3 tháng 7, 2015

Đàn bà thời hậu chiến, đàn bà thời hậu hiện đại !!!



Độ một tháng trước, khi các đám mây đen dự báo về Grexit, kịch bản nhà nước Hy Lạp vỡ nợ và “tận thế” của đồng Euro, đã bất thần ùn ùn kéo đến làm xám xịt cả bầu trời Châu Âu, Romano Prodi đã tuyên bố: “Bây giờ thì đã quá rõ ràng: Hy Lạp chẳng có tiền để trả nợ. Mà chuyện này thì ai cũng (đã) biết. 25% người Hy Lạp thất nghiệp, thu nhập lợi tức xuống dốc thê thảm hơn các dự đoán của các chuyên gia về chính sách thắt lưng buộc bụng. Hy Lạp không có “ngỏ thoát” xuyên qua xuất khẩu như trường hợp của Ý: xuất khẩu của cả Hy Lạp còn thấp hơn xuất khẩu của (một) vùng Reggio Emilia ở Ý; ngân sách Hy Lạp phần lớn dựa vào các dịch vụ của các cảng hàng hải, một vài hoạt động xây dựng các làng du lịch, chủ yếu vẫn dựa nhiều vào du khách. Chỉ cần thu nhập của toàn bộ xã hội xuống là cả nền kinh tế “chìm xuồng” (cái này cũng không phải chỉ riêng Hy Lạp. 




Nền kinh tế hậu hiện đại dựa trên tiêu dùng – tiêu dùng thực và tiêu dùng giả tạo – là thế: nếu xã hội không có sức mua thì cả nền kinh tế đi đời). Trong những tháng gần đây, các cuộc “đàm phán” giữa Hy Lạp với “bộ tam” (troika FMI, BCE và Ủy Ban Châu Âu) là cả một ván xì phé khổng lồ: bên nào cũng tính là đối phương sẽ nhân nhượng …. Giá như Đức (đầu tàu Châu Âu) đã thực sự muốn giải quyết vấn đề Hy Lạp ngay từ đầu … thì có lẽ mọi chuyện sẽ được dàn xếp với “kinh phí” khoảng 30-40 tỉ Euro. Còn bây giờ, để giải quyết chuyện Hy Lạp thì “kinh phí” sẽ gấp mười lần”

Bây giờ thì số phận người dân Hy Lạp như ngàn cân treo sợi tóc. Cũng bởi vì Madame Christine Lagarde, một chị phụ nữ có dáng rất “quyến rũ”, nhưng cũng rất “hữu khuynh”, lãnh đạo ngân hàng tài chính thế giới (FMI) duy nhất chuyên vận áo da cao cấp kiểu mấy tay đua xe gắn máy (kiểu Johnny Hallyday của điện ảnh Pháp vào những thập niên 60), chỉ muốn làm nhục tay Bộ trưởng kinh tế tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis, cũng là một tay chuyên vận áo da cao cấp đầy đinh sắt kiểu mấy tay đua xe gắn máy, chỉ vì tay này “tả khuynh”.

 Christine Lagarde

Kể cũng lạ: cả một hệ thống tiền tệ Châu Âu đang có nguy cơ sụp đỗ chỉ vì chuyện vỡ nợ to bằng … vài cái xe tải chở container chứa phô-mai parmigiano của vùng Reggio-Emilia của Ý …. Và giá như mấy năm trước FBI của Mỹ đừng để nổ ra vụ “xâm phạm tính dục” đã khiến Dominique Strauss Kahn bị loại ra khỏi “board” của FMI … thì chắc mụ Christine  Lagarde cũng chẳng được ngồi chiễm chệ tìm cách hạ nhục Yanis Varoufakis. Cái tay Dominique Strauss Kahn chắn hẳn là một “con heo”, một thứ “già không nên nết”, nhưng có điều hắn là Chủ tịch FMI đầu tiên “tả khuynh”, và hắn cũng đã có tính một kế hoạch để đưa Hy Lạp ra khỏi cơn khủng hoảng mà không cần hành hạ Hy Lạp như “bộ tam” đã làm mấy năm nay (và không có kết quả - kiểu thầy thuốc cứ cho uống trụ sinh ngày càng nhiều … mà cơ thể bệnh nhân đã đang kiệt sức).

Kể cũng lạ cái nền kinh tế toàn cầu hậu hiện đại. Lấy ví dụ trường hợp của Ý. Năm 2012 Ý cũng đang đứng trên bờ vực thẩm vỡ nợ như Hy Lạp hiện nay: tất cả các công trái phiếu nhà nước Ý đang trở thành giấy vụn …. Và đương kim Thủ tướng Ý lúc đó là lão Silvio Berlusconi thì lại chỉ cứ lo trả tiền luật sư và “mấy em” để giải quyết mấy chuyện xì-căn-đan “già chơi trống bỏi” thay vì lo tìm cách làm hạ hỏa chỉ số spread thời đó. Chuyên gia kỹ trị Mario Monti, một kiểu “Phù Đổng Thên Vương hậu hiện đại” đã leo lên ngựa sắt …. và giải quyết nhanh chóng khủng hoảng của Ý không cần phải tạo ra những bi kịch Hy Lạp … và cả “bộ tam” đều vỗ tay khen Phù Đổng Thiên Vương. Có điều là hôm nay cái cách giải quyết nhanh chóng của Phù Đổng Thiên Vương Mario Monti lại để lòi ra những hệ lụy: có hai bản tuyên án của Tòa án Tối Cao Hiến Pháp xử “vi hiến” hai đạo luật của chính phủ Mario Monti: luật ngăn chận lương hưu trí được tăng theo thời giá (indicizzazione) và các hợp đồng lao động của giới nhân viên nhà nước. Té ra chính mấy cụ già hưu trí và đám nhân viên nhà nước đã “xì ra” 50 tỉ Euro để “cứu” nước Ý ra khỏi vc thẩm vỡ nợ. Tương đương với khoảng bảy lần xuất khẩu của vùng Reggio-Emilia (hay của nền kinh tế xuất khẩu Hy Lạp). Dĩ nhiên những so sánh như trên rất khập khễnh, và chắc mấy chuyên gia kinh tế tài chính cũng bịt mũi thôi, nhưng những so sánh đó cho phép người ta thấy những cái “khập khễnh” của nền kinh tế tài chính thế giới hậu hiện đại … và nhất là những bất công của thế giới văn minh hiện đại hôm nay (với những tuyên bố nhân quyền hoành tráng). Một thế giới mà mụ Veronica Lario (chắc mọi người còn nhớ Veronica Lario chứ ? Vợ cũ của cái lão “già chơi trống bỏi”) sẽ đem về nhà trong vòng ba mưới năm tới gần 500 triệu Euro, tiền mà Silvio Berlusconi phải “bồi thường” cho mụ, tức là tương đương với khoảng phân nữa số tiền xiết nợ Hy Lạp của mụ Christine  Lagarde.

 Silvio Berlusconi và Veronica Lario

Người ta còn nhớ vào thời hậu chiến, đúng 70 năm trước, ngày 14/07/1945, những người công nhân phụ nữ ở Torino đã đình công và biểu tình chiếm trụ sở của “Unione Industriale” (tiền thân của Confindustria bây giờ) để đòi …. được hưởng lương ngang với các đồng nghiệp nam giới. Và họ cũng đã được điều kiện đó.


 Công nhân phụ nữ đình công biểu tình trước "Unione Industriale" ở Torino ngày 14/07/1945


70 năm trước. Đàn bà thời đó, khác với đàn bà bây giờ. Bây giờ chỉ cần kiếm đúng một tấm chồng … là coi như thu nhập, nếu muốn, có thể trang trải nợ nần cho cả nước Hy lạp.

Đó là đàn bà thời hậu chiến … Còn bây giờ là đàn bà thời hậu hiện đại.

Roma, 03/07/2015