11 tháng 10, 2015

Một bức ảnh lịch sử đầy cảm động … nhưng không có hậu !!!


Sau khi hiệp định Paris được ký kết ngày 27/01/1973 giữa nhà cầm quyền Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn, ngay sau đó các phi công tù nhân Mỹ (POWs) bắt đầu được trao trả về Hoa Thịnh Đốn.
 
Thời đó, một trong những bức ảnh nỗi tiếng cảm động tả cảnh “coming back” của các tù nhân Mỹ là bức ảnh dưới đây, chụp ngày 17/03/1973 tại một căn cứ không quân Mỹ ở California: Trung tá  Robert L. Stirm bước xuống máy bay và được toàn thể gia đình anh ta chạy đến đón mừng anh trở về nhà: ngay phía trước mặt Stirm là đứa con gái lớn Lorrie 15 tuổi, phía sau là cậu con trai Robert 14 tuổi, kế đến là cô con gái út Cynthia 11 tuổi, bà vợ Loretta và sau cùng là cậu con trai Roger 12 tuổi.



Phóng viên chụp ảnh là Sal Veder, ký giả ảnh của hảng thông tấn Associated Press (AP). Bức ảnh này sau đó đã thắng giải Pulitzer prize năm 1974 với tên "Burst of Joy".

Sau đây là tường thuật của Sal Veder hôm đó: hồi đó tôi làm việc cho AP, và cũng vì thế tôi đã có dịp chụp ảnh trong rất nhiều sự kiện quan trọng: từ trận động đất ở Alaska năm 1964 đến thảm hoả xảy ra ở các hầm mỏ than đá, từ các trận đấu quyền Anh hay những trận football cho đến những cuộc phóng phi thuyền vệ tinh vào không gian. Có lần vệ tinh “hạ cánh” xuống mặt biển Thái Bình Dương và được tàu sân bay đến vớt lên và tôi cũng đã có mặt trên tàu sân bay đó. Toàn là những sự kiện hào hứng, thích thú: người nhiếp ảnh chờ đợi, chuẩn bị … và sau đó anh ta chỉ có vài giây để chụp lấy những khoảnh khắc “lịch sử”.

Nhưng bên cạnh những sự kiện hào hứng thích thú như tôi vừa nói, cũng có những tình cảnh bi thảm. Trong đời nhiếp ảnh tôi đã có hai lần “đụng” đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Bản thân tôi chưa bao giờ nhìn thấy tận mắt những cuộc giao tranh. Thời đó chiến tranh Việt Nam là một trong những đề tài “hấp dẫn” của đám ký giả chúng tôi, khoảng giữa những thập niên 70 ai cũng hăng hái nhận lệnh đi đến Việt Nam

Tháng 3 năm 1973, tôi được lệnh bám sát căn cứ không quân Mỹ Travis trên bờ biển Thái Bình Dương, ở vùng California, vì lúc ấy hằng ngày có những chuyến máy bay chở các phi công tù nhân Mỹ được Hà Nội trao trả về cho Hoa Thịnh Đốn. Tôi là một trong hai ký giả nhiếp ảnh của AP. Máy bay lên xuống rườm rượp từ sáng đến chiều. Một trong hai đứa tôi phụ trách “phòng tối” dã chiến, còn người kia thì lo chụp ảnh. Thời đó không phải như bây giờ, phim hình chụp xong cần có phải có phòng tối làm bằng vải nhựa đen, và cần phải có rất nhiều nước và hoá chất để tráng phim và rọi ảnh.

Hôm đó “phòng tối dã chiến” được chúng tôi dựng ngay trong phòng vệ sinh của phụ nữ ở phi trường, và tôi được cắt phiên chụp ảnh. Có một khu vực tiếp tân nơi các máy bay taxi đáp xuống, ở đó các tù nhân Mỹ sẽ hội ngộ với gia đình. Các phóng viên, các ký giả nhiếp ảnh không được phép chạy lăng xăng, tất cả bọn chúng tôi được tập trung trên một khán đài gần đấy. Trên khán đài đầy nghẹt phóng viên, chừng độ đến 40 người, các ký giả nhiếp ảnh tranh nhau chụp ảnh.

Bỗng có một gia đình không biết từ đâu xuất hiện, họ bước xuống xe và chạy lao đến người quân nhân Mỹ, người tù binh POW đã ở năm năm trong trại giam của Hà Nội. Tôi liếc thấy họ, lập tức tôi quay về hướng đó và bắt đầu bấm máy ảnh lia lịa. Dù khoảnh cách rất xa giữa họ với chúng tôi, nhưng tôi cũng nhận ra những cảm xúc trên gương mặt của họ, qua những bộ điệu chạy nhảy như lao đến người quân nhân. Một cảm xúc to lớn lan truyền đến cả các đám phóng viên ký giả chúng tôi.
 
Trong khi những người thân trong gia đình hồ hởi lao đến thì người quân nhân, Trung tá Robert L Stirm có vẻ khắc kỷ, dáng điệu rất hình thức, thậm chí có vẻ căng thẳng, anh ta bước đến một cách đĩnh đạc, chậm chạp. Sau đó là cả gia đình đến ôm lấy anh ta.

Sáu tháng sau đó, chúng tôi mới biết là bà vợ của Trung tá Stirm trước đó đã làm đơn xin ly dị và cũng đã viết thư thông báo cho Stirm biết trước khi anh ta trở về Mỹ. Tôi không biết rõ lý do của quyết định ly dị. Tôi tự nghĩ, giá như nếu không có tin vợ xin ly dị trước đó thì chắc có lẽ Stirm sẽ có những thái độ khác hoàn toàn với thái độ hôm đó. Sau ngày hội ngộ với nhau, vài tuần sau đó hai người đã chính thức làm thủ tục xa nhau vĩnh viễn.

Hôm đó, ngoài tôi ra cũng còn có một ký giả nhiếp ảnh khác của tờ San Francisco Examiner, cũng chụp một bức ảnh tương tự, hai bức ảnh chẳng khác chi tiết bao nhiêu, nhưng sau đó người ta đã chọn tấm ảnh của tôi cho giải Pulitzer prize. Tôi xem như đó là một điều hoàn toàn do may mắn. Quả thật tôi rất bất ngờ khi hay tin tấm ảnh của tôi thắng giải, thậm chí tôi cũng đã không biết trước là AP đã đăng ký dự giải thi ảnh bằng tên của tôi.
Dĩ nhiên cuộc đời ký giả nhiếp ảnh của tôi không dừng lại ở đó. Tôi đã quay trở lại chụp ảnh với những sự kiện bình thường khác.

Roma, 11/10/2015
(viết theo bài trên trang báo mạng "The Guardian")




Cuộc khủng bố hôm qua ở Ankara và một số sự kiện chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ.



Hôm qua 10/10/2015, một cuộc mít-tinh đòi hoà bình ở Ankara, thủ đô của Thỗ Nhĩ Kỳ, đã bị khủng bố bằng hai quả bom tự sát khiến 95 người thiệt mạng và hơn 245 người bị thương. Đây là một cuộc khủng bố lớn nhất từ trước đến nay ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hai quả bom tự sát đã nổ ngay gần nhà ga trung ương của Ankara, ngay khi đoàn mít-tinh chuẩn bị tuần hành. Đây là một cuộc mít-tinh do các công đoàn và một số tổ chức phi chính phủ tổ chức, có sự tham gia của nhiều đảng phái chính trị đối lập với chính phủ hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ (đọc là: đối lập với đảng của đương kim Tổng thống Thổ Recep Tayyip Erdoğan). Phần lớn những người tham gia mít-tinh là người gốc Kurd (Curdi) và ủng hộ hoặc cảm tình viên với đảng HDP (Halkların Demokratik Partisi – Đảng Dân Chủ Nhân Dân), một đảng chính trị cánh tả của người gốc Kurd, và là đảng đả giành chiến thắng chính trị lịch sử trong kỳ bầu cử Quốc hội Thổ hồi tháng 6 vừa qua và trở thành đảng đứng hàng thứ ba trong Quốc hội. 

 Bom tự sát nổ ngay phía sau lưng của hàng người đang mít-tinh

Ngay vào buổi chiều hôm qua, hàng vạn người đã xuống đường biểu tình ở Ankara và Istanbul để ủng hộ những nạn nhân của cuộc mít-tinh sáng hôm đó.

Có một vài sự kiện chính trị vây quanh vụ khủng bố nói trên:


1)     Ai là thủ phạm của cuộc khủng bố ?

Đây là câu hỏi lớn và cho bây giờ cũng chưa có một câu trả lời cụ thể. Chỉ biết là sau khi khủng bố nổ ra, đến nay vẫn chưa có một lực lượng hay đảng phái nào tuyên bố “cha đẻ” của cuộc đánh bom. “Bù lại” đang có rất nhiều giả thuyết và các phe phái trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ đang tố cáo lẫn nhau. Theo lời của Ahmet Davutoğl, Thủ tướng của chính phủ Thổ và là lãnh đạo của đảng AKP, (Adalet ve Kalkınma Partisi – Đảng vì Công Lý và Phát triển do Recep Tayyip Erdoğan sáng lập), đảng có đa số (nhưng không tuyệt đối để tự lập chính phủ), thì “rất có thể” thủ phạm của cuộc khủng bố là những thành phần nằm trong tổ chức PKK (Partîya Karkerén Kurdîstan – Đảng Lao Động Kurd), một đảng chính trị vũ trang đấu tranh đòi độc lập cho sắc tộc thiểu số Kurd ở Thổ, hoặc dính dáng đến các lực lượng của Nhà Nước Hồi Giáo ISIS, hoặc là của các tổ chức khủng bố cực tả. Nhưng phía lãnh đạo đảng HDP và những phong trào ủng hộ Kurd thì ngược lại lên án thủ phạm chính là “nhà nước chìm” (deep state), một từ vựng ở Thổ để ám chỉ các nhóm cực đoan của các tổ chức tình báo thường hợp tác chung với các lực lượng dân tộc cực đoan hữu khuynh và các nhóm Hồi giáo thánh chiến như ISIS. Đến nay chưa biết rõ ai là thủ phạm, và vì không có ai tuyên bố chính thức “cha đẻ” của cuộc đánh bom (và cũng rất có thể là sẽ không có ai đứng lên tuyên bố cả). Trong khi đó, dưới áp lực của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, mọi thông tin về chuyện đánh bom bị kiểm soát nghiêm ngặt, các mạng lưới xã hội trên Internet cũng bị “tường lửa”.

Sau khi bom nổ ...

2)     Chiến tranh với Kurd

Những người tuần hành mít-tinh hôm thứ bảy vừa qua xuống đường để chống lại những cuộc chạm súng bắn giết giữa cảnh sát và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng PKK từ hồi tháng 7 đến nay. Những cuộc chạm súng nói trên đã làm gián đoạn cuộc đình chiến đã được hai bên ký kết từ năm 2013, một thoả thuận đình chiến đã chấm dứt một cuộc chiến tranh kéo dài gần ba thập niên giữa chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và PKK và đã gây tử vong cho hàng chục ngàn người. Những cuộc chạm súng đã bắt đầu xảy ra sau một cuộc tấn công ám sát hàng chục lãnh đạo Kurd ở Suruc, một thành phố ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ và nằm sát với biên giới với Syria. Đảng PKK đã tố cáo chính phủ Thổ đã “đồng loã” trong vụ tấn công và do đó đã giết ba người cảnh sát Thổ để trả thù. Thế là chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả lại bằng những cuộc dội bom vào các căn cứ của PKK và những người “dân quân” của PKK đã bắt đầu tấn công cảnh sát và quân đội Thổ ở ngay trong các thành phố lớn.


3)     Kurd ? Họ là ai ?

Đó là một sắc tộc thiểu số có mặt rải rác ở Syria, Iraq, Iran và nhiều nhất là ở Thổ Nhĩ Kỳ nơi họ chiếm khoảng 20% dân số Thổ. Kurd là giống dân thường được gọi là “một dân tộc không có quốc gia trên thế giới”. Từ cả mấy thế kỷ nay, dân Kurd bị chia năm xẻ bảy sống rải rác ở khắp nơi trong khu vực Trung Đông. Bản thân sắc tộc Kurd này cũng chia ra làm nhiều phe phái chính trị và lực lượng vũ trang và cũng đôi khi cũng có “căng thẳng” giữa họ với nhau. Trong những năm gần đây, trong tình hình bất ổn định ở khu vực Trung Đông, những nhóm sắc tộc Kurd ở Iraq và ở Syria đã chiếm được nhiều vùng “tự trị”.

Về mặt chính trị thì hiện nay hai tổ chức chính trị lớn nhất của sắc tộc Kurd là đảng PKK, bị nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ xem như là một tổ chức “bất hợp pháp” và bị Châu Âu và Mỹ liệt kê vào danh sách các nhóm khủng bố, kế đến là đảng HDP. Đảng HDP đã có vai trò “trung gian” giữa các lực lượng vũ trang Kurd và chính phủ Thổ để tiến đến thoả hiệp ngưng bắn hồi năm 2013.


4)     Đảng HDP

Thổ Nhĩ Kỳ có một đạo luật bầu cử độc nhất vô nhị: mức độ phiếu tối thiểu để có thể được ngồi vào Quốc hội là 10%, mức độ cao nhất thế giới, (ở Ý chẳng hạn là 3%). Mục tiêu của chính phủ Thổ là nhằm loại bỏ các đảng phái Kurd ra khỏi Quốc hội. Nhưng hồi bầu cử tháng sáu vừa qua, đảng HDP là đảng Kurd đầu tiên “bước qua được ngưỡng của 10%” và trở thành đảng đứng hàng thứ ba trong Quốc hội Thổ. Nhưng điều quan trọng nhất là với sự có mặt của HDP, đảng AKP đã không có được đa số tuyệt đối ở Quốc hội như Erdoğan mong muốn, và do đó không lập được chính phủ, chính vì thế mà Erdoğan đã quyết định tuyên bố giải tán Quốc hội để bầu lại vào đầu tháng 11 sắp tới. Đảng HDP là một đảng tả “tận gốc rễ” (radicale), có quan hệ “bà con” với đảng Syriza của Tsipras ở Hy Lạp, và cũng sẽ có mặt tranh cử vào lần bầu cử Quốc hội “trước nhiệm kỳ” được tổ chức vào ngày 01/11/2015 sắp tới. Các cuộc thăm do ý kiến đến nay cho thấy là HPD sẽ có được 12-13%, ít hơn một chút so với kết quả hồi tháng sáu, tuy nhiên vẫn còn”thừa sức” để vượt qua ngưỡng cửa 10%.


5)     Bầu cử tháng sáu vừa qua.

Thắng cử vẻ vang của HDP hồi tháng sáu vừa qua cũng là một chiến bại tranh cử của đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan, “cha đẻ” của đảng AKP, lớn nhất trong Quốc hội. Từ lâu nay Erdoğan ôm ấp giấc mơ thay đổi hiến pháp để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành “Nhà nước Cộng hoà Tổng thống” giống như kiểu của Pháp (thực ra, theo một số ý kiến của các đảng đối lập, thì chủ đích của Erdoğan là trở thành Tổng thống “toàn trị” kiểu Vladimir Putin). Cho đến nay Erdoğan vẫn chưa có được đa số tuyệt đối trong Quốc hội để thông qua đề luật sửa đổi hiến pháp nói trên. Và tệ hơn nữa là hồi tháng sáu, với sự thắng cử của HDP, đảng của Erdoğan chỉ còn được đa số tương đối.


6)     Bầu cử tháng 11 sắp tới.

Theo nhận định của các giới phân tích chính trị thì hồi tháng 6, chính Erdoğan đã cố tình làm hỏng tất cả các nổ lực thương thuyết của Thủ tướng Davutoğlu để lập chính phủ. Mục tiêu của Erdoğan là phải nhanh chóng đi bầu lại với hy vọng là có được đa số tuyệt đối trong Quốc hội. Một số nhận định cho rằng chính Erdoğan đã cố tình làm gia tăng các căng thẳng quân sự với các lực lượng vũ trang Kurd để hút phiếu của các lực lượng dân tộc cực đoan hữu khunh để chiếm được đa số tuyệt đối trong Quốc hội.


7)     Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc chiến tranh chống ISIS hiện nay.

Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia khá đặc biệt trong khu vực: là một quốc gia đa số theo Hồi giáo, nhưng nhà nước mang tính thế tục (laic), chưa là thành viên của UE, nhưng lại có mặt trong liên minh quân sự NATO. Lý do là vị trí địa lý đặc biệt của Thổ: eo biển Istanbul của Thổ là cửa ngỏ duy nhất để hải quân của Nga từ Hắc Hải có thể vào được biển Địa Trung Hải. Do đó cần phải đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào liên minh NATO để kiểm soát được hoạt động ra vào biển Địa Trung Hải của Nga (Hy Lạp cũng trong tình hình tương tự). Nhưng từ lâu, dù rằng nằm trong liên minh NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không có được tiếng nói quan trọng, và nhất là Thổ vẫn chưa được kết nạp vào Liên Hiệp Châu Âu (dù rằng Thổ đã đóng vai trò quan trong trong suốt thời chiến tranh lạnh). Nay trước thời cơ các “ván bài” Trung Đông đang có chuyển biến, Thổ Nhĩ Kỳ muốn nhân cơ hội này nâng cao trọng lượng của mình trong khu vực. Trước mắt là Thổ cần “áp lực” lên các nước Châu Âu, và áp lực hiện nay Thổ có trong tay là hàng triệu người di cư Syria đang nằm trên đất Thổ. Chỉ cần Thổ mở cửa biên giới là hàng triệu người Syria sẽ tràn sang các nước UE, qua ngỏ của Hung hay qua Hy Lạp. Nếu Châu Âu không muốn bị quá tải người nhập cư, thì cần phải có những “đánh đổi” với Thổ Nhĩ Kỳ trên các ván bài tương lai trong khu vực Trung Đông.

Thái độ ứng xử của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống ISIS hiện nay (trên đất Syria) cũng có rất nhiều “bất cập”. 

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh ở Syria hồi năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ đã hổ trợ cho nhiều nhóm phản loạn chống lại chính uyền Damasco, kể luôn cả những nhóm Hồi giáo cực đoan hoặc ít nhiều có dây nhợ với ISIS. Hổ trợ các lực lượng nói trên Thổ Nhĩ Kỳ nhắm đến hai mục tiêu: thứ nhất là tìm cách gây tổn hại cho chính quyền của Bashar al Assad, vốn xưa nay là thù địch lịch sử của Thổ; thứ hai là nhằm tìm cách ngăn chận sự phát triển của các lực lượng Kurd ở phía Bắc Syria, vốn cũng là “thù địch” của nhà cầm quyền Ankara, và đã nằm dưới quyền kiểm soát của PKK.

Tuy rằng Thổ nằm thuộc phe liên minh NATO chống lại ISIS, nhưng các chiến lược oanh tạc không quân của Thổ không phải lúc nào cũng có mục tiêu là ISIS: theo thông tin báo chí gần đây thì đã nhiều lần không quân của Thổ mượn danh nghĩa oanh tạc các căn cứ quân sự của ISIS nhưng trên thực tế là oanh tạc các căn cứ quân sự của lực lượng Kurd PKK. Trong khi đó, Mỹ xem những lực lượng vũ trang của Kurd là một thứ “lục quân” phe Mỹ (thay lính Mỹ) có mặt trên hiện trường ở Syria. Thực ra thì mục tiêu tối hậu của Erdoğan vẫn là nhằm tiêu diệt các lực lượng vũ trang Kurd, do đó Erdoğan cũng không mấy “tận lực” chống lại hoàn toàn ISIS, vì Erdoğan cũng muốn nhờ tay ISIS tiêu diệt Kurd. Người ta gọi chính sách của Erdoğan là “bạn của đồng minh ta (tức là Kurd là "bạn" của đồng minh của Thổ là Mỹ) chưa hẳn là bạn của ta”.

Roma, 11/10/2015

7 tháng 10, 2015

To be or not to be ????


Nhân chuyện có “tin đồn” là chính phủ Ý, dưới áp lực của chính quyền Obama, có thể phải tham chiến bằng không quân trên lãnh thổ Iraq để chống lại các lực lượng IS.

Bài này được "phỏng dịch" từ bài "Bombardare sì o no ? In ogni caso è inutile" của Lucia Annunziata đăng trên báo mạng "l'Huffington Post" ngày 06/10/2015.

Nếu như các tướng tá quân đội trên thế giới hay nói: “Không thể nào thắng một cuộc chiến tranh chỉ bằng không quân”, và nếu cứ cho rằng 4 chiếc máy bay oanh tạc chỉ là một giọt nước trong lòng đại dương đầy vũ khí đang được xử dụng ở Trung Đông, và nếu người ta cẩn thận suy xét đầy đủ mọi khía cạnh của vấn đề, thì có thể nói thẳng ra rằng: kịch bản sử dụng các máy bay chiến đấu của Ý ở Iraq chắc chắn sẽ là một vấn đề quốc tế gay góc đầu tiên mà chính phủ Renzi sẽ phải đối phó. Cho dù là Renzi có quyết định tham chiến hay không.  Chưa chi mà các lực lượng phe phái chính trị đã bắt đầu tung hoả pháo khắp nơi. Chắc chắn là chính phủ sẽ phải đối phó với cả một “mặt trận” chống tham chiến, nhưng đồng lúc cũng khó mà chính phủ có thể từ chối “lời mời” tham chiến của một liên minh quân sự mà Ý vốn đã là thành viên (liên minh chống IS). Và nhất là trong thời gian gần đây chính Renzi đã lớn tiếng đòi hỏi “một vai trò quan trọng” (thậm chí “lãnh đạo”) trong các kế hoạch chính trị can thiệp quân sự ở Trung Đông.

 Phi cơ chiến đấu Tornado của không quân Ý

Những gì đang xẩy ra trong thời gian gần đây ở khu vực Trung Đông, qua lá bài “chống khủng bố IS”, đang  tạo ra những căng thẳng nguy hiểm hơn bất cứ lúc nào hết: căng thẳng giữa Nga và Mỹ cùng với các đồng minh. (Thậm chí có báo chí còn tuyên đoán rằng đây sẽ là bước đầu mở màn cho một cuộc chiến tranh lạnh mới).

Chỉ cần điểm qua những sự kiện: Putin đang bị cô lập trên sân khấu quốc tế kể từ khi có chiến tranh ở Ukraine và quyết định sát nhập Crimea, bị “hất” ra khỏi các cuộc họp thượng đỉnh (G8 ngày xưa bây giờ trở lại thành G7), và đang lần lần mất dần ảnh hưởng trên một số khu vực. Nhưng cũng chính Putin đã nhanh chóng kịp thời nhận ra sự “trống vắng” của các hoạt động can thiệp của chính sách đối ngoại Mỹ bởi vì Obama hầu như “dị ứng” với mọi khả năng tham chiến trực tiếp (đổ quân), đặc biệt là ở khu vực Trung Đông. (Obama đã tốn hai nhiệm kỳ để tìm cách rút quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan và Iraq, còn mấy tháng nữa là Obama “về hưu”, ông ta muốn được ghi vào lịch sử như một Tổng Thống đã giải quyết được tàn dư do Bush để lại, và không đem lính Mỹ đi nướng ở chỗ khác. Và cũng chính vì thế mà Obama có thái độ “lưỡng lự” như hiện nay ở Syria. Nhưng phía bên Bộ Quốc phòng Mỹ thừa biết là với Tổng thống mới, dù Dân Chủ hay Cộng Hoà, rất có thẻ là Mỹ sẽ mạnh tay can thiệp, chính vì thế mà Lầu Năm Góc đang lên chuẩn bị các kế hoạch quân sự cho tương lai). Và thế là Putin đã tận dụng thời cơ để “trám” vào “chỗ trống” của Mỹ. Về mặt công tác ngoại giao Putin đã ra sức ve vãn hàng loạt lãnh đạo trên thế giới, từ Thủ tướng Isreal đến Ý, từ các lãnh đạo Iran đến những lãnh đạo của các quốc gia “thù địch” với Iran như Ả Rập Saudit. Trong những cuộc gặp gỡ như thế, từ các nước Ả Rập đến các quốc gia Tây phương, Putin có gắng đưa ra một viễn ảnh trong đó ... Nga là một “đồng minh không thể thiếu” trong cuộc chiến chống lại khủng bố. Song song đó Nga đã tăng cường hoạt động quân sự ở cảng Tartus (Syria), vốn là căn cứ hải quân duy nhất mà Nga đang có ở Trung Đông, đưa con số lính Nga lên thành 2 ngàn người, và tăng cường phi cơ chiến đấu ở căn cứ quân sự Latakia.

Với bước đi táo bạo nói trên, chỉ trong vài ngày Nga đã cho Mỹ “đo ván”: chứng minh sự “bất lực” của Mỹ và đồng thời đưa Nga thoát ra khỏi sự cô lập quốc tế (trong cuộc gặp gỡ song phương giữa Putin và Obama bên lề cuộc họp Đại Hội Đồng LHQ hai bên đã bàn đến khả năng “hợp tác quân sự” để đối phó với chiến tranh ở Syria). Từ trước đến nay chính quyền Obama vẫn đeo đuổi chiến thuật ném bom ở Syria và ở Iraq, nhưng kết quả thì không mấy khả quan, chính những chuyên gia của các Uỷ ban Đối ngoại và Uỷ ban Quốc phòng của Quốc hội Mỹ đã khẳng định rằng Mỹ không có một chiến lược có khả năng ngăn chận làn sóng của lực lượng khủng bố IS. Thế là trước quyết định “leo thang” của Nga, Mỹ bắt buộc phải xem lại và tổ chức lại các hoạt động quân sự của nhóm “liên minh” trong khu vực.

Trừ phi Mỹ và Nga tìm ra được một thoả thuận để giải quyết vai trò của Assad, (thoả thuận mà cho đến giờ phút này xem ra không khả thi bởi vì chính vị trí vai trò của Assad đang là đầu dây mối nợ của những quyết định can thiệp của Tây phương vào cuộc chiến tranh ở Syria), còn hiện nay người ta chỉ thấy những sự kiện gây thêm căng thẳng giữa Washington và Mạc Tư Khoa.

 Putin và Obama

Trong bối cảnh căng thẳng kiểu “trâu bò (sắp) húc nhau” như thế … thì nổ ra khả năng tham chiến của các phi cơ chiến đấu của Ý. Hiện nay, vẫn trong kế hoạch liên minh hợp tác chống IS, Ý có 4 chiếc Tornado được đưa sang Kuwait, và thông thường các chiến đấu cơ này chỉ làm nhiệm vụ trinh sát và đánh dấu toạ độ những khu vực có sự hiện diện của quân IS (tức là không trực tiếp tham gia oanh tạc – và các thông tin do máy bay Ý thu thập sẽ được đưa cho phía không quân Mỹ sử dụng để ném bom). Và trong tình hình như thế (đã là thành viên của liên minh hợp tác quân sự) thì cũng khó cho chính phủ Ý từ chối “lời mời” của Mỹ tham gia trực tiếp oanh tạc trên địa bàn Iraq

Tham gia trực tiếp là một quyết định đúng hay sai ? Nhưng trước khi đánh giá đúng hay sai về mặt chính trị, còn có một câu hỏi rất cụ thể: những cuộc oanh tạc (nếu xảy ra) của 4 chiếc Tornado của Ý sẽ … làm thay đổi … cái gì đó trong cuộc chiến tranh chống IS hay không ? Dựa trên kinh nghiệm xưa nay đến từ các cuộc chiến tranh trước đây thì có thể nói là quyết định “can thiệp trực tiếp” của Ý vừa … trễ vừa … vô ích trên bình diện quân sự. Tất cả những cuộc oanh tạc cả năm nay ở Iraq cho thấy đó chỉ là những hoạt động “có tính phô trương lực lượng” nhiều hơn là để thay đổi chiến cục và để cứu vớt quân đội Iraq. Nếu nói đến Syria thì những hoạt động không kích lại càng thêm vô hiệu quả. Lý do là bởi sự phân tán mánh mung của các lực lượng vũ trang, cả bên phe chống chính quyền, lẫn bên phe thân chính phủ, lẫn bên phía Hồi giáo cực đoan, (chỉ nội bên phe chống chính phủ đã có hơn 40 giáo phái). Điều này cũng khiến việc oanh tạc cũng trở nên khó khăn và không đạt hiệu quả (cũng như dùng máy cắt cỏ để cắt những một vài đốm cỏ này nhưng vẫn giữ một vào đốm cỏ kia).

Ở Syria và Iraq người ta cũng khó biết ai chống ai và đâu là lằn ranh giữa các lực lượng. Hình ảnh Mỹ và đồng minh cùng với Nga chiến đấu bên cạnh mớ lực lượng vũ trang hổ đốn ở trên một địa bàn không có lằn ranh … thì chẳng khác nào như đi trên một bãi mìn. Và khả năng đụng chạm “rủi ro” không cố ý giữa các lực lượng Mỹ và đồng minh với lực lượng Nga …. là rất khả thi: chẳng hạng máy bay Mỹ “bắn lầm” máy bay Nga hay ngược lại, hoặc máy bay Nga “oanh tạc lầm” các lực lượng đồng minh của Mỹ….

Cách giải quyết vấn đề chiến tranh ở Syria nói riêng, vấn đề ổn định trong khu vực Trung Đông nói chung, dựa trên câu hỏi đơn giản “tham chiến” hay “không tham chiến” bằng không quân ….  cũng cho thấy ngay từ đầu sẽ thất bại.

Nếu muốn diệt IS thì chỉ còn có một trong hai cách:  hoặc trực tiếp tham chiến, với lực lượng quân sự ngay trên địa bàn (và với những cái giá chính trị sẽ phải trả); hoặc một giải pháp đàm phán hiệp thương … trong đó có cả Nga tham dự.

Roma, 06/10/2015
 phỏng dịch

6 tháng 10, 2015

Khi “thượng đế” liếm !!!



Bài này nguyên tác mang tên “La lezione cinese per Mr. Facebook (Bài học Trung Quốc dành cho Mr. Facebook) của Giampaolo Visetti đặc phái viên thường trú của “la Repubblica” ở Bắc Kinh, đăng trên tờ báo mạng “la Repubblica SERA” del 06/10/2015)




Chủ tịch Tập Cận Bình đã “tặng” cho người sáng lập mạng xã hội Facebook, anh chàng Mỹ Marc Zuckerberg một bài học “để đời”: cần phải biết phân biệt áp-phe làm ăn với tình yêu. Bài học diễn ra ngay ở Nhà Trắng, biểu tượng của nước Mỹ, trước mặt của Tổng thống Obama và của đệ nhất phu nhân Michelle cùng một số “thượng đế” có máu mặt trong làng doanh nghiệp Mỹ. Chuyện xảy ra nhân dịp Tập công du sang Mỹ (24-27/09/2015) và trong dịp đó Obama đã tổ chức chiêu đãi, và đã được “một vài người” có mặt hôm đó kể lại với báo chí. Câu chuyện “bài học” này hiện đang được truyền miệng khắp nơi và đang được chính quyền Bắc Kinh “tận dụng” để tuyên truyền “tính ưu việt của nền văn minh cổ Châu Á so với nền văn minh còn non nớt của nước cờ hoa”.

Sự tình câu chuyện là thế này: (những người kể lại với báo chí xin được dấu tên), khi bữa tiệc gần tàn thì Marc Zuckerberg đã đứng lên xin được phát biểu, và quay sang vị thượng khách, Marc cầu xin Tập “gợi ý” một cái tên Trung Quốc để đặt cho con gái mà vợ của Marc, một người đàn bà Trung Quốc mang tên Priscilla Chan, đang sắp sửa cho chào đời.

 Marc Zuckerberg và bà vợ Trung Quốc Priscilla Chan

Mister Facebook, 31 tuổi, nói được tiếng Quan thoại, nhắc lại những kỷ niệm khi ở Trung Quốc hắn ở nhờ nhà của những người họ hàng bên vợ, và hắn tuyên bố là rất lấy làm hảnh diện nếu Chủ tịch Tập tìm cho một cái tên Trung Quốc cho con gái của hắn. Tập Cận Bình cười một cách hơi lúng túng vị bị bất ngờ, nhưng câu trả lời của hắn cũng rất “bén”: “Không, hắn nói một cách lịch sự, đặt tên cho một người là chuyện rất quan trọng, đòi hỏi quá nhiều trách nhiệm nên không thể khơi khơi ứng khẩu được.” Những người kể chuyện nói là bàn tiệc ở Nhà Trắng lúc ấy, đầy mặt bá quan văn võ, chẳng hạn như “thượng đế” của Apple, của Microsoft, của Amazon …. bỗng dưng bị một sự im lặng ngột ngạt bao trùm. Chỉ mới có mấy phút trước đó, Chủ tịch của Facebook, với trong tay một tài sản có trị giá 9,4 tỉ đô-la, đã hồ hởi tuyên bố rằng … “hội kiến được với Tập Cận Bình là một “cái mốc quan trọng trong cuộc đời của tôi". (Marc dùng từ milestone – tảng đá ngàn năm).

Lời lẽ tu từ xu nịnh quá trớn của Marc Zuckerberg đối với Tập Cận Bình ... thực ra thì chỉ nhằm vuốt ve để (hy vọng) “tháo gỡ” những khó khăn trong áp phe của Facebook ở Trung Quốc. Kể từ năm 2009 mạng Facebook  bị “ngăn sông cấm chợ” ở Trung Quốc (bị tường lửa kiểm duyệt của Bắc Kinh chận) vì Facebook bị lên án là đã có những hành vi “ủng hộ” những cuộc chống đối chính quyền Trung Quốc trong cao trào của những cuộc nổi dậy ở các nước Ả Rập (mùa xuân Ả Rập). Và tình trạng “ngăn sông cấm chợ” hiện nay đã khiến Zuckerberg không “vói tới” được hơn 600 triệu “người tiêu dùng Facebook” (tức là mất hàng tỉ đô-la thu về từ các dịch vụ quảng cáo ăn theo).

Khi Tập nói “trách nhiệm” (trong câu trả lời với Marc), Tập đã muốn nhắn hai thông điệp đến vị “thượng đế” tuổi trẻ tài cao Mỹ: đời sống riêng tư cần phải được đặt trên luôn cả tiền bạc sang giàu, và không nên lợi dụng tình yêu để làm áp phe. Nhưng đồng lúc Tập cũng đã “tin tiễn” sang Tây phương rằng Trung Quốc lúc nào cũng vẫn muốn thực thi đứng đắn các luật lệ, dù đó là những luật lệ thiếu dân chủ, của nhà nước Trung Quốc.

Thế là cả bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh đang ra rả “tụng” rằng việc đặt tên là chuyện quan trọng, cực kỳ quan trọng vì nó hàm chứa những yếu tố văn hoá văn chương, nó biểu tượng cho dòng dỏi của người đó (họ tên),và nó cũng có thể tác động một cách quyết định lên cuộc đời của người mang tên đó. Không bao giờ một người Trung Quốc dám đường đột hỏi một người khác gợi ý công khai tên để đặt cho con cái của mình.

Cử chỉ “mơn trớn vuốt ve” của anh chàng Zuckerberg, có thể xuất phát từ một mối “thiện cảm cá nhân” nào đó đới với Tập ... nhưng rồi trở thành “gậy ông đâp lưng ông” ... và có thể sẽ làm “thiệt hại” dăm ba tỉ đô-la cho Marc.

Bài học của Tập là: thứ nhất, đừng trộn lộn nhầm lẫn áp-phe với cuộc sống riêng tư; thứ hai là một sự thống trị (egemonia – tức ám chỉ Mỹ) sẽ không bao giờ tiêu diệt được một nền văn minh (ám chỉ Trung Quốc).

Bài học của Tập là nhắm vào “nền tư bản Mỹ”: nhưng Chủ tịch Đại Hán, khi cố tình làm nhục Facebook, biểu tượng của các mạng xã hội, cũng muốn “tin tiễn” tới những thành phần đang chỉ biết đến tiêu thụ (neo-consumismo) đang bắt đầu nở rộ ở Trung Quốc.

Roma 06/10/2015

 chuyển ngữ