17 tháng 11, 2013

Những cuộc chia ly !!!



Chỉ trong vòng trên dưới 2 thập niên, tức là kể từ khi bước lên chính trường nước Ý, Silvio Berlusconi đã tác tạo (hoặc đã phải hứng chịu) 4 cuộc “chia ly” chính trị (nếu kể luôn cả chuyện bị vợ bỏ … thì Berlusconi phải hứng chịu đến 5 cuộc chia ly).

Suốt 2 thập niên vừa qua cánh trung hữu đã bị Berlusconi “thôi miên” và đã trở thành một thứ cấm địa bá chủ độc quyền (egemonia) của hắn trên sân khấu chính trị nước Ý … nhưng đồng thời cũng là một thứ hổ lốn thập cẩm đầy chia rẽ sâu sắc.

Chủ thuyết Bersluconi (berlusconismo) là một tư duy chính trị không dung thứ bất cứ một bất đồng chính kiến (dissenso) nào, dù dưới bất cứ một hình thức nào, trong nội bộ đảng.

Bản chất nguyên thủy của berlusconismo không cho phép bất đồng chính kiến. Lý do rất đơn giản là bởi vì những động lực đẻ ra berlusconismo là những yếu tố hoàn toàn dị ứng với bất cứ một mô hình đối thoại nào. Đơn giản hơn là bởi vì những mục tiêu và lợi ích tối thượng của berlusconismo chỉ đồng hành với mục tiêu và quyền lợi của một cá nhân hay của cơ sở kinh tế tài chánh của một gia đình.

 Ảnh album gia đình - Trước khi xẩy ra những cuộc "chia ly"

“Chia ly” đầu tiên là năm 1994 với Umbero Bossi của đảng đồng minh Lega Nord (tức là chỉ  vài tháng sau khi Berlusconi lên làm Thủ tướng lần đầu) .... và để rồi “hòa giải hòa hợp” với Bossi 6 năm sau đó.

Đến năm 2006 là cuộc “chia ly” với đảng UDC và Pier Ferdinando Casini bị hất lộn ra khỏi chu vi của khu địa đàng đồng minh chính trị của Berlusconi.

Nhưng có lẽ cuộc “chia ly” thê thảm nhất xẩy ra với Gianfranco Fini: trong kỳ họp Ban Chấp hành toàn quốc của đảng ở Roma ngày 21/04/2010, giữa Berlusconi và Gianfranco Fini (lúc đó là Chủ tịch Hạ viện) đã xẩy ra những “bất đồng chính kiến” sâu rộng đến độ,  trước mặt toàn thể cử tọa, Berlusconi đã thẳng thừng “khuyên” Fini nên từ chức Chủ tịch Hạ viện nếu muốn làm chính trị trong đảng. Bị khiêu khích, Fini đã lập tức đứng lên hét thẳng vào mặt Berlusconi: “Nếu không ? Nếu không (từ chức Chủ tịch Hạ viện) thì mi đuổi tao ra khỏi đảng hả ?”. Kết quả là sau kỳ họp Ban Chấp hành hôm đó, Gianfranco Fini đã “ly khai” ra khỏi đảng đem theo một nhóm cựu phát xít của Alleanza Nazionale ra lập cái đảng “Futura Libertà”.

Và cuộc “chia ly” thứ ba kể trên cũng là điểm bắt đầu cho quá trình thoái trào của lưc lượng chính trị trung hữu của Berlusconi và cao điểm là Berlusconi bị áp lực đã phải từ chức Thủ tướng  mở đường cho chính phủ kỹ trị Mario Monti hồi mùa đông năm 2011.

Sự cáo chung của chính phủ chót của Berlusconi năm 2011 cũng chứng minh thêm một cách rõ nét đặc tính dị ứng của berlusconismo đối với bất cứ một mô hình đối thoại biện chứng nào trong nội bộ đảng, vốn là một trong những hoạt động cơ bản của bất cứ một lực lượng chính trị bình thường nào: dù rằng có được tuyệt đại đa số trong Quốc hội (đại thắng mùa xuân năm của Berlusconi) từ năm 2008, chính phủ trung hữu của Berlusconi cũng đã không có khả năng hoạt động hữu hiệu ... bởi vì bị tê liệt trước những trận tranh hùng với ngành tư pháp về những nợ nần công lý của chính Berlusconi, và vừa đồng thời phải gánh chịu những dằn sốc chia rẽ trong nội bộ đảng.

Nói rằng trong đảng của Berlusconi có phe “diều hâu” và phe “bồ câu” là một cách nói đơn giản kiểu nhà báo nói cho người đọc dễ nhớ. Thực ra cánh trung hữu của Berlusconi là một thứ thập cẩm hổ lốn có đủ anh chị trong giới giang hồ tứ chiến đến từ những gốc rễ khác nhau từ văn hóa đến tư tưởng chính trị (nếu có tư tưởng !!!) .... nhưng có một mẫu số chung là ... đều phải chịu ơn mưa mốc của Berlusconi để trường tồn !!!

Khoảng 7-8 năm về trước Marco Follini, “anh em song sinh” với Pier Ferdinando Casini trong cái nôi Dân Chủ Thiên Chúa Giáo vào những thập niên 60 của thế kỷ trước, trước khi ly khai với Berlusconi đã dùng từ vựng “thể chế quân chủ” (monarchia) để diễn tả cái cơ chế trung hữu do Berlusconi nặn ra.

Nhưng thực ra định nghĩa nói trên của Marco Follini cũng không sát với sự thật. Bởi vì trong các triều đại quân chủ thì Vua nào cũng phải nghĩ đến chuyện truyền ngôi để giữ vững đế chế... Ít ra là trong vọng tộc cùng huyết thống với Vua. Còn trường hợp của Berlusconi ... thì khác hẳn. Berlusconi chẳng những không đủ lý trí để nghĩ đến chuyện truyền ngôi ... mà thậm chí hắn hành xử cứ y như nhân vật Kronos (Κρόνος) trong huyền thoại Hy Lạp đã ăn tươi nuốt sống chính những đứa con của mình ... để ngăn cản từ trong trứng nước những ai có thể giành ngôi với hắn. Bởi thế những cuộc “chia ly” trong 2 thập niên vừa qua chính là cảnh Kronos-Berlusconi ăn sống những đứa con của mình. Thậm chí đến “thằng con đích tôn” như Angelino Alfano.

 Angelo Alfano - đứa con đích tôn chính trị

Có thể là Berlusconi đã thầm nghĩ trong đầu là sẽ truyền ngôi lại cho con con gái rượu là Marina. Nhưng cho đến nay Berlusconi cũng chưa có đủ can đảm để đi đến quyết định ... triều vương thừa kế trong một đảng chính trị ở thế kỷ 21 này. Báo chí thì kể rằng nguyên nhân chính là vì cô con gái rượu không muốn tham chính !!! Nhưng sự thật không phải như thế. Quá trình xây dựng cơ ngơi kinh tế tài chánh khủng của Berlusconi đến nay vẫn còn nhiều điểm đen tối từ khởi nguồn ... Và chắc chắn là cô con gái rượu cũng đã bị cha mình ép ký những thứ giấy tờ hay lấy những quyết định .... mà chính cô cũng không biết nó là cái gì và có những hệ lụy như thế nào .... Chỉ cần cô tham chính trực tiếp ... là những điểm đen tối mà Berlusconi đã cuốn cô con gái rượu vào đấy sẽ bị các đối thủ chính trị phanh phui không thương tiếc ...

Marina,  cô con gái rượu của Berlusconi

Trong những đảng phái chính trị bình thường thì chuyện xây dựng đội ngũ lãnh đạo cho các thế hệ tương lai là điều cơ bản cho chính sự sống còn của đảng. Và chuyện kế vị lãnh đạo lúc nào cũng xẩy ra với những trận đấu đá nội bộ sôi nổi. Hạ bệ lẫn nhau. Phản trắc lẫn nhau. Thậm chí có khi “đẫm máu”. Nhưng đó là quá trình biện chứng bình thường trong đời sống nội bộ đảng phái.

Ngược lại cái đảng Forza Italia hay Popolo della Liberta của Berlusconi hoàn toàn không có một cơ cấu tổ chức nào chuyên trách đào tạo lãnh đạo. Tất cả toàn thể giai cấp lãnh đạo đến nay là do chỉ định từ trên. Lấy sự trung thành với cấp trên làm chuẩn mực để đo lường “tài năng”.

Hôm 16/11/2013 vừa qua, trong đại lễ tái sinh Forza Italia, khi nói về quyết định “ly khai” của Alfano, Berlusconi có “than thở” rằng ... trước nay hắn cóc cần thằng nào con nào cả ... Nhưng đối với Alfano thì khác .... Xưa nay Berlusconi vẫn đối xử với Alfano như con trong nhà ... Vậy mà ... Do đó lần “chia ly” này hoàn toàn khác hẳn với những lần chia ly trước đây  ...

Berlusconi có lý. Ba lần “chia ly” trước đây ... đều xẩy ra trong khi Berlusconi đang ở thế thượng phong trong đảng và có đủ khả năng làm mưa làm gió trên sân khấu chính trị nước Ý. Nhưng lần “chia ly” chót này với Alfano thì khác hẳn. Mọi chuyện xẩy ra trong lúc Berlusconi đang ở thế yếu, đang bị động: từ những vướng mắc công lý đến chuyện cầm quyền và kiểm soát âm binh trong nội bộ đảng. Lá bài “cho ngã chính phủ”, vốn được Berlusconi vẫn ngày ngày đem ra hù dọa chính phủ Enrico Letta, nay đã không còn khả thi. Thậm chí có thể nói là với sự “chia ly” lần chót này, chính phủ Letta càng thêm mạnh bởi vì đã có đủ con số nghị sĩ ở thượng viện để bảo đảm sự sống còn cho chính phủ.

Có thể nói là trong tình hình hiện tại, với các lá bài được lật lên, thì Berlusconi, với cái đảng tái tạo Forza Italia phiên bản 2, càng lại  thêm sa lầy vào cái vũng ao mị dân và phải chịu sự chi phối nặng nề của đám quần thần cực đoan “diều hâu”.

 Forza Italia .... chỉ còn lại mấy cánh cực đoan

Trong thời gian tới, đám ly khai của Angelino Alfano phải chứng tỏ cho thấy là có khả năng xây dựng một cánh trung hữu “bình thường”, gột rửa được những dấu ấn nô tì mà Berlusconi đã đóng lên lưng họ trong suốt hai thập niên vừa qua. Để làm được chuyện này, Alfano cần thời gian. Thời gian để Berlusconi đi đến cuối con đường của hắn. Thời gian để Berlusconi “tiêu hóa” được hết cái án “bãi nhiệm chức vụ đại biểu Quốc hội”. Thời gian để cả hai bên liếm cho hết những vết thương của cuộc chia ly thê thảm.

Thêm vào đó cũng phải công nhận rằng ngay lập tức bây giờ, đám Alfano cũng chưa có đủ thực lực (và tài chánh, hậu cần) để có thể đối phó với bất kỳ một cuộc tranh cử nào cả. Vả dụ như ngay bây giờ có phải tổ chức bầu lại Quốc hội trước nhiệm kỳ, thì đám Alfano rất có thể sẽ phải hứng chịu số phận não nề ... như Mario Monti đã hứng chịu trong kỳ bầu cử vừa qua. Điều này có nghĩa là, dù với giá nào đi nữa, Alfano sẽ phải hỗ trợ chính phủ Letta ... ít nhất là cho đến hết năm 2014.

Tương lai của Alfano tương đối còn khá mờ mịt. Phải đợi đến hai thập niên ... với cái giá phải trả quá cao cho nước Ý .... Alfano mới nhận ra được chân tướng của Berlusconi !!!

Tính ra cũng khá lâu. 

Nhưng thôi, dẫu sao thì trễ còn hơn không !!!

Roma, 18/11/2013
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét