29 tháng 11, 2013

Vừa bạn vừa thù.



Lời giới thiệu: Nguyên tác bài này có tên “Quei due amici-nemici che si contendono il mondo” của ký giả Vittorio Zucconi, đặc phái viên thường trú của nhật báo “la Repubblica” ở Hoa Thịnh Đốn, đăng ngày 28/11/2013.
http://ricerca.repubblica.it/repubblica/archivio/repubblica/2013/11/28/usa-cina-mari-di-guerra.html?ref=search

Nếu bài “L’ultima sfida tra le superpotenze”, đăng trên “la Repubblica” cùng ngày, của ký giả Giampaolo Visetti, đặc phái viên thường trú ở Bắc Kinh, phản ảnh góc nhìn từ Trung Quốc về quan hệ khó khăn giữa Mỹ và Trung Quốc, thì bài này phản ảnh góc nhìn từ Mỹ cũng cùng trên một vấn đề.

*****


Nếu nhìn theo lịch sử thì Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia hoàn toàn khác biệt nhau, nhưng (hôm nay) lại ràng buộc với nhau bằng những quan hệ tài chánh bất khả phân ly.

*****

Chung quanh 3 cái hòn đảo núi lửa vô dụng, trong cứ như mấy chỏm đá ngầm mọc chơ vơ ở biển Nam Hải, đang diễn ra một tấn kịch mới có khả năng chi phối tương lai của cả thế giới: cuộc đọ kiếm tay đôi để tranh giành ngôi vị bá chủ toàn cầu giữa một siêu cường của hôm qua và một siêu cường của ngày mai: Mỹ và Trung Quốc.

Thật ra thì cũng chẳng biết có bao nhiêu người để tâm đến 3 cái mỏm đá chơ vơ này – thậm chí trước đây nó cũng chỉ là tài sản của một cá nhân và được chính phủ Nhật mua lại – cộng với mấy cái quần đảo tí hon Điếu Ngư, (tiếng Nhật là Senkaku), còn Trung Quốc thì gọi là Diaoyu và xem như đó là lãnh thổ của Trung Quốc.

 Ba cái mỏm đá chơ vơ giữa biển của quần đảo Điếu Ngư

Một cuộc song chiến từ xa, cực kỳ căng thẳng,  giữa mấy cái pháo đài bay B52 của Mỹ bay trên mấy hòn đảo này và chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh (Liaoning) của Trung Quốc đang xã hết ga để đến vùng đảo. Có thể đấy chỉ là những dấu hiệu tượng trưng, nhưng ở Châu Á tất cả những gì là tượng trưng đều là thực chất.

Kể từ khi xếp vào xó bếp những hào quang của chủ nghĩa Mao và chọn con đường “phát triển chuyên chính” (development dictatorship) bằng mọi giá về nhân lực với những hệ lụy về mặt xã hội, Trung Quốc đã trở thành nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng cho Mỹ và cũng là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, thì lần lần cái phi lý trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ngày thêm rõ nét.

Với thặng dư thương mãi khổng lồ trong tay, Trung Quốc không chỉ tài trợ cho nền kinh tế của Mỹ, mà còn đóng góp vào nền công nghệ vũ khí, vào nền công nghệ đóng tàu chiến và xây dựng phi cơ quân sự để Hoa Thịnh Đốn vẫn còn có khả năng phủ bóng của mình lên vùng Đông Nam Á. Nếu không có khoảng tín dụng lên đến hàng nghìn tỉ mà Bắc Kinh đưa cho Mỹ để mua sản phẩm “made in China” thì Ngũ Giác Đài cũng không có ngân sách để cho các B52 bay trên các vùng đảo tranh chấp và  điều động 70 đơn vị tàu chiến của Đệ Thất Hạm đội trên vùng Thái Bình Dương.

Phía sau cái nghịch lý “vừa thù vừa bạn”, hai partner khổng lồ này, nhân danh của hai ý thức hệ đối nghịch nhau, lại cùng hợp lực với nhau để chia chác nền kinh tế tài chánh của thế giới, là một sự đối địch mà cho đến nay chẳng có một cuộc họp thượng đỉnh nào, một tuyên bố chung nào, một hiệp ước thương mãi nào hay bất cứ một cam kết mua trái phiếu của Bộ tài chính Mỹ ... có thể giải quyết được.

Sau khi cách mạng Trung Quốc giành được độc lập và thoát khỏi chế độ bảo hộ và thực dân của các thế lực Châu Âu, thì vào buổi sáng sương mù giá lạnh của ngày 25/10/1950, 200 ngàn lính chính quy Trung Quốc đã bất ngờ tấn công quân đội Mỹ và Nam Hàn vốn trước đó đã vượt qua vĩ tuyến 38 và chiếm Bình Nhưỡng, thủ đô của Bắc Hàn. Các đơn vị Mỹ bị bại trận nặng nề phải tháo chạy và phải hứng chịu một cuộc tàn sát thê thảm. Lần đó Bộ Tư lệnh tối cao Mỹ cũng tính trả đủa bằng cách cho dội bom nguyên tử lên đầu lính Trung Quốc. May mắn, và khôn khéo, Tổng thống Harry Truman đã có can đảm “hạ bệ” viên tướng McArthur, và sau mấy năm trời đánh đấm đẫm máu và không ngã ngũ, cũng đã phải chấp nhận một thỏa hiệp chia cắt Nam Bắc mà sau 60 năm vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay. Từ đó “chim ưng và rồng” tránh đụng trận trực diện hay đi gần đến một cuộc chiến nguyên tử trong đó chắc chắn Liên Xô cũng sẽ phải nhảy vào bởi vì cả Trung Quốc lẫn Bắc Hàn chẳng ai có bom hạt nhân. Tuy nhiên cũng phải đợi đến những cuộc cách mạng và phản cách mạng văn hóa của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, và khi Mỹ xóa bỏ được cái não trạng “mối đe dọa da vàng” – vốn thừa kế từ “mối đe dọa da đỏ” trước đó – thì Trung Quốc mới được nhìn nhận trên sân khấu ngoại giao quốc tế và được kết nạp vào Liên Hiệp Quốc năm 1971. Tuy nhiên chỉ là một sự nhìn nhận ngoại giao nhưng không dẫn đến một quan hệ hữu nghị: có quá nhiều khác biệt sâu sắc về cội rễ, những rào cản giữa Đông và Tây trong hàng thế kỹ, và có quá nhiều nghi ngờ lẫn nhau, thậm chí kỳ thị nhau, nhưng cũng không ai dám nói ra sự thật.

Quan hệ giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục chuyển dịch giữa ích lợi của một cuộc hôn nhân dựa trên lợi nhuận và kình chống nhau trong việc tranh giành quyền kiểm soát Thái Bình Dương.

Thậm chí có lần xém chút nữa là chính phủ của George W. Bush, dù là con của nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên đến Trung Quốc, George Senior, phải hứng chịu một tai nạn ngoại giao  ... gần như na ná với những gì đang diển ra quanh quần đảo Điếu Ngư. Đó là vụ phi cơ do thám 4 động cơ do Ngũ Giác Đài phái bay đến vùng không phận của Trung Quốc và đụng với một chiến đấu cơ của không quân Trung Quốc khiến phi cơ Mỹ bị rơi và phi công bị thiệt mạng. Lần đó đúng là Mỹ khiêu khích Trung Quốc mà Bush đã có hứa trước đó trong mùa tranh cử Tổng thống Mỹ .... để rồi cũng chính Bush đã phải chịu nhục cuối đầu xin lỗi Trung Quốc (vì đã cho máy bay bay vào không phận của Trung Quốc).

Cho tới chừng nào mà cả đôi bên còn có những ích lợi đến từ một cuộc hôn nhân ... thì cái hôn nhân kỳ quặc này cũng sẽ tiếp tục tránh phải đi đến ly dị với chén bát bay ào ào. Những sự kiện như năm 2001 hay những gì đang xẩy ra hôm nay trên mấy quần đảo ở Biển Nam Hải ... sẽ vẫn chỉ là những tình tiết nằm trong kịch bản của các vỡ tuồng hát bội kabuki (loại hình sân khấu truyền thống của Nhật) do quân đội đạo diễn, trong đó hai diển viên chánh vẫn tiếp tục trình diễn để làm vừa lòng ông khán giả chánh và quan trọng nhất: Nhật Bản.

Nhưng về lâu về dài tình hình sẽ không tạo thuận lợi cho Hoa Thịnh Đốn và Ngũ Giác Đài. Chi phí để duy trì cái “ô dù” không-hải quân của Mỹ trên Thái Bình Dương, từ lính Mỹ vẫn còn đóng ở vĩ tuyến 38 ở Nam Hàn cho đến các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật, đang ngày ngày trở thành một gánh nặng quá tải.

Dù chi phí quốc phòng của Trung Quốc trong những năm gần đây tăng tưởng vùn vụt, và cho phép Trung Quốc đã có được chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên đang trên hải trình tiến đến các quần đảo tranh chấp với Nhật, nhưng cũng còn thua xa nếu so với chi phí của Mỹ vốn hiện nay vẫn còn ở mức độ 600 tỉ đô-la mỗi năm dành cho Ngũ Giác Đài .... cao hơn rất nhiều so với 150 tỉ mà Trung Quốc dành cho quốc phòng.

Nhưng biểu đồ chi phí quân sự của Mỹ đang đi xuống ... trong khi biểu đồ của Trung Quốc lại đang đi lên, và nhất là “triều đình Trung Hoa” đã kiên quyết rằng không thể tiếp tục vừa đóng vai “khổng lồ kinh tế” vừa thủ vai “tí hon chính trị”, như một kiểu Đức của Á Châu. Ý tưởng này đã ăn sâu vào đầu óc của giới lãnh đạo Trung Quốc và nhất là đã ngấm tận đáy cái tinh thần ái quốc đang bùng nổ trong xã hội Trung Quốc.

Mỹ, mà cũng không phải chỉ có riêng Mỹ, thì vẫn còn tin rằng quá trình phát triển chính trị và dân chủ của Đại Hán cũng sẽ thúc đẩy phát triển công nghệ và kỹ thuật, từ đó các tham vọng bành trướng và chạy đua chiến lược cũng sẽ dần dần tàn lụi.


 Hôm 26/11/2013 Mỹ đã cho hai chiếc B52 "ngang nhiên" bay vào "vùng phòng không" do Trung Quốc vạch ra trước đó vài ngày.

Mấy chiếc pháo đài bay B52 của Dott. Stranamore thực ra thì cũng đã lỗi thời, dù rằng cũng đã “vang bóng một thời” với những thảm bom ở Đông Dương. Nhưng ở Châu Á, những gì là biểu tượng ... đều cũng là thực chất. Phái mấy chiếc B52 đến vùng tranh chấp thì rõ ràng là một thách thức nghiêm trọng ... và đầy nguy hiểm. Có lẽ Ngũ Giác Đài và mấy ông tướng diều hâu vẫn còn mơ mộng trả lại mối thù xưa của tháng 10 năm 1950 (chiến tranh Đại Hàn). Nhưng có lẽ mấy ông tướng này cũng nên nhớ lại câu nói bất hũ của một người lính Á Châu với thượng cấp sau khi đã dám “chơi” Mỹ: “Tôi e rằng chúng ta đã đánh thức tên khổng lồ đang ngủ”. (*)

Nhưng đánh thức rồng ... cũng không phải là điều tốt.

Roma, 29/11/2013
VQ

(*) Lời của đô đốc Nhật Yamamoto nói với thượng cấp sau trận tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor)

Trâu bò húc nhau.



Giới thiệu: Nguyên tác bài báo có tên là “L’ultima sfida tra le superpotenze” của Giampaolo Visetti, đặc phái viên thường trú của nhật báo “la Repubblica” (Ý) đăng ngày 28/11/2013 .


Thoáng nhìn qua thì ngỡ rằng Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh đang giành giựt với nhau một nhúm đảo nằm ở Thái Bình Dương. Thực ra đó chỉ là một cái cớ để hai bên đọ sức với nhau trong việc tranh giành ngôi bá chủ toàn cầu.

Chiến tranh Thái Bình Dương lần tới này có thể nổ ra mà không cần phải có tuyên chiến. Thực ra thì cũng đã nổ ra rồi, đó là việc thị uy bằng vũ khí để tạo ... uy tín cho những tuyên bố ... và từ trong màn sương mù dầy đặt cũng đã hiện ra đôi kỳ phùng địch thủ: Trung Quốc và Mỹ, hai cường quốc duy nhất hiện nay trên thế giới, đang đấu đá với nhau để giành lấy quyền bá chủ toàn cầu trong thế kỷ mới này. Nằm giữa cuộc đấu đá là Nhật với một nhúm đảo đá chơ vơ xem ra không có bao nhiêu dự trử năng lượng trong lòng đất; là các nền kinh tế đang vươn lên ở Châu Á như Nam Hàn, như Úc, đến cả Indenosia và Việt Nam … và xa hơn một tí là Ấn Độ.

Khiêu khích đáp lại kiêu khích, từ không quân đến hải quân … và trên đất liền thì quân đội được huy động.

Đến hiệp thứ ba, sau khi cho Hoa Thịnh Đốn hưởng được vài giờ đình chiến, Trung Quốc hôm qua đã lấy một quyết định chưa từng có: hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc đang chạy dọc theo đúng hành trình hải lý mà tàu Mỹ đã khởi hành từ một căn cứ hải quân ở Nam Hàn. Hai gã khổng lồ trong phút chốc bổng nhiên lăn xả vào một loạt “thực tập quân sự đã được lên lịch từ trước”: hai tảng đá già nặng ký đang trên đường xác định lại quan hệ “đối thoại ngang cơ” của cái G2 dẹp búm, và sức nặng của mấy tảng đá này đang đè lên chuyến công du của Phó Tổng Thống Mỹ Joe Biden khiến ông “rất lấy làm lo lắng”, chuyến công du mà vào ngày 07/12 sắp tới sẽ đưa Biden đến đúng 3 thủ đô là Bắc Kinh, Tokyo và Seul.

Giọt nước làm tràn bình, cái bình mà hơn hai năm nay nước cứ chảy vào ồ ồ, là sau khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố cái “vùng phòng không” hôm 23/11 vừa qua, Nhà Trằng đã ra lệnh cho hai pháo đài bay không trang bị vũ trang “lừng lng” bay vào “vùng phòng không” như để xác định lại vị trí “đở đầu” của Mỹ đối với Nhật.

Trung Quốc bắt buộc phải tuyên bố vớt vát rằng “sẳn sàng hạ bất cứ phi cơ nào bay vào vùng phòng không mà Trung Quốc đã ấn định với thái độ đe dọa”.

Mỹ lập tức phản công rằng “quyết định của Trung Quốc ấn định vùng phòng không bất khả xâm phạm trên phía đông của Nam Hải (tức Biển Đông đối với Việt Nam) gây lo lắng và làm tạo bất ổn cho các quốc gia láng giềng của Trung Quốc”.


 "Vùng phòng không" (vạch đỏ) do Trung Quốc đơn phương xác định trên vùng quần đảo Điếu Ngư


Và ngoại giao bất lực trước những diễn biến tăng tốc của các sự kiện: trong khi các phát ngôn viên còn đang lui khui đánh máy các bản tuyên bố .... thì hàng tướng lãnh đã điều động quân đội và vũ khí.

Để gỡ gạc, Bắc Kinh đã phải tuyên bố là “đã theo dõi và nhận dạng” mấy chiếc B52 của Mỹ xâm nhập vùng phòng không hôm thứ ba vừa qua” ... và cũng đã tự tuyên bố là Trung Quốc đã kềm chế không lấy những động thái trả đũa ...  “Quân đội Trung Quốc đã định dạng toàn bộ đường bay của mấy chiếc B52 và hoàn toàn có đủ khả năng để bảo vệ không phận của mình”, phía Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã vớt vát như thế.

Chính Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng lúng túng trước phản ứng chống đối đồng bộ của các quốc gia láng giềng cộng với phản ứng của Mỹ. Giới lãnh đạo Trung Quốc, sau khi đã châm ngòi cho các vụ giằng co biển đảo trên Thái Bình Dương, có ý muốn cho thấy là tạm thời đã “dung tha” Mỹ tránh bị những đòn phản công trực tiếp từ Trung Quốc, nhưng cũng đã khẳng định rằng các chính sách nhằm bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc ở Viễn Đông cũng đã có những thay đổi.

Các hoạt động quân sự leo thang giữa Trung Quốc và Nhật để giành quyền kiểm soát trên các quần đảo Điếu Ngư (Senkaku-Diaoyu), vốn nổ ra để xoa dịu làn sóng ái quốc cực đoan trong nước, đã chuyển từ vùng trời xuống vùng biển. Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh (Liaoning), mua lại của Ukraina, vốn là tàu “phế thải” trước đây của Liên Xô, đã nhổ neo từ cảng Thanh Đảo (Qingdao), cùng với hai chiếc tuần dương hạm có gắn tên lửa, trực chỉ Hải Nam. Lý do chính thức là: thủy thủ đoàn thực tập. Trên thực tế đoàn tàu của Trung Quốc bám vào mấy cái quần đảo tranh chấp với Tokyo ... ngay trong thời điểm mà hàng không mẫu hạm (USS George Washington) của Mỹ từ cảng ở Nam Hàn chạy đến cùng với một đoàn tàu chiến của Nhật. Đây là một cuộc “mặt đối mặt tầm xa” giữa các kho vũ khí hạt nhân hiện đại nhất thế giới ... và đã làm cho cả khu vực Châu Á báo động.

 Hải quân Mỹ và Nhật tập trận trên Biển Nam Hải

Bên cạnh sự phản đối của Tokyo chống lại cái gọi là “vùng phòng không” do Trung Quốc đề ra, người ta ghi nhận tuyên bố “đoàn kết” của Đại Sứ Mỹ ở Nhật, bà Caroline Kennedy”, cùng với phản đối rầm rộ đến từ Úc, Nam Hàn và Đài Loan: các nước này yêu cầu phía Trung Quốc phải có những “giải thích” về cái “vùng phòng không” mà theo họ là vi phạm đến chủ quyền của quốc gia họ.

Seul tuyên bố rằng: “Nếu đem pha trộn những tranh chấp lãnh thổ với những vấn đề lịch sử đậm tính ái qốc cực đoan … thì mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ một cách nhanh chóng”.

Phía Bắc Kinh, vốn hiện nay đang nổ ra các phong trào chống Nhật, đang cố gắng tìm cách trấn an cộng đồng quốc tế “không lệ thuộc Mỹ” (!!!): “Các quốc gia khác không có gì để phải lo âu. Khu vực phòng không chỉ là một công cụ cần thiết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh Trung Quốc”. Thực chất là một bản nhắn tin mã hóa, kết quả của một sự lo âu trước một khả năng của Mỹ và Nhật có thể tiến hành những động thái quân sự mà Trung Quốc có thể bị ép phải đánh trả bằng vũ lực.

Nhưng cũng phải thấy là cái “vùng phòng không” nói trên cũng đã có “hiệu lực” trong một vài trường hợp: chẳng hạn một vài hảng hàng không dân dụng, chắc để tránh rơi vào tình trạng trâu bò húc nhau, nên đã tuyên bố là họ sẽ tuân thủ theo những quy luật về “vùng phòng không” mà Trung Quốc đề ra (tức là phải thông báo lịch trình và đường bay cho chính quyền Trung Quốc biết trước khi vào trong vùng, khi bay trong vùng phải chịu dưới quyền kiểm soát và điều hành của cơ quan chức năng hàng không của Trung Quốc ...). Một số chính phủ trên thế giới cũng đã không dấu mối quan ngại về một viễn ảnh nổ ra một cuộc xung đột vì lòng ham muốn kiểm soát các tuyến đường vận chuyển thương mãi và một đáy biển đầy quặng mõ và năng lượng như ở Thái Bình Dương.

Nhìn thoáng qua thì thấy như các bên ngày ngày đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột. Nhưng trên thc tế Bắc Kinh, Tokyo và Hoa Thịnh Đốn vẫn còn quan niệm rằng mọi cuộc xung đột trong lúc này là “quá sớm”, các chuyên viên chiến lược của các bên vẫn còn cho rằng “căng thẳng ngoại giao trong những tháng sắp tới sẽ tăng nhiệt ... nhưng các lợi ích kinh tế của các bên sẽ ngăn chận không cho tình hình nhanh chóng đi vào bế tắt”.

Một số quan chức chính phủ của ba nền kinh tế hàng đầu thế giới thì nhận xét rằng “(về lâu dài có thể) các nước này sẽ thu được nhiều mối lợi trong trường hợp tình hình quân sự căng thẳng và bất ổn ở trong vùng ... nhưng trước mắt các nền kinh tế này sẽ bị ảnh hưởng nặng”.

Việc ấn định “vùng phòng không” chủ yếu là để xác định lại với thế giới bên ngoài trọng lượng của quân đội Trung quốc, vốn đã bị giảm sút bởi cơ cấu an ninh đối nội vừa mới được Ban chấp hành đảng Cộng sản Trung quốc thông qua trong Hội nghị toàn thể lần thứ 3 vừa qua, và cũng để xây dựng “tầm vóc” cho quân đội trước vai trò mới trên thế giới.

Quyết định thành lập “vùng phòng không” của Trung Quốc đồng lúc cũng tạo thuận tiện cho phép Mỹ, vốn đang giảm vai trò của mình ở Trung Đông, “thúc đẩy công nghệ chế tạo vũ khí của Mỹ và gia tăng sự hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương” và cùng lúc “chỉnh đốn lại hàng ngũ giữa các đồng minh lâu đời của Mỹ ở Á Châu vốn đang lo âu trước sự bành trướng của Trung Quốc”.

Và sau cùng là không khí căng thẳng quanh vùng quần đảo Điếu Ngư, theo ghi nhận của giới báo chí ở Nhật, cũng tạo điều kiện cho phép chính phủ Nhật “tháo gỡ sự chú ý của công luận Nhật đang chăm chú vào những khó khăn của Abenomics (kế hoạch kinh tế tài chánh được Thủ tướng bảo thủ Shinzo Abe vạch ra năm ngoái)”.

Các chuyên gia của các “think-tank” đang ví tình trạng căng thẳng ở Biển Đông hôm nay như là một cuộc chiến tranh lạnh mới, trong đó Trung Quốc đóng vai của Liên Xô ngày xưa, và Nhật thủ vai Tây Đức được Mỹ bảo vệ.

Ngăn cấm không phận, tranh chấp lãnh thổ, đại dương nổi sóng ... đều nằm trong một sự thỏa thuận ngầm dựa trên một loạt hoạt động khiêu khích lẫn nhau ... với mục tiêu là ngăn ngừa chiến tranh.

Theo lời của một nhà ngoại giao Châu Âu có uy tín ở Bắc Kinh thì “sau lưng các kho vũ khí hạt nhân là những lợi ích thương mãi, và sau khúc quanh (về vấn đề hạt nhân) ở Iran ... là đến phiên Bắc Hàn”. Lâm trận để bảo vệ Tokyo ... nhưng thực ra (Mỹ) đang nhắm vào Bình Nhưỡng, với mối nguy là ở Thái Bình Dương (bất kỳ lúc nào) có thể xẩy ra một sự kiện đột biến nào đó vượt ra khỏi tầm tay kiểm soát của phe nào đó ... Theo nhận xét của Ngũ Giác Đài thì đấy là “lỗi tính toán ... phải chấp nhận”.

Chỉ có điều là một “cái lỗi” như thế có thể lôi cả vùng Viễn Đông vào một cuộc xung đột lan rộng đến độ đốt chay luôn cả những mục tiêu khiêm tốn của một hy vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Roma, 28/11/2013

28 tháng 11, 2013

Nước Ý sang trang ???



Đúng vào lúc 17 giờ 43 phút ngày hôm qua 27/11 Thượng viện Ý đã bỏ phiếu thông qua quyết định truất phế Silvio Berlusconi ra khỏi chức vụ Thượng nghị sĩ. Silvio Berlusconi là “cha đẻ” và “lãnh đạo muôn năm” trong gần hai thập niên vừa qua của đảng chính trị trung hữu “Forza Italia” (Italia ráng lên), rồi biến tướng thành “Popolo della Libertà” (Nhân dân tự do) và để rồi trở lại với tên “Forza Italia v.2” (Italia ráng lên phiên bản 2).

Như ta đã biết là hồi tháng 8 vừa qua Tòa án tối cao Ý đã y án kết tội Silvio Berlusconi về gian lận thuế má 4 năm tù và 2 năm nghiêm cấm giữ các chức vụ nhà nước, trong đó có chức vụ đại biểu Quốc hội. Và theo luật pháp hiện hành ở Ý thì với bản kết tội vĩnh viễn nói trên, Silvio Berlusconi không thể nào tiếp tục làm Thượng nghị sĩ. Và cũng theo hiến pháp hiện hành ở Ý, thì để áp dụng bản kết tội nói trên đối với một Thượng nghị sĩ thì Thượng viện phải bỏ phiếu thông quá quyết định truất phế.

Như thế là sau gần hai thập niên liên tục làm đại biểu Quốc hội, 4 lần làm Thủ tướng, lãnh đạo duy nhất và muôn năm của một đảng chính trị trung hữu, ông Silvio Berlusconi đã bị tước quyền làm đại biểu Quốc hội. 


Điều này có nghĩa là Silvio Berlusconi cũng đã mất quyền miễn tố dành cho đại biểu Quốc hội trong khi hiện nay vẫn còn một số vụ án mà tòa án Ý đang xét xử Berlusconi: vụ mua bán dân biểu, dính dáng đến những tuyến đường mãi dâm, thậm chí đến nghi phạm về quan hệ tính dục với trẻ vị thành niên như trường hợp Rubygate ... Trước những vụ án này, ông Silvio Berlusconi sẽ không còn ô dù miễn tố của đại biểu Quốc hội để che chắn cho chính mình ...

Nhưng câu hỏi được đặt ra là: với quyết định truất phế Silvio Berlusconi khỏi chức vụ đại biểu Quốc hội, nước Ý đã thực sự sang trang sau hai thập niên bị chính Silvio Berlusconi khống chế chính trị với những hệ lụy thê thảm về mặt kinh tế, tài chánh và xã hội ?

Không dễ có một câu trả lời dứt khoát. Câu trả lời có thể là có mà cũng có thể là không.

Nếu nhìn dưới góc độ chính trường thì đúng là Ý đã sang trang, theo nghĩa là từ nay Silvio Berlusconi không còn có khí cụ trong tay để trực tiếp chi phối Quốc hội hay điều kiện hóa chính phủ. Từ một “chính khách” có một trọng lượng đáng kể để áp lực lên ngành lập pháp (Quốc hội) để nặn ra những luật lệ ô dù lá chắn cho chính mình, từ một nhân vật có khả năng uốn nắn hành pháp (Chính phủ) theo những quyền lợi riêng tư của mình .... Berlusconi từ nay sẽ chỉ còn là một lãnh đạo của một lực lượng chính trị đối lập ... thậm chí chưa ai biết là lực lượng chính trị đó sẽ còn “trụ” được đến bao lâu trong khi trước mắt là đã ra đời nhóm ly khai của Agelino Alfano.

Nhưng nếu xét về mặt chính trị xã hội, kinh tế tài chánh của Ý, tức là trên đời sống hằng ngày của hàng triệu người Ý ... thì chỉ có thể nói là nước Ý chỉ mới bắt đầu thực sự ý thức được tình trạng bất bình thường của mình. Hai thập niên mê muội trước một “hào quang”, ngụp lặn trong một vũng lầy ảo tưởng .... chắc chắn sẽ để lại nhiều tì vết mà không phải một sớm một chiều là xã hội Ý có thể gột rửa được.

Thật sai lầm, và thậm chí là ấu trĩ nếu nghĩ rằng chỉ “hô biến” Berlusconi ra khỏi Quốc hội ... là mọi chuyện đâu lại vào đấy. Tư duy berlusconismo vẫn sẽ tiếp tục còn tồn tại lâu dài trong đời sống xã hội của Ý. Bởi vì hai thập niên cũng đủ cho phép Berlusconi “tẩy não” được phần lớn xã hội Ý ... và không phải một sớm một chiều người ta có thể thay đổi được cung cách hành xử, thay đổi nếp suy nghĩ, thay đổi được những “thói quen” tai hại.

Năm 1945, khi Mussolini bị hạ bệ và chính quyền phát-xít Ý bị sụp đổ ... nhưng cái tư duy phát-xít của người dân Ý vẫn còn tiếp tục “thọ” trong nhiều năm sau đó. Thậm chí đến ngày hôm nay, tức là sau hơn nữa thế kỷ, những tư tưởng phát-xít vẫn đôi khi còn ngóc đầu dậy.

Điều tai hại nhất là nếu trước đó hầu như công dân Ý nào cũng hãnh diện tuyên bố rằng mình là phát-xít ... để rồi đến khi Mussolini bị xử bắn và thi hài được đem ra treo tòn ten ở quảng trường Loreto ở Milano ... thì lập tức cả mấy triệu dân Ý bổng nhiên trở thành .... “chống phát-xít”. Quá khứ một sớm một chiều được xóa bỏ một cách “hồn nhiên”.

Nhưng để rồi sau năm 45 nước Ý vẫn còn thòng lòng cái đuôi phát-xít và chính Berlusconi gần 50 năm sau đã mở cửa sổ lồng cho phát-xít vào nắm quyền hành pháp.

Rồi đến đầu thập niên 90 của thế kỷ vừa qua, khi nền Đệ I Cộng hòa Ý bị xóa xổ dưới chiến dịch “bàn tay sạch” của Tòa án Milano chống lại các vụ tham nhũng hối lộ của các đảng cầm quyền lúc đấy ... cả nước Ý cũng đã một sớm một chiều chống lại các đảng phái chính trị xôi thịt ... Một lần nữa quá khứ cũng một sớm một chiều được “hồn nhiên” xóa bỏ

Nhưng rồi sau đó ... tham nhũng và hối lộ vẫn còn tiếp tục sinh sôi nẩy nở trong suốt hai thập niên vừa qua của nền Đệ II Cộng Hòa.

Bắt đầu từ ngày mai ... cả nước Ý ai cũng sẽ  ngộ ra rằng ... mình chống berlusconismo.

Nhưng ai dám bảo đảm là từ ngày mai cái tư duy, cái văn hóa của berlusconismo sẽ không còn hiện hữu trong đời sống kinh tế xã hội chính trị văn hóa của nước Ý ?

Muôn đời nước Ý sẽ vẫn chỉ loay hoay thay đổi trang phục theo mùa ... nhưng bên trong cơ thể bệnh hoạn vẫn hoàn bệnh hoạn.

Chỉ khi nào chấp nhận nhìn vào quá khứ một cách trung thực và không cố tình tránh né, chấp nhận đối đầu với những hệ lụy ... thì khi đó nước Ý mới có hy vọng thực sự sang trang.

Bằng ngược lại nước Ý vẫn sẽ tiếp tục ... “bình mới rượu cũ” muôn đời không lối thoát.

Roma, 28/11/2013

17 tháng 11, 2013

Những cuộc chia ly !!!



Chỉ trong vòng trên dưới 2 thập niên, tức là kể từ khi bước lên chính trường nước Ý, Silvio Berlusconi đã tác tạo (hoặc đã phải hứng chịu) 4 cuộc “chia ly” chính trị (nếu kể luôn cả chuyện bị vợ bỏ … thì Berlusconi phải hứng chịu đến 5 cuộc chia ly).

Suốt 2 thập niên vừa qua cánh trung hữu đã bị Berlusconi “thôi miên” và đã trở thành một thứ cấm địa bá chủ độc quyền (egemonia) của hắn trên sân khấu chính trị nước Ý … nhưng đồng thời cũng là một thứ hổ lốn thập cẩm đầy chia rẽ sâu sắc.

Chủ thuyết Bersluconi (berlusconismo) là một tư duy chính trị không dung thứ bất cứ một bất đồng chính kiến (dissenso) nào, dù dưới bất cứ một hình thức nào, trong nội bộ đảng.

Bản chất nguyên thủy của berlusconismo không cho phép bất đồng chính kiến. Lý do rất đơn giản là bởi vì những động lực đẻ ra berlusconismo là những yếu tố hoàn toàn dị ứng với bất cứ một mô hình đối thoại nào. Đơn giản hơn là bởi vì những mục tiêu và lợi ích tối thượng của berlusconismo chỉ đồng hành với mục tiêu và quyền lợi của một cá nhân hay của cơ sở kinh tế tài chánh của một gia đình.

 Ảnh album gia đình - Trước khi xẩy ra những cuộc "chia ly"

“Chia ly” đầu tiên là năm 1994 với Umbero Bossi của đảng đồng minh Lega Nord (tức là chỉ  vài tháng sau khi Berlusconi lên làm Thủ tướng lần đầu) .... và để rồi “hòa giải hòa hợp” với Bossi 6 năm sau đó.

Đến năm 2006 là cuộc “chia ly” với đảng UDC và Pier Ferdinando Casini bị hất lộn ra khỏi chu vi của khu địa đàng đồng minh chính trị của Berlusconi.

Nhưng có lẽ cuộc “chia ly” thê thảm nhất xẩy ra với Gianfranco Fini: trong kỳ họp Ban Chấp hành toàn quốc của đảng ở Roma ngày 21/04/2010, giữa Berlusconi và Gianfranco Fini (lúc đó là Chủ tịch Hạ viện) đã xẩy ra những “bất đồng chính kiến” sâu rộng đến độ,  trước mặt toàn thể cử tọa, Berlusconi đã thẳng thừng “khuyên” Fini nên từ chức Chủ tịch Hạ viện nếu muốn làm chính trị trong đảng. Bị khiêu khích, Fini đã lập tức đứng lên hét thẳng vào mặt Berlusconi: “Nếu không ? Nếu không (từ chức Chủ tịch Hạ viện) thì mi đuổi tao ra khỏi đảng hả ?”. Kết quả là sau kỳ họp Ban Chấp hành hôm đó, Gianfranco Fini đã “ly khai” ra khỏi đảng đem theo một nhóm cựu phát xít của Alleanza Nazionale ra lập cái đảng “Futura Libertà”.

Và cuộc “chia ly” thứ ba kể trên cũng là điểm bắt đầu cho quá trình thoái trào của lưc lượng chính trị trung hữu của Berlusconi và cao điểm là Berlusconi bị áp lực đã phải từ chức Thủ tướng  mở đường cho chính phủ kỹ trị Mario Monti hồi mùa đông năm 2011.

Sự cáo chung của chính phủ chót của Berlusconi năm 2011 cũng chứng minh thêm một cách rõ nét đặc tính dị ứng của berlusconismo đối với bất cứ một mô hình đối thoại biện chứng nào trong nội bộ đảng, vốn là một trong những hoạt động cơ bản của bất cứ một lực lượng chính trị bình thường nào: dù rằng có được tuyệt đại đa số trong Quốc hội (đại thắng mùa xuân năm của Berlusconi) từ năm 2008, chính phủ trung hữu của Berlusconi cũng đã không có khả năng hoạt động hữu hiệu ... bởi vì bị tê liệt trước những trận tranh hùng với ngành tư pháp về những nợ nần công lý của chính Berlusconi, và vừa đồng thời phải gánh chịu những dằn sốc chia rẽ trong nội bộ đảng.

Nói rằng trong đảng của Berlusconi có phe “diều hâu” và phe “bồ câu” là một cách nói đơn giản kiểu nhà báo nói cho người đọc dễ nhớ. Thực ra cánh trung hữu của Berlusconi là một thứ thập cẩm hổ lốn có đủ anh chị trong giới giang hồ tứ chiến đến từ những gốc rễ khác nhau từ văn hóa đến tư tưởng chính trị (nếu có tư tưởng !!!) .... nhưng có một mẫu số chung là ... đều phải chịu ơn mưa mốc của Berlusconi để trường tồn !!!

Khoảng 7-8 năm về trước Marco Follini, “anh em song sinh” với Pier Ferdinando Casini trong cái nôi Dân Chủ Thiên Chúa Giáo vào những thập niên 60 của thế kỷ trước, trước khi ly khai với Berlusconi đã dùng từ vựng “thể chế quân chủ” (monarchia) để diễn tả cái cơ chế trung hữu do Berlusconi nặn ra.

Nhưng thực ra định nghĩa nói trên của Marco Follini cũng không sát với sự thật. Bởi vì trong các triều đại quân chủ thì Vua nào cũng phải nghĩ đến chuyện truyền ngôi để giữ vững đế chế... Ít ra là trong vọng tộc cùng huyết thống với Vua. Còn trường hợp của Berlusconi ... thì khác hẳn. Berlusconi chẳng những không đủ lý trí để nghĩ đến chuyện truyền ngôi ... mà thậm chí hắn hành xử cứ y như nhân vật Kronos (Κρόνος) trong huyền thoại Hy Lạp đã ăn tươi nuốt sống chính những đứa con của mình ... để ngăn cản từ trong trứng nước những ai có thể giành ngôi với hắn. Bởi thế những cuộc “chia ly” trong 2 thập niên vừa qua chính là cảnh Kronos-Berlusconi ăn sống những đứa con của mình. Thậm chí đến “thằng con đích tôn” như Angelino Alfano.

 Angelo Alfano - đứa con đích tôn chính trị

Có thể là Berlusconi đã thầm nghĩ trong đầu là sẽ truyền ngôi lại cho con con gái rượu là Marina. Nhưng cho đến nay Berlusconi cũng chưa có đủ can đảm để đi đến quyết định ... triều vương thừa kế trong một đảng chính trị ở thế kỷ 21 này. Báo chí thì kể rằng nguyên nhân chính là vì cô con gái rượu không muốn tham chính !!! Nhưng sự thật không phải như thế. Quá trình xây dựng cơ ngơi kinh tế tài chánh khủng của Berlusconi đến nay vẫn còn nhiều điểm đen tối từ khởi nguồn ... Và chắc chắn là cô con gái rượu cũng đã bị cha mình ép ký những thứ giấy tờ hay lấy những quyết định .... mà chính cô cũng không biết nó là cái gì và có những hệ lụy như thế nào .... Chỉ cần cô tham chính trực tiếp ... là những điểm đen tối mà Berlusconi đã cuốn cô con gái rượu vào đấy sẽ bị các đối thủ chính trị phanh phui không thương tiếc ...

Marina,  cô con gái rượu của Berlusconi

Trong những đảng phái chính trị bình thường thì chuyện xây dựng đội ngũ lãnh đạo cho các thế hệ tương lai là điều cơ bản cho chính sự sống còn của đảng. Và chuyện kế vị lãnh đạo lúc nào cũng xẩy ra với những trận đấu đá nội bộ sôi nổi. Hạ bệ lẫn nhau. Phản trắc lẫn nhau. Thậm chí có khi “đẫm máu”. Nhưng đó là quá trình biện chứng bình thường trong đời sống nội bộ đảng phái.

Ngược lại cái đảng Forza Italia hay Popolo della Liberta của Berlusconi hoàn toàn không có một cơ cấu tổ chức nào chuyên trách đào tạo lãnh đạo. Tất cả toàn thể giai cấp lãnh đạo đến nay là do chỉ định từ trên. Lấy sự trung thành với cấp trên làm chuẩn mực để đo lường “tài năng”.

Hôm 16/11/2013 vừa qua, trong đại lễ tái sinh Forza Italia, khi nói về quyết định “ly khai” của Alfano, Berlusconi có “than thở” rằng ... trước nay hắn cóc cần thằng nào con nào cả ... Nhưng đối với Alfano thì khác .... Xưa nay Berlusconi vẫn đối xử với Alfano như con trong nhà ... Vậy mà ... Do đó lần “chia ly” này hoàn toàn khác hẳn với những lần chia ly trước đây  ...

Berlusconi có lý. Ba lần “chia ly” trước đây ... đều xẩy ra trong khi Berlusconi đang ở thế thượng phong trong đảng và có đủ khả năng làm mưa làm gió trên sân khấu chính trị nước Ý. Nhưng lần “chia ly” chót này với Alfano thì khác hẳn. Mọi chuyện xẩy ra trong lúc Berlusconi đang ở thế yếu, đang bị động: từ những vướng mắc công lý đến chuyện cầm quyền và kiểm soát âm binh trong nội bộ đảng. Lá bài “cho ngã chính phủ”, vốn được Berlusconi vẫn ngày ngày đem ra hù dọa chính phủ Enrico Letta, nay đã không còn khả thi. Thậm chí có thể nói là với sự “chia ly” lần chót này, chính phủ Letta càng thêm mạnh bởi vì đã có đủ con số nghị sĩ ở thượng viện để bảo đảm sự sống còn cho chính phủ.

Có thể nói là trong tình hình hiện tại, với các lá bài được lật lên, thì Berlusconi, với cái đảng tái tạo Forza Italia phiên bản 2, càng lại  thêm sa lầy vào cái vũng ao mị dân và phải chịu sự chi phối nặng nề của đám quần thần cực đoan “diều hâu”.

 Forza Italia .... chỉ còn lại mấy cánh cực đoan

Trong thời gian tới, đám ly khai của Angelino Alfano phải chứng tỏ cho thấy là có khả năng xây dựng một cánh trung hữu “bình thường”, gột rửa được những dấu ấn nô tì mà Berlusconi đã đóng lên lưng họ trong suốt hai thập niên vừa qua. Để làm được chuyện này, Alfano cần thời gian. Thời gian để Berlusconi đi đến cuối con đường của hắn. Thời gian để Berlusconi “tiêu hóa” được hết cái án “bãi nhiệm chức vụ đại biểu Quốc hội”. Thời gian để cả hai bên liếm cho hết những vết thương của cuộc chia ly thê thảm.

Thêm vào đó cũng phải công nhận rằng ngay lập tức bây giờ, đám Alfano cũng chưa có đủ thực lực (và tài chánh, hậu cần) để có thể đối phó với bất kỳ một cuộc tranh cử nào cả. Vả dụ như ngay bây giờ có phải tổ chức bầu lại Quốc hội trước nhiệm kỳ, thì đám Alfano rất có thể sẽ phải hứng chịu số phận não nề ... như Mario Monti đã hứng chịu trong kỳ bầu cử vừa qua. Điều này có nghĩa là, dù với giá nào đi nữa, Alfano sẽ phải hỗ trợ chính phủ Letta ... ít nhất là cho đến hết năm 2014.

Tương lai của Alfano tương đối còn khá mờ mịt. Phải đợi đến hai thập niên ... với cái giá phải trả quá cao cho nước Ý .... Alfano mới nhận ra được chân tướng của Berlusconi !!!

Tính ra cũng khá lâu. 

Nhưng thôi, dẫu sao thì trễ còn hơn không !!!

Roma, 18/11/2013