26 tháng 4, 2013

Hôn nhân đền bù !!!



Phải gọi cái chính phủ Ý sắp được ra đời như thế nào ? Chính phủ “đại đoàn kết” ? Chính phủ “lâm thời” ? Chính phủ “cứu quốc” ?

Dù gọi với văn từ nào đi nữa thì cái chính phủ này na ná giống như một “đám cưới đền bù” (matrimonio riparatorio) vì cô dâu lỡ “ăn trước kẻng”, một cuộc hôn nhân không đến bằng đam mê tình cảm mà chỉ đơn thuần tính toán thiệt hơn.

65 năm Cộng hòa, chưa bao Quốc hội Ý “nặn” ra được một chính phủ “khác thường” như thế này.

Một vài chuyên gia chính trị, cùng với dăm ba vị sử học đã nhanh nhẹn nhắc lại mô hình “thỏa hiệp lịch sử” (compromesso storico) vào đầu những thập niên 70 giữa Enrico Berlinguer (đảng Cộng sản Ý) và Aldo Moro (Dân Chủ Thiên Chúa giáo). Nhưng các vị ấy “lờ” đi những chi tiết bối cảnh của thời chiến tranh lạnh, của những cuộc đảo chánh nổ ra liên tục ở Nam Mỹ (Cile, Argentina), ở Châu Âu (Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha), của thời điểm đỉnh cao của chiến lược khủng bố, đỏ có, đen có.

Nhưng có hai chi tiết quan trọng khiến cho mọi ý tưởng ví von so sánh giữa cái chính phủ “đại đoàn kết” hôm nay với chính phủ “thỏa hiệp lịch sử” ngày xưa hoàn toàn …lạc đề.

Chi tiết thứ nhất là dù có “thỏa hiệp lịch sử”, Đảng Cộng sản Ý cũng chỉ giới hạn ở mức độ “không bất tín nhiệm” (non sfiducia – lối chơi chữ chính trị cực siêu của một giai cấp chính trị một thời – ngày nay giai cấp ấy đã bị “tiệt giống”), và không bao giờ trực tiếp tham gia vào Hội đồng chính phủ (thời đó chưa bao giờ có một Bộ trưởng Cộng sản).

Chi tiết thứ hai: thời đó hề chỉ biết làm hề chứ không làm chính trị !!!

Còn bây giờ, hề Arcore đứng ra bật đèn xanh cho ra đời một Hội đồng bộ trưởng trong đó có đủ “âm binh”: từ D’Alema đến Alfano, từ Franceschini đến Lupi, từ Amato đến Monti, thậm chí có người còn nhồi nhét vào đấy cả Brunetta và Gelmini …. Để cho  thằng hề Genova nhạo báng là một đám “loạn luân” .

Tất cả để làm gì ? Trong khi “keo sơn” để đám “loạn luân” này ngồi chung với nhau chỉ là sự hăm dọa của Tổng thống Napolitano: nếu không thì tao từ chức, tụi bây muốn làm gì thì làm !!!

Thực ra thì kết quả bầu cử Quốc hội vừa rồi cũng đã có khả năng để tránh phải “loạn luân”: chỉ cần đám 5 sao mở cửa cho Đảng Dân chủ: hai bên cộng lại cũng đã có thừa đa số Quốc hội, không phải chỉ lập được chính phủ, mà thậm chí còn có thừa khả năng cải tổ hàng đống luật lệ bất nhất, thay đổi hiến pháp .... và nhất là đưa ra những đạo luật để “tuyệt nọc” được Berlusconi một cách vĩnh viễn.

Nhưng 5 sao đã không chọn kịch bản đó. Cái cớ chính thức là vì 5 sao muốn làm cách mạng toàn diện. 5 sao không muốn phải “hạ mình” ngồi xuống với giai cấp lãnh đạo chính trị thối nát.

Sự thật là vì 5 sao không có khả năng làm một cái gì đó có tính cách xây dựng. 5 sao không có can đảm học hỏi. 5 sao chỉ biết lẫn trốn trong những câu phỉ báng, chửi bới thô tục ... để tránh phải đối diện với thực tế. Vì thực tế không phải là đạp đổ mà là xây dựng. Vã lại ở đời đạp đổ bao giờ cũng dễ hơn là xây dựng. 5 sao đã chọn con đường ít chông gai cho mình ... nhưng lại đầy chông gai cho cả nước Ý.

 
Giống như cha mẹ của một cô dâu lỡ “ăn trước kẻng”. Đến đây thì cũng chỉ biết ngậm bồ hòn vui vẽ mừng cho “đôi trai tài gái sắc” ... và trong bụng tự hỏi: hôn nhân này rồi sẽ kéo dài được bao lâu ?

Roma, 26/04/2013


21 tháng 4, 2013

Kẻ khóc người cười ...



Sau 11 đời  Tổng thống, kể từ năm 1948, là năm mà nước Ý bắt đầu trở thành một quốc gia theo chế độ Cộng hòa,  đến nay chưa bao giờ có một Tổng thống được tái nhiệm. Sự kiện Tổng thống Giorgio Napolitano được bầu tái nhiệm lần thứ hai là một sự kiện đúng là lịch sử.

Và sự kiện lịch sử nói trên lại càng thêm “lịch sử” nếu xét về tuổi thì ông Giorgio Napolitano nay đã 88 tuổi, nhiệm kỳ Tổng thống là 7 năm, như thế thì ông Napolitano sẽ về về hưu lúc 95 tuổi, có lẽ sẽ là vị Tổng thống “già” nhất trên thế giới.

Càng thêm “lịch sử” nếu người ta nhớ rằng chính bản thân ông Giorgio Napolitano cũng đã nhiều lần trước đây, trước khi Quốc hội Ý bước vào vòng bầu cử tân Tổng thống, đã tuyên bố bác bỏ tất cả những khả năng tái nhiệm dù rằng lúc đó cũng đã có nhiều tiếng nói đề nghị giải pháp tái nhiệm như một phương án để tránh tình trạng bế tắt trong việc đi tìm một nhân vật được sự đồng thuận rộng lớn trên sân khấu chính trị nước Ý, một sự bế tắt mà sau cùng Quốc hội Ý đã không tránh khỏi.

Tất cả những chi tiết có tính cách “lịch sử” như vừa kể trên cho thấy là giải pháp sau cùng đưa ông Giorgio Napolitano tái nhiệm chức Tổng thống là hậu quả của một sự khủng hoảng chính trị chưa từng thấy ở Ý: tình hình bất phân thắng bại trong kỳ bầu cử Quốc hội ngày 25/02, và sự từ chối hợp tác với nhau giữa các lực lượng chính trị, mỗi bên có những lý lẽ riêng, mỗi bên có những trách nhiệm riêng, cộng thêm những mâu thuẩn nội bộ của từng lực lượng, đã khiến Quốc hội hoàn toàn bị bế tắt sau 5 vòng bầu cử không có kết quả, và mỗi vòng bầu cử đã để lại trên “chiến trường” một nạn nhân bị “bắn sẻ” vô tội vạ, đốt cháy hoàn toàn khả năng để có thể trở thành người kế nhiệm của Giorgio Napolitano.

 Chủ tịch Hạ viện và Thượng viện đến Dinh Quirinale để thông báo chính thức kết quả bỏ phiếu vòng 6: 
Tổng thống Giorgio Napolitano đắc cử tái nhiệm nhiệm kỳ II

Cũng phải nói rằng giải pháp tái nhiệm của Giorgio Napolitano là do chính hai đảng lớn của hai liên minh trung tả và trung hữu, tức là đảng Dân Chủ của ông Pier Luigi Bersani và đảng Nhân dân Tự do của ông Silvio Berlusconi, chính thức yêu cầu, xem như đó là con đường khả thi duy nhất để đưa Quốc hội ra khỏi tình trạng bế tắt: phía bên liên minh trung tả đã tuyên bố là không còn có khả năng đề cử một nhân vật nào khác, sau khi hai ứng cử viên do chính đảng Dân chủ đề cử, ông Franco Marini và ông Romano Prodi bị ngay chính nội bộ của đảng Dân chủ “bắn sẻ” một cách thê thảm trong hai vòng bỏ phiếu kín. Phía bên liên minh trung-hữu thì đảng Nhân dân Tự do cũng biết là với những “nợ nần công lý” của ông Berlusconi, bất cứ một nhân vật nào do chính liên minh trung-hữu đề cử đều sẽ bị xem như là “giải pháp lá chắn” để bao che cho Berlusconi, và chắc chắn là sẽ bị liên minh trung-tả cũng như phong trào 5 sao “đốt cháy” ngay lập tức.

Dù rằng đã nhiều lần tuyên bố khước từ mọi khả năng tái nhiệm, nhưng trước tình hình cực kỳ khủng hoảng chính trị của nước Ý, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tài chánh trầm trọng hơn cả năm nay, ông Giorgio Napolitano đành phải chấp nhận yêu cầu của các đảng phái, tiếp tục “dấn thân” thêm 7 năm để tìm cách cứu vãn nước Ý. Vã lại, chính bản thân ông Napolitano, một nhân vật có uy tín cực kỳ lớn, không phải chỉ trong nội bộ nước Ý, mà ngay cả trên chính trường quốc tế, cũng sẽ tiếp tục đứng ra “bảo kê” cho nước Ý trước đầu sóng ngọn gió của thị trường quốc tế, trước những áp lực của các đối tác Châu Âu, trước những yêu cầu của các tổ chức quốc tế.

Trước mắt có thể nói rằng, với giải pháp tái nhiệm ông Giorgio Napolitano, tạm thời nước Ý đã qua được khúc “cua” hiểm nghèo bầu tân Tổng thống, nhưng đồng thời cũng là một giải pháp mang tính chất “bảo thủ” nhiều hơn là “đổi mới” trên sân khấu chính trị nước Ý. Bảo thủ không phải trực tiếp vì lý do tuổi tác hay cá nhân riêng của ông Napolitano, mà bảo thủ trong nghĩa là chính trị nước Ý đã không có khả năng “tái tạo” sinh lực để cứ phải tiếp tục “bám lấy lưng quần” của các vị “cha già dân tộc”: ngay chính bản thân của các ứng cử viên do các đảng phái đề cử trong 5 vòng bầu bán trước đó, và đã bị đốt cháy liên tục, vị nào cũng trên dưới 80, người trẻ nhất là ông Romano Prodi cũng đã 74 tuổi, trong khi lúc nào các lực lượng chính trị cũng hô hào đổi mới và trẻ hóa giai cấp chính trị. Ngay cả đến phong trào “5 sao”, vốn liên tục lên án giai cấp chính trị sơ cứng ... cũng chỉ đề cử ra được ông Stefano Rodotà, một nhân vật chính trị rất có uy tín ở Ý, nhưng cũng đã ở vào “bát tuần”.


Ai cũng biết là cách đây hơn một tháng, đứng trước kết quả bầu cử bất phân thắng bại ở Quốc hội, chính ông Giorgio Napolitano, người có trách nhiệm phải chỉ định nhân vật đứng ra lập chính phủ để Quốc hội tín nhiệm thông qua, đã lớn tiếng yêu cầu các lực lượng chính trị, vì tình trạng khủng hoảng của nước Ý, nên tìm cách hiệp thương với nhau để cho ra đời một chính phủ “đại đoàn kết”, có một đa số ổn định trong Quốc hội, và như thế thì mới có hy vọng lần lần đưa nước Ý ra khỏi cơn khủng hoảng.

Ông Pier Luigi Bersani, tổng thư ký đảng Dân chủ đã được chọn đứng ra tìm cách lập chính phủ, và như ta đã biết, Đảng Dân Chủ, để có thể có một đa số ổn định, chỉ có thể chọn một trong hai kịch bản: hoặc được sự đồng thuận của Phong trào “5 sao”, hoặc hợp tác với Berlusconi. Với Phong trào “5 sao” thì mọi cánh cửa đều đã bị khép kín. Với Berlusconi thì bất cứ một động thái “đại đoàn kết” nào cũng bị xã hội xem như là một “thủ thuật thông đồng bất chánh” với Berlusconi, thủ phạm chính của tình hình khủng hoảng kinh tế tài chánh và chính trị ở Ý. Do đó kết quả là sau hơn 50 ngày kể từ khi có Quốc hội khóa mới, nước Ý vẫn ... vô chính phủ.

Một vài nguồn tin hành lang thì cho rằng với nhiệm kỳ mới, Tổng thống Giorgio Napolitano có thể lấy quyết định giải tán Quốc hội cho đi bầu lại, quyết định mà trước đây ông Napolitano không thể làm được vì theo hiến pháp Tổng thống trong 6 tháng cuối cùng của nhiệm kỳ không còn có quyền giải tán Quốc hội. Như thế, vẫn theo các nguồn tin hành lang, thì ông Napolitano có thể giải tán Quốc hội và cho đi bầu lại, vì đi bầu lại cũng là một trong những giải pháp mà nhiều đảng phái đang hò hét, không biết là thực tâm muốn đi bầu lại ... hay chỉ đe dọa gây áp lực trên sân khấu chính trị.

Theo tin các báo chí thì khi được các đảng phái yêu cầu tái nhiệm, ông Giorgio Napolitano đã đưa ra điều kiện tiên quyết để ông có thể quyết định tái nhiệm như là một hành động hy sinh vì quyền lợi chung của đất nước, đó là các đảng phái, nhất là phía đảng Dân Chủ phải bảo đảm sẽ đi đến việc thành lập chính phủ “đại đoàn kết” như chính Tổng thống đã đề ra trước đây.

Như thế có nghĩa là với quyết định tái nhiệm nói trên, ông Giorgio Napolitano sẽ ráo riết đưa hai liên minh trung-tả và trung-hữu đến giải pháp lập ra một chính phủ “đại đoàn kết” để có một đa số vững chải trong Quốc hội.

Cũng vẫn theo một số tin hành lang, thì trong các buổi hội đàm giữa Tổng thống Napolitano với hai đảng Dân Chủ và đảng Nhân dân Tự do để đưa ra giải pháp tái nhiệm, người ta có nói đến khả năng đưa ra một chính phủ do ông Giuliano Amato làm Thủ tướng, một người có nhiều uy tín trên chính trường và cũng đã có quá khứ làm Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng. Tuy nhiên nhân vật Giuliano Amato cũng thường bị xem như là tay chân một thời của Bettino Craxi (Tổng thư ký Đảng Xã Hội, và là một trong những nghi phạm chính của các vụ tham nhũng hối lộ của thời Đệ I Cộng hòa, bị chiến dịch “Bàn tay sạch” ví bắt đến độ phải chạy trốn sáng Tunisia và mất ở đó). Vì Craxi được xem như là“ô dù” chính trị của Berlusconi trong những thập niên 70-80, lúc Berlusconi bắt đầu mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh từ lãnh vực bất động sản sang truyền thông đại chúng (các kênh tivi tư nhân), và do đó, quá khứ là thuộc hạ của Craxi cũng khiến Giuliano Amato dễ bị các cử tri cánh tả dị ứng.


Ông Giorgio Napolitano đã đắc cử tái nhiệm vào chức Tổng thống với 738 phiếu, hơn rất nhiều so với con số đa số quá bán cần thiết là 504 phiếu. Nhưng điều quan trọng hơn là với 738 phiếu, ông Giorgio Napolitano đã tái nhiệm với 196 phiếu nhiều hơn so với hồi năm 2006 khi ông được Quốc hội bầu làm Tổng Thống lần thứ nhất. Điều này, dù với lý do nào đi nữa, đã khẳng định uy tín cực kỳ lớn mà ông Giorgio Napolitano đã tạo ra trong 7 năm vừa qua.

Rất có thể sẽ có một vài lực lượng chính trị nào đó phê phán quyết định tái nhiệm như là một “thủ thuật thông đồng bất chính” của các lực lượng chính trị không muốn đổi mới để tiếp tục lũng đoạn cơ chế nhà nước đã quá sơ cứng. Thậm chí như Phong trào “5 sao” đã lập tức lên án rằng quyết định tái nhiệm nói trên là tương đương với một cuộc “đảo chánh”. Và đang tìm cách khích động quần chúng xuống đường tụ tập biểu tình chống “đảo chánh” với khẩu hiệu kiểu “thà chết còn hơn mất dân chủ !!!”.

Nhưng cần phải phân biệt nội dung chính trị của giải pháp tái nhiệm với thể thức pháp lý của quá trình tái nhiệm. Về mặt nội dung, thì như đã nói, mỗi lực lượng chính trị có quyền tự do phán xét, đồng thuật hay phê phán giải pháp nói trên... Nhưng về mặt pháp lý mà nói, việc Quốc hội công khai bỏ phiếu và đa số đã bỏ phiếu cho ông Giorgio Napolitano là điều hoàn toàn hợp pháp, không vi phạm bất cứ một điều gì trong hiến pháp. Ngay đến cả hiến pháp cũng không có điều khoản nào ngăn cấm hay điều kiện hóa quyết định tái nhiệm Tổng thống. Do đó, việc so sánh quyết định tái nhiệm như là một cuộc đảo chánh có nghĩa là không thông suốt và áp dụng hiến pháp một cách đứng đắn.

Ngay chính cả ông Stefano Rodotà, ứng cử viên do Phong trào “5 sao” chỉ định, một nhà nghiên cứu hiến pháp sành sỏi, cũng đã công nhận tính cách hợp pháp của quá trình tái nhiệm của ông Giorgio Napolitano.

Thói đời thì bất cứ một quyết định nào rồi cũng phải có “kẻ khóc người cười”. Quyết định tái nhiệm nói trên, dù rằng được đại đa số các lực lượng chính trị tả cũng như hữu (trừ phong trào “5 sao”) đều tỏ vẻ hả hê đồng thuận. Trong quá trình kiểm phiếu,  khi con số phiếu dành cho Napolitano chỉ mới lên đến 500 phiếu ... (trong khi đa số quá bán cần 504 phiếu) thì cả nghị trường đã vỗ tay kéo dài cả phút. Nhưng có lẽ đó chỉ là bề nổi để các lực lượng chính trị tìm cách che dấu tì vết của một sự bất lực của họ đã không có đủ khả năng để nặn ra một Tổng thống mới .... đến độ phải chạy về nhà níu lấy lưng quần của một ông lão đã gần 90 tuổi đời mà than khóc.

Riêng đối với đảng Dân Chủ, thì mấy ngày bầu cử vừa qua đã cho thấy đảng Dân Chủ hoàn toàn bị chia rẽ trầm trọng, các lực lượng phe phái nội bộ đấu đá nhau, không phải trong hậu cung mà ngay trên sân khấu quốc hội, mọi sự việc diễn biến công khai trước mặt mọi người, khiến cho uy tín của đảng, nhất là của tầng lớp lãnh đạo đảng bị sói mòn đến tận xương tủy. Chỉ trong 3 vòng bầu bán mà Đảng Dân chủ đã triệt tiêu hai nhân vật có uy tín trên sân khấu chính trị, thậm chí một trong hai người là “cha đẻ” của lực lượng “Cây Ô-liu”, vốn là tiền thân của đảng Dân chủ hôm nay, đó là ông Romano Prodi. Rồi “đốt” luôn cả Tổng thư ký đảng là ông Pier Luigi Bersani: đã phải lấy quyết định từ chức vì đã không còn đủ uy tín để điều hành toàn bộ đại biểu của đảng trong Quốc hội.

 Bersani không cầm được nước mắt khi ông Giorgio Napolitano tái đắc cử chức vụ Tổng thống

Như đã nói, quyết định nào rồi cũng có kẻ khóc người cưới. Người khóc chắc chắn là ông Bersani, vừa nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Nghĩa đen là khi ông Giorgio Napolitano được tuyên bố đắc cử tái nhiệm, Bersani đã không cầm được nước mắt. Có lẽ là giọt nước mắt khóc cho nước Ý vừa qua cơn thoát hiểm. Có lẽ là giọt nước mắt khóc cho chính sự bất lực của mình. Hay đơn thuần chỉ là khóc như một cú “xả hơi” sau những ngày cực kỳ căng thẳng. Nhưng dù “khóc” như thế nào đi nữa, những giọt nước mắt ấy cho thấy là đảng Dân chủ đã bị một cú sốc to lớn và đang trong giai đoạn cực kỳ rối loạn... Chắc chắn điều này sẽ không phải là điều kiện thuận lợi cho đảng trong đời sống chính trị tương lai, và trước mắt là sẽ không tạo thuận lợi cho tình hình chính trị nước Ý trong quá tình thành lập chính phủ sắp tới.

Rất có thể là trong thâm tâm của ông Giorgio Napolitano không nghĩ rằng ông ta sẽ phải đi hết 7 năm sắp tới. Có thể là ngay một vài năm, sau khi tình hình chính trị nước Ý trở lại ổn định, sau khi khủng hoảng kinh tế tài chánh  được vượt qua ... thì ông Giorgio Napoltano sẽ xin từ chức. Lý do từ chức thì rất dễ: chỉ cần đưa ra sức khỏe và tuổi tác ... Suy nghĩ này có nghĩa là bên cạnh trách nhiệm hy sinh vì quyền lợi của đất nước, ông Giorgio Napolitano cũng muốn tiếp tục tạo thời cơ cho chính các lực lượng tiến bộ có thời gian để  “thay da đổi thịt”, đổi mới cung cách hoạt động và đường lối cho phù hợp với hoàn cảnh mới của đất nước. Hy vọng rằng tín hiệu này của ông Giorgio Napolitano sẽ được giai cấp lãnh đạo chính trị của các lực lượng tiến bộ nhận thấy được.

Nếu có người khóc, thì cũng có người cười. Chắc chắn người cười, mà cười to cười lớn một cách hả hê .... đó chính là quái kiệt Berlusconi.

Cho đến trước tháng hai, trước khi bầu cử Quốc hội, các vụ scandal tham nhũng hối lộ và ăn cắp của công xẩy ra ngay trong các đơn vị hành chánh nhà nước trong đó dính líu đến rất nhiều nhân vật chính trị thuộc đảng Nhân dân Tự do hay của đảng Liên đoàn phương bắc trong liên minh trung hữu, cộng thêm những xâu xé nội bộ ngay trong đảng, khiến đại đa số quần chúng cho rằng Berlusconi đã “hết thời”. Thậm chí một số đảng viên cao cấp trong đảng Nhân dân tự do cũng đã tuyên bố rời bỏ đảng để sang các lực lượng chính trị khác. Rồi kết quả bầu cử cho thấy là đảng của Berlusconi bị mất phiếu trầm trọng, gần 6 triệu phiếu so với thời hoàn kim của năm 2008. Do đó, ai cũng nghĩ là Berlusconi sẽ phải rút lui ẩn dật. Ngay chính bản thân của Berlusconi cũng đã đôi lần tuyên bố có ý định rút lui không trực tiếp lãnh đạo đảng. Nhưng, chính những khó khăn và những bất nhất của đảng Dân chủ, trong hoàn cảnh Quốc hội bất phân thắng bại, cộng thêm thái độ vô ý thức chỉ muốn đạp đổ của phong trào “5 sao” đã trực tiếp đẩy Đảng Dân Chủ vào đường cùng và gián tiếp tạo cơ hội thuận lợi cho Berlusconi cùng với Đảng Nhân dân Tự do trở lại vị thế quyết định được vận mạng của Quốc hội.



Berlusconi cười hả hê khi ông Giorgio Napolitano đắc cử tái nhiệm Tổng thống

Khi Berlusconi phê phán sự bất lực của Đảng Dân chủ sau hơn 50 ngày vẫn để cho nước Ý không có chính phủ mới, khi Berlusconi chỉ trích sự vô ý thức và thiếu trách nhiệm của Đảng Dân chủ trước cơn khủng hoảng trầm kha của nước Ý, trước những khó khăn bức xúc của xã hội .... thì cũng chính là lúc Berlusconi cố tình đánh tráo “quên” rằng chính Berlusconi đã cầm quyền liên tục gần hai thập niên qua, chính Berlusconi với âm binh đa số trong Quốc hội đã không làm bất cứ một cải tổ nào để giúp nước Ý vươn lên mà chỉ hè nhau đưa ra những đạo luật che chắn cho Berlusconi trước vành móng ngựa .... và làm tê liệt cả nước Ý, đẩy đưa nước Ý đến hoàn cảnh khủng hoảng hôm nay. Nhưng hôm nay, Berlusconi, như người vừa đánh trống vừa ăn cướp, đã đứng lên hô hào đòi các lực lượng chính trị phải có trách nhiệm cùng nhau hợp tác lập chính phủ “đại đoàn kết” để cứu nước Ý ... Nhưng thực ra là Berlusconi chỉ còn có lá bài “đại đoàn kết” để có thể trở lại tham gia hành pháp và tiếp tục đưa ra những kế họach lá chắn để che chở cho chính ông ta.

Chính phủ “đại đoàn kết” là con đường giải cứu trước mắt cho Berlusconi.

Chính vì thế khi Bersani khóc, thì Berlusconi lại hớn hở cười tươi.

Và chắc có lẽ cùng cười với Berlusconi là những nhân vật lãnh đạo trong thâm cung của Đảng Dân chủ đã tổ chức “bắn sẻ” ông Romano Prodi ngày hôm kia trong vòng bầu cử lần thứ 5.

Roma, 21/04/2013


20 tháng 4, 2013

Thôi đành chịu !!! Tui với bà về nhà giở lại vali....

Napolitano nói với vợ: Thôi đành chịu !!! Tui với bà về nhà giở lại vali.

Quốc hội Ý, sau 5 vòng bầu cử không có kết quả (2 ngày rưởi), đã phải chọn giải pháp bầu lại Tổng thống Giorgio Napolitano.

Roma, 20/04/2013

Đồng sàng dị mộng trong Đảng Dân Chủ.



Quốc hội Ý chính thức bắt đầu bầu tân Tổng thống Ý vào sáng ngày 18/04/2013.

Và lập tức Đảng Dân Chủ (Partito Democratico) bắt đầu cơn khủng hoảng ngay từ sáng hôm đó: sau khi ứng cử được đảng chỉ định, ông Franco Marini, với sự đồng tình của đảng Nhân Dân Tự Do (Popolo della Libertà) của Silvio Berlusconi, trong vòng bầu cử lần thứ nhất sáng ngày 18/04 bị “cháy” vì ngay trong nội bộ của nhóm đại biểu của đảng Dân Chủ tất cả cũng đã không hoàn toàn tín nhiệm bỏ phiếu 100% cho Marini, và nhất là trong khi trong Quốc hội đang diễn ra bầu cử, thì phía ngoài đông đảo người của các lực lượng chính trị cánh tả đã tụ tập và hô hào khẩu hiệu chống lại quyết định của đảng Dân Chủ, vì phần lớn cho rằng quyết định chỉ định ông Franco Marini với sự đồng tình của Silvio Berlusconi là một quyết định sai lầm, mang hơi hướm “thông đồng đi đêm” với Berlusconi trong chiến lược “tiền trao cháo múc” giữa hai đảng: đưa vào Dinh Tổng Thống một nhân vật được Berlusconi xem như “hợp nhãn” để rồi sau đó Berlusconi sẽ ủng hộ thành lập một chính phủ do đảng Dân Chủ đứng đầu trong chiến lược “nối vòng tay lớn” giữa hai phe trung tả và trung hữu.

 Franco Marini

Thực ra thì việc thất cử của ông Franco Marini cũng có thể hiểu là do những chia rẽ ngay trong nội bộ của Đảng Dân Chủ giữa hai “phe”: một phe, thường được mệnh danh là phe “công giáo” bao gồm những người của cánh tả trong cựu Đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo đã bị giải tán, và phe bên kia là những người vốn thuộc cựu Đảng Cộng Sản Ý. Ông Franco Marini là người của Đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo trước đây, và do đó, rất có thể là những đại biểu của Đảng Dân Chủ thuộc phe “cộng sản” đã không bỏ phiếu cho ông ta, dù rằng đấy là ứng cử viên do Đảng Dân Chủ chỉ định. Một trong những tình huống “bất tuân thủ quyết định của trên” rất phổ biến ở Quốc hội Ý trong các cuộc bầu cử Tổng Thống, vì bầu cử Tổng thống áp dụng bỏ phiếu kín, do đó lúc nào cũng có những dân biểu không tuân theo quyết định của đảng, dù rằng trên lý thuyết quyết định đó đã được toàn thể đại biểu thông qua. Ở Ý, hiện tượng này phổ biến đến độ mà trong ngôn ngữ chính trị Ý đã có từ vựng “bắn sẻ” (franco tiratore), để ám chỉ những đại biểu bất tuân thủ khi bỏ phiếu kín.



 Đảng viên đảng PD đốt thẻ đảng để phản đối quyết định đề cử Franco Marini


Chính vì có hiện tượng “bắn sẻ” này mà trong lịch sử của các nền Cộng Hòa Ý từ trước đến nay, mỗi lần bầu cử Tổng Thống là mỗi lần các đảng phái chính trị như “ngồi trên đống lửa”, phải “rà soát” tối đa hàng ngũ trong mỗi vòng bầu bán ... và cũng trong lịch sử đã có rất nhiều trường hợp các ứng cử viên chính thức bị “bắn sẻ” liên tục... và đoạn kết đã đưa vào Dinh Tổng thống những nhân vật hoàn toàn bất ngờ.

Trở lại chuyện thời sự hôm nay: sau khi ông Franco Marini bị “cháy”, lập tức đảng Dân Chủ đã bị cú “sốc” đầu tiên. Đảng Nhân Dân Tự Do của Silvio Berlusconi đã lập tức “lên án” đảng Dân Chủ “đã không giữ lời hứa”, và “tẩy chay” đảng Dân Chủ.

Hai vòng bầu cử kế tiếp, là vòng hai và vòng ba, đều không đi đến đâu, vì cả hai đảng lớn là đảng Dân Chủ và đảng Nhân dân Tự do đều vừa đang tìm cách tìm ra phương hướng giải quyết, vừa đợi cho đến vòng thứ tư, khi số phiếu quy định tối thiểu sẽ giảm từ 2/3 xuống thành đa số quá bán, và như thế thì các ứng cử viên chính thức của các lực lượng chính trị có nhiều khả năng hơn để đắc cử.

Sau gần một ngày trời hội họp, trưa hôm qua, Đảng Dân Chủ đã quyết định chỉ định ông Romano Prodi, một trong những nhà chính trị tên tuổi trong lực lượng trung tả, người của Đảng Dân Chủ, đã hai lần đánh bại Silvio Berlusconi trong bầu cử Quốc hội (năm 1996 và năm 2006), đã từng làm Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu (từ năm 1999 đến 2004), rất có uy tín trên chính trường thế giới, với hy vọng là ông Romano Prodi sẽ không bị ảnh hưởng của những xâu xé trong nội bộ đảng đốt cháy, và do đó sẽ được toàn bộ đại biểu của Đảng, và của toàn bộ liên minh trung-tả bỏ phiếu tín nhiệm. Theo các ước đoán, thì với con số đại biểu của Đảng Dân Chủ, cộng với các đại biểu của các đảng khác trong liên minh trung tả thì ông Romano Prodi sẽ có được xấp xỉ gần 500 phiếu. Nếu đa số quá bán là 504 phiếu, thì 5 hay 6 phiếu còn lại, Đảng Dân Chủ hy vọng sẽ có được từ một vài đại biểu trung dung (phe của ông Mario Monti), và nhất là của một vài đại biểu trong hàng ngũ nhóm “5 sao” (bởi vì ngay trong kỳ bầu cử sơ tuyển qua mạng Internet của nhóm “5 sao”, tên của Romano Prodi cũng được đề nghị ứng cử).

 Romano Prodi

Cũng cần nói thêm là quyết định của Đảng Dân Chủ “đơn phương” đề cử Romano Prodi cũng đã bị Đảng Nhân Dân Tự do phản đối kịch liệt. Lý do thứ nhất là với Romano Prodi, thì coi như chiến lược “nối vòng tay lớn” trong quá trình thành lập chính phủ sẽ không còn khả thi, và do đó Đảng Nhân Dân Tự Do sẽ bị loại ra khỏi “hành pháp”. Nhưng lý do thật sự là vì cá nhân ông Silvio Berlusconi rất “dị ứng” với Romano Prodi: vì chính Romano Prodi là đối thủ chính trị duy nhất trong hai thập niên vừa qua đã hai lần đánh bại Silvio Berlusconi trong kỳ bầu cử Quốc hội.

Nhưng kết quả bầu cử vòng 4 cực kỳ bất ngờ, và thê thảm cho Đảng Dân Chủ: Ông Romano Prodi đã chỉ được 395 phiếu, thiếu rất nhiều so với con số 504 phiếu cần thiết để thắng cử. Nhưng điều tồi tệ nhất là, trên lý thuyết, nếu không có chia rẽ nội bộ thì Romano Prodi phải có trên dưới 500 phiếu, nhưng với kết quả chỉ được  với 395 phiếu có nghĩa là có khoảng 100 đại biểu của Đảng Dân chủ đã “bắn sẻ” Prodi.

Điều này, qua hai ứng cử viên chỉ định bị “bắn sẻ”, cho thấy là nội bộ Đảng Dân Chủ cực kỳ chia rẽ. Những quyết định của lãnh đạo đảng hoàn toàn không có giá trị. Hàng ngủ bất nhất.



Pier Luigi Bersani

Theo các đánh giá của giới am tường chính trị Ý, thì có rất nhiều lý do về những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Dân Chủ.

Lý do xa xôi nhất là hai “luồng” tư tưởng “Công Giáo” (cựu đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo) và “Cộng sản” (cựu đảng Cộng Sản Ý) vẫn chưa bao giờ hoàn toàn “hợp nhất” được với nhau trong quá trình xây dựng đảng Dân Chủ. Trên thực tế, Đảng Dân Chủ chỉ là một kiểu “nhà trọ” trong đó những người thuê nhà cắn răng chịu đựng sống chung với nhau đợi khi đến lúc có điều kiện để “ra riêng”. Hay nói như cách nói của người Á Đông: “đồng sàng dị mộng”. Trong quá khứ đã có biết bao lần xẩy ra căng thằng nội bộ mỗi khi Đảng Dân Chủ phải lấy những quyết định chiến lược về những vấn đề kinh tế xã hội, mà lợi ích của hai “luồng” không đồng bộ với nhau. Đơn cử một vài thí dụ như trường hợp đề luật trợ tử (euthanasia) (nhóm công giáo phản đối), trường hợp ngân sách hổ trợ giáo dục cho các trường tư thục, mà phần lớn là các trường nhà dòng (nhóm cộng sản phản đối).

Nhưng có lẽ lý do thời sự nhất là vì hiện nay, sau khi kết quả bầu cử bất phân thắng bại vừa qua trong Quốc hội, ngay trong đảng Dân Chủ cũng đã có hai “trường phái” đối nghịch nhau.

Một bên, nhân danh tình hình nguy cấp khủng hoảng của nước Ý, muốn chấp nhận “nối vòng tay lớn” với Berlusconi để lập ra một kiểu chính phủ “đại đoàn kết” để (hy vọng) nhanh chóng đưa nước Ý thoát cơn khủng hoảng.

Trường phái đối nghịch thì tìm đủ mọi cách để đi đến thỏa thuận với nhóm “5 sao” để lập “chính phủ đổi mới”.

Như ta đã thấy, cho đến hôm nay, sau hơn 50 ngày kể từ khi Quốc hội khóa mới ra đời, việc lập chính phủ vẫn còn dậm chân tại chổ.

Thực ra cũng phải nói thêm là ngay trong hàng ngủ đảng Dân Chủ còn có một trường phái thứ ba: đó là đi bầu lại. Trường phái này hiện nay được coi như là của ông Matteo Renzi, đương kim thị trưởng thành phố Firenze, người được mệnh danh là “người phế phải” (rottamatore), tức là chủ trương thay đổi gần như toàn bộ giai cấp lãnh đạo đảng vì bị đánh giá là quá sơ cứng và chỉ biết ôm ghế quyền lực. Nếu nước Ý phải đi bầu lại, thì rất có thể lần này, đảng PD sẽ phải trao quyền lãnh đạo liên minh trung tả cho ông Matteo Renzi với hy vọng là ông ta, với câu thần chú “phế thải để đổi mới”, có khả năng thu phục lại được uy tín cho đảng Dân Chủ, ngăn chận làn sóng của nhóm “5 sao”, và hạ được Berlusconi.

Do đó, việc bầu cử Tổng thống đã trở thành một thứ “hàng trao đổi” giữa các lực lượng chính trị trong chiến lược thành lập chính phủ.

Việc “bắn sẽ” ông Franco Marini và ông Romano Prodi có nghĩa là hai trường phái “chính phủ đại đoàn kết” và “Chính phủ đổi mới” đang đấu đá nhau quyết liệt bất phân thắng bại.

Vấn đề là cuộc đấu đá nội bộ của Đảng Dân Chủ lần này lại xẩy ra, không phải trong một kỳ đại hội đảng ... mà là trong một kỳ bầu cử Tổng thống nhà nước, không phải xẩy ra trong một nghị trường của đại hội đảng mà ngay trong nghị trường Quốc hội của nước Ý, không phải xẩy ra trong “thâm cung của đảng” mà đường đường chánh chánh trước mặt toàn thể cử tri nước Ý ....  Và lại xẩy ra ngay trong thời điểm khó khăn nhất của Đảng dân Chủ, kiểu thù trong giặc ngoài: bên trong thì một mình không có đa số để lập chính phủ, bên ngoài thì chịu áp lực một bên là của nhóm “5 sao”, bên kia là của Berlusconi ....

Đến đây thì người ra không biết là đảng Dân Chủ sẽ có những quyết định nào để ra khỏi cái bẩy bầu cử Tổng thống. Chắc chắn là không thể nào Đảng Dân Chủ chấp nhận một “tay chân thân tín” của Berlusconi đặt chân vào Dinh Tổng thống. Và nếu như thế thì chỉ còn lại con đường chấp nhận bỏ phiếu cho ứng cử viên được nhóm “5 sao” chỉ định: đó là ông Stefano Rodotà, người cũng đã từng là đại biểu “độc lập” của đảng Cộng Sản Ý, và của đảng Dân Chủ.

Tình hình khủng hoảng trầm trọng hiện nay của đảng Dân Chủ khiến ông Pier Luigi Bersani, sau khi ông Romano Prodi bị “bắn sẻ”, đã lấy quyết định từ chức Tổng thư ký đảng. Quyết định này tuy nhiên chỉ có hiệu lực sau khi bầu cử Tổng thống kết thúc, lý do là không thể để Đảng Dân Chủ không có lãnh đạo trong suốt quá trình bầu cử Tổng thống hiện nay.

Roma, 20/04/2013 


6 tháng 4, 2013

Đám 5 sao và con vịt xấu xí

Nguyên tác bài viết với tựa đề "Il grillo e l'anatrocolo" là của một thanh niên thế hệ hai của công đồng người Việt chúng ta.

Bài viết thể hiện những nét suy nghĩ, những lo âu dằng vật của một thanh niên trước sân khấu hài của nước Ý.

Bài đã được đăng trên FB của tác giả và trên trang web AgoraVox.

http://www.facebook.com/stefano.dinh/posts/10151509356544909




(Huê Đăng chuyển ngữ.)



Có người bảo buổi hội kiến có “trực tiếp truyền hình” giữa Bersani và cặp Crimi-Lombardi thực ra chỉ là một màn kịch, một dạng phim truyện nhiều tập trên tivi, để thỏa mãn thị hiếu của khán giả màn ảnh nhỏ. Nhưng tôi thì ngược lại, tôi cảm nhận cả một bi kịch của một con người. Nếu tôi là người đó, tôi sẽ tự hỏi: “Vì cớ chi mà mình phải ngồi đây chịu trận ?”. Một con người hoàn toàn tuyệt vọng. Thiệt tình mà nói, chỉ còn thiếu cảnh y phải quỳ gối van xin: “Mấy em ơi, qua van xin các em mà, khốn khổ cho qua !”. Nhìn cảnh đó mà tôi nghe tim thắt lại: cứ như xem cảnh con nai mẹ của Bambi bị bắn, hay nhớ lại cảnh trong phim hoạt họa khi con vịt con xấu xí bị bỏ rơi.

Mẹ tôi kể rằng lúc nhỏ từ trường về đến nhà lúc nào tôi cũng nước mắt nước mũi đến bên mẹ khóc lóc để cầu xin mẹ đng bao giờ bỏ tôi bơ vơ ... và mẹ đừng bao giờ chết ... và đêm đêm tôi hay giựt mình thức giấc sau những cơn ác mộng và lò dò leo lên giường của bố mẹ. Nhưng may thay, hôm xem “trực tiếp tuyền hình” nói trên thì lần đó tôi cầm được nước mắt. Chắc là tôi đang bắt đầu trở thành một “anh đực rựa”, nhưng thực tình tôi vẫn thấy mình như một thằng bé con thuở nào ngồi xem phim hoạt họa và vẫn đứng về phe của “nó”: của con vịt xấu xí. Trong khi Lombardi ngồi nhắc đi nhắc lại 2 thập niên phá sản của giai cấp chính trị bị sói mòn, gương mặt của Bersani hiện lên nét nhẫn nhục như muốn nói rằng: “Các em ơi, các em đang cứ như tông vào một cái cửa bỏ ngỏ. Bản thân qua đây cũng đâu có ưa chi mấy tay như D’Alema. Thiên thần thánh địa ơi, nào có phải qua với mấy em ngồi đây để bàn tính chuyện đem chó dữ bỏ rơi trên cầu xa lộ đâu !”

Vị thế cứng rắn của đám 5 sao, trên thực tế, đã đóng cửa tất cả các khả năng đàm phán hiệp thương. Chính trị Ý đang từ sân khấu hí trường đã chuyển sang hôn mê không lối thoát: 5 sao không tin tưởng PD, PD không tin tưởng 5 sao. Chỉ còn có mỗi Berlusconi là thằng duy nhất đòi “nối vòng tay lớn” và kêu gọi mọi người ai nấy cũng phải lấy trách nhiệm. Vừa ăn cướp vừa đánh trống là thế !

Mà cái trò hề bỉ ổi ấy của Berlusconi … đến thằng mù cũng thấy … và Bersani nào có ngu dại mà đưa cổ vào tròng. Tận cùng tuyệt vọng, Bersani cũng liều gõ cửa đám Lega Nord. Đám này thì không ái lắm cái kịch bản đi bầu lại … và vẫn còn ngồi đó mà mộng tưởng cái “đại” Cộng Hòa Liên Bang của đồng bằng Padana … mà Berlusconi đã bao năm nay đã hứa lên hứa xuống … để rồi Padana vẫn là đồng bằng mà không thấy bóng dáng Cộng Hòa lẫn Liên Bang. Biết đâu chừng cái đám hổ lốn Lega Nord này … dám ký “đình chiến” với địch thủ, dẹp qua một bên súng ống đạn dược, giáp sắt mão đồng, và nhất là mấy cái “hỏa tiển dưới hán” vốn xưa nay vẫn hay châm chỉa vào đám cộng sản xâm lăng hay những tay nhập cư khốn khổ. Mở ra một thời kỳ mới hòa bình và thịnh vượng cho đất nước, và cho cả đồng bằng Padana. Ở đời ai học chữ ngờ: biết đâu rồi số phận của PD lại tùy thuộc vào đám Lega Nord ? Nào ai dám nghĩ rằng chính đám này lại là những người hùng của thời bầu cử bất phân thắng bại. Không một ai dám đặt canh bạc lên con bài 2 “bích” của Maroni.

Ở đời thường thằng đứng ra chịu trận … thì cả đám sẽ nhào vô “đè sấp” (*) hắn ra. Và Bersani có khả năng “cúi xuống lượm xà-phồng” (*).

Vấn đề là ở đây không phải là “xà-phồng”, mà cũng chẳng phải là một buổi talk-show Ballarò. Vấn đề là một bộ phận nồng cốt tốt đẹp của nước Ý đang ra đi … và e rằng sẽ chẳng có ngày trở lại: cơ sở sản xuất đóng cửa, chất xám phải bỏ xứ đi tha phương cầu thực, các đơn vị hành chánh địa phương ngày càng lụn bại.

Từ lâu nay ai cũng biết là tình hình ngày càng khó khăn, và ai cũng biết không phải là trách nhiệm của những người mới đây lên cầm quyền. Nhưng điều bực tức nhất là cảm giác như đang bỏ lỡ một cơ hội. Đám 5 sao đúng là có công đã thổi làn sóng đổi mới vào sân khấu chính trị, điều mà đại đa số quần chúng đòi hỏi lâu nay. Nhưng điều đáng lo là … rốt cuộc nội dung đổi mới chỉ loay hoay trong mấy cái trò “trực tiếp truyền hình” của vài buổi hội thảo nội bộ. Thiệt tình mà nói, tôi cũng khoái cái màn “trực tiếp truyền hình” này lắm. Trong bụng tôi nghĩ chắc thế nào cũng “văng” những câu sĩ nhục, "bay" thêm một vài cái tát. Khi chị Lombardi bảo là “cứ như talk-show di Ballarò” thì tôi cũng bắt đầu la lên “cải-lộn ! cải-lộn”. Nhưng rồi chẳng xẩy ra chuyện gì cả.

Thực ra thì đám 5 sao có thể đưa ra đủ thứ điều kiện với Bersani. Như Travaglio đã nói: chỉ cần đưa ra tên một vài nhân vật, thêm một chút khiêm nhường là có thể cùng với PD để cho ra một chính phủ đổi mới. Nhưng sao đám 5 sao đã không làm như thế ? Cần gì phải có đến đa số tuyệt đối trong khi đã có trong tay một quyền lực to lớn để ngồi vào bàn hiệp thương. Đề nghị đưa Dario Fo lên làm Tổng Thống cho thấy là đám 5 sao hoàn toàn không biết một tí gì về những anh tài ẩn dật trong đời sống chính trị Ý. Cũng như có người nói “thà dựa cột giả vờ ngu … còn hơn là mở miệng ra thả cái dốt”.

Nếu chúng ta đã muốn đổi mới chính trị … thì chắc hiện nay là … đã trễ tàu. Người ta có cảm giác là 10 “bô lão”, mà Napolitano đề chọn cho vào một thứ “Mật nghị Hồng y” theo kiểu “Il Signore degli Anelli”, thực ra là sản phẩm của cái chính trị sơ cứng lỗi thời: không một nhân vật nào là phụ nữ, chẳng một thanh niên Frodo, tối đa lắm là một vài mạng trong như Nazgul.  Có người đã chỉ trích sự lựa chọn của Napolitano, anche Crimi cũng chỉ trích, chắc họ nghĩ đây là một quyết định “sang trang” có tính lịch sử. Thiệt tình mà nói, không biết thiên hạ nghĩ sao, chớ tôi thì không nghĩ là Napolitano có thể làm một cuộc cách mạng trong bộ áo quần sặc sở kiểu Hawai và nhún nhảy theo điệu nhạc “tuca-tuca”.

Tới đây thì trong đầu tôi thoáng lên nỗi hải hùng vẫn thường xuyên xuất hiện trong hai thập niên chót: Đáo hồi của tay kỵ mã âm u. Hắn đúng là quái kiệt. Và lần này hắn lại cũng lại trắng trợn phỉnh gạt tất cả lần nữa. Tôi bắt đầu lo rằng nước Ý sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi tay của Berlusconi. Lý do đơn giản là vì  hắn đã thuộc vào DNA của chúng ta, thể hiện nét sống văn hóa của chúng ta. Hắn như là con quỷ vẫn hay ngồi trên vai của chúng ta khích chúng ta phải luôn luôn xảo quyệt. Con quỹ xui ta vượt đèn đỏ ở ngã tư, xui ta ô dù bè đảng, khiến ta hay nói. “Ok, ok, tui có Sky, thế thì dại gì phải trả tiền thuế tivi cho Rai ?”.

Chẳng có gì đáng cười trong khi có vạn điều đáng khóc, e không phải chỉ khóc cho con vịt xấu xí. Tới đây thì cầu mong sớm có cải tổ một số luật lệ cơ bản, những cái luật không thiên bên này hay bên kia, những cái luật mà thực ra không cần phải đợi sự hội ý của 10 bô lão. Rồi sau đó thì lại đi bầu.

Đã một lần trễ tàu, hy vọng ngày mai còn chuyến xe đò.

(Huê Đăng chuyển ngữ.)

Roma, 06/04/2013




(*) Cách nói của người Ý: là chơi xỏ thằng đó ... và lượm xà phồng là cách nói ẩn dụ ám chỉ người sắp sửa bị “đè sấp” ... vì khi cuối xuống lượm xà-phòng trong buồng tắm ... thì ... phải chổng mông lên !!!

5 tháng 4, 2013

Biết viết gì đây .....



Hôm nay muốn viết mấy câu về một đề tài nào đó trên sân khấu chính trị xã hội của Ý, nhưng từ sáng đến chiều vẫn cứ loay hoay mãi trong mớ bòng bon hổ lốn của các sự kiện diễn ra liên tục thiếu điều chóng mặt.

Sáng sớm mở đài thì nghe chuyện một “bô lão” trong ủy ban (mà Tổng thống Ý đề ra với hy vọng “tạo điều kiện thuận lợi” giữa các lực lượng chính trị trên đường đi tìm một giải pháp để cho ra đời chính phủ) bị “hố” khi tự thú qua điện thoại với một nhân vật giả dạng là bạn của ông ta … rằng chính “bô lão” cũng cho nghĩ rằng mấy cái ủy ban này rồi cũng sẽ chẳng làm ra trò trống gì. Tiêu đời bô lão. Tổng Thống cũng chẳng biết chống chế như thế nào. Berlusconi thì nhảy cởn như điên.  (Onida: "Nostro lavoro inutile, Berlusconi lasci".)



Gần đến giờ cơm trưa thì thấy trên mạng báo chí liên tục kể các pha rình mò săn đuổi để khám phá ra nơi bí mật mà hề Genova triệu tập các đại biểu Quốc hội của 5 sao để “chấn chỉnh hàng ngũ”. Nghe báo chí kể cứ tưởng như người ta đang săn đuổi một giáo phái bí mật nào đó đang làm những màn cúng tế âm dương …. Nhưng té ra là một lực lượng chính trị đang họp đại biểu Quốc hội. Nhớ thời chiến tranh chống Mỹ, Mặt trân Giải phóng và Chính phủ Lâm thời cũng phải họp kín như thế này.  Nhưng thời đó ở đó có chiến tranh, có bom đạn …. Còn hôm nay ở Ý …. !!!!

Rồi thấy báo đưa tin có đến 200 vị tai to mặt bự ở Ý trốn thuế (ước lượng khoảng 32 tỉ Euro thuế thất thu). Cũng trong cùng tờ báo thấy đăng tin Chính phủ Mario Monti (ôi chính phủ kỹ trị !!!) vẫn chưa nặn ra được cái đạo luật để nhanh chóng giải ngân các khoảng tín dụng mà nhà nước mấy năm nay không chịu chi trả cho các cơ sở sản xuất … khiến các cơ sở lận đận đóng cửa hàng loạt vì …. kiệt vốn.

Lại có thêm một cặp vợ chồng lớn tuổi, chồng thị bị sa thải, vợ thì chỉ có hưu trí xã hội tối thiểu (khoản trên dưới 500-600 Euro mỗi tháng), quá túng quẩn … nên quyết định quyên sinh.

Trong khi đó thì Đảng Dân Chủ (PD) đang nổ ra những căng thẳng nội bộ: phe thì đòi khăng khăng lập chính phủ (nhưng không biết với lực lượng chính trị nào), phe thì đòi … xù hết đi bầu lại …. Bắt đầu “bắn” nhau loạn xạ … Tờ báo l’Unità, cơ quan ngôn luận của đảng PD đang bị chính ngay nội bộ đảng tấn công … bởi vì sáng nay đăng tít lớn: “Chính Renzi không muốn có chính phủ Bersani !!!”. Berlusconi lại nhảy coẻn như điên ….

Cuối cùng, vặn tivi lên thì nghe thấy Bắc Hàn ra thông báo yêu cầu các Đại Sứ Quán nên chuẩn bị di tản …. Nếu không thì tính mạng của nhân viên các Đại Sứ Quán không được bảo đảm trong trường hợp nổ ra chiến tranh hạt nhân với Mỹ !!!

Đọc xong mấy tờ báo, nghe xong tivi … không biết phải viết cái gì !!!

Finish Italy.

Roma, 05/04/2013
 

1 tháng 4, 2013

Bô lão.


Sau khi đã kiểm định rõ ràng rằng Bersani không thể nào có được tín nhiệm ở Quốc hội để lập chính phủ trung-tả, và mô hình chính phủ “đại đoàn kết” (larga intesa: PD + PDL) trước mắt hoàn toàn không khả thi bởi Bersani phủ quyết ngay từ đầu, Tổng thống Giorgio Napolitano, trên lý thuyết, chỉ còn lại trên tay các kịch bản sau đây: một chính phủ do chính Tổng thống chỉ định với mục tiêu nhanh chóng cải tổ một vài điều luật cơ bản như luật bầu cử hay giảm số dân biểu quốc hội ... để rồi sau đó cho bầu lại Quốc hội. Hoặc “nhắm mắt” giải tán Quốc hội và cho đi bầu lại (với luật bầu cử hiện hành tồi tệ) với khả năng là Quốc hội mới cũng sẽ tiếp tục ổn định. Hoặc phương án từ chức Tổng thống để Quốc hội phải bầu ngay Tổng thống mới, người sẽ phải đương đầu với việc thành lập chính phủ.

Tất cả 3 phương án kể trên đều có một mẫu số chung là nước Ý sẽ phải tiếp tục mất ổn định ít ra là cho đến đầu mùa hè (thời gian nhanh nhất để bầu lại Quốc hội là khoảng tháng sáu), và trong trường hợp đó tình trạng khủng hoảng kinh tế tài chánh lại sẽ càng thêm trầm trọng.

Để tránh những rủi ro kể trên, Tổng thống Giorgio Napolitano, sau một đêm thức trắng suy nghĩ, đã “nặn” ra một kịch bản hoàn toàn bất ngờ đối với các lực lượng chính trị: Tổng Thống không từ chức, không giải tán Quốc hội, không lập chính phủ chỉ định .... mà đưa ra đề nghị chỉ định 10 “bô lão (*)” có tên tuổi, uy tín, khả năng chuyên môn, đứng ra thành lập 2 ủy ban: một phụ trách về mặt hiến pháp với trách nhiệm soạn thảo đề cương cho các dự luật cải tổ , một phụ trách lãnh vực kinh tế xã hội với trách nhiệm đưa ra nhanh chóng các phương án đối phó tình trạng kinh tế tài chánh khẩn trương. Hai ủy ban này có trách nhiệm phải huy động toàn bộ các lực lượng chính trị ở Quốc hội. Về phương diện chính phủ thì trước mắt Napolitano sẽ vẫn tiếp tục “xử dụng” chính phủ Mario Monti (đối với Napolitano, chính phủ Mario Monti tuy đã từ nhiệm, nhưng chưa bao giờ bị Quốc hội bất tín nhiệm).

Có thể diễn nôm rằng quyết định của Napolitano thành lập 2 ủy ban nói trên thực chất là để tiếp tục kéo dài thời gian “hội kiến” với các lực lượng chính trị để đi tìm một chính phủ. Và quan trọng nhất là với kịch bản mới này, Napolitano đã đảo ngược lịch trình của hai sự kiện quan trọng nhất hiện nay trên sân khấu chính trị: có thể Quốc hội sẽ phải bầu ra Tổng thống mới ... rồi sau đó chính Tổng thống mới sẽ đề nghị người đứng ra thành lập chính phủ.

Trước đây, theo lịch trình cũ thì chính phủ mới phải ra đời trước rồi sau đó Quốc hội mới tính đến chuyện bầu cử Tổng thống mới.

Ai cũng biết yêu cầu cơ bản của Berlusconi là phải tìm ra một “lá chắn” vĩnh viễn để che chở hắn trước những nợ nần công lý. Với một Quốc hội mà phe của Berlusconi không còn có đa số tuyệt đối như các khóa trước ... thì chuyện dùng Quốc hội để đưa ra các đề luật “che chắn” không còn khả thi như trước đây. Do đó Berlusconi đã mưu kế di dời “bản doanh” từ Quốc hội sang Dinh Quirinale: nếu Tổng thống mới là người do Berlusconi chỉ định thì chắc chắn là bất cứ một đề luật nào, dù được Quốc hội đề ra, cũng có thể bị Tổng thống viện cớ từ chối ký lệnh thi hành (như chính Napolitano trong quá khứ đã từ chối ký một số đề luật che chắn cho Berlusconi). Thậm chí nếu Tổng thống chính là Berlusconi ... thì Dinh Quirinale sẽ là “thành đồng” để che chắn cho hắn.

Dựa theo lịch trình cũ (chính phủ ra đời trước, Tổng thống mới được bầu sau) chính Berlusconi đã đưa ra “tối hậu thư” là PDL sẽ bỏ phiếu tín nhiệm cho Bersani ... với điều kiện là sau đó Tổng thống mới phải là người do Berlusconi chỉ định (thậm chí có thể chính Berlusconi sẽ là Tổng thống). Do đó nếu tiếp tục làm việc theo lịch trình cũ thì việc thành lập một chính phủ sẽ hoàn toàn bị động trước “tối hậu thư” của Berlusconi trong việc bầu Tổng thống mới.

Đảo ngược lịch trình, với quyết định việc cho bầu Tổng thống mới trước khi lập chính phủ Napolitano đã cố tình vô hiệu hóa tối hậu thư của Berlusconi. Chính vì thế mà phe đảng âm binh của Berlusconi, dù rằng ngay trước mắt đã “ca ngợi” sáng kiến của Napolitano, nhưng ngay lập tức sau đó cũng đã “răn đe” rằng các “bô lão” cũng không thể nào kéo dài hoạt động của hai ủy ban (cho đến khi sau bầu Tổng thống mới).

Trước mắt là Napolitano, với sáng kiến “bô lão”, đã giúp nước Ý tạm thời tránh phải đi vào một tình thế hoàn toàn mất phương hướng, và cũng đã gỡ được “mìn” của Berlusconi. Nhưng song song đó, sáng kiến “bô lão” cũng đã thêm một lần nữa minh chứng cho thấy là giai cấp lãnh đạo chính trị ở Ý rõ ràng đã phá sản, đến độ Quốc hội tự mình không giải quyết được chuyện chính phủ và cải tổ hiến pháp, mà cần phải có sự “hổ trợ” của các “bô lão”, vốn không phải là đại biểu do cử tri bầu ra .... 

Trong một cơ chế nghị trường, khi các đại biểu Quốc hội không có khả năng tự đưa ra các giải pháp cho đất nước ... thì rõ ràng nền dân chủ nghị viện đã tự nó có điều gì đó không ổn.

Roma, 31/03/2013




(*): Đó là 10 nhân vật có uy tín và tên tuổi trong các lãnh vực hiến pháp, kinh tế, tài chánh, hoạt động ngoại giao Châu Âu, do chính Napolitano đề cử