7 tháng 2, 2012

Bác sĩ và đám y tá vô duyên. (phần II - Điều luật lao động số 18)


Mấy tuần nay cả nước Ý, từ chính phủ đến các đảng phái chính trị, từ phía công đoàn đến hiệp hội doanh nhân, câu chuyện đầu môi là cái điều luật 18 trong bộ luật lao động hiện hành ở Ý.

Điều luật lao động 18, ra đời năm 1966, còn được gọi là điều luật “cấm sa thải lao động nếu không có lý do chánh đáng” (vieto di licenzamenti senza giusta causa).

Về mặt pháp lý thì điều luật 18 này chỉ có hiệu lực đối với cơ sở sản xuất có từ 15 nhân công trở lên hoặc các công ty có trên 60 nhân viên. Điều này có nghĩa là những cơ sở sản xuất nhỏ, kiểu tiểu thủ công nghiệp, thường chỉ có một hay hai lao động ... thì coi như điều luật này không có hiệu nghiệm.

Đứng về mặt nguyên tắc thì điều luật 18 được đẻ ra để bảo vệ giới lao động, tránh trường hợp bị sa thải vì những nguyên nhân khủng hoảng kinh tế hoặc doanh nhân muốn giảm chi phí lao động khi gặp khó khăn trong sản xuất.

Nhưng trong khoảng 10 thập niên trở lại đây, khi nền kinh tế toàn cầu đã khiến đại bộ phận các công ty ở Tây Âu đã “di tản” các bộ phận sản xuất sang những nước “rồng rắn”, hoặc các quốc gia Đông Âu cũ, để giảm giá sản xuất: lao động rẽ hơn và không được bảo vệ, các yêu cầu về môi trường “thông thoáng” hơn (hay là không có, hoặc có mà được “làm ngơ”), luật pháp “linh hoạt” hơn (hoặc chỉ cần “bao bì” là giải quyết ổn thỏa). Tình trạng đó khiến các cơ sở sản xuất ở nước Tây Âu lâm vào tình trạng khủng hoảng và con số dư thừa lao động trở thành “vấn nạn” cho các doanh nhân.

Một trong những phương hướng giải quyết (cho doanh nhân), là phải tìm cách giảm lao động một cách hợp pháp: và điều này có nghĩa là cần phải bỏ (hay ít nhất là thay đổi) điều luật lao động 18.

Một trong những lý lẽ mà chính phủ và phía hiệp hội doanh nhân Ý đưa ra là chính điều luật 18 trên thực tế đã trở thành một thứ “hôn nhân cấm ly dị” trói buộc người doanh nhân với người lao động, đã là động cơ chánh khiến nền kinh tế Ý không phát triển, thậm chí ngăn cản các doanh nhân nước ngoài đầu tư vào nước Ý: vì doanh nhân nào cũng sợ mở rộng đầu tư trong lúc nền kinh tế đang lên rồi sau đó không có điều kiện giảm lao động khi tình hình khó khăn.

Một số chuyên gia về thị trường lao động cũng “ta thán” rằng chính điều luật 18 là “gậy ông đập lưng ông” cho chính giới lao động: bởi vì không được quyền sa thải nên những lúc có yêu cầu lao động người doanh nhân cũng không dám thâu thêm nhân công, đưa đến tình trạng thiếu hụt “giả tạo” công ăn việc làm.

Thực ra trên thực tế, trong khoảng 2 thập niên cuối này, các khe hở của luật pháp vẫn cho phép các công ty “nhảy rào” luật 18 một cách rất hợp pháp. Một trong những “thủ thuật” để sa thải nhân công là chỉ cần “bán” (hay còn gọi là “tách” – dịch theo từ vựng kinh tế “scorporare” lấy từ chữ “spin-off” của Mỹ) một bộ phận nào đó của công ty sang một công ty con, thường vốn được chính công ty mẹ nặn ra với chủ đích là cho công ty con phá sản. Khi công ty con, nơi mà các công nhân được “tách” sang, phá sản ... thì chẳng cần sa thải ai cả ... các công nhân “được” tha hồ mất việc mà chẳng kiện cáo vào đâu được cả.

Ngoài ra, còn có đòn “dã man” hơn là ... ép người lao động phải ký “trắng” trước đơn xin từ chức mà không đề ngày tháng. Khi nào cần giảm nhân công, doanh nhân chỉ lôi đơn ấy ra, điền ngày tháng ... thế là ... chính người lao động từ chức chứ chẳng ai sa thải ai cả.

Thủ tướng kỹ trị Mario Monti


Bây giờ chính phủ kỹ trị Mario Monti đang mở một cao trào gọi là “cải tổ thị trường lao động”, trong đó có điều luật 18 cần phải được xóa bỏ. Theo lối lý luận của Mario Monti thì chỉ cần có một thị trường lao động linh hoạt (flessibile) thì tình hình kinh tế sẽ sáng sủa ngay. Mà muốn linh hoạt thì phải bỏ điều luật 18. Và chính phủ đã tuyên bố là dù bên công đoàn có đồng ý hay không ... chính phủ vẫn nhất quyết cải tổ thị trường lao động. Chó sủa mặc chó.

Emma Marcegaglia, chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Ý


Dĩ nhiên là phía công đoàn đang ầm ỉ hô hoán chính phủ đang “cả vú lấp miệng em”, và tuyên bố sẽ đấu tranh “đến giọt máu cuối cùng” (của ai ?) để giữ điều luật 18.

Thật ra thì không ai biết rõ, và chính chuyên gia kỹ trị Mario Monti cũng chưa hề minh chứng được rằng có sự tương quan cầu kích giữa “tự do sa thải” và “phát triển kinh tế”. Bởi vì nếu có sự tương quan cầu kích ấy thì những nước như nước Mỹ, vốn có một thị trường lao động cực kỳ linh hoạt, sao lại có những chu kỳ khủng hoảng kinh tế ? Vã lại nếu so sánh giữa Ý và Đức chẳng hạn, theo luật lao động của Đức thì người nhân công được bảo vệ hơn ở Ý, nhưng có phải vì thế mà nền kinh tế của Đức trì trệ đâu ? Đức vẫn đang là nước đầu tàu của Châu Âu đấy chứ, dù rằng lương lao động của Đức vẫn còn cao hơn ở Ý.

Susanna Camusso (CGIL) - Raffaele Bonanni (CISL) - Luigi Angeletti (UIL)

Thực ra thì câu chuyện “lao động” chỉ là một cái cớ để chính phủ và giới doanh nhân đưa ra để che lấp những sai trái trong quá trình phát triển nền kinh tế tài chánh “ảo” trong thời gian qua, để che dấu những thiếu sót của chính giới doanh nhân trong các quyết định đầu tư vào nghiên cứu công nghiệp cao, để che dấu những lề lối ăn vạ vào nhà nước của phường hội kinh tế ...

Nhưng bỏ qua một bên những luận điệu xảo trá của chính phủ và của giới doanh nhân, thực chất của vấn đề hiện nay là phải làm sao gia tăng được yêu cầu mua sắm nội địa hay gia tăng xuất khẩu, chỉ có cách đó thì nền kinh tế mới phục hồi và phát triển ... và lúc đó vấn đề lao động mới được giải quyết. Và chính chuyên gia kỹ trị Mario Monti cũng thừa biết chuyện này.

Nền kinh tế trì trệ, thị trường nội địa mất khả năng mua sắm ... thế mà chính phủ, doanh nhân và công đoàn cứ ngồi cải nhau về điều luật 18.

Khi mà không có công ăn việc làm ... thì luật 18 cũng chẳng bảo vệ được người không có công ăn việc làm.

Bệnh nhân đang gần chết cần thuốc, thế mà bác sĩ và đám y tá cứ ngồi cải nhau rằng ... có nên có luật ... bảo vệ bệnh nhân hay không ? Sợ rằng khi có luật bảo vệ bệnh nhân .... thì bệnh nhân cũng đã được đi đào thai sang kiếp khác rồi.

Không biết chính phủ kỹ trị, đám doanh nhân, và mấy vị công đoàn có thấy sự vô duyên của ông bác sĩ và đám y tá bên giường bệnh của bệnh nhân đang hấp hối hay không ?

Roma, 07/02/2012
Huê Đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét