7 tháng 2, 2012

Bác sĩ và đám y tá vô duyên.


Trong tiếng Ý có từ vựng “lavoro fisso”, nếu dịch sát chữ ra tiếng Việt nhà mình thì gọi là “việc làm chắc chắn”, nhưng phải hiểu đó là “việc làm ổn định” theo hợp đồng lao động vĩnh viển.

Ngược lại với “việc làm ổn định” nói trên, trên thị trường lao động là cả một mớ hổ lốn kiểu cách làm việc: nào là “lao động có thời hạn” (contratto di lavoro a tempo determinato), nào là “lao động theo dự án” (contratto a progetto), rồi còn “lao động mướn tạm thời” (lavoro interinale) mà chủ yếu là lao động khoáng cho các cơ sở sản xuất trong những thời điểm sản xuất “cao độ”. Đó là chưa kể đến loại hình lao động chui, lao động đen .... là những kiểu lao động bất hợp pháp (không có hợp đồng lao động, không thuế má, không đóng góp hưu trí ....).

Có được “việc làm ổn định” thì người lao động mới có khả năng dự tính cho tương lai của chính mình và của gia đình: mượn nợ ngân hàng để mua nhà trả góp (khoảng này coi như là mục tiêu chính của một đời lao động – thường thì trong quá trình 35-40 năm lao động phải mất đến 20-25 năm mới trả hết nợ ngân hàng), rồi mượn nợ để mua xe, sắm sang nội thất, rồi mới tính chuyện cưới hỏi, rồi đẻ con, nuôi con ăn học tới nơi tới chốn .... Đó là “mô hình” lao động của một người lao động “tiêu biểu”: tiêu biểu theo nghĩa là người lao động không phải thuộc vào loại gia đình đại gia có của “hồi môn” để sẳn.

Trong suốt gần 50 năm phát triển hậu chiến kể từ đầu thập niên 50 cho đến cuối thế kỷ vừa qua, đời sống bình quân của xã hội Ý được nâng cao là nhờ vào “việc làm ổn định”.

Ngược lại, với các kiểu lao động khác, mà có thể tóm gọn vào nhóm  “việc làm không ổn định”, mà ngôn từ thời thượng của nền kinh tế thị trường hậu hiện đại gắn cho mấy chữ mỹ miều: “việc làm linh hoạt” (lavoro flessibile), thì chẳng có người lao động nào có khả năng dự tính cho tương lai của chính mình hay của gia đình. Chẳng có một ngân hàng nào cho anh vay nợ nếu anh không có của để cầm thế hay không có một “hợp đồng lao động vĩnh viển”. Đến cả việc đi mua một cái ti-vi hay một cái máy giặt trả góp chủ tiệm cũng hỏi anh phải có “công ăn việc làm ổn định”. Như thế thì nói chi đến việc mua nhà, cưới hỏi ... rồi sinh con đẻ cái. Bọn trẻ thanh niên bây giờ, nếu muốn vay nợ mua nhà thì phải có cơ ngơi của cha mẹ “phía sau” để thế chân ... Nếu không thì người gác cửa ngân hàng cũng đã chận không cho anh vào.

Thị trường lao động hiện nay tồi tệ là thế, vậy mà không biết ông Thủ tướng kỹ trị Mario Monti hôm ấy ăn nhầm cái gì mà leo lên ti-vi răn đe bọn trẻ rằng: “... việc làm chắc chắn .... chỉ tổ gây ... nhàm chán cả đời...” (nguyên văn tiếng Ý là “...Che monotonia avere un posto fisso per tutta la vita ...”).

Như thế chưa đủ, hôm qua lại có bà Bộ trưởng nội vụ ... không biết uống lộn thuốc hay sao mà lại phê phán rằng “bọn trẻ chỉ thích có công ăn việc làm chắc chắn ... và ở gần nhà bố mẹ !!!” .

Có thể trong thực tế có những thanh niên mong muốn như thế, nhưng đối với hàng triệu người trẻ thất nghiệp (theo viện thống kê Ý cứ mỗi 3 thanh niên thì có một người thất nghiệp), bảo rằng “... việc làm chắc chắn ... là nhàm chán” thì chẳng khác nào mĩa mai với thằng đang chết đói rằng .... nên ăn kiêng để giữ .... eo.

Có thể hiểu thiện chí của ông Thủ tướng kỹ trị là muốn nhắn giới trẻ phải biết linh động trong cuộc đời, đừng để nhiệt huyết tuổi trẻ bị bào mòn trong một “công việc chắc chắn” kiểu sáng xách ô đi chiều xách ô về !!! Hoặc bà Bộ trưởng muốn răn đe bọn trẻ phải có can đảm xông xáo trong cuộc đời. Nhưng có nhiều cách để nói thay vì phải dùng những câu nói vừa không hợp thời, vừa vô duyên .... và nhất là chẳng ích lợi gì trong việc cải tổ thị trường lao động mà chính phủ kỹ trị đang phải đối phó. Thậm chí những kiểu ăn nói như thế chỉ tổ làm cho những tay chính trị mị dân có cớ để chống lại những đường lối cải tổ của chính phủ.

Chính chuyên gia kỹ trị Mario Monti cũng thừa biết rằng vấn đề không phải là công việc ổn định có gây nhàm chán hay không, mà vấn đề là kinh tế trì trệ nên thất nghiệp gia tăng. Thay vì phải đối phó với sự trì trệ của nền kinh tế ... thì chính phủ Ý lại đang cứ lay hoay xem công việc làm theo mô hình nào là đúng.

Nếu kinh tế trì trệ, thì sản xuất đi xuống và công ăn việc làm, dù là công ăn việc làm theo mô hình nào, cũng phải giảm sút.

Người bệnh đang cần thuốc ... nhưng bác sĩ và đám y tá cứ loay hoay xem nên để bệnh nhân nằm hay ngồi ... cho nó khỏe hơn ? Thiếu thuốc rồi thì nằm hay ngồi ... sớm muộn gì bệnh nhân cũng “thăng” mà thôi. Hổng biết mấy nhà kỹ trị có thấy sự vô duyên của bác sĩ là đám y tá hay không ?

Roma, 07/02/2012
Huê Đăng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét