22 tháng 4, 2017

Chúa tể sơn lâm và con cáo già



Đây là bài viết của ký giả thường trú của nhật báo "la Repubblica", Vittorio Zucconi ở  Washington nhân chuyến công du mới đây của Gentiloni sang Mỹ gặp Trump.
Nguyên tác "Il re leone e la volpe" đăng ngày 21/04/2017

 ____________________________________________________




Đây là lần đầu tiên con cáo già Volpe Grigia Ý, Paolo Gentiloni, dè dặt đặt chân vào hang động của chúa tễ sơn lâm Re Leone Mỹ, Donald Trump, lập tức hiện ra những tương phản giữa hai nhân vật, giữa lịch sử hai nước, giữa hai thời điểm chính trị quan trọng. Tin sốc từ Paris đến giữa cái bờm tóc vàng khè của anh cao bồi Mỹ gầm gừ và mái tóc muối tiêu của anh bạn Ý lúc nào cũng lễ độ và ăn nói nhỏ nhẹ, giữa hai nhân vật nói trên là cả một thiên trường ca về quan hệ giữa một nhà nước Cộng hòa Ý với cường quốc Mỹ. 

 Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni và Tổng thống Mỹ Donald Trump

Đấy là một quan hệ kéo dài hơn 7 thập niên, kể từ chuyến đi Mỹ đầu tiên của Alice De Gasperi hồi năm 1947, và cũng phải nói là chuyến đi năm 47 của Thủ tướng Ý đầy những ẩn số (nguyên bản tiếng Ý viết là ansioso), vì đó là chuyến đi để nước Ý xin được viện trở Mỹ để tái kiến thiết hậu chiến. 
 
Và theo báo chí tường thuật thì cuộc gặp gỡ vừa rồi (lại thêm một lần nữa) cho thấy giữa hai nước có một mối hữu nghị "không thể tránh" trong những khác biệt "bất dung hòa" giữa hai nền văn hóa chính trị, và nhất là giữa hai con người, hoàn toàn khác biệt nhau. Và khi nói về hữu nghị giữa hai nước thì lão Donald chỉ nhớ được có mỗi hữu nghị mà ông ta biết, đó là hữu nghị đến từ sự ngưỡng mộ đối với danh ca opera ... Pavarotti.


Trong buổi gặp gỡ với Gentiloni ở Phòng bầu dục, nơi mà tất cả các ký giả, đều phải được rà soát kỹ lưỡng trước khi vào, tranh nhau một chỗ đứng để được hiện vào trong ống kính của các hảng thông tấn, rồi sau đó là đến buổi họp báo ở đại sảnh phía đông của Nhà trắng, người ta thấy lão Trump cứ như là một con sư tử bị nhốt trong chuồng, bồn chồn cũng đã ba tháng nay trên ngai vàng, và nhất là như ngồi trên lửa trong cái Nhà trắng nơi mà những "thầy dạy thú" và những trợ tá của chúa tể sơn lâm cứ lục đục với nhau và cấu xé lẫn nhau vì không ai biết ai thực sự là chúa tể của rừng xanh. Một thứ chuồng mà Donald chỉ chực chờ có dịp là xổng chồng để quay nhanh về với "tiếng gọi của rừng xanh" ở cung điện Mar-A-Lago (Florida), nơi ấy chúa tể sơn lâm cảm thấy thư thả giữa các đám chơi golf, những đám cận thần xu nịnh, những tay đại gia tỉ phú quây quần tung hô vạn tuế. Trong buổi họp báo, trong khi các ký giả gần như chẳng ai tha thiết biết đến cái quan hệ hữu nghị hai nước, mà tất cả đều tập trung vào các câu hỏi về "100 ngày đầu chấp chánh" đầy slogan hò hét và nội dung thì trống rỗng. Và trong khi phía Ý thì muốn nói đến vấn đề Libia (khu vực "hàng xóm" có hỏa hoạn của Ý) thì ngài Donald chỉ có mỗi chuyện phải lo là cái thằng Un ở Bắc Triều tiên và chuyện hội kiến với Đức giáo hoàng nhân dịp G8 sẽ được tổ chức ở Taormina (Ý) vào 26&27 tháng năm sắp tới (nhưng theo tin một số báo thì cho đến hôm nay phía bên chính quyền Mỹ vẫn chưa có công hàm chính thức đề nghị gặp gỡ với ĐGH). Thế là chúa tể sơn lâm thẳng thừng: Mỹ không có vai trò nào ở Libia. Diễn nôm ra: Mỹ đã gây qua nhiều thiệt hại ở Libia rồi, thế chưa đủ sao?

Trong khi đó con cáo già Ý, Gentiloni, trông rất trầm tĩnh, một con người ẩn mình kỹ lưỡng trong cái vỏ bộc phẩm giá của mình, một trong những Thú tướng Ý vẫn hay đến Washington để gặp gỡ chính thức lãnh đạo Mỹ trong khi hoàn toàn nhận thức được tình trạng "lâm thời" của mình, hay thậm chí còn nhận thức rõ được thế "yếu kém không gì hũy diệt được", như trường hợp của Matteo Renzi hy vọng tìm thấy được trong những tuyên bố "ban phép lành" của Obama một phép mầu để có thể lật được thế cờ "referendum" mà chính Renzi cũng đã thừa biết là sẽ bị bại.

Nhưng con cáo già quý phái (Gentiloni thuộc gia đình quý tộc), ở trong vị thế chính trị yếu kém, và chính đấy là sức mạnh vô địch của Paolo, nhìn một cách lịch sự, và tìm cách che dấu những hồ nghi, vị đại gia bình dân thô tục nhưng giàu nứt đỗ vách và đầy quyền lực, với bờm tóc vàng khè không giống ai đứng cạnh bên, nhìn một cách kín đáo, cứ như con cáo già chỉ sợ bất ngờ chúa tể sơn lâm nỗi nóng trước những song sắt giam nhốt nó, quay sang xé xác cáo già. Nhưng cũng may là mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp, có lẽ phần cũng nhờ sự điềm tĩnh của Gentiloni, và nhờ vào thời thiết ấm áp và đẹp đẽ của Washinhton bước vào mùa xuân cho nên cái tính khí bất thường của chúa tể sơn lâm hồi tháng mười một vừa qua lại biến thành một thứ mèo hiền lành tháng tư nên Donald bất ngờ khám phá ra được sự cần thiết của cái gọi là NATO mà hồi tháng mười một chính y đã phỉ báng và thậm chí là ngay trong cái NATO đó y cũng đã quên là có cả một hạm đội của Mỹ neo ở đấy.

Những cuộc "gặp gỡ chính thức" như thế này giữa "Mister President" và "Mister Prime Minister" thường là những dịp để thấy rõ hơn những khác biệt đối nghịch giữa hai nước, và nhất là lần này lại có thêm những đối nghịch giữa hai con người hoàn toàn khác nhau. Người ta còn nhớ lại hình ảnh cuộc gặp gỡ năm 1947 giữa một Alcide De Gasperi, tay vân vê cái nón nỉ "italian stile", gương mặt bất động như hóa đá, trong cảnh điêu tàn đổ nát của nước Ý thời hậu chiến, trước một Harry Truman tươi cười đôn hậu, để xin cứu giúp nước Ý, và cứu luôn cả cái đảng "Dân Chủ Thiên Chúa Giáo" bằng những viện trợ thực phẩm và tài chính.

 
Thủ tướng Ý Alcide De Gasperi đến Mỹ năm 1947



Điều đó đã thể hiện cho thấy có những khó khăn cơ bản giữa hai nước: đối với chính quyền Mỹ thì chính trị Ý là một cái gì đó kỳ bí mà Mỹ không tài nào hiểu nỗi, nó làm cho Mỹ vừa yên tâm nhưng cũng vừa lo âu, giống như mấy anh chồng lúc nào cũng xem mấy bà vợ là những mụ đàn bà lắm lời nhưng được cái là yên phận tề gia nội trợ. Một thứ "rebus" mà đối với một người không thích vận động trí óc để tìm hiểu như Trump thì hắn cũng chẳng để tâm đi tìm hiểu chi cho mệt, nhất là khi Trump được các trợ tá báo cho biết về vị thế "lâm thời" của Gentiloni.

Mà thông thường thì lãnh đạo Mỹ cũng không mấy khi ca tụng quá đáng lãnh đạo Ý, vì sợ là sau đó lại bị "hố" trước những diễn biến bất thường của một nền chính trị bất ổn định (gần như mãn tính) của Ý. Thí dụ như trường hợp của một Obama quá hồ hởi khi chúc tụng Renzi những lời ca ngợi đến tận mây xanh để rồi .... Hay tệ hơn như trường hợp của một Bush con ca tụng Berlusconi, thậm chí đến muối mặt khen ngợi tiếng Anh "cây nhà lá vườn" (English maccheroni) của Thủ tướng Ý ... để rồi sau đó lại phải chứng kiến một Berlusconi bị kết án về tội trốn thuế.

Nhưng cũng may là chúa tể sơn lâm Mỹ chắc cũng ít nhiều bị những bài học thực tế đấm vỡ mặt nên cũng tỏ ra ít nhiều được "thuần hóa" và bớt hung hăng nên đã không xé xác con cáo già Ý, đã không lập lại lối hành xử thô lỗ như hắn đã làm với Angela Merkel. Nói chung là Gentiloni đã thoát nạn một cách nhân phẩm và không phải mang thương tích trong lần đầu gặp gở với Trump, và dĩ nhiên là buổi gặp gỡ như kiểu này cũng chẳng mang đến một kết quả thực dụng nào cả. 


Sau cái bắt tay từ giã Gentiloni, Trump đã nhanh chóng trở lại với chính mình: chán nản bồn chồn trong vị thế Tổng thống và "tuýt-tò-te" (Tweet) một cách động kinh, trong khi chờ đợi một cuộc gặp gỡ với một tân Thủ tướng Ý ở vườn thượng uyển Nhà trắng, và để cho thêm vào album kỷ niệm hằng hà sa số chính khách Ý đã đến rồi đi cứ như "bốn mùa thay lá" ở vườn hoa hồng. Như những De Gasperi, những Craxi, những Andreotti, những De Mita, những D'Alema, những Monti, những Letta, những Renzi, những Gentiloni, và còn còn nhiều nữa trong tương lai. 

Trong khi chẳng có tấm ảnh nào của Pavarotti. Đáng tiếc thật !!!


Roma, 21/04/2017

chuyển ngữ



PS: Những câu in nghiêng là chú thích riêng của người dịch.

10 tháng 4, 2017

Hắn.



Đây là phần mở đầu của bài “Il “forgotten man”: quando il risentimento diventa populismo” của Ezio Mauro đăng trên nhật báo “la Repubblica” ngày 10/04/2017  


để giới thiệu quyển “Populismo 2.0” của Marco Revelli.





Nighthawks của Hopper - 1942



Cứ tưởng tượng bất ngờ bạn “nhập” được vào bên trong bức tranh nỗi tiếng “Nighthawks” của Hopper: lâu lâu để ý cái thằng cha đội nón, tay cầm ly rượu ngồi một mình bên quầy bar dưới ánh đèn néon. Hắn ngồi im đấy, không nói năng với ai, trông có vẻ trầm ngâm lung lắm. Nhìn qua thì có thể đoán được tay này cũng là dân sỏi đời, đã trãi nghiệm đủ thứ thượng vàng hạ cám, và đêm nay đến quán rượu ngồi lặng lẽ trầm ngâm như thế này ... thì chắc là hắn cũng đã chạm đến tận cùng của đáy vực, tất cả những hy vọng đều như tan biến. Không còn tin vào cái gì nữa, thậm chí hắn đang thủ thế cảnh giác, cứ như là vừa bị thiên hạ đánh cắp cái gì đó. Hắn có thể ngồi kể lể bộc bạch tâm sự, nhưng hắn không cần tâm sự với bất kỳ ai, kiểu đèn nhà ai nấy sáng, và không chừng chính cái sự im lặng của hắn có thể làm cho thiên hạ cảm thấy như mắc tội.


Ai đấy ? Hình như trong mỗi chúng ta đều đã thấy tay này đâu đó. Bởi vì đó là hiện thân của một tầng lớp xã hội đại trà đang tràn lan ở phương Tây, từ Châu Âu đến Mỹ quốc: sự oán hờn căm giận của những con người bị xã hội lãng quên đang “lừng lững đứng lên”, và những căm giận đó đang “tham chính” khắp nơi, và những “chính khách ngoài luồn” đang từng bước chiếm lĩnh chính quyền. Dĩ nhiên không phải ở đâu cũng thế, nhưng đối với “hắn” -forgotten man- thì hắn bất cần, “hắn” chỉ muốn đập phá đạp đỗ để hạ bệ các đám chính khách chuyên nghiệp - establishment, như để hả cơn tức giận, rồi ra sao thì ra.


Bởi vì chưa ai biết gọi “hắn” là gì cho nên để mô tả nhân vật mới của thời “toàn cầu hóa” này người ta đành dùng những ngôn từ có sẵn từ trước đến giờ vốn để chỉ những hiện tượng xa xưa: đả đảo chính trị, bài xích chính trị, nỗi loạn, dân túy. Nhưng thực ra những gì đang xảy ra hôm nay lại là hệ lụy tất yếu của thời “hậu hiện đại”, hay nói cho rõ hơn, đó là cú “Big Bang” cuối cùng giữa mô hình xã hội (hôm nay) cực kỳ mở (opened) mà nhân loại chưa từng thấy trước đây và một cuộc khủng hoảng (kinh tế) dài nhất của thế kỷ. Trong đó tất cả các “mô hình” kéo nhau sụp đỗ cứ như nhà bị động đất: từ các “đảng phái”, mô hình chính trị có từ thế kỷ trước (900); đến các “ý thức hệ” (tả hữu) vốn đã từng là những tụ điểm cột trụ của những giá trị xã hội, văn hóa truyền thống; đến cả những ý niệm về “giai cấp”, “thành phần” giữa những tầng lớp xã hội khác nhau cũng tan biến như sương mù trước ánh nắng, trà trộn hổ lốn kiểu “vàng thau lẫn lộn”. Nói chung toàn bộ xã hội đang chứng kiến một sự chuyển động nội tại không ngơi nghỉ và đang tiến đến một cuộc xung đột lớn.


Và đứng trên mớ gạch vụn đỗ nát ấy là “hắn”, người đã bị hất ra khỏi cỗ xe tăng trưởng kinh tế, bị khủng hoảng đánh gục, thất vọng về những “cơ chế đại diện chính trị xã hội” (đảng phái, công đoàn). Và vì tất cả những sự kiện trên xảy ra (tăng tốc) trong suốt thập niên chót: đã làm suy yếu tất cả các cơ chế nhà nước, khiến các chính phủ hầu như bất lực, đã làm suy giảm uy tín các tổ chức quốc tế (Liên Hiệp Quốc, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng trung ương Châu Âu ...), và thậm chí đã sói mòn luôn cả .... dân chủ, cho nên sau cùng “hắn” nghiệm ra được rằng trong cảnh “dầu sôi lửa bỏng” như thế này thì sự oán hờn căm giận của “hắn” có thể ... thay thế được chính trị, có thể nắm quyền. 


Đúng là “hắn” không (chưa ?) có khả năng đưa ra những phương hướng giải quyết các vấn đề, đề ra những chiến lược đối phó khủng hoảng để có thể đứng ra nắm lấy hành pháp. Nhưng “hắn” có thừa sức luận tội “tất cả” về những bất cập, bất công xã hội và yêu cầu “tất cả” phải trả giá, để kết tội chung chung cả một tầng lớp lãnh đạo chung chung vốn đã cầm quyền từ trước đến nay và chỉ biết thu mình bảo vệ ích lợi cho chính mình, thay phiên nhau cầm quyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.


Sự oán hờn căm giận không đủ sức để làm cách mạng (cách mạng theo cách hiểu của lịch sử từ trước đến nay), không đủ sức tạo ra một tầng lớp lãnh đạo mới. Nhưng sự oán hờn căm giận thừa sức để lật đỗ nền tản của những quyền lực suy yếu, tạo ra một khoảng trống trên sân khấu chính trị, để rồi giao hết khoảng trống ấy cho các “bản năng tự phát” được đại diện bằng những phần tử được “tung hô vạn tuế” qua những cuộc phổ thông đầu phiếu. 

Dĩ nhiên, “bản năng tự phát” tự nó sẽ không có khả năng điều hành nhà nước. Nhưng đó là chuyện ... ngày mai. Trước mắt thì cho “tất cả” về vườn cái đã.

Roma, 10/04/2016
chuyến ng

PS: Tất cả những từ viết nghiêng trong dấu ngoặc đơn là chú thích thêm của người dịch,