20 tháng 5, 2013

Sống trong sợ hãi ...



Chiều hôm qua nhận được email của một người bạn đưa tin trong nước hiện có một số công dân Việt Nam đang ký tên vào “Lời kêu gọi trả tự do cho Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha” (1).



Anh bạn cũng rất tế nhị, chỉ giới hạn đưa tin, không thêm thắt gì cả.

Vậy mà cả đêm tôi không ngủ được.

Uyên và Kha quá trẻ. 

Cậu Kha 25 tuổi. Cô Uyên cũng chỉ mới 21 tuổi. Các nhà văn nhà thơ gọi là lứa đôi mươi. Trên những vùng đất có tự do dân chủ thì thanh niên ở vào tuổi đôi mươi này kẻ còn đang miệt mài đèn sách, người bắt đầu leo lên những nấc thang đầu đời của sự nghiệp chuyên môn. Cũng đồng trang đồng lứa với thiên hạ, vậy mà thay vì bay nhảy tung tăng để tận hưởng hạnh phúc của tuổi trẻ và để đóng góp khả năng tài lực của mình cho đất nước, Kha và Uyên sẽ phải trói cuộc đời cuộc đời của họ trong nhà giam (Đinh Nguyên Kha 8 năm cộng 2 năm cho tội cố ý gây thương tích trong một vụ án khác chưa chấp hành hình phạt, Nguyễn Phương Uyên 6 năm. Cả hai cùng bị quản thúc thêm 3 năm sau khi mãn hạn tù) 



Đinh Nguyên Kha trước "vành móng ngựa" !!!

Nếu “mọi chuyện êm xuôi”, thì cậu Kha sẽ được hít thở không khí tự do trở lại lúc ... 38 tuổi, cái tuổi mà những thanh niên trang lứa, những bè bạn của cậu đã đang ngất ngưỡng leo lên được nữa đoạn đường của nấc thang danh vọng nghề nghiệp, còn Kha thì sẽ lận đận đi tìm công ăn việc làm trong tuổi “nữa nạc nữa mỡ”, trẻ không còn trẻ, mà già thì chưa già !!!

 Nguyễn Phương Uyên đang "thọ án" !!!

Nếu “mọi chuyện êm xuôi”, thì cô Uyên sẽ được trở lại đời sống bình thường lúc ... 30 tuổi, cái tuổi mà các bè bạn của cô, những người trang lứa với cô, đã hoàn tất các học trình của họ, có người đã lao đầu vào việc xây dựng sự nghiệp, có người đang tiếp tục đào sâu chuyên môn, có người chắc cũng đang tu nghiệp đâu đó trên thế giới, còn Uyên thì sẽ lận đận đi tìm một giải pháp nào đó để có thể tiếp tục hoàn tất học trình ... vào cái tuổi “nữa nạc nữa mỡ”, trẻ không còn trẻ, mà già thì chưa già !!!

Đó là nói ... nếu “mọi chuyện êm xuôi” .... Bằng không ....

Tôi không ngủ được vì bị ám ảnh bởi hai nét mặt quá trẻ của hai thanh niên đã dám can đảm làm những gì mà tôi không bao giờ dám làm. Họ dám nối gót của những thế hệ cha ông xưa kia đã dám hiên ngang ngẩng cao đầu đứng trước vành móng ngựa của chế độ thực dân, của đế quốc, của cầm quyền Mỹ-ngụy ... Có điều cha ông của họ còn được niềm kiêu hảnh là dám đối mặt với thực dân đế quốc, với chính quyền Mỹ-ngụy .... Còn với Uyên và Kha .. thì họ đang đối mặt với .... chính quyền gì đây ?

Tôi không ngủ được vì tôi nghĩ đến mấy đứa cháu của tôi, cũng ở vào tuổi của cô Uyên. Chúng cũng đang tự do miệt mài đèn sách ... Cuộc sống của chúng may mắn được mọi thứ đầy đủ, tinh thần không bị áp bức, chỉ lo học và vui chơi với bè bạn. May mắn cho chúng. Lâu lâu nghe nói ở đại học có biểu tình xuống đường ... là tôi cũng lo ngay ngáy cho chúng nó ... Làm sao tôi dám tưởng tượng ra cảnh mấy đứa cháu tôi bị tù tội chỉ vì ... mắc cái tội “chống phá nhà nước” ? Ở đây, chúng nó phê phán chỉ trích tận mặt chửi tận tai chính phủ những gì chúng nó không đồng thuận.

Nhưng thực ra tôi không ngủ được ... vì còn một lý do rất “thầm kín” riêng tư của tôi.

Lý trí bảo tôi là phải ký tên vào “Lời kêu gọi” để hổ trợ tinh thần và chính trị cho hai thanh niên mà tôi cảm thấy mến phục (mến phục như tôi đã từng mến phục những thanh niên cùng trang lứa với tôi vào những thập niên 70 của thế kỷ trước đã xuống đường biểu tình chống Mỹ-ngụy ở miền Nam Việt Nam)

Nhưng tôi sợ. Tôi có quá nhiều thứ để có thể mất mát. 

Các cháu của tôi hiện đang yên ổn học tập. Thân nhân của tôi đang ở vào thành phần sung túc trong xã hội trong nước. Lâu lâu tôi cũng về thăm quê hương, vừa hưởng lại cái không khí của đất nước, vừa thấy mặt họ hàng bè bạn. Bây giờ đất nước “phát triển”, nên đi chơi vui vẽ thoải mái. Đồng tiền tôi đem về Việt Nam cho phép tôi tận hưởng những thú vui mà tôi không thể có khả năng tận hưởng nơi đất khách. Tôi cũng đã lục tuần rồi. Còn được bao nhiêu năm nữa để tôi có thể tận hưởng những thú vui trần thế ? Tôi không muốn đánh mất những điều đó. Tôi sợ cho tôi. Tôi sợ cho thân nhân của tôi. Tôi sợ cho con cháu của tôi. Nhưng cái sợ đó đã ngăn cấm tôi không cho làm theo những gì lý trí mong muốn.

Tôi đang sống sung túc. Sống sung túc ... nhưng cũng là sống trong sợ hãi (2).

Tôi biết. Nhưng tôi sợ.

Roma, 20/05/2013
 

 

Chú thích:

(1)   Có thể theo dõi phiên tòa ở Long An xử hai thanh niên Đinh Nguyên Kha và Lê Phương Uyên ở đây: http://www.diendan.org/viet-nam/tieng-noi-uyen-kha-truoc-toa

(2)   “Sống trong sợ hãi” là tựa đề của cuốn phim Việt Nam của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên Truyện phim này kể về một người lính Việt Nam Cộng Hòa cũ tên Tải có đến hai người vợ mà đây là thời kỳ vừa mới giải phóng nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Để kiếm tiền nuôi gia đình. Anh ta nghĩ ra một cách là phải gỡ bom mìn của quân đội Mỹ cài trước kia rồi đem bán sắt vụng kiếm tiền, cho dù bị nhiều người ngăn cản nhưng anh vẫn quyết phải làm cho bằng được.

19 tháng 5, 2013

Tả hữu vẫn khác nhau ....



Cánh tả ở Ý hôm nay vẫn còn đình đám hổ lốn chửi bới nhau về quyết định “vắng mặt” của đảng Dân Chủ trong cuộc biểu tình của công đoàn FIOM hôm qua ở Roma để phê phán các chính sách kinh tế tài chánh và chỉ trích các biện pháp giải quyết vấn đề lao động của chính phủ “đại đoàn kết”.



 Hôm qua giữa rừng cờ ... thiếu vắng cờ của đảng Dân Chủ !!!

Thực ra nếu muốn mị dân và giữ được sự đồng thuận của cử tri cánh tả, thì Gugliemo Epifani vẫn có thể trực tiếp lên tiếng ủng hộ của biểu tình của FIOM, vì đó là cuộc biểu tình để biểu lộ những bức xúc của người lao động trước tình hình kinh tế xã hội khó khăn của nước Ý hôm nay. Nhưng chính phủ hiện nay là chính phủ “đại đoàn kết”, trong đó đảng Dân Chủ đang giữ vai trò nồng cốt (Thủ tướng Enrico Letta là người của đảng Dân Chủ). Một quyết định tham gia biểu tình của công đoàn cũng có nghĩa là gián tiếp bất đồng thuận với chính sách kinh tế xã hội và lao động hiện nay của chính phủ. Gugliemo  Epifani đã quyết định tránh mâu thuẩn vừa tham gia chính phủ lại vừa xuống đường chống chính phủ.

Ứng xử của đảng Dân Chủ hoàn toàn đi ngược lại với cách ứng xử của đảng Nhân Dân Tự Do của Berlusconi. Chỉ cần ngành tư pháp kết án Berlusconi (tức là chuyện riêng tư cá nhân của Berlusconi) .. là tất cả âm binh của đảng Nhân Dân Tự Do, đến cả những người đang giữ chức bộ trưởng trong chính phủ (chẳng hạn như Angelino Alfano, Bộ trưởng bộ nội vụ, và không phải là người duy nhất trong hội đồng chính phủ) đều ào ào xuống đường biểu tình ở Brescia để chống lại quyết định kết án Berlusconi, gây ra một sự mâu thuẩn đối đầu giữa hai quyền lực nhà nước: một bên là Hành pháp (các bộ trưởng xuống đường là đại diện cho Hội đồng chính phủ), một bên là Tư pháp (tòa án Milano).

Người ta vẫn hay rêu rao rằng ... tả hữu bây giờ đều như nhau. Người có trí thức một tí thì lập luận rằng phân biệt tả hay hữu không phải là vấn đề quan trọng ....

Thực ra thì tả vẫn khác biệt với hữu. Nhất là khi hữu lại là hữu của Berlusconi .. thì rõ ràng là với cánh tả như mặt trăng với mặt trời.

Khi Berlusconi bị kết án ... là ngay lập tức cánh hữu, bất kể vị trí trọng trách nhà nước, tất cả đều âm binh kéo nhau để chống lại một quyền lực nhà nước. Không kể chi đến những hệ lụy chính trị lên chính phủ. Không đếm xỉa chi đến cung cách hành xử mâu thuẩn.

Đảng Dân Chủ thì ngược lại, trước vai trò và trọng trách của mình trong chính phủ, Gugliemo Epifani đã không chạy theo nước cờ mị dân để xuống đường với công đoàn để rơi vào tình trạng mâu thuẩn bất nhất với chính phủ.

Rất có thể là trong thời buổi “hậu hiện đại” hôm nay, làm chính trị ở Ý(nhất là chính trị biến tướng sau 2 thập niên bị Berlusconi chi phối) cũng có nghĩa là phải chấp nhận các “thủ thuật” (hay thủ đoạn ?) : chạy theo quần chúng, mị dân, chửi bới, đả phá ... Trong tình cảnh như thế, thì rõ ràng là đảng Dân Chủ đang đi ngược lại với quần chúng, đang để mất lòng cử tri ...

Nhưng ở đời, đôi khi cần phải có can đảm ứng xử một cách đứng đắn trước sau như một, dù phải trả giá đắt. Rất có thể là Gugliemo Epifani sẽ bị chỉ trích, rất có thể là đảng Dân Chủ lại sẽ bị mất phiếu ... Nhưng bù lại, đảng Dân Chủ đã hành xử một cách đứng đắn, nghiêm túc, và có trách nhiệm với chính phủ.

Chả bù đảng Nhân Dân Tự Do chỉ cần Berlusconi hô lên một tiếng là toàn âm binh xuống đường chống nhà nước, chống chính phủ .... để rồi hôm sau tiếp tục ngồi vào ghế Bộ trưởng để tiếp tục “đại đoàn kết”.

Công luận có quyền phê phán về quyết định của đảng Dân Chủ. Nhưng đảng chính trị là đảng chính trị, công đoàn là công đoàn, mỗi tổ chức có vai trò và trách nhiệm riêng. Không bất cứ lúc nào, trong tình huống nào, đảng chính trị (dù là đảng tả) cũng bắt buộc phải “múa” chung với công đoàn. Mà nếu không “múa” chung với công đoàn cũng không có nghĩa là đảng chính trị bất đồng thuận với công đoàn. Mỗi bên ứng xử theo cương vị của riêng mình.

Có thể là cung cách ứng xử của đảng Dân Chủ sẽ không có lợi về mặt chính trị cho đảng, không thu hút được cử tri, nhưng nó cho thấy là tả và hữu vẫn còn khác nhau, khác nhau rất nhiều trong đời sống chính trị nghiêm túc.

Roma, 19/05/2013