6 tháng 1, 2016

Đầu năm Trung Quốc khai pháo !!!



(Viết dựa theo bài  “Pecchino il giorno dopo il lunedì” ngày 05/01/2016 của Federico Rampini (*), ký giả thường trú của nhật báo “la Repubblica” ở New York)


Y hệt như hồi tháng 8 vừa qua, trước sự tuột dốc của thị trường chứng khoán chính phủ Bắc Kinh vẫn phản ứng một cách máy móc theo đúng các bài bản kinh điển của một chế độ độc tài toàn trị: nhà nước can thiệp mạnh bạo bất kể quy luật thị trường bằng cách sử dụng công quỹ để mua cổ phiếu để hỗ trợ giá thị trường chứng khoán, song song đó chính phủ đã ra lệnh trừng phạt chống lại những ai đang đầu cơ chứng khoán (trong trường hợp này là những người đã rao bán cổ phiếu “ảo”, tức là họ bán cổ phiếu mà họ chưa có trong tay – một kiểu mượn đầu heo nấu cháo trong thời đại thị trường chứng khoán – với hy vọng là trong thời gian sắp tới, khi họ phải giao cổ phiếu đã bán thì họ sẽ mua cổ phiếu đó với giá thấp hơn so với giá mà họ đã rao bán). Trên thực tế chính phủ Bắc Kinh đã không đưa ra một đường lối nào để đối phó với “căn bệnh” của thị trường chứng khoán, mà chỉ là những chính sách kiểu làm giảm các triệu chứng. Điều này (một lần nữa) thể hiện rõ sự mâu thuẩn của Bắc Kinh: một mặt thì tuyên bố áp dụng nền kinh tế thị trường, nhưng mặt kia thì can thiệp thô bạo khi thị trường không đi đúng theo hướng đã định (định hướng). Điều này cực kỳ nguy hiểm vì mức độ tin cậy vào chính phủ gắn liền với chỉ số trồi sụt của thị trường chứng khoán, và những cổ đông (có đến hàng trăm triệu người Trung Quốc hiện nay đang “chơi” trên sàng chứng khoán của nhà nước) đều chỉ biết trong chờ vào những chính sách bảo vệ thị trường chứng khoán, thậm chí bảo vệ luôn cả những hoạt động đầu cơ chứng khoán của họ.

Tuy nhiên “ngày đen” (hôm thứ hai 04/01/2016) của thị trường chứng khoán Bắc Kinh có hai điểm mới so với lần xảy ra hồi mùa hè 2015.

Trước nhất là tình hình tuột dốc của thị trường chứng khoán đã diễn ra ngay trong lúc tình hình vùng Vịnh căng thẳng (chiến tranh ở Syria, nhà nước Hồi Giáo, căng thẳng giữa Ả Rập Saudi và Iran ….) trong khi nền kinh tế sản xuất của Trung Quốc và Nhật đều vẫn còn phải tùy thuộc vào dầu hỏa Trung Đông (Mỹ đã từ mấy năm nay không còn nhập một hạt dầu nào từ Trung Đông, kể từ khi Mỹ đả phát triển phương thức khai thác dầu hỏa bằng biện pháp fracking (shale oil - dầu đá phiến)). 

Thứ hai là Mỹ đang thay đổi chính sách tiền tệ với việc Ngân hàng trung ương Mỹ đã tuyên bố nâng giá lãi xuất. 

Và trong tình hình đó, Châu Âu vẫn tiếp tục “dậm chân tại chỗ”: từ BCE cho đến các chính sách ngân sách của các chính phủ Châu Âu … đều vẫn chưa có một kế hoạch nào … dù rằng ai cũng biết là năm 2016 này (xem ra) sẽ vẫn còn nhiều sóng gió.

Trở lại chuyện Trung Quốc: kể từ hồi hè 2015 vừa qua, các nguồn vốn đầu tư vẫn tiếp tục tháo chạy ra khỏi Trung Quốc, dù rằng chính phủ Bắc Kinh đã can thiệp để chận đứng một cách giả tạo sự tuột dốc của sàn chứng khoán bằng cách ra lệnh huy động các ngân hàng nhà nước phải đứng ra thu mua các cổ trái phiếu. Việc phá giá đồng Nhân dân tệ (chủ yếu là để vực dậy ngành kinh tế xuất khẩu của Trung Quốc vốn đang bị thoái trào kể từ khi Tây Âu bị khủng hoảng kinh tê tài chính từ năm 2008) cũng không giúp được bao nhiêu trong quá trình chận đứng vốn đầu tư đào tẩu, ngược lại, quyết định giảm tỷ hối đồng Nhân dân tệ lại càng thúc đẩy vốn tư bản của Trung Quốc nhảy sang đồng đô-la Mỹ. Thậm chí sự “thành công” của Tập Cận Bình trong việc thuyết phục được Quỷ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI) cho ghi đồng Nhân dân tệ vào danh sách các đơn vị tiền tệ có khả năng “hoán chuyển” (convertibili), tức là có vị thế “ngang hàng” với đồng đô-la và Euro, cũng đã gián tiếp “giải phóng” các vốn đầu tư của Trung Quốc theo nghĩa là người Trung Quốc có tiền sẽ nhân cơ hội này đưa đồng vốn của mình ra đầu tư ở nước ngoài (chính sách thu mua các cơ sở sản xuất kinh tế của các nước Tây phương chẳng hạn).

Nhà nước Trung Quốc cũng chỉ mới vừa bắt đầu bước vào một giai đoạn chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế rất quan trọng: không còn dựa vào các nền công nghệ nặng (gang, thép …) và giá lao động rẽ mà hướng về một nền kinh tế “bền vững” (sostenibile), chú ý nhiều hơn về vấn đề ô nhiễm môi trường, giảm sử dụng năng lượng ô nhiểm và phát triển các nguồn năng lượng sạch. Trước mắt thì hiện nay bước chuyển đổi quan trọng nói trên chỉ tạo ra các “nhược điểm”: xuất khẩu giảm sút, mức độ tăng trưởng kinh tế giảm sút … Nhưng thực ra thì Tập Cận Bình nhắm đến đường dài và nuôi nhiều tham vọng trong đó muốn đẩy Trung Quốc lên thành đối thủ chiến lược trong việc tranh giành ngôi bá chủ với Mỹ. Do đó cũng phải hiểu là quyết định đưa đồng Nhân dân tệ lên hàng top của danh sách tiền tệ thế giới cũng có cái giá mà Trung Quốc phải trả, trong đó có cả hiện tượng “chảy máu vốn”.

Trước mắt thì sự kiện khủng hoảng thị trường chứng khoán Bắc Kinh lần này là do sự căn thẳng mấy hôm nay giữa Iran và Ả Rập Saudi. Trong kịch bản tồi tệ nhất mà Bắc Kinh và Tokyo dự trù là có thể xảy ra “chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ IV”, sau những cuộc chiến Iran-Iraq (1980-1988), đến việc đổ quân Mỹ vào Iran thời Bush cha (1991) và thời Bush con (2003).

Dù rằng hiện nay Trung Đông đã không còn giữ được vị trí trung tâm huyết mạch về năng lượng trên thế giới (một phần là Mỹ và các nước Bắc Âu đã độc lập được dầu khí, thêm đó có sự xuất hiện của Nga như nhà cung cấp năng lượng, rồi đến việc thế giới gia tăng ý thức về ô nhiễm môi trường và thúc đẩy việc phát triển các năng lượng sạch và tái tạo), tuy nhiên Trung Đông vẫn còn đóng vai trò cung cấp năng lượng chủ yếu cho Trung Quốc và các quốc gia chung quanh. Và tay “sen đầm thế giới” duy nhất hiện nay ở trong Vùng Vịnh vẫn là Đệ Ngũ Hạm Đội của hải quân Mỹ vốn đang ngược xuôi kiểm soát các tuyến hàng hải trong vùng Vịnh Ba Tư, khu vực Vịnh Ả Rập, Ấn Độ Dương. Do đó điều trớ triêu là hiện nay sự an toàn dầu khí của Bắc Kinh lại nằm trong tay Mỹ, một thứ mâu thuẩn của thời “hậu hiện đại”: tất cả vẫn còn phải bám vào những gì còn sót lại của một leadership “đơn cực” (unipolare).

Thêm vào đó, bối cảnh “đơn cực” cũng khiến thế giới vẫn còn phải chịu ảnh hưởng của Washington  về mặt chính sách tiền tệ: dù muốn dù không hiện nay đồng đô-la vẫn còn là nữ hoàng trên thị trường ngoại tệ thế giới. Do đó không nước nào có thể có được “miễn nhiễm” hoàn toàn mỗi khi chính sách tiền tệ của Mỹ “đổi nhịp”. Sau 7 năm áp dụng lãi xuất zero, hồi cuối năm 2015 vừa rồi Cục Dự trử liên bang Hoa Kỳ (FED - thực chất là Ngân hàng Trung ương của Mỹ) đã quyết định “xoay chiều” nâng lãi xuất lên thành 0,25%. Và điều này có nghĩa là lần lần các trái phiếu tín dụng bằng đồng đô-la sẽ tăng lợi tức. Trong mấy năm qua FED đã in ra 4 ngàn tỉ đô-la để mua trái phiếu và như thế đã đỗ tiền tràn ngập thế giới để vượt qua cơn khủng hoảng hồi 2008. Và kể từ cuối năm 2015, Mỹ tuyên bố “hoàn thành nhiệm vụ” (mission accomplished), và điều này có nghĩa là … thủy triều sẽ xuống: các nguồn vốn, đầu tiên là của các nước đang vươn lên, sẽ chạy tháo sang Mỹ.

Còn khu vực đồng Euro ? Cũng như bao lần khác, Châu Âu vẫn ở thế bị động. Vì chạy theo chính sách thắt lưng buộc bụng của Đức mà BCE của Draghi đã phải ngồi đợi đến 5 năm mới bắt đầu áp dụng được chính sách bơm tiền như ở Mỹ. Ảnh hưởng tích cực của chính sách hạ giá đồng Euro cũng chỉ mới mong manh hiện ra. Nhưng các mầm mống phát triển vẫn còn khá yếu ớt, các thông số tăng trưởng vẫn còn khiêm nhường, thất nghiệp vẫn còn cao. Và chính sách thắt lưng buộc bụng vẫn còn có những tác động kiềm chế: nếu một bên là chính sách bơm tiền của BCE đang nhấn ga xe, thì bên kia các kế hoạch ngân sách kiểm soát tránh bội chi … lại đang đạp thắng xe. 

Cái khổ là trong khi Châu Âu chỉ mới vừa ngóc đầu lên được trong tình cảnh nữa phát triển nữa dậm chân … thì xảy ra những cú xốc “ngoại vi” ở Trung Đông, ở Trung Quốc, ở Mỹ. Từ bao năm nay Châu Âu đang phải hứng chịu cảnh theo đuôi các chính sách của kẻ khác: Nga thì “quậy” ở Crimea và Ukraine, Syria và cái Nhà nước Hồi giáo đang làm điêu đứng Châu Âu với làn sóng thuyền nhân, rồi đến các vụ khủng bố gần đây. Bây giờ giữa những phong ba bão táp đến từ Trung Quốc và FED … điều đáng lo là Châu Âu rồi lại sẽ tiếp tục … theo đuôi thời sự.

Roma, 05/01/2016




(*) Trước khi sang New York, Federico Rampini cũng đã từng làm ký giả thường trú của "la Repubblica" ở Bắc Kinh.