29 tháng 6, 2016

Thảm sát hôm qua… thảm sát hôm nay ….



Trong thời gian gần đây trong nước dấy lên cả một “cao trào” bàn về trường hợp của Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey được phía Mỹ đề nghị giữ chức Chủ tịch Đại Học Fulbright ở Việt Nam. Ông Bob Kerrey này trong quá khứ đã từng tham chiến ở Việt Nam, và theo tin báo chí thì chính ông là người chịu trách nhiệm về vụ sát hại 20 người dân Việt Nam vô tội ở Thạnh Phong (Bến Tre).

Nhiều thành phần quan lại nhà nước xuất hiện, nhiều trí thức thực sự cũng như trí thức lưỡi gổ cũng lên tiếng bàn thảo sôi nổi. Nhiều khi người ta có cảm giác là cả đất nước bây giờ như mành treo sợi tóc …. chỉ vì cái quyết định “bất cập” của Đại học Fulbright.
Người khen (hay ít ra là “cởi mở) với quyết định của …. cũng có. Người phê phán chỉ trích, thậm chí lên án quyết định trên cũng không thiếu…
Dĩ nhiên phần lớn những người phê phán là những người đã từng “theo kháng chiến chống Mỹ”, đã từng chấp nhận hiểm nguy để cuộc chiến đấu thành công, và cũng đã từng nói đến “hóa giải”: hóa giải trong nước cũng như với cựu thù Mỹ, hướng tới tương lai, bỏ qua quá khứ (sic!!!)
Có một điều đáng chú ý là cuộc tranh cãi chỉ diễn ra ở giới “thượng tầng xã hội”: các quan chức nhà nước (có người đã về hưu), các trí thức đủ cở đủ kiểu …. nhưng đặc biệt là khi có dịp hỏi chính người dân (cái thằng dân mà ông bà, bố mẹ, anh em của nó ngày xưa là nạn nhân của các cuộc thảm sát do quân đội Mỹ gây ra), cái thằng dân mà bây giờ chỉ biết cắm cúi lao động, nhẫn nhục chịu hết những bất cập này đến bất cập khác trong xã hội “độc lập, tự do và hạnh phúc”… thì lại không nghe chê bai hay ủng hộ gì cả. Có lẽ đối với những thành phần thấp hèn nhất trong xã hội Việt Nam hiện nay … nhưng chuyện thảm sát của Mỹ thời chiến tranh …. so ra cũng chưa ác bằng những “thảm sát trá hình” của ngày hôm nay do chính cái cơ chế của nhà nước Viêt Nam tạo ra mỗi ngày.
Trong bài này tôi không vào nội dung khen/chê của bất cứ một ý kiến nào cả. Người tranh luận đã nhiều, có thêm tôi vào hay không … thì cũng chẳng thay đổi được gì.

Tôi chỉ xin đưa ra một vài nhận xét bên lề của cuộc tranh cãi.

a)    Dù chiến tranh đã kết thúc hơn 4 thập niên, và hiện nay quan hệ của Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa trở lại, và thậm chí quan hệ Mỹ-Việt đang được công luận quần chúng trong nước vỗ tay tán thưởng (với nhiều hy vọng/ảo vọng?) gấp cả ngàn lần với quan hệ “môi hở răng lạnh” Trung-Việt. Hình như người Mỹ họ đã chấp nhận (nhìn nhận) những sai lầm của họ, những tính toán thiển cận, và coi như những vết sẹo trên da thịt là thuộc về quá khứ. Rất đông bộ phận trong giới chính trị (kể luôn cả những nhân vật đã từng chiến đấu hay thậm chí gây ra “tội ác chiến tranh”) hay các giới trí thức, cũng đã và đang tích cực vung trồng quan hệ Mỹ-Việt ở nhiều cấp bật, nhiều hình thức. Không biết dùng từ vựng “sám hối” hay “ăn năn chuộc tội” ở đấy có đúng với phía Mỹ hay không. Nhưng điều chắc chắn là người Mỹ xã hội Mỹ đang trên đường “hóa giải” cái ám ảnh chiến tranh Việt Nam của họ. Trong khi đó, phần lớn xã hội Việt Nam (chắc phải nói là nhà nước Việt Nam thì đúng hơn, vì đa số người dân bình thường ở Việt Nam hiện nay vẫn tỏ vẻ “khoái Mỹ” không thua gì thời miền Nam trước đây, chắc chắn là khoái Mỹ hơn là mấy anh Trung Quốc – điều này nó rõ như hai với hai là bốn) thì lại có thái độ “ởm ờ” kiểu nửa vời: khi cần phải núp sau lưng Mỹ để tránh đạn của Trung Quốc thì quan chức Việt Nam không ngớt lời ca tụng … cường quốc Mỹ và nhấn mạnh đến quan hệ hữu hảo giữa hai nước …. Nhưng khi đụng đến cái gì có dính líu đến quá khứ chiến tranh …. thì cứ như 4 thập niên vừa qua  chỉ là … nước đỗ đầu vịt: ta vẫn là ta, địch vẫn là địch. Chiến đấu oai hùng vẫn là ta, sát nhân chống thường dân vô tội vẫn là … “nó”…  Cái tư tưởng này có thời rất “thịnh hành”, người ta gọi là “chính sách lý lịch”: đã là “ngụy quân ngụy quyền”, dù chỉ là cảnh sát tép riu đứng coi giao thông ở các ngã tư, thì cái “lý lịch” của anh nó sẽ không bao giờ cho anh ngốc đầu lên nỗi, dù rằng anh là một nhà khoa học giỏi, một chuyên viên tài năng …. Nhưng nhà nước không chọn người theo “chuyên” mà cần “hồng” để bảo đảm sự sống còn của chế độ cách mạng (thời mới giải phóng) và quyền lực của đảng (thời đổi mới sau này trở đi). Chính cái chính sách lý lịch phi lý đó (dù rằng đảng vẫn ra rả cái khẩu hiệu “hòa giải hòa hợp”) đã làm thui chột hàng triệu người có khả năng để vận hành xã hội và đóng góp trong quá trình xây dựng đất nước sau chiến tranh, nhưng tệ hơn nữa là nó làm cho tình hình kinh tế xã hội của đất nước điêu đứng trong mấy thập niên… Và rồi cũng chỉ có người dân Việt Nam là phải trả giá.

b)    Nhưng chưa đủ, mấy quan chức nhà nước và đảng còn có khuynh hướng muốn áp dụng chính sách lý lịch với cả cựu quân nhân Mỹ, bất cần xem những người đó có những khả năng chuyên môn nào, bất cần xem hiện nay vị trí chính trị xã hội của những người đó đang đóng góp tích cực vào việc phát triển quan hệ song phương Mỹ Việt ra sao, bất cần xem những người đó đã có những hành động gì sau “cơn mê” để chính họ hóa giải, trước nhất là ngay với lương tâm của họ, và sau đó là với một dân tộc cựu thù địch …. Nói như thế để cho thấy trường hợp của Bob Kerrey , chỉ vì “lý lịch” của ông ta có sự kiện Thạnh Phong. Chứ còn giá như thay ông bằng một người Mỹ nào khác, may mắn không phải đi lính sang Việt Nam, may mắn trốn được qua Canada để tránh đi quân dịch sang Việt Nam …. Và dù rằng ông này cũng chẳng có chuyên môn bao nhiêu, chưa chắc có thiện chí xây dựng quan hệ Mỹ-Việt cao hơn thiện chí của Bob Kerrey. Nhưng OK, vì không có vấn đề lý lịch. Tức là quan chức nhà nước và đảng vẫn xem “lý lịch” là điều kiện tiên quyết để có thái độ với một đối tác Mỹ. Nhiều khi nghĩ quẩn: giả như gặp một tay Mỹ gangster chuyên buôn lậu, cướp bóc và buôn ma túy trong suốt thời gian có chiến tranh ở Việt Nam … Bây giờ hắn trở thành nhân vật chính trị hay hàn lâm gì đó nặng ký …. OK, vì lý lịch “cực sạch” (không hề bắn một viên đạn nào ở Việt Nam, nói chi đến thảm sát?).

c)    Ở trên thế giới, rất tiếc là chuyện lính viễn chinh thảm sát dân thường cũng không phải là điều hiếm. Không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam, nó đã xảy ra ở Trung Quốc khi lính Nhật sang chiến đóng Trung Quốc. Nói chi đâu xa, ngay ở Ý, thời bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, cũng đã xẩy ra biết bao nhiêu vụ thảm thường dân: thí dụ như thảm sát ở Marzabotto (thuộc Bologna) từ 29/09 đến 05/10/1944 khiến 955 thường dân thiệt mạng. Nói như thế không có nghĩa là quan niệm rằng … đâu cũng thế để quên lịch sử với những đau thương của nó. Nhưng hiện nay, ở vào thiên niên kỷ 2000, con số người dân Việt Nam bị nguy cơ mất an toàn thực phẩm, môi trường đầy độc tố, cả sông lẫn biển đâu đâu cũng có cá chết nỗi lình bình khắp nơi vì môi trường sông và biển bị ô nhiểm trầm trọng. Có người trong nước ví von rằng: không ăn thì cũng chết, mà ăn thì cũng chết !!! Hình như có một quan chức nào trong bộ y tế có đưa ra “giả thuyết” là chỉ trong vòng một thập niên sắp tới … các chứng bệnh ung bứu (ung thư) sẽ trở thành đại dịch ở Việt Nam. Hy vọng quan chức đó “quá lời”. Nhưng có một điều là nếu môi trường ngày càng tồi tệ, thực phẩm ngày càng mất an toàn …. thì ai cũng biết là một mặt do chính các cơ sở xây dựng kinh tế của Trung Quốc vận hành mà không hề ngó ngàng gì đến các tiêu chuẩn về nước thải về môi trường. Ai cũng biết thực phẩm bày bán la liệt ở Việt Nam cực bóng, cực đẹp, cực to … là nhờ vào các thứ “bột màu nhiệm” được Trung Quốc đem vào thị trường Việt Nam. Các quan chức nhà nước, đảng, quốc hội đều biết rõ, bằng chứng là các vị này, vị nào cũng có trồng rau cải để ăn riêng trên sân thượng, vì bố bảo các vị cũng chẳng dám ra chợ mua rau, nhưng rồi các vị cũng chỉ loay hoay ở “điều tra”, “nghiên cứu”, hay mĩa mai hơn là “lắng nghe ý kiến của …. dân”. Một nhà nước, từ cấp bộ trưởng đến thứ trưởng, cục trưởng, đến các quan chức địa phương … vẫn cứ nhắm mắt để mỗi năm có hàng trăm ngàn người dân bị đầu độc, nhà thương ung bứu bị quá tải, thậm chí một số nhà nghiên cứu còn đưa ra nhận xét là sau hơn 4 thập niên hết chiến tranh, người Việt Nam gầy gò  còm cỏi hơn thời chiến, sức khỏe yếu kém hơn … tất cả chỉ vì họ bị “ngộ độc” mỗi ngày. Mỗi năm có đến cả trăm ngàn người dân mất mạng vì an toàn thực phẩm, vì môi trường nhiễm độc ….  Và nhà nước Việt Nam, các cơ quan hữu trách từ quan thuế đên y tế, vẫn tiếp tục “không thấy gì cả”. Chính các cán bộ quan chức từ cấp thủ tướng cho đến thứ trưởng, cục trưởng đang ra tay “thảm sát” ngay dân của mình (trong thời bình) …. Có điểu là nếu ngồi so sánh số nạn nhân của các cuộc thảm sát do lính Mỹ gây ra với số nạn nhân (hằng ngày) do các cuộc thảm sát trá hình hiện nay ở Việt Nam …. thì thực tình mà nói …. Tội của lính Mỹ cũng còn quá nhẹ. Nhưng điều càng tệ hại hơn nữa là ít ra những cuộc thảm sát của lính Mỹ đã bị công luận khắp nơi trên thế giới lên án, và thậm chí chính tòa án của Mỹ cũng đã tuyên án kết tội những lính Mỹ nói trên (như vụ Mỹ Lai). Người ta còn nhớ vụ chất độc da cam. Tới giờ phút này vẫn còn có những tố tụng tranh cãi về vấn đề da cam, và phía Việt Nam vẫn tiếp tục đòi bồi thường chiến tranh vì chất độc da cam. Trong khi đó, chưa hề có một cơ quan nào của chính phủ Việt Nam, một tổ chức nhân đạo trên thế giới, một cơ quan báo chí trong cũng như ngoài nước tố cáo những cuộc thảm sát trá hình hiện nay của nhà cầm quyền Việt Nam: hàng triệu người dân Việt Nam đã và sẽ lâm bệnh và chết chỉ vì bị ngộ độc thực phẩm, vì môi trường ô nhiễm, vì nguồn nước bị độc tố, sông biển sẽ đầy các thứ hóa trị độc hại, và cả nhà nước Việt Nam, từ Chủ tịch đến Thủ tướng, từ Quốc hội đến đảng đều thừa biết nguyên nhân ở đâu, và những ai là người có trách nhiệm trước những cuộc thảm sát trá hình này …. Nhưng chẳng ai dám/muốn mở miệng. Lý do thì ai cũng biết. Thôi thì nhà nước Việt Nam quay lại tiếp tục “tra tấn” những cựu quân nhân Mỹ, đêm họ lên giàn hỏa thiêu vì những tội lỗi thảm sát trong quá khứ thời chiến tranh… và như thế cũng để che dấu những trách nhiệm của chính nhà nước Việt Nam trong quá trình thảm sát trá hình chính nhân dân của mình ngay trong thời bình.

d)    Ở Ý có câu thành ngữ “vedi la pagliuzza degli altri ma non la trave nell’occhio tuo”: có nghĩa là “cọng rơm trong mắt thiên hạ cũng thấy, nhưng lại không thấy cả một cây xà ngang ngay trong mắt mình”, có nghĩa là tội lỗi thiên hạ, dù nhỏ cách mấy ta vẫn mò ra được …. Còn tội lỗi tày trời của ta … thì chẳng bao giờ ta chịu nhìn nhận.

Đấy, cái trớ triêu điêu ngoa của các quan chức, các trí thức lưỡi gỗ trong nước hiện nay là như thế, chỉ biết ngồi bới móc lý lịch xa xưa của người khác …. Trong khi tội lỗi tày trời của nhà nước Việt Nam hôm nay thì chẳng một ai thấy được. Chỉ có người dân mới thấy. Nhưng người dân thấy mà không được nói… bằng không sẽ bị chụp mũ là “chống phá nhà nước” !!!

Roma, 29/06/2016

18 tháng 6, 2016

Thử lửa cho đảng PD của Renzi.



Nguyên tác bài này có tên "Un test per il PD di Renzi" của Mario Calabresi, chủ biên tập của nhật báo "la Repubblica" đăng ngày 18/06/2016.
 



Cần phải xem cuộc bỏ phiếu ngày mai không phải là một sự kiện bầu cử địa phương (tỉnh, thành), vì kết quả bầu cử của nó chắc chắn sẽ tạo ra những ảnh hưởng trên sân khấu chính trị toàn nước Ý, nó có thể cho thấy là đa số cử tri muốn “đoạn tuyệt” với quá khứ và có thể dẫn đến một khả năng làm tan rã hệ thống chính trị hiện nay.
Cần phải đánh giá cẩn thận kết quả bầu cử lần này; bởi vì có đến bốn thành phố lớn của nước Ý đi bầu cử, và như thế nó vượt qua giá trị của một cuộc bầu bán địa phương, và thể hiện một cách rõ ràng cái gọi là “tâm tư” của đại bộ phận cử tri.
Trước hết nó là một cuộc thử lửa của quá trình đổi mới hiện nay: Renzi, vốn “xuất thân” là một nhân vật muốn đổi mới sân khấu chính trị xuyên qua quá trình “đổi mới nhân sự trong đảng PD” (tiếng thời thượng ở Ý là “rottamatore”), hiện nay có còn được xem như là một yếu tố đổi mới nữa hay không? Hoặc chính sự mong muốn “đoạn tuyệt” với quá khứ mạnh đến nỗi ngay chính Renzi cũng đã bị đồng hóa thành một bộ phận của giai cấp chính trị cần phải “rottamare” ?
Những chia rẽ trước những đề luật thay đổi hiến pháp (trưng cầu dân ý về những đề luật này sẽ được tổ chức vào tháng 10 sắp tới), và những cải cách về thị trường lao động sẽ khiến cử tri cánh tả “tháo chạy” nhiều hơn là số cử tri trung dung hay bảo thủ xích gần lại đảng PD ?
Rồi ở Milano và Torino số cử tri trung dung sẽ sẳn sàng bỏ phiếu cho đảng PD trong lần này ?
Những đối thủ chính trị nội bộ cũng như từ bên ngoài chống lại Renzi và chống chính phủ sẽ có đủ khả năng ngồi chung với nhau và đủ sức thuyết phục được đại bộ phận cử tri rằng Renzi không còn là “giải pháp” mà đã trở thành “vấn đề” cho nước Ý ?
Dù kết quả bầu cử ngày mai ra sao đi nữa thì đảng PD và Renzi, vừa là thủ tướng vừa là Tổng bí thư đảng PD, cần phải nỗ lực tìm cách, nếu có thể, hàn gắn lại những chia rẽ trong nội bộ đảng và xích gần lại quần chúng (cử tri).
Trong cuộc bầu cử ngày mai, thách thức quan trọng nhất, và dễ nhận thấy nhất, là sự đọ sức với phong trào 5 sao ở Roma và Torino.
Nhưng thực ra chính ở Milano là mới là nơi thử nghiệm cho phép đánh giá được tình trạng “sức khỏe chính trị” của đảng PD, và của phe đa số chính phủ hiện nay (maggioranza), đánh giá được quyết định chính trị của đảng PD nhằm “triệt hạ” những tường thành truyền thống của cánh tả (giới lao động thợ thuyền) để biến thành điểm hội tụ của tất cả cử tri thuộc mọi thành phần trong xã hội. Ở Milano Renzi đã quyết định “đặt cược” vào tầng lớp trung dung, vào giới tư sản và xem đó như là động cơ thúc đẩy “đổi mới” (của đảng PD). Có thể đặt những thành phần xã hội vừa nói ngồi chung với những cử tri truyền thống xưa nay của cánh tả hay không ? Kết quả phiếu dành cho ứng sử viên Beppe Sala sẽ cho ta đáp án vào tối mai.
Nhưng bây giờ thì quay trở lại Roma. Ở thủ đô những bất cập, những sai trái trong đường lối, những thái độ “bỏ thì thương vươn thì tội” của đảng PD trong suốt năm vừa qua đã làm thất vọng (và tháo chạy) một số lượng cử tri khổng lồ. Không ai phủ nhận sự yếu kém của Ignazio Marino, cũng như những xì-căn-đan không đáng có, cũng như sự thiếu kinh nghiệm quản trị thủ đô của Marino, nhưng cả một chiến dịch truyền thông được dấy lên để chống lại Marino và quyết định giải nhiệm hắn một cách “bạo lực”, và như thế đảng PD cũng đã gián tiếp phủ nhận giá trị của những cuộc bầu cử sơ bộ (primarie) của đảng, và nhất là quên rằng dù muốn dù không thì Ignazio Marino cũng đã hiện thân cho một “hiệp sĩ cô độc” chống lại xì-căn-đan Mafia Capitale, đã dấy lên một sự phản kháng từ chối trong cử tri cánh tả đến độ đẩy những cử tri này vào vòng tay của phong trào 5 sao hoặc ít ra khiến họ quyết định không tham gia bầu cử nữa.
Nhưng trong lần bầu cử này còn có một đặc điểm đáng chú ý nữa: nhìn vào ai cũng thấy là chiến dịch tranh cử của ứng cử viên 5 sao ở Roma, Virginia Raggi, rất ... khiêm nhường (thường thì chỉ hô hào chung chung mấy cái khẩu hiệu chống lại giai cấp “ăn trên ngồi trước”, tự sướng với cái “trinh tiết” của phong trào…). Chiến dịch vận động tranh cử đã chấm dứt chiều hôm qua mà cho đến nay cử tri cũng chẳng mấy ai biết rõ về các chương trình, kế hoạch hoạt động, thành phần “nội các” của tân Thị trưởng trong trường hợp Virginia Raggi đắc cử. Điều này rất quan trọng, và cần phải chú ý cho kỹ: bởi vì trong thời buổi mà các ý thức hệ chính trị đã không còn mấy giá trị (tả cũng như hữu …) thì đúng ra cử tri cần phải nhắm đến chương trình, kế hoạch hoạt động, đến tiểu sử và kinh nghiệm làm việc của các ứng cử viên, đến khả năng vận hành của ứng cử viên trong trường hợp đắc cử. Nhưng lại không phải thế: hiện nay cử tri đang xem “mức độ tươi trẻ” và “nồng độ cảm tình” như là những giá trị để đánh giá khả năng của ứng cử viên, và nhất là càng thiếu vắng kinh nghiệm bao nhiêu thì càng được đánh giá cao bấy nhiêu. Bởi vì cái thiếu kinh nghiệm, ngày trước là một khiếm khuyết (giống như một thanh niên đi xin việc làm mà không có kinh nghiệm làm việc là coi như … khó), thì hôm nay lại trở thành một thứ “bảo kê tiết trinh” (vì không có kinh nghiệm quản trị nên chắc chắn là không thể bị hối lộ hay tham nhũng được) và được đồng hóa với “niềm hy vọng” của cử tri có một ban quản trị tốt. Cuộc bầu cử lần này cho thấy là nếu chưa bao giờ tham gia vào việc quản lý việc nhà nước và thiếu vắng hoàn toàn sự hiểu biết về cách vận hành guồng máy quản trị thành phố … không còn là một khiếm khuyết … mà là một ưu điểm, một thứ “nhãn hiệu cầu chứng tại tòa”. Lý do là bởi cử tri đã quá dị ứng với những chính khách quá “sành sỏi” về việc quản lý của công, hiểu biết từng ngỏ ngách của bộ máy vận hành thành phố … Nói chung là dị ứng với các đảng phái chính trị “truyền thống” xưa nay, và với đẳng cấp chính khách hiện nay.
Nhìn cuộc bầu cử lần này ở Roma, người ta dễ liên tưởng đến câu chuyện tiếu lâm sau đây: một hôm ở phi trường nọ hành khách đã quá mệt mõi vì phải chờ đợi máy bay bay trễ giờ, vì những vụ đình công của nhân viên hảng bay, của phi hành đoàn, của phi công, vì những thái độ bất nhã của nhân viên phi trường, dù hành khách đều biết những nhân viên đó lương bổng hậu hĩ, phúc lợi to lớn, giờ làm việc được tôn trọng …. Trong khi hành khách vừa phải trả tiền vé cắt cổ vừa phải chịu đựng những yêu sách hành xử của đám nhân viên hãng bay và phi trường. Thế là cả đám hành khách đùng đùng nỗi giận kéo nhau lên máy bay, vô phòng lái tống cổ hết mấy tay phi công hoa tiêu ra ngoài, đuổi hết đám phi hành đoàn xuống đất, và họ chiếm máy bay. Đến đây thì câu hỏi được đặc ra là: ai sẽ đứng ra lái máy bay ? Một cô gái trẻ đứng lên nói thẳng: “Tôi không có kinh nghiệm lái máy bay, thậm chí cũng chẳng có bằng lái máy bay, nhưng tôi là con người nghiêm túc và đứng đắn, xưa nay tôi vẫn mơ có dịp lái máy bay …”. Cả đám hành khách hò reo, công kênh cô gái đưa vào phòng lái …. Và cũng chẳng mấy khó khăn để biết đoạn cuối của câu chuyện là chiếc máy bay đã không bao giờ bay đến đích.
Hy vọng rằng quản trị một thành phố chắc ít khó khăn hơn là lái một chiếc máy bay… và tất cả các năng lực chính trị “tươi mát mới mẻ” sẽ có đủ khả năng và trí thông minh để đứng ra quản trị thành phố. Bằng không …. thì người dân Roma sẽ phải chịu chung số phận với đám hành khách phi cơ trong câu chuyện tiếu lâm kể trên.
Còn ở Torino thì khác. Ở Torino hội đồng quản trị vừa qua đã làm việc tốt đẹp, thị trưởng Piero Fassino đã cho thấy là một người có khả năng giúp thành phố chống chỏi với những cuộc khủng hoảng kinh tế và nhất là những cắt xén ngân sách. Nhưng sự kiện là Fassino đã phải đương đầu cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc tranh cử gay gắt với ứng cử viên 5 sao Chiara Appendino cho thấy là ở Torino vấn đề không phải là những tệ nạn tham nhũng hối lộ, khả năng yếu kém của hội đồng quản trị (như trong trường hợp của Roma), mà vấn đề là cử tri quá “mỏi mệt” với PD và nhất là với các tay chính khách đầu sỏ địa phương của PD. Một sự “mỏi mệt” thực ra cũng không phải chỉ xảy ra ở Ý, mà cũng đang xảy ra ở Pháp, ở Tây Ban Nha (thậm chí ở đó có đến hai đảng mới nhưng vẫn không đủ sức lập ra chính phủ), ở Mỹ, và đặc biệt ở Anh với cuộc trưng cầu dân ý Brexit. Chính sự thất vọng và giận dữ sẽ là những ngọn đèn dẫn dắt lá phiếu của cử tri lần này.
Đại bộ phận những cử tri xoay lưng lại với đảng PD chính là giới trẻ: họ thấy rằng thế giới đang thay đổi, những mô hình chính trị truyền thống đã không còn hữu hiệu, và nhất là họ không thấy có thể có khả năng xây dựng cuộc đời của mình, nhưng họ vẫn không tìm ra được giải pháp và nhất là họ nhận thức được rằng “chính trị” hoàn toàn bỏ rơi họ.
Nói như thế để cho thấy là cần phải trở lại đi tìm sự đồng điệu với xã hội, đầu tiên là phải xây dựng lại từ đầu nền tảng “chính trị” ngay từ trong lòng xã hội. Chỉ cần nhìn thấy những khó khăn của đảng PD ở Bologna, nơi mà chẳng mấy ai tha thiết với cuộc bầu cử. Ở Milano thì đảng như đang đi trên dây tử thần với nguy cơ là có thể làm tiêu tan ra tro tất cả những thành quả của Pisapia để lại. Nhưng tệ nhất là ở Napoli, nơi mà ngay chính ứng cử viên PD đã bị gạt ra khỏi vòng hai không nhân nhượng.
Cần phải xây dựng lại từ đầu đảng PD, xây dựng từ hạ tầng cơ sở, tránh những màn “đi tắt đón đầu”, với sự nhẫn nhục bền chí và nhất là phải chịu khó lắng nghe tiếng nói của cử tri.

Roma, 18/06/2016

chuyển ngữ.