13 tháng 3, 2016

Ngã ba đường của Angela: từ mẫu hay kế mẫu.



Nguyên tác bài này có tên “IL BIVIO DI ANGELA MAMMA O MATRIGNA” của ký giả lão thành Bernardo Valli (*) đăng trên nhật báo “la Repubbica” ngày 12/03/2016 - http://ricerca.repubblica.it/repubblica/archivio/repubblica/2016/03/12/il-bivio-di-angela-mamma-o-matrigna32.html?ref=search

Ở đời cũng lắm trớ trêu: thay vì phải nhìn vào sự bất tài vô tướng của các chính phủ Châu Âu trong việc đối phó với hàng loạt vấn đề khẩn cấp đang có khuynh hướng làm thay đổi những nét đặc thù của xã hội, thì thiên hạ lại quay sang chỉ trích những quyết định chính trị mang tính luân lý đạo đức của Angela Merkel (chú thích: quyết định mở cửa biên giới đón tiếp những thuyền nhân tị nạn từ cuộc chiến ở Siria). Ngài Thủ tướng Pháp, Manuel Valls, thì “lịch sự” hơn khi ở Munich ông ta đánh giá quyết định của bà Merkel mở cửa biên giới để đón nhận hàng triệu người tị nạn đến từ Trung Đông là … “ngây thơ khờ khạo”. Và những chỉ trích như thế cũng đã tuôn ra từ cửa miệng của Thủ tướng Hung Orban, người đầu tiên đã ra lệnh cho quân đội dùng hàng rào dây thép gai để “bảo vệ lãnh thổ”, và trên thực tế đã trở thành người đi tiên phong trong việc “ngăn sông cấm chợ” mà một số chính phủ khác ở Châu Âu cũng đã rục rịch làm theo. Nhưng điểm đáng chú ý là ngài Manuel  Valls này lại là người của đảng tả Xã Hội và cũng đã có thời lên tiếng chỉ trích lãnh đạo dân chủ thiên chúa giáo của một đảng trung hữu vốn vừa trung dung vừa bảo thủ về thái độ “yếu ớt” trước làn sóng người tị nạn đến từ những cuộc chiến tranh ở Siria và ở Iraq xin tị nạn ở Châu Âu.
Trước làn sóng thuyền nhân ồ ạt đang trở thành một cuộc khủng hoảng làm “run động” cả Châu Âu thì bà Thủ tướng Đức đã phản ứng theo đúng tinh thần của người con của một mục sư Tin Lành, một người đàn bà đã sinh ra và lớn lên ở phía Đông Đức cộng sản, nơi mà bà ta đã biết thế nào là hàng rào dây thép gai và đã từng phải chịu sự cấm đoán không được đi qua bên kia “bức tường”. Nói chung bà ta đã từng nếm mùi thế nào là tị nạn. Quyết định nhạy cảm của bà Merkel đã dấy lên một sự ngưỡng mộ nhưng cùng lúc cũng gây nên những phẩn nộ (trong công luận Đức). Vấn đề là theo thời gian xem ra thái độ phẩn nộ đang lấn áp sự ngưỡng mộ.
Hồi mùa hè năm ngoái (2015) khi Angela Merkel quyết định mở cửa biên giới thì hầu như các chính phủ Châu Âu đã bỏ bà ta “đơn thân độc mã”. Theo nhận xét của tay triết học Pháp Etiene Balibar thì ngay khi bà Merkel đơn phương lấy quyết định tạm ngưng áp dụng các điều luật ghi trong thỏa hiệp Dublino (thỏa hiệp về việc xin tị nạn theo đó chính phủ của những quốc gia nơi thuyền nhân cập bến phải có trách nhiệm xét đơn xin tị nạn, điều này trên thực tế có nghĩa là thuyền nhân không được rời khỏi lãnh thổ của quốc gia nơi họ cập bến, và trên thực tế cũng có nghĩa là dồn hết mọi trách nhiệm quản lý thuyền nhân lên các quốc gia ven vùng biển Địa Trung Hải như Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha trong khi các quốc gia Trung Âu và Bắc Âu có thể “yên tâm” phủi tay) để Đức có thể tự do đón nhận những người tị nạn thì tất cả các chính phủ Châu Âu phải chọn lựa hoặc “sát cánh” với Merkel và huy động cả UE (có nghĩa là huy động trên dưới 500 triệu dân của một trong những khu vực giàu có nhất trên thế giới), hoặc đứng ra chống phá lại ý tưởng của Merkel. Sau một thời gian ngập ngừng mỡ chẳng ra mỡ thịt chẳng ra thịt một số quốc gia đã tuyên bố ủng hộ quyết định nói trên nhưng trên thực tế họ đã có những động thái chống phá, đôi khi những chống phá đó chỉ cần được thể hiện qua thái độ “án binh bất động”, trong khi một số chímh phủ khác thì thẳng thừng tuyên bố từ chối tham gia quyết định nhân đạo nói trên.
Người ta có thể cho rằng việc chạy theo những giá trị đạo đức nhân bản thay vì phải thực tế bám sát các trách nhiệm (chính trị) của chính phủ là một hành động ngây thơ không tưởng. Nhưng trong cuộc khủng hoảng về thuyền nhân tị nạn hôm nay thì các giá trị đạo đức nhân bản và các trách nhiệm của chính phủ cũng lẫn lộn với nhau, không dễ gì tách rời nó như phân biệt trắng với đen. Bởi vì đứng ra giải quyết một cách nhân đạo cuộc khủng hoảng thuyền nhân tị nạn cũng có nghĩa là đáp ứng lại các giá trị cơ bản của những người đã sáng lập ra Liên Hiệp Châu Âu. Và điều này có nghĩa là chấp nhận nhận lãnh các trách nhiệm chính trị của chính phủ, và cần phải được các chính phủ Châu Âu cùng chung nhau nhận lấy.
Người ta còn nhớ trong những năm tháng trước đây hình ảnh của Angela Merkel được tô vẽ một cách khác. Ở Atene (Hy Lạp), cũng như ở một số thủ đô khác ở Châu Âu, Merkel thường được vẽ châm biếm với hàng ria mép của Hitler hay đội nón đồng của thời đế chế Bismarck. Lúc ấy bà ta đang hô hào chính sách thắt lưng buộc bụng. Và bị công luận ghét bỏ, lên án một cách nặng nề không thương tiếc. Các chính sách khắc khe được khởi xướng từ một nước Đức được cai trị bởi một “mụ đàn bà” trong vai trò kế mẫu (dì ghẻ) đã khiến bao nhiều người dân Hy Lạp phải lâm vào cảnh màn trời chiếu đất và thậm chí còn có khuynh hướng xẻ đôi khối đồng Euro ra làm hai: một bên là các quốc gia “dài lưng tốn vãi” chung quanh bờ biển Địa Trung Hải (khối Nam Châu Âu), bên kia là các quốc gia xứng đáng được sử dụng đồng tiền Euro vốn thoát thai từ đồng Marc của Đức (khối Bắc Âu).

Một trong những biếm họa về Angela Merkel (ảnh từ Dagospia.com)


Giữa cái cơ chế chính trị Châu Âu vốn đang bị ít nhiều khủng hoảng, nay lại bị chia rẽ và hoàn toàn không có khả năng đối phó thảm kịch nhân đạo của những thuyền nhân đang ồ ạt đổ lên lục địa giàu có này, người ta có thể ít nhiều nhận dạng ra một Angela Merkel khác: một bà thủ tướng vô lương xảo quyệt, bậc thầy của trường phái đạo đức giả. Và quá trình “hạ bệ” Merkel cũng xảy ra khá nhanh chóng, và cũng mang hơi hướm như một sự “trả thù” của những ai vốn ích kỷ khi Merkel quyết định mở cửa biên giới vì lý do nhân đạo. Sau những năm dài dùng “bàn tay sắt” để khép Châu Âu vào các luật lệ khắt khe, sau những tháng đã cho phép hằng hà sa số người tị nạn tràn ngập “các nẻo đường” của người dân Châu Âu, bây giờ bà Merkel lại đang tìm cách phó thác cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ công tác ngăn chận làn sóng thuyền nhân đổ vào Châu Âu xuyên qua một cuộc “đàm phán” lạnh lùng với một chính phủ Hồi giáo – bảo thủ của Erdogan vốn bị tai tiếng khá nhiều về các hành động vi phạm dân chủ: có nghĩa là người Châu Âu sẽ không còn phải nghe tiếng than khóc cho những đứa trẻ bị chết đuối trên eo biển Egeo (giữa Thổ và Hy Lạp) hay trên biển Địa Trung Hải.
Theo dự kiến Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được giao trọng trách làm “hàng rào bảo vệ” Châu Âu với cái giá (giá hiện thời) là 6 tỉ Euro và những lời hứa hẹn sẽ nhanh chóng cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập vào UE. Bị các chính phủ “đồng minh” Châu Âu bỏ rơi, Angela Merkel đang phải đối đầu đi tìm giải pháp hội nhập cho khoảng một triệu người tị nạn đang có mặt trên lãnh thổ Đức và đồng thời phải tìm cách để “hạ hỏa” những sự phản khán của công luận trong nước ngày một gia tăng, nhất là ngày chú nhật 13/03 sẽ có bầu cử hàng vùng (land) ở Đức nhưng lại có giá trị như là một cuộc thử nghiệm chính trị đối với phe đa số của chính phủ nói chung và đối với cá nhân Angela Merkel nói riêng (theo tin báo chí chiều nay 13/03 thì hai đảng CDU và SPD trong đa số chính phủ đã bị mất phiếu khá bộn và các lực lượng hữu khuynh bài ngoại đã chiếm được nhiều phiếu và hình như lực lượng nào cũng có hơn số phần trăm phiếu tối thiểu để vào hội đồng hàng vùng).
Tình hình đã “xoay chiều đổi hướng”: những ai đã chỉ trích Merkel về các hành động nhân đạo (ngây thơ) thì bây giờ cũng chính với chiêu bài nhân đạo đó họ lại lên án Merkel đang tìm cách “bán rẽ” Châu Âu cho “thằng Thổ” Erdogan, vốn là tay chính trị cầm quyền đang vi phạm tất cả các quyền tự do báo chí, đã ra tay thảm sát sắc dân Kurd và hiện giờ đang nhắm đến mục tiêu vào được UE. Thực ra thì các cuộc “đàm phán” với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn đang trong vòng đàm phán, chưa có gì gọi là ngã ngũ, nhưng đạo diễn chính của màn kịch này (âm thầm) vẫn là Angela Merkel. Cũng chẳng cần phải hội kiến chi với Paris, một đầu mối khác trong “trục” franco-tedesco vốn hiện nay trong bối cảnh này chẳng có mấy ý nghĩa.
Kết luận là dù các bi kịch của Châu Âu vẫn còn lâu mới đi đến hồi kết cuộc, nhưng từ đầu đến cuối, trong mỗi màn kịch (từ kinh tế đến nhân đạo, từ chính trị đến ngoại giao ….) đạo diễn vẫn chính là … bà ta. Đánh giá Merkel như thế nào ? Quá nghiêm khắt ? Quá tình cảm ? Quá vô lương ? Quá tính toán ? Dù muốn dù không, nếu ở Châu Âu vẫn chưa có một chính trị gia nào có đủ trọng lượng để trở thành đối tác của Merkel trên sân khấu …. Thì bà ta vẫn sẽ phải một mình thủ hết tất cả các vai trong các bi kịch của Châu Âu.

Roma, 13/03/2016.
chuyển ngữ

Chú thích:
(*) Bernardo Valli là một trong những phóng viên kỳ cựu của Ý về các vấn đề quốc tế. 85 tuổi, ông là bậc thầy của các phóng viên chiến trường Ý nỗi tiếng ở Việt Nam như Tiziano Terzani, Oriana Fallaci, vì từ đầu những thập niên 70 Bernardo Valli đã có mặt ở miền Nam Việt Nam trong vai trò phóng viên chiến trường cho nhật báo “Corriere della Sera” để theo dõi cuộc chiến ở Việt Nam, có mặt ở Trung Quốc để theo dõi các biến chuyển chính trị dưới thời Mao, ở Campuchia để theo dõi những diễn biến phức tạp từ thời Lon Nol cho đến khi Khmer đỏ lên cầm quyền. Hiện nay ông chuyên về các vấn đề quốc tế trong địa bàn Châu Âu.