28 tháng 11, 2016

Chính khách cơ bắp



“Democratore” là một thuật ngữ mới được giới báo chí ở Ý đẻ ra khoảng vài năm trở lại đây. Đó là những tay chính khách được cử tri chính thức bầu lên bằng những cuộc bỏ phiếu “có giá trị” (tức là các tổ chức kiểm soát quốc tế chẳng có bằng chứng nào để phủ nhận giá trị của các cuộc bầu cử đó), tức là họ là những chính khách “democratico”, nhưng khi nắm được quyền bính thì họ lại cái trị đất nước như những tên độc tài toàn trị, tức là những tay “autocrate”. Từ đó báo chí mới nặn ra thuật ngữ “democratore”, có thể tạm dịch là “dân chủ toàn trị”.
________________________________________________________________________
Nguyên tác bài này có tên “Leader muscolari - Dopo Putin e Erdogan il democratore conquista la Casa Bianca” của ký giả Gianfrancesco Turano đăng trong tuần san “L'Espresso” số ra ngày 20/11/2016.
________________________________________________________________________

Họ thường được “công chúng” xem như những “người hùng” (uomini forti), những “nhân mã” thời hậu hiện đại (centauri - nửa người nửa ngựa, theo truyền thuyết Hy Lạp - chứ không phải nửa người nửa ngợm!!!). Họ đại diện cho một tầng lớp chính khách đang trổi dậy khắp nơi: từ những nước thế giới thứ ba đến những nước cựu Đông Âu, thậm chí đến cả các nước Châu Âu, và đến cả ... Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Họ cư xử phân nửa theo một cơ chế dân chủ (được bầu lên một cách đàng hoàng), nửa kia là độc tài toàn trị với bàn tay sắt. Người ta nói đây là giai đoạn “gần như quá độ” của các phong trào dân túy mỵ dân. Họ là những “người hùng” của các tầng lớp dân chúng đang sống bên lề của xã hội và của sự phát triển kinh tế, và chính vì thế nên tầng lớp dân chúng này đang lớn tiếng tẩy chai cái cơ chế nhà nước “dân chủ” hiện nay.
Đó là những Putin (Nga), những Erdogan (Thổ Nhĩ Kỳ), những Duterte (Phi Luật Tân) ... và bây giờ có thêm Trump .... và biết đâu chừng sang năm sẽ có thêm Le Pen của Pháp ???
Họ chuyên áp dụng bạo lực và đụng một tí là móc súng ra (hay ít ra sai đàn em móc súng ra). Họ là những nhà ái quốc cực đoan đến độ dám chạy theo các chính sách “đơn phương” (isolazionismo - tức là tự quyết định can thiệp vào một vấn đề quốc tế nào đó mà không cần hội kiến với những nước khác, thậm chí cũng không thèm nghe ý kiến của đồng minh). Thông thường họ có một quá khứ là đại gia hoặc đã từng là những lãnh đạo nhà nước ở cấp địa phương, hay là những cán bộ cao cấp của những guồng máy nhà nước. Tức là họ là những người có kinh nghiệm sống thật sự chứ không phải là những nhà trí thức hàn lâm sống trong mớ lý luận dân chủ kinh điển. Họ biết quần chúng muốn gì bởi vì họ thật sự đối mặt với quần chúng trên mọi nẻo đường, trong những nhà máy đã bị đóng cửa vì hậu quả của quá trình “toàn cầu hóa”, trong những xóm nhà lao động ở ngoại ô dơ bẩn và mất an ninh, nơi mà du khách chẳng bao giờ đặt chân đến.
Họ là những chàng kỵ sĩ thời hậu hiện đại trên sân khấu chính trị quốc tế. Một thứ “nhân mã” (centauro, theo truyền thuyết Hy Lạp, nửa thân trên là người, nửa thân dưới là ngựa) chính trị: nửa trên là dân chủ vì do dân bầu ra một cách đàng hoàng, nửa dưới là bàn tay sắt của mấy tay độc tài toàn trị. Một thứ "biến tướng quá độ" của khuynh hướng dân túy mỵ dân.
Họ có được sự đồng thuận hợp pháp của nhiều tầng lớp cử tri khác nhau về giai cấp xã hội (trí thức, thất học, chuyên gia, thợ thuyền), khác nhau về ý thức hệ (tả khuynh, hữu khuynh, hay phi chính trị), khác nhau về điều kiện kinh tế (giàu, nghèo, có công ăn việc làm, thất nghiệp), nhưng tất cả những cử tri này có một điểm đồng nhất duy nhất là nổi loạn chống lại thứ quan niệm mà họ gọi là “tất cả đều tự do muốn làm gì thì làm”: từ giới đồng tính đến dân nhập cư, từ những tay buôn lậu ma túy đến những đám du thủ du thực tụ tập ngày đêm ngoài công viên đường phố, từ mấy tay tài chính ngân hàng đến các siêu đại gia, từ những chính khách chuyên nghiệp đến những nhóm đầu sỏ chính trị.
Chính những cử tri nổi loạn này đã dồn phiếu cho Donal Trump ở Mỹ, cho Viktor Orbán ở Hung, cho Marine Le Pen ở Pháp, cho Matteo Salvini hay cho hề Grillo ở Ý. Chính những cử tri này đã ủng hộ Brexit và dồn phiếu cho Ukip của Nigel Farage, đã ủng hộ Tayyip Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ chống lại nhóm quân đội “phiến loạn”. Chính những cử tri này đã nâng cao uy tín của Vladimir Putin trong các cuộc thăm dò ý kiến, đã ủng hộ Benjamin Netanyahu ở Israel, hoặc Nerenda Modi ở Ấn Độ, và Rodrigo Duterre ở Phi Luật Tân.
Đó là những tay lãnh đạo quốc gia chỉ biết củng cố sự đồng thuận của cử tri bằng cách xây dựng tường rào ngăn sông cấm chợ và lúc nào cũng hò hét khản cả cổ câu thần chú: "right or wrong, my country" (dù đúng dù sai, tôi phải lo cho đất nước của tôi).
Phần lớn những cử tri của những “người hùng” này đều không sống ở New York hay ở Moscou, không sống ở Istanbul hay Mumbai, không sống ở Tel Aviv hay Luân Đôn: đó là những thủ đô đã bị tha hóa bởi chính sách “tự do thương mãi” của quá trình “toàn cầu hóa kinh tế”, mà họ sống ở những xóm nhà khu ngoại ô, và nhất là họ sống bên lề của những ý thức hệ kinh điển: đối với họ “tả” hay “hữu” hoàn toàn không khác nhau và cũng không có nghĩa lý gì cả.

Diện mạo của những “democratori”
Ngay sau khi thắng cử Trump đã không ngớt miệng nhắc đến “những con người bị lãng quên” (forgotten men). Và đồng thời Trump cũng không quên nhắc đến hơn 200 tướng tá trong hàng ngũ quân đội Mỹ đã ủng hộ Trump ngay từ những giây phút đầu của cuộc tranh cử.
Một trong những "lá bài kinh điển" của những tay “dân chủ toàn trị” này là lúc nào cũng phải nặn cho ra kẻ thù có thể hăm dọa đất nước: đối với Trump có thể là dân Mễ chuyên đi hảm hiếp đàn bà con gái, hay mấy anh Ba Tàu chuyên mua gian bán xảo. Còn đối với tay cựu vô địch judo và cựu nhân viên KGB thì đó cuộc tranh chấp lãnh thổ với Ucraina và bảo vệ “người Nga” ở Crimea.
Còn những tay lãnh đạo khác thì nhắm vào những đe dọa trong nước thí dụ như ngăn chận làn sóng nhập cư bằng cách xây tường, một hình ảnh nhắc lại cái quá khứ bi thương của 28 năm của bức tường Bá Linh.
Ngoài ra còn có những chuyện như mở chiến tranh với đám buôn lậu ma túy hay chống lại tham nhũng hối lộ là những lá bài bảo đảm được sự đồng thuận của cử tri. Chẳng hạn như chiến dịch chống nạn ma túy hiện nay là chiến lược cơ bản của nền tảng chính trị của Rodrigo Duterte: sau 6 tháng chấp chánh, Duterte đã thu được 85% sự đồng thuận của quần chúng. Trong khi các tổ chức nhân quyền quốc tế tính là trong một trăm ngày đầu của chính quyền “Rody”, đã có hơn 3 ngàn người bị lực lượng an ninh cảnh sát hoặc các nhóm “tử thần” có dính dáng đến chính phủ giết chết. Những tay sát nhân này thường được trả tiền khi ám sát những nghi phạm buôn lậu ma túy mà không cần có một cuộc điều tra hay xét xử của tư pháp. Nhưng có khi nhóm “tử thần” giết người cũng chỉ để tỏ sự đồng thuận của mình đối với một đấng “minh quân” như Duterte.
Ngày 20/10/2016, khi mà các cuộc thăm dò ý kiến vẫn còn cho rằng bà Clinton dẫn đầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, lúc đó Duterte đã tuyên bố “ý định ly hôn với Mỹ” để xích gần lại Trung Quốc của Tập Cận Bình. Nhưng bây giờ, vốn là người ngưỡng mộ Trump (và cũng được Trump đáp trả lại sự ngưỡng mộ ấy), có lẽ Duterte sẽ ... xét lại chuyện “ly hôn”. Và 200 tướng tá nói trên chắc chắn cũng sẽ hả hê: trên bàn cờ quốc tế Duterte là một con cờ có giá trong chính sách chống lại các nhóm Hồi giáo vốn đang làm mưa làm gió ở khu vực Mindanao.

Những nhà “dân chủ toàn trị” thăng hoa.
Việc Trump thắng cử đã làm dấy lên một làn sóng hồ hởi tưng bừng trong giới nuôi mộng lớn trở thành “người hùng” của thời cuộc. Từ một Farage ở Anh đến cả con lẫn cha của gia đình Le Pen ở Pháp, từ một Matteo Salvini của Lega Nord đến hề Grillo của 5 sao ở Ý. Đó là chưa kể đến Naftalki Bennett, thủ lãnh của cái gọi là HaBayit HaYehudi (Căn nhà Do Thái), một lực lượng chính trị cực hữu của chính phủ Netanyahu. Tay Naftalki Bennett lớn lên trong một gia đình Do Thái nhập cư vào Mỹ và đã từng là sĩ quan của lực lượng đặc biệt của Mỹ, sau khi giải ngũ Bennett trở thành một doanh nhân khá thành công trong lãnh vực tin học ở New York và hiện nay là Bộ trưởng kinh tế và Bộ trưởng về vấn đề tôn giáo của chính phủ Netanyahu. Xưa nay lúc nào Bennett cũng chống lại khái niệm chung sống với “quốc gia Palestina”, và hiện nay chính hắn đang gây khó khăn cho chính chính phủ Netanyahu khi đưa ra những đề luật tạo thuận lợi cho người Do Thái chiếm đất ở những vùng của Palestina. Khi được tin Trump thắng cử, Bennett đã thẳng thừng truyên bố rằng “đây là cơ hội có một không hai để xem xét lại tất cả bàn cờ trong khu vực Trung Đông”.

Những “cử tri sầu đời”.
Nếu bên kia là cử tri dồn phiếu cho những tay “democratori” như đã diển tả ở trên, thì phía bên này chuyện “nhắm mắt bịt mũi” bỏ phiếu đang ngày trở thành “tập quán” của những cử tri “tiến bộ”, chẳng hạn như tay đạo diễn tiên tri Michael Moore, người đã dự đoán đúng việc Trump thắng cử. Đó là những “cử tri sầu đời” (elettore depresso), nói theo cách nói của Moore, tức là dù rằng họ là những cử tri đã ủng hộ Bernie Sanders, nhưng đến ngày 08/11 họ đã phải “nhắm mắt bịt mũi” dồn phiếu cho bà Hillary.
Ở Châu Âu thì đã từ lâu đầy dẩy loại “cử tri sầu đời” này. Thí dụ như nhân dịp bầu cử Tổng thống Pháp vào tháng 5/2017 sắp tới, các “cử tri sầu đời” của đảng Xã Hội không tin lắm vào một Francois Hollande vốn đã gây nhiều thất vọng trong nhiệm kỳ hiện tại, và họ sợ sẽ phải chứng kiến một cuộc đọ sức trong vòng hai giữa một ứng cử viên hữu khuynh với một ứng cử viên cực hữu như Marine Le Pen, nên rất có thể là họ sẽ phải “nhắm mắt bịt mũi” dồn phiếu trong vòng một cho một ứng cử viên trung hữu - trung dung.

Còn ở Ý ?
Về lịch sử mà nói thì Ý là “bậc thầy” trong chuyện đẻ ra những tay chính khách “democratori”. Chẳng cần phải ngược dòng lịch sử đến tận Đại đế Giulio Cesare (100-40 tCN), vốn được quần chúng bình dân ủng hộ để chống lại giới quý tộc, chỉ cần nhắc đến Benito Mussolini, người đã từng lên án “sảnh đường của Quốc hội” chỉ là nơi “ăn dầm nằm dề của mấy lũ bè đảng phái” nhưng rồi cũng chính cái Quốc hội ấy đã bầu hắn lên làm Thủ tướng vào năm 1922 và sau đó được quần chúng cử tri dồn phiếu tái nhiệm vào năm 1924, để rồi ngay sau đó chính Mussolini đã triệt hạ hoàn toàn các cơ chế dân chủ, mở đầu cho hai thập niên phát-xít đen tối của nước Ý.
Ở thời “cận đại” thì có Silvio Berlusconi, bậc sư phụ của vị Tổng thống thứ 45 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ: một tay rao hàng chuyên nghiệp với một khái niệm hoàn toàn đặc biệt (và cá nhân hóa - a personam) của hắn về luật pháp và một sự giả mạo xấc láo về một nguồn gốc cội rễ chính trị “popolare”, cộng thêm một giọng điệu cực kỳ “hiện thực” hợp lỗ nhĩ của giới bình dân lao động, một thứ ngôn từ “vô giáo dục chính trị”, chẳng hạn như ám chỉ Angela Merkel có “bộ mông không chơi được”, hoặc Barack Obama là loại đàn ông “đẹp trai sám nắng”. Đó là loại ngôn từ mà tay tài tử điện ảnh cực hữu Clint Eastwood truyền dạy cho thằng đệ tử người tị nạn Campuchia trong cuốn phim để đời Gran Torino (2008) trong đó những từ ngữ thóa mạ mang màu sắc kỳ thị biến thành một cung cách để thể hiện cái “nam tính” hay ít ra được xem như là những câu đùa giởn vô tội vạ giữa đực rựa với nhau chẳng câu nệ chuyện giáo dục tối thiểu.
Và nhờ vào những làn sóng đùa giởn vô tội vạ như trong phim Gran Torino mà tay “thượng đẳng của chủng tộc da trắng" Steve Bannon đã trở thành “Trợ trá chiến lược” (Chief strategist) của Nhà Trắng.
Và sự thăng hoa không cưỡng lại được của các “democratori” vẫn tiếp tục !!!

Roma, 28/11/2016
 chuyển ngữ