1 tháng 4, 2013

Bô lão.


Sau khi đã kiểm định rõ ràng rằng Bersani không thể nào có được tín nhiệm ở Quốc hội để lập chính phủ trung-tả, và mô hình chính phủ “đại đoàn kết” (larga intesa: PD + PDL) trước mắt hoàn toàn không khả thi bởi Bersani phủ quyết ngay từ đầu, Tổng thống Giorgio Napolitano, trên lý thuyết, chỉ còn lại trên tay các kịch bản sau đây: một chính phủ do chính Tổng thống chỉ định với mục tiêu nhanh chóng cải tổ một vài điều luật cơ bản như luật bầu cử hay giảm số dân biểu quốc hội ... để rồi sau đó cho bầu lại Quốc hội. Hoặc “nhắm mắt” giải tán Quốc hội và cho đi bầu lại (với luật bầu cử hiện hành tồi tệ) với khả năng là Quốc hội mới cũng sẽ tiếp tục ổn định. Hoặc phương án từ chức Tổng thống để Quốc hội phải bầu ngay Tổng thống mới, người sẽ phải đương đầu với việc thành lập chính phủ.

Tất cả 3 phương án kể trên đều có một mẫu số chung là nước Ý sẽ phải tiếp tục mất ổn định ít ra là cho đến đầu mùa hè (thời gian nhanh nhất để bầu lại Quốc hội là khoảng tháng sáu), và trong trường hợp đó tình trạng khủng hoảng kinh tế tài chánh lại sẽ càng thêm trầm trọng.

Để tránh những rủi ro kể trên, Tổng thống Giorgio Napolitano, sau một đêm thức trắng suy nghĩ, đã “nặn” ra một kịch bản hoàn toàn bất ngờ đối với các lực lượng chính trị: Tổng Thống không từ chức, không giải tán Quốc hội, không lập chính phủ chỉ định .... mà đưa ra đề nghị chỉ định 10 “bô lão (*)” có tên tuổi, uy tín, khả năng chuyên môn, đứng ra thành lập 2 ủy ban: một phụ trách về mặt hiến pháp với trách nhiệm soạn thảo đề cương cho các dự luật cải tổ , một phụ trách lãnh vực kinh tế xã hội với trách nhiệm đưa ra nhanh chóng các phương án đối phó tình trạng kinh tế tài chánh khẩn trương. Hai ủy ban này có trách nhiệm phải huy động toàn bộ các lực lượng chính trị ở Quốc hội. Về phương diện chính phủ thì trước mắt Napolitano sẽ vẫn tiếp tục “xử dụng” chính phủ Mario Monti (đối với Napolitano, chính phủ Mario Monti tuy đã từ nhiệm, nhưng chưa bao giờ bị Quốc hội bất tín nhiệm).

Có thể diễn nôm rằng quyết định của Napolitano thành lập 2 ủy ban nói trên thực chất là để tiếp tục kéo dài thời gian “hội kiến” với các lực lượng chính trị để đi tìm một chính phủ. Và quan trọng nhất là với kịch bản mới này, Napolitano đã đảo ngược lịch trình của hai sự kiện quan trọng nhất hiện nay trên sân khấu chính trị: có thể Quốc hội sẽ phải bầu ra Tổng thống mới ... rồi sau đó chính Tổng thống mới sẽ đề nghị người đứng ra thành lập chính phủ.

Trước đây, theo lịch trình cũ thì chính phủ mới phải ra đời trước rồi sau đó Quốc hội mới tính đến chuyện bầu cử Tổng thống mới.

Ai cũng biết yêu cầu cơ bản của Berlusconi là phải tìm ra một “lá chắn” vĩnh viễn để che chở hắn trước những nợ nần công lý. Với một Quốc hội mà phe của Berlusconi không còn có đa số tuyệt đối như các khóa trước ... thì chuyện dùng Quốc hội để đưa ra các đề luật “che chắn” không còn khả thi như trước đây. Do đó Berlusconi đã mưu kế di dời “bản doanh” từ Quốc hội sang Dinh Quirinale: nếu Tổng thống mới là người do Berlusconi chỉ định thì chắc chắn là bất cứ một đề luật nào, dù được Quốc hội đề ra, cũng có thể bị Tổng thống viện cớ từ chối ký lệnh thi hành (như chính Napolitano trong quá khứ đã từ chối ký một số đề luật che chắn cho Berlusconi). Thậm chí nếu Tổng thống chính là Berlusconi ... thì Dinh Quirinale sẽ là “thành đồng” để che chắn cho hắn.

Dựa theo lịch trình cũ (chính phủ ra đời trước, Tổng thống mới được bầu sau) chính Berlusconi đã đưa ra “tối hậu thư” là PDL sẽ bỏ phiếu tín nhiệm cho Bersani ... với điều kiện là sau đó Tổng thống mới phải là người do Berlusconi chỉ định (thậm chí có thể chính Berlusconi sẽ là Tổng thống). Do đó nếu tiếp tục làm việc theo lịch trình cũ thì việc thành lập một chính phủ sẽ hoàn toàn bị động trước “tối hậu thư” của Berlusconi trong việc bầu Tổng thống mới.

Đảo ngược lịch trình, với quyết định việc cho bầu Tổng thống mới trước khi lập chính phủ Napolitano đã cố tình vô hiệu hóa tối hậu thư của Berlusconi. Chính vì thế mà phe đảng âm binh của Berlusconi, dù rằng ngay trước mắt đã “ca ngợi” sáng kiến của Napolitano, nhưng ngay lập tức sau đó cũng đã “răn đe” rằng các “bô lão” cũng không thể nào kéo dài hoạt động của hai ủy ban (cho đến khi sau bầu Tổng thống mới).

Trước mắt là Napolitano, với sáng kiến “bô lão”, đã giúp nước Ý tạm thời tránh phải đi vào một tình thế hoàn toàn mất phương hướng, và cũng đã gỡ được “mìn” của Berlusconi. Nhưng song song đó, sáng kiến “bô lão” cũng đã thêm một lần nữa minh chứng cho thấy là giai cấp lãnh đạo chính trị ở Ý rõ ràng đã phá sản, đến độ Quốc hội tự mình không giải quyết được chuyện chính phủ và cải tổ hiến pháp, mà cần phải có sự “hổ trợ” của các “bô lão”, vốn không phải là đại biểu do cử tri bầu ra .... 

Trong một cơ chế nghị trường, khi các đại biểu Quốc hội không có khả năng tự đưa ra các giải pháp cho đất nước ... thì rõ ràng nền dân chủ nghị viện đã tự nó có điều gì đó không ổn.

Roma, 31/03/2013




(*): Đó là 10 nhân vật có uy tín và tên tuổi trong các lãnh vực hiến pháp, kinh tế, tài chánh, hoạt động ngoại giao Châu Âu, do chính Napolitano đề cử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét