15 tháng 2, 2015

Ukraine, Hy Lạp, Libya … và an ninh Châu Âu.



Vấn đề là an ninh của Châu Âu. Dù muốn dù không, trước sau gì thì Châu Âu bắt buộc cũng phải đối đầu với vấn đề an ninh của chính mình. Trong suốt hơn nửa thế kỷ kể từ sau khi chấm dứt Đệ II Thế chiến, Châu Âu đã “may mắn” tránh phải đối đầu vấn đề an ninh. Bởi vì trong suốt thời gian chiến tranh lạnh Châu Âu đã “ủy thác” toàn bộ vấn đề an ninh cho hai siêu cường thế giới lúc bấy giờ là Mỹ và Liên Xô, và cho đến khi chiến tranh lạnh chấm dứt, và Liên Xô bị sụp đổ, thì vấn đề an ninh của Châu Âu vẫn tiếp tục được Mỹ lo gánh vác trong thời đại “đơn cực”.

Nhưng bây giờ thì tình hình không còn như thế. Đã có quá nhiều “nhân vật mới” xuất hiện trên sân khấu quốc tế khiến các thế cờ địa chính trị cũng đang bắt buộc có những thay đổi. Và xem ra Châu Âu vẫn tiếp tục không có một khả năng nào để ứng phó với tình hình an ninh cho chính mình trước các thế trận mới đang diễn ra dồn dập.

Ukraine, Hy Lạp, Libya: cả ba cuộc khủng hoảng hiện nay đều có tác động đến vấn đề an ninh của Châu Âu – kể luôn cả cuộc khủng hoảng của Hy Lạp vốn thông thường được công luận hiểu như “chỉ là” một cuộc khủng hoảng mang nội dung kinh tế tài chính. Nhưng có cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính nào mà không có tác động đến vấn đề an ninh ? Thậm chí trong lịch sử cũng đã có những cuộc chiến tranh xẩy ra mà ngòi nổ thường bắt đầu bằng những cuộc khủng khoảng kinh tế tài chính.

Trong những ngày gần đây một số báo chí phương Tây đã có những lời ca tụng ngợi khen bà Thủ tướng Đức Angela Merkel trước những năng động của bà: nhảy từ bàn đàm phán này sang bàn đám phán kia. Nhất là việc bà đã có công sức đàm phán với Putin để tránh cho Châu Âu có thể phải hứng chịu một cuộc chiến tranh ngay trong sân nhà. Nhưng có lẽ những lời ca tụng ấy hơi quá sớm (hoặc có chăng chỉ là những tuyên truyền để làm tăng thêm ảnh hưởng chính trị trong công luận chống lại một khả năng gây chiến tranh ở Châu Âu). Bởi vì, nếu ta đọc kỹ các tuyên bố, các nội dung kết quả của cuộc đàm phán …. thì phải công tâm mà nói bà Merkel cũng chẳng thu được bao nhiêu thành công trong các đàm phán với Putin … ngoài cái “thỏa hiệp đình chiến” khá mong manh và cũng không biết là sẽ “thọ” được bao lâu bởi vì trong quá khứ các cuộc đình chiến ở Ukrane đều đã bị các bên cố tình vi phạm ngay từ lúc chữ ký chưa ráo mực, và nhất là khi các bên tham chiến hầu như chẳng bên nào thèm để ý đến những “mệnh lệnh” đến từ cấp trên.

Riêng Putin thì xem ra cho đến nay chiến lược của hắn vẫn là phải tạo ra cho được một “hành lang” nối liền trực tiếp Nga với vùng Crimea (mà hiện nay, “các bên” đàm phán trên thực tế đã mặc nhiên công nhận như là một phần lãnh thổ chính thức của Nga) … và “hành lang” này bắt buột phải chạy xuyên suốt qua các vùng đất của Ukraine vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của quân “phiến loạn” thân Nga (vùng đông-nam Ukraine).

Đó là chưa nói tới các vị trí ban đầu của các bên khi ngồi vào bàn đàm phán: chưa ngồi vào bàn đàm phán những cả bà Merkel lẫn ông Hollande (thêm vào đó là bà Cao Ủy Federica Mogherini của Ủy Ban Châu Âu) đều đồng thanh tuyên bố là “nhất quyết loại trừ” khả năng hổ trợ vũ khí cho Kiev. Vào bàn đàm phán, chưa biết Putin sẽ giở những trò ma giáo nào … nhưng tuyên bố như thế thì chẳng khác nào như mời ông … cứ tùy tiện … rồi chúng tôi sẽ tùy nghi xử lý !!!

Một trong những lý do để bà Merkel có thái độ khá “mềm mỏng” với Putin … là vì Nga là một “nước láng giềng” của Châu Âu, do đó dù muốn dù không cũng phải giữ tối thiểu một quan hệ hữu hảo để “đôi bên có thể cùng chung sống”. Một số báo chí hơi bạo miệng thì cho rằng bà Merkel vẫn còn bị cái não trạng của một người lớn lên dưới chế độ của DDR (Đông Đức). Đúng là Nga là láng giềng, là nước lớn … nhưng bà Merkel cũng chẳng bao giờ tuyên bố phải làm gì để đối phó với người láng giềng khổng lồ này. Mấy chục năm về trước thì Liên Xô vẫn là một anh láng giềng khổng lồ đấy chứ … nhưng đâu phải vì thế mà cả Tây Âu phải nhào vô Liên minh Varsavia đâu ? Ngược lại, phân nửa Châu Âu đã nhào vô NATO vốn là cái gai trong mắt của anh láng giềng khổng lồ Liên Xô. Trước khi ngồi vào bàn đàm phán mà đã tuyên bố rằng Nga là anh “láng giềng to lớn” … thì cũng như gián tiếp cho thấy là đã … chịu phủ phục ngay từ đầu.

Bây giờ nhìn sang vấn đề đàm phán về nợ của Hy Lạp. Vấn đề này cũng sẽ có những tác động lên vấn đề an ninh của Châu Âu. Trước đây có người đã tuyên bố rằng cần phải áp dụng những “tiêu chuẩn chính trị” khi đàm phán với chính phủ Hy Lạp. Nói như thế thì cũng khá đúng, dù rằng chưa ai nói rõ “tiêu chuẩn chính trị” ấy là những tiêu chuẩn gì trong trường hợp của Hy Lạp. Có lẽ phải nói là “tiêu chuẩn địa chính trị” thì thực tế hơn: bởi vì về các quan hệ truyền thống thì ai cũng biết là Hy Lạp rất gần với Nga, và điều này phải luôn luôn được xem như là một trong những yếu tố hàng đầu khi đánh giá các vấn đề của Hy Lạp. Như chúng ta đã thấy là Putin đã không để mất thời gian khi tuyên bố rằng Nga (dù rằng đang gặp một số khó khăn về kinh tế tài chính hiện nay vì hệ lụy của các chính sách cấm vận và trừng của Tây Âu trong vấn đề Ukraine và vì giá dầu khí xuống giá) sẳn sàng … cho vay ưu đãi Hy Lạp. Cũng như các lãnh đạo của Syriza đã tuyên bố là Hy Lạp sẽ bỏ phiếu chống lại bất cứ những biện pháp trừng phạt của Châu Âu đối với Nga trong vấn đề Ukraine. Đó là chưa nói đến việc Syriza cũng tuyên bố sẽ chống lại việc bỏ phiếu thuận TTIP (Transatlantic trade and investment partnership), hiệp định tự đo thương mãi giữa Mỹ và Châu Âu.

Ở trong các giới lãnh đạo của Bruxelles hiện nay đang có một câu hỏi: nên tiếp tục giữ Hy Lạp, không chỉ trong khối đồng Euro mà ngay cả trong UE … để rồi Hy Lạp sẽ trở thành “đạo quân thứ năm” của Mạc Tư Khoa ? Hoặc là thẳng tay hất Hy Lạp ra ngoài … nhưng như thế là sẽ trực tiếp dâng Hy Lạp cho Nga trên một cái khai bằng vàng. Ở đấy mới thấy vấn đề “đi” hay “ở” của Hy Lạp không phải chỉ đơn thuần là “tài chính”, hay là vấn đề “nguyên tắc” của UE, mà là vấn đề thuần túy “địa chính trị”, và tức là vấn đề an ninh của Châu Âu.

Tới vấn đề Libya thì Châu Âu lại càng tỏ ra … cực kỳ lúng túng. Trong các cuộc khủng hoảng, có lẻ Libya là một cuộc khủng hoảng cực gần Châu Âu (và coi như là sát hông của Ý). Đồng ý là Chính phủ của Matteo Renzi đã nhiều lần trước báo động với Châu Âu vấn đề Libya … nhưng xem ra cho đến nay các hồi chuông báo động của Chính phủ Ý cứ như là nước đổ đầu vịt: thứ nhất là do sự “hờ hửng bất quan tâm” của Mỹ (trong khuông khổ NATO), và lý do thứ hai là Châu Âu hoàn toàn thiếu khả năng chính trị Châu Âu, mỗi quốc gia thành viên của UE nhìn vấn đề Libya theo cục diện và ích lợi riêng tư của mình: Ý có quyền lợi của Ý, Pháp có quyền lợi của Pháp, Đức thì lại không muốn dây dưa vào đấy … Để rồi hôm nay cái gọi là nhà nước Hồi giáo IS đang bắt đầu lan rộng đến Libya, và Châu Âu vẫn tiếp tục ngồi đó bất động và bất lực bởi các quyền lợi cục bộ mâu thuẩn nhau giữa các nước thành viên. Và có lẽ câu hỏi cần phải được đặt ra là liệu Châu Âu nói chung, và Ý nói riêng, có khả năng phòng chống lại một cuộc tấn công tên lửa của IS từ một địa bàn trên đất Libya ? Câu hỏi rất đơn giản. Và Châu Âu vẫn cứ loay hoay đi tìm câu trả lời …

Và loay hoay đi tán dương khen thưởng bà Angela Merkel.

Roma, 15/02/2014 

9 tháng 2, 2015

Báo động Grexit.



(Chuyển ngử theo bài báo “L’allarme Grexit” của đặc phái viên Federico Rampino ở New York đăng trên nhật báo “la Republica” ngày 08/02/2015


Giới báo chí gọi là “Grexit”: “Greek Exit”. Kịch bản trong đó Hy Lạp có thể ra khỏi hệ thống đồng Euro đang trở lại thành đề tài “hot” mấy hôm nay trong giới lãnh đạo chính trị và kinh tế tài chính Tây phương. Các chính phủ Tây Âu, từ Bá Linh đến Hoa Thịnh Đốn, từ Bruxelles đến Roma, tất cả đều đang “phân tích” kịch bản này. Các câu hỏi vẫn là những “câu hỏi muôn đời”: Tổn thất bao nhiêu ? Thiệt hại bao nhiêu ? Lợi lộc bao nhiêu ? Đứa nào lỗ ? Đứa nào lời ?



“Grexit” là một hiện tượng “vô tiền (nhưng chưa hẳn sẽ) khoáng hậu”: cho tới nay các văn bản luật lệ của hệ thống tiền tệ Euro chỉ dự trù …. “vào” mà thôi. Không có điều khoảng nào quy định “ra”. Trong khu vực Eurozone người ta chỉ “vào” chứ chưa ai nghĩ đến việc “ra”. Việc ra khỏi hệ thống Euro là một kịch bản “ngoại lệ” của hệ thống Euro.

Vấn đề không phải là “đồng ý” hay “phản đối” những quyết định đối với Hy Lạp.

Vấn đề là (bất cứ một quyết định nào) sẽ có những phản ứng, những tác động, những hệ lụy ra sao đối các quốc gia thành viên khác.

Hiện nay có hai “trường phái”. Trường phái thứ nhất, được gọi nôm na là trường phái “gánh nặng” (“ballast” theo tiếng Anh, ở Ý họ gọi là “zavorra”). Trường phái này hiện nay rất phổ thông ở Đức: Hy Lạp bị xem như là một gánh nặng, một thi thể không còn sinh lực, và nếu hất được nó ra khỏi con tàu Euro thì như trút bỏ được gánh nặng, con tàu Euro sẽ lấy lại vận tốc.

Trường phái thứ hai được gọi nôm na là “tiền lệ” (precedent): “Grexit” sẽ tạo ra một tiền lệ, có nghĩa là trong “câu lạc bộ Euro” người ta có thể “thoải mái ra vào”, và điều này sẽ tạo ra những câu hỏi đối với những trường hợp “khác” như Ý, Tây Ban Nha. Kết quả là thị trường tài chính thế giới, trước khả năng “ra vào như đi chợ” sẽ đòi hỏi những bảo đảm lớn hơn để bảo kê nợ nhà nước của các quốc gia này: diễn nôm ra là các công trái phiếu nhà nước của Ý và của Tây Ban Nha sẽ phải chịu lãi xuất rất cao vì các nhà đầu tư đòi lãi xuất cao nếu công trái phiếu đó không có “ổn định” trong hệ thống Euro.


Trước mắt là có rất nhiều tiếng nói của “cơ chế” bác bỏ kịch bản “Grexit”. Chẳng hạn như ông chủ tịch của Eurogroup, Jeroen Dijsselbloem (Hà Lan), đã vội tuyên bố rằng “chẳng có bản nội quy hay hướng dẫn để Hy Lạp có thê ra khỏi Euro”.

Tiếc là trong khi các “cơ chế” Euro đang tìm cách hảm phanh thì ngay chính Hy Lạp lại đang có khuynh hướng nhìn “Grexit” như là … “thần dược” (panacea), một thứ thuốc tiên .. uống vào là Hy Lạp trị dứt được cơn bệnh quái ác mà cái quốc gia nhỏ bé trên vùng biển Địa Trung Hải đã phải hứng chịu từ sáu năm nay: thắt lưng buộc bụng (austerity): Hy Lạp sẽ trở lại đồng tiền dracma … và cứ thế mà tha hồ …. phá giá … và càng phá giá thì càng … đẩy nền kinh tế nhà nước Hy Lạp tăng trưởng: boom xuất khẩu (hàng hóa xuất khẩu Hy Lạp sẽ rẻ hơn), boom du khách (du lịch sang Hy Lạp sẽ rẻ như bèo), nhà nước không còn phải lo vướn bận việc cắt xén ngân sách (tha hồ in tiền), và công ăn việc làm sẽ gia tăng. Một kiểu “happy-end” trong mấy cuốn phim ướt át của Holywood.

Tất cả những điều vừa kể trên có thể sẽ đưa đẩy bà Angela Merkel, ông Mario Draghi, và cả Alexis Tsipras … đến những quyết định kiểu … “một đi không trở lại” ? Dù rằng có thể đó là những quyết định dựa trên những tính toán sai lầm ?

 A grexit – the only way to enable a well-functioning eurozone?
(from http://www.macroeconomicus.com)

a grexit – the only way to enable a well-functioning eurozone? - See more at: http://www.macroeconomicus.com/?page_id=2671#sthash.JRWKsUfk.dpuf
a grexit – the only way to enable a well-functioning eurozone? - See more at: http://www.macroeconomicus.com/?page_id=2671#sthash.JRWKsUfk.dpuf


Theo tờ tuần báo Der Spiegel của Đức thì chính phủ Bá Linh đã không còn mất ăn mất ngủ trước một khả năng “Grexit” (cách đây vài năm thì đúng là một nỗi ám ảnh hãi hùng cho Bá Linh). Và đến cả chính phủ Hoa Thịnh Đốn cũng không còn mấy “khoắc khoải” về một sự ra đi của Hy Lạp. Theo lời của một quan chức cao cấp của chính phủ Đức có mặt ở Hoa Thịnh Đốn mấy hôm nay thì ... “Grexit … họa chăng sẽ là một đại họa cho người Hy Lạp, chỉ riêng cho người Hy Lạp. Đối với khu vực Eurozone sẽ là một cú sốc … khá khiêm nhường, chẳng đủ sức gây sóng gió. Nền kinh tế Hy Lạp quá bé so với toàn thế giới, (2% trên tổng số PIL của Châu Âu, và chỉ zero phẩy mấy đối với PIL của thế giới), do đó Grexit sẽ là một “non-event”.

Cả hai “trường phái” vừa kể trên có thể “liên minh” với nhau, cùng “hợp đồng tác chiến” với nhau: dân Đức thì tin là Grexit càng chỉ có lợi cho Đức, dân Hy Lạp thì tin vào “thần dược” dracma để khôi phục lại nền kinh tế.

Theo một nghiên cứu của IFO, một viện nghiên cứu kinh tế của Đức, thì kịch bản “Grexit” là kịch bản tốt nhất cho Đức. Cho dù các ngân hàng chủ nợ của Đức có thể bị thất thoát, nhưng nói cho cùng nước Đức vẫn … còn lời: trong trường hợp Grexit Đức sẽ mất khoảng 75,8 tỉ Euro, nhưng để cứu Hy Lạp thì Đức sẽ phải chi ra 77,1 tỉ. Thế là có lời.

Tuy nhiên trung tâm nghiên cứu Bruegel của Bruxelles và Ieseg School of Management ở Lilla, đưa ra hai kết quả ngược lại. Nếu Hy Lạp rút ra khỏi đồng Euro, và trở lại đồng tiền dracma thì có nghĩa là tất cả các hoạt động kinh tế tài chính của Hy Lạp, kể luôn cả các hợp đồng vay nợ, các tài khoảng ngân hàng,  sẽ được chuyển đổi sang đồng dracma. Và đầu tiên là sẽ nổ ra hàng loạt các vụ kiện tụng tranh chấp, nhất là đối với những đối tác tài chính nước ngoài, vốn đòi phải được thanh toán bằng đồng Euro, và đấy là những tranh chấp kiện tụng ra các tòa án thường kéo dài rất lâu, rất tốn kém, và cũng không có gì chắc chắn. Và trước mắt là ở Hy Lạp sẽ nổ ra sự hốt hoảng lo mất giá trị đồng tiền có trong ngân hàng: sẽ diễn ra cảnh xông đến các ngân hàng để rút tiền ra, tẩu tán tiền ra ngoài (thực ra thì giới giàu có và quyền chức ở Hy Lạp chắc cũng đã tẩu tán phần lớn tiền bạc ra ngoài rồi). Kế đến là đồng dracma sẽ được phá giá, có thể đến 50%, để nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Trên thực tế thì hiện nay để nâng cao cạnh tranh xuất khẩu các cơ sở sản xuất của Hy Lạp đã “áp dụng tự động” giảm giá “khuyến mãi” 50% trên giá chính thức rồi. Song song đó là nền kinh tế du lịch: bãi biển và nắng ấm của Hy Lạp sẽ rẻ gấp bội so với bãi biển của Ý hay của Tây Ban Nha. Nhưng ngược lại, Hy Lạp sẽ phải trả giá rất đắc về “đối nội”: tất cả các mặt hàng nhập khẩu: dầu khí, nguyên liệu, sản phẩm cao cấp … đều tăng giá, và do đó sẽ đẩy lạm phát lên cao, từ đó giá trị và sức mua của các tài khoảng tiết kiệm của xã hội sẽ bị bào mòn. Trong kịch bản này, Hy Lạp cũng sẽ bị loại ra khỏi thị trường tài chính thế giới (chẳng ngân hàng nào sẽ cho Hy Lạp vay nợ) giống như đã xẩy ra với Argentina độ nào. Kết quả là các ngân hàng Hy Lạp sẽ phá sản … và chính phủ Tsipras có lẽ sẽ phải bắt buộc “quốc hữu hóa” các ngân hàng này … và điều này có nghĩa là sẽ phải cứu các ngân hàng Hy Lạp bằng chính ngân sách nhà nước Hy Lạp … và có nghĩa là chính phủ Hy Lạp lại sẽ phải tăng áp lực thuế … dù rằng rất có thể là chinh sách thuế sẽ “công bằng” hơn hiện nay (đánh thuế mạnh vào giới giàu có).

Đó là những “mặt trái” của kịch bản Grexit.

Các cơ quan nghiên cứu còn đi xa hơn một bước. Áp dụng kịch bản Grexit vào các trường hợp như Ý và Tây Ban Nha .

Vẫn theo các cơ quan nghiên cứu nói trên thì trong trường hợp Ý … kết quả sẽ có một thay đổi … theo chiều hướng tích cực. Phá giá đồng dracma không tạo ra được bao nhiêu thuận lợi cho Hy Lạp, bởi vì Hy lạp không có nhiều cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu. Trong khi Ý thì ngược lại: Ý là một siêu cường xuất khẩu Châu Âu, chỉ sau có Đức. Và do đó trong trường hợp của Ý, phá giá đồng lire có thể giúp Ý nâng cao khả năng cạnh tranh thương mãi đáng kể. Nhưng còn lại những mặt trái khác thì những gì đã nói trong kịch bản Grexit sẽ y hệt trong trường hợp của Ý.

Câu hỏi đặt ra là: tại sao lại “liên đới” Grexit với viển ảnh của Ý và Tây Ban Nha ? Bỏ ra một bên các lập luận chính trị mị dân và ái quốc cực đoan của các lực lượng chính trị bài ngoại (như Lega Nord, như Fratelli d’Italia, như 5 sao), vấn đề là khi đã xảy ra một lần … thì tại sao không thể xảy ra lần thứ hai, thứ ba ? Nếu đã có thành viên rút ra khỏi câu lạc bộ, thì điều này có nghĩa là ai muốn vào thì vào, ai muốn ra thì ra. Vấn đề nằm ở chổ là khi thị trường tài chính nhận ra được “khả năng ra vào thoải mái” này … thì lập tức sẽ nổ ra các kế hoạch đầu cơ lên công trái phiếu của các quốc gia có khả năng “ra”: các công trái phiếu của nhà nước Ý hay của Tây Ban Nha sẽ phải chịu tiền lãi rất cao bởi vì các nhà đầu tư, trước viển ảnh “rút ra”, sẽ đòi hỏi phải được trả lãi cao trước khi họ mua công trái của Ý hay của Tây Ban Nha với “hiểm nguy” là những công trái phiếu này có thể sẽ trở thành “giấy vụn” khi Ý hay Tây Ban Nha ra khỏi đồng Euro. Kết quả cuối cùng là ngân sách nhà nước Ý hay của Tây Ban Nha càng có thêm gánh nặng lãi xuất.

Trở lại kịch bản Grexit. Người ta quên không chú ý đến con gấu Nga vẫn còn đang ngồi đó đợi thời cơ để sẳn sàng dang rộng hai tay đón Hy Lạp vào quỹ đạo của Putin.

Roma, 09/02/2015

 chuyển ngữ