7 tháng 10, 2015

To be or not to be ????


Nhân chuyện có “tin đồn” là chính phủ Ý, dưới áp lực của chính quyền Obama, có thể phải tham chiến bằng không quân trên lãnh thổ Iraq để chống lại các lực lượng IS.

Bài này được "phỏng dịch" từ bài "Bombardare sì o no ? In ogni caso è inutile" của Lucia Annunziata đăng trên báo mạng "l'Huffington Post" ngày 06/10/2015.

Nếu như các tướng tá quân đội trên thế giới hay nói: “Không thể nào thắng một cuộc chiến tranh chỉ bằng không quân”, và nếu cứ cho rằng 4 chiếc máy bay oanh tạc chỉ là một giọt nước trong lòng đại dương đầy vũ khí đang được xử dụng ở Trung Đông, và nếu người ta cẩn thận suy xét đầy đủ mọi khía cạnh của vấn đề, thì có thể nói thẳng ra rằng: kịch bản sử dụng các máy bay chiến đấu của Ý ở Iraq chắc chắn sẽ là một vấn đề quốc tế gay góc đầu tiên mà chính phủ Renzi sẽ phải đối phó. Cho dù là Renzi có quyết định tham chiến hay không.  Chưa chi mà các lực lượng phe phái chính trị đã bắt đầu tung hoả pháo khắp nơi. Chắc chắn là chính phủ sẽ phải đối phó với cả một “mặt trận” chống tham chiến, nhưng đồng lúc cũng khó mà chính phủ có thể từ chối “lời mời” tham chiến của một liên minh quân sự mà Ý vốn đã là thành viên (liên minh chống IS). Và nhất là trong thời gian gần đây chính Renzi đã lớn tiếng đòi hỏi “một vai trò quan trọng” (thậm chí “lãnh đạo”) trong các kế hoạch chính trị can thiệp quân sự ở Trung Đông.

 Phi cơ chiến đấu Tornado của không quân Ý

Những gì đang xẩy ra trong thời gian gần đây ở khu vực Trung Đông, qua lá bài “chống khủng bố IS”, đang  tạo ra những căng thẳng nguy hiểm hơn bất cứ lúc nào hết: căng thẳng giữa Nga và Mỹ cùng với các đồng minh. (Thậm chí có báo chí còn tuyên đoán rằng đây sẽ là bước đầu mở màn cho một cuộc chiến tranh lạnh mới).

Chỉ cần điểm qua những sự kiện: Putin đang bị cô lập trên sân khấu quốc tế kể từ khi có chiến tranh ở Ukraine và quyết định sát nhập Crimea, bị “hất” ra khỏi các cuộc họp thượng đỉnh (G8 ngày xưa bây giờ trở lại thành G7), và đang lần lần mất dần ảnh hưởng trên một số khu vực. Nhưng cũng chính Putin đã nhanh chóng kịp thời nhận ra sự “trống vắng” của các hoạt động can thiệp của chính sách đối ngoại Mỹ bởi vì Obama hầu như “dị ứng” với mọi khả năng tham chiến trực tiếp (đổ quân), đặc biệt là ở khu vực Trung Đông. (Obama đã tốn hai nhiệm kỳ để tìm cách rút quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan và Iraq, còn mấy tháng nữa là Obama “về hưu”, ông ta muốn được ghi vào lịch sử như một Tổng Thống đã giải quyết được tàn dư do Bush để lại, và không đem lính Mỹ đi nướng ở chỗ khác. Và cũng chính vì thế mà Obama có thái độ “lưỡng lự” như hiện nay ở Syria. Nhưng phía bên Bộ Quốc phòng Mỹ thừa biết là với Tổng thống mới, dù Dân Chủ hay Cộng Hoà, rất có thẻ là Mỹ sẽ mạnh tay can thiệp, chính vì thế mà Lầu Năm Góc đang lên chuẩn bị các kế hoạch quân sự cho tương lai). Và thế là Putin đã tận dụng thời cơ để “trám” vào “chỗ trống” của Mỹ. Về mặt công tác ngoại giao Putin đã ra sức ve vãn hàng loạt lãnh đạo trên thế giới, từ Thủ tướng Isreal đến Ý, từ các lãnh đạo Iran đến những lãnh đạo của các quốc gia “thù địch” với Iran như Ả Rập Saudit. Trong những cuộc gặp gỡ như thế, từ các nước Ả Rập đến các quốc gia Tây phương, Putin có gắng đưa ra một viễn ảnh trong đó ... Nga là một “đồng minh không thể thiếu” trong cuộc chiến chống lại khủng bố. Song song đó Nga đã tăng cường hoạt động quân sự ở cảng Tartus (Syria), vốn là căn cứ hải quân duy nhất mà Nga đang có ở Trung Đông, đưa con số lính Nga lên thành 2 ngàn người, và tăng cường phi cơ chiến đấu ở căn cứ quân sự Latakia.

Với bước đi táo bạo nói trên, chỉ trong vài ngày Nga đã cho Mỹ “đo ván”: chứng minh sự “bất lực” của Mỹ và đồng thời đưa Nga thoát ra khỏi sự cô lập quốc tế (trong cuộc gặp gỡ song phương giữa Putin và Obama bên lề cuộc họp Đại Hội Đồng LHQ hai bên đã bàn đến khả năng “hợp tác quân sự” để đối phó với chiến tranh ở Syria). Từ trước đến nay chính quyền Obama vẫn đeo đuổi chiến thuật ném bom ở Syria và ở Iraq, nhưng kết quả thì không mấy khả quan, chính những chuyên gia của các Uỷ ban Đối ngoại và Uỷ ban Quốc phòng của Quốc hội Mỹ đã khẳng định rằng Mỹ không có một chiến lược có khả năng ngăn chận làn sóng của lực lượng khủng bố IS. Thế là trước quyết định “leo thang” của Nga, Mỹ bắt buộc phải xem lại và tổ chức lại các hoạt động quân sự của nhóm “liên minh” trong khu vực.

Trừ phi Mỹ và Nga tìm ra được một thoả thuận để giải quyết vai trò của Assad, (thoả thuận mà cho đến giờ phút này xem ra không khả thi bởi vì chính vị trí vai trò của Assad đang là đầu dây mối nợ của những quyết định can thiệp của Tây phương vào cuộc chiến tranh ở Syria), còn hiện nay người ta chỉ thấy những sự kiện gây thêm căng thẳng giữa Washington và Mạc Tư Khoa.

 Putin và Obama

Trong bối cảnh căng thẳng kiểu “trâu bò (sắp) húc nhau” như thế … thì nổ ra khả năng tham chiến của các phi cơ chiến đấu của Ý. Hiện nay, vẫn trong kế hoạch liên minh hợp tác chống IS, Ý có 4 chiếc Tornado được đưa sang Kuwait, và thông thường các chiến đấu cơ này chỉ làm nhiệm vụ trinh sát và đánh dấu toạ độ những khu vực có sự hiện diện của quân IS (tức là không trực tiếp tham gia oanh tạc – và các thông tin do máy bay Ý thu thập sẽ được đưa cho phía không quân Mỹ sử dụng để ném bom). Và trong tình hình như thế (đã là thành viên của liên minh hợp tác quân sự) thì cũng khó cho chính phủ Ý từ chối “lời mời” của Mỹ tham gia trực tiếp oanh tạc trên địa bàn Iraq

Tham gia trực tiếp là một quyết định đúng hay sai ? Nhưng trước khi đánh giá đúng hay sai về mặt chính trị, còn có một câu hỏi rất cụ thể: những cuộc oanh tạc (nếu xảy ra) của 4 chiếc Tornado của Ý sẽ … làm thay đổi … cái gì đó trong cuộc chiến tranh chống IS hay không ? Dựa trên kinh nghiệm xưa nay đến từ các cuộc chiến tranh trước đây thì có thể nói là quyết định “can thiệp trực tiếp” của Ý vừa … trễ vừa … vô ích trên bình diện quân sự. Tất cả những cuộc oanh tạc cả năm nay ở Iraq cho thấy đó chỉ là những hoạt động “có tính phô trương lực lượng” nhiều hơn là để thay đổi chiến cục và để cứu vớt quân đội Iraq. Nếu nói đến Syria thì những hoạt động không kích lại càng thêm vô hiệu quả. Lý do là bởi sự phân tán mánh mung của các lực lượng vũ trang, cả bên phe chống chính quyền, lẫn bên phe thân chính phủ, lẫn bên phía Hồi giáo cực đoan, (chỉ nội bên phe chống chính phủ đã có hơn 40 giáo phái). Điều này cũng khiến việc oanh tạc cũng trở nên khó khăn và không đạt hiệu quả (cũng như dùng máy cắt cỏ để cắt những một vài đốm cỏ này nhưng vẫn giữ một vào đốm cỏ kia).

Ở Syria và Iraq người ta cũng khó biết ai chống ai và đâu là lằn ranh giữa các lực lượng. Hình ảnh Mỹ và đồng minh cùng với Nga chiến đấu bên cạnh mớ lực lượng vũ trang hổ đốn ở trên một địa bàn không có lằn ranh … thì chẳng khác nào như đi trên một bãi mìn. Và khả năng đụng chạm “rủi ro” không cố ý giữa các lực lượng Mỹ và đồng minh với lực lượng Nga …. là rất khả thi: chẳng hạng máy bay Mỹ “bắn lầm” máy bay Nga hay ngược lại, hoặc máy bay Nga “oanh tạc lầm” các lực lượng đồng minh của Mỹ….

Cách giải quyết vấn đề chiến tranh ở Syria nói riêng, vấn đề ổn định trong khu vực Trung Đông nói chung, dựa trên câu hỏi đơn giản “tham chiến” hay “không tham chiến” bằng không quân ….  cũng cho thấy ngay từ đầu sẽ thất bại.

Nếu muốn diệt IS thì chỉ còn có một trong hai cách:  hoặc trực tiếp tham chiến, với lực lượng quân sự ngay trên địa bàn (và với những cái giá chính trị sẽ phải trả); hoặc một giải pháp đàm phán hiệp thương … trong đó có cả Nga tham dự.

Roma, 06/10/2015
 phỏng dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét