29 tháng 4, 2016

Nếu như vụ ô nhiểm vùng biển ở Vũng Áng xảy ra ở bên Ý ?



Nước Ý theo thể chế Cộng Hòa, cơ cấu nhà nước được tổ chức theo mô hình “tam quyền phân lập” (lập pháp, hành pháp và tư pháp, hoàn toàn độc lập với nhau).

Nước Việt Nam cũng theo thể chế Cộng Hòa, cơ cấu nhà nước Việt Nam cũng được trưng bảng rằng tổ chức theo mô hình “tam quyền phân lập” giống như đa số các nhà nước cộng hòa trên thế giới.


Chỉ có điều đặc biệt là trong hiếp pháp Việt Nam có thêm “điều 4”: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc theo chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Diễn nôm ra là: Hiến pháp “thừa nhận” Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng không cần phải “xin phép” hay “tranh cử !!!” để có được đa số phiếu trong Quốc hội cho Đảng được lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 


Mở ngoặc. Các “thế lực thù địch” và chống phá nhà nước  khăng khăng cho rằng điều 4 của Hiến pháp chính là “giấy phép độc quyền” cho Đảng cầm quyền lãnh đạo.

Đây là điều cực kỳ đặc biệt trong một thể chế cộng hòa, có tam quyền phân lập, nghe nói có cả bầu cử Quốc hội nữa …. Chắc chỉ ở mấy nước rồng rắn mới có điều này trong Hiến pháp. Đóng ngoặc.


Thử tưởng tượng ra một vụ việc gây ô nhiểm môi trường to lớn như vụ vùng biển bị đầu độc ở Vũng Áng đang nổ ra mấy hôm nay ở miền Trung và làm cho cả nước bức xúc, nếu nó xẩy ra ở một quốc gia như Ý thì mọi mọi sẽ được diễn biến như thế nào ? (Thực ra thì ở Ý cũng đã có những vụ nhà máy gây ô nhiễm môi trường lớn, gần nhất là vụ nhà máy gang thép ILVA ở Taranto (Puglia)). Và từ đó so sánh với những gì đang diễn biến ở Viêt Nam mới thấy …. Cộng Hòa cũng có năm bảy kiểu Cộng Hòa, “tam quyền phân lập” cũng có trăm cách “phân lập” … Và từ đó để thấy cái bất cập của cái gọi là nhà nước pháp quyền của Việt Nam hiện nay.

 Ở Ý, nếu nổ ra một xì-căn-đang ô nhiểm môi trường (lớn hay bé cũng thế) thì đầu tiên là Tư pháp phải nhào vô điều tra cho ra lẽ. Tòa án địa phương nơi xảy ra vụ việc sẽ mở hồ sơ (dựa theo các tố cáo của bất kỳ nhân vật hay tổ chức nào đó) và huy động các lực lượng công an cảnh sát điều tra các chi tiết. Nếu cần phải có sự hợp tác của các chuyên gia thì chính phía bộ tư pháp sẽ có các đoàn điều tra chuyên môn đến hiện trường (dĩ nhiên nếu cần vẫn có thể mời các chuyên gia cố vấn bên ngoài vào cộng tác). Đó là Tư pháp. Mục tiêu của Tư Pháp là phải tìm ra manh mối điều tra để biết phải tìm ra nghi can, nhân chứng, và các tang vật để mở phiên tòa án xét xử vụ việc.


Song song đó, ngay trong Quốc hội (lập pháp) sẽ có đại biểu của các lực lượng chính trị, đối lập cũng như bên đa số, đứng lên chất vấn Chính phủ (hành pháp) về vụ việc ô nhiểm, và yêu cầu các Bộ có liên quan đến vấn đề phải đứng ra giải trình.


Nếu cần, Chính phủ sẽ phải lập tức đưa ra những kế hoạch trước mắt nhằm tạm thời giải quyết những bức xúc của người dân, ra lệnh phong tỏa những khu bị ô nhiểm, và …. đặc biệt ra lệnh tạm ngưng hoạt động các cơ sở hay nhà máy bị tình nghi gây ô nhiễm (chỉ mới bị tình nghi thôi đấy nhé). Dĩ nhiên là các lực lượng công an cảnh sát, các chuyên gia vệ môi trường của các Bộ sẽ được quyền vào bên trong các cơ sở hay nhà máy bị tình nghi khám xét và thậm chí tạm giữ các hồ sơ giấy tờ thông số tư liệu cần thiết của nhà máy để điều tra (bất kỳ nhà máy đó là của Ý hay của nước ngoài). Đôi khi công an cảnh sát cũng ra lệnh “phong tỏa” một số văn phòng “nhạy cảm” của nhà máy để tránh tình trạng đánh tráo các thông tin.


Trở lại phía tư pháp, có nhiều trường hợp quá đặc biệt, để tránh những nghi can có thể bỏ trốn hay phá hủy các bằng chứng, tư pháp có thể ra lệnh tạm thu hồi hộ chiếu, cấm xuất ngoại, và phải chịu sự kiểm soát đi đứng của công an cảnh sát. Đối với trường hợp người nước ngoài, thì bộ tư pháp Ý sẽ dựa theo các thỏa thuận tư pháp song phương của hai quốc gia mà làm việc.


Báo chí chỉ có vai trò thông tin, có thể có những nhận xét hay phê phán vụ việc đối với chính phủ hay một cơ quan nào đó, nhưng báo chí không bắt buộc phải đóng vai trò vừa đấu tranh vừa tố cáo vừa lên án vừa kết tội ….


Người dân bức xúc quá có thể đứng ra tổ chức các cuộc mít tinh xuống đường phản đối, thúc ép chinh phủ và các bộ, ban ngành phải nhanh chóng điều tra lôi thủ phạm ra tòa. Nếu cần thiết, chính phủ (thường là qua tay của Cơ quan phòng vệ dân sự - Protezione civile) đứng ra lo giải quyết những khó khăn trước mắt của người dân.


Từ đó, mọi việc sẽ phải “lớp lang” đi theo con đường của Bộ tư pháp vạch ra, vì gây ô nhiểm là một tội hình sự, do đó tất cả phải được xét xử qua các phiên tòa tìm ra đúng thủ phạm và để bảo đảm tránh tình trạng kết tội oan trái.


Đấy là những tuần tự có thể xẩy ra ở Ý, nơi có nhà nước Cộng Hòa với cơ chế tam quyền phân lập như đã nói trên.



Việt Nam cũng là một nhà nước Cộng hòa, cũng tuyên bố có cơ chế nhà nước tam quyền phân lập … Vậy thì chúng ta thử nhìn lại xem vụ việc gây ô nhiểm vùng biển ở Vũng Áng đã được các cơ quan chức năng nhà nước đối phó như thế nào.

Lễ khánh thành xây dựng nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa




Khoảng những ngày 22&23/04 báo chí bắt đầu đăng tin về việc khu Công nghiệp Vũng Áng nơi có nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa thải chất độc hại ra biển làm ô nhiểm toàn cả một vùng biển ở miền Trung. Nhưng trước đó cả tuần, người dân ở khu ven biển miền Trung đã chứng kiến hàng tấn cá biển chết vị ngộ độc nằm tràn đầy bãi biển bốc mùi hôi thúi.

Các ban bệ hành chánh phương ở Hà Tĩnh vẫn không có một động thái cụ thể nào trước tình trạng xảy ra. Thậm chí, khi bị báo chí truy vấn, một số quan chức công an cảnh sát ở Hà Tĩnh lại cho biết là theo … một quy luật đặc biệt dành cho Khu Công Nghiệp như Vũng Áng, cơ quan chức trách nhà nước Việt Nam không được xâm nhập vào nhà máy Hưng Nghiệp (???).

Báo chí bắt đầu cuộc chạy đua săn tin giật gân, đưa hàng loại tin tức nóng và những nghi vấn chồng chất bao quanh nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Đài Loan) ở Vũng Áng.

Phía chính phủ thì chỉ có các văn phòng ban ngành về môi trường, công nghiệp, lên tiếng nhưng cũng chỉ với những tuyên bố kiểu …. “đứng im đón gió” …. cứ như là đang đợi “trên” quyết định ra sao.


Cá biển chết vị ngộ độc



Điều đặc biệt là các lực lượng công an cảnh sát vốn rất hăng hái chống lại những phần tử “chống phá nhà nước” lần này cũng …. im re như chó bị bịt mõm, không dám mon men hó hé đến gần cổng nhà máy Hưng Nghiệp Formosa.


Nhưng điều đặc biệt nhất là … cả toàn bộ ngành tư pháp Việt Nam chẳng có một động thái chi cả: chẳng có một hồ sơ nào được mở ra để điều tra cho ra lý lẽ của vấn đề, chẳng có một nghi vấn hay nghi can nào được phía tòa án địa phương đưa ra. Nói chung là bên Tư pháp hoàn toàn án binh bất động chứ chẳng phải hăm hở như những lúc xét xử những người xuống đường tuần hành chống Trung Quốc, hay những blogger chống phá nhà nước. Vậy là coi như trong “tam quyền” thì đã có một “quyền” tạm thời bị cho ra rìa (trong khi chờ đợi quyết định của “trên”).


Điều đặc biệt thứ hai là ở bên phía Quốc Hội không nghe thấy có đại biểu nào đứng lên xin chất vấn chính phủ và các ban ngành về vụ việc đang nổ ra ở Vũng Áng. (Có thể tôi có sai sót, nhưng khi đọc báo đến bây giờ, tôi không thấy ghi nhận có động thái nào ở Quốc hội về vụ việc này). Thế là trong “tam quyền” đã có hai “quyền” tạm thời bị cho “nghĩ mát”.


Còn lại là phía chính phủ. Đến giờ phút này thì chỉ thấy các ban bộ ngành họp nhau, mà là họp kín, báo chí không biết chính phủ có những quyết định gì. Chỉ biểt là trong hàng chục cục, bộ, văn phòng …. mỗi nơi tự đi lấy nước biển về phân tích rồi thì …. mỗi cục, mỗi bộ, mỗi văn phòng đưa ra các thông số khác nhau …. Nên người dân chỉ biết là cá chết, rất có thể bị ngộ độc, nhưng ngộ độc bằng cái gì ….. thì chưa có thể kết kuận dứt khoát …


Trong khi đó nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa vẫn tiếp tục hoạt động, không một cơ quan chức năng nào của chính phủ trung ương hay địa phương yêu cầu nhà máy tạm ngưng hoạt động để khám xét – và như thế là trong vài ngày nữa, nếu chuyên gia của các ban ngành vào được bên trong nhà máy Hưng Nghiệp để khám xét … thì rất có thể các tang chứng đã được xóa bỏ hết rồi.


Báo chí vẫn tiếp tục cuộc săn đuổi tin tức, đồng thời đứng ra thay mặt nhân dân nói lên những bức xúc của mình: những ngư dân vùng biển chung quanh, những nhà nuôi thủy sản, những người lao động mua bán con tôm con cá, những cơ sở du lịch vùng biển … và nhất là an ninh sức khỏe của người dân.


Còn lại chung quanh chỉ là một sự im lặng vang dội từ bộ phận đầu nảo của Đảng (vốn có đặc quyền lãnh đạo nhà nước): không một tuyên bố, không một động thái, cứ như chuyện đâu đó trên cung trăng.


Im lặng vang dội không kém là “cơ quan quyền lực cao nhất nước” là Quốc Hội: không một thông cáo, không một tuyên bố, không một cử chỉ …. Cứ như chuyện đâu đó bên mấy xứ Ả Rập.


Im lặng đáng sợ của ngành tư pháp, cứ như đây không phải là một tội phạm hình sự, chẳng bằng tội đi buôn gánh bán bưng không giấy phép trên lề đường hoa lệ của chợ Bến Thành, hay đăng ký kinh doanh trễ …. Hay tệ hơn là tội xuống đường biểu tình chống Trung Quốc.


Trong tam quyền hiện nay chỉ có một quyền duy nhất lên tiếng: đó là hành pháp. Chính phủ cùng các ban nghành trung ương địa phương họp kín họp mật tuyên bô ào ào … và càng tuyên bố thì vấn đề càng thêm khó hiểu (chưa biết rõ các bị ngộ độc vì đôc tố gì ? Trong khi trong nước mỗi năm đẻ ra hàng trăm ngàn tiến sĩ phó tiến sĩ đủ ngành nghề chuyên môn ….).



Cũng là Nhà nước Cộng Hòa như ai, cũng tam quyền phân lập như ai, nhưng khi có nổ ra vụ việc trọng đại … thì muôn đời vẫn còn hiệu nghiệm câu nói một thời: “thì tại Việt Nam mình …. nó thế !!!”

Roma, 28/04/2016




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét