28 tháng 8, 2015

Cơn sóng thần đang nhấn chìm “người cầm lái vĩ đại hậu hiện đại” chung với quyền lực của Bắc Kinh


Đôi lời giới thiệu: sau bài phóng sự về những bạo loạn xảy ra gần đây ở Thượng Hải, Thâm Quyến, đặc phái viên thường trú ở Bắc Kinh của nhật báo "la Repubblica", Giampaolo Visetti,  đã chuyển ngòi bút về thủ đô Bắc Kinh, nơi đang xẩy ra những đấu đá nội bộ khốc liệt trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nguyên tác bài này có tên "Lo stunami travolge il "nuovo Mao" e il potere di Pechino", đăng trên "la Repubblica" ngày 27/08/2015



 
26/08/2015 – Bắc Kinh. “Mùa hè đỏ lửa” đang hăm he đốt cháy luôn cả mùa thu sắp tới. Nhng người Trung Quốc đang bị thất điên bát đảo vì sự sụp đổ thị trường chứng khoán kháo nhau rằng: “đây là sự trả thù của thị trường chống lại nhà nước !”. Trong khi các chính phủ trên thế giới thì đang lo báo động về một viễn ảnh “nỗi dậy của các thế lực Mao-ít chống lại phe yuppies cải cách”.

Kể từ thời Đặng Tiểu Bình thì đây là lần đầu tiên Trung Quốc bị rún động trước một cuộc đại khủng hoảng kinh tế, trong khi ngày qua ngày tình hình cứ càng thêm tồi tệ, thiếu điều như chỉ cần đi thêm một bước là toàn bộ leadership của Tập Cận Bình sẽ ra … tro bụi.

Thậm chí đến các biện pháp kiểm duyệt ngăn sông cấm chợ cũng không còn đủ sức trấn áp sự bất đồng chính kiến hiện nay, không phải là bất đồng chính kiến về tư tưởng chính trị, mà là một sự bất đồng chính kiến vì … tiền bạc, trong đó thay vì giới sinh viên học sinh và trí thức xuống đường …. thì bây giờ là giới trung lưu (middle class) và các tỉ phú, một số lượng người khủng khiếp đã được đưa đi “nướng” trong lò “tư bản có định hướng” (capitalismo comunista). Cáo buộc tập thể của giới này chống lại lãnh đạo Đảng, một sự kiện “vô tiền khoáng hậu”, đang vượt qua khỏi các tường lửa trên Internet: “Xưa nay chúng tôi đã nhất nhất tuân thủ mệnh lệnh của các ngài, nhưng các ngài đã phản bội và thậm chí bán đứng chúng tôi”. Bởi vì cho đến hồi tháng 6 đây thôi, lãnh đạo Trung Quốc vẫn còn kêu gọi mọi người mua cổ phiếu, bán nhà cả ruộng vườn hay vay nợ để nhào vô nằm trong quả bong bóng thị trường có định hướng của nhà nước, vốn được thổi phình ra với tốc độ 150% mỗi năm. Để rồi bây giờ chính các lãnh đạo ấy lại câm như hến, thậm chí còn ra lệnh kiểm duyệt thông tin và đàn áp những cuộc chống đối, hay đã ngụy tạo các con số thống kê, chậm trễ một cách không thể tha thứ trong việc đưa ra quyết định để đối đầu quả bóng xì hơi.

Cứ như là sự tàn lụi của một thời phát triển hoành tráng đang đập chết ngay chính con rồng Châu Á. Tình hình khẩn cấp về kinh tế ngày thêm trầm trọng ở Bắc Kinh, nhưng tệ hơn nữa là con vi khuẩn đang ăn sâu ngay trong trái tim của Đảng-Nhà nước. Chỉ trong một vài tuần thôi mà sự đồng thuận của quần chúng dành cho Chủ tịch Tập Cận Bình và cho Thủ tướng Lý Khắc Cường, vốn được xây dựng qua những cuộc thanh trừng mang màu sắc chống tham nhũng, hoặc bằng những hứa hẹn cải cách, và nhất là bằng quả bong bóng thị trường chứng khoán, đã biến thành tro bụi. Cả một chuỗi những sự kiện thê thảm: hồi tháng 6 thì cái “tát tai” trong vụ bầu cử ở Hồng Kông, đến tháng 7 thì thị trường bắt đầu suy sụp, rồi đến tháng 8 thị vụ nổ kho hoá chất ở Thiên Tân, rồi sau đó là thị trường chúng khoán hỗn loạn, và sau cùng là sự từ chối của các chính phủ Tây phương trước lời mời tham dự buổi diễn binh ngày 3 tháng 9 kỷ niệm 70 kết thúc cuộc chiến tranh chống Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên mà trước mỗi sự kiện, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã lộ vẻ lúng túng, không đủ sức phản ứng và lấy quyết định đối phó.

Theo các tin đồn “của giới thân cận” trong “cung điện” quyền lực, hay trong các văn phòng của các tập đoàn khổng lồ của nhà nước, thì đang có một cuộc “thanh toán đẫm máu giữa các phe phái trong Đảng”. Chả thế mà việc tuyên bố các thông số kinh tế của tháng 8 đã được quyết định dời trễ hơn với lý do là “bận rộn việc lo diễn binh”. Ngày tuyên bố những thông số mang tính “sống còn” của nền kinh tế toàn cầu đã được dời đến giữa thời gian từ 10 đến 13 tháng 9 để lo chuẩn bị cho 12 ngàn lính sẽ diễn binh ngày 3 tháng 9 ở quảng trường Thiên An Môn. Toàn bộ lãnh đạo cao cấp của 3 tập đoàn viễn thông sẽ bị “san bằng”, trong khi một cuộc điều tra về các hoạt động “kinh doanh trái phép” đang ập lên đầu của 5 cơ sở chuyên về môi giới tài chính. Thống đốc ngân hàng trung ương Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan), vồn được coi là tay chân thân tín của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, đã bắt buộc phải bơm 21,8 tỉ đô-la để thu mua các cổ phiếu ngắn và cực ngắn hạn để “hạ hoả” thị trường tài chính. Tờ “Nhật báo Nhân Dân” (báo Đảng) được lệnh không được phát tán những thông tin “nhằm khích động mối bi quan và lo âu”, và loan tin “sẽ nhanh chóng có nhng biện pháp vừa nhanh vừa quyết liệt để nhằm sửa chửa những sai lầm trong kế hoạch năm năm.”

Diển nôm theo tự điển của Tử Cấm Thánh có nghĩa là cái ghế của Chu Tiểu Xuyên đang lung lay và Thủ tướng Lý Khắc Cường trong năm tới sẽ không được tái nhiệm. Đó là hai nhân vật “triều đình” sẽ được đưa ra, cùng với vài chục bộ trưởng và phó bộ trưởng “cải cách”, để trả giá hoá đơn của thị trường. Tuy nhiên cái bóng ma trong Tử Cấm Thành vẫn còn lởn vởn trên đầu của “người cầm lái vĩ đại thời hậu hiện đại”. Hàng ngàn quan chức cao cấp và tướng tá trong quân đội đã bị bắt trong các chiến dịch bài trừ tham nhũng vừa qua, rồi những phe phái “tả” trong Đảng vốn đã bị hất cẳng, những Thống đốc đang bị áp lực của khối nợ công đè nặng, tất cả những người đó đang chực chờ một bước sơ hở của Tập Cận Bình vốn đã bị cáo buộc là đã “làm nhục Đảng”.

Ở Bắc Kinh người ta đồn rằng đang có một liên minh giữa hai phe “cựu”: phe của hai cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào với sự hỗ trợ của cựu Thủ Tướng Ôn Gia Bảo, vốn được xem như là những đối tượng của những cuộc thanh trừng sắp tới của đương kim Chủ tịch Tập. Chả thế mà các cuộc bạo loạn trong mấy hôm nay xảy ra ngay đúng ở Thượng Hải, vốn là thành trì của phe Giang Trạch Dân. Quả bom mà phe “hoài cổ” (bảo thủ) đang chuẩn bị cho nỗ để chống lại Tập Cận Bình chính là những thông số phản ảnh đúng tình trạng thực tế của nền kinh tế Trung Quốc: mức độ phát triển GDP sẽ không phải là 7% (như chính phủ tuyên truyền) mà dưới 5%, nợ nhà nước sẽ phồng lên hơn 300% GDP, tức là hơn 3 ngàn tỉ đô-la, phân na đã bị bốc hơi theo các bong bóng bất động sản, còn  nửa kia thì do chính các ngân hàng “chui” đẻ ra. Sự hoảng loạn bán tháo bán đỗ các cổ phần trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã thể hiện rõ hơn cả những chỉ số thị trường; Thượng Hải, Thâm Quyến, Hồng Kông tất cả đang rún động, nhưng địa bàn rún động nhiều nhất hiện nay chính là Bắc Kinh, ở đó đang có khả năng nổ ra xì-căn-đan về những “dối trá” của Chủ tịch.

Đúng là chính thể độc tài toàn trị đỏ không chịu nỗi cú sốc đầu tiên của thị trường. Nhưng sau 3 thập niên phát triển tăng tốc, cuộc chạm trán khốc liệt và mang tính quyết định chính là cuộc chạm trán với “dân chủ”.

Tập Cận Bình thì đang cố gắng đấu tranh để được ghi tên vào lịch sử, trong khi Trung Quốc đang đấu tranh để không phải quay lùi về quá khứ.

Bấp bênh về kết của của cuộc chạm trán đã kìm hãm thị trường chứng khoáng ở Trung Quốc, trong khi toàn thế giới biết rằng … trong “câu chuyện Bắc Kinh” còn nhiều “ân oán giang hồ” cần phải được thanh toán.

28/05/2015

27 tháng 8, 2015

“Hãy hoàn tiền lại ngay đây”. Truy lùng yuppies (*) trên đường phố Thượng Hải. Tàn một giấc mơ.



Đôi lời giới thiệu: Trong khi các chuyên gia kinh tế tài chính, các tổ chức tư vấn “think tank”, các lãnh đạo chính trị, ở khắp nơi trên thế giới đang ào ào đưa ra các tư liệu kinh tế tài chính chính trị để giải thích hiện tượng “xì bóng” của thị trường chứng khoán ở Trung Quốc, và nhất là để trấn an công luận thế giới, về những khả năng hệ lụy, “truyền nhiễm” mà tình trạng khủng hoảng tài chính Trung Quốc có thể lây lan ra …. toàn cỏi bốn phương … thì ký giả Giampaolo Visetti, đặc phái viên thường trú của nhật báo “la Repubblica” ở Bắc Kinh đã có một bài phóng sự diễn tả những gì đang diễn ra trên đường phố ở những “đặc khu” văn phòng kinh tế tài chính cao cấp ở Trung Quốc … dưới một lăng kính rất đặc biệt.


Nguyên tác bài này có tên “Ridateci i soldi. Caccia agli yuppies in strada a Shangai. E’ la fine di un sogno” của đặc phái viên thường trú ở Bắc Kinh của nhật báo “la Repubblica” đăng ngày 26/08/2015

(*) Yuppies: Young Urban Professional ám chỉ giới trẻ thành thị có nghề nghiệp chuyên môn cao cấp lương bổng hậu hĩ



25/08/2015 – Bắc Kinh. Tạm biệt áo sơ mi trắng cà vạt cùng vét tông len đang chéo. Váy đầm bộ và giày cao gót cũng chớ nên mang vào người. Bây giờ ở Thượng Hải và Thâm Quyến đang có chiến dịch đi truy lùng những tay môi giới, kinh doanh mua bán tài chính, các quan chức ngân hàng. Ở khu phố cao cấp Phố Đông với những tòa nhà chọc trời thanh lịch bỗng dưng trên đường phố biến mất các dòng xe thể thao đời mới và các túi xách hàng hiệu sang trọng. Các nhà hàng cao cấp dành cho giới “sành thưởng thức” cũng đóng cửa, mấy cái tủ kiến trưng bày đồng hồ Thụy Sĩ cũng tắt ngấm đèn đóm.

Ở Trung Quốc, chỉ mới hai tháng trước đây thôi, làm việc trong các thị trường chứng khoán là biểu tượng cho sự thành công cá nhân, và cũng là bước đầu để hội nhập vào môi trường “dolce vita” theo phong cách Tây phương. Quy tắc ứng xử đầu tiên: phô trương tối đa những dư thừa thái quá, để chứng minh với bàn dân thiên hạ rằng “mình đã đến đích”.


Nhưng mấy hôm nay thì các “đồng chí kinh tế gia” đang lục lọi lôi ra từ trong tủ những cái quần jean cũ kỹ, dép xăn-đan và áo thung T-shirt để đi làm, và đi bằng xe điện ngầm, và vào văn phòng bằng ngỏ hậu. Đến giờ ăn thì ngồi nuốt mì gói như bao thanh niên nhập cư từ các làng quê lên thành phố làm nhân công lau chùi quét dọn văn phòng. Chỉ có cách đó, bằng không thì có khả năng là bị đám đông nhào vô đánh hội đồng, hay bị cảnh sát bắt.

Ở tại thủ đô tài chính Trung Quốc, những người dân đã bỏ tiền mua cổ phiếu đang giận dữ đập phá những cánh cửa bọc thép vốn để bảo vệ các quan chức của bốn ngân hàng. “Hãy hoàn trả lại ngay tiền của chúng tôi” đám đông hò hét như thế “Tụi mày dấu tiền ở đâu rồi ?”. Đó là những hình ảnh mà các mạng truyền thông nhà nước đã ngăn không cho lên mạng, và các ngân hàng, các cơ sở tài chính, các “lâu đài” chứng khoán, ngay cả ở Hồng Kông cũng thế, cũng đều im hơi lặng tiếng, và hiện này chính phủ Bắc Kinh đã đưa quân đội đến bảo vệ các khu vực này.

Đối với người dân Trung Quốc việc chỉ trong một ngày “sốt da vàng” mà thị trường chứng khoán đốt tiêu 5 ngàn tỉ đô-la, cháy hết tất cả những lời lãi tích lũy từ tháng giêng, là điều không thể chấp nhận được. Những người dân này, những người đã chắt chiu tiết kiệm từng đồng để mua cổ phiếu, đã viết lên tường của một ngân hàng ở Bắc Kinh: “Tiền bạc không thể nào biến mất như thế, phải tìm cho ra để hoàn trả lại cho nhân dân”.

Truyền hình nhà nước thì vẫn cứ lãi nhãi tuyên truyền  ca ngợi “khả năng chống đỡ và sức mạnh vô biên của nền kinh tế Trung Quốc, cho phép chúng ta duy trì một sự phát triển mạnh mẽ và ổn định”. Nhưng trong khi đó khoảng 9 triệu nhà “đầu tư” của một nền kinh tế thị trường có định hướng (capitalcomunista), vốn trong chỉ 8 tháng cuối cùng đã “phồng” lên thành 40 triệu, đang trực tiếp qua các smartphone chứng kiến những đồng vốn (mà đôi khi họ phải vay mượn) và những lời lãi của họ đang bốc hơi.

Đảng-Nhà nước cầm quyền thì đang ra sức trấn an, đồng thời ngăn cấm bán cổ phần với mục tiêu nhằm vớt vát một vài đồng xu trong gia sản bị đánh mất, các đồng chí từng vui chơi chứng khoán thì đang phải bán tháo bán đổ nhà cửa ruộng vườn vốn trước đây đã bị cầm thế chỉ vì bị ảo ảnh là mong “sẽ giàu trước khi già”.

Trước cuộc khủng hoảng trong thời thiên niên kỷ 2000, phản ứng của tờ “Nhật báo Nhân Dân”, tiếng nói của Bộ Chính trị, có hơi hướm như thời thanh trừng của những thập niên 60. Nào là tin quyết định huy động lực lượng công an cảnh sát của Thứ trưởng an ninh Meng Qifeng để chống lại “các ngân hàng mờ ám, các quan chức có vấn đề, các hoạt động tài chính bất hợp pháp !!!”. Và sau đó nhà nước đã hớn hở thông báo rằng “66 ngân hàng chui bị đóng cửa, bắt giam 160 người và tịch thu 67 tỉ đô-la”.

Tuy nhiên đây là lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh phải đối đầu với một số lượng người mà Bắc Kinh không thể nào “ngăn sông cấm chợ” mọi tin tức, đó là một phần sáu nhân mạng trên thế giới vốn đang thấp thỏm lo âu sẽ trắng tay. Lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đang lo sợ một viễn tượng “cách mạng tư bản”.

Và đợi cho đến khi các thị trường chứng khoán ở Châu Á đóng cửa sau giờ làm việc, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã phải chấp nhận đánh cú mà một tay đại gia ở Quảng Đông đã nhận xét rằng đó là “bom nguyên tử cuối cùng của nhà nước để giải cứu tình hình”. Bởi vì sau “Black Monday”, tình hình thị trường chứng khoán lại rơi vào hoảng sợ. Thương Hải đóng cửa với chỉ số 2964,97, sụt khoảng 7,63%, tính ra là chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ Thượng Hải sụt trên dưới 16,12%. Rồi đến Thâm Quyến, sụt trên dưới 7,99% kể từ đầu tuần. Hồng Kông thì đỡ bết bát hơn.

Đối với các nhà tỉ phú Á Đông, những nhân vật mới trên sân khấu “vàng son tiền bạc” của thế giới, thì đây là một khúc quanh lịch sử trong đó sẽ có những mất mát “bất hoàn” và tình hình sẽ không còn như trước.

Wang Jianlin, đại gia giàu nhất Trung Quốc và là chủ tịch của tập đoàn kinh doanh khổng lồ Wanda Group, chỉ trong vài giờ đã bị đốt khỏang 6,1 tỉ đô-la, kỷ lục thế giới, và gia tài sản nghiệp của ông ta “chỉ còn” trên dưới khoảng 30 tỉ đô-la mà thôi. Đối với hạng thường dân lao động, các bà nội trợ (những hạng người mà giới tài chính gọi là “piccoli risparmiatori / investitori” – những con kiến nhẫn nhục tha lâu (để mong có ngày) đầy tổ), đã bị nhiễm trùng bởi con “vi khuẩn thị trường” đang thấy tất cả dành dụm mồ hôi nước mắt của họ đang bốc hơi … thì chỉ còn có mỗi một niềm an ủi duy nhất còn lại: chỉ trong vòng 3 tháng đổ lại cái đám “thượng đế” mà ngày nào còn được đám đông vừa sùng bái (bên ngoài) vừa oán ghét (bên trong) … đã mất khoảng 1/5 gia sản của chúng: 97 tỉ đô-la từ hôm thứ sáu tuần qua, chỉ nội ngày 24 (black Monday) chúng bị đốt 14 tỉ, tương đương 1/6 của toàn bộ vốn đầu tư.

Đối với các “chủ nhân ông” của cái thể chế cộng sản có “thị trường định hướng” thì những thất thoát trong mấy ngày nay là … quá sức. Toàn bộ lỗ hổng của thị trường chứng khoán không phải chỉ làm nổ có mỗi cái “bong bóng” đầu cơ bất động sản, mà nó đang đe doạ lôi xuống vực thẩm cả toàn bộ nền kinh tế … và thậm chí đến cả sự “ổn định chính trị”, điều này khiến Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã phải lấy một quyết định “chẳng đặng đừng”, đó là “cú đánh bom nguyên tử” như đã nói trên: giảm mức độ lãi xuất và giảm số lượng dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng. Thống đốc Ngân hàng trung ương Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan), vốn được xem thuộc “phe” chống lại Tập Cận Bình, đã phải hạ 0,5% mức lãi suất, tức là lãi suất hiện nay còn 4,6% cho các khoản nợ và 1,75% đối với tiết kiệm bỏ ngân hàng. Và kể từ ngày 06/09 các dự trữ bắt buộc của các ngân hàng và các cơ sở kinh doanh tài chính cũng sẽ giảm được 0,5%. Quy ra tiền, quyết định trên tương đương khoảng 23,4 tỉ đô-la mà nhà nước Trung Quốc đổ ra để “hạ hoả” cùng với 17 tỉ tín dụng kể từ đầu tháng giêng năm nay.

Vấn đề là cả người dân Trung Quốc lẫn các lãnh đạo kinh tế tài chính và chính phủ trên thế giới đang tự hỏi: các đồ đệ của Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping – cha đẻ của cuộc cách mạng kinh tế tài chính sang trang của Trung Quốc) đang “cỡi làn sóng khủng hoảng” … hay đã bị chính cuộc khủng hoảng kéo trôi ? … Hay nói bằng cách khác “Người cầm lái vĩ đại hậu hiện đại (Tập Cận Bình) vẫn còn trên lưng ngựa … hay đang bị chính vó ngựa dày xéo rồi ?

Các nước tư bản Tây Phương một sớm một chiều trở thành … “mồ côi”, mồ côi cái guồng máy tăng trưởng tăng tốc của Trung Quốc. Cái guồng máy mà trước đây đã cho phép hàng triệu người Trung Quốc tin rằng nghèo nàn, hy sinh, đói kém với một bát cơm hẩm mỗi ngày ... đã thực sự đi vào quá khứ một cách vĩnh viễn …

Điều làm rún động cả Trung Quóc là việc các tuyên bố tuyên truyền mấy hôm trước của Đảng đã bị quyết định của Ngân hàng trung ương  phủ nhận, một sự kiện “vô tiền khoáng hậu”, cứ như hiện hay có hai Trung Quốc đang âm thầm “cọ sát” nhau, chia rẽ nhau một cách “thê thảm” giữa phe “cộng sản hoài cổ” và phe “cải cách” vốn vẫn còn say mê một chủ nghĩa tư bản. Đối với phe thứ nhất thì (nền kinh tế Trung Quốc ) “… các nền móng cơ sở vẫn còn vững chãi và mức độ tiến triển vẫn ổn định, trên dưới 7%”. Nhưng Ngân hàng trung ương thì lại xác nhận ngược lại rằng “… vẫn còn có nhiều khả năng (khiến nền kinh tế) tiếp tục suy giảm” và nhất là “những biến động nhanh chóng của thị trường đòi hỏi cần phải có những biện pháp (công cụ) về chính sách tiền tệ linh hoạt hơn” và nhất là hiện nay “đang có sự thiếu hụt lượng tiền tệ giao dịch trên thị trường (liquidità)”

Xưa nay chưa bao giờ một cơ sở tài chính trung ương lại dám “tự mình” nhìn nhận một thực tế và chỉ trích thái độ bất động (bất lực) của giới lãnh đạo chính trị, và điều này lại càng cho người ta càng tin thêm vào những tin đồn gần đây về việc chính phủ đã nguỵ tạo những con số thống kê chính thức của nhà nước.

Phảng phất đâu đây mối đe doạ của một cú lộn mèo lịch sử có thể đưa Trung Quốc rời xa khỏi tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, trước mắt là đang ngăn chận Thượng Hải, Thâm Quyến và Hồng Kông ngóc đầu lên, như đã đang xẩy ra ở các thị trường chứng khoán Tây phương và những khu vực khác ở Thái Bình Dương.

Quả bong bóng vĩ đại của nhà nước Trung Quốc vốn được thổi phồng bằng triệu triệu khoảng “nợ-mini” tư nhân nằm ngoài vòng kiểm soát của chính phủ, cộng thêm sự thất bại không vớt vát được của mô hình “made in China”, đã đẻ ra một “tiềm năng” có thể hũy diệt không phải chỉ mỗi sự đồng thuận của xã hội mà hũy diệt luôn cả cái ảo tưởng lấy lại được tiền của những giới đầu tư tư nhân cứng đầu không chịu nhìn nhận sự thật.

Thế là giữa các đường phố của những khu nhà chọc trời, biểu tượng của 3 thập niên “hoàn kim rực rỡ”, những tay cựu cách mạng Mao-ít đang truy lùng các tay môi giới tài chính giống như nhân vật giả tưởng Gordon Gekko trong phim “Wall Street” (1987) và phim “Wall Street: đồng tiền không bao giờ đi ngủ” (2010), nhưng tệ hại hơn là các tay “Mao-ít” này đang nhắm vào cái “Nhà nước đã đưa đẩy nhân dân làm mồi cho thị trường !!!” bằng cách thay thế ý thức hệ bằng …. lợi nhuận.

Tờ Nhật báo Nhân Dân (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản TQ) đã bóng gió rằng “… đây là một cuộc khủng hoảng hoàn hảo được dàn dựng chỉ đạo từ bên ngoài nhằm chận đứng sự trỗi dậy của Trung Quốc và tấn công lãnh đạo nhà nước”. Diễn nôm ra là thẳng tay chỉ mặt lên án “Tây Âu có mối quan tâm chính trị đặc biệt để kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh”.

Trong một cuộc chiến tranh thời hậu hiện đại, súng ống có thể được thay thế bằng tiền tệ, coi như đó là vũ khí “tân thời” trong các cuộc “chạm súng”. Một viễn ảnh Châu Á với Trung Quốc là tâm điểm đang có khả năng đánh mất cơ hội ngàn năm, và những người dân Trung Quốc, vốn đang mất tiền bạc gia sản, lại đang lo sợ trong tương lai sẽ có những bước đột phá … không phải để cải cách cái này cái nọ …. mà để trở lại … một xã hội “cảnh sát trị” của một thời xưa.

Và một câu hỏi lớn, một lựa chọn cần thiết, của đám đông Trung Quốc, vốn đang thất vọng về “thị trường”, đang nỗi lên phản đối “thị trường”, dành cho đảng Cộng sản ở Bắc Kinh, dành cho thị trường chứng khoán ở Thượng Hải và Hồng Kông, dành cho các chính phủ Châu Âu và Bắc Mỹ: trước tình hình hiện nay tốt hơn là vẫn tiếp tục giữ một Tập Cận Bình “khó lường” … hoặc đám hoài cổ đối lập Tập Cận Bình ? Giữa các tay môi giới tài chính và đám đông thợ thuyền, ai là người sẽ làm tăng trưởng nền kinh tế ?

Trước mắt là  “sơ mi cà vạt áo vét” cùng với “váy đầm giày cao gót” tạm thời lùi vào bóng tối. Nhưng cái đám đồ xanh thợ thuyền vốn đang bao vây những “cung điện" của đám trộm cướp nhà nước chỉ biết cúi đầu trước thị trường cũng thừa biết là cuộc khủng hoảng rồi cũng sẽ đẩy cả họ vào …. bảo tàng viện mà thôi.

Roma, 27/08/2015