29 tháng 11, 2013

Vừa bạn vừa thù.



Lời giới thiệu: Nguyên tác bài này có tên “Quei due amici-nemici che si contendono il mondo” của ký giả Vittorio Zucconi, đặc phái viên thường trú của nhật báo “la Repubblica” ở Hoa Thịnh Đốn, đăng ngày 28/11/2013.
http://ricerca.repubblica.it/repubblica/archivio/repubblica/2013/11/28/usa-cina-mari-di-guerra.html?ref=search

Nếu bài “L’ultima sfida tra le superpotenze”, đăng trên “la Repubblica” cùng ngày, của ký giả Giampaolo Visetti, đặc phái viên thường trú ở Bắc Kinh, phản ảnh góc nhìn từ Trung Quốc về quan hệ khó khăn giữa Mỹ và Trung Quốc, thì bài này phản ảnh góc nhìn từ Mỹ cũng cùng trên một vấn đề.

*****


Nếu nhìn theo lịch sử thì Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia hoàn toàn khác biệt nhau, nhưng (hôm nay) lại ràng buộc với nhau bằng những quan hệ tài chánh bất khả phân ly.

*****

Chung quanh 3 cái hòn đảo núi lửa vô dụng, trong cứ như mấy chỏm đá ngầm mọc chơ vơ ở biển Nam Hải, đang diễn ra một tấn kịch mới có khả năng chi phối tương lai của cả thế giới: cuộc đọ kiếm tay đôi để tranh giành ngôi vị bá chủ toàn cầu giữa một siêu cường của hôm qua và một siêu cường của ngày mai: Mỹ và Trung Quốc.

Thật ra thì cũng chẳng biết có bao nhiêu người để tâm đến 3 cái mỏm đá chơ vơ này – thậm chí trước đây nó cũng chỉ là tài sản của một cá nhân và được chính phủ Nhật mua lại – cộng với mấy cái quần đảo tí hon Điếu Ngư, (tiếng Nhật là Senkaku), còn Trung Quốc thì gọi là Diaoyu và xem như đó là lãnh thổ của Trung Quốc.

 Ba cái mỏm đá chơ vơ giữa biển của quần đảo Điếu Ngư

Một cuộc song chiến từ xa, cực kỳ căng thẳng,  giữa mấy cái pháo đài bay B52 của Mỹ bay trên mấy hòn đảo này và chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh (Liaoning) của Trung Quốc đang xã hết ga để đến vùng đảo. Có thể đấy chỉ là những dấu hiệu tượng trưng, nhưng ở Châu Á tất cả những gì là tượng trưng đều là thực chất.

Kể từ khi xếp vào xó bếp những hào quang của chủ nghĩa Mao và chọn con đường “phát triển chuyên chính” (development dictatorship) bằng mọi giá về nhân lực với những hệ lụy về mặt xã hội, Trung Quốc đã trở thành nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng cho Mỹ và cũng là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, thì lần lần cái phi lý trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ngày thêm rõ nét.

Với thặng dư thương mãi khổng lồ trong tay, Trung Quốc không chỉ tài trợ cho nền kinh tế của Mỹ, mà còn đóng góp vào nền công nghệ vũ khí, vào nền công nghệ đóng tàu chiến và xây dựng phi cơ quân sự để Hoa Thịnh Đốn vẫn còn có khả năng phủ bóng của mình lên vùng Đông Nam Á. Nếu không có khoảng tín dụng lên đến hàng nghìn tỉ mà Bắc Kinh đưa cho Mỹ để mua sản phẩm “made in China” thì Ngũ Giác Đài cũng không có ngân sách để cho các B52 bay trên các vùng đảo tranh chấp và  điều động 70 đơn vị tàu chiến của Đệ Thất Hạm đội trên vùng Thái Bình Dương.

Phía sau cái nghịch lý “vừa thù vừa bạn”, hai partner khổng lồ này, nhân danh của hai ý thức hệ đối nghịch nhau, lại cùng hợp lực với nhau để chia chác nền kinh tế tài chánh của thế giới, là một sự đối địch mà cho đến nay chẳng có một cuộc họp thượng đỉnh nào, một tuyên bố chung nào, một hiệp ước thương mãi nào hay bất cứ một cam kết mua trái phiếu của Bộ tài chính Mỹ ... có thể giải quyết được.

Sau khi cách mạng Trung Quốc giành được độc lập và thoát khỏi chế độ bảo hộ và thực dân của các thế lực Châu Âu, thì vào buổi sáng sương mù giá lạnh của ngày 25/10/1950, 200 ngàn lính chính quy Trung Quốc đã bất ngờ tấn công quân đội Mỹ và Nam Hàn vốn trước đó đã vượt qua vĩ tuyến 38 và chiếm Bình Nhưỡng, thủ đô của Bắc Hàn. Các đơn vị Mỹ bị bại trận nặng nề phải tháo chạy và phải hứng chịu một cuộc tàn sát thê thảm. Lần đó Bộ Tư lệnh tối cao Mỹ cũng tính trả đủa bằng cách cho dội bom nguyên tử lên đầu lính Trung Quốc. May mắn, và khôn khéo, Tổng thống Harry Truman đã có can đảm “hạ bệ” viên tướng McArthur, và sau mấy năm trời đánh đấm đẫm máu và không ngã ngũ, cũng đã phải chấp nhận một thỏa hiệp chia cắt Nam Bắc mà sau 60 năm vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay. Từ đó “chim ưng và rồng” tránh đụng trận trực diện hay đi gần đến một cuộc chiến nguyên tử trong đó chắc chắn Liên Xô cũng sẽ phải nhảy vào bởi vì cả Trung Quốc lẫn Bắc Hàn chẳng ai có bom hạt nhân. Tuy nhiên cũng phải đợi đến những cuộc cách mạng và phản cách mạng văn hóa của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, và khi Mỹ xóa bỏ được cái não trạng “mối đe dọa da vàng” – vốn thừa kế từ “mối đe dọa da đỏ” trước đó – thì Trung Quốc mới được nhìn nhận trên sân khấu ngoại giao quốc tế và được kết nạp vào Liên Hiệp Quốc năm 1971. Tuy nhiên chỉ là một sự nhìn nhận ngoại giao nhưng không dẫn đến một quan hệ hữu nghị: có quá nhiều khác biệt sâu sắc về cội rễ, những rào cản giữa Đông và Tây trong hàng thế kỹ, và có quá nhiều nghi ngờ lẫn nhau, thậm chí kỳ thị nhau, nhưng cũng không ai dám nói ra sự thật.

Quan hệ giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục chuyển dịch giữa ích lợi của một cuộc hôn nhân dựa trên lợi nhuận và kình chống nhau trong việc tranh giành quyền kiểm soát Thái Bình Dương.

Thậm chí có lần xém chút nữa là chính phủ của George W. Bush, dù là con của nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên đến Trung Quốc, George Senior, phải hứng chịu một tai nạn ngoại giao  ... gần như na ná với những gì đang diển ra quanh quần đảo Điếu Ngư. Đó là vụ phi cơ do thám 4 động cơ do Ngũ Giác Đài phái bay đến vùng không phận của Trung Quốc và đụng với một chiến đấu cơ của không quân Trung Quốc khiến phi cơ Mỹ bị rơi và phi công bị thiệt mạng. Lần đó đúng là Mỹ khiêu khích Trung Quốc mà Bush đã có hứa trước đó trong mùa tranh cử Tổng thống Mỹ .... để rồi cũng chính Bush đã phải chịu nhục cuối đầu xin lỗi Trung Quốc (vì đã cho máy bay bay vào không phận của Trung Quốc).

Cho tới chừng nào mà cả đôi bên còn có những ích lợi đến từ một cuộc hôn nhân ... thì cái hôn nhân kỳ quặc này cũng sẽ tiếp tục tránh phải đi đến ly dị với chén bát bay ào ào. Những sự kiện như năm 2001 hay những gì đang xẩy ra hôm nay trên mấy quần đảo ở Biển Nam Hải ... sẽ vẫn chỉ là những tình tiết nằm trong kịch bản của các vỡ tuồng hát bội kabuki (loại hình sân khấu truyền thống của Nhật) do quân đội đạo diễn, trong đó hai diển viên chánh vẫn tiếp tục trình diễn để làm vừa lòng ông khán giả chánh và quan trọng nhất: Nhật Bản.

Nhưng về lâu về dài tình hình sẽ không tạo thuận lợi cho Hoa Thịnh Đốn và Ngũ Giác Đài. Chi phí để duy trì cái “ô dù” không-hải quân của Mỹ trên Thái Bình Dương, từ lính Mỹ vẫn còn đóng ở vĩ tuyến 38 ở Nam Hàn cho đến các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật, đang ngày ngày trở thành một gánh nặng quá tải.

Dù chi phí quốc phòng của Trung Quốc trong những năm gần đây tăng tưởng vùn vụt, và cho phép Trung Quốc đã có được chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên đang trên hải trình tiến đến các quần đảo tranh chấp với Nhật, nhưng cũng còn thua xa nếu so với chi phí của Mỹ vốn hiện nay vẫn còn ở mức độ 600 tỉ đô-la mỗi năm dành cho Ngũ Giác Đài .... cao hơn rất nhiều so với 150 tỉ mà Trung Quốc dành cho quốc phòng.

Nhưng biểu đồ chi phí quân sự của Mỹ đang đi xuống ... trong khi biểu đồ của Trung Quốc lại đang đi lên, và nhất là “triều đình Trung Hoa” đã kiên quyết rằng không thể tiếp tục vừa đóng vai “khổng lồ kinh tế” vừa thủ vai “tí hon chính trị”, như một kiểu Đức của Á Châu. Ý tưởng này đã ăn sâu vào đầu óc của giới lãnh đạo Trung Quốc và nhất là đã ngấm tận đáy cái tinh thần ái quốc đang bùng nổ trong xã hội Trung Quốc.

Mỹ, mà cũng không phải chỉ có riêng Mỹ, thì vẫn còn tin rằng quá trình phát triển chính trị và dân chủ của Đại Hán cũng sẽ thúc đẩy phát triển công nghệ và kỹ thuật, từ đó các tham vọng bành trướng và chạy đua chiến lược cũng sẽ dần dần tàn lụi.


 Hôm 26/11/2013 Mỹ đã cho hai chiếc B52 "ngang nhiên" bay vào "vùng phòng không" do Trung Quốc vạch ra trước đó vài ngày.

Mấy chiếc pháo đài bay B52 của Dott. Stranamore thực ra thì cũng đã lỗi thời, dù rằng cũng đã “vang bóng một thời” với những thảm bom ở Đông Dương. Nhưng ở Châu Á, những gì là biểu tượng ... đều cũng là thực chất. Phái mấy chiếc B52 đến vùng tranh chấp thì rõ ràng là một thách thức nghiêm trọng ... và đầy nguy hiểm. Có lẽ Ngũ Giác Đài và mấy ông tướng diều hâu vẫn còn mơ mộng trả lại mối thù xưa của tháng 10 năm 1950 (chiến tranh Đại Hàn). Nhưng có lẽ mấy ông tướng này cũng nên nhớ lại câu nói bất hũ của một người lính Á Châu với thượng cấp sau khi đã dám “chơi” Mỹ: “Tôi e rằng chúng ta đã đánh thức tên khổng lồ đang ngủ”. (*)

Nhưng đánh thức rồng ... cũng không phải là điều tốt.

Roma, 29/11/2013
VQ

(*) Lời của đô đốc Nhật Yamamoto nói với thượng cấp sau trận tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor)

1 nhận xét:

  1. Quần đảo đang trong tình tranh chấp này thì người Việt theo phe Tàu gọi là Điếu Ngư từ tiếng Tàu Diaoyu. Còn nếu theo phe Nhật thì phải gọi đúng là Tiêm Cát từ tiếng Nhật Senkaku.

    Câu này hiểu ý sai tác giả:
    .. khi Mỹ xóa bỏ được cái não trạng “mối đe dọa da vàng” – vốn thừa kế từ “mối đe dọa da đỏ” trước đó –

    “mối đe dọa da đỏ” dịch từng chữ "pericolo rosso" không đúng. Thực ra là " Hiểm hỏa Đỏ" hay hiểm họa Cộng sản nói về nỗi sợ hãi các phong trào đấu tranh của lực lượng công nhân, các nghiệp đòan lao động tại Mỹ những năm 1919-1920 theo sau cuộc cách mạng Bôn Sê Vích tại Nga. Màu đỏ là màu cờ của các nước Cộng sản.

    Trả lờiXóa