28 tháng 1, 2013

Lòng mẹ !!!



Làm mẹ thì ai mà không thương con. Dù đứa con hư xấu như thế nào đi nữa thì lòng mẹ vẫn là lòng mẹ. Thiên hạ xã hội có chê bai ruồng bỏ hay mắng nhiết thậm tệ đến bao nhiêu ... thì trước cặp mắt của người mẹ.... đó vẫn là đứa con của mình. Và người mẹ lúc nào cũng sẳn sàng che chắn bảo vệ con mình ... thậm chí bằng ngay cả tính mạng của người mẹ.

Đó là nói lòng mẹ trên bình diện tình cảm ... Như lời của bài nhạc “Lòng mẹ bao la như biển Thái bình .... dạt dào ....”.

Nhưng ở đời, đôi khi cũng cần phải có đủ nghị lực và sáng suốt để tạm thời tách rời tình cảm ra khỏi những nhận thức lý trí. Dù thương con đến đâu, người mẹ cũng phải biết đứa con của mình là một thành viên trong xã hội với những quyền lợi và bổn phận, với những luật pháp cần phải được tuân thủ. Không thể nào chỉ vì nhân danh “lòng mẹ” mà người ta có thể xem thường tất cả luật pháp và cung cách hành xử của xã hội.

Nhìn bà mẹ của tên lưu manh Fabrizio Corona lên truyền hình nhỏ lệ khóc than cảnh tù tội của con mình ... thậm chí muối mặt lên tiếng kêu gọi Tổng thống nước Ý ... can thiệp ... để cứu thằng con ra khỏi vòng tù tội ... mà không khỏi ngao ngán cho trình độ dân trí xã hội của nước Ý, một trong 8 nước “công nghệ tiên tiến trên thế giới !!!”.

 Mẹ của tên lưu manh Fabrizio Corona đang "ca bài lòng mẹ" trên màn ảnh Mediaset.

Tạm thời không (cần) nhắc lại một số vụ việc (vốn đã được các phương tiện truyền thông, nhất là những tờ báo “lá cải” chuyên đề “ngồi lê đôi mách” (gossip), đăng tải rầm rộ cả mấy năm nay) vây quanh nhân vật quái dị Corona này. Chỉ biết là hắn sống bằng nghề săn ảnh của các nhân vật nổi tiếng (VIP), một thứ nghề mà ngôn ngữ Ý cũng đã đào nặn ra chữ để ám chỉ nó ... (đôi khi với ý niệm khinh miệt): paparazzo. (Và từ vựng này cũng đã được “quốc tế hóa”: đi đâu nói đến chữ paparazzo thì ai cũng biết anh làm nghề gì). Nếu thế thì cũng chẳng có gì là quái dị. Biết bao nhiêu nhiếp ảnh gia cũng sống bằng nghề đi săn ảnh của các VIP để sống, thậm chí có paparazzo đã trở thành nổi tiếng vì những tấm ảnh lịch sử. Nhưng khổ nổi là tên Corona này lại dùng những tấm ảnh săn được, nhất là những tấm ảnh có nội dung rất “riêng tư” ... để tống tiền các nạn nhân VIP. Và có lẽ đây là “nghề chính” của hắn .... và chính vì thế mà y đã bị lôi ra trước vành móng ngựa ... và bị phạt tù.

Trong mấy năm gần đây, xoay quanh nhân vật quái dị Corona này đã xẩy ra biết bao chuyện “trên trời dưới đất”: từ những chuyện đánh đá với nhân tình nhân ngãi đến những chuyện hành hung nhân viên công lực, từ những vi phạm luật lệ giao thông đến những đánh đá ngoài đường phố .... nhưng chẳng bao giờ nghe nói đến người mẹ của y lên tiếng xin lỗi thiên hạ ... Vậy mà chỉ cần tòa phạt tù hắn ... là bà mẹ cứ la toáng lên .... cầu cứu con mình ... Mà quên rằng chính thằng con của bà từng là một thứ “trời đánh thánh đỡ” bao năm qua.

 
  Đương sự

Cung cách hành xử của bè mẹ của Corona .... nó na ná như chuyện ở Napoli, ở những khu “lao động” (địa bàn thường có sự lộng hành của các băng đảng xã hội đen), các bà mẹ không những không la rầy hay răn dạy đứa con mất dạy ở trường lớp ... mà lại còn quay lại chửi mắng, thậm chí hành hung, các giáo viên đã "dám" phạt con mình.

Lối cung cách hành xử kỳ quặt nói trên không phải xuất phát đơn thuần từ “lòng mẹ bao la” ... Nó thể hiện một tư duy rất phổ biến ở Ý: coi thường pháp luật, coi thường cơ chế nhà nước, chỉ thấy được cái lợi riêng tư ... Đối với một bộ phận lớn dân Ý, chỉ có những “thằng cù lần” (mà người Ý gọi một cách miệt thị là “coglioni”) mới  tôn trọng pháp luật, tuân thủ cơ chế nhà nước .... Trong khi đó những người “thông minh lanh lẹn” là những người biết “qua mặt” nhà nước, bất tuân pháp luật một cách “đường đường chánh chánh”.

Thực ra cũng không thể nào quy hết trách nhiệm lên người dân Ý. So với các nước Châu Âu khác, nhà nước Ý tương đối thuộc hàng “sanh sau đẻ muộn”: nước Ý chỉ mới thống nhất được 152 năm nay (1861-2013). Trước đó chỉ có các “vương quốc” (regno) manh múng cắt cứ từng địa phương, na ná như thời “thập nhị sứ quân” trong sử Việt Nam (944-968) và kết thúc sau khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước lập ra Đại Cồ Việt, còn ở Ý thì mãi đến năm 1861 Giuseppe Garibaldi mới thu được các “vương quốc” về một mối và lập ra nhà nước Ý.

Do đó, so với các dân cư Châu Âu khác, người Ý có được khái niệm “Nhà nước” rất trễ. Hiện tượng này được thể hiện rất rõ nét qua những “căng thẳng thường xuyên” giữa “chính quyền địa phương” (vùng, tỉnh) với “chính quyền trung ương”: chính sách thuế má, phân định ngân sách, chiến lược phát triển, chính sách bảo vệ môi trường .... Thậm chí có cả những lực lượng chính trị “sống” được là nhờ vào các chính sách “đối đầu” (một cách mị dân” với trung ương, điển hình là có cái đảng Lega Nord, lúc nào cũng hô hào đòi “ly khai” (nhưng lương bổng, ngân sách, phúc lợi của Quốc hội trung ương dành cho dân biểu của Lega Nord ... thì không thấy đảng này đòi “ly khai”).

Gần ½ thế kỷ kể từ sau Đệ II thế chiến chấm dứt, quyền hành nước Ý lại liên tục nằm trong tay của một Đảng chỉ biết quyền lợi “địa phương cục bộ” và nhà nước Trung ương thực chất chỉ là một cái “két sắt” từ đó các băng đảng địa phương bòn rút nguồn lực để nuôi dưỡng sự đồng thuận của cử tri địa phương. Đó là Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo. Thậm chí vào những năm của “bùng nổ kinh tế” (boom economico – thập niên 60) ... hàng triệu người dân miền Nam Ý (vùng nông nghiệp lạc hậu) lũ lược di dân lên Bắc Ý (vùng công nghệ phát triển) ... Lúc đó cũng có những hiện tượng kỳ thị Bắc-Nam .... Và chính quyền Ý lúc đó cũng đã không hề có một chính sách chiến lược nhằm nâng cao trình độ dân trí để tạo uy tín cho nhà nước trung ương. Thậm chí tư duy hành xử kiểu “cục bộ địa phương” của chính quyền (và Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo) lúc đó đã là những con vi khuẩn tiềm tàng để sau này ăn sâu phá hũy nhà nước.

Hai thập niên sau cùng của Berlusconi chắc chắn đã “tăng tốc” mức độ phá hoại nhà nước và triệt hạ gần như toàn bộ niềm tin của người dân vào luật pháp. Bởi vì chính Berlusconi là người có nhiều nợ nần công lý nhất nước, là người xem thường cơ chế nhà nước (Quốc hội chỉ là những ràng buộc vướng bận vô ích cho chính phủ, Tòa án chỉ là những ổ cộng sản (sic !!!) tối ngày đi dọ khám và truy lùng “người dân”). Thậm chí đến việc trốn thuế, một trong những vấn nạn lớn nhất hiện nay ở Ý, cũng được chính Berlusconi bào chữa (khi mà áp lực thuế má lớn quá ... thì mỗi người dân có quyền cho phép mình ... trốn thuế !!!).

Berlusconi "ngủ gục" trong buổi lễ tưởng niệm nạn diệt chủng "Shoa" ở Milano, biểu tượng cho cung cách xem thường cơ chế nhà nước


Trong một quốc gia mà dân trí quá thấp, giai cấp lãnh đạo chính trị hoàn toàn không có uy tín, nhà nước bị xem thường từ chính người cầm quyền, trong khi chính những dân biểu, quan chức nhà nước tham nhũng hối lộ công khai giữa thanh thiên bạch nhật mà vẫn cứ tiếp tục ngồi chiểm chệ trong chức vị của mình (dù rằng đang bị tòa án réo tên hay thậm chí đã bị kết án – bởi vì “từ chức” là một khái niệm hoàn toàn xa lạ đối với giai cấp lãnh đạo chính trị hiện nay ở Ý) .... thì thử hỏi một bà mẹ của một thằng lưu manh côn đồ có thể làm gì hơn nếu không lên tivi để khóc lóc gào thét với hy vọng là gây áp lực lên nhà nước ... để cứu con ra khỏi vòng lao lý ? Ít ra bà ta cũng còn có thể biện minh được hành động phi lý của mình bằng “lòng mẹ”.

Roma, 28/01/2013
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét