3 tháng 1, 2013

Super Mario ...


Ngoài giới hàn lâm cao cấp hoặc những lãnh đạo chính trị trong các thượng tầng cơ chế nhà nước hay đảng phái ở Ý, hay nguyên thủ quốc gia của các nước trên thế giới, hoặc các chuyên gia quốc tế về kinh tế tài chánh ra … thì chắc có lẽ cho đến cách đây một năm không bao nhiêu người ở Ý biết đến cái tên Mario Monti. Nhất là sau gần hai thập niên quen sống với một “triều đình” tràn ngập ma-cô, tú bà và đĩ điếm ngụp lặn trong kim tiền và quyền thế … lúc nào cũng chực chờ để phô trương những màn ăn chơi trác tán truy hoan … thì một người như Mario Monti: không biết “bung ga bung vô”, không biết tán phét, không biết “vỗ vai lay đít” các nguyên thủ quốc gia, không biết kính cẩn hôn tay hôn chân những tay đồ tể chính trị quốc tế, thậm chí đến bồ nhí cũng không có lấy được một em để làm kiểng … thì trước con mắt của đại bộ phận đa số cử tri Ý Mario Monti đã giống như một tên “vô danh tiểu tốt” ….

Ấy vậy mà trong mùa bầu cử 2013 năm nay hai chữ “Mario Monti” đang ngày đêm liên tục trở thành một kiểu “thần chú” mà đi đâu, nói chuyện với giới nào trên sân khấu chính trị, với giai cấp nào trong xã hội, cầm tờ báo hay nghe một kênh truyền thanh truyền hình nào đó … là không thiếu hai chữ “Mario Monti”.

Mario Monti đang trở thành một hiện tượng mới trong bối cảnh chính trị xã hội của nước Ý.

“Xuất thân” là một chuyên gia quốc tế cao cấp trong lãnh vực kinh tế tài chánh của thế giới, trước viễn ảnh vỡ nợ nhà nước của Ý (với hệ lụy là sẽ dẫn đến khả năng phá sản của hệ thống đồng tiền Euro), trước áp lực của thị trường tài chánh (xuyên qua chỉ số spread tăng tốc) cộng với áp lực của các tổ chức kinh tế tài chánh thế giới (Ngân hàng trung ương Châu Âu BCE và Quỹ tiền tệ thế giới FMI) và của một số lãnh đạo nhà nước của một vài quốc gia thành viên của Liên hiệp Châu Âu (đứng đầu là Đức và Pháp) … và nhất là dưới sự “đạo diễn” tinh tế và khéo léo của Tổng thống Ý, ông Giorgio Napolitano, Mario Monti đã được Quốc hội bổ nhiệm làm Thủ tướng của một chính phủ “kỹ trị” …. thay thế cho một Hội đồng chính phủ “bunga bunga” của Silvio Berlusconi vốn đã không còn được một giọt uy tín nào trên sân khấu quốc tế …

Super Mario

 Sự xuất hiện của Mario Monti, dưới lớp áo “chính phủ kỹ trị”, cũng là một bằng chứng cụ thể cho thấy là các đảng phái chính trị, tả cũng như hữu, ôn hòa cũng như quá khích, đang bị khủng hoảng trầm trọng … và nhất là giai cấp lãnh đạo chính trị của Ý, vốn đang bị chôn vùi dưới các xì-căng-đan về tham nhũng hối lộ và lạm dụng công quỹ, đang đánh mất gần như toàn bộ uy tín đối với người dân Ý, điển hình là sự xuất hiện của các “phong trào” tẩy chai chính trị ….

Theo một số “tin đồn” thì Mario Monti được các đảng phái chính trị vời ra nắm chính quyền ... chủ yếu là để lấy những quyết định chính trị xã hội cần thiết (để tránh cảnh vỡ nợ nhà nước), tức là các biện pháp cải tổ (về thị trường lao động, về chính sách hưu trí ...) và cắt xén ngân sách nhà nước ... nhưng lại không hạp lòng dân. Các đảng phái chính trị thực tâm muốn Mario Monti đứng ra “chống mũi chịu sào” thi hành những chính sách không hạp lòng dân mà chẳng một đảng phái chính trị nào dám có can đảm làm nếu không muốn mất lòng cử tri ... Đó là những liều thuốc đắng cần thiết để cứu con bệnh ... nhưng vì đắng quá ... nên chẳng thầy thuốc nào đã dám kê toa ... vì sợ sự phản đối của bệnh nhân.

Trong thâm tâm của các đảng chính trị ... là chờ khi thuốc đã ngấm rồi, con bệnh ra khỏi cảnh thập tử nhất sinh ... thì coi như thầy thuốc Mario Monti đã hoàn tất tốt đẹp nhiệm vụ của mình ... và phải khăn gói về vườn giao lại toàn bộ quyền hành cho các đảng phái.

Thực ra mà nói, đứng trên bình diện lý thuyết thì sự “chờ đợi” của các đảng phái cũng không có gì gọi là đi ngược lại cơ chế dân chủ nghị viện trong đó các lực lượng chính trị đảng phái, vẫn lý thuyết mà nói, đóng vai đại diện thực sự của người dân, có quyền và có trách nhiệm phải nắm chính quyền với mục tiêu thực thi những yêu cầu của người dân.

Nhưng trên thực tế, trong mấy thập niên vừa qua các đảng phái chính trị đã không còn giữ được vai trò đại diện thực sự của người dân ... và đã biến tướng trở thành những “băng đảng” chỉ biết đến quyền lợi riêng tư của lãnh đạo .... và nếu có tốt lắm thì cũng chỉ biết đến những ích lợi cục bộ của “băng đảng” mà quên đi những ích lợi chung của đất nước.

Người ta không biết ông Mario Monti thực sự có những “tính toán” gì hay không khi được vời ra làm Thủ tướng “kỹ trị” để cứu nước Ý. Mục tiêu của Mario Monti chỉ là giải cứu nước Ý qua cơn hiểm nghèo .... để rồi sau đó trao hết quyền bính lại cho các đảng phái chính trị ? Hay để rồi khi qua cơn dầu sôi lửa bỏng .... thừa thắng xông lên ... Mario Monti sẽ cởi lớp áo “kỹ trị” để bước thẳng vào chính trường ?

Chỉ biết là ngay khi lên nắm chính quyền, chính Mario Monti đã nhiều lần tuyên bố rằng ông ta không hề có ý định làm chính trị, và nhiệm vụ của ông ta sẽ chấm dứt song song với việc mãn nhiệm kỳ Quốc hội (dự kiến là cuối tháng tư năm 2013). Thậm chí cũng đã có lần Mario Monti đã “khuyến cáo” các Bộ trưởng nội các (vốn đều là các “chuyên gia kỹ trị”, chẳng người nào thuộc bất cứ một đảng phái chính trị nào) không nên trực tiếp tham gia vào các lực lượng đảng phái. Và thái độ “trung lập” của Mario Monti lúc ấy cũng đã tạo ra được tiền đề để có được một “đa số bất bình thường” trong Quốc hội gồm ba đảng chính trị trong đó đã có hai đảng vốn trước đây là lực lượng đối lập với chính phủ của Berlusconi.

Nhưng lần lần theo thời gian .... cho đến khoảng sau mùa hè 2012, Mario Monti bắt đầu có những tuyên bố ... với nội dung có những thay đổi so với thế đứng “trung lập” ban đầu: đầu tiên là “sẳn sàng tiếp tục đóng góp ... nếu có yêu cầu !!!”, rồi sau đó là  “không phủ nhận khả năng sẳn sàng trực tiếp tham gia tranh cử” (theo nghĩa là Mario Monti có thể “đỡ đầu” cho một hay nhiều lực lượng chính trị ... hoặc “bảo trợ” cho một vài danh sách ứng cử viên “độc lập” nào đó .... Chứ Mario Monti không thể trực tiếp tranh cử vì ông ta đã là thượng nghĩ sĩ mãn đời). Và cuối cùng là trong mấy tuần nay Mario Monti đã chính thức “lên đàng” (salire in politica).

Rất có thể là ngay những ngày tháng đầu Mario Monti cũng vẫn nghĩ rằng, với viễn ảnh là sau hơn một năm nắm quyền, chính phủ kỹ trị sẽ đưa nước Ý hoàn toàn thoát ra khỏi cơn nguy khốn, và trong trường hợp đó, song song với sự kiện Quốc hội bế mạc nhiệm kỳ, Mario Monti  coi như đã hoàn tất hết trách nhiệm. Nhưng rồi những tháng sau đó những đề luật cải tổ cần thiết bắt đầu gặp những phản kháng ngày càng rộng lớn từ phía của quần chúng cũng như của các đảng phái, kể luôn cả ba đảng “đa số” của chính phủ ... Thậm chí có những cải tổ bị Quốc hội ngăn chận hay bị “rút ruột” (thí dụ như các cải tổ về các tiêu chuẩn đánh giá tội trạng tham nhũng hối lộ, hoặc các đề luật nhằm tự do hóa các ngành nghề tự do đã không đạt yêu cầu do chính phủ đề ra). Tình hình thực tế khó khăn ở Quốc hội, và nhất là khả năng đối kháng của các đảng phái, cho thấy rằng tất cả những cải tổ cần thiết được đặt ra ban đầu ... rất có thể sẽ không được “dứt điểm”. Và những khó khăn “khách quan” đó đã khiến Mario Monti phải “xét lại” viễn ảnh mà ông ta đã hy vọng ... và lần lần từ bỏ thế đứng “trung lập”.

Song song đó, thị trường kinh tế tài chánh thế giới cũng như các quốc gia đối tác Tây Âu vẫn tiếp tục thường xuyên quan sát tình hình của nước Ý và câu hỏi thường trực của các chính phủ Tây Âu là “sau khi Mario Monti hết nhiệm kỳ hành pháp ... thì những gì sẽ xẩy ra ... Và liệu chính phủ kế tiếp có khả năng – và ý định – đi hết con đường cải tổ do chính phủ của Mario Monti đã vạch ra hay không ?”.

Dù rằng Mario Monti vẫn liên tục tuyên bố trấn an các đối tác Tây Âu cũng như với thị trường kinh tế tài chánh thế giới ... Nhưng rất có thể là tình hình căng thẳng giữa các đảng phái chính trị, cộng thêm hiện tượng tẩy chai chính trị ngày càng lan rộng (phần lớn bởi các vụ bê bối tham nhũng hối lộ và lạm dụng công quỹ của các đảng phái) với sự ra đời của những “phong trào” có khuynh hướng mị dân chống lại chính sách khắt khổ của Mario Monti và nhất là những phê phán nặng nề của một số đảng phái và công đoàn về chiến lược cắt xén ngân sách do chính Ủy Ban Châu Âu đề ra (với sự hổ trợ của Đức và của các quốc gia Bắc Âu) ... đã khiến các chính phủ Tây Âu cảm nhận một viễn ảnh bất ổn chính trị ở Ý sẽ tiếp tục.

Có thể là những “bức xúc” của các đối tác Tây Âu là quá đáng ... và mang hơi hướm “can thiệp vào nội bộ chính trị” của nước Ý .... Nhưng khổ nổi là với hai thập niên vừa qua trong đó sân khấu chính trị của nước Ý đầy dẫy các màn bi hài hỉ nộ ái ố lố lăng ... với một thủ tướng “bunga bunga” chỉ biết chạy theo váy của các “nhí” và chỉ biết chăm lo bảo vệ đặc quyền đặc lợi cho chính cá nhân ông ta .... đưa cả nước Ý vào một cuộc thánh chiến chống lại ngành tư pháp làm tê liệt cả Quốc hội và biến Hội đồng chính phủ thành một thứ chuồn chó từ đó ngày ngày Thủ tướng xua chó dữ ra cắn xé những ai dám cả gan đụng chạm hay đe dọa đến quyền lợi của Thủ tướng... Uy tín của nước Ý bị sói mòn một cách thê thảm ...

Nhưng khi đảng của Berlusconi tuyên bố “chấm dứt quá trình hợp tác với chính phủ Mario Monti” (07/12/2012) - thực tế chắc có lẽ Berlusconi cũng chỉ nhắm “hăm dọa” chính phủ với mục tiêu là để bắt đầu “nấu lửa rêu rêu” (cuocere a fuoco lento) Mario Monti để chuẩn bị bước vào mùa tranh cử tháng tư 2013 – và Mario Monti đã (bắt buộc phải) phản ứng bằng cách đi nước cờ phủ đầu ... với quyết định từ chức Thủ tướng và đưa Quốc hội đến tình trạng mãn nhiệm kỳ trước thời hạn ... thì các đối tác Tây Âu đã minh xác được rằng những “bức xúc” trước đây là có cơ sở. Bằng chứng là trong buổi họp của khối PPE Châu Âu (13/12/2012), các chính phủ trung hữu của Châu Âu đã trực tiếp mời Mario Monti đến tham dự, dù Mario Monti không phải là người của đảng chính trị nào ... và lại càng không phải là thành viên của PPE,  để “trực tiếp trình giảng tình hình chính trị của nước Ý” ... thực chất là để PPE công khai “tẩy chai” Berlusconi (vốn là thành viên của PPE) và để công khai “ủng hộ” Mario Monti tranh cử vào chức vụ Thủ tướng trong chính phủ kế nhiệm sắp tới.

Đó là nói về những áp lực đến từ bên ngoài. Trong khi đó, trong nội bộ sân khấu chính trị xã hội của Ý cũng đã có nhiều áp lực ủng hộ quyết định “tham chính” của Mario Monti. Chủ yếu là của các lực lượng trung dung, các tổ chức hay phong trào công giáo, một bộ phận của giới thương nhân. Và nhất là “lực đẩy” đến từ phía của Tòa Thánh Vatican.

Tất cả các áp lực nói trên đã khiến Mario Monti sau cùng quyết định trực tiếp tham gia tranh cử trong hàng ngũ của lực lượng trung dung (còn được gọi là “lực lượng thứ ba” – terzo polo)

Quyết định của Mario Monti cũng đã bắt đầu gây căng thẳng trong quan hệ với đảng PD, vốn là đảng lớn nhất trong khối liên minh trung-tả. Đảng PD là một trong 3 đảng “đa số” trước đây của chính phủ kỹ trị Mario Monti. Nhưng trong khi đảng của Berlusconi trước đây “ủng hộ” Mario Monti chỉ vì bị tình thế ép buộc để tránh phải gánh lấy trách nhiệm đưa nước Ý đến vỡ nợ nhà nước sau 2 thập niên khuynh đảo Quốc hội và hành pháp. Và  trong khi đảng trung dung của Casini “ủng hộ” Mario Monti với ý đồ là sẽ sử dụng lá bài Monti để tái lập lại đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo ... thì đảng PD là đảng chính trị duy nhất ủng hộ Mario Monti với kiên định giải cứu nước Ý. Quyết định “trực tiếp tham chính” của Mario Monti tạo ra một sự “mâu thuẩn chính trị” cho đảng PD: đảng PD lúc nào cũng tuyên bố ủng hộ chính sách giải cứu của Mario Monti và sẽ tiếp tục chiến lược do Mario Monti đề ra trong trường hợp đảng PD thắng cử ... Nhưng với quyết định “trực tiếp tranh cử” của Mario Monti, đảng PD rơi vào cảnh mâu thuẩn là trong khi Bersani tranh cử vào chức vụ Thủ tướng thì đảng lại ủng hộ đường lối của đối thủ chính trị của Bersani.

Quyết định trực tiếp tham gia tranh cử của Mario Monti thực ra cũng có nhiều ẩn số khó lường trước được ngay cho chính bản thân của Monti.

Ẩn số đầu tiên là những ai sẽ có tên trong các danh sách ứng cử viên của những lực lượng chính trị mà Mario Monti sẽ phải “đỡ đầu” ? Câu hỏi quan trọng bởi vì lần này cử tri Ý vẫn phải đi bầu Quốc hội với một luật bầu cử vốn đã bị công luận chỉ trích và thậm chí các đảng chính trị đều “tẩy chai” (luật Porcellum - nhưng để rồi sau hơn một năm công khai tẩy chay, các lực lượng chính trị ở Quốc hội vẫn đã không có khả năng đưa ra một đề luật bầu cử mới – điều này cũng một lần nửa minh chứng cho sự “phá sản” của các đảng phái chính trị). Các lực lượng trung dung như đảng UDC của Casini hay FLI của Fini vốn xưa này cũng đã có quá nhiều “giang hồ hảo hớn”, thậm chí đến ngay cả hai nhân vật “trọng yếu” của khối trung dung là Casini và Fini đều là những gương mặt đã quá “nhẵn” đối với cử tri (Casini xuất thân từ “trường lớp” Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, đã một đời ngụp lặn trong ao hồ chính trị từ thời Đệ I Cộng Hòa cho đến nay. Fini vốn là Tổng thư ký của đảng phát xít và đã được Berlusconi cho “sổ lồng” để rồi đi đến mâu thuẩn với Berlusconi chỉ vì không được Berlusconi “truyền ngôi” ... và do đó đã “hóa thân” thành “lực lượng thứ ba”). Liệu với những lực lượng chính trị đã quá “nhẳn” như thế ... thì Mario Monti sẽ được bao nhiêu cử tri ủng hộ ? Chắc chắn là Mario Monti tính đến khả năng hút được phiếu từ cánh hữu thất vọng với Berlusconi. Nhưng mối nghi ngờ là sau lưng của Monti là cả một chiến lược nhằm tái dựng lại đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, nhất là sau khi Vatican đã chính thức lên tiếng “cổ động” cho Mario Monti ... những điều này sẽ ít nhiều làm giảm thanh danh và uy tín của Mario Monti vì bị coi như là “con cờ” trong tay của các thế lực hữu khuynh theo kiểu mô hình Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, đảng chính trị đã liên tục cầm quyền gần ½ thế kỷ kể từ sau Đệ II thế chiến và đã là tác nhân đưa Đệ I Cộng Hòa đến cáo chung.

Ẩn số thứ hai là Mario Monti sẽ cộng tác như thế nào với đảng PD sau bầu cử ? Bởi vì chắc chắn là các lực lượng trung dung sẽ không có đủ đa số để nắm chánh quyền, cũng như đảng liên minh của phe trung tả cũng cần có sự tham gia của các lực lượng trung dung để có đa số trong quốc hội (nhất là ở Thượng viện, khó mà phe liên minh trung-tả có thể một mình có đa số). Do đó, sau bầu cử, chắc chắn là Mario Monti và Bersani sẽ phải cộng tác với nhau, nhất là khi quan hệ giữa Mario Monti và Berlusconi coi như đã vĩnh viễn chấm dứt với những màn “mơn trớn”, thóa mạ, lăng nhục, chửi bới của Berlusconi đối với Mario Monti.

Ẩn số thứ ba là quyết định của Mario Monti có thể sẽ “vô tình” đẩy các lực lượng trung dung sang cánh hữu: bởi vì cần phải “hữu khuynh” để có thể hút được các cựu cử tri của Berlusconi, và đồng thời cũng đẩy đảng PD vào vòng tay của Vendola (tả khuynh). Như thế thì sau mùa bầu cử, dù với kết quả ra sau, cả hai khối “trung dung” và “trung tả” cũng sẽ có nhiều khó khăn để có thể hợp tác với nhau.

Thực ra thì quyết định của Mario Monti, xét về lý thuyết, cũng có thể là tiền đề để đưa nước Ý đến một tình trạng chính trị bình thường. Đó là khả năng Mario Monti có thể tạo ra một lực lượng chính trị “trung hữu” đứng đắn và lành mạnh (như những lực lượng trung hữu khác ở Châu Âu), thay thế cho một “trung hữu mị dân” và thiếu văn hóa của Berlusconi. Nếu khả năng này xẩy ra thì đây cũng là điều đáng mừng cho phe trung-tả của PD, vì như thế thì sau 2 thập niên vất vã chạy theo Berlusconi một cách vô bổ, sau cùng đảng PD có được một “đối tác” nghiêm chỉnh để có thể cọ xát chính trị một cách lành mạnh và phát huy được một quan hệ biện chứng xây dựng giữa các lực lượng chính trị. Nhưng đấy là xét về lý thuyết. Trên thực tế thì còn có quá nhiều ẩn số vây quanh Mario Monti để có thể đoán trước được sân khấu chính trị của nước Ý sẽ ra sao.

Điều càng ngày càng trở nên khó hiểu là thái độ “dương đông kích tây” của Mario Monti mấy hôm nay: kình chống Berlusconi đã đành, nhưng Monti lại đang bắt đầu có những tuyên bố căng thẳng với đảng PD, thậm chí Mario Monti còn dám liều lĩnh “khuyên” Bersani nên lấy can đảm “cắt bỏ” những “nhánh cực đoan” của phe trung tả ... một sai lầm chính trị quá lớn ... và nhất là làm thất vọng cho những ai đang chờ đợi ở Monti một sự khác biệt về ngôn từ so với cung cách hành xử của một Berlusconi.

Tình hình khó khăn của Ý đòi hỏi một  sự ổn định chính trị. Dù trong trường hợp nào đi nữa, thậm chí trong trường hợp phe trung-tả nắm được đa số trong Quốc hội, đảng PD cũng cần có sự cộng tác của Mario Monti: thứ nhất là để có thể vượt qua những khó khăn ngay trong nội bộ liên minh trung tả khi phải đối đầu với những cải tổ lớn trong lãnh vực kinh tế và xã hội, kế đến là đảng PD cũng cần có những người như Mario Monti đứng ra làm “bảo kê” cho chính phủ Ý trên sân khấu quốc tế và nhất là trên thị trường kinh tế tài chánh thế giới.

Nhưng nếu vì một lý do gì đó, thậm chí chỉ vì những toan tính tranh cử, mà quan hệ giữa Mario Monti và Bersani trở nên căng thẳng đến độ không cho phép hai bên có thể hợp tác với nhau trong một chính phủ ... thì rõ ràng khó mà nước Ý có được một sự ổn định chính trị cần thiết. 

Đó là chưa kể đến cảnh “ngư ông đắc lợi” của Berlusconi. 

Và đấy sẽ là kịch bản tồi tệ nhất cho nước Ý.

Roma, 03/01/2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét