Có nhiều cách trả lời. Có nhiều kịch bản có thể xẩy ra.

Có điều chắc chắn là chiến lược “Pivot to Asia” (chuyển trọng tâm ngoại giao của Mỹ sang khu vực Châu Á) mà Obama đã hồ hởi tuyên bố mấy năm trước đây ... bây giờ không thấy Mỹ nói đến nữa.

Viết đến đây lại nhớ câu nói để đời của cố Thủ tướng Anh Lord Palmerston, khi ông này bị chất vấn về những quyết định bất nhất của mình với những cú xoay chiều trở mặt trên các thế cờ chiến lược, “Chẳng có bè bạn hay kẻ thù nào là vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”.

Ây vậy mà vẫn còn có người khư khư ngồi ôm “những chữ vàng và những cái tốt” của một thời !!!


Viết theo nội dung của bài báo "Coalizione anti Isis, vertice a Parigi - Porre fine a Stato islamico con ogni mezzo" đăng trên tờ "il fatto quotidiano" http://www.ilfattoquotidiano.it/2014/09/15/coalizione-anti-isis-vertice-a-parigi-porre-fine-a-stato-islamico-con-ogni-mezzo/1121016/

 Roma, 20/09/2014