29 tháng 8, 2014

SMUPID



Nguyên tác bài này mang tên "SMUPID" của Giovanni De Mauro, đăng trên website của đặc san "Internazionale" 

Smupid, từ vựng mới này do nhà văn Douglas Coupland chế ra để đánh giá rằng thiên hạ hôm nay vừa “smart” mà cũng vừa “stupid” (vừa thông minh vừa ngu đần). Trong những năm gần đây đã có hàng tá sách viết về hiện tượng Internet đang làm thay đổi đời sống của nhân loại. Một trong những quyển sách cuối là quyển “The end of absence”, “Không còn vắng mặt”, của nhà báo Canada, Michael Harris.

Harris bắt đầu câu chuyện bằng cách nhắc đến định luật đầu tiên của Kranzberg, do chính nhà sử học Mỹ Melvin Kranzberg đưa ra: “Công nghệ tự nó chẳng tốt mà cũng chẳng xấu, nhưng công nghệ cũng không hẳn là trung lập”. Bắt đầu từ định luật kể trên, Harris bắt đầu tập trung vào một nhận xét: “chẳng bao lâu nữa sẽ chẳng ai còn nhớ thế nào là đời sống của thời tiền Internet”.

“Nếu bạn sinh ra trước năm 1985, thì chắc bạn có thể biết thế nào là cuộc sống khi chưa có và sau khi có Internet. Bạn đã có cơ hội để trải nghiệm từ thời “tiền” đến thời “hậu” Internet (còn nếu bạn sinh sau đẻ muộn, thì bạn đã không có cơ hội để nhận thức được thế giới thời “tiền” Internet). Những ai thuộc vào thế hệ “nữa trước nữa sau”, một chân thì đã nhúng vào đại dương kỹ thuật số (digital ocean) … còn chân kia thì vẫn đặt trên bờ, thường sống trong một cảm giác khoắc khoải để tìm cách thích nghi theo cái mới. Những người đó là những “dân nhập cư thời kỹ thuật số”, và cũng như những dân nhập cư khác, thường thì những người này không cảm nhận được sự đón tiếp nồng hậu của thế giới mới. Nói cho đúng ra thì ngay cả cái từ vựng “dân nhập cư thời kỹ thuật số” (digital immigrants)  cũng không chỉnh cho lắm: thông thường thì những người nhập cư tìm cách nhập quốc tịch mới, hoặc nếu không thì phải bỏ trốn để thoát khỏi những tệ nạn ngược đãi bức hại. Còn những người thuộc “dân nhập cư thời kỹ thuật số” thì lại vẫn muốn tiếp tục giữ chân lại trên quê hương của thời niên thiếu.




Thế rồi thời cuộc xoay vần .... đến một lúc nào đó thì người ta lại ngộ ra được rằng những “dân nhập cư thời kỹ thuật số” là những người sống trong một điều kiện ưu đãi đặc biệt. Nếu những “dân nhập cư thời kỹ thuật số” là những người duy nhất đã có những trải nghiệm về một đời sống trước khi Internet ra đời ... thì họ cũng chính là những người duy nhất nói được cả hai thứ tiếng. Họ là những người dịch giả duy nhất có khả năng “chuyển ngử” của thời “tiền” sang thời “hậu” Internet.

Trong khi đó con cái của những “dân nhập cư” nói trên không có khả năng cảm nhận được những thay đổi của cuộc sống “trực tuyến”, cũng như chúng ta đã không hình dung ra được những thay đổi trong cuộc sống sau khi Gutenberg phát minh ra chữ in thời thế kỷ XV.

Lịch sử nhân loại đã có những phát minh ... không phải chỉ đơn thuần là cải tiến ... mà nó còn làm đảo lộn cả cuộc sống. Nhng phát minh to lớn ấy nó được hòa tan vào bầu khí quyển của cuộc sống của con người. Và khi nó đã hòa tan vào khí quyển ... thì dễ mấy ai nhận ra được những thay đổi đó ?

Roma, 29/08/2014

chuyển ngữ

19 tháng 8, 2014

Vũ khí Mỹ và Việt Nam !!! Thế sự đổi dời !!!



Năm 1964 Mỹ bắt đầu một cuộc chiến làm thiệt mạng hai triệu người. Để rồi bây giờ chính Mỹ lại rao bán vũ khí cho Hà Nội. Và các thân nhân của những nạn nhân của cuộc chiến phản đối: “Tôi có cảm giác như con tôi chết hai lần”. Một người mẹ đã nói nhu thế trên truyền hình. Quyết định của Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam nằm trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc.

Nguyên tác bài này có tựa đề "Le armi USA al Vietnam così la storia si ribalta" của Vittorio Zucconi, đặc phái viên của nhật báo "la Repubblica" ở Washington, ngày 18/08/2014.



Tháng 8 năm 1964, sau vụ tai nạn ở vịnh Bắc Bộ, Mỹ đã bắt đầu mở cuộc chiến tranh tấn công Hà Nội. Hình ảnh lịch sử tăng tốc. Tháng 8 năm 2014, Mỹ muốn trang bị quân sự cho Hà Nội mà Mỹ trước đó đã phải trần ai đổ xương máu tiền của với lòng mong muốn đánh bại nó. Đúng nữa thế kỷ trôi qua và ít nhất là hai triệu người đã thiệt mạn trong cuộc chiến. Tính bi hài của lịch sử và các ích lợi nhất thời đã đang làm thay đổi kịch bản. Và người chết ... chết hai lần.

Ngọn gió cứ liên tục vuốt nhẹ lên 58 ngàn 286 cái tên được khắc vào phiến đá granit đen: the Wall, bức tường, bia đá tưởng niệm những lính Mỹ đã ngã xuống trong “cuộc chiến tranh lần thứ hai ở Đông Dương” như người ta vẫn thường nói. Trong những weekend cuối hè này gió vẫn hay làm lay động những tờ giấy trắng và làm run rẩy những bàn tay của những đứa trẻ còn rất bé hay những cụ đã rất già đang tìm cách “can-kê” lại tên của nội ngoại, của chồng con, của người thân, của bè bạn đã ngã gục trong một cuộc chiến như bao nhiêu cuộc chiến khác chỉ để nhằm ngăn chận tất cả mọi cuộc chiến.



 The Wall

“Tôi có cảm giác như thằng George nhà tôi chết hai lần”. Bà mẹ bát tuần của trung sĩ Maynardi đã tuyên bố như thế trên một đài truyền hình địa phương.

“Thằng Lee tình nguyện sang Việt nam và hắn đã chết ở Campuchia trên tay tôi trong khi còn ôm cả mớ ruột trong tay ... chỉ vì hắn được lệnh phải tìm cách ngăn chận tuyến đường vận chuyển vũ khí của miền Bắc vào cho Việt cộng trong Nam”. Một cựu chiến binh hồi tưởng lại như thế trong khi ông ta đang “can-kê” tên của trung úy Lee Unger. “Và để bây giờ Obama lại muốn tiếp tế vũ khí cho Hà Nội”. Và ông ta cười gượng: “Chính chúng ta, trong đó có những người đã hy sinh, là những người đã tìm cách ngăn chận đường mòn Hồ Chí Minh ... để rồi bây giờ cũng chính chúng ta đang muốn mở lại con đường mòn ấy ... có điều là đổi hướng con đường”.



Nhng thương nhớ chua xót, những hối tiếc đau buồn, những thù ghét chua cay của những người còn sống, cũng như sự im lặng của những người đã chết, cũng không thể nào ngăn cản được những nước đi của “ván bài quốc tế”, không thể nào đi ngược lại thực tế, đi ngược lại cái mà người ta vẫn gọi là “Chính trị thực dụng”, trước một quốc gia trên dưới 100 triệu người vẫn còn mang trên vai niềm tự hào cộng sản nhưng đồng thời cũng đã trở thành con bài chủ chốt của bàn cờ “Risiko” Á Đông giữa Mỹ và Trung Quốc. Chuyến công du của Tổng tư lệnh Quốc phòng Mỹ, tướng Martin Dempsey, sang Hà Nội, nơi mà trước kia các pháo đài bay B52 đã trút lên đó 600 ngàn tấn bom, đã đánh dấu bước ngoặc từ bình thường hóa quan hệ và “hòa giải” mà Bill Clinton đã tiến hành từ năm 1995 cho đến đề nghị hợp tác, gần như là một đồng minh quân sự trên thực tế, được chính thức hóa xuyên qua quyết định xóa bỏ cấm vận về vũ khí sát thương cũng như khả năng mà Mỹ có thể bán cho Việt Nam những đoàn hải thuyền nhỏ nhưng hiện đại để bảo vệ lãnh hải.

Tất cả đều nằm trong chính sách kiềm chế Trung Quốc, để lôi kéo Việt Nam ra khỏi quỹ đạo “bảo hộ” của Trung Quốc và, cùng với Nhật, Philippines, và tận đến cái xứ xa xôi Úc Đại Lợi, nơi mà lần đầu tiên kể từ sau Đệ II Thế chiến Thủy Quân Lục Chiến của Mỹ đã được gởi đến, để tạo ra thế đối trọng và canh phòng chống lại chính sách bành trướng của một Bắc Kinh đầy tham vọng.

Lịch sử vẫn thường hay để lại những vết tích đầy mỉa mai cay đắng. Quyết định bán những đội hải thuyền nhỏ, nhưng được trang bị vũ khí hiện đại tối đa, hiện đại hơn những chiếc tàu sắt từ thời Liên Xô mà hải quân Việt Nam đang dùng để chơi trò “bịt mắt bắt dê” chống lại lực lượng hải quân hùng hổ của Trung Quốc trên vùng biển Hoa Nam đang có tranh chấp, tức là vùng biển đã xẩy ra vụ việc mà Mỹ đã vin vào đó như cái cớ để mở một cuộc chiến giữa Mỹ và Việt Nam. Đó là vụ việc xẩy ra hồi tháng 8 năm 1964, chưa đến một năm kể từ sau khi Tổng thống John F. Kenedy bị ám sát, vị Tổng thống trước đó đã đang còn ngập ngừng lưỡng lự phân vân chưa biết có nên đổ quân vào cuộc chiến nam-bắc ở Việt Nam hay không, thì ở ngay vịnh Bắc Bộ tàu khu trục Mỹ “Maddox” tuyên bố là bị hải quân Bắc Việt Nam tấn công bằng ngư lôi. Sau đó thì ai cũng biết đấy là một sự kiện ngụy tạo, hỏa mù sa mưa, nhưng nó cho phép Lyndon Jhonson có được cái cớ để Quốc hội Mỹ phải bật đèn xanh mở màn cho các hoạt động tấn công Việt Nam. Thật ra chỉ là một “tai nạn”, mà sau này thiên hạ gán cho nó cái tục danh là “cuộc chiến hư ảo của những bóng ma”.

Nhưng ngược lại lần này thì phản ứng giận dữ của Bắc Kinh chẳng “hư ảo” tí nào: Cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc, tờ “Nhân Dân Nhật Báo”, đã lớn tiếng tố cáo Mỹ là .... đang ... “nước đục thả câu” và muốn dựng lên một bức tường với các liên minh kình chống Trung Quốc ngay trên biển Hoa Nam vốn được Trung Quốc coi như ao nhà của mình.

Trong ván cờ cực kỳ quan trọng, đối với các tuyến đường vận tải hàng hải với các tài nguyên thiên nhiên nằm dưới đáy biển Trung Quốc đã bắt đầu muốn khai thác khi đem hạ đặt cái giàn khoan ngay trong vùng biển thuộc lãnh hải của Việt Nam, Hà Nội đang trở thành “la Regina”, "the Queen".

Việt Nam vốn có biên giới “liền núi liền sông” với Trung Quốc mà vào những thập niên 80 hai bên đã nã đạn vào nhau một cách kịch liệt. Về mặt trang bị vũ khí và phát triển kinh tế Việt Nam, dù rằng đang trên đà phát triển, hiện nay vễn còn lệ thuộc rất nhiều vào anh láng giềng khổng lồ. Thu nhập bình quân hàng năm của Việt Nam chỉ có 1900 đô-la, thấp hơn 18 lần so với Ý.

Với căn cứ hải quân to lớn ở vịnh Cam Ranh, do chính Mỹ xây dựng để phục vụ cuộc chiến tranh ở Việt Nam trước đây, Việt Nam đang nắm chìa khóa của tuyến đường biển mà hai phần ba tàu dầu khổng lồ trên thế giới bắt buộc phải chạy ngang qua.

Việt Nam không thể ra mặt đối kháng Trung Quốc, bởi vì dẫu sao đây cũng là anh chàng láng giềng khổng lồ cùng ở một tầng trong chung cư Đông Nam Á.

Trung Quốc thì lúc nào cũng phải khăng khăng nắm chặt Việt Nam, để Việt Nam không rơi vào vòng tay các đạo quân liên minh của Mỹ, nhưng Trung Quốc cũng không thể nào “trang bị tận răng” cho Việt Nam, bởi vì Trung Quốc cũng sợ ngày nào đó súng ống của Trung Quốc lại được sử dụng để chống lại lợi ích của Trung Quốc.

Mỹ thì cần Việt Nam, để kiềm chế chính sách bá quyền của Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương, nhưng Mỹ cũng không thể nào ra mặt thách thức Trung Quốc bởi vì Mỹ cũng cần Trung Quốc, vốn là nhà cung cấp lao động rẽ tiền cho Mỹ và là chủ nợ nhà nước của Mỹ.

Tóm lại là không con bạc nào trong canh bài “Great Game” ở Châu Á có thể cho phép mình đi những nước bài phiêu lưu có khả năng đe dọa các vị trí trọng yếu của mình và có thể làm nghẻn các tuyến đường hàng hải vận chuyển dầu khí.

Hôm nay trên Thái Bình Dương chẳng có sự kiện gì cho phép người ta có thể liên tưởng đến những huyền thoại, những nỗi hãi hùng, những tính toán sai lầm, những lý thuyết kiểu domino” mà một thời đã làm thiệt mạng hàng triệu người Việt Nam, giữa Bắc và Nam, và 58 ngàn thanh niên Mỹ.

Nhưng ngược lại những tính toán thực dụng vô lương vẫn không hề thay đổi. Cũng như chính Henry Kissinger đã diễn giải với câu nói để đời của Thủ tướng Anh Lord Palmerston, khi ông này bị chất vấn về những quyết định bất nhất của mình với những cú xoay chiều trở mặt trên các thế cờ chiến lược, “Chẳng có bè bạn hay kẻ thù nào là vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”.

Trên bức tường thương tiếc ở Washington, và nằm ngay bên kia bờ sông Potomac là những cây thánh giá rải đều trên đồi Arlington, những ngọn gió thổi vù vù mang theo sự vô dụng của những cuộc thảm sát cùng với sự chiến thắng chắc chắn của những lợi ích riêng tư.

Roma, 19/08/2014


1 tháng 8, 2014

l'Unità

Kể từ hôm nay, 01/08/2014, tờ "l'Unità", cơ quan ngôn luận lịch sử của đảng PCI, rồi đảng DS, rồi đảng Dân Chủ ... đã bắt đầu đình bản.

Trên tờ "la Repubblica" hôm nay, trong mục "l'Amaca" (trang 29), Michele Serra, vốn đã từng bắt đầu chập chững vào làng báo làm với tờ "l'Unità đã có một bài viết rât cảm động (có thể đọc ở đây  http://triskel182.wordpress.com/2014/08/01/lamaca-del-01082014-michele-serra/)

Dù rằng bài viết nói về cái chết của một tờ báo đảng, nhưng nội dung của nó đi xa hơn một tờ báo ... nó nói đến cái chết của một thế giới ngày nào ....

Dưới đây là bài chuyển ngữ ra tiếng Việt.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Các bạn bè thân mến của “l’Unità” (cả những người làm báo lẫn những người đọc báo), tôi lớn lên trong thâm tình của các bạn và cũng qua các bạn mà tôi đã xây dựng cho chính mình cái nền tảng văn hóa và cái tình người trong tôi. Dĩ nhiên là tôi cũng rất lấy làm đau buồn trước cái bức tử của tờ báo (vốn cũng đã được tiên liệu trước, ít ra cũng đã trên dưới hai thập niên trở lại đây).  Nhưng tôi xin các bạn cũng đừng chạy vạy đi tìm thủ phạm cho cái chết này ... vì nguyên nhân cái chết chỉ là thời gian ngày qua ngày trôi đi, và trút bỏ hết những gì mà chúng ta đã tìm cách tạo dựng một cách kiên trì với sự đam mê.




Trang đầu của tờ "l'Unità" ngày 01/05/1975



Chính trị, đảng phái, nhật báo: đấy là “bộ ba” yếu tố đã soi sáng tuổi trẻ cho những ai hôm nay đang ở vào giai đoạn “ngũ niên giai lão” hay già hơn nữa. Đố các bạn thử tìm ra được một người dưới tuổi ba mươi lăm còn cho rằng đảng phái hay nhật báo là những yếu tố quan trọng trong quá trình đào tạo bản sắc của họ. Nói chi đến báo đảng. Đố các bạn tìm ra được người nào còn tha thiết với một tờ báo như chúng ta đã tha thiết nó, tha thiết đến độ mà sáng sớm vừa mở mắt thức dậy là đã phóng nhanh ra sạp báo để “có dưới nách” hay “trong túi quần” ... tờ báo đảng.  Dù rằng hồi đó chúng ta cũng không dư giả gì, nhưng với giá (báo) nào đi nữa chúng ta cũng chẳng thấy nhằm nhò gì so với cái may mắn được cảm nhận là “thành phần của một cộng đồng”. Còn bây giờ, trong cái đại dương tràn ngập thông tin mà chúng ta cứ tha hồ vớt lên đầy tay, lại còn miễn phí, thì một cắc, chỉ một cắc bạc thôi, chúng ta cũng đã thấy nặng như chì. 


Bây giờ “bản sắc” là chuyện hão huyền, bọn trẻ ngày nay chúng nó phướt trên mạng để đi tìm “bản sắc”, hay lay hoay trong các “mạng xã hội” tràn ngập trong những lúc trà dư tữu hậu, hoặc bất cứ đâu đó mà chúng nó muốn, thậm chí chúng nó cũng chẳng thèm đi tìm “bản sắc”, bởi vì ngày nay nội cái chuyện không bị chết chìm chết trôi trong vũng lầy khủng hoảng hôm nay cũng đã là một cố gắng nhiệm mầu rồi.

Dĩ nhiên chuyện tờ “l’Unità” bức tử cũng không phải là tận thế. Nhưng cái thế giới của chúng ta đã tận thế. Bây giờ mỗi chúng ta lại càng thêm cô đơn và càng thêm mất hướng: có lẽ chính vì thế mà chúng ta cần phải tìm cách trở lại thời niên thiếu, ngay đối với những “bô lão” đã già, và biết đâu đấy là điều tốt, tốt cho tất cả chúng ta. 



Roma, 01/08/2014