29 tháng 12, 2016

Tin vịt thời mạng xã hội trên Internet



Tiếng Ý gọi là "bufala", dân Mỹ thì gọi là "fake news", diễn nôm ra là "tin vịt". Cái thứ tin vịt này thì cũng chẳng có gì mới là, xưa nay thi thoảng một vài tờ báo "chuyên ngành" cũng hay phao tin vịt.

Trong thời buổi hậu hiện đại Internet với sự hiện diện các mạng xã hội như Facebook hay Twitter thì các tin vịt đã tìm được môi trường để sung mãn vô tội vạ. Và trong những năm gần đây tin vịt bắt đầu lấn chiếm thị trường thông tin, qua mặt cả các thông tin chính thống của báo chí (báo giấy và báo mạng). Nói là "sung mãn và vô tội vạ" vì dân cư mạng xã hội cứ tha hổ thả vịt, không ai chạy theo kiểm chứng, không ai bỏ thì giờ kiểm lọc thông tin. Chỉ cần "thả vịt" ra là cả mạng xã hội cứ "tam tam" truyền đi trên mạng .... Đến khi (nếu có) ai kiểm chứng được đấy là tin vịt .... thì chuyện cũng đã lỡ rồi ...

Điển hình nhất là cuộc tranh cử của lão Trump bên Mỹ vừa rồi là hoàn toàn dựa trên tin vịt của các mạng xã hội, các nhóm quá kích cực đoan hữu khuynh, kỳ thị chủng tộc, tha hồ thả vịt bôi tro trác trấu cả Obama lẫn Hillary: chẳng hạn con vịt đưa tin là Obama là người Phi Châu, theo đạo Hồi Giáo .... đến bây giờ vẫn còn bơi lỏng nhỏng trên mạng xã hội. Hay trong kỳ tranh cử Mỹ vừa rồi, có tin vịt phao là bà Hillary có dính dáng đến một trung tâm hoạt động mua bán nhi dục .... Hư thực ra sao thì mãi sau này mới kiểm chứng được là tin vịt, nhưng lúc ấy Trump đã thắng cử rồi.

Năm tới là bên Đức đi bầu lại (và bà Merkel đã quyết định ra tranh cử lần thứ tư), và bên Pháp cũng có bầu cử. Lấy kinh nghiệm "xương máu" của hệ lụy tin vịt trên mạng xã hội ở Mỹ vừa qua, cả chính phủ Đức và chính phủ Pháp đang bắt đầu ngồi bàn thảo về cách phòng chống tin vịt trên mạng xã hội trong mùa tranh cử sắp tới.

Phía bộ phận Tư Pháp của Ủy Ban Châu Âu cũng đang bắt đầu vô trận.

Vấn đề cực kỳ phức tạp: vì mặt tích cực của các mạng xã hội là nó đăng tải những thông tin mà giới truyền thông chính thống không đăng tải, hay tệ hơn như ở mấy xứ rồng rắn là cấm không cho đăng tin .... lề trái, do đó giúp cho người dân biết những sự thật mà giới nắm quyền bưng bít. Về mặt pháp lý mà nói thì cho đên bây giờ có hai sự khác biệt cơ bản giữa Chủ báo (và ban biên tập) của báo giấy (và phiên bản điện tử của các báo này) khi đều phải chịu trách nhiệm về những thông tin mà báo đăng tải: nếu đó là những tin vịt nhằm cố ý bôi lọ nhà nước và đối thủ chính trị thì ngành Tư pháp sẽ điều tra Chủ báo và ban biên tập. Nhưng còn mạng xã hội như "fây-bút" hay Twitter thì những tay chủ xị của các mạng này (như tay Mark Zuckerberg của "fây-bút", hay Jack Dorsey của Twitter) hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm về những thông tin đăng trên mạng xã hội (thậm chí cũng không chịu trách nhiệm về những thông tin nhằm tuyên truyền cuộc thánh chiến của nhóm Hồi Giáo cực đoan): trên mặt pháp lý, đó chỉ là những "piattaforma" có mục đích duy nhất là đăng tải thông tin, bất luận tin gì. Chỉ khi nào nhà chức trách sau những khó khăn tốn công sức (của người dân, vì đó là tiền thuế trả cho những cơ quan điều tra tin vịt) thì chính phủ mới có thể "van xin" các chủ xị của các mạng xã hội cho gỡ tin vịt ra .... Vì các tay chủ xị vẫn khăng khăng bảo là họ muốn tôn trọng nguyên tắc tự do ngôn luận.

 Bufala về tin vợ của Renzi "phản" chồng trong kỳ trưng cầu dân ý hôm 04/12 vừa qua ở Ý

Chuyện này còn dài, không biết khi vào mùa tranh cử bên Đức và bên Pháp thì ngành tư pháp của các quốc gia này hay của Châu Âu có nặn ra được biện pháp nào không ... Nếu không thì vịt sẽ tha hồ bơi vô tội và trên mạng.

Nhưng trước mắt, những quan ngại của giới chính trị Châu Âu, sau kinh nghiệm tranh cử của Trump, lại đang hà hơi tiếp sức cho các chính phủ độc tài toàn trị ở mấy xứ rồng rắn. Đấy, đã bảo mà, mạng xã hội toàn là tin vịt, nhằm bêu xấu để chống phá nhà nước, chống phá cách mạng, chống đảng .... Do đó trước khi nổ ra xì-căn-đan của Trump, chính phủ rồng rắn đã nhìn xa thấy rộng và đã tận tình kiểm duyệt các thông tin trên mạng xã hội. Các quan ngại của các chính phủ Châu Âu cho thấy là đúng như các chính phủ rồng rắn đã nhận định: phải bảo vệ ổn định nhà nước với bất cứ giá nào, thậm chí bưng bít thông tin, bắt bớ tù đày những người chỉ muốn phản ảnh tiếng nói của quần chúng.

Roma, 29/12/2016



5 tháng 12, 2016

Sống ở đời cũng cần có một tình yêu.



Quả thật là một cú sốc khá nặng. Tôi không ngờ kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hôm qua 04/12/2016 ở Ý lại đi đến một kết quả sốc như vậy. Dù biết rằng "NO" sẽ thắng, nhưng tôi không ngờ khoảng cách giữa "SI" (59,1%) và "NO" (40,9%) lớn như thế. Và dĩ nhiên dù muốn dù không, dù rằng chẳng có luật lệ nào "gắn liền" kết quả bầu cử của một cuộc trưng cầu dân ý với "sinh mạng" của chính phủ, nhưng cú sốc chính trị quá lớn, và Renzi cũng không thể nào vin vào cái cớ "không có luật lệ nào bắt buộc" để làm ngơ.


Renzi từ chức vì, trước nhất, là để giữ cho mình cái nhân cách làm người, kế đến là để tránh trở thành đối tượng để các đám tạp lục tấn công ngày đêm và tố cáo là "tham quyền cố vị". Và Renzi từ chức để nói thẳng vào mặt cái đám tạp lục hổ đốn: chúng mày muốn xe đạp hả ? Đấy leo lên đạp đi !!!". (La volete la bicicletta ? Eccola pedalate !!!).


Trong chuyện Renzi từ chức có một thoáng rất cảm động và đầy tình yêu (ngoài tình người).


Agnese Landini, vợ của Renzi, trong 1000 ngày chấp chánh của chồng, bà ta vẫn thường giữ kẽ, ít khi "lấn chiếm" sân khấu chính trị của chồng; ngoài những chuyến công du hàng nhà nước và những buổi chiêu đãi cấp quốc gia ra, hầu như không mấy khi có sự hiện diện của bà vợ. Một "đệ nhất phu nhân" sống lặng lẽ phía sau hậu trường.


Nhưng tối hôm qua khi Renzi họp báo tuyên bố từ chức, thì Agnese Landini đã đứng cách chồng vài thước như để giữ khoảng cách "nhà nước". Đây là lần đâu tiên vợ của Renzi xuất hiện trong một cuộc họp báo của chồng, như để nói rằng .... lúc khó khăn phải ở bên nhau ....




Agnese Landini đứng cạnh đấy, vẻ mặt rất trầm tĩnh, trong khi Renzi có đôi lúc bị bối rối. Một cái nét trầm tĩnh như để nói .... đừng lo ... còn có tôi bên cạnh cuộc đời ...





Và cảm động hơn nữa khi Renzi chấm dứt tuyên bố từ chức, quay sang choàng vai Agnese và hai người cùng nhau bước ra đi .... Người kỵ sĩ ngã ngựa quay về lại bên người vợ ....như để cùng nhau tiếp tục song hành trong một chặng đường mới.





Đây không phải là chuyện chính trị cao siêu gì cả. Chỉ là một thoáng tình người và tình yêu.



Sống ở đời cũng cần có một tình yêu.


Roma, 05/12/2016

 PS: Không biết Berlusconi khi nhìn những hình này có thấy tủi thân và tủi hổ cho chính mình hay không nhỉ ?