27 tháng 2, 2012

Nhà nước (Ý) dám đánh thuế nhà thờ ?


Hai ba hôm nay nhà thờ bù lu bù loa như bị ăn trộm vô nhà. Chẳng qua là cái chính phủ kỹ trị của Mario Monti quyết định áp dụng thuế bất động sản lên đất đai, nhà cửa, vườn tược ... thuộc quyền sở hữu của nhà thờ.

Thực ra thì cái thuế bất động sản này (trước thì gọi là ICI, bi chừ đổi tên thành IMU) vốn xưa nay cũng đã được áp dụng lên tất cả bất động sản của bất kỳ ai nằm trên lãnh thổ nước Ý. Chuyện này thì ở nước nào cũng thế. Đến cả Việt Nam thời phong kiến cũng đã có thuế điền thổ. Chỉ có riêng nhà thờ thì được hưởng đặc quyền miễn thuế bất động sản dựa theo hiệp ước song phương giữa nhà nước Ý và Tòa thánh Vatican được ký năm 1929 (Patti Lateranensi – thực ra thì hiệp ước song phương này có nhiều đặc quyền cho Tòa thánh, và miễn thuế bất động sản chỉ là một). Lý do là vì nhà thờ là nơi thờ cúng cầu nguyện, làm từ thiện, cứu rỗi linh hồn ... nên đồng ý là chuyện miễn thuế được coi như là một hình thức gián tiếp công nhận những công tác từ thiện xã hội và hy vọng như thế thì linh hồn sẽ được cứu rỗi.

Nhưng có điều là trên thực tế có những cơ sở tuy mang tiếng là tôn giáo ... nhưng lại có những hoạt động kinh doanh thu tiền hẳn hoi không khác chi những chốn kinh doanh “trần tục” (laico): thí dụ như khách sạn của bà sơ, rồi trường nhà dòng, rồi nhà thương của các Thánh. Đi ngủ khách sạn của mấy bà sơ ... vẫn phải trả tiền đàng hoàng nhé. Gởi con đi học trường nhà dòng ... thì đóng học phí ... còn cao hơn trường tư (cái này người Việt nào ở Sài Gòn trước năm 1975 biết rất rõ). Có tiền thì vào nằm nhà thương của các Thánh ... sạch sẽ hơn và được chăm sóc ân cần kỹ lưỡng hơn. Nói chung là cứ có tiền ... thì nhà thờ sẳn sàng phục vụ. Chuyện cũng đúng thôi. Tiền trao cháo múc ấy mà. Chẳng có gì đáng nói. Chỉ có điều là người “trần tục” làm dịch vụ thì bị đánh thuế, nhưng nhà thờ làm thì ... được miễn thuế. Lý do là vì đó là những công tác từ thiện (sic !!!).

Bây giờ ngân sách nước Ý đang gặp khủng hoảng bội chi, nhà nước sắp bị vỡ nợ, Châu Âu ép phải chấn chỉnh ngân sách ... nên chính phủ Ý phải tăng thuế và yêu cầu mọi người phải hy sinh. Cái này gọi là công bằng xã hội đấy. Và cũng trong chiều hướng công bằng xã hội ... chính phủ Mario Monti quyết định áp dụng thuế bất động sản đối với nhà thờ.

Úi chu choa ui .... Không khí cứ như là ... chống tư sản mại bản thời nẵm ở Việt Nam.

Thực tình mà nói, cái ông Mario Monti này cũng chẳng gan dạ chi dám vuốt râu .... Đức Giáo Hoàng. Mấy hôm trước, sau mấy tháng tuyên bố ầm ỷ “công bằng xã hội”, bổng nhiên Super Mario “hô biến” chuyện đánh thuế nhà thờ, điều luật này bị “tự ý đục bỏ” trong gói luật đệ trình Quốc Hội. Chắc là ông Mario Monti đêm trước nằm mơ thấy Chúa hiện về ... 

Hôm sau công luận, báo chí phê phán cái “hô biến” này quá trời. Thế là ông Mario Monti phải lập tức “hô hiện” ... điều luật đánh thuế nhà thờ được “tự ý hiện hình” trong gói luật đệ trình Quốc Hội.

Hổng phải ông Super Mario mình đồng gan sắt chi đâu. Chẳng qua là mấy tay trong Ủy Ban Châu Âu gọi điện cho Mario: “Này, miễn thuế bất động sản cho nhà trọ của bà sơ, cho trường nhà dòng, cho nhà thương của Thánh ... là coi như vi phạm luật “tự do cạnh tranh thương mãi” đối với các cơ sở hoạt động thương mãi “trần tục” đấy !!! Châu Âu sẽ phải phạt nhà nước Ý về tội này đấy !!! Cẩn thận !!!” (Chuyện Ủy Ban Châu Âu đòi trừng phạt nhà nước Ý vì miễn thuế nhà thờ đã bắt đầu từ thời Prodi lận, nhưng mấy chính phủ trước đây, từ trung tả đến trung hữu, đều bị áp lực Tòa Thánh và của các “phường hội” Công giáo nên cứ “làm lơ”).

Mà nào có phải là đánh thuế toàn bộ lên bất cứ bất động sản nào của nhà thờ đâu. Đề luật ghi rằng chỉ đánh thuế lên những “mặt bằng” không có hoạt động thuần túy tôn giáo hay cứu tế xã hội. Thí dụ như nhà thờ, chủng viện, viện mồ côi, các “căn-tin” cho người vô gia cư ... tất cả những nơi đó không phải đóng một xu thuế. Còn các khách sạn, các trường tư thục, các nhà thương tư ... cứ đo mặt bằng rồi trừ đi những chổ có để thánh giá hay tượng Chúa ... mà đánh thuế.

Rõ như thế. Thế mà nhà thờ mấy hôm nay cứ bù lu bù loa ... Bảo rằng đánh thuế như thế thì nhà thờ không còn đủ khả năng làm từ thiện.

Thế nào là làm từ thiện ? Khách sạn của nhà thờ lấy tiền phòng trọ là từ thiện ? Thế còn ngũ ở khách sạn bình thường cũng trả tiền phòng ... lại là thương mãi ? Gởi con đi học trường nhà dòng đóng tiền hẳn hoi ... đấy là từ thiện. Thế gởi con đi học trường tư “trần tục” cũng trả tiền hẳn hoi ... thế là mất đi cái chất từ thiện. Đau gần chết vô nhà thương của Thánh trả tiền bác sĩ, tiền mỗ, tiền phòng hẳn hoi ... đấy là từ thiện. Nhưng hễ vô nhà thương tư bình thường cũng chi tả hẳn hoi ... đấy là thương mãi.

Thực ra thì chuyện cũng chẳng có gì khó xử: các khách sạn của bà sơ, các trường nhà dòng, các nhà thương của Thánh ... chỉ cần ... miễn phí .. thì chắc chắn là sẽ được miễn thuế một cách hợp lý.

Chuyện dễ thế mà hổng biết vì sau mà nhà thờ không hiểu, cứ bù lu bù loa ... rồi hăm dọa sẽ không còn đủ khả năng làm chuyện từ thiện !!!

Roma, 27/02/2012
Huê Đăng.

20 tháng 2, 2012

Tiếc cho nước Ý và Ấn Độ không có 16 chữ vàng ...


Tin báo chí Ý đăng tải hôm 16/02/2012: Lính Ý bắn chết hai ngư dân Ấn Độ vì bị tình nghi là hải tặc có ý định tấn công tàu chở dầu.

‘Marò’ sparano dalla petroliera - Erano pescatori non pirati

Hôm nay 20/02/2012, báo chí Ý đăng tin hai quân nhân Ý đã bắn chết ngư dân Ấn Độ đã bị bắt đưa vào lãnh thổ Ấn và đã phải trình diện trước Tòa án Kerela (Ấn Độ) để bị xét xử.

India, confermato il fermo dei due ‘marò’ nel Kerala manifestazioni anti-italiane


Hai phiên bản kể về sự kiện này của quân đội Ý và của chính quyền Ấn Độ khác nhau rất nhiều điểm.

Theo phía bên Ý thì thuyền đánh cá của Ấn Độ đã bị phát hiện có trang bị vũ khí và đã chạy quá sát tàu chở dầu trên hải phận quốc tế. Lính Ý nghi là hải tặc có dự tính bắt cóc tàu chở dầu (tàu chở dầu này đã bị hải tặc Somalia bắt cóc trước đây một lần) và đã bắn cảnh báo (bắn xuống nước) nhưng thuyền đánh cá Ấn vẫn không rời xa tàu chở dầu, nên sau cùng lính Ý đã bắn thẳng vào tàu đánh cá và làm thiệt mạng hai ngư dân.

Theo phiên bản của chính quyền Ấn thì mọi chuyện xẩy ra ngay trên hải phận của Ấn, và tàu đánh cá không có trang bị vũ khí và lính Ý đã không có bắn cảnh báo trước mà bắn thẳng vào tàu đánh cá và làm thiệt mạng hai ngư dân.

Dĩ nhiên phía chính phủ Ý và Ấn, trong những ngày sắp tới, sẽ cố gắng làm sáng tỏ vấn đề, và sẽ biết phía quốc gia nào sẽ có trách nhiệm xét xử vụ này.

Chưa biết trắng đen ra sao, nhưng trước mắt chính phủ Ấn đã lập tức yêu cầu phải giao lính Ý cho nhà cầm quyền Ấn, rồi hạ hồi phân giải.

Giả sử chuyện này xẩy ra trên mặt biển tiếp giáp giữa mấy nước rồng rắn ? Chắc là sẽ được báo chí phía bên quốc gia có ngư dân bị thiệt mạng đăng tin: “Tàu lạ, lính lạ, bắn chết ngư dân ta”. Hết.

Chính phủ hai bên nước rồng rắn vẫn tiếp tục giao hảo tốt đẹp trên cơ sở 16 chữ vàng chói lọi, đại loại như sau: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.



Tiếc cho nước Ý và Ấn Độ không có 16 chữ vàng, nếu không thì mọi chuyện sẽ êm đẹp hơn, chứ có đâu mà bắt bớ lính Ý rồi còn lại đòi đem ra xét xử trước vành móng ngựa của Ấn.

Roma, 20/02/2012
Huê Đăng

16 tháng 2, 2012

Thế vận hội Roma 2020: Mission Impossible.

Thủ Tướng kỹ trị Mario Monti đã chính thức từ chối không ký "cam kết bảo đảm tài chánh" để Roma tham gia ứng cử tổ chức Thế Vận Hội Thế Giới năm 2020.

Đứng về mặt lý thuyết kinh tế tài chánh mà nói thì một sự kiện như Thế Vận Hội có thể được đánh giá như một cơ hội đầu tư có lợi nhiều mặt: phát triển hạ tầng cơ sở, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập ngân sách nhà nước ... và tạo hãnh diện chính trị cho quốc gia tổ chức.



Nhưng đó là mặt lý thuyết. Trên thực tế không phải lúc nào cũng trót lọt êm xuôi như dự kiến. Kinh nghiệm cho thấy là cho phí xây dựng tổ chức thực sự bao giờ cũng lớn hơn số tiền đầu tư tài chánh ban đầu. 

Chẳng hạn như Thế vận hội năm nay 2012 được tổ chức ở London: dự kiến ban đầu là 4 tỉ bản Anh, chi phí tổng cộng hoàn tất lên đến 12 tỉ, tức là gấp 3 lần so với dự kiến.

Thế Vận Hội mùa đông vừa được tổ chức thành công ở thành phố Torino năm 2006: chi phí tổng cộng là 3,5 tỉ Euro, thu nhập lại chỉ được 2,3 tỉ, tức là người dân đã sẽ phải "bù lỗ" 1,2 tỉ. Đấy là nói tổ chức thành công đấy. Nếu không ....

Thậm chí có trường hợp Thế Vận Hội ở Montreal năm 1976 .. kinh phí lên cao đến độ mà người dân Canada chỉ mới trả hết nợ xây dựng năm ... 2006, tức là 30 năm để trả nợ.

Trong trường hợp của Roma 2020, dự kiến đầu tư ban đầu sẽ là 4,3 tỉ .... Và không biết là chi phí hoàn tất sau cùng sẽ lên đến bao nhiêu ? Nhất là trong trường hợp của nước Ý vốn có truyền thống tham nhũng hối lộ ... thì chắc chắn hiện tượng đội giá sẽ lên đến, không phải gấp 3 hay gấp 4, mà phải là gấp 10 lần trở lên. 

Thử hỏi trong tình trạng suy thoái kinh tế như hiện nay, nước Ý như trong "dầu sôi lửa bỏng", chính phủ đang phải đưa ra những chính sách kêu gọi hy sinh, ai có can đảm đối đầu một cuộc phiêu lưu tài chánh với một mệnh giá khoảng 40-50 tỉ Euro ? 

Trong quá khứ đã có biết bao nhiêu công trình chẳng những không kịp hoàn tất để đưa vào sử dụng vào những dịp lễ hội thể thao như kỳ Tổ chức bóng đá quốc tế ở Ý "Italia 90", hoặc gần hơn là Thế vận hội bơi lội Roma 2009 với những công trình ... cho đến bây giờ (2012) vẫn còn dang dỡ ngổn ngang chưa hoàn tất trong khi nhà nước đã chi ra hàng tỉ Euro cho xây dựng hồi 2009.

Báo chí phanh phui những "phi vụ" trong chuyện xây dựng hạ tầng cho Thế vận hội bơi lội Roma 2009.

Thủ tướng Mario Monti đã tuyên bố như thế này về quyết định ngưng đề án ứng cử Roma cho Thế vận hội 2020:

"Siamo arrivati alla conclusione unanime che il governo non ritiene che sarebbe responsabile nelle attuali condizioni dell'Italia assumere un impegno di garanzia."

(Chính phủ đã nhất trí quyết định rằng đứng ra làm bảo chứng trong điều kiện hiện nay của nước Ý có nghĩa là thiếu trách nhiệm).

Diễn nôm: trong khi chính phủ đang đòi hỏi mọi tầng lớp xã hội phải thắt lưng buột bụng và hy sinh .... thì không thể nào chính phủ lại bỏ ra hàng tỉ tỉ ngân sách nhà nước để cho vào túi đám đầu cơ xây dựng.



Thế vận hội Roma 2020: Mission impossible.

Roma, 16/02/2012
Huế Đăng

Chuyện bên lề: Trong buổi gặp gở giữa Thủ tướng Mario Monti, Thị trưởng Roma Gianni Alemanno, và toàn ban lãnh đạo của Ủy ban thể thao Ý và Ủy ban vận động tổ chức TVH Roma 2020 ... có sự hiện diện của Gianni Letta. Lý do: Gianni Letta là Chủ tịch danh dự của Ủy ban vận động tổ chức TVH Roma 2020. 

Để cho những ai không biết về Gianni Letta: cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Silvio Berlusconi, là cánh tay mặt của Berlusconi, là trùm mafia chuyên trách về những "phi vụ" của băng đảng của Berlusconi.

Nước Ý nào phải là một quốc gia bình thường.


Một Thủ tướng kỹ trị, trước một Quốc hội Châu Âu, đang nổ lực giải thích đường lối chính sách để giải cứu đất nước trong cảnh dầu sôi lửa bỏng với hy vọng sẽ tìm được sự hổ trợ chính trị, và nhất là tài chánh cần thiết của Châu Âu để tránh cho đất nước cảnh phá sản.

Mario Monti nói chuyện trước Quốc hội Châu Âu hôm 15/02/2012


Một ca sĩ nổi tiếng từ những thập niên 70, sống lâu lên lão làng, bây giờ lại lên sân khấu của một buổi hội diển nhạc nhẹ để thuyết pháp về các giá trị chính trị, tôn giáo, kinh tế, tài chánh, xã hội ... hầm bà lằng đủ thứ ... và thậm chí răn đe nhà nước ... lẫn ... nhà thờ.

Thủ tướng kỹ trị được toàn bộ Quốc hội Châu Âu vỗ tay tán thưởng buổi nói chuyện. Sau 9 năm đăng đẳng, đây là lần đầu tiên Thủ tướng Ý có buổi nói chuyện trước Quốc hội Châu Âu sau lần diển thuyết “để đời” của một Thủ tướng Ý “để tiếng muôn năm”. Lần này với Mario Monti nước Ý đã phục hồi lại được danh dự của đất nước xóa bỏ vết nhơ do Berlusconi gây ra trước mặt hàng triệu người dân Châu Âu.

2003 - Berlusconi, trong cương vị Thủ Tướng của quốc gia đang luân phiên làm chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu, nói chuyện trước Quốc Hội Châu Âu với tuyên bố "để đời" trong cuộc đấu khẩu với Nghĩ Sĩ Đức Martin Schulz gọi Martin là "kapo" (từ dùng để chỉ mấy tay trùm phát xít SS Đức) - Chú ý gương mặt căng thẳng của Gianfranco Fini, lúc đó là Ngoại trưởng Ý.


Tay ca sĩ bước lên sân khấu, bước lui bước tới, bệ vệ ra dáng như cố gắng gội rửa vai trò xướng ca để thay vào đó hình ảnh một giảng sư hàn lâm: liệt kê hàng tấn thói hư tật xấu của đất nước, chửi bên này một tí, mắng bên kia một câu .... chửi bới lung tung ... chửi luôn cả nhà thờ, mắng luôn Đức Chúa ....  Một kiểu chửi đỏng sặc mùi phi chính trị với lời lẽ mị dân rẽ tiền ... Để rồi hôm sau từ đảng phái chính trị đến các nhân sĩ bác học hàn lâm, đến các giáo sĩ nhà thờ ... hùa nhau lên tiếng phản bác lời lẽ của một thằng 5 điên 10 khùng đang tìm cách rao giảng ngụy tạo triết lý hiện sinh để tìm lại vài giây phút vàng son của một thời tuổi trẻ huy hoàng trên sân khấu mấy mươi năm về trước.

Adriano Celentano "thuyết pháp" trên sân khấu Ariston trong đêm khai mạc hội diễn nhạc nhẹ Sanremo 2012


Ở một quốc gia bình thường, khi đất nước lâm nguy thì chỉ cần Thủ tướng tường trình trước một Quốc hội là đủ rồi, chắc chẳng cần đến hạng ca sĩ phải lên sân khấu thuyết pháp.

Ở một quốc gia bình thường thì một buổi hội diễn ca nhạc chẳng cần phải có xướng ca lên thuyết pháp thay vì chỉ nên lo ca hát nhún nhảy ..

Ở một quốc gia bình thường đài truyền hình nhà nước không phải bỏ ra dăm ba trăm ngàn Euro để mời một anh ca sĩ sống lâu lên lão làng lên sân khấu thuyết pháp ... để tìm cách lôi cuốn khán thính giả .... trước một hội diễn ca nhạc đã không còn hấp dẫn một ai.

Nhưng hôm nay nước Ý nào phải là một quốc gia bình thường.

Roma, 16/02/2012
Huê Đăng



7 tháng 2, 2012

Bác sĩ và đám y tá vô duyên. (phần II - Điều luật lao động số 18)


Mấy tuần nay cả nước Ý, từ chính phủ đến các đảng phái chính trị, từ phía công đoàn đến hiệp hội doanh nhân, câu chuyện đầu môi là cái điều luật 18 trong bộ luật lao động hiện hành ở Ý.

Điều luật lao động 18, ra đời năm 1966, còn được gọi là điều luật “cấm sa thải lao động nếu không có lý do chánh đáng” (vieto di licenzamenti senza giusta causa).

Về mặt pháp lý thì điều luật 18 này chỉ có hiệu lực đối với cơ sở sản xuất có từ 15 nhân công trở lên hoặc các công ty có trên 60 nhân viên. Điều này có nghĩa là những cơ sở sản xuất nhỏ, kiểu tiểu thủ công nghiệp, thường chỉ có một hay hai lao động ... thì coi như điều luật này không có hiệu nghiệm.

Đứng về mặt nguyên tắc thì điều luật 18 được đẻ ra để bảo vệ giới lao động, tránh trường hợp bị sa thải vì những nguyên nhân khủng hoảng kinh tế hoặc doanh nhân muốn giảm chi phí lao động khi gặp khó khăn trong sản xuất.

Nhưng trong khoảng 10 thập niên trở lại đây, khi nền kinh tế toàn cầu đã khiến đại bộ phận các công ty ở Tây Âu đã “di tản” các bộ phận sản xuất sang những nước “rồng rắn”, hoặc các quốc gia Đông Âu cũ, để giảm giá sản xuất: lao động rẽ hơn và không được bảo vệ, các yêu cầu về môi trường “thông thoáng” hơn (hay là không có, hoặc có mà được “làm ngơ”), luật pháp “linh hoạt” hơn (hoặc chỉ cần “bao bì” là giải quyết ổn thỏa). Tình trạng đó khiến các cơ sở sản xuất ở nước Tây Âu lâm vào tình trạng khủng hoảng và con số dư thừa lao động trở thành “vấn nạn” cho các doanh nhân.

Một trong những phương hướng giải quyết (cho doanh nhân), là phải tìm cách giảm lao động một cách hợp pháp: và điều này có nghĩa là cần phải bỏ (hay ít nhất là thay đổi) điều luật lao động 18.

Một trong những lý lẽ mà chính phủ và phía hiệp hội doanh nhân Ý đưa ra là chính điều luật 18 trên thực tế đã trở thành một thứ “hôn nhân cấm ly dị” trói buộc người doanh nhân với người lao động, đã là động cơ chánh khiến nền kinh tế Ý không phát triển, thậm chí ngăn cản các doanh nhân nước ngoài đầu tư vào nước Ý: vì doanh nhân nào cũng sợ mở rộng đầu tư trong lúc nền kinh tế đang lên rồi sau đó không có điều kiện giảm lao động khi tình hình khó khăn.

Một số chuyên gia về thị trường lao động cũng “ta thán” rằng chính điều luật 18 là “gậy ông đập lưng ông” cho chính giới lao động: bởi vì không được quyền sa thải nên những lúc có yêu cầu lao động người doanh nhân cũng không dám thâu thêm nhân công, đưa đến tình trạng thiếu hụt “giả tạo” công ăn việc làm.

Thực ra trên thực tế, trong khoảng 2 thập niên cuối này, các khe hở của luật pháp vẫn cho phép các công ty “nhảy rào” luật 18 một cách rất hợp pháp. Một trong những “thủ thuật” để sa thải nhân công là chỉ cần “bán” (hay còn gọi là “tách” – dịch theo từ vựng kinh tế “scorporare” lấy từ chữ “spin-off” của Mỹ) một bộ phận nào đó của công ty sang một công ty con, thường vốn được chính công ty mẹ nặn ra với chủ đích là cho công ty con phá sản. Khi công ty con, nơi mà các công nhân được “tách” sang, phá sản ... thì chẳng cần sa thải ai cả ... các công nhân “được” tha hồ mất việc mà chẳng kiện cáo vào đâu được cả.

Ngoài ra, còn có đòn “dã man” hơn là ... ép người lao động phải ký “trắng” trước đơn xin từ chức mà không đề ngày tháng. Khi nào cần giảm nhân công, doanh nhân chỉ lôi đơn ấy ra, điền ngày tháng ... thế là ... chính người lao động từ chức chứ chẳng ai sa thải ai cả.

Thủ tướng kỹ trị Mario Monti


Bây giờ chính phủ kỹ trị Mario Monti đang mở một cao trào gọi là “cải tổ thị trường lao động”, trong đó có điều luật 18 cần phải được xóa bỏ. Theo lối lý luận của Mario Monti thì chỉ cần có một thị trường lao động linh hoạt (flessibile) thì tình hình kinh tế sẽ sáng sủa ngay. Mà muốn linh hoạt thì phải bỏ điều luật 18. Và chính phủ đã tuyên bố là dù bên công đoàn có đồng ý hay không ... chính phủ vẫn nhất quyết cải tổ thị trường lao động. Chó sủa mặc chó.

Emma Marcegaglia, chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Ý


Dĩ nhiên là phía công đoàn đang ầm ỉ hô hoán chính phủ đang “cả vú lấp miệng em”, và tuyên bố sẽ đấu tranh “đến giọt máu cuối cùng” (của ai ?) để giữ điều luật 18.

Thật ra thì không ai biết rõ, và chính chuyên gia kỹ trị Mario Monti cũng chưa hề minh chứng được rằng có sự tương quan cầu kích giữa “tự do sa thải” và “phát triển kinh tế”. Bởi vì nếu có sự tương quan cầu kích ấy thì những nước như nước Mỹ, vốn có một thị trường lao động cực kỳ linh hoạt, sao lại có những chu kỳ khủng hoảng kinh tế ? Vã lại nếu so sánh giữa Ý và Đức chẳng hạn, theo luật lao động của Đức thì người nhân công được bảo vệ hơn ở Ý, nhưng có phải vì thế mà nền kinh tế của Đức trì trệ đâu ? Đức vẫn đang là nước đầu tàu của Châu Âu đấy chứ, dù rằng lương lao động của Đức vẫn còn cao hơn ở Ý.

Susanna Camusso (CGIL) - Raffaele Bonanni (CISL) - Luigi Angeletti (UIL)

Thực ra thì câu chuyện “lao động” chỉ là một cái cớ để chính phủ và giới doanh nhân đưa ra để che lấp những sai trái trong quá trình phát triển nền kinh tế tài chánh “ảo” trong thời gian qua, để che dấu những thiếu sót của chính giới doanh nhân trong các quyết định đầu tư vào nghiên cứu công nghiệp cao, để che dấu những lề lối ăn vạ vào nhà nước của phường hội kinh tế ...

Nhưng bỏ qua một bên những luận điệu xảo trá của chính phủ và của giới doanh nhân, thực chất của vấn đề hiện nay là phải làm sao gia tăng được yêu cầu mua sắm nội địa hay gia tăng xuất khẩu, chỉ có cách đó thì nền kinh tế mới phục hồi và phát triển ... và lúc đó vấn đề lao động mới được giải quyết. Và chính chuyên gia kỹ trị Mario Monti cũng thừa biết chuyện này.

Nền kinh tế trì trệ, thị trường nội địa mất khả năng mua sắm ... thế mà chính phủ, doanh nhân và công đoàn cứ ngồi cải nhau về điều luật 18.

Khi mà không có công ăn việc làm ... thì luật 18 cũng chẳng bảo vệ được người không có công ăn việc làm.

Bệnh nhân đang gần chết cần thuốc, thế mà bác sĩ và đám y tá cứ ngồi cải nhau rằng ... có nên có luật ... bảo vệ bệnh nhân hay không ? Sợ rằng khi có luật bảo vệ bệnh nhân .... thì bệnh nhân cũng đã được đi đào thai sang kiếp khác rồi.

Không biết chính phủ kỹ trị, đám doanh nhân, và mấy vị công đoàn có thấy sự vô duyên của ông bác sĩ và đám y tá bên giường bệnh của bệnh nhân đang hấp hối hay không ?

Roma, 07/02/2012
Huê Đăng

Bác sĩ và đám y tá vô duyên.


Trong tiếng Ý có từ vựng “lavoro fisso”, nếu dịch sát chữ ra tiếng Việt nhà mình thì gọi là “việc làm chắc chắn”, nhưng phải hiểu đó là “việc làm ổn định” theo hợp đồng lao động vĩnh viển.

Ngược lại với “việc làm ổn định” nói trên, trên thị trường lao động là cả một mớ hổ lốn kiểu cách làm việc: nào là “lao động có thời hạn” (contratto di lavoro a tempo determinato), nào là “lao động theo dự án” (contratto a progetto), rồi còn “lao động mướn tạm thời” (lavoro interinale) mà chủ yếu là lao động khoáng cho các cơ sở sản xuất trong những thời điểm sản xuất “cao độ”. Đó là chưa kể đến loại hình lao động chui, lao động đen .... là những kiểu lao động bất hợp pháp (không có hợp đồng lao động, không thuế má, không đóng góp hưu trí ....).

Có được “việc làm ổn định” thì người lao động mới có khả năng dự tính cho tương lai của chính mình và của gia đình: mượn nợ ngân hàng để mua nhà trả góp (khoảng này coi như là mục tiêu chính của một đời lao động – thường thì trong quá trình 35-40 năm lao động phải mất đến 20-25 năm mới trả hết nợ ngân hàng), rồi mượn nợ để mua xe, sắm sang nội thất, rồi mới tính chuyện cưới hỏi, rồi đẻ con, nuôi con ăn học tới nơi tới chốn .... Đó là “mô hình” lao động của một người lao động “tiêu biểu”: tiêu biểu theo nghĩa là người lao động không phải thuộc vào loại gia đình đại gia có của “hồi môn” để sẳn.

Trong suốt gần 50 năm phát triển hậu chiến kể từ đầu thập niên 50 cho đến cuối thế kỷ vừa qua, đời sống bình quân của xã hội Ý được nâng cao là nhờ vào “việc làm ổn định”.

Ngược lại, với các kiểu lao động khác, mà có thể tóm gọn vào nhóm  “việc làm không ổn định”, mà ngôn từ thời thượng của nền kinh tế thị trường hậu hiện đại gắn cho mấy chữ mỹ miều: “việc làm linh hoạt” (lavoro flessibile), thì chẳng có người lao động nào có khả năng dự tính cho tương lai của chính mình hay của gia đình. Chẳng có một ngân hàng nào cho anh vay nợ nếu anh không có của để cầm thế hay không có một “hợp đồng lao động vĩnh viển”. Đến cả việc đi mua một cái ti-vi hay một cái máy giặt trả góp chủ tiệm cũng hỏi anh phải có “công ăn việc làm ổn định”. Như thế thì nói chi đến việc mua nhà, cưới hỏi ... rồi sinh con đẻ cái. Bọn trẻ thanh niên bây giờ, nếu muốn vay nợ mua nhà thì phải có cơ ngơi của cha mẹ “phía sau” để thế chân ... Nếu không thì người gác cửa ngân hàng cũng đã chận không cho anh vào.

Thị trường lao động hiện nay tồi tệ là thế, vậy mà không biết ông Thủ tướng kỹ trị Mario Monti hôm ấy ăn nhầm cái gì mà leo lên ti-vi răn đe bọn trẻ rằng: “... việc làm chắc chắn .... chỉ tổ gây ... nhàm chán cả đời...” (nguyên văn tiếng Ý là “...Che monotonia avere un posto fisso per tutta la vita ...”).

Như thế chưa đủ, hôm qua lại có bà Bộ trưởng nội vụ ... không biết uống lộn thuốc hay sao mà lại phê phán rằng “bọn trẻ chỉ thích có công ăn việc làm chắc chắn ... và ở gần nhà bố mẹ !!!” .

Có thể trong thực tế có những thanh niên mong muốn như thế, nhưng đối với hàng triệu người trẻ thất nghiệp (theo viện thống kê Ý cứ mỗi 3 thanh niên thì có một người thất nghiệp), bảo rằng “... việc làm chắc chắn ... là nhàm chán” thì chẳng khác nào mĩa mai với thằng đang chết đói rằng .... nên ăn kiêng để giữ .... eo.

Có thể hiểu thiện chí của ông Thủ tướng kỹ trị là muốn nhắn giới trẻ phải biết linh động trong cuộc đời, đừng để nhiệt huyết tuổi trẻ bị bào mòn trong một “công việc chắc chắn” kiểu sáng xách ô đi chiều xách ô về !!! Hoặc bà Bộ trưởng muốn răn đe bọn trẻ phải có can đảm xông xáo trong cuộc đời. Nhưng có nhiều cách để nói thay vì phải dùng những câu nói vừa không hợp thời, vừa vô duyên .... và nhất là chẳng ích lợi gì trong việc cải tổ thị trường lao động mà chính phủ kỹ trị đang phải đối phó. Thậm chí những kiểu ăn nói như thế chỉ tổ làm cho những tay chính trị mị dân có cớ để chống lại những đường lối cải tổ của chính phủ.

Chính chuyên gia kỹ trị Mario Monti cũng thừa biết rằng vấn đề không phải là công việc ổn định có gây nhàm chán hay không, mà vấn đề là kinh tế trì trệ nên thất nghiệp gia tăng. Thay vì phải đối phó với sự trì trệ của nền kinh tế ... thì chính phủ Ý lại đang cứ lay hoay xem công việc làm theo mô hình nào là đúng.

Nếu kinh tế trì trệ, thì sản xuất đi xuống và công ăn việc làm, dù là công ăn việc làm theo mô hình nào, cũng phải giảm sút.

Người bệnh đang cần thuốc ... nhưng bác sĩ và đám y tá cứ loay hoay xem nên để bệnh nhân nằm hay ngồi ... cho nó khỏe hơn ? Thiếu thuốc rồi thì nằm hay ngồi ... sớm muộn gì bệnh nhân cũng “thăng” mà thôi. Hổng biết mấy nhà kỹ trị có thấy sự vô duyên của bác sĩ là đám y tá hay không ?

Roma, 07/02/2012
Huê Đăng.


4 tháng 2, 2012

Roma nevica ... a ogni morte di Papa

Sáng nay 04/02/2012 thủ đô Roma lại ngập tuyết. Lần chót Roma có tuyết là 27 năm về trước (1985).
Tuyết rơi ở Roma là điều hiếm có. Ở Roma đến nay là 41 năm, đây là lần thứ 4 tôi mới thấy có tuyết.



Không biết sáng nay khi thấy quảng trường S.Pietro đầy tuyết, Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI nghĩ gì ?  Dân Ý có câu .... "Roma nevica .... a ogni morte di Papa !!!"
(cách nói của người Ý để chỉ điều hiếm có: mỗi lần Đức Giáo Hoàng chết ... )



Một số dân cư ở Roma thì lại than vãn rằng .... "Anzichè casca neve .... se casca Alemanno non sarebbe meglio ?"
(Thay vì tuyết đổ ... phải chi Alemanno đổ có phải hơn không ? - Alemanno là đương kim Thị trưởng thành phố Roma - Cựu phát xít, thằng cử với liên minh của Berlusconi năm 2008) 


Roma, 04/02/2012
Huê Đăng

2 tháng 2, 2012

Così fan tutte .... Con nào cũng làm thế !!!


Hôm qua 31/01/2012 các mạng truyền thông và báo chí ở Ý đăng tải một tin động trời: nghị sĩ Luigi Lusi thuộc đảng Dân Chủ (PD – thoát thân từ cựu đảng Cộng sản cộng với một “mạng sườn” cánh tả của cựu Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo), đã từng là “người giữ két”, tức là quản lý về tài chánh, của Đảng Hoa Cúc (Đảng này đã giải thể từ năm 2007 khi gia nhập thành lập đảng Dân Chủ), bị tòa án cáo buộc tội đã biển thủ 13 triệu Euro trong số tiền nhà nước tài trợ chi phí tranh cử (rimborso elettorale) cho đảng Hoa Cúc.


Ngài nghị sĩ đã nhanh chóng nhận tội biển thủ: tôi đã lấy cắp số tiền 13 triệu Euro ... vì lúc đó tôi cần tiền !!! Vẫn theo lời thú tội của ông nghị thì số tiền này đã được dùng để mua một căn hộ ngay trong trung tâm thành phố Roma, một  ngôi biệt thự ở một làng nhỏ gần Rona ... và đầu tư tài chánh ở .... Canada.
Ngài nghị sĩ đang trong quá trình “đàm phán chuộc tội” với tòa án: y sẳn sàng hoàn trả lại 5 triệu và sẳn sàng nhận lãnh 1 năm tù. Sau đó thì xin coi như ... được trắng nợ.

Nét độc đáo của câu chuyện này là thái độ cực kỳ “vô tư bình thảng” của ngài nghị sĩ khi đã nhanh chóng đứng ra nhận tội và lập tức đưa ra đề nghị đàm phán. Điều này chứng tỏ cho thấy là ngài nghĩ sĩ đã chuẩn bị trước từ lâu sự cố này sẽ xẩy ra.

Ngài nghị sĩ biển thủ Luigi Lusi

Trong hàng ngũ lãnh đạo của mỗi đảng chính trị có một nhân vật rất đặc biệt: quyền lực rất cao và hoạt động hầu như “trong bóng tối”: công luận gần như không mấy ai biết đến tên tuổi, đó là những người chuyên giữ hầu bao của đảng, chuyên trách về quản lý tài chánh, đầu ra cũng như đầu vô của đảng.

Tài chánh là chuyện tối cần và đồng thời cũng là .... tối mật của các đảng chính trị: đầu vào từ đâu đến ? Đầu ra đi đến chổ nào ? Đó là những bí mật mà cũng không phải bất cứ người nào trong hàng ngũ lãnh đạo cũng đều biết. Có những “phi vụ” mà chỉ có người giữ két và một vài nhân vật trong lãnh đạo đảng mới biết ... Chính vì thế mà những người giữ két, ngoài chuyện phải là người tín cẩn, là những người đã được huấn luyện để sẳn sàng hy sinh “liều mình cứu ... đảng” nếu một mai những bí mật bị lộ. Trong quá khứ, đã xẩy ra biết bao nhiêu trường hợp các tay giữ két của đảng bị “vướng lưới”  vì những hoạt động tài chánh mờ ám hay phạm pháp ... và hầu như lúc nào những tay giữ két cũng đều ung dung nhận hết hoàn toàn trách nhiệm về mình ... và không bao giờ vây trách nhiệm lên bất cứ một lãnh đạo nào trong đảng. (Có thể xem các “kỳ tích” về những người giữ két cho đảng trong bài “Quei cyber-contabili che non rendono conto a nessuno – Những tay kế toán vô hình bất cần vâng lệnh ai” ở đây http://www3.lastampa.it/politica/sezioni/articolo/lstp/440690/ )

Chính vì những “sự tích” xưa nay của các tay kế toán này mà tòa án nghi rằng ngài nghị sĩ đang “liều mình cứu ... đảng”: y chấp nhận đứng ra chịu tội một mình để che đậy cho những nhân vật khác trong vụ việc này. Có thể đấy là những thỏa thuận mà ngài nghị sĩ và đồng bọn trong đảng đã đồng ý với nhau từ trước.


Vào đầu thập niên 90 ở Ý xuất hiện một cuốn phim mang tên “Così fan tutte” – tạm dịch là “Con nào cũng làm thế”. Phim thuộc loại những câu chuyện mang nét dục tính rất thời thượng lúc đó trên sân khấu điện ảnh Ý – commedia erotica all’italiana – của một đạo diển Ý cũng rất nổi tiếng trong lãnh vực làm phim khiêu dâm nhẹ kiểu Ý: Tino Brass. Các nhân vật nữ trong phim, trong đó có nàng Claudia Koll với cặp mông vĩ đại, đều đóng vai những phụ nữ đầy khát vọng tính dục ... và ai nấy cũng đều lăn xã vào những cuộc truy hoan bất cần thân thể ... 

Đúng như tựa cuốn phim “Così fan tutte” ...Con nào cũng làm thế ... cũng như tất cả những tay kế toán của đảng .... thằng nào cũng "liều mình cứu ... đảng".

Roma, 01/02/2012
Huê Đăng