15 tháng 2, 2015

Ukraine, Hy Lạp, Libya … và an ninh Châu Âu.



Vấn đề là an ninh của Châu Âu. Dù muốn dù không, trước sau gì thì Châu Âu bắt buộc cũng phải đối đầu với vấn đề an ninh của chính mình. Trong suốt hơn nửa thế kỷ kể từ sau khi chấm dứt Đệ II Thế chiến, Châu Âu đã “may mắn” tránh phải đối đầu vấn đề an ninh. Bởi vì trong suốt thời gian chiến tranh lạnh Châu Âu đã “ủy thác” toàn bộ vấn đề an ninh cho hai siêu cường thế giới lúc bấy giờ là Mỹ và Liên Xô, và cho đến khi chiến tranh lạnh chấm dứt, và Liên Xô bị sụp đổ, thì vấn đề an ninh của Châu Âu vẫn tiếp tục được Mỹ lo gánh vác trong thời đại “đơn cực”.

Nhưng bây giờ thì tình hình không còn như thế. Đã có quá nhiều “nhân vật mới” xuất hiện trên sân khấu quốc tế khiến các thế cờ địa chính trị cũng đang bắt buộc có những thay đổi. Và xem ra Châu Âu vẫn tiếp tục không có một khả năng nào để ứng phó với tình hình an ninh cho chính mình trước các thế trận mới đang diễn ra dồn dập.

Ukraine, Hy Lạp, Libya: cả ba cuộc khủng hoảng hiện nay đều có tác động đến vấn đề an ninh của Châu Âu – kể luôn cả cuộc khủng hoảng của Hy Lạp vốn thông thường được công luận hiểu như “chỉ là” một cuộc khủng hoảng mang nội dung kinh tế tài chính. Nhưng có cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính nào mà không có tác động đến vấn đề an ninh ? Thậm chí trong lịch sử cũng đã có những cuộc chiến tranh xẩy ra mà ngòi nổ thường bắt đầu bằng những cuộc khủng khoảng kinh tế tài chính.

Trong những ngày gần đây một số báo chí phương Tây đã có những lời ca tụng ngợi khen bà Thủ tướng Đức Angela Merkel trước những năng động của bà: nhảy từ bàn đàm phán này sang bàn đám phán kia. Nhất là việc bà đã có công sức đàm phán với Putin để tránh cho Châu Âu có thể phải hứng chịu một cuộc chiến tranh ngay trong sân nhà. Nhưng có lẽ những lời ca tụng ấy hơi quá sớm (hoặc có chăng chỉ là những tuyên truyền để làm tăng thêm ảnh hưởng chính trị trong công luận chống lại một khả năng gây chiến tranh ở Châu Âu). Bởi vì, nếu ta đọc kỹ các tuyên bố, các nội dung kết quả của cuộc đàm phán …. thì phải công tâm mà nói bà Merkel cũng chẳng thu được bao nhiêu thành công trong các đàm phán với Putin … ngoài cái “thỏa hiệp đình chiến” khá mong manh và cũng không biết là sẽ “thọ” được bao lâu bởi vì trong quá khứ các cuộc đình chiến ở Ukrane đều đã bị các bên cố tình vi phạm ngay từ lúc chữ ký chưa ráo mực, và nhất là khi các bên tham chiến hầu như chẳng bên nào thèm để ý đến những “mệnh lệnh” đến từ cấp trên.

Riêng Putin thì xem ra cho đến nay chiến lược của hắn vẫn là phải tạo ra cho được một “hành lang” nối liền trực tiếp Nga với vùng Crimea (mà hiện nay, “các bên” đàm phán trên thực tế đã mặc nhiên công nhận như là một phần lãnh thổ chính thức của Nga) … và “hành lang” này bắt buột phải chạy xuyên suốt qua các vùng đất của Ukraine vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của quân “phiến loạn” thân Nga (vùng đông-nam Ukraine).

Đó là chưa nói tới các vị trí ban đầu của các bên khi ngồi vào bàn đàm phán: chưa ngồi vào bàn đàm phán những cả bà Merkel lẫn ông Hollande (thêm vào đó là bà Cao Ủy Federica Mogherini của Ủy Ban Châu Âu) đều đồng thanh tuyên bố là “nhất quyết loại trừ” khả năng hổ trợ vũ khí cho Kiev. Vào bàn đàm phán, chưa biết Putin sẽ giở những trò ma giáo nào … nhưng tuyên bố như thế thì chẳng khác nào như mời ông … cứ tùy tiện … rồi chúng tôi sẽ tùy nghi xử lý !!!

Một trong những lý do để bà Merkel có thái độ khá “mềm mỏng” với Putin … là vì Nga là một “nước láng giềng” của Châu Âu, do đó dù muốn dù không cũng phải giữ tối thiểu một quan hệ hữu hảo để “đôi bên có thể cùng chung sống”. Một số báo chí hơi bạo miệng thì cho rằng bà Merkel vẫn còn bị cái não trạng của một người lớn lên dưới chế độ của DDR (Đông Đức). Đúng là Nga là láng giềng, là nước lớn … nhưng bà Merkel cũng chẳng bao giờ tuyên bố phải làm gì để đối phó với người láng giềng khổng lồ này. Mấy chục năm về trước thì Liên Xô vẫn là một anh láng giềng khổng lồ đấy chứ … nhưng đâu phải vì thế mà cả Tây Âu phải nhào vô Liên minh Varsavia đâu ? Ngược lại, phân nửa Châu Âu đã nhào vô NATO vốn là cái gai trong mắt của anh láng giềng khổng lồ Liên Xô. Trước khi ngồi vào bàn đàm phán mà đã tuyên bố rằng Nga là anh “láng giềng to lớn” … thì cũng như gián tiếp cho thấy là đã … chịu phủ phục ngay từ đầu.

Bây giờ nhìn sang vấn đề đàm phán về nợ của Hy Lạp. Vấn đề này cũng sẽ có những tác động lên vấn đề an ninh của Châu Âu. Trước đây có người đã tuyên bố rằng cần phải áp dụng những “tiêu chuẩn chính trị” khi đàm phán với chính phủ Hy Lạp. Nói như thế thì cũng khá đúng, dù rằng chưa ai nói rõ “tiêu chuẩn chính trị” ấy là những tiêu chuẩn gì trong trường hợp của Hy Lạp. Có lẽ phải nói là “tiêu chuẩn địa chính trị” thì thực tế hơn: bởi vì về các quan hệ truyền thống thì ai cũng biết là Hy Lạp rất gần với Nga, và điều này phải luôn luôn được xem như là một trong những yếu tố hàng đầu khi đánh giá các vấn đề của Hy Lạp. Như chúng ta đã thấy là Putin đã không để mất thời gian khi tuyên bố rằng Nga (dù rằng đang gặp một số khó khăn về kinh tế tài chính hiện nay vì hệ lụy của các chính sách cấm vận và trừng của Tây Âu trong vấn đề Ukraine và vì giá dầu khí xuống giá) sẳn sàng … cho vay ưu đãi Hy Lạp. Cũng như các lãnh đạo của Syriza đã tuyên bố là Hy Lạp sẽ bỏ phiếu chống lại bất cứ những biện pháp trừng phạt của Châu Âu đối với Nga trong vấn đề Ukraine. Đó là chưa nói đến việc Syriza cũng tuyên bố sẽ chống lại việc bỏ phiếu thuận TTIP (Transatlantic trade and investment partnership), hiệp định tự đo thương mãi giữa Mỹ và Châu Âu.

Ở trong các giới lãnh đạo của Bruxelles hiện nay đang có một câu hỏi: nên tiếp tục giữ Hy Lạp, không chỉ trong khối đồng Euro mà ngay cả trong UE … để rồi Hy Lạp sẽ trở thành “đạo quân thứ năm” của Mạc Tư Khoa ? Hoặc là thẳng tay hất Hy Lạp ra ngoài … nhưng như thế là sẽ trực tiếp dâng Hy Lạp cho Nga trên một cái khai bằng vàng. Ở đấy mới thấy vấn đề “đi” hay “ở” của Hy Lạp không phải chỉ đơn thuần là “tài chính”, hay là vấn đề “nguyên tắc” của UE, mà là vấn đề thuần túy “địa chính trị”, và tức là vấn đề an ninh của Châu Âu.

Tới vấn đề Libya thì Châu Âu lại càng tỏ ra … cực kỳ lúng túng. Trong các cuộc khủng hoảng, có lẻ Libya là một cuộc khủng hoảng cực gần Châu Âu (và coi như là sát hông của Ý). Đồng ý là Chính phủ của Matteo Renzi đã nhiều lần trước báo động với Châu Âu vấn đề Libya … nhưng xem ra cho đến nay các hồi chuông báo động của Chính phủ Ý cứ như là nước đổ đầu vịt: thứ nhất là do sự “hờ hửng bất quan tâm” của Mỹ (trong khuông khổ NATO), và lý do thứ hai là Châu Âu hoàn toàn thiếu khả năng chính trị Châu Âu, mỗi quốc gia thành viên của UE nhìn vấn đề Libya theo cục diện và ích lợi riêng tư của mình: Ý có quyền lợi của Ý, Pháp có quyền lợi của Pháp, Đức thì lại không muốn dây dưa vào đấy … Để rồi hôm nay cái gọi là nhà nước Hồi giáo IS đang bắt đầu lan rộng đến Libya, và Châu Âu vẫn tiếp tục ngồi đó bất động và bất lực bởi các quyền lợi cục bộ mâu thuẩn nhau giữa các nước thành viên. Và có lẽ câu hỏi cần phải được đặt ra là liệu Châu Âu nói chung, và Ý nói riêng, có khả năng phòng chống lại một cuộc tấn công tên lửa của IS từ một địa bàn trên đất Libya ? Câu hỏi rất đơn giản. Và Châu Âu vẫn cứ loay hoay đi tìm câu trả lời …

Và loay hoay đi tán dương khen thưởng bà Angela Merkel.

Roma, 15/02/2014 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét