30 tháng 11, 2015

Bộ tam Obama, Tập và Modi: vận mạng của quả địa cầu nằm trong tay của những tay gây ô nhiễm nhiều nhất trên thế giới.



Nguyên tác bài này có tên là “Obama, Xi e Modi: le sorti del pianeta nelle mani dei grandi inquinatori” của đặc phái viên Federico Rampini ở New York của nhật báo la Repubblica đăng ngày 30/11/2015.


Coi chừng ba tay đó. Hôm nay trong ngày khai mạc thượng đỉnh quốc tế về khí hậu COP21, ba “diễn viên” chính trên sân khấu là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ với hai cuộc “gặp gỡ song phương”: cái thứ nhất là giữa Barack Obama với Tập Cận Bình, cái thứ hai là giữa Obama với Narendra Modi. Đó là những thành viên của một câu lạc bộ mới: “Câu lạc bộ của những tay gây ô nhiễm nhiều nhất trên địa cầu”. Tất cả những gì mà các tay này “nói chuyện” với nhau trong các cuộc gặp gỡ song phương sẽ là “cốt lõi” của cuộc họp thượng đỉnh lần này. Cuộc họp thượng đỉnh lần này coi như đã “xếp xó” các hiệp ước trước đây – vốn không mấy thành công – đã được ký ở Kyoto (1997) và ở Copenaghen (2009) theo đó thì các quốc gia chỉ bị ràng buộc về mặt “pháp lý” trong việc thải quá độ liều lượng thán khí CO2 so với các tiêu chuẩn mà cộng đồng quốc tế đã đặt ra. Quá khứ đã cho thấy là mục tiêu “pháp lý” nói trên đã không có tính khả thi. Chính vì thế mà bây giờ người ta đặt trọng tâm vào “quyết tâm chính trị”, xem đó như là phương hướng có tính chiến lược mà mỗi siêu cường sẽ phải quyết định áp dụng.


Barack Obama: Mỹ gây ô nhiễm ít hơn Trung Quốc, nhưng bình quân đầu người thì dân Mỹ vẫn còn là vô địch gây ô nhiễm.

Tập Cận Bình: chuyển đổi nền kinh tế là vấn đề hàng đầu và Tập không cần phải đợi sự đồng thuận của xã hội Trung Quốc.

Nerandra Modi: rất nhiều nhà ở Ấn Độ vẫn chưa có điện, và năng lượng rẽ nhất đối với Ấn Độ vẫn là nhiệt điện than đá.


Tương lai của nhân loại, của sự sống còn của quả địa cầu, tất cả đều đang nằm trong tay của bộ tam Obama-Tập-Modi. Trung Quốc hiện đang bị xem như là “vô địch” trong việc thải thán khí, thậm chí qua mặt cả Mỹ kể từ năm 2008 lúc Mỹ đang bị “thoái trào” vì cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính khổng lồ lúc ấy. Ấn Độ thì “bám sát” Trung Quốc: theo các thống kê thì năm nay Ấn Độ đã qua mặt Trung Quốc về vận tốc tăng trưởng của GDP (tức là tỉ số phần trăm tăng GDP so với năm trước), và do đó mức độ tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ cũng tăng theo. Trên thế giới, nếu không xếp toàn bộ Châu Âu như là một thực thể duy nhất thì Ấn Độ được xếp vào hàng thứ ba vô địch thải thán khí. Tuy nhiên, nói gì thì nói, Mỹ vẫn còn cầm cờ quán quân về tỉ số thán khí thải ra bình quân trên đầu người: một anh Mỹ mỗi năm thải ra lượng thán khí gấp ba lần so với một anh Trung Quốc và mười lần so với một anh Ấn Độ. Nhưng ở đây, cái lối tính toán đo lường như kể trên xem ra cũng đã quá … “lỗi thời”. Và do đó các đường lối chính trị dựa theo các tính toán ấy … cũng chẳng có một … hiệu quả nào cả. Vấn đề môi trường ô nhiễm là vấn đề chung của toàn quả địa cầu, của toàn nhân loại, nó ảnh hưởng đến các đại dương cũng như các vùng băng hà trên thế giới, nó tác động lên vấn đề nhiệt độ và bầu khí quyển, tức là toàn là những thứ … vượt ra ngoài khuông khổ biên giới quốc gia. Trong khi đó “người ta” vẫn cứ ngồi đo lường đong đếm CO2 dựa trên … địa bàn của từng nước. Chính đây là điểm bất cập làm cho mọi so sánh trở nên khập khiễng: 315 triệu dân Mỹ đòi “so bì” với 2 tỉ rưỡi người Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại …

Và trong bối cảnh “so bì” kể trên thì Châu Âu … bị hất ra bên lề. Cái lục địa già nua cằn cỗi này “chỉ” thải ra có 9%  thán khí. Con số phần trăm này cũng có thể làm cho người Châu Âu có một cảm giác “bất lực”, không có “trọng lượng” … trên ván bài quốc tế. Nhưng thực ra cái phần trăm “khiêm tốn” nói trên của Châu cũng chỉ là thành quả một “nhận thức sai lệch” do những ảo ảnh của các lăng kính tạo ra. Bởi vì cái con số 9% “khiêm tốn” lượng thán khí thải ra … là do nền kinh tế của Châu Âu đang trong giai đoạn trì trệ khủng hoảng, tương tự cũng như chuyện số lượng thải thán khí của Trung Quốc “qua mặt” Mỹ … chỉ vì nền kinh tế Mỹ đang hồi gặp “nạn”. Một ngày nào đó khi nền kinh tế sản xuất của Châu Âu vượt qua được cơn khủng hoảng – điều mà các thanh niên trẻ đang thất nghiệp ở Châu Âu mong đợi – thì chắc con số phần trăm thán khí của Châu Âu thải ra sẽ không “khiêm nhường” như hiện nay. Một yếu tố khác cũng gây “ngộ nhận” về con số thải thán khí “khiêm tốn” của Châu Âu là quá trình “phi công nghiệp hoá” (deindustrializzazione). Từ lâu Châu Âu đã bắt đầu di dời một số dây chuyền sản xuất hàng hoá công nghiệp vốn “ngốn” nhiều năng lượng và do đó cũng thải ra nhiều thán khí làm ô nhiễm môi trường Châu Âu. Nhưng chỉ có điều là mỗi khi người tiêu dùng Châu Âu mua một món hàng “made in China” (hoặc của Nam Hàn, của Bangladesh, của Việt Nam) là chính Châu Âu đang “đóng góp” thải thán khí gây ô nhiễm môi trường. Nói cách khác là Châu Âu giàu có và văn minh, và có ý thức về bảo vệ môi trường, đã “uỷ nhiệm” cho các nền kinh tế đang vươn lên tiếp tục thải thán khí và gây ô nhiễm.

Trở lại bộ tam Obama-Tập-Modi. Đây là một “tập thể” tích tụ tất cả cốt lõi thực sự của vấn đề, và cũng cho người ta thấy những khác biệt chia rẽ của các siêu cường trong vấn đề kiểm soát thán khí. Cái cung cách hành xử kiểu thù hằn ái quốc của Ngài Thủ tướng Ấn Độ Modi có thể làm cho người ta bực, nhưng chính nhờ đó mà Modi đang trở thành một thứ lãnh đạo của phía “Nam bán cầu”. Có thể người ta không ưa cái lối giải quyết chuyện ô nhiễm môi trường của Modi bằng những tính toán lời lãi kiểu kế toán: đưa cho ta bao nhiêu thì ta sẽ cho mi biết là ta có thể làm tới đâu. Vì đấy là vấn đề “chuyển dịch” từ Bắc bán cầu xuống Nam bán cầu 100 tỉ đô-la hứa hẹn cho các quốc gia đang vươn lên để tài trợ cho các dự án chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững (sviluppo sostenibile); đó là những quỹ tài trợ khiêm tốn, và cũng chỉ tài trợ một phần nhỏ nào đó thôi. Nhưng thực ra trên ván cờ Bắc-Nam này cũng đầy những ngờ vực đố kỵ lẫn nhau. Bao nhiêu phần tiền tài trợ sẽ được dùng để “xuất khẩu” các kỹ thuật công nghệ tiên tiến “made in USA”, “made in China” hoặc “made in Germany” ? Và rồi bao nhiêu phần tài trợ này sẽ rơi vào các túi tham nhũng hối lộ của tầng lớp lãnh đạo địa phương tham ăn háo uống ?

Nhưng ngoài những nghi ngờ đố kỵ nói trên, trong câu chuyện Bắc-Nam này có một điều mà không ai có thể phủ nhận được: đó là những tấm không ảnh chụp quả địa cầu về đêm từ các vệ tinh, trong đó cường độ của các ánh sáng đèn nhân tạo phản ảnh sự giàu có thịnh vượng. Chỗ nào thiên hạ sống sung túc thì ở đó ban đêm ánh đèn sáng hơn. Bên cạnh đó là những vùng đất rộng lớn hầu như chìm ngập trong bóng tối: đó là những vùng đất phần lớn nằm ở Phi Châu, và một phần khá lớn của tiểu lục địa Ấn Độ. Và chính những tấm không ảnh đó biện minh cho những đòi hỏi ái quốc cằn cộc của Modi. Về đêm có một ngọn đèn điện trong nhà là một quyền lợi bức thiết của tất cả nhân loại: một ngọn đèn để sinh hoạt, để trẻ con có thể học hành. Chỉ một ngọn đèn điện. Nhưng vấn đề là khi “một ngọn đèn điện” ấy trở thành yêu cầu của 1,2 tỉ con người. Và với con số đông như thế thì năng lượng rẽ nhất vẫn là than đá. Cái thứ năng lượng tồi tệ ô nhiễm nhất. (Và cũng là thứ năng lượng mà Trung Quốc đang báo tháo bán đổ các nhà máy nhiệt điện chạy than cho Việt Nam – chú thích thêm của người chuyển ngữ)

Trung Quốc thì cũng đã có được một bước tiến tới. Ngọn đèn điện thì hầu như ai cũng có, thậm chí cả tủ lạnh, tivi, máy giặt … và cả xe xe ô-tô. Nhưng cái giá phải trả là bầu không khí ô nhiễm đến độ không hít thở được, đến độ mà giới thượng tầng giàu có trong xã hội Trung Quốc đang tranh nhau mua nhà ở California, không phải chỉ để biểu lộ đẳng cấp của mình, mà đấy cũng là một thứ “bảo hiểm sức khoẻ” (ngoài việc “bảo hiểm của chìm của nổi” do tham nhũng mà có – chú thích thêm của người chuyển ngữ). Tất cả những yếu tố đó đã khiến Tập Cận Bình phải quyết định đưa vấn đề chuyển đổi mô hình kinh tế sản xuất thành vấn đề ưu tiên hàng đầu, chứ không phải là một sự nhượng bộ trước áp lực của các nước Tây phương. Nhưng so với Obama thì cái khác là Tập Cận Bình có thể đưa ra hàng loạt chính sách để chuyển đổi mô hình mà không cần phải có sự đồng thuận của xã hội hay của guồng máy nhà nước (Quốc hội chẳng hạn). Trong khi đó hiện nay trên thế giới không có nơi nào đang xẩy ra một chiến dịch hung hăng nhằm phủ nhận (negazione) vấn đề thay đổi khí hậu như của đảng Cộng Hoà ở Mỹ. Các tay tài trợ của đảng Cộng Hoà và các nhóm lợi ích của “năng lượng hoá thạch” (than đá, dầu hoả)  không chùng chân trước một trở lực nào cả. Trong nhiều thập niên qua tập đoàn dầu khí Exxon đã giả mạo tất cả những con số đánh giá khoa học của chính các nghiên cứu gia của tập đoàn, vốn trùng với các đánh giá của các nhà nghiên cứu trong các giới khoa học trên thế giới. Dĩ nhiên cũng có một “nền tư bản khác”, do Bill Gates cầm đầu, đang đưa nhiều nguồn lực để tài trợ cho các công trình nghiên cứu các dự án công trình chuyển đổi bền vững. Đấy là một khúc xích quan trọng, và vấn đề hiện nay của các công trình dự án về năng lượng tái tạo là các tài trợ nhà nước, dù rằng rất quan trọng, đang làm cho mức độ tiến bộ cần thiết của khoa học kỹ thuật chậm lại … chỉ để đợi cho đến khi các năng lượng tái tạo đó … có khả năng cạnh tranh kinh tế, và nhất là để đợi phải giải quyết vấn đề tich luỹ các năng lượng tái tạo không ô nhiễm này.

Liên Hiệp Quốc thì đánh giá rằng cuộc họp thượng đỉnh COP21 này ở Paris là … “hy vọng cuối cùng của nhân loại”. Điều chắc chắn đây là cơ hội để các lãnh đạo thế giới cho thấy đây là một cuộc thử thách chung của cả nhân loại, và ai vẫn còn nghĩ là có thể dồn đẩy những khó khăn cho người khác có nghĩa là đã không biết đầu tư lâu dài … thậm chí cũng không nghĩ đến ích lợi riêng tư của chính đất nước mình. 

Roma, 30/11/2015

chuyển ngữ

20 tháng 11, 2015

Phương trình ... một vế !!!



Thường đời hễ thấy ai hoạn nạn tai ương thì mọi người đỗ xô vào an ủi, động viên, bày tỏ đoàn kết. Điều này cũng đúng, rất đúng: một cử chỉ vừa mang tính nhân bản vừa văn minh. Mấy hôm nay cả ngày các mạng truyền thông không ngớt đưa tin cả thế giới xúm nhau an ủi động viên, tỏ tình đoàn kết với nhân dân Pháp vì những tai ương khủng bố mà Pháp đang phải hứng chịu. “Je suis parisien”. Đi đâu cũng thấy nhan nhãn khẩu hiệu như thế. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Báo chí không ngớt đưa tin về những hành động tàn sát vô nhân đạo và không văn minh của bọn khủng bố Hồi giáo cực đoan, của cái đám gọi là “Nhà nước Hồi Giáo”, đó là những bọn chỉ muốn chống phá triệt tiêu cái gọi là “nền dân chủ” (ở đây mọi người điều ngầm hiểu là nền dân chủ Tây phương – chẳng ai nói công khai ra, nhưng chắc không phải ám chỉ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của mấy con rồng rắn Á Châu hay của tân Đế chế Nga).

Những điều vừa kể trên là rất đúng, rất văn minh, nhân bản. Nhưng nó chỉ có thể áp dụng cho những người dân bình thường, những người đích thực đang bị đe doạ bởi những hiểm hoạ khủng bố từ mấy thập niên trở lại đây. Và những đe doạ này xem ra ngày có chiều hướng “tăng tốc”. Trên trang web của tờ Internazionale có đăng một bài kê khai đầy đủ những cuộc khủng bổ xẩy ra ở Châu Âu từ 1995 đến nay – tức là trong hai thập niên chót – Una cronologia degli attacchi terroristici in Europa. Còn đối với những giới lãnh đạo nhà nước Tây phương … thì mọi chuyện có phần “khúc mắc” hơn. Khi các lãnh đạo Tây phương (Tổng thống, Thủ tướng, các Bộ trưởng, các Chủ tịch của trăm thứ ban bệ của UE ….) bày tỏ sự đau xót, bức xúc trước những đau thương của người dân vô tội, căm giận lên án bọn “vô nhân vô nghĩa vô đạo” chỉ muốn chống phá lại những giá trị dân chủ …. thì các Ngài ấy chỉ mới nói đến vế hai. Còn cái vế một, cái đã làm sinh sản ra những cái quái thai Hồi giáo cực đoan … thì không thấy các Ngài nói đến. Báo chí truyền thông phần lớn chịu áp lực của lãnh đạo Tây phương … cũng im lặng. Cứ như là “tự trên trời rớt xuống” những quái thai nói trên, những con quái vật tự nhiên xuất hiện rồi nhào sang đòi san bằng cả một nền dân chủ ngàn năm của Châu Âu.

Có nhiều chuyện kể ra … cứ như chuyện … khó tin mà có thật, thứ chuyện phong thần.

Một trái hoả tiển, một khẩu súng, một băng đạn, tất cả những thứ đó … đâu phải “rẽ như bèo”, cũng toàn là tiền không đấy chứ. Muốn trang bị cho những đám võ trang đi đánh phá chiếm cứ các khu vực chung quanh các quốc gia như Iraq, Siria, Libia …. Thì cũng cần có tiền, chứ đâu phải tự dưng mà chúng nó có vũ khí. Rồi cái Nhà nước Hồi giáo cũng phải trả lương cho những “nhân viên” làm việc cho chúng, thậm chí … nghe nói là cái Nhà nước Hồi giáo này cũng có đầy đủ các ban bệ Bộ này Vụ nọ … cứ như là một cơ chế nhà nước thật sự … Thì cũng cần có tiền chứ … Để làm ra tiền, cái Nhà nước Hồi giáo này “kinh doanh đủ thứ”: từ buôn lậu ma tuý đến bắt cóc để đòi tiền chuộc, từ việc tổ chức các tuyến thuyền nhân vượt biển đến việc buôn bán nô lệ …  Nhưng cái “khâu” đẻ ra tiền nhiều nhất cho cái Nhà nước Hồi giáo này là …. buôn bán chợ đen dầu hoả. Vì trong một số khu vực mà cái Nhà nước Hồi Giáo đã chiếm lấy của Iraq, của Siria, của Libia … có các giếng dầu hoả. Theo tin một số báo chí thì các giếng dầu hoả đem về cho cái Nhà nước Hồi giáo mỗi tháng khoảng 50 triệu đô-la (http://www.ilfattoquotidiano.it/2015/11/17/attentati-parigi-lisis-e-la-risorsa-strategica-del-petrolio/2226943/). 50 triệu đô-la là ít đấy, bởi vì dầu hoả đang xuống giá, và Nhà nước Hồi giáo cũng phải bán chợ đen với giá thấp hơn giá thị trường. Người ta kể rằng mỗi ngày có cả hàng đoàn xe tải dầu sắp hàng cả mấy cây số để lấy dầu hoả đem đi “phân phối chợ đen”. Không thấy báo nào nói “ai” mua dầu hoả chợ đen của Nhà nước Hồi giáo. Nhưng chắc chắn không phải dầu hoả chợ đen là để bán cho các đám băng đảng Hồi giáo cực đoan … Một số “tin đồn” thì nói là các xe tải dầu này chạy đến các nhà máy lọc dầu nằm ngoài “lãnh thổ” của Nhà nước Hòi giáo, rồi dầu hoả này được bán chợ đen và được pha chung với dầu hoả “minh bạch” của các nhà máy lọc dầu … không do Nhà nước Hồi giáo kiểm soát … rồi dầu hoả đó sẽ được bán công khai theo giá thị trường cho … toàn thế giới. Lãi cao hơn, vì dầu hoả mua chợ đen của Nhà nước Hồi giáo thấp hơn dầu hoả trên thị trường.

Chịu thôi. Business là business. Chứ thử hỏi có khó gì mà không oanh tạc mấy cây số xe tải dầu mỗi ngày sắp hàng ở các giếng dầu do Nhà nước Hồi giáo kiểm soát ? Kỹ thuật quốc phòng của các nước Tây phương … nghe nói còn dội bom trúng những chiếc xe trá hình chở tên này tên kia … thì chẳng lẽ không thấy mấy cây số xe tải sắp hàng mỗi ngày ? Chuyện rất đơn giản. Nếu các chính phủ Tây phương “thực tâm” muốn triệt tiêu cái gọi là Nhà nước Hồi giáo … thì cũng chẳng cần phải oanh tạc mỗi ngày hàng trăm phi vụ … Chỉ cần dội bom chung quanh mấy cái giếng dầu … là chng ba tháng sau Nhà nước Hồi giáo …. “tự sụp đỗ” như chính cái Nhà nước Liên Xô đã tự sụp đỗ vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Nói chung, là chỉ cần “phong toả cấm vận” các tuyến buôn bán chợ đen dầu hoả … là giải quyết chuyện Nhà nước Hồi giáo …

Thế mà cả mấy năm nay chẳng chính phủ Tây phương nào làm chuyện này cả. Thay vào đó là các Ngài cứ “tranh luận” là nên can thiệp từ trên không, từ mặt biển, hay đỗ quân lên đất liền … Kiểu lắm thầy thối ma … bệnh nhân ngày càng trầm trọng …

Nhưng thực ra thì vấn đề cũng không phải chỉ đơn giản ở chỗ “business là business” như kể trên (ở cái khoảng “business là business” thì chắc … anh Trung Quốc cũng … có phần trong đó, nhất là cái guồng máy kinh tế của Trung Quốc đang uống dầu hoả như anh nghiện rượu uống whisky thay nước lã).

Vấn đề còn tồi tệ hơn. Kể từ khi anh Bush đem quân sang đánh cái thằng Sadam … để “giải phóng” Iraq … thì cái xứ Iraq hiện nay … gần như không còn hiện hữu. Cái gọi là nhà nước Iraq thực ra chỉ là một thứ bù nhìn, chỉ cần Mỹ cúp viện trợ là trong vòng 24 tiếng đồng hồ là Iraq bị xoá xổ (xem ra cũng y hệt như cái chính quyền miền Nam của các tướng lãnh “trẻ” do Mỹ dựng lên thời nẫm). Cái xứ Siria thì sau 5-6 năm nội chiến, hiện nay nhà nước Siria cũng không biết còn thọ bao lâu. Chỉ cần Mỹ và Nga “đồng ý” với nhau cho bật đèn là trong vòng 24 tiếng đồng hồ anh chàng Asad sẽ được cho đi làm “đại sứ lưu động” ngay như thời Nguyễn Khánh ở miền Nam. Nhà nước Libia thì sau “Mùa xuân Ả Rập” lật đỗ được chế độ Ghedafi .. thì xem ra vẫn chỉ là những nhóm băng đảng bộ lạc cầm quyền kiểu “sứ quân cắt cứ” … Tất cả những rối loạn nói trên … thực ra là cả một cuộc tranh hùng một mất một còn của hai phe phái sắc tộc Hồi giáo: phe Shias và phe Sunni. Iran (cựu Ba Tư) là quốc gia Ả Rập lớn nhất của sắc tộc Shias. Ả Rập Saudit là quốc gia lớn nhất của sắc tộc Sunni. Kể từ kia Iraq bị sụp đỗ và bị chia ra manh múng, rồi kế tiếp là khủng hoảng ở Libia và Siria, hai sắc tộc nói trên đang tìm cách lợi dụng bất ổn định trong khu vực để tìm  cách “vẽ lại” bản đồ địa chính trị trong khu vực có lợi cho phe sắc tộc của mình. Cái Nhà nước Hồi giáo thực ra chỉ là công cụ của các nước Ả Rập theo sắc tộc Shias, đứng đâu là Ả Rập Saudit – và ai cũng biết chính Ả Rập Saudir là “sponsor” của Nhà nước Hồi Giáo. Xuyên qua Nhà nước Hồi giáo, Ả Rập Saudit muốn kiềm chế Iran. Các nước Tây phương thì để kiềm chế Nhà nước Hồi giáo nên gần đây đã “làm hoà bắt tay” với Iran – vốn cho đến năm ngoái còn là thù địch của Tây phương và là mối đe doạ hạt nhân cho Tây phương.

Chẳng chính phủ Tây phương nào – và cả Nga cũng thế - dại dột đỗ quân lên đánh Nhà nước Hồi giáo. Họ đang đợi cho hai phe phái sắc tộc Shias và Sunni … tự “tiêu diệt” nhau …. Và trong khi đó, các nước Tây phương vẫn tiếp tục bán vũ khí cho đủ các bên: cho Ả Rập Saudit, cho Qata, cho Kuwai, cho Israel, và trong tương lai cho cả Iran … và tiếp tục mua dầu hoả chợ đen của Nhà nước Hồi giáo …

Và vẫn sẽ tiếp tục bày tỏ sự đau xót, bức xúc trước những đau thương của người dân vô tội, căm giận lên án bọn “vô nhân vô nghĩa vô đạo” chỉ muốn chống phá lại những giá trị dân chủ … bla bla !!!

Một phương trình phải có hai vế. Các lãnh đạo Tây phương chỉ nói có một vế. Cái vế mà người dân Tây phương phải chịu đựng … Còn cái vế kia ???

Roma, 20/11/2015

PS: Chắc chắn là từ đây cho đến năm 2016 Mỹ sẽ không có những quyết định can thiệp quân sự nào “ra hồn” ở Trung Đông. Obama muốn được đưa vào lịch sử như là vị Tổng Thống đã không “đưa linh Mỹ” đi đâu cả, thậm chí còn “đem được lính Mỹ” từ Iraq và Afganistan về nhà. Nhưng một số tài liệu từ Ngũ Giác Đài cho biết là các tướng Mỹ đang chuẩn bị các kế hoạch quân sự can thiệp từ năm 2016: vì sau Obama, bất cứ một Tổng thống nào, dù của Dân Chủ hay Cộng Hoà, sẽ không còn “bị ràng buộc lịch sử” như Obama … và các tướng tá Mỹ đang háo hức trong chờ  … cũng như các đám tài phiệt buôn bán vũ khi háo hức không kém. Và Trung Quốc cũng háo hức. Vì Trung Quốc chỉ muốn Mỹ “pivot” về lại Châu Âu, trả lại Biển Đông cho Trung Quốc !!!