30 tháng 4, 2016

30 tháng 4 - Câu thần chú của 41 năm qua !!!



30/04/2016. Đây là lần đầu tiên trong 41 năm qua, kể từ cái ngày lịch sử 30/04/1975, tôi sống ngày 30 tháng 4 một cách hờ hửng, không một cảm tưởng đặc biệt nào cả. Từ sáng đến giờ tôi cứ tự nặn óc ra xem mình cảm nhận được gì trước cái ngày 30 tháng 4 này. Vô ích !!! Hoàn toàn vô ích. Chẳng cảm thấy gì cả. Không vui, không buồn, không bồi hồi nhớ về một dĩ vãng, không cảm động nhớ đến một thời …. Chẳng cảm thấy gì cả. Cứ y hệt như … một ngày như mọi ngày !!!


Duy có một điều: lo âu khắc khoải. Có lẽ đây là lần đầu tiên sau 41 năm “đại thắng” tôi chỉ thấy đất nước “hào hùng” của một dân tộc “anh dũng” (thậm chí có thời còn tự sướng với danh hiệu tự phong “lương tâm của nhân loại”) chỉ toàn là lo âu khắc khoải. Một thứ cảm giác bất an: bất an trên đường phố, bất an khi phải chạm mặt với cơ quan công quyền, bất an khi phải đi mua bán, bất an khi phải làm giấy tờ thủ tục hành chánh, thậm chí chỉ là giấy tờ để xin làm đám ma đưa người chết về cõi âm, bất an khi nghe trong người có triệu chứng bệnh tật. Bất an khi phải bật thốt lên một câu chửi thề về một hành vi bá quyền nào đó của “xứ lạ”, hay nghe tin ngư dân miền Trung bị “tàu lạ” bắn chết ngay trên vùng biển của quê hương mình. Thậm chí đi chợ cũng thấy bất an: đồ đạc nấu nướng ê hề bày trên bàn đấy, nhưng ăn vào mà sao cứ hơi …. ngài ngại … như đang ăn thuốc độc.


Đối với bề dày lịch sử thì 41 năm chỉ là một tích tắc, nhưng đối với một đời người nó cũng đủ dài để người ta có quyền nuôi hy vọng và cầu mong …. Ấy vậy mà 41 năm qua, kể từ ngày dân tộc tôi được đưa lên thành “lương tâm của nhân loại” tôi chỉ thấy người ta vẫn chạy vạy đầu tắt mặt tối, ngược xuôi xuôi ngược để đi tìm một chút bình an, một chút thảnh thơi, nói chung là …. hạnh phúc … nhưng xem ra hạnh phúc ngày càng xa rời đối với dân tộc tôi. (Nực cười là lên các văn phòng hành chánh nhà nước, chấp bút viết bất kỳ một cái đơn nào, thì bên trên cùng của mẫu đơn lúc nào cũng có câu “thần chú”: “ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC”, cứ như là nhà nước sợ người dân quên là họ đã được ban phát sẵn 3 điều mầu nhiệm đó !!!).



Đúng là so với thời bao cấp thì bây giờ người dân sống thoải mái hơn nhiều, thoải mái về vật chất, tiện nghi, đi lại, hưởng thụ, ăn nhậu, chơi bời, ăn diện, khoe khoang …. Nhà quê bây giờ cũng có đèn điện, xe đạp bây giờ chẳng còn mấy ai đi. Mỗi khi có những ngày lễ bắt cầu, kiểu như 30/04 và 01/05 như năm nay, các công xưởng văn phòng đóng cửa dài ngày, người dân đổ xô đi chơi đông như ong vỡ tổ. Người chưa giàu thì du lịch nội địa, người giàu thì sang các nước láng giềng Á Châu du lịch, ai có con cháu ăn học ở bên trời Âu hay Bắc Mỹ thì bay sang bên đó chơi với con cháu … Dĩ nhiên là bên cạnh những cảnh lên đường du lịch hồ hởi như thế cũng có những cảnh người dân quê chắt chiu từng đồng để mua được vé xe đò đi suốt mấy trăm cây số về thăm gia đình trong nỗi vất vả lao đao vì nạn vé lậu chợ đen chợ đỏ.


Nhưng cũng đúng là so với thời bao cấp (cả nước cùng nghèo) thì bây giờ ở thời hội nhập kinh tế toàn cầu (cả nước còn nghèo nhưng đã có sự hiện diện của các đại gia, thái tử đỏ, công chúa hồng) thì nỗi lo âu khắc khoải lại tăng lên. Xem ra vật chất càng cao chừng nào thì hạnh phúc lại càng rời xa chừng đó.


Người nghèo mạt thì bỏ làng bỏ quê lên tỉnh (vì bị mất ruộng đất trong những quy hoạch “phát triển đô thị”) làm lao động thuê để kiếm sống, từ hừng sáng đã vất vả chạy vạy đi tìm miếng cơm manh áo cho đến tối mù mới mò về căn phòng trọ ẩm thấp hôi hám ở ngoại ô, lúc nào cũng sống bất an khắc khoải vì có thể bị bất cứ quan lớn quan bé từ đầu trên xóm dưới bắt chẹt, từ thuế chợ đến thuế mặt bằng, đóng góp cho các hoạt động “tình nghĩa xã hội”, hôm nào vận rủi có thể bị công an đấm thẳng vào mặt và còng tay đem về bót hành cho bỏ ghét.


Người làm ăn khấm khá thì lúc nào cũng bất an khắc khoải vì các quan chức “nhà nước” ngồi trong phòng có máy lạnh chạy vù vù chẳng có gì làm … bèn đẻ ra vài luật lệ mới hay thuế má mới, kiểu “khi vui nó đậu khi buồn nó bay”, kiểu luật sau đá cẳng luật trước, người dân chỉ biết dở khóc dở cười.


Các đại gia thì lúc nào cũng phải “vất vả” đi đón gió để phất cờ: bất an khoắc khoải là vì nếu đón lộn gió hay phất cờ không đúng lúc … là có thể thân tàn ma dại như chơi.


Các quan lớn quan bé? Bé thì khoắc khoải chuyện nhỏ, lớn thì khoắc khoải chuyện to, lúc nào cũng phải cẩn thận đề phòng: bên ngoài thì toàn là đồng chí với nhau cả đấy nhé … nhưng quay lưng đi là …


Học sinh đi học mà cứ thấy bất an khoắc khoải vì chương trình giáo dục cứ toàn kiểu học như vẹt, càng nhớ nhiều càng tốt, nhưng không được phép suy luận, nhất là khi những suy luận đó dẫn đến những kết luận khác với các nội dung giáo khoa chính thống.


Cha mẹ chiều chiều giở sách giáo khoa ở trường của con mình mà lòng cứ thấy bất an khoắc khoải bởi những nội dung ngây ngô, thô thiển, và có khi làm hại đến thân thể của học sinh (như kiếu sách dạy bày tỏ dũng cảm bằng cách đi chân không lên mãnh ve chai bể !!!).


Sáng sớm lôi xe ra đường để đi làm là cả một cuộc hành trình đầy lo âu khoắc khoải: chạy đúng luật thì bị thằng khác nó tông vào (thí dụ như ngừng đèn đỏ), chạy phạm luật thì bị cảnh sát xin tiền. Có người vì von: lái xe đi đến nơi về đến chốn không cán trúng thằng nào mà chẳng thằng nào tông trúng mình … là coi như hôm đó …. hạnh phúc rồi.

Mỗi lần tiễn chồng con ra khơi đánh cá là lòng những người vợ, người mẹ bất an khoắc khoải trước hiểm họa bị "tàu lạ" tấn công ngay trong hải phận của đất nước mình đến toi cmạng sống. Còn nếu cứ loay hoay đánh bắt cá ở ven vùng biển thì lại khoắc khoải khi  thấy cả hàng tn cá chết vì bđầu độc nằm bốc mùi ở trên các bãi biển. Ra khơi cũng chết. Ở lại ven bờ cũng không sống được. Toàn là bất an và khoắc khoải,

Đng bằng nam bộ thì lần lần đang bngập mặn vì nước sông Cửu Long bị chận đâu từ thượng nguồn bên "xứ l" đ làm thủy điện: cả my chục triệu con người sống ven hai bờ sông Cửu Long đang cảm thấy bất an khoắc khoải vì môi trường sinh thái của hàng mấy thế k bổng nhiên bị mất quân bình ổn định và xáo trộn.


Có hôm nào xảy ra tai nạn rủi ro phải chở người nhà đi cấp cứu … là cả một chuổi lo âu khoắc khoải: lo âu từ lúc gặp cô y tá mặt mày cau có nói chuyện mà không thèm ngó bệnh nhân đến lúc gặp bác sĩ chỉ nói dăm ba chữ chẳng giúp người bệnh hiểu mình bị gì … rồi bắt về nhà sau khi đưa vài viên thuốc xanh đỏ kêu uống nhưng không cho biết là thuốc gì ? Tên gì ? Trị cái gì ? Chỉ phải biết nhắm mắt mà tin … Trong khi đó trong phòng cấp cứu la liệt đủ thứ hạng người máu me thương tích nằm chung quanh la lối om xòm: từ những tay xì ke ma túy đánh nhau đỗ máu đến dân nhậu xỉn rồi đập nhau bằng búa bằng dao, hay vợ chồng đánh nhau đổ máu đầu sứt trán chồng nằm bên băng ca này chửi vợ, vợ bên băng ca kia mắng lại chồng … Chỉ mong bác sĩ ok xong cho về nhà để ra rời càng sớm càng tốt cái địa ngục cấp cứu. Đó là chưa kể có khi dân đâm chém chúng nó lại kéo nhau cả đến phòng cấp cứu để tiếp tục hành hung người đã nằm trên băng ca … Bất an và khoắc khoải.


41 năm trôi qua. Lãnh đạo xứ sở này cũng đã thay đổi đến 3 thế hệ rồi … Nghe nói thu nhập bình quân kinh tế của mình cũng thuộc loại rồng rắn Á Châu chứ không phải chơi … Đi trên đường phố Sài Gòn bây giờ thấy xế xịn chạy không thua gì ở Paris hay New York. Nhà hàng khách sạn cao cấp mc lên như nấm. Có đại gia dám ăn một bữa cơm tối bằng cả lương hai ba tháng trời gộp lại của một người công nhân.


Nghe nhà nước nói thì đất nước đang phát triển đi lên, ngày một giàu. Nhưng cũng không hiểu vì sao mà người Việt lại vẫn cứ tìm cách ra đi. Hồi mới giải phóng thì nói vì sợ cộng sản nên bỏ chạy. Bây giờ chính những thái tử đỏ công chúa hồng lại tìm cách ra đi. Người nghèo khổ đi để tìm đất hứa thì còn hiểu nổi. Mà người giàu nứt vách cũng tìm cách đi (đem theo của cải) … thì không hiểu nổi. Hay đúng hơn là … hiểu … nhưng không biết giải thích như thế nào ?


Chắc có lẽ ở Việt Nam với đồng tiền (trong sạch hay dơ bẩn) người ta có thể mua được hết tất cả … kể cả quyền chức …. Nhưng có lẽ hạnh phúc là cái mà không ai mua được bằng tiền. Và người Việt Nam vẫn đang ào ạt bỏ đi vì họ vẫn phải tiếp tục đi tìm cái hạnh phúc nhỏ noi đơn thuần của một đời sống bình thường ở một đất nước văn minh ổn định, nơi con người biết tôn trọng lẫn nhau. 


Hạnh phúc nhỏ thế … mà ở Viêt Nam không tìm đâu ra. Họa chăng chỉ tìm thấy ở câu thần chú ghi phía trên của các mẫu đơn hành chánh.


Và 41 năm qua câu thần chú ấy cũng vẫn nằm yên lặng trơ trn trên các đống hồ sơ môt cách vô cảm. 


Thậm chí một cách mỉa mai !!!

Roma, 30/04/2016

29 tháng 4, 2016

Nếu như vụ ô nhiểm vùng biển ở Vũng Áng xảy ra ở bên Ý ?



Nước Ý theo thể chế Cộng Hòa, cơ cấu nhà nước được tổ chức theo mô hình “tam quyền phân lập” (lập pháp, hành pháp và tư pháp, hoàn toàn độc lập với nhau).

Nước Việt Nam cũng theo thể chế Cộng Hòa, cơ cấu nhà nước Việt Nam cũng được trưng bảng rằng tổ chức theo mô hình “tam quyền phân lập” giống như đa số các nhà nước cộng hòa trên thế giới.


Chỉ có điều đặc biệt là trong hiếp pháp Việt Nam có thêm “điều 4”: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc theo chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Diễn nôm ra là: Hiến pháp “thừa nhận” Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng không cần phải “xin phép” hay “tranh cử !!!” để có được đa số phiếu trong Quốc hội cho Đảng được lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 


Mở ngoặc. Các “thế lực thù địch” và chống phá nhà nước  khăng khăng cho rằng điều 4 của Hiến pháp chính là “giấy phép độc quyền” cho Đảng cầm quyền lãnh đạo.

Đây là điều cực kỳ đặc biệt trong một thể chế cộng hòa, có tam quyền phân lập, nghe nói có cả bầu cử Quốc hội nữa …. Chắc chỉ ở mấy nước rồng rắn mới có điều này trong Hiến pháp. Đóng ngoặc.


Thử tưởng tượng ra một vụ việc gây ô nhiểm môi trường to lớn như vụ vùng biển bị đầu độc ở Vũng Áng đang nổ ra mấy hôm nay ở miền Trung và làm cho cả nước bức xúc, nếu nó xẩy ra ở một quốc gia như Ý thì mọi mọi sẽ được diễn biến như thế nào ? (Thực ra thì ở Ý cũng đã có những vụ nhà máy gây ô nhiễm môi trường lớn, gần nhất là vụ nhà máy gang thép ILVA ở Taranto (Puglia)). Và từ đó so sánh với những gì đang diễn biến ở Viêt Nam mới thấy …. Cộng Hòa cũng có năm bảy kiểu Cộng Hòa, “tam quyền phân lập” cũng có trăm cách “phân lập” … Và từ đó để thấy cái bất cập của cái gọi là nhà nước pháp quyền của Việt Nam hiện nay.

 Ở Ý, nếu nổ ra một xì-căn-đang ô nhiểm môi trường (lớn hay bé cũng thế) thì đầu tiên là Tư pháp phải nhào vô điều tra cho ra lẽ. Tòa án địa phương nơi xảy ra vụ việc sẽ mở hồ sơ (dựa theo các tố cáo của bất kỳ nhân vật hay tổ chức nào đó) và huy động các lực lượng công an cảnh sát điều tra các chi tiết. Nếu cần phải có sự hợp tác của các chuyên gia thì chính phía bộ tư pháp sẽ có các đoàn điều tra chuyên môn đến hiện trường (dĩ nhiên nếu cần vẫn có thể mời các chuyên gia cố vấn bên ngoài vào cộng tác). Đó là Tư pháp. Mục tiêu của Tư Pháp là phải tìm ra manh mối điều tra để biết phải tìm ra nghi can, nhân chứng, và các tang vật để mở phiên tòa án xét xử vụ việc.


Song song đó, ngay trong Quốc hội (lập pháp) sẽ có đại biểu của các lực lượng chính trị, đối lập cũng như bên đa số, đứng lên chất vấn Chính phủ (hành pháp) về vụ việc ô nhiểm, và yêu cầu các Bộ có liên quan đến vấn đề phải đứng ra giải trình.


Nếu cần, Chính phủ sẽ phải lập tức đưa ra những kế hoạch trước mắt nhằm tạm thời giải quyết những bức xúc của người dân, ra lệnh phong tỏa những khu bị ô nhiểm, và …. đặc biệt ra lệnh tạm ngưng hoạt động các cơ sở hay nhà máy bị tình nghi gây ô nhiễm (chỉ mới bị tình nghi thôi đấy nhé). Dĩ nhiên là các lực lượng công an cảnh sát, các chuyên gia vệ môi trường của các Bộ sẽ được quyền vào bên trong các cơ sở hay nhà máy bị tình nghi khám xét và thậm chí tạm giữ các hồ sơ giấy tờ thông số tư liệu cần thiết của nhà máy để điều tra (bất kỳ nhà máy đó là của Ý hay của nước ngoài). Đôi khi công an cảnh sát cũng ra lệnh “phong tỏa” một số văn phòng “nhạy cảm” của nhà máy để tránh tình trạng đánh tráo các thông tin.


Trở lại phía tư pháp, có nhiều trường hợp quá đặc biệt, để tránh những nghi can có thể bỏ trốn hay phá hủy các bằng chứng, tư pháp có thể ra lệnh tạm thu hồi hộ chiếu, cấm xuất ngoại, và phải chịu sự kiểm soát đi đứng của công an cảnh sát. Đối với trường hợp người nước ngoài, thì bộ tư pháp Ý sẽ dựa theo các thỏa thuận tư pháp song phương của hai quốc gia mà làm việc.


Báo chí chỉ có vai trò thông tin, có thể có những nhận xét hay phê phán vụ việc đối với chính phủ hay một cơ quan nào đó, nhưng báo chí không bắt buộc phải đóng vai trò vừa đấu tranh vừa tố cáo vừa lên án vừa kết tội ….


Người dân bức xúc quá có thể đứng ra tổ chức các cuộc mít tinh xuống đường phản đối, thúc ép chinh phủ và các bộ, ban ngành phải nhanh chóng điều tra lôi thủ phạm ra tòa. Nếu cần thiết, chính phủ (thường là qua tay của Cơ quan phòng vệ dân sự - Protezione civile) đứng ra lo giải quyết những khó khăn trước mắt của người dân.


Từ đó, mọi việc sẽ phải “lớp lang” đi theo con đường của Bộ tư pháp vạch ra, vì gây ô nhiểm là một tội hình sự, do đó tất cả phải được xét xử qua các phiên tòa tìm ra đúng thủ phạm và để bảo đảm tránh tình trạng kết tội oan trái.


Đấy là những tuần tự có thể xẩy ra ở Ý, nơi có nhà nước Cộng Hòa với cơ chế tam quyền phân lập như đã nói trên.



Việt Nam cũng là một nhà nước Cộng hòa, cũng tuyên bố có cơ chế nhà nước tam quyền phân lập … Vậy thì chúng ta thử nhìn lại xem vụ việc gây ô nhiểm vùng biển ở Vũng Áng đã được các cơ quan chức năng nhà nước đối phó như thế nào.

Lễ khánh thành xây dựng nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa




Khoảng những ngày 22&23/04 báo chí bắt đầu đăng tin về việc khu Công nghiệp Vũng Áng nơi có nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa thải chất độc hại ra biển làm ô nhiểm toàn cả một vùng biển ở miền Trung. Nhưng trước đó cả tuần, người dân ở khu ven biển miền Trung đã chứng kiến hàng tấn cá biển chết vị ngộ độc nằm tràn đầy bãi biển bốc mùi hôi thúi.

Các ban bệ hành chánh phương ở Hà Tĩnh vẫn không có một động thái cụ thể nào trước tình trạng xảy ra. Thậm chí, khi bị báo chí truy vấn, một số quan chức công an cảnh sát ở Hà Tĩnh lại cho biết là theo … một quy luật đặc biệt dành cho Khu Công Nghiệp như Vũng Áng, cơ quan chức trách nhà nước Việt Nam không được xâm nhập vào nhà máy Hưng Nghiệp (???).

Báo chí bắt đầu cuộc chạy đua săn tin giật gân, đưa hàng loại tin tức nóng và những nghi vấn chồng chất bao quanh nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Đài Loan) ở Vũng Áng.

Phía chính phủ thì chỉ có các văn phòng ban ngành về môi trường, công nghiệp, lên tiếng nhưng cũng chỉ với những tuyên bố kiểu …. “đứng im đón gió” …. cứ như là đang đợi “trên” quyết định ra sao.


Cá biển chết vị ngộ độc



Điều đặc biệt là các lực lượng công an cảnh sát vốn rất hăng hái chống lại những phần tử “chống phá nhà nước” lần này cũng …. im re như chó bị bịt mõm, không dám mon men hó hé đến gần cổng nhà máy Hưng Nghiệp Formosa.


Nhưng điều đặc biệt nhất là … cả toàn bộ ngành tư pháp Việt Nam chẳng có một động thái chi cả: chẳng có một hồ sơ nào được mở ra để điều tra cho ra lý lẽ của vấn đề, chẳng có một nghi vấn hay nghi can nào được phía tòa án địa phương đưa ra. Nói chung là bên Tư pháp hoàn toàn án binh bất động chứ chẳng phải hăm hở như những lúc xét xử những người xuống đường tuần hành chống Trung Quốc, hay những blogger chống phá nhà nước. Vậy là coi như trong “tam quyền” thì đã có một “quyền” tạm thời bị cho ra rìa (trong khi chờ đợi quyết định của “trên”).


Điều đặc biệt thứ hai là ở bên phía Quốc Hội không nghe thấy có đại biểu nào đứng lên xin chất vấn chính phủ và các ban ngành về vụ việc đang nổ ra ở Vũng Áng. (Có thể tôi có sai sót, nhưng khi đọc báo đến bây giờ, tôi không thấy ghi nhận có động thái nào ở Quốc hội về vụ việc này). Thế là trong “tam quyền” đã có hai “quyền” tạm thời bị cho “nghĩ mát”.


Còn lại là phía chính phủ. Đến giờ phút này thì chỉ thấy các ban bộ ngành họp nhau, mà là họp kín, báo chí không biết chính phủ có những quyết định gì. Chỉ biểt là trong hàng chục cục, bộ, văn phòng …. mỗi nơi tự đi lấy nước biển về phân tích rồi thì …. mỗi cục, mỗi bộ, mỗi văn phòng đưa ra các thông số khác nhau …. Nên người dân chỉ biết là cá chết, rất có thể bị ngộ độc, nhưng ngộ độc bằng cái gì ….. thì chưa có thể kết kuận dứt khoát …


Trong khi đó nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa vẫn tiếp tục hoạt động, không một cơ quan chức năng nào của chính phủ trung ương hay địa phương yêu cầu nhà máy tạm ngưng hoạt động để khám xét – và như thế là trong vài ngày nữa, nếu chuyên gia của các ban ngành vào được bên trong nhà máy Hưng Nghiệp để khám xét … thì rất có thể các tang chứng đã được xóa bỏ hết rồi.


Báo chí vẫn tiếp tục cuộc săn đuổi tin tức, đồng thời đứng ra thay mặt nhân dân nói lên những bức xúc của mình: những ngư dân vùng biển chung quanh, những nhà nuôi thủy sản, những người lao động mua bán con tôm con cá, những cơ sở du lịch vùng biển … và nhất là an ninh sức khỏe của người dân.


Còn lại chung quanh chỉ là một sự im lặng vang dội từ bộ phận đầu nảo của Đảng (vốn có đặc quyền lãnh đạo nhà nước): không một tuyên bố, không một động thái, cứ như chuyện đâu đó trên cung trăng.


Im lặng vang dội không kém là “cơ quan quyền lực cao nhất nước” là Quốc Hội: không một thông cáo, không một tuyên bố, không một cử chỉ …. Cứ như chuyện đâu đó bên mấy xứ Ả Rập.


Im lặng đáng sợ của ngành tư pháp, cứ như đây không phải là một tội phạm hình sự, chẳng bằng tội đi buôn gánh bán bưng không giấy phép trên lề đường hoa lệ của chợ Bến Thành, hay đăng ký kinh doanh trễ …. Hay tệ hơn là tội xuống đường biểu tình chống Trung Quốc.


Trong tam quyền hiện nay chỉ có một quyền duy nhất lên tiếng: đó là hành pháp. Chính phủ cùng các ban nghành trung ương địa phương họp kín họp mật tuyên bô ào ào … và càng tuyên bố thì vấn đề càng thêm khó hiểu (chưa biết rõ các bị ngộ độc vì đôc tố gì ? Trong khi trong nước mỗi năm đẻ ra hàng trăm ngàn tiến sĩ phó tiến sĩ đủ ngành nghề chuyên môn ….).



Cũng là Nhà nước Cộng Hòa như ai, cũng tam quyền phân lập như ai, nhưng khi có nổ ra vụ việc trọng đại … thì muôn đời vẫn còn hiệu nghiệm câu nói một thời: “thì tại Việt Nam mình …. nó thế !!!”

Roma, 28/04/2016