6 tháng 2, 2016

Dân cư mạng Trung Quốc bình chọn láng giềng



Hôm 18/01/2016 vừa qua tập san Limes (on line) đã đăng kết quả của một cuộc thăm do ý kiến của dân cư mạng Trung Quốc về vấn đề láng giềng.




Hồi tháng giêng vừa qua nhật báo Hoàn Cầu (Huanqiu) ở Trung Quốc đã làm một cuộc thăm do ý kiến với tựa đề “Bình chọn láng giềng” (Scegli i paesi vicini).

Đây là một cuộc thăm dò xuyên qua mạng internet và những người trả lời là dân cư mạng ở Trung Quốc (Chinese netizens). Kết quả của cuộc thăm dò đã đưa ra những kết quả đáng chú ý và để từ đó có thể triển khai một số nhận xét về địa chính trị trong khu vực. 

Theo ý kiến của dân cư mạng Trung Quốc thì người Trung Quốc rất muốn “đuổi đi xa” (allontanare) những quốc gia như Nhật, Việt Nam, Philippine và Bắc Hàn. Còn Thụy Điển là nước chiếm được nhiều “cảm tình”, trong khi người Trung Quốc có vẻ “không nóng không lạnh” (neutrale) với xứ Nga của Putin.


       Cuộc thăm do ý kiến bao gồm ba câu hỏi: 

  1. Bạn muốn các nước láng giềng phải như thế nào ?
  2. Giả sử như bạn là Đức Chúa Trời, bạn sẽ “đánh giá như thế nào” (organizzare – theo nghĩa chọn ai chê ai) các nước láng giềng (hiện nay) của Trung Quốc ?
  3. Giả sử như bạn là Đức Chúa Trời, bạn sẽ chọn những quốc gia nào (trên thế giới) để làm láng giềng của Trung Quốc ?

Con số người tham gia cuộc thăm do ý kiến nói trên là 200 ngàn người, và họ chỉ phải lựa chọn hàng loạt câu trả lời đã được đưa ra sẳn (kiểu lựa chọn như thi trắc nghiệm, chứ không phải kiểu tự mình đưa ra câu trả lời).

Về câu hỏi thứ nhất, phần đông của những người tham gia cuộc thăm dò (12.600 người) đã “trả lời” rằng họ muốn các nước làng giềng phải được “ổn định” (wending); thêm vào đó hơn 11 ngàn người cho rằng những nước láng giềng phải “hữu hảo với Trung Quốc” (amichevoli).

Về câu hỏi thứ hai, có khoảng 13 ngàn người xem Nhật là nước “cần phải đuổi đi xa” biên giới Trung Quốc (allontanare – nouzou). Cũng dễ hiểu, bởi vì quá khứ thù hằn lịch sử giữa Trung Quốc và Nhật và những tranh chấp chủ quyền của quần đảo Điếu Ngư (Senkaku/Diaoyu) trên vùng biển Nam Hải chắc chắn đã ảnh hưởng mạnh đến câu trả lời. Thậm chí hồi năm 2013 chính quyền Bắc Kinh đã tuyên bố “vùng phòng không định dạng” trên quần đảo này đã lấn áp lên vùng không phận của Nhật.

Trong danh sách các quốc gia cần phải được “lánh xa” còn có Philippe (hơn 11.670 bình chọn), Việt Nam (11.620), Bắc Hàn (Triều Tiên) (khoảng 11 ngàn), Ấn Độ (khoảng 10.400), Afghanistan (khoảng 8.500) và Indonesia (khoảng 8 ngàn).

Lý đo để người Trung Quốc bình chọn hai nước hàng đầu của danh sách nói trên là vấn đề tranh chấp vùng biển đảo ở Biển Nam Hải (hay Biển Đông theo cách nói của Việt Nam). Chính phủ Manila và Hà Nội là hai chính phủ cực lực phản đối chính sách xâm lấn biển đảo của Bắc Kinh vốn đòi chủ quyền đến 80% vùng biển của một khu vực giàu tài nguyên như dầu khí và cũng là một trong những điểm then chốt của các tuyến đường hàng hải dẫn đến Trung Quốc.

Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, Philippine, Mã Lai và Đài Loan tất cả đều đang xây dựng các đảo nhân tạo với mục đích quân sự ở trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nhưng Trung Quốc là quốc gia đang có các hoạt động này mạnh nhất so với các nước khác.

Trong thời gian gần đây Philippine đã thành công trong việc lôi những tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra trước Tòa án quốc tế ở Aia (Hòa Lan). Mặt khác Manila cũng đã cũng cố quan hệ với Mỹ qua quyết định cho phép Mỹ có 8 căn cứ quân sự ở Philippine. Quyết định này nằm trong những thỏa hiệp về an ninh song phương và gần đây Toà án tối cao của Philippine đã tuyên bố hợp hiến thỏa hiệp ấy.

Điều đáng chú ý là Bắc Hàn (Triều Tiên) cũng “được” liệt kê vào danh sách nói trên (thậm chí đứng trên cả Ấn Độ). Trong thời gian gần đây quan hệ giữa hai nước trở nên xấu và vừa rồi chính phủ Bắc Kinh cũng tỏ vẻ "bất bình" về chuyện Bắc Hàn tiếp tục cho thử bom hạt nhân, vì chuyện này sẽ làm cho khu vực càng thêm mất ổn định. Nhưng mặt khác Bắc Hàn vẫn còn giữ vai trò địa chiến lược quan trọng của Trung Quốc. Trước nhất là Bắc Hàn vẫn còn là “trái độn” nằm giữa Trung Quốc và Nam Hàn vốn là đồng minh của Mỹ. Bắc Kinh thì vẫn muốn Pyongyang chỉ có thể đe dọa (Mỹ và đồng minh) nhưng không có khả năng thực hiện những đe dọa đó, điều này cho phép Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì được hiện trạng. Nhưng bây giờ xuyên qua cuộc thăm do ý kiến nói trên thì người ta mới khám phá ra rằng những người dân Trung Quốc (khác với lãnh đạo Trung Quốc) có cái nhìn ngày càng thêm tồi tệ đối với đồng minh Bắc Hàn bởi tính chất “không ổn định” của Pyongyang.

Còn đối với Ấn Độ thì thái độ kình chống của Trung Quốc cũng khá dễ hiểu bởi vì vị trí quá kề cận (sông liền sông núi liền núi), và nhất là vì những tham vọng khu vực mà cả hai nước đều có, song song đó cả hai nước thỉnh thoảng vẫn còn có những căng thẳng biên giới trên vùng Hy Mã Lạp Sơn.

 Bản đồ các quốc gia mà Trung Quốc muốn "đuổi đi xa"

Còn đối với Pakistan thì cũng chẳng có gì khó hiểu khi đa số người Trung Quốc cho quốc gia này vào hàng đầu của danh sách các nước “có thể tiếp tục ở lại vị trí láng giềng” (liuxia), lý do là Trung Quốc xem Islamabad là đồng minh trong sách lược chống lại Delhi (Ấn Độ).

Nga, đối tác hàng đầu của Trung Quốc trong chiến lược chống Mỹ, chỉ đứng hàng thứ mười một trong danh sách các nước “có thể tiếp tục ở lại vị trí láng giềng” vừa nói trên. Chẳng qua bởi vì nói cho cùng Nga cũng vẫn còn bị xem như là đối thủ chiến lược của Trung Quốc.
 
Còn riêng đối với Afghanistan thì cuộc thăm do ý kiến đưa kết quả tiêu cực phần nào cũng do tình trạng bất ổn chính trị và cũng bởi quốc gia này vẫn nằm trong “sổ đen” của các tổ chức khủng bố vốn vẫn có hiện diện trên lãnh thổ của Pakistan.

Các chuyên gia phân tích kết quả của cuộc trưng cầu dân ý thì cho rằng thái độ kình chống lại Indonesia là phần nào do những chính sách phân biệt đối xử và bạo lực mà người dân Trung Quốc phải hứng chịu ở Indonesia trong quá khứ.

Ngược lại có 9 nước mà người dân Trung Quốc muốn “trám” vào những chổ của những quốc gia láng giềng hiện nay mà Trung Quốc muốn “đuổi đi xa”: Thụy Điển (9 ngàn phiếu bình chọn), Tân Tây Lan, Đức, Maldive, Singapore, Na Uy và Thái Lan. Phần lớn là vì các quốc gia này cho phép có một cuộc sống kinh tế tốt và có quan hệ ngoại giao tốt với Bắc Kinh.

Điều đáng chú ý là Đài Loan không được liệt kê vào danh sách các quốc gia bình chọn bởi vì Bắc Kinh vẫn xem Đài Loan như là một đơn vị hành chánh thuộc về nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Bản đồ những quốc gia mà Trung Quốc muốn "trám" vào những chỗ láng giềng


Nhìn chung kết quả của cuộc thăm do ý kiến cho thấy là các quyết định bình chọn của dân cư mạng Trung Quốc không chỉ dựa trên mức độ ổn định của các quốc gia láng giềng, mà cũng tùy thuộc rất nhiều vào quan hệ địa chính trị của các quốc gia này đối với Trung Quốc.


Roma, 06/02/2016