29 tháng 12, 2016

Tin vịt thời mạng xã hội trên Internet



Tiếng Ý gọi là "bufala", dân Mỹ thì gọi là "fake news", diễn nôm ra là "tin vịt". Cái thứ tin vịt này thì cũng chẳng có gì mới là, xưa nay thi thoảng một vài tờ báo "chuyên ngành" cũng hay phao tin vịt.

Trong thời buổi hậu hiện đại Internet với sự hiện diện các mạng xã hội như Facebook hay Twitter thì các tin vịt đã tìm được môi trường để sung mãn vô tội vạ. Và trong những năm gần đây tin vịt bắt đầu lấn chiếm thị trường thông tin, qua mặt cả các thông tin chính thống của báo chí (báo giấy và báo mạng). Nói là "sung mãn và vô tội vạ" vì dân cư mạng xã hội cứ tha hổ thả vịt, không ai chạy theo kiểm chứng, không ai bỏ thì giờ kiểm lọc thông tin. Chỉ cần "thả vịt" ra là cả mạng xã hội cứ "tam tam" truyền đi trên mạng .... Đến khi (nếu có) ai kiểm chứng được đấy là tin vịt .... thì chuyện cũng đã lỡ rồi ...

Điển hình nhất là cuộc tranh cử của lão Trump bên Mỹ vừa rồi là hoàn toàn dựa trên tin vịt của các mạng xã hội, các nhóm quá kích cực đoan hữu khuynh, kỳ thị chủng tộc, tha hồ thả vịt bôi tro trác trấu cả Obama lẫn Hillary: chẳng hạn con vịt đưa tin là Obama là người Phi Châu, theo đạo Hồi Giáo .... đến bây giờ vẫn còn bơi lỏng nhỏng trên mạng xã hội. Hay trong kỳ tranh cử Mỹ vừa rồi, có tin vịt phao là bà Hillary có dính dáng đến một trung tâm hoạt động mua bán nhi dục .... Hư thực ra sao thì mãi sau này mới kiểm chứng được là tin vịt, nhưng lúc ấy Trump đã thắng cử rồi.

Năm tới là bên Đức đi bầu lại (và bà Merkel đã quyết định ra tranh cử lần thứ tư), và bên Pháp cũng có bầu cử. Lấy kinh nghiệm "xương máu" của hệ lụy tin vịt trên mạng xã hội ở Mỹ vừa qua, cả chính phủ Đức và chính phủ Pháp đang bắt đầu ngồi bàn thảo về cách phòng chống tin vịt trên mạng xã hội trong mùa tranh cử sắp tới.

Phía bộ phận Tư Pháp của Ủy Ban Châu Âu cũng đang bắt đầu vô trận.

Vấn đề cực kỳ phức tạp: vì mặt tích cực của các mạng xã hội là nó đăng tải những thông tin mà giới truyền thông chính thống không đăng tải, hay tệ hơn như ở mấy xứ rồng rắn là cấm không cho đăng tin .... lề trái, do đó giúp cho người dân biết những sự thật mà giới nắm quyền bưng bít. Về mặt pháp lý mà nói thì cho đên bây giờ có hai sự khác biệt cơ bản giữa Chủ báo (và ban biên tập) của báo giấy (và phiên bản điện tử của các báo này) khi đều phải chịu trách nhiệm về những thông tin mà báo đăng tải: nếu đó là những tin vịt nhằm cố ý bôi lọ nhà nước và đối thủ chính trị thì ngành Tư pháp sẽ điều tra Chủ báo và ban biên tập. Nhưng còn mạng xã hội như "fây-bút" hay Twitter thì những tay chủ xị của các mạng này (như tay Mark Zuckerberg của "fây-bút", hay Jack Dorsey của Twitter) hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm về những thông tin đăng trên mạng xã hội (thậm chí cũng không chịu trách nhiệm về những thông tin nhằm tuyên truyền cuộc thánh chiến của nhóm Hồi Giáo cực đoan): trên mặt pháp lý, đó chỉ là những "piattaforma" có mục đích duy nhất là đăng tải thông tin, bất luận tin gì. Chỉ khi nào nhà chức trách sau những khó khăn tốn công sức (của người dân, vì đó là tiền thuế trả cho những cơ quan điều tra tin vịt) thì chính phủ mới có thể "van xin" các chủ xị của các mạng xã hội cho gỡ tin vịt ra .... Vì các tay chủ xị vẫn khăng khăng bảo là họ muốn tôn trọng nguyên tắc tự do ngôn luận.

 Bufala về tin vợ của Renzi "phản" chồng trong kỳ trưng cầu dân ý hôm 04/12 vừa qua ở Ý

Chuyện này còn dài, không biết khi vào mùa tranh cử bên Đức và bên Pháp thì ngành tư pháp của các quốc gia này hay của Châu Âu có nặn ra được biện pháp nào không ... Nếu không thì vịt sẽ tha hồ bơi vô tội và trên mạng.

Nhưng trước mắt, những quan ngại của giới chính trị Châu Âu, sau kinh nghiệm tranh cử của Trump, lại đang hà hơi tiếp sức cho các chính phủ độc tài toàn trị ở mấy xứ rồng rắn. Đấy, đã bảo mà, mạng xã hội toàn là tin vịt, nhằm bêu xấu để chống phá nhà nước, chống phá cách mạng, chống đảng .... Do đó trước khi nổ ra xì-căn-đan của Trump, chính phủ rồng rắn đã nhìn xa thấy rộng và đã tận tình kiểm duyệt các thông tin trên mạng xã hội. Các quan ngại của các chính phủ Châu Âu cho thấy là đúng như các chính phủ rồng rắn đã nhận định: phải bảo vệ ổn định nhà nước với bất cứ giá nào, thậm chí bưng bít thông tin, bắt bớ tù đày những người chỉ muốn phản ảnh tiếng nói của quần chúng.

Roma, 29/12/2016



5 tháng 12, 2016

Sống ở đời cũng cần có một tình yêu.



Quả thật là một cú sốc khá nặng. Tôi không ngờ kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hôm qua 04/12/2016 ở Ý lại đi đến một kết quả sốc như vậy. Dù biết rằng "NO" sẽ thắng, nhưng tôi không ngờ khoảng cách giữa "SI" (59,1%) và "NO" (40,9%) lớn như thế. Và dĩ nhiên dù muốn dù không, dù rằng chẳng có luật lệ nào "gắn liền" kết quả bầu cử của một cuộc trưng cầu dân ý với "sinh mạng" của chính phủ, nhưng cú sốc chính trị quá lớn, và Renzi cũng không thể nào vin vào cái cớ "không có luật lệ nào bắt buộc" để làm ngơ.


Renzi từ chức vì, trước nhất, là để giữ cho mình cái nhân cách làm người, kế đến là để tránh trở thành đối tượng để các đám tạp lục tấn công ngày đêm và tố cáo là "tham quyền cố vị". Và Renzi từ chức để nói thẳng vào mặt cái đám tạp lục hổ đốn: chúng mày muốn xe đạp hả ? Đấy leo lên đạp đi !!!". (La volete la bicicletta ? Eccola pedalate !!!).


Trong chuyện Renzi từ chức có một thoáng rất cảm động và đầy tình yêu (ngoài tình người).


Agnese Landini, vợ của Renzi, trong 1000 ngày chấp chánh của chồng, bà ta vẫn thường giữ kẽ, ít khi "lấn chiếm" sân khấu chính trị của chồng; ngoài những chuyến công du hàng nhà nước và những buổi chiêu đãi cấp quốc gia ra, hầu như không mấy khi có sự hiện diện của bà vợ. Một "đệ nhất phu nhân" sống lặng lẽ phía sau hậu trường.


Nhưng tối hôm qua khi Renzi họp báo tuyên bố từ chức, thì Agnese Landini đã đứng cách chồng vài thước như để giữ khoảng cách "nhà nước". Đây là lần đâu tiên vợ của Renzi xuất hiện trong một cuộc họp báo của chồng, như để nói rằng .... lúc khó khăn phải ở bên nhau ....




Agnese Landini đứng cạnh đấy, vẻ mặt rất trầm tĩnh, trong khi Renzi có đôi lúc bị bối rối. Một cái nét trầm tĩnh như để nói .... đừng lo ... còn có tôi bên cạnh cuộc đời ...





Và cảm động hơn nữa khi Renzi chấm dứt tuyên bố từ chức, quay sang choàng vai Agnese và hai người cùng nhau bước ra đi .... Người kỵ sĩ ngã ngựa quay về lại bên người vợ ....như để cùng nhau tiếp tục song hành trong một chặng đường mới.





Đây không phải là chuyện chính trị cao siêu gì cả. Chỉ là một thoáng tình người và tình yêu.



Sống ở đời cũng cần có một tình yêu.


Roma, 05/12/2016

 PS: Không biết Berlusconi khi nhìn những hình này có thấy tủi thân và tủi hổ cho chính mình hay không nhỉ ?

28 tháng 11, 2016

Chính khách cơ bắp



“Democratore” là một thuật ngữ mới được giới báo chí ở Ý đẻ ra khoảng vài năm trở lại đây. Đó là những tay chính khách được cử tri chính thức bầu lên bằng những cuộc bỏ phiếu “có giá trị” (tức là các tổ chức kiểm soát quốc tế chẳng có bằng chứng nào để phủ nhận giá trị của các cuộc bầu cử đó), tức là họ là những chính khách “democratico”, nhưng khi nắm được quyền bính thì họ lại cái trị đất nước như những tên độc tài toàn trị, tức là những tay “autocrate”. Từ đó báo chí mới nặn ra thuật ngữ “democratore”, có thể tạm dịch là “dân chủ toàn trị”.
________________________________________________________________________
Nguyên tác bài này có tên “Leader muscolari - Dopo Putin e Erdogan il democratore conquista la Casa Bianca” của ký giả Gianfrancesco Turano đăng trong tuần san “L'Espresso” số ra ngày 20/11/2016.
________________________________________________________________________

Họ thường được “công chúng” xem như những “người hùng” (uomini forti), những “nhân mã” thời hậu hiện đại (centauri - nửa người nửa ngựa, theo truyền thuyết Hy Lạp - chứ không phải nửa người nửa ngợm!!!). Họ đại diện cho một tầng lớp chính khách đang trổi dậy khắp nơi: từ những nước thế giới thứ ba đến những nước cựu Đông Âu, thậm chí đến cả các nước Châu Âu, và đến cả ... Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Họ cư xử phân nửa theo một cơ chế dân chủ (được bầu lên một cách đàng hoàng), nửa kia là độc tài toàn trị với bàn tay sắt. Người ta nói đây là giai đoạn “gần như quá độ” của các phong trào dân túy mỵ dân. Họ là những “người hùng” của các tầng lớp dân chúng đang sống bên lề của xã hội và của sự phát triển kinh tế, và chính vì thế nên tầng lớp dân chúng này đang lớn tiếng tẩy chai cái cơ chế nhà nước “dân chủ” hiện nay.
Đó là những Putin (Nga), những Erdogan (Thổ Nhĩ Kỳ), những Duterte (Phi Luật Tân) ... và bây giờ có thêm Trump .... và biết đâu chừng sang năm sẽ có thêm Le Pen của Pháp ???
Họ chuyên áp dụng bạo lực và đụng một tí là móc súng ra (hay ít ra sai đàn em móc súng ra). Họ là những nhà ái quốc cực đoan đến độ dám chạy theo các chính sách “đơn phương” (isolazionismo - tức là tự quyết định can thiệp vào một vấn đề quốc tế nào đó mà không cần hội kiến với những nước khác, thậm chí cũng không thèm nghe ý kiến của đồng minh). Thông thường họ có một quá khứ là đại gia hoặc đã từng là những lãnh đạo nhà nước ở cấp địa phương, hay là những cán bộ cao cấp của những guồng máy nhà nước. Tức là họ là những người có kinh nghiệm sống thật sự chứ không phải là những nhà trí thức hàn lâm sống trong mớ lý luận dân chủ kinh điển. Họ biết quần chúng muốn gì bởi vì họ thật sự đối mặt với quần chúng trên mọi nẻo đường, trong những nhà máy đã bị đóng cửa vì hậu quả của quá trình “toàn cầu hóa”, trong những xóm nhà lao động ở ngoại ô dơ bẩn và mất an ninh, nơi mà du khách chẳng bao giờ đặt chân đến.
Họ là những chàng kỵ sĩ thời hậu hiện đại trên sân khấu chính trị quốc tế. Một thứ “nhân mã” (centauro, theo truyền thuyết Hy Lạp, nửa thân trên là người, nửa thân dưới là ngựa) chính trị: nửa trên là dân chủ vì do dân bầu ra một cách đàng hoàng, nửa dưới là bàn tay sắt của mấy tay độc tài toàn trị. Một thứ "biến tướng quá độ" của khuynh hướng dân túy mỵ dân.
Họ có được sự đồng thuận hợp pháp của nhiều tầng lớp cử tri khác nhau về giai cấp xã hội (trí thức, thất học, chuyên gia, thợ thuyền), khác nhau về ý thức hệ (tả khuynh, hữu khuynh, hay phi chính trị), khác nhau về điều kiện kinh tế (giàu, nghèo, có công ăn việc làm, thất nghiệp), nhưng tất cả những cử tri này có một điểm đồng nhất duy nhất là nổi loạn chống lại thứ quan niệm mà họ gọi là “tất cả đều tự do muốn làm gì thì làm”: từ giới đồng tính đến dân nhập cư, từ những tay buôn lậu ma túy đến những đám du thủ du thực tụ tập ngày đêm ngoài công viên đường phố, từ mấy tay tài chính ngân hàng đến các siêu đại gia, từ những chính khách chuyên nghiệp đến những nhóm đầu sỏ chính trị.
Chính những cử tri nổi loạn này đã dồn phiếu cho Donal Trump ở Mỹ, cho Viktor Orbán ở Hung, cho Marine Le Pen ở Pháp, cho Matteo Salvini hay cho hề Grillo ở Ý. Chính những cử tri này đã ủng hộ Brexit và dồn phiếu cho Ukip của Nigel Farage, đã ủng hộ Tayyip Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ chống lại nhóm quân đội “phiến loạn”. Chính những cử tri này đã nâng cao uy tín của Vladimir Putin trong các cuộc thăm dò ý kiến, đã ủng hộ Benjamin Netanyahu ở Israel, hoặc Nerenda Modi ở Ấn Độ, và Rodrigo Duterre ở Phi Luật Tân.
Đó là những tay lãnh đạo quốc gia chỉ biết củng cố sự đồng thuận của cử tri bằng cách xây dựng tường rào ngăn sông cấm chợ và lúc nào cũng hò hét khản cả cổ câu thần chú: "right or wrong, my country" (dù đúng dù sai, tôi phải lo cho đất nước của tôi).
Phần lớn những cử tri của những “người hùng” này đều không sống ở New York hay ở Moscou, không sống ở Istanbul hay Mumbai, không sống ở Tel Aviv hay Luân Đôn: đó là những thủ đô đã bị tha hóa bởi chính sách “tự do thương mãi” của quá trình “toàn cầu hóa kinh tế”, mà họ sống ở những xóm nhà khu ngoại ô, và nhất là họ sống bên lề của những ý thức hệ kinh điển: đối với họ “tả” hay “hữu” hoàn toàn không khác nhau và cũng không có nghĩa lý gì cả.

Diện mạo của những “democratori”
Ngay sau khi thắng cử Trump đã không ngớt miệng nhắc đến “những con người bị lãng quên” (forgotten men). Và đồng thời Trump cũng không quên nhắc đến hơn 200 tướng tá trong hàng ngũ quân đội Mỹ đã ủng hộ Trump ngay từ những giây phút đầu của cuộc tranh cử.
Một trong những "lá bài kinh điển" của những tay “dân chủ toàn trị” này là lúc nào cũng phải nặn cho ra kẻ thù có thể hăm dọa đất nước: đối với Trump có thể là dân Mễ chuyên đi hảm hiếp đàn bà con gái, hay mấy anh Ba Tàu chuyên mua gian bán xảo. Còn đối với tay cựu vô địch judo và cựu nhân viên KGB thì đó cuộc tranh chấp lãnh thổ với Ucraina và bảo vệ “người Nga” ở Crimea.
Còn những tay lãnh đạo khác thì nhắm vào những đe dọa trong nước thí dụ như ngăn chận làn sóng nhập cư bằng cách xây tường, một hình ảnh nhắc lại cái quá khứ bi thương của 28 năm của bức tường Bá Linh.
Ngoài ra còn có những chuyện như mở chiến tranh với đám buôn lậu ma túy hay chống lại tham nhũng hối lộ là những lá bài bảo đảm được sự đồng thuận của cử tri. Chẳng hạn như chiến dịch chống nạn ma túy hiện nay là chiến lược cơ bản của nền tảng chính trị của Rodrigo Duterte: sau 6 tháng chấp chánh, Duterte đã thu được 85% sự đồng thuận của quần chúng. Trong khi các tổ chức nhân quyền quốc tế tính là trong một trăm ngày đầu của chính quyền “Rody”, đã có hơn 3 ngàn người bị lực lượng an ninh cảnh sát hoặc các nhóm “tử thần” có dính dáng đến chính phủ giết chết. Những tay sát nhân này thường được trả tiền khi ám sát những nghi phạm buôn lậu ma túy mà không cần có một cuộc điều tra hay xét xử của tư pháp. Nhưng có khi nhóm “tử thần” giết người cũng chỉ để tỏ sự đồng thuận của mình đối với một đấng “minh quân” như Duterte.
Ngày 20/10/2016, khi mà các cuộc thăm dò ý kiến vẫn còn cho rằng bà Clinton dẫn đầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, lúc đó Duterte đã tuyên bố “ý định ly hôn với Mỹ” để xích gần lại Trung Quốc của Tập Cận Bình. Nhưng bây giờ, vốn là người ngưỡng mộ Trump (và cũng được Trump đáp trả lại sự ngưỡng mộ ấy), có lẽ Duterte sẽ ... xét lại chuyện “ly hôn”. Và 200 tướng tá nói trên chắc chắn cũng sẽ hả hê: trên bàn cờ quốc tế Duterte là một con cờ có giá trong chính sách chống lại các nhóm Hồi giáo vốn đang làm mưa làm gió ở khu vực Mindanao.

Những nhà “dân chủ toàn trị” thăng hoa.
Việc Trump thắng cử đã làm dấy lên một làn sóng hồ hởi tưng bừng trong giới nuôi mộng lớn trở thành “người hùng” của thời cuộc. Từ một Farage ở Anh đến cả con lẫn cha của gia đình Le Pen ở Pháp, từ một Matteo Salvini của Lega Nord đến hề Grillo của 5 sao ở Ý. Đó là chưa kể đến Naftalki Bennett, thủ lãnh của cái gọi là HaBayit HaYehudi (Căn nhà Do Thái), một lực lượng chính trị cực hữu của chính phủ Netanyahu. Tay Naftalki Bennett lớn lên trong một gia đình Do Thái nhập cư vào Mỹ và đã từng là sĩ quan của lực lượng đặc biệt của Mỹ, sau khi giải ngũ Bennett trở thành một doanh nhân khá thành công trong lãnh vực tin học ở New York và hiện nay là Bộ trưởng kinh tế và Bộ trưởng về vấn đề tôn giáo của chính phủ Netanyahu. Xưa nay lúc nào Bennett cũng chống lại khái niệm chung sống với “quốc gia Palestina”, và hiện nay chính hắn đang gây khó khăn cho chính chính phủ Netanyahu khi đưa ra những đề luật tạo thuận lợi cho người Do Thái chiếm đất ở những vùng của Palestina. Khi được tin Trump thắng cử, Bennett đã thẳng thừng truyên bố rằng “đây là cơ hội có một không hai để xem xét lại tất cả bàn cờ trong khu vực Trung Đông”.

Những “cử tri sầu đời”.
Nếu bên kia là cử tri dồn phiếu cho những tay “democratori” như đã diển tả ở trên, thì phía bên này chuyện “nhắm mắt bịt mũi” bỏ phiếu đang ngày trở thành “tập quán” của những cử tri “tiến bộ”, chẳng hạn như tay đạo diễn tiên tri Michael Moore, người đã dự đoán đúng việc Trump thắng cử. Đó là những “cử tri sầu đời” (elettore depresso), nói theo cách nói của Moore, tức là dù rằng họ là những cử tri đã ủng hộ Bernie Sanders, nhưng đến ngày 08/11 họ đã phải “nhắm mắt bịt mũi” dồn phiếu cho bà Hillary.
Ở Châu Âu thì đã từ lâu đầy dẩy loại “cử tri sầu đời” này. Thí dụ như nhân dịp bầu cử Tổng thống Pháp vào tháng 5/2017 sắp tới, các “cử tri sầu đời” của đảng Xã Hội không tin lắm vào một Francois Hollande vốn đã gây nhiều thất vọng trong nhiệm kỳ hiện tại, và họ sợ sẽ phải chứng kiến một cuộc đọ sức trong vòng hai giữa một ứng cử viên hữu khuynh với một ứng cử viên cực hữu như Marine Le Pen, nên rất có thể là họ sẽ phải “nhắm mắt bịt mũi” dồn phiếu trong vòng một cho một ứng cử viên trung hữu - trung dung.

Còn ở Ý ?
Về lịch sử mà nói thì Ý là “bậc thầy” trong chuyện đẻ ra những tay chính khách “democratori”. Chẳng cần phải ngược dòng lịch sử đến tận Đại đế Giulio Cesare (100-40 tCN), vốn được quần chúng bình dân ủng hộ để chống lại giới quý tộc, chỉ cần nhắc đến Benito Mussolini, người đã từng lên án “sảnh đường của Quốc hội” chỉ là nơi “ăn dầm nằm dề của mấy lũ bè đảng phái” nhưng rồi cũng chính cái Quốc hội ấy đã bầu hắn lên làm Thủ tướng vào năm 1922 và sau đó được quần chúng cử tri dồn phiếu tái nhiệm vào năm 1924, để rồi ngay sau đó chính Mussolini đã triệt hạ hoàn toàn các cơ chế dân chủ, mở đầu cho hai thập niên phát-xít đen tối của nước Ý.
Ở thời “cận đại” thì có Silvio Berlusconi, bậc sư phụ của vị Tổng thống thứ 45 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ: một tay rao hàng chuyên nghiệp với một khái niệm hoàn toàn đặc biệt (và cá nhân hóa - a personam) của hắn về luật pháp và một sự giả mạo xấc láo về một nguồn gốc cội rễ chính trị “popolare”, cộng thêm một giọng điệu cực kỳ “hiện thực” hợp lỗ nhĩ của giới bình dân lao động, một thứ ngôn từ “vô giáo dục chính trị”, chẳng hạn như ám chỉ Angela Merkel có “bộ mông không chơi được”, hoặc Barack Obama là loại đàn ông “đẹp trai sám nắng”. Đó là loại ngôn từ mà tay tài tử điện ảnh cực hữu Clint Eastwood truyền dạy cho thằng đệ tử người tị nạn Campuchia trong cuốn phim để đời Gran Torino (2008) trong đó những từ ngữ thóa mạ mang màu sắc kỳ thị biến thành một cung cách để thể hiện cái “nam tính” hay ít ra được xem như là những câu đùa giởn vô tội vạ giữa đực rựa với nhau chẳng câu nệ chuyện giáo dục tối thiểu.
Và nhờ vào những làn sóng đùa giởn vô tội vạ như trong phim Gran Torino mà tay “thượng đẳng của chủng tộc da trắng" Steve Bannon đã trở thành “Trợ trá chiến lược” (Chief strategist) của Nhà Trắng.
Và sự thăng hoa không cưỡng lại được của các “democratori” vẫn tiếp tục !!!

Roma, 28/11/2016
 chuyển ngữ

29 tháng 6, 2016

Thảm sát hôm qua… thảm sát hôm nay ….



Trong thời gian gần đây trong nước dấy lên cả một “cao trào” bàn về trường hợp của Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey được phía Mỹ đề nghị giữ chức Chủ tịch Đại Học Fulbright ở Việt Nam. Ông Bob Kerrey này trong quá khứ đã từng tham chiến ở Việt Nam, và theo tin báo chí thì chính ông là người chịu trách nhiệm về vụ sát hại 20 người dân Việt Nam vô tội ở Thạnh Phong (Bến Tre).

Nhiều thành phần quan lại nhà nước xuất hiện, nhiều trí thức thực sự cũng như trí thức lưỡi gổ cũng lên tiếng bàn thảo sôi nổi. Nhiều khi người ta có cảm giác là cả đất nước bây giờ như mành treo sợi tóc …. chỉ vì cái quyết định “bất cập” của Đại học Fulbright.
Người khen (hay ít ra là “cởi mở) với quyết định của …. cũng có. Người phê phán chỉ trích, thậm chí lên án quyết định trên cũng không thiếu…
Dĩ nhiên phần lớn những người phê phán là những người đã từng “theo kháng chiến chống Mỹ”, đã từng chấp nhận hiểm nguy để cuộc chiến đấu thành công, và cũng đã từng nói đến “hóa giải”: hóa giải trong nước cũng như với cựu thù Mỹ, hướng tới tương lai, bỏ qua quá khứ (sic!!!)
Có một điều đáng chú ý là cuộc tranh cãi chỉ diễn ra ở giới “thượng tầng xã hội”: các quan chức nhà nước (có người đã về hưu), các trí thức đủ cở đủ kiểu …. nhưng đặc biệt là khi có dịp hỏi chính người dân (cái thằng dân mà ông bà, bố mẹ, anh em của nó ngày xưa là nạn nhân của các cuộc thảm sát do quân đội Mỹ gây ra), cái thằng dân mà bây giờ chỉ biết cắm cúi lao động, nhẫn nhục chịu hết những bất cập này đến bất cập khác trong xã hội “độc lập, tự do và hạnh phúc”… thì lại không nghe chê bai hay ủng hộ gì cả. Có lẽ đối với những thành phần thấp hèn nhất trong xã hội Việt Nam hiện nay … nhưng chuyện thảm sát của Mỹ thời chiến tranh …. so ra cũng chưa ác bằng những “thảm sát trá hình” của ngày hôm nay do chính cái cơ chế của nhà nước Viêt Nam tạo ra mỗi ngày.
Trong bài này tôi không vào nội dung khen/chê của bất cứ một ý kiến nào cả. Người tranh luận đã nhiều, có thêm tôi vào hay không … thì cũng chẳng thay đổi được gì.

Tôi chỉ xin đưa ra một vài nhận xét bên lề của cuộc tranh cãi.

a)    Dù chiến tranh đã kết thúc hơn 4 thập niên, và hiện nay quan hệ của Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa trở lại, và thậm chí quan hệ Mỹ-Việt đang được công luận quần chúng trong nước vỗ tay tán thưởng (với nhiều hy vọng/ảo vọng?) gấp cả ngàn lần với quan hệ “môi hở răng lạnh” Trung-Việt. Hình như người Mỹ họ đã chấp nhận (nhìn nhận) những sai lầm của họ, những tính toán thiển cận, và coi như những vết sẹo trên da thịt là thuộc về quá khứ. Rất đông bộ phận trong giới chính trị (kể luôn cả những nhân vật đã từng chiến đấu hay thậm chí gây ra “tội ác chiến tranh”) hay các giới trí thức, cũng đã và đang tích cực vung trồng quan hệ Mỹ-Việt ở nhiều cấp bật, nhiều hình thức. Không biết dùng từ vựng “sám hối” hay “ăn năn chuộc tội” ở đấy có đúng với phía Mỹ hay không. Nhưng điều chắc chắn là người Mỹ xã hội Mỹ đang trên đường “hóa giải” cái ám ảnh chiến tranh Việt Nam của họ. Trong khi đó, phần lớn xã hội Việt Nam (chắc phải nói là nhà nước Việt Nam thì đúng hơn, vì đa số người dân bình thường ở Việt Nam hiện nay vẫn tỏ vẻ “khoái Mỹ” không thua gì thời miền Nam trước đây, chắc chắn là khoái Mỹ hơn là mấy anh Trung Quốc – điều này nó rõ như hai với hai là bốn) thì lại có thái độ “ởm ờ” kiểu nửa vời: khi cần phải núp sau lưng Mỹ để tránh đạn của Trung Quốc thì quan chức Việt Nam không ngớt lời ca tụng … cường quốc Mỹ và nhấn mạnh đến quan hệ hữu hảo giữa hai nước …. Nhưng khi đụng đến cái gì có dính líu đến quá khứ chiến tranh …. thì cứ như 4 thập niên vừa qua  chỉ là … nước đỗ đầu vịt: ta vẫn là ta, địch vẫn là địch. Chiến đấu oai hùng vẫn là ta, sát nhân chống thường dân vô tội vẫn là … “nó”…  Cái tư tưởng này có thời rất “thịnh hành”, người ta gọi là “chính sách lý lịch”: đã là “ngụy quân ngụy quyền”, dù chỉ là cảnh sát tép riu đứng coi giao thông ở các ngã tư, thì cái “lý lịch” của anh nó sẽ không bao giờ cho anh ngốc đầu lên nỗi, dù rằng anh là một nhà khoa học giỏi, một chuyên viên tài năng …. Nhưng nhà nước không chọn người theo “chuyên” mà cần “hồng” để bảo đảm sự sống còn của chế độ cách mạng (thời mới giải phóng) và quyền lực của đảng (thời đổi mới sau này trở đi). Chính cái chính sách lý lịch phi lý đó (dù rằng đảng vẫn ra rả cái khẩu hiệu “hòa giải hòa hợp”) đã làm thui chột hàng triệu người có khả năng để vận hành xã hội và đóng góp trong quá trình xây dựng đất nước sau chiến tranh, nhưng tệ hơn nữa là nó làm cho tình hình kinh tế xã hội của đất nước điêu đứng trong mấy thập niên… Và rồi cũng chỉ có người dân Việt Nam là phải trả giá.

b)    Nhưng chưa đủ, mấy quan chức nhà nước và đảng còn có khuynh hướng muốn áp dụng chính sách lý lịch với cả cựu quân nhân Mỹ, bất cần xem những người đó có những khả năng chuyên môn nào, bất cần xem hiện nay vị trí chính trị xã hội của những người đó đang đóng góp tích cực vào việc phát triển quan hệ song phương Mỹ Việt ra sao, bất cần xem những người đó đã có những hành động gì sau “cơn mê” để chính họ hóa giải, trước nhất là ngay với lương tâm của họ, và sau đó là với một dân tộc cựu thù địch …. Nói như thế để cho thấy trường hợp của Bob Kerrey , chỉ vì “lý lịch” của ông ta có sự kiện Thạnh Phong. Chứ còn giá như thay ông bằng một người Mỹ nào khác, may mắn không phải đi lính sang Việt Nam, may mắn trốn được qua Canada để tránh đi quân dịch sang Việt Nam …. Và dù rằng ông này cũng chẳng có chuyên môn bao nhiêu, chưa chắc có thiện chí xây dựng quan hệ Mỹ-Việt cao hơn thiện chí của Bob Kerrey. Nhưng OK, vì không có vấn đề lý lịch. Tức là quan chức nhà nước và đảng vẫn xem “lý lịch” là điều kiện tiên quyết để có thái độ với một đối tác Mỹ. Nhiều khi nghĩ quẩn: giả như gặp một tay Mỹ gangster chuyên buôn lậu, cướp bóc và buôn ma túy trong suốt thời gian có chiến tranh ở Việt Nam … Bây giờ hắn trở thành nhân vật chính trị hay hàn lâm gì đó nặng ký …. OK, vì lý lịch “cực sạch” (không hề bắn một viên đạn nào ở Việt Nam, nói chi đến thảm sát?).

c)    Ở trên thế giới, rất tiếc là chuyện lính viễn chinh thảm sát dân thường cũng không phải là điều hiếm. Không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam, nó đã xảy ra ở Trung Quốc khi lính Nhật sang chiến đóng Trung Quốc. Nói chi đâu xa, ngay ở Ý, thời bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, cũng đã xẩy ra biết bao nhiêu vụ thảm thường dân: thí dụ như thảm sát ở Marzabotto (thuộc Bologna) từ 29/09 đến 05/10/1944 khiến 955 thường dân thiệt mạng. Nói như thế không có nghĩa là quan niệm rằng … đâu cũng thế để quên lịch sử với những đau thương của nó. Nhưng hiện nay, ở vào thiên niên kỷ 2000, con số người dân Việt Nam bị nguy cơ mất an toàn thực phẩm, môi trường đầy độc tố, cả sông lẫn biển đâu đâu cũng có cá chết nỗi lình bình khắp nơi vì môi trường sông và biển bị ô nhiểm trầm trọng. Có người trong nước ví von rằng: không ăn thì cũng chết, mà ăn thì cũng chết !!! Hình như có một quan chức nào trong bộ y tế có đưa ra “giả thuyết” là chỉ trong vòng một thập niên sắp tới … các chứng bệnh ung bứu (ung thư) sẽ trở thành đại dịch ở Việt Nam. Hy vọng quan chức đó “quá lời”. Nhưng có một điều là nếu môi trường ngày càng tồi tệ, thực phẩm ngày càng mất an toàn …. thì ai cũng biết là một mặt do chính các cơ sở xây dựng kinh tế của Trung Quốc vận hành mà không hề ngó ngàng gì đến các tiêu chuẩn về nước thải về môi trường. Ai cũng biết thực phẩm bày bán la liệt ở Việt Nam cực bóng, cực đẹp, cực to … là nhờ vào các thứ “bột màu nhiệm” được Trung Quốc đem vào thị trường Việt Nam. Các quan chức nhà nước, đảng, quốc hội đều biết rõ, bằng chứng là các vị này, vị nào cũng có trồng rau cải để ăn riêng trên sân thượng, vì bố bảo các vị cũng chẳng dám ra chợ mua rau, nhưng rồi các vị cũng chỉ loay hoay ở “điều tra”, “nghiên cứu”, hay mĩa mai hơn là “lắng nghe ý kiến của …. dân”. Một nhà nước, từ cấp bộ trưởng đến thứ trưởng, cục trưởng, đến các quan chức địa phương … vẫn cứ nhắm mắt để mỗi năm có hàng trăm ngàn người dân bị đầu độc, nhà thương ung bứu bị quá tải, thậm chí một số nhà nghiên cứu còn đưa ra nhận xét là sau hơn 4 thập niên hết chiến tranh, người Việt Nam gầy gò  còm cỏi hơn thời chiến, sức khỏe yếu kém hơn … tất cả chỉ vì họ bị “ngộ độc” mỗi ngày. Mỗi năm có đến cả trăm ngàn người dân mất mạng vì an toàn thực phẩm, vì môi trường nhiễm độc ….  Và nhà nước Việt Nam, các cơ quan hữu trách từ quan thuế đên y tế, vẫn tiếp tục “không thấy gì cả”. Chính các cán bộ quan chức từ cấp thủ tướng cho đến thứ trưởng, cục trưởng đang ra tay “thảm sát” ngay dân của mình (trong thời bình) …. Có điểu là nếu ngồi so sánh số nạn nhân của các cuộc thảm sát do lính Mỹ gây ra với số nạn nhân (hằng ngày) do các cuộc thảm sát trá hình hiện nay ở Việt Nam …. thì thực tình mà nói …. Tội của lính Mỹ cũng còn quá nhẹ. Nhưng điều càng tệ hại hơn nữa là ít ra những cuộc thảm sát của lính Mỹ đã bị công luận khắp nơi trên thế giới lên án, và thậm chí chính tòa án của Mỹ cũng đã tuyên án kết tội những lính Mỹ nói trên (như vụ Mỹ Lai). Người ta còn nhớ vụ chất độc da cam. Tới giờ phút này vẫn còn có những tố tụng tranh cãi về vấn đề da cam, và phía Việt Nam vẫn tiếp tục đòi bồi thường chiến tranh vì chất độc da cam. Trong khi đó, chưa hề có một cơ quan nào của chính phủ Việt Nam, một tổ chức nhân đạo trên thế giới, một cơ quan báo chí trong cũng như ngoài nước tố cáo những cuộc thảm sát trá hình hiện nay của nhà cầm quyền Việt Nam: hàng triệu người dân Việt Nam đã và sẽ lâm bệnh và chết chỉ vì bị ngộ độc thực phẩm, vì môi trường ô nhiễm, vì nguồn nước bị độc tố, sông biển sẽ đầy các thứ hóa trị độc hại, và cả nhà nước Việt Nam, từ Chủ tịch đến Thủ tướng, từ Quốc hội đến đảng đều thừa biết nguyên nhân ở đâu, và những ai là người có trách nhiệm trước những cuộc thảm sát trá hình này …. Nhưng chẳng ai dám/muốn mở miệng. Lý do thì ai cũng biết. Thôi thì nhà nước Việt Nam quay lại tiếp tục “tra tấn” những cựu quân nhân Mỹ, đêm họ lên giàn hỏa thiêu vì những tội lỗi thảm sát trong quá khứ thời chiến tranh… và như thế cũng để che dấu những trách nhiệm của chính nhà nước Việt Nam trong quá trình thảm sát trá hình chính nhân dân của mình ngay trong thời bình.

d)    Ở Ý có câu thành ngữ “vedi la pagliuzza degli altri ma non la trave nell’occhio tuo”: có nghĩa là “cọng rơm trong mắt thiên hạ cũng thấy, nhưng lại không thấy cả một cây xà ngang ngay trong mắt mình”, có nghĩa là tội lỗi thiên hạ, dù nhỏ cách mấy ta vẫn mò ra được …. Còn tội lỗi tày trời của ta … thì chẳng bao giờ ta chịu nhìn nhận.

Đấy, cái trớ triêu điêu ngoa của các quan chức, các trí thức lưỡi gỗ trong nước hiện nay là như thế, chỉ biết ngồi bới móc lý lịch xa xưa của người khác …. Trong khi tội lỗi tày trời của nhà nước Việt Nam hôm nay thì chẳng một ai thấy được. Chỉ có người dân mới thấy. Nhưng người dân thấy mà không được nói… bằng không sẽ bị chụp mũ là “chống phá nhà nước” !!!

Roma, 29/06/2016