29 tháng 1, 2013

Xá gì chuyện thu mua một cầu thủ bóng đá !!!



Trên trận địa chính trường vào mùa tranh cử … thì không ai từ khước bất cứ một thủ thuật nào để hạ gục đối thủ. Đánh là đánh. Ở đâu cũng thế. Và nhất là ở xứ Ý, khi trình độ dân trí tương đối còn thấp, lại thêm 2 thập niên ngụp lặn trong mê hồn trận mị dân của một đại gia nhảy lên bàn độc .... thì thủ thuật nhanh chóng biến tướng thành thủ đoạn ...

Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên thời sự bóng tròn cũng đóng góp trực tiếp vào những màn tranh cử.

Chiều nay các mạng truyền thông cho lên tít lớn về chuyện đội bóng Milan vừa mới “thu mua” tay cầu thủ “da màu” nổi tiếng Balotelli với giá “bèo” 20 triệu Euro. (Nổi tiếng không chỉ về siêu tài sút bóng, mà nổi tiếng vì những màn gây gổ quái dị, những hành vi cư xử quái đản ... của một siêu sao bóng đá)

 Báo chí đăng tin Milan "thu mua" Balotelli

Đến đây thì tin trên cũng chỉ thuộc vào loại tin “xe cán chó”, có quan trọng chăng là cho giới hâm mộ bóng tròn .... chứ còn đối với những người dân lao động đầu tắt mặt tối để đem về nhà mỗi tháng trên dưới 1000 Euro ... thì 20 triệu (tức là ngang ngữa với 1 thế kỷ rưỡi lao động của một nhân công) để “thu mua” một siêu tài bóng đá mang mùi .... kiêu ngạo của giới dư thừa tiền bạc ...

Nhưng điều đáng nói trong chuyện này là cái "mùi tranh cử”.

Người ta còn nhớ là hồi đầu tháng giêng năm nay, chính miệng của đại gia Berlusconi, chủ nhân của đội bóng Milan, đã lớn tiếng tẩy chai cầu thủ Balotelli, và gọi tay này là “một thứ táo bị sâu mọt” (mela marcia), và Berlusconi khăng khăng khẳng định rằng: “... nếu đem một trái táo bị sâu mọt vào đội bóng ... thì trước sau những cầu thủ khác cũng sẽ bị lây sâu mọt .... Do đó không thể nào chấp nhận để Balotelli trở thành thành viên của đội bóng ...”


Vậy mà chưa đầy một tháng sau … chính Berlusconi đã phải nhả ra 20 triệu Euro để đưa Balotelli vào đội bóng Milan ?

Berlusconi đã thay đổi tư duy ? Hay Balotelli đã cải thiện nhân tính của hắn ?

Thực ra thì Berlusconi vẫn là Berlusconi. Và Balotelli vẫn … là Balotelli …

Điều mới lạ là … nước Ý đang trong mùa tranh cử … Và 20 triệu Euro đối với một đại gia như Berlusconi cũng chỉ là một vài xu lẻ … Nhưng ngược lại với 20 triệu đó Berlusconi có thể mua được vài chục ngàn phiếu của các cổ động viên của đội banh Milan … Vừa rẽ lại vừa hợp pháp ….

Hôm 27/01 vừa qua là ngày “Tưởng niệm nạn nhân bị Đức quốc xã tàn sát” (Memoria delle vittime della Shoah) …. Berlusconi đã tự dưng xuất hiện (vì không ai mời) trong buổi lễ tưởng niệm được tổ chức tại nhà ga Milano (cũng lạ, suốt mấy chục năm cầm quyền, chưa bao giờ trong cương vị Thủ tướng Berlusconi di tham dự lễ tưởng niệm nạn nhân diệt chủng … thế mà năm nay, dù không được mời … hắn vẫn chường mặt ra …. Hóa ra là vì đang mùa tranh cử …). Lại chính ngay trong dịp này, Berlusconi lạ “phun” mấy câu “thần chú” … để biện hộ chế độ độc tài phát xít của Mussolini: “Quyết định áp dụng luật kỳ thị với người Ý gốc Do Thái … chỉ vì bị áp lực đến từ phía Đức …. Chứ thực ra thì chế độ của Mussolini làm rất nhiều điều tốt cho nước Ý (sic !!!).

 Berlusconi "ngủ gục" suốt buổi lễ tưởng niệm nạn nhân Shoah

Thế là như “sấm nổ trên đầu”. Các mạng truyền thông đăng tin tít lớn, các đảng phái chính trị, các tổ chức Do Thái, báo chí quốc tế … đều đồng lượt la làng ….. Thậm chí đến bà dân biểu Giulia Buongiorno (người của đảng cựu phát xít, nay đã “tắm rửa” để hóa thân thành … “ôn hòa”) cũng phải lên án chế độ của Mussolini ….

Thiên hạ kháo nhau rằng …. Berlusconi là dân phát xít !!!

Thực ra thì Berlusconi …. không là gì cả. Trong đầu Berlusconi không hề có một chính kiến nào cả, chẳng hữu chẳng tả, chẳng phát xít cũng không cộng sản. Y "phun" mấy câu "thần chú" nói trên chủ yếu chỉ là để tiếp tục gây chú ý dư luận. Bởi vì một "chính trị gia" như Berlusconi ... nếu không "phun" ... thì chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ chẳng ai còn nhớ đến Berlusconi !!!

Trong đầu của Berlusconi chỉ có mỗi một tư duy duy nhất: “đồng tiền”. Đối với Berlsuconi, nếu cần để bảo về đồng tiền … hắn sẳn sàng ca ngợi hay nguyền rủa bất cứ thể chế nào … miễn sao đồng tiền được bảo vệ.

Nếu ngày mai, có ai đó bảo rằng ca ngợi Mao Trạch Đông thì đồng tiền của y sẽ được bảo đảm … thì chắc chắn là chỉ sau một đêm … Berlusconi thuộc lào lào quyển “Hồng Bảo Thư” của Mao (tiếng Ý gọi là “Libretto Rosso”), và bắt tất cả đảng viên của Nhân dân tự do của y phải đi học tiếng …. Trung Quốc khóa cấp tốc !!!.

Hồng Bảo Thư của Mao


Xá gì chuyện thu mua một cầu thủ bóng đá !!!

Roma, 29/01/2013
 


28 tháng 1, 2013

Lòng mẹ !!!



Làm mẹ thì ai mà không thương con. Dù đứa con hư xấu như thế nào đi nữa thì lòng mẹ vẫn là lòng mẹ. Thiên hạ xã hội có chê bai ruồng bỏ hay mắng nhiết thậm tệ đến bao nhiêu ... thì trước cặp mắt của người mẹ.... đó vẫn là đứa con của mình. Và người mẹ lúc nào cũng sẳn sàng che chắn bảo vệ con mình ... thậm chí bằng ngay cả tính mạng của người mẹ.

Đó là nói lòng mẹ trên bình diện tình cảm ... Như lời của bài nhạc “Lòng mẹ bao la như biển Thái bình .... dạt dào ....”.

Nhưng ở đời, đôi khi cũng cần phải có đủ nghị lực và sáng suốt để tạm thời tách rời tình cảm ra khỏi những nhận thức lý trí. Dù thương con đến đâu, người mẹ cũng phải biết đứa con của mình là một thành viên trong xã hội với những quyền lợi và bổn phận, với những luật pháp cần phải được tuân thủ. Không thể nào chỉ vì nhân danh “lòng mẹ” mà người ta có thể xem thường tất cả luật pháp và cung cách hành xử của xã hội.

Nhìn bà mẹ của tên lưu manh Fabrizio Corona lên truyền hình nhỏ lệ khóc than cảnh tù tội của con mình ... thậm chí muối mặt lên tiếng kêu gọi Tổng thống nước Ý ... can thiệp ... để cứu thằng con ra khỏi vòng tù tội ... mà không khỏi ngao ngán cho trình độ dân trí xã hội của nước Ý, một trong 8 nước “công nghệ tiên tiến trên thế giới !!!”.

 Mẹ của tên lưu manh Fabrizio Corona đang "ca bài lòng mẹ" trên màn ảnh Mediaset.

Tạm thời không (cần) nhắc lại một số vụ việc (vốn đã được các phương tiện truyền thông, nhất là những tờ báo “lá cải” chuyên đề “ngồi lê đôi mách” (gossip), đăng tải rầm rộ cả mấy năm nay) vây quanh nhân vật quái dị Corona này. Chỉ biết là hắn sống bằng nghề săn ảnh của các nhân vật nổi tiếng (VIP), một thứ nghề mà ngôn ngữ Ý cũng đã đào nặn ra chữ để ám chỉ nó ... (đôi khi với ý niệm khinh miệt): paparazzo. (Và từ vựng này cũng đã được “quốc tế hóa”: đi đâu nói đến chữ paparazzo thì ai cũng biết anh làm nghề gì). Nếu thế thì cũng chẳng có gì là quái dị. Biết bao nhiêu nhiếp ảnh gia cũng sống bằng nghề đi săn ảnh của các VIP để sống, thậm chí có paparazzo đã trở thành nổi tiếng vì những tấm ảnh lịch sử. Nhưng khổ nổi là tên Corona này lại dùng những tấm ảnh săn được, nhất là những tấm ảnh có nội dung rất “riêng tư” ... để tống tiền các nạn nhân VIP. Và có lẽ đây là “nghề chính” của hắn .... và chính vì thế mà y đã bị lôi ra trước vành móng ngựa ... và bị phạt tù.

Trong mấy năm gần đây, xoay quanh nhân vật quái dị Corona này đã xẩy ra biết bao chuyện “trên trời dưới đất”: từ những chuyện đánh đá với nhân tình nhân ngãi đến những chuyện hành hung nhân viên công lực, từ những vi phạm luật lệ giao thông đến những đánh đá ngoài đường phố .... nhưng chẳng bao giờ nghe nói đến người mẹ của y lên tiếng xin lỗi thiên hạ ... Vậy mà chỉ cần tòa phạt tù hắn ... là bà mẹ cứ la toáng lên .... cầu cứu con mình ... Mà quên rằng chính thằng con của bà từng là một thứ “trời đánh thánh đỡ” bao năm qua.

 
  Đương sự

Cung cách hành xử của bè mẹ của Corona .... nó na ná như chuyện ở Napoli, ở những khu “lao động” (địa bàn thường có sự lộng hành của các băng đảng xã hội đen), các bà mẹ không những không la rầy hay răn dạy đứa con mất dạy ở trường lớp ... mà lại còn quay lại chửi mắng, thậm chí hành hung, các giáo viên đã "dám" phạt con mình.

Lối cung cách hành xử kỳ quặt nói trên không phải xuất phát đơn thuần từ “lòng mẹ bao la” ... Nó thể hiện một tư duy rất phổ biến ở Ý: coi thường pháp luật, coi thường cơ chế nhà nước, chỉ thấy được cái lợi riêng tư ... Đối với một bộ phận lớn dân Ý, chỉ có những “thằng cù lần” (mà người Ý gọi một cách miệt thị là “coglioni”) mới  tôn trọng pháp luật, tuân thủ cơ chế nhà nước .... Trong khi đó những người “thông minh lanh lẹn” là những người biết “qua mặt” nhà nước, bất tuân pháp luật một cách “đường đường chánh chánh”.

Thực ra cũng không thể nào quy hết trách nhiệm lên người dân Ý. So với các nước Châu Âu khác, nhà nước Ý tương đối thuộc hàng “sanh sau đẻ muộn”: nước Ý chỉ mới thống nhất được 152 năm nay (1861-2013). Trước đó chỉ có các “vương quốc” (regno) manh múng cắt cứ từng địa phương, na ná như thời “thập nhị sứ quân” trong sử Việt Nam (944-968) và kết thúc sau khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước lập ra Đại Cồ Việt, còn ở Ý thì mãi đến năm 1861 Giuseppe Garibaldi mới thu được các “vương quốc” về một mối và lập ra nhà nước Ý.

Do đó, so với các dân cư Châu Âu khác, người Ý có được khái niệm “Nhà nước” rất trễ. Hiện tượng này được thể hiện rất rõ nét qua những “căng thẳng thường xuyên” giữa “chính quyền địa phương” (vùng, tỉnh) với “chính quyền trung ương”: chính sách thuế má, phân định ngân sách, chiến lược phát triển, chính sách bảo vệ môi trường .... Thậm chí có cả những lực lượng chính trị “sống” được là nhờ vào các chính sách “đối đầu” (một cách mị dân” với trung ương, điển hình là có cái đảng Lega Nord, lúc nào cũng hô hào đòi “ly khai” (nhưng lương bổng, ngân sách, phúc lợi của Quốc hội trung ương dành cho dân biểu của Lega Nord ... thì không thấy đảng này đòi “ly khai”).

Gần ½ thế kỷ kể từ sau Đệ II thế chiến chấm dứt, quyền hành nước Ý lại liên tục nằm trong tay của một Đảng chỉ biết quyền lợi “địa phương cục bộ” và nhà nước Trung ương thực chất chỉ là một cái “két sắt” từ đó các băng đảng địa phương bòn rút nguồn lực để nuôi dưỡng sự đồng thuận của cử tri địa phương. Đó là Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo. Thậm chí vào những năm của “bùng nổ kinh tế” (boom economico – thập niên 60) ... hàng triệu người dân miền Nam Ý (vùng nông nghiệp lạc hậu) lũ lược di dân lên Bắc Ý (vùng công nghệ phát triển) ... Lúc đó cũng có những hiện tượng kỳ thị Bắc-Nam .... Và chính quyền Ý lúc đó cũng đã không hề có một chính sách chiến lược nhằm nâng cao trình độ dân trí để tạo uy tín cho nhà nước trung ương. Thậm chí tư duy hành xử kiểu “cục bộ địa phương” của chính quyền (và Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo) lúc đó đã là những con vi khuẩn tiềm tàng để sau này ăn sâu phá hũy nhà nước.

Hai thập niên sau cùng của Berlusconi chắc chắn đã “tăng tốc” mức độ phá hoại nhà nước và triệt hạ gần như toàn bộ niềm tin của người dân vào luật pháp. Bởi vì chính Berlusconi là người có nhiều nợ nần công lý nhất nước, là người xem thường cơ chế nhà nước (Quốc hội chỉ là những ràng buộc vướng bận vô ích cho chính phủ, Tòa án chỉ là những ổ cộng sản (sic !!!) tối ngày đi dọ khám và truy lùng “người dân”). Thậm chí đến việc trốn thuế, một trong những vấn nạn lớn nhất hiện nay ở Ý, cũng được chính Berlusconi bào chữa (khi mà áp lực thuế má lớn quá ... thì mỗi người dân có quyền cho phép mình ... trốn thuế !!!).

Berlusconi "ngủ gục" trong buổi lễ tưởng niệm nạn diệt chủng "Shoa" ở Milano, biểu tượng cho cung cách xem thường cơ chế nhà nước


Trong một quốc gia mà dân trí quá thấp, giai cấp lãnh đạo chính trị hoàn toàn không có uy tín, nhà nước bị xem thường từ chính người cầm quyền, trong khi chính những dân biểu, quan chức nhà nước tham nhũng hối lộ công khai giữa thanh thiên bạch nhật mà vẫn cứ tiếp tục ngồi chiểm chệ trong chức vị của mình (dù rằng đang bị tòa án réo tên hay thậm chí đã bị kết án – bởi vì “từ chức” là một khái niệm hoàn toàn xa lạ đối với giai cấp lãnh đạo chính trị hiện nay ở Ý) .... thì thử hỏi một bà mẹ của một thằng lưu manh côn đồ có thể làm gì hơn nếu không lên tivi để khóc lóc gào thét với hy vọng là gây áp lực lên nhà nước ... để cứu con ra khỏi vòng lao lý ? Ít ra bà ta cũng còn có thể biện minh được hành động phi lý của mình bằng “lòng mẹ”.

Roma, 28/01/2013
 

8 tháng 1, 2013

Đàn bà chờ đợi ....




Thấy treo trên tường của phòng khám bệnh của một bà bác sĩ …





Chuyển ngữ:

Ngày qua ngày ... đàn bà trong ngóng đợi chờ để gặp được người đàn ông trong mộng ...
Và trong khi chờ đợi .... thì họ đi lấy chồng.

Roma, 08/01/2013



Học làm phù thuỷ.


Xưa nay xuất hiện liên tục đến bội thực quần chúng trên các mạng lưới truyền thông vô tuyến cổ điển ... vốn là hàng “độc quyền” của Berlusconi ... Có chăng là thêm sự “đóng góp” của các chính trị gia “nhẵn mặt” vốn sinh ra từ thời Đệ I Cộng Hòa ... và vẫn còn thọ để chuẩn bị bước vào nền Đệ III Cộng Hòa vào tháng 2 sắp tới.

Sau hơn một năm đóng vai “kỹ trị” với ngôn từ chững chạc và nghiêm túc ngược hẳn với ngôn ngữ “phường tuồng” của Berlusconi ... và điều này cũng phần nào đã tạo cơ sở để đại bộ phận dân Ý hy vọng ... sắp sửa “sang trang” ... thì bổng nhiên trong mấy ngày vừa qua, khi sân khấu chính trị nước Ý đã thật sự bước vào mùa tranh cử,  Mario Monti đã xuất hiện liên tục trên các kênh truyền hình hay ở các đài phát thanh … và bắt đầu “nhái” những món “sở trường” của Berlusconi. Công luận bắt đầu nghe/thấy một Mario Monti hứa hẹn đủ chuyện, thậm chí sẽ làm giảm áp lực thuế khóa (vốn là “chiêu độc” của Berlusconi) ... điều mà cho đến mấy tuần trước, nhân danh “chấn chỉnh ngân sách nhà nước”, Thủ tướng Mario Monti đã không hề nhân nhượng trước những phản đối của các thành phần xã hội, và nhất là của công đoàn, vì những chính sách thắt lưng buộc bụng. Thiên hạ lại nghe từ Mario Monti những luận điệu y hệt như những gì mà Berlusconi đã “rao bán” trong hai thập nên vừa qua: một bên là “xuống đồng” (scendere in campo), một bên là “lên đàng” (salire in politica) ... tất cả cũng chỉ vì ... yêu nước thương nòi ... là cả một quyết định cắn răng hy sinh ... đi ngược lại “bản chất” của hai vị.

Rất có thể là trước những yêu cầu tranh cử nhất thời, Mario Monti đã phải chấp nhận “luật chơi” của các màn đấu đá chính trị ... kiểu “phóng lao thì phải theo lao”: phải hứa hẹn, tự tôn vinh, đề cao hy sinh ... và rất có thể là trong tận thâm tâm của mình ... ông giáo sự Mario Monti cũng nhận thức được rằng ông đang làm những gì đi ngược lại bản chất của chính ông. Hy vọng như thế.

Nhưng nhìn từ góc cạnh “chính trị” (chính trị như một giá trị, chứ không phải như một phương tiện) một Mario Monti đang phải “nhái hàng” của Berlusconi ... là một sự đi lùi, thậm chí là một “khoang nhượng” của quá trình cố gắng đổi mới tận gốc rễ mà Mario Monti đã xem như là ngọn hải đăng trong sưốt hơn một năm qua.



Nhưng điều tệ hơn nữa là ... dù Mario Monti có “cố gắng” cách mấy đi nữa thì trong những buổi xuất hiện trên các mạng truyền thông, hàng của Monti vẫn chỉ là “hàng nhái” ... không thể sánh với “hàng hiệu” của Berlusconi ... vốn là “phù thủy” xưa nay của màn hình vô tuyến.



Một trong những bài học then chốt của các “binh thư yếu lược” xưa nay là ... phải đưa địch thủ vào chiến địa của chính mình, vì ở đó địch sẽ không thể nào phát huy hết được tiềm lực ... trong khi ta có khả năng làm chủ trận địa ...

Nhìn Mario Monti “múa may” trước ống kính truyền hình ... thì chẳng khác nào như Berlusconi đã đưa được Monti vào đúng trận địa của y.

Vào đầu nhng thập niên 40, hảng phim Walt Disnay có cho ra đời một bộ phim hoạt họa nổi tiếng mang tên “Fantasia” bao gồm nhiều tập, trong đó có một tập mang tựa đề “The Sorcerer's Apprentice” (Học nghề phù thuỷ), trong đó chú chuột Mickey lén sư phụ (vốn là phủ thủy) bày trò học làm phù thủy ... dấy động đủ thứ phép thuật kêu ma gọi quỷ ... để rồi không đủ khả năng kiểm soát được ma quỷ để cho chúng tự thao tự tác đến độ Mickey phải trốn chạy ...

Học nghề phù thủy


Mario Monti, cởi bỏ áo mão kỹ trị và đang “học nghề phù thuỷ” .... nhưng nếu không cẩn thận thì, giống như trong phim của Walt Disney, âm binh dấy lên ... và chính những đám âm binh này sẽ làm tiêu tan sự nghiệp chính trị của chính Mario Monti.

Roma, 08/01/2013

6 tháng 1, 2013

Đến Vatican để rửa tiền ?



Không biết trong mấy hôm nay có du khách nào là người Việt đến thăm bảo tàng viện của Vatican – Cappella Sistina – hay không ? Nhưng nếu có thì chắc cũng đã chứng kiến cảnh du khách phải chạy vạy đi kiếm tiền mặt .... vì kể từ ngày 01/01/2013 những phòng bán vé để thăm bảo tàng viện Cappella Sistina của Tòa Thánh, hay bán vé để lên thăm chóp đỉnh của Tòa Thánh đều không chấp nhận chi trả bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ATM, mà chỉ nhận tiền mặt. Đến cả những cơ sở mua bán trong khu vực của Tòa thánh (vốn chỉ dành cho giới giáo sĩ và những công dân có quốc tịch Vatican  hoặc những nhân viên làm việc cho Tòa thánh) như siêu thị, cửa hàng dược phẩm, cửa hàng may mặc, cây xăng ... thậm chí đến bưu điện của Tòa thánh cũng chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt. Nói chung là Tòa thánh Vatican đã tạm ngưng tất cả các hoạt động chi trả bằng thẻ tín dụng hay thẻ ATM.

Du khách sắp hàng mua vé để vào thăm Cappella Sistina.


Bất ngờ ở chổ là Tòa Thánh Vatican đã không hề thông báo trước quyết định nói trên nên rất nhiều du khách đứng sắp hàng cả tiếng đồng hồ để mua vé vào bảo tàng viện nhưng khi móc thẻ tín dụng hay thẻ ATM ra để trả tiền … thì bị từ chối, và có nhiều trường hợp gia đình đông người thì không phải dễ tìm ra đủ tiền mặt để chi trả. Thậm chí báo chí có đăng tải trường hợp một nhóm du khách Á Châu mười mấy người phải ngồi móc túi nặn ra đủ 16 Euro cho mỗi đầu người để trả tiền vé vào bảo tàng viện vì người hướng dẫn du lịch theo thói quen trước đây chi trả bằng thẻ tín dụng nên đã không có đủ tiền mặt trong túi lúc đó. Có nhiều người Ý chứng kiến cảnh lắc đầu ngao ngán của khách du lịch quốc tế khi không có đủ sẳn tiền mặt trong tay ... mà thấy e thẹn xấu hổ đối với người nước ngoài.

Ngay đến cả các quan chức của văn phòng kế toán của Tòa thánh cũng không hề được thông báo trước về quyết định này, do đó các nhân viên phòng bán vé cũng chỉ biết ... ấp úng lấy cớ rằng có sự cố kỹ thuật của các máy đọc thẻ tín dụng hay thẻ ATM.

Du khách phải đi rút tiền măt ở các quây ATM để mua vé vào cửa bảo tàng viện của Vatican.


Rất có thể là các quan chức của phòng kế toán của Tòa thánh không biết chuyện gì, nhưng ở hàng lãnh đạo cao cấp trong giới tài chánh của Tòa thánh thì chắc chắn họ đã biết trước chuyện gì từ hồi đầu tháng 12 năm 2012.

Ngày 06/12/2012 Ngân hàng trung ương của Ý đã gởi văn thư đến Quốc Vụ Khanh của Tòa thánh để thông báo việc từ chối cấp giấy phép cho ngân hàng Deutsche Bank Italia để ngân hàng này có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ thanh toán qua thẻ (còn gọi là dịch vụ POS, Point Of Sale) cho Tòa Thánh. Và theo một số nguồn tin của báo chí Ý thì quyết định nói trên của Ngân hàng trung ương Ý đã khiến Tòa thánh Vatican rất tức giận đến độ họ đã giữ kín thông báo nói trên ... và cố tình để cho vụ việc nổ ra một cách tồi tệ như thế với mục đích để gây áp lực lên Nhà nước Ý.

Trên thực tế thì Tòa thánh đã chọn Deutsche Bank Italia để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thanh toán qua thẻ cho Tòa thánh từ năm 1997. Nhưng trong những năm gần đây Ủy Ban Châu Âu đã bắt đầu đưa ra một số tiêu chuẩn minh bạch về các hoạt động chuyển khoảng tài chánh cho các ngân hàng Châu Âu áp dụng với mục tiêu là để phòng chống rửa tiền. Ngân hàng nào không hội đủ tiêu chuẩn minh bạch thì sẽ không được xếp vào danh sách “đáng tin cậy”.

Cho đến nay, IOR, viết tắt của chữ "Istituto delle Opere Religiose", có nghĩa là “Tổ chức hoạt động tôn giáo”, vốn được xem như là Ngân hàng của Tòa thánh, hiện vẫn còn tiếp tục áp dụng chuyển khoản tài chánh mà không đưa ra rõ xuất xứ của những nguồn tài chánh đó. Và điều này có nghĩa la vi phạm các tiêu chuẩn minh bạch. Bằng cớ là từ nhiều năm nay, các ngân hàng của Ý, dưới áp lực của Ngân hàng trung ương Ý, đã từ chối không nhận chuyển đổi chi phiếu do Ngân hàng của Tòa thánh ban hành, và do đó IOR đã phải gởi các chi phiếu này sang Đức và ở đó Deutsche Bank của Đức đã làm điều mà Deutsche Bank Italia không làm được. 

Và cũng dựa theo các tiêu chuẩn minh bạch, Ngân hàng Trung ương của Ý, kể từ năm 2010 đã cảnh báo vi phạm đối với Deutsche Bank Italia vì ngân hàng này đã làm dịch vụ chi trả qua thẻ cho Vatican là một quốc gia không thuộc vào khối Liên Hiệp Châu Âu mà không hề được giấy phép của Ngân hàng trung ương Ý. Do đó, khi Deutsche Bank Italia làm đơn xin giấy phép (và xin ân xá vi phạm từ năm 1997)... thì Ngân hàng trung ương đã từ chối không cấp giấy phép.

Vấn đề áp dụng tiêu chuẩn minh bạch trong các hoạt động chuyển khoảng tài chánh là một trong những vấn đề nổi cộm đối với Tòa thánh Vatican. Cho đến nay, Ngân hàng của Tòa thánh IOR vẫn chưa hội đủ điều kiên minh bạch để được Ủy Ban Châu Âu xếp vào danh sách “đáng tin cậy”. Người ta còn nhớ hồi tháng 9/2010 Tòa án Roma đã ra lệnh phong tỏa một tài khoảng của IOR có trị giá 23 triệu nằm ở một ngân hàng của Ý vì số tiền này không được khai báo xuất xứ một cách rõ ràng. Và cũng vì vấn đề tiêu chuẩn minh bạch mà hồi tháng 5 năm ngoái ông Chủ tịch của Ngân hàng của Tòa thánh lúc đó là ông Ettore Gotti Tedeschi bị chính Hội đồng quản trị cách chức sau khi xây ra những căng thẳng với Ettore Gotti Tedeschi chung quanh quyết định nên hay không nên áp dụng các tiêu chuẩn minh bạch.

Kể cũng trớ trêu. Trong khi ngày nay các chính phủ Tây Âu đều đang tìm cách khuyến khích thanh toán chi trả qua thẻ (còn được gọi là tiền điện tử) và tìm cách giảm lối thanh toán bằng tiền mặt. Mục tiêu là để nhà nước có thể biết rõ gốc gác xuất xứ của đồng tiền và như thể để phòng chống nạn rửa tiền của các băng đảng xã hội đen.

Ấy vậy mà Tòa thánh Vatican lại đang .... khuyến khích chi trả bằng tiền mặt !!! Thế này thì cứ tha hồ đến Vatican mà ... rửa tiền.

Có điều là giá vé vào cửa viện bảo tàng Vatican hiện nay chỉ có 16 Euro. Nếu muốn rửa khoảng vài trăm ngàn Euro hay thậm chí cả triệu ... thì chắc phải ra vô Cappella Sistina liên tục cả năm cũng chưa ... rửa hết tiền !!!!.

Roma, 06/01/2012

3 tháng 1, 2013

Super Mario ...


Ngoài giới hàn lâm cao cấp hoặc những lãnh đạo chính trị trong các thượng tầng cơ chế nhà nước hay đảng phái ở Ý, hay nguyên thủ quốc gia của các nước trên thế giới, hoặc các chuyên gia quốc tế về kinh tế tài chánh ra … thì chắc có lẽ cho đến cách đây một năm không bao nhiêu người ở Ý biết đến cái tên Mario Monti. Nhất là sau gần hai thập niên quen sống với một “triều đình” tràn ngập ma-cô, tú bà và đĩ điếm ngụp lặn trong kim tiền và quyền thế … lúc nào cũng chực chờ để phô trương những màn ăn chơi trác tán truy hoan … thì một người như Mario Monti: không biết “bung ga bung vô”, không biết tán phét, không biết “vỗ vai lay đít” các nguyên thủ quốc gia, không biết kính cẩn hôn tay hôn chân những tay đồ tể chính trị quốc tế, thậm chí đến bồ nhí cũng không có lấy được một em để làm kiểng … thì trước con mắt của đại bộ phận đa số cử tri Ý Mario Monti đã giống như một tên “vô danh tiểu tốt” ….

Ấy vậy mà trong mùa bầu cử 2013 năm nay hai chữ “Mario Monti” đang ngày đêm liên tục trở thành một kiểu “thần chú” mà đi đâu, nói chuyện với giới nào trên sân khấu chính trị, với giai cấp nào trong xã hội, cầm tờ báo hay nghe một kênh truyền thanh truyền hình nào đó … là không thiếu hai chữ “Mario Monti”.

Mario Monti đang trở thành một hiện tượng mới trong bối cảnh chính trị xã hội của nước Ý.

“Xuất thân” là một chuyên gia quốc tế cao cấp trong lãnh vực kinh tế tài chánh của thế giới, trước viễn ảnh vỡ nợ nhà nước của Ý (với hệ lụy là sẽ dẫn đến khả năng phá sản của hệ thống đồng tiền Euro), trước áp lực của thị trường tài chánh (xuyên qua chỉ số spread tăng tốc) cộng với áp lực của các tổ chức kinh tế tài chánh thế giới (Ngân hàng trung ương Châu Âu BCE và Quỹ tiền tệ thế giới FMI) và của một số lãnh đạo nhà nước của một vài quốc gia thành viên của Liên hiệp Châu Âu (đứng đầu là Đức và Pháp) … và nhất là dưới sự “đạo diễn” tinh tế và khéo léo của Tổng thống Ý, ông Giorgio Napolitano, Mario Monti đã được Quốc hội bổ nhiệm làm Thủ tướng của một chính phủ “kỹ trị” …. thay thế cho một Hội đồng chính phủ “bunga bunga” của Silvio Berlusconi vốn đã không còn được một giọt uy tín nào trên sân khấu quốc tế …

Super Mario

 Sự xuất hiện của Mario Monti, dưới lớp áo “chính phủ kỹ trị”, cũng là một bằng chứng cụ thể cho thấy là các đảng phái chính trị, tả cũng như hữu, ôn hòa cũng như quá khích, đang bị khủng hoảng trầm trọng … và nhất là giai cấp lãnh đạo chính trị của Ý, vốn đang bị chôn vùi dưới các xì-căng-đan về tham nhũng hối lộ và lạm dụng công quỹ, đang đánh mất gần như toàn bộ uy tín đối với người dân Ý, điển hình là sự xuất hiện của các “phong trào” tẩy chai chính trị ….

Theo một số “tin đồn” thì Mario Monti được các đảng phái chính trị vời ra nắm chính quyền ... chủ yếu là để lấy những quyết định chính trị xã hội cần thiết (để tránh cảnh vỡ nợ nhà nước), tức là các biện pháp cải tổ (về thị trường lao động, về chính sách hưu trí ...) và cắt xén ngân sách nhà nước ... nhưng lại không hạp lòng dân. Các đảng phái chính trị thực tâm muốn Mario Monti đứng ra “chống mũi chịu sào” thi hành những chính sách không hạp lòng dân mà chẳng một đảng phái chính trị nào dám có can đảm làm nếu không muốn mất lòng cử tri ... Đó là những liều thuốc đắng cần thiết để cứu con bệnh ... nhưng vì đắng quá ... nên chẳng thầy thuốc nào đã dám kê toa ... vì sợ sự phản đối của bệnh nhân.

Trong thâm tâm của các đảng chính trị ... là chờ khi thuốc đã ngấm rồi, con bệnh ra khỏi cảnh thập tử nhất sinh ... thì coi như thầy thuốc Mario Monti đã hoàn tất tốt đẹp nhiệm vụ của mình ... và phải khăn gói về vườn giao lại toàn bộ quyền hành cho các đảng phái.

Thực ra mà nói, đứng trên bình diện lý thuyết thì sự “chờ đợi” của các đảng phái cũng không có gì gọi là đi ngược lại cơ chế dân chủ nghị viện trong đó các lực lượng chính trị đảng phái, vẫn lý thuyết mà nói, đóng vai đại diện thực sự của người dân, có quyền và có trách nhiệm phải nắm chính quyền với mục tiêu thực thi những yêu cầu của người dân.

Nhưng trên thực tế, trong mấy thập niên vừa qua các đảng phái chính trị đã không còn giữ được vai trò đại diện thực sự của người dân ... và đã biến tướng trở thành những “băng đảng” chỉ biết đến quyền lợi riêng tư của lãnh đạo .... và nếu có tốt lắm thì cũng chỉ biết đến những ích lợi cục bộ của “băng đảng” mà quên đi những ích lợi chung của đất nước.

Người ta không biết ông Mario Monti thực sự có những “tính toán” gì hay không khi được vời ra làm Thủ tướng “kỹ trị” để cứu nước Ý. Mục tiêu của Mario Monti chỉ là giải cứu nước Ý qua cơn hiểm nghèo .... để rồi sau đó trao hết quyền bính lại cho các đảng phái chính trị ? Hay để rồi khi qua cơn dầu sôi lửa bỏng .... thừa thắng xông lên ... Mario Monti sẽ cởi lớp áo “kỹ trị” để bước thẳng vào chính trường ?

Chỉ biết là ngay khi lên nắm chính quyền, chính Mario Monti đã nhiều lần tuyên bố rằng ông ta không hề có ý định làm chính trị, và nhiệm vụ của ông ta sẽ chấm dứt song song với việc mãn nhiệm kỳ Quốc hội (dự kiến là cuối tháng tư năm 2013). Thậm chí cũng đã có lần Mario Monti đã “khuyến cáo” các Bộ trưởng nội các (vốn đều là các “chuyên gia kỹ trị”, chẳng người nào thuộc bất cứ một đảng phái chính trị nào) không nên trực tiếp tham gia vào các lực lượng đảng phái. Và thái độ “trung lập” của Mario Monti lúc ấy cũng đã tạo ra được tiền đề để có được một “đa số bất bình thường” trong Quốc hội gồm ba đảng chính trị trong đó đã có hai đảng vốn trước đây là lực lượng đối lập với chính phủ của Berlusconi.

Nhưng lần lần theo thời gian .... cho đến khoảng sau mùa hè 2012, Mario Monti bắt đầu có những tuyên bố ... với nội dung có những thay đổi so với thế đứng “trung lập” ban đầu: đầu tiên là “sẳn sàng tiếp tục đóng góp ... nếu có yêu cầu !!!”, rồi sau đó là  “không phủ nhận khả năng sẳn sàng trực tiếp tham gia tranh cử” (theo nghĩa là Mario Monti có thể “đỡ đầu” cho một hay nhiều lực lượng chính trị ... hoặc “bảo trợ” cho một vài danh sách ứng cử viên “độc lập” nào đó .... Chứ Mario Monti không thể trực tiếp tranh cử vì ông ta đã là thượng nghĩ sĩ mãn đời). Và cuối cùng là trong mấy tuần nay Mario Monti đã chính thức “lên đàng” (salire in politica).

Rất có thể là ngay những ngày tháng đầu Mario Monti cũng vẫn nghĩ rằng, với viễn ảnh là sau hơn một năm nắm quyền, chính phủ kỹ trị sẽ đưa nước Ý hoàn toàn thoát ra khỏi cơn nguy khốn, và trong trường hợp đó, song song với sự kiện Quốc hội bế mạc nhiệm kỳ, Mario Monti  coi như đã hoàn tất hết trách nhiệm. Nhưng rồi những tháng sau đó những đề luật cải tổ cần thiết bắt đầu gặp những phản kháng ngày càng rộng lớn từ phía của quần chúng cũng như của các đảng phái, kể luôn cả ba đảng “đa số” của chính phủ ... Thậm chí có những cải tổ bị Quốc hội ngăn chận hay bị “rút ruột” (thí dụ như các cải tổ về các tiêu chuẩn đánh giá tội trạng tham nhũng hối lộ, hoặc các đề luật nhằm tự do hóa các ngành nghề tự do đã không đạt yêu cầu do chính phủ đề ra). Tình hình thực tế khó khăn ở Quốc hội, và nhất là khả năng đối kháng của các đảng phái, cho thấy rằng tất cả những cải tổ cần thiết được đặt ra ban đầu ... rất có thể sẽ không được “dứt điểm”. Và những khó khăn “khách quan” đó đã khiến Mario Monti phải “xét lại” viễn ảnh mà ông ta đã hy vọng ... và lần lần từ bỏ thế đứng “trung lập”.

Song song đó, thị trường kinh tế tài chánh thế giới cũng như các quốc gia đối tác Tây Âu vẫn tiếp tục thường xuyên quan sát tình hình của nước Ý và câu hỏi thường trực của các chính phủ Tây Âu là “sau khi Mario Monti hết nhiệm kỳ hành pháp ... thì những gì sẽ xẩy ra ... Và liệu chính phủ kế tiếp có khả năng – và ý định – đi hết con đường cải tổ do chính phủ của Mario Monti đã vạch ra hay không ?”.

Dù rằng Mario Monti vẫn liên tục tuyên bố trấn an các đối tác Tây Âu cũng như với thị trường kinh tế tài chánh thế giới ... Nhưng rất có thể là tình hình căng thẳng giữa các đảng phái chính trị, cộng thêm hiện tượng tẩy chai chính trị ngày càng lan rộng (phần lớn bởi các vụ bê bối tham nhũng hối lộ và lạm dụng công quỹ của các đảng phái) với sự ra đời của những “phong trào” có khuynh hướng mị dân chống lại chính sách khắt khổ của Mario Monti và nhất là những phê phán nặng nề của một số đảng phái và công đoàn về chiến lược cắt xén ngân sách do chính Ủy Ban Châu Âu đề ra (với sự hổ trợ của Đức và của các quốc gia Bắc Âu) ... đã khiến các chính phủ Tây Âu cảm nhận một viễn ảnh bất ổn chính trị ở Ý sẽ tiếp tục.

Có thể là những “bức xúc” của các đối tác Tây Âu là quá đáng ... và mang hơi hướm “can thiệp vào nội bộ chính trị” của nước Ý .... Nhưng khổ nổi là với hai thập niên vừa qua trong đó sân khấu chính trị của nước Ý đầy dẫy các màn bi hài hỉ nộ ái ố lố lăng ... với một thủ tướng “bunga bunga” chỉ biết chạy theo váy của các “nhí” và chỉ biết chăm lo bảo vệ đặc quyền đặc lợi cho chính cá nhân ông ta .... đưa cả nước Ý vào một cuộc thánh chiến chống lại ngành tư pháp làm tê liệt cả Quốc hội và biến Hội đồng chính phủ thành một thứ chuồn chó từ đó ngày ngày Thủ tướng xua chó dữ ra cắn xé những ai dám cả gan đụng chạm hay đe dọa đến quyền lợi của Thủ tướng... Uy tín của nước Ý bị sói mòn một cách thê thảm ...

Nhưng khi đảng của Berlusconi tuyên bố “chấm dứt quá trình hợp tác với chính phủ Mario Monti” (07/12/2012) - thực tế chắc có lẽ Berlusconi cũng chỉ nhắm “hăm dọa” chính phủ với mục tiêu là để bắt đầu “nấu lửa rêu rêu” (cuocere a fuoco lento) Mario Monti để chuẩn bị bước vào mùa tranh cử tháng tư 2013 – và Mario Monti đã (bắt buộc phải) phản ứng bằng cách đi nước cờ phủ đầu ... với quyết định từ chức Thủ tướng và đưa Quốc hội đến tình trạng mãn nhiệm kỳ trước thời hạn ... thì các đối tác Tây Âu đã minh xác được rằng những “bức xúc” trước đây là có cơ sở. Bằng chứng là trong buổi họp của khối PPE Châu Âu (13/12/2012), các chính phủ trung hữu của Châu Âu đã trực tiếp mời Mario Monti đến tham dự, dù Mario Monti không phải là người của đảng chính trị nào ... và lại càng không phải là thành viên của PPE,  để “trực tiếp trình giảng tình hình chính trị của nước Ý” ... thực chất là để PPE công khai “tẩy chai” Berlusconi (vốn là thành viên của PPE) và để công khai “ủng hộ” Mario Monti tranh cử vào chức vụ Thủ tướng trong chính phủ kế nhiệm sắp tới.

Đó là nói về những áp lực đến từ bên ngoài. Trong khi đó, trong nội bộ sân khấu chính trị xã hội của Ý cũng đã có nhiều áp lực ủng hộ quyết định “tham chính” của Mario Monti. Chủ yếu là của các lực lượng trung dung, các tổ chức hay phong trào công giáo, một bộ phận của giới thương nhân. Và nhất là “lực đẩy” đến từ phía của Tòa Thánh Vatican.

Tất cả các áp lực nói trên đã khiến Mario Monti sau cùng quyết định trực tiếp tham gia tranh cử trong hàng ngũ của lực lượng trung dung (còn được gọi là “lực lượng thứ ba” – terzo polo)

Quyết định của Mario Monti cũng đã bắt đầu gây căng thẳng trong quan hệ với đảng PD, vốn là đảng lớn nhất trong khối liên minh trung-tả. Đảng PD là một trong 3 đảng “đa số” trước đây của chính phủ kỹ trị Mario Monti. Nhưng trong khi đảng của Berlusconi trước đây “ủng hộ” Mario Monti chỉ vì bị tình thế ép buộc để tránh phải gánh lấy trách nhiệm đưa nước Ý đến vỡ nợ nhà nước sau 2 thập niên khuynh đảo Quốc hội và hành pháp. Và  trong khi đảng trung dung của Casini “ủng hộ” Mario Monti với ý đồ là sẽ sử dụng lá bài Monti để tái lập lại đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo ... thì đảng PD là đảng chính trị duy nhất ủng hộ Mario Monti với kiên định giải cứu nước Ý. Quyết định “trực tiếp tham chính” của Mario Monti tạo ra một sự “mâu thuẩn chính trị” cho đảng PD: đảng PD lúc nào cũng tuyên bố ủng hộ chính sách giải cứu của Mario Monti và sẽ tiếp tục chiến lược do Mario Monti đề ra trong trường hợp đảng PD thắng cử ... Nhưng với quyết định “trực tiếp tranh cử” của Mario Monti, đảng PD rơi vào cảnh mâu thuẩn là trong khi Bersani tranh cử vào chức vụ Thủ tướng thì đảng lại ủng hộ đường lối của đối thủ chính trị của Bersani.

Quyết định trực tiếp tham gia tranh cử của Mario Monti thực ra cũng có nhiều ẩn số khó lường trước được ngay cho chính bản thân của Monti.

Ẩn số đầu tiên là những ai sẽ có tên trong các danh sách ứng cử viên của những lực lượng chính trị mà Mario Monti sẽ phải “đỡ đầu” ? Câu hỏi quan trọng bởi vì lần này cử tri Ý vẫn phải đi bầu Quốc hội với một luật bầu cử vốn đã bị công luận chỉ trích và thậm chí các đảng chính trị đều “tẩy chai” (luật Porcellum - nhưng để rồi sau hơn một năm công khai tẩy chay, các lực lượng chính trị ở Quốc hội vẫn đã không có khả năng đưa ra một đề luật bầu cử mới – điều này cũng một lần nửa minh chứng cho sự “phá sản” của các đảng phái chính trị). Các lực lượng trung dung như đảng UDC của Casini hay FLI của Fini vốn xưa này cũng đã có quá nhiều “giang hồ hảo hớn”, thậm chí đến ngay cả hai nhân vật “trọng yếu” của khối trung dung là Casini và Fini đều là những gương mặt đã quá “nhẵn” đối với cử tri (Casini xuất thân từ “trường lớp” Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, đã một đời ngụp lặn trong ao hồ chính trị từ thời Đệ I Cộng Hòa cho đến nay. Fini vốn là Tổng thư ký của đảng phát xít và đã được Berlusconi cho “sổ lồng” để rồi đi đến mâu thuẩn với Berlusconi chỉ vì không được Berlusconi “truyền ngôi” ... và do đó đã “hóa thân” thành “lực lượng thứ ba”). Liệu với những lực lượng chính trị đã quá “nhẳn” như thế ... thì Mario Monti sẽ được bao nhiêu cử tri ủng hộ ? Chắc chắn là Mario Monti tính đến khả năng hút được phiếu từ cánh hữu thất vọng với Berlusconi. Nhưng mối nghi ngờ là sau lưng của Monti là cả một chiến lược nhằm tái dựng lại đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, nhất là sau khi Vatican đã chính thức lên tiếng “cổ động” cho Mario Monti ... những điều này sẽ ít nhiều làm giảm thanh danh và uy tín của Mario Monti vì bị coi như là “con cờ” trong tay của các thế lực hữu khuynh theo kiểu mô hình Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, đảng chính trị đã liên tục cầm quyền gần ½ thế kỷ kể từ sau Đệ II thế chiến và đã là tác nhân đưa Đệ I Cộng Hòa đến cáo chung.

Ẩn số thứ hai là Mario Monti sẽ cộng tác như thế nào với đảng PD sau bầu cử ? Bởi vì chắc chắn là các lực lượng trung dung sẽ không có đủ đa số để nắm chánh quyền, cũng như đảng liên minh của phe trung tả cũng cần có sự tham gia của các lực lượng trung dung để có đa số trong quốc hội (nhất là ở Thượng viện, khó mà phe liên minh trung-tả có thể một mình có đa số). Do đó, sau bầu cử, chắc chắn là Mario Monti và Bersani sẽ phải cộng tác với nhau, nhất là khi quan hệ giữa Mario Monti và Berlusconi coi như đã vĩnh viễn chấm dứt với những màn “mơn trớn”, thóa mạ, lăng nhục, chửi bới của Berlusconi đối với Mario Monti.

Ẩn số thứ ba là quyết định của Mario Monti có thể sẽ “vô tình” đẩy các lực lượng trung dung sang cánh hữu: bởi vì cần phải “hữu khuynh” để có thể hút được các cựu cử tri của Berlusconi, và đồng thời cũng đẩy đảng PD vào vòng tay của Vendola (tả khuynh). Như thế thì sau mùa bầu cử, dù với kết quả ra sau, cả hai khối “trung dung” và “trung tả” cũng sẽ có nhiều khó khăn để có thể hợp tác với nhau.

Thực ra thì quyết định của Mario Monti, xét về lý thuyết, cũng có thể là tiền đề để đưa nước Ý đến một tình trạng chính trị bình thường. Đó là khả năng Mario Monti có thể tạo ra một lực lượng chính trị “trung hữu” đứng đắn và lành mạnh (như những lực lượng trung hữu khác ở Châu Âu), thay thế cho một “trung hữu mị dân” và thiếu văn hóa của Berlusconi. Nếu khả năng này xẩy ra thì đây cũng là điều đáng mừng cho phe trung-tả của PD, vì như thế thì sau 2 thập niên vất vã chạy theo Berlusconi một cách vô bổ, sau cùng đảng PD có được một “đối tác” nghiêm chỉnh để có thể cọ xát chính trị một cách lành mạnh và phát huy được một quan hệ biện chứng xây dựng giữa các lực lượng chính trị. Nhưng đấy là xét về lý thuyết. Trên thực tế thì còn có quá nhiều ẩn số vây quanh Mario Monti để có thể đoán trước được sân khấu chính trị của nước Ý sẽ ra sao.

Điều càng ngày càng trở nên khó hiểu là thái độ “dương đông kích tây” của Mario Monti mấy hôm nay: kình chống Berlusconi đã đành, nhưng Monti lại đang bắt đầu có những tuyên bố căng thẳng với đảng PD, thậm chí Mario Monti còn dám liều lĩnh “khuyên” Bersani nên lấy can đảm “cắt bỏ” những “nhánh cực đoan” của phe trung tả ... một sai lầm chính trị quá lớn ... và nhất là làm thất vọng cho những ai đang chờ đợi ở Monti một sự khác biệt về ngôn từ so với cung cách hành xử của một Berlusconi.

Tình hình khó khăn của Ý đòi hỏi một  sự ổn định chính trị. Dù trong trường hợp nào đi nữa, thậm chí trong trường hợp phe trung-tả nắm được đa số trong Quốc hội, đảng PD cũng cần có sự cộng tác của Mario Monti: thứ nhất là để có thể vượt qua những khó khăn ngay trong nội bộ liên minh trung tả khi phải đối đầu với những cải tổ lớn trong lãnh vực kinh tế và xã hội, kế đến là đảng PD cũng cần có những người như Mario Monti đứng ra làm “bảo kê” cho chính phủ Ý trên sân khấu quốc tế và nhất là trên thị trường kinh tế tài chánh thế giới.

Nhưng nếu vì một lý do gì đó, thậm chí chỉ vì những toan tính tranh cử, mà quan hệ giữa Mario Monti và Bersani trở nên căng thẳng đến độ không cho phép hai bên có thể hợp tác với nhau trong một chính phủ ... thì rõ ràng khó mà nước Ý có được một sự ổn định chính trị cần thiết. 

Đó là chưa kể đến cảnh “ngư ông đắc lợi” của Berlusconi. 

Và đấy sẽ là kịch bản tồi tệ nhất cho nước Ý.

Roma, 03/01/2013.