19 tháng 5, 2013

Tả hữu vẫn khác nhau ....



Cánh tả ở Ý hôm nay vẫn còn đình đám hổ lốn chửi bới nhau về quyết định “vắng mặt” của đảng Dân Chủ trong cuộc biểu tình của công đoàn FIOM hôm qua ở Roma để phê phán các chính sách kinh tế tài chánh và chỉ trích các biện pháp giải quyết vấn đề lao động của chính phủ “đại đoàn kết”.



 Hôm qua giữa rừng cờ ... thiếu vắng cờ của đảng Dân Chủ !!!

Thực ra nếu muốn mị dân và giữ được sự đồng thuận của cử tri cánh tả, thì Gugliemo Epifani vẫn có thể trực tiếp lên tiếng ủng hộ của biểu tình của FIOM, vì đó là cuộc biểu tình để biểu lộ những bức xúc của người lao động trước tình hình kinh tế xã hội khó khăn của nước Ý hôm nay. Nhưng chính phủ hiện nay là chính phủ “đại đoàn kết”, trong đó đảng Dân Chủ đang giữ vai trò nồng cốt (Thủ tướng Enrico Letta là người của đảng Dân Chủ). Một quyết định tham gia biểu tình của công đoàn cũng có nghĩa là gián tiếp bất đồng thuận với chính sách kinh tế xã hội và lao động hiện nay của chính phủ. Gugliemo  Epifani đã quyết định tránh mâu thuẩn vừa tham gia chính phủ lại vừa xuống đường chống chính phủ.

Ứng xử của đảng Dân Chủ hoàn toàn đi ngược lại với cách ứng xử của đảng Nhân Dân Tự Do của Berlusconi. Chỉ cần ngành tư pháp kết án Berlusconi (tức là chuyện riêng tư cá nhân của Berlusconi) .. là tất cả âm binh của đảng Nhân Dân Tự Do, đến cả những người đang giữ chức bộ trưởng trong chính phủ (chẳng hạn như Angelino Alfano, Bộ trưởng bộ nội vụ, và không phải là người duy nhất trong hội đồng chính phủ) đều ào ào xuống đường biểu tình ở Brescia để chống lại quyết định kết án Berlusconi, gây ra một sự mâu thuẩn đối đầu giữa hai quyền lực nhà nước: một bên là Hành pháp (các bộ trưởng xuống đường là đại diện cho Hội đồng chính phủ), một bên là Tư pháp (tòa án Milano).

Người ta vẫn hay rêu rao rằng ... tả hữu bây giờ đều như nhau. Người có trí thức một tí thì lập luận rằng phân biệt tả hay hữu không phải là vấn đề quan trọng ....

Thực ra thì tả vẫn khác biệt với hữu. Nhất là khi hữu lại là hữu của Berlusconi .. thì rõ ràng là với cánh tả như mặt trăng với mặt trời.

Khi Berlusconi bị kết án ... là ngay lập tức cánh hữu, bất kể vị trí trọng trách nhà nước, tất cả đều âm binh kéo nhau để chống lại một quyền lực nhà nước. Không kể chi đến những hệ lụy chính trị lên chính phủ. Không đếm xỉa chi đến cung cách hành xử mâu thuẩn.

Đảng Dân Chủ thì ngược lại, trước vai trò và trọng trách của mình trong chính phủ, Gugliemo Epifani đã không chạy theo nước cờ mị dân để xuống đường với công đoàn để rơi vào tình trạng mâu thuẩn bất nhất với chính phủ.

Rất có thể là trong thời buổi “hậu hiện đại” hôm nay, làm chính trị ở Ý(nhất là chính trị biến tướng sau 2 thập niên bị Berlusconi chi phối) cũng có nghĩa là phải chấp nhận các “thủ thuật” (hay thủ đoạn ?) : chạy theo quần chúng, mị dân, chửi bới, đả phá ... Trong tình cảnh như thế, thì rõ ràng là đảng Dân Chủ đang đi ngược lại với quần chúng, đang để mất lòng cử tri ...

Nhưng ở đời, đôi khi cần phải có can đảm ứng xử một cách đứng đắn trước sau như một, dù phải trả giá đắt. Rất có thể là Gugliemo Epifani sẽ bị chỉ trích, rất có thể là đảng Dân Chủ lại sẽ bị mất phiếu ... Nhưng bù lại, đảng Dân Chủ đã hành xử một cách đứng đắn, nghiêm túc, và có trách nhiệm với chính phủ.

Chả bù đảng Nhân Dân Tự Do chỉ cần Berlusconi hô lên một tiếng là toàn âm binh xuống đường chống nhà nước, chống chính phủ .... để rồi hôm sau tiếp tục ngồi vào ghế Bộ trưởng để tiếp tục “đại đoàn kết”.

Công luận có quyền phê phán về quyết định của đảng Dân Chủ. Nhưng đảng chính trị là đảng chính trị, công đoàn là công đoàn, mỗi tổ chức có vai trò và trách nhiệm riêng. Không bất cứ lúc nào, trong tình huống nào, đảng chính trị (dù là đảng tả) cũng bắt buộc phải “múa” chung với công đoàn. Mà nếu không “múa” chung với công đoàn cũng không có nghĩa là đảng chính trị bất đồng thuận với công đoàn. Mỗi bên ứng xử theo cương vị của riêng mình.

Có thể là cung cách ứng xử của đảng Dân Chủ sẽ không có lợi về mặt chính trị cho đảng, không thu hút được cử tri, nhưng nó cho thấy là tả và hữu vẫn còn khác nhau, khác nhau rất nhiều trong đời sống chính trị nghiêm túc.

Roma, 19/05/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét