13 tháng 5, 2015

Tiến quân hành khúc mới của Hồng vệ binh !!!





(Nguyên thủy bài này có tên “La nuova marcia dell’esercito rosso” của Giampaolo Visetti, đặc phái viên thường trú ở Bắc Kinh của nhật báo “la Repubblica”, đăng ngày 11/05/2015 http://www.dirittiglobali.it/2015/05/cina-la-nuova-marcia-dellesercito-rosso/ )



Trung Quốc không chỉ giới hạn mình trong việc thu mua cơ xưởng sản xuất công nghiệp, đất đai, hạ tầng cơ sở và nợ nhà nước của các quốc gia khác. Để thực hiện giấc mộng bá quyền Trung Quốc cũng cần phải được “trang bị tận răng” … và Bắc Kinh không tiết tiền để đổ vào đầu tư quân sự. Trong ba năm trở lại đây chẳng có siêu cường nào tăng ngân sách quốc phòng nhiều như Trung Quốc vốn đang lao hết mình vào một cuộc chạy đua vũ trang “vô tiền khoáng hậu”. Và kết quả không phải chỉ là những đòn sốc trong khu vực Thái Bình Dương, nó còn “ép” các quốc gia khác như Mỹ, Nga và Nhật, thậm chí đến cả Pháp, Đức, Anh và các Vương quốc Ả Rập phải đối đầu với những chi phí quốc phòng hàng tỉ đô-la. Phản ứng dây chuyền của quyết định chạy đua vũ trang của Trung Quốc đã tạo ra hiên tượng “shopping” vũ khí chưa từng có ở khắp khu vực Châu Á: từ Việt Nam đến Nam Hàn, từ Philippine đến Ấn Độ, đến Úc. Hiện nay có lẽ thị trường duy nhất trên thế giới vẫn tiếp tục”làm ăn nên ra” chính là thị trường mua bán vũ khí … và chắc chắn là trong thị trường này Trung Quốc thủ “vai chính”.

Hai hôm trước, lần đầu tiên binh lính của quân đội nhân dân Bắc Kinh đã diễu hành ngay tại quảng trường Đỏ ở Mạc Tư Khoa (diễu binh kỷ niệm 70 năm Hồng quân Liên Xô thắng Đức Quốc Xã ở Mạc Tư Khoa hôm 09/05/215), để bắt thiên hạ đừng quên “yếu tố cộng sản” và “vai trò Châu Á” trong trận chiến chống Đức Quốc xã của Hitler đã làm đảo lộn cả Châu Âu hồi thế kỷ trước.

Nhưng nào chỉ có thế. Cuộc diễu binh phô trương lực lượng như đã thấy ở Mạc Tư Khoa lại sẽ được tái diễn ngay trên “sân khấu” Châu Á, ngay tại quảng trường Thiên An Môn vào ngày 03 tháng 9 sắp tới, để kỷ niệm chấm dứt Đệ II thế chiến với sự đầu hàng của Nhật (trong phe trục Đức Quốc Xã, phát xít Nhật, phát xít Ý). Chủ tịch Tập Cận Bình đã gởi thư mời đến các nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ của các nước trên thế giới, bắt đầu là Tổng thống Nga Putin và tay độc tài Bắc Hàn Kim Jong-un (tay này, theo báo chí kể là vào giờ chót y đã từ chối không đến dự diễu binh ở Mạc Tư Khoa – có lẽ là do áp lực của các quốc gia Tây Âu và Mỹ lên Putin ?). Như thế là đây là lần đầu tiên kể từ thời “hậu-Mao” Trung Quốc sẽ chính thức trình trình làng “kho vũ khí quân sự tối tân” của mình.



Giới ngoại giao quốc tế ngày càng tỏ ra lúng túng. Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Nhật Abe, cũng như bà Thủ tướng Đức Merkel cùng với những lãnh đạo khác của UE sẽ phải “đứng bên cạnh” những tay đồ tể độc tài của Châu Á và Châu Phi … xem diễu binh, trong khi Bắc Kinh tuyên bố cổ vũ tái vũ trang nguyên tử trên thế giới hành chỉ sau chưa đầy một tháng kể từ ngày tưởng niệm thảm họa hạt nhân ở Hiroshima cách đây 70 năm.

Quyết định làm lễ kỷ niệm chấm dứt thế chiến của thế kỷ trước bằng một màn diễu binh đầy tên lửa, máy bay không người lái (droni), tàu ngầm và chiến xa, thay vì chọn một màn trình diễn mang màu sắc hòa bình chung sống, cho mọi người thấy “tư duy” về chính trị quốc tế của Trung Quốc là như thế nào. Sau khi đã đi hết quá trình bành trướng và phát triển về kinh tế và văn hóa, Tập Cận Bình hiện nay cần phải “phô trương cơ bắp” đối với nội bộ trong nước cũng như đối với quốc tế.

Hồi đầu tháng 3 vừa qua người phát ngôn viên của Quốc hội Trung Quốc đã phá vỡ sự im lặng của Trung Quốc trong cuộc chạy đua vũ trang mà Hồ Cẩm Đào đã cố giữ kín hơn một thập niên vừa qua. Người phát ngôn viên này đã tuyên bố rằng: “Bây giờ Trung Quốc đã là một nước lớn, do đó Trung Quốc cần phải có sức mạnh vũ trang để có thể đảm bảo an ninh quốc gia và để bảo vệ người dân Trung Quốc”. Người phát ngôn viên còn tuyên bố thêm rằng “… lãnh đạo Trung Quốc sẽ không quên bài học lịch sử: có nghĩa là khi Trung Quốc không có một quân đội hùng mạnh thì lập tức các quốc gia khác sẽ nhào vô xâu xé Trung Quốc.” (!!!!)

Thực ra thì hiện nay chẳng có quốc gia nào dám đứng ra đe dọa Trung Quốc, nhưng giai cấp lãnh đạo hiện nay ở Bắc Kinh vẫn quan niệm rằng … “một kho vũ khí khủng khiếp làm thiên hạ mất ăn mất ngủ” là điều kiện cần thiết để Trung Quốc có thể giữ được quyền lực của mình và để đảm bảo an ninh quốc nội. Những cuộc thanh trừng với lý do chống tham nhũng hiện nay của Tập Cận Bình đã làm “rụng đầu” hàng loạt tướng tá cao cấp trong hàng ngủ Quân đội Trung Quốc. (Thậm chí) nhiều tháng nay một số “tin đồn” nói về khả năng đảo chánh ở Bắc Kinh hoặc khả năng tự sụp đỗ của chế độ cộng sản ở Trung Quốc, na ná như sự sụp đỗ của chế độ cộng sản đã xẩy hồi năm 1989 ở Liên Xô.

Thêm vào đó, đối với những “hậu duệ” của Mao việc đổ tiền đổ của để trang bị vũ khí quân sự là quyết định cần thiết, trước hết là để “răn đe” các quốc gia láng giềng trong khu vực và cũng để “đánh tiếng” với Tây phương, nhưng cốt lỏi là để “trấn an” các giới tướng tá quân sự trung thành với đảng và cũng để khẳng định rằng vấn đề an ninh quốc phòng lúc nào cũng là cột sống của cơ chế toàn trị hậu-cách mạng hiện nay.

Các cơ quan tình báo quốc tế thì tin chắc rằng con số đầu tư của Trung Quốc vào trang bị vũ khí lớn hơn con số do nhà nước Bắc Kinh đưa ra, ít ra cũng phải gấp đôi so với con số của nhà nước thông báo. Tuy nhiên dẫu sao đi nữa thì các quyết định tăng ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh vẫn luôn luôn được lý giải bằng những “khả năng bị đe dọa” từ bên ngoài. Tuần vừa rồi Trung Quốc và Nga lần đầu tiên tham gia vào các cuộc tập trận hải quân chung trên Địa Trung Hải.

Bắc đầu từ hồi năm ngoái Trung Quốc đã trở thành quốc gia đứng thứ nhất trong danh sách các quốc gia nhập khẩu vũ khí và đứng hàng thứ ba trong danh sách các quốc gia xuất khẩu vũ khí. Chỉ trong vòng 5 năm  xuất khẩu vũ khí của Bắc Kinh đã tăng đến 143%, qua mặt cả Đức và Pháp và hiện nay chỉ đứng sau Mỹ và Nga.

Hôm qua các mạng thông tin báo chí của Nga đã hé lộ rằng Trung Quốc đã đặt mua của Nga hệ thống tên lửa đất-đối-không (terra-aria) S-400 với giá hơn 3 tỉ đô-la. Hệ thống tên lửa mới này có khả năng hủy diệt bất cứ một mục tiêu nào, ngay cả ở tầm xa, từ các chiến đấu cơ cho đến các tên lửa hành trình (razzi cruise).

Đối với khu vực Châu Á thì các đầu tư vào vũ trang nói trên của Trung Quốc cũng có nghĩa là khẳng định mối quan hệ liên minh quân sự giữa Trung Quốc và Nga để đối trọng lại liên minh của Mỹ và Nhật. Nhưng đồng thời các chính sách đầu tư ồ ạt nói trên cũng đã hé lộ cho thấy là Bắc Kinh vẫn còn đang cần nhập rất nhiều kỹ thuật của nền công nghệ vũ khí.

Điển hình là việc mua chiếc hàng không mẫu hạm hạt nhân đầu tiên Liêu Ninh (Liaoning) của Ukraine hồi 4 năm về trước: hiện nay chiếc hàng không mẫu hạm này đã kết thúc quá trình phục hồi tân trang (restauro), và các chuyên gia Trung Quốc đang sẳn sàng bắt tay vào chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai.

Quá trình nhập khẩu ồ ạt vũ khí thực ra cũng là biện pháp duy nhất để Trung Quốc đốt cháy giai đoạn tích lũy kiến thức kỹ thuật với mục tiêu vừa để hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và cũng để nhảy vào thị trường xuất khẩu vũ khí (vì để có thể xuất khẩu thì vũ khí của Trung Quốc cũng phải đáp ứng một số yêu cầu kỹ thuật nào đó). Điều này được khẳng định bằng các con số chính thức của nhà nước Trung Quốc. Năm 2014 Bắc Kinh đã đầu tư vào vũ khí 132 tỉ đô-la … và năm nay (2015) con số đó sẽ tăng thành 148 tỉ. Cũng trong năm 2014 mức độ tăng trưởng về chi phí quốc phòng là 12,2% và đến năm 2015 thì giảm xuống 10,1%. Tuy nhiên mức độ tăng trưởng về vũ khí vẫn luôn luôn lớn hơn mức độ tăng trưởng PIL, tức là ở khoảng 7,4% – 7 %. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc hiện nay chiếm 2,2% trên tổng số PIL: chỉ nội cuối tháng 12 này Trung Quốc sẽ có thêm 50 tàu bổ sung vào hạm đội ven biển, và tàu ngầm tầm sâu sẽ tăng từ 66 lên thành,  78 chiếc. Nói chung là mức độ tăng trưởng con số tàu bè và phi cơ của Trung Quốc sẽ lớn hơn mức độ tăng trưởng của bất cứ quốc gia nào khác. Và cho đến năm nay là coi như Trung Quốc đã liên tục năm năm liền tăng trưởng ngân sách quốc phòng ở mức độ hai chỉ số phần trăm, trong đó một phần ba ngân sách dành cho lương bổng của 2,3 triệu lính.

Các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay vẫn chống đở lại các lời buộc tội về chạy đua vũ trang  bằng lý lẽ biện hộ rằng cho đến nay ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vẫn còn thua xa ngân sách của Mỹ vốn đã lên đến con số “khủng” là 585 tỉ đô-la, tương đương với 3,7% PIL. Vấn đề là từ xưa đến nay lúc nào Trung Quốc cũng so bì với Mỹ và Nga trong vấn đề ngân sách quốc phòng, nhưng hiện nay mức độ tăng trưởng đầu tư vũ khí ở khu vực Châu Á đang có khả năng đưa đẩy đến những xung đột vũ trang trong những thập niên tới. Chẳng hạn như hồi giữa tháng giêng vừa qua Tokyo đã tuyên bố là năm nay Nhật sẽ dành 36 tỉ Euro để trang bị vũ khí, và đây có nghĩa là Nhật đã tăng liên tục trong 3 năm liền ngân sách quốc phòng dù rằng ở Nhật vẫn còn hiệu lực “hiến pháp hòa bình” mà Mỹ đã áp đặt cho Nhật từ năm 1945. Nếu chúng ta cộng thêm con số ngân sách quốc phòng của ba nước Trung Quốc, Nhật và Nga (tất cả là 88 tỉ đô-la) ngân sách của Ấn Độ (48 tỉ), Nam Hàn (34 tỉ) và của các nước “đang trỗi dậy” ở vùng Đông Nam Á, thì người ta sẽ phát hiện ra rằng hiện nay khu vực Châu Á Thái Bình Dương là cả một kho vũ khí tàn khốc nhất của hành tinh này, đó là chưa kể đến con số ngân sách quốc phòng “bí mật” của Bắc Hàn.

Quá trình chuyển dịch địa bàn quân sự từ phía Tây sang Đông đã khiến Châu Âu và Mỹ lo ngại, nhưng cũng đồng thời giống lên tiếng báo động đầu tiên ngay trong khu vực Châu Á.

Từ hai năm nay Trung Quốc và Nhật vẫn thường xuyên đứng trước hiểm họa xung đột võ trang trong việc tranh giành quyền kiểm soát quần đảo tranh chấp Điếu Ngư và quyền kiểm soát không lưu chung quanh đó. Và Tập Cận Bình cũng sẳn sàng đụng độ với Việt Nam, Campuchia, Philippine, Mã Lai, Indonesia và Đài Loan để giành chủ quyền trên hàng mấy trăm đảo chìm đảo nổi, đảo san hô nằm trong vùng biển Hoa Nam. Ở khu vực quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh đang ra tay xây dựng “vạn lý trường thành bằng cát” bằng cách thiết lập hàng loạt các đảo nhân tạo và mở rộng các rào cản, xây dựng các khu cảng quân sự, các đường phi đạo và nhiều cơ sở hạ tầng được sử dụng như những khu trại quân đội. Chính quyền Bắc Kinh vẫn một mực “đảm bảo” rằng đó chính sách để nhằm “cải tạo tu bổ khu vực hoàn toàn nằm trong chủ quyền quốc gia” của Trung Quốc. Nhưng trên thực tế tất cả chính phủ của các nước trên thế giới đều quan ngại rằng chính Trung Quốc đang chuẩn bị điều kiện để đi đến “một trật tự mới của thế giới” và “một mô hình quan hệ mới giữa các siêu cường”.

Sau khi Obama đã chính thức phê phán quá trình tái vũ trang của Bắc Kinh thì các văn phòng tình báo của Mỹ đã thẳng thắng tuyên bố rằng những hoạt động của Trung Quốc là những “bằng chứng chiến tranh”. Và nếu đúng như thế thì đối với Trung Quốc đây là một bước khởi đầu từ xưa đến nay chưa có: một loạt áp-phe béo bở dành cho những lái buôn tử thần, một thứ bi kịch cuối cùng dành cho nhân loại. 

Roma, 15/05/2015