28 tháng 11, 2013

Nước Ý sang trang ???



Đúng vào lúc 17 giờ 43 phút ngày hôm qua 27/11 Thượng viện Ý đã bỏ phiếu thông qua quyết định truất phế Silvio Berlusconi ra khỏi chức vụ Thượng nghị sĩ. Silvio Berlusconi là “cha đẻ” và “lãnh đạo muôn năm” trong gần hai thập niên vừa qua của đảng chính trị trung hữu “Forza Italia” (Italia ráng lên), rồi biến tướng thành “Popolo della Libertà” (Nhân dân tự do) và để rồi trở lại với tên “Forza Italia v.2” (Italia ráng lên phiên bản 2).

Như ta đã biết là hồi tháng 8 vừa qua Tòa án tối cao Ý đã y án kết tội Silvio Berlusconi về gian lận thuế má 4 năm tù và 2 năm nghiêm cấm giữ các chức vụ nhà nước, trong đó có chức vụ đại biểu Quốc hội. Và theo luật pháp hiện hành ở Ý thì với bản kết tội vĩnh viễn nói trên, Silvio Berlusconi không thể nào tiếp tục làm Thượng nghị sĩ. Và cũng theo hiến pháp hiện hành ở Ý, thì để áp dụng bản kết tội nói trên đối với một Thượng nghị sĩ thì Thượng viện phải bỏ phiếu thông quá quyết định truất phế.

Như thế là sau gần hai thập niên liên tục làm đại biểu Quốc hội, 4 lần làm Thủ tướng, lãnh đạo duy nhất và muôn năm của một đảng chính trị trung hữu, ông Silvio Berlusconi đã bị tước quyền làm đại biểu Quốc hội. 


Điều này có nghĩa là Silvio Berlusconi cũng đã mất quyền miễn tố dành cho đại biểu Quốc hội trong khi hiện nay vẫn còn một số vụ án mà tòa án Ý đang xét xử Berlusconi: vụ mua bán dân biểu, dính dáng đến những tuyến đường mãi dâm, thậm chí đến nghi phạm về quan hệ tính dục với trẻ vị thành niên như trường hợp Rubygate ... Trước những vụ án này, ông Silvio Berlusconi sẽ không còn ô dù miễn tố của đại biểu Quốc hội để che chắn cho chính mình ...

Nhưng câu hỏi được đặt ra là: với quyết định truất phế Silvio Berlusconi khỏi chức vụ đại biểu Quốc hội, nước Ý đã thực sự sang trang sau hai thập niên bị chính Silvio Berlusconi khống chế chính trị với những hệ lụy thê thảm về mặt kinh tế, tài chánh và xã hội ?

Không dễ có một câu trả lời dứt khoát. Câu trả lời có thể là có mà cũng có thể là không.

Nếu nhìn dưới góc độ chính trường thì đúng là Ý đã sang trang, theo nghĩa là từ nay Silvio Berlusconi không còn có khí cụ trong tay để trực tiếp chi phối Quốc hội hay điều kiện hóa chính phủ. Từ một “chính khách” có một trọng lượng đáng kể để áp lực lên ngành lập pháp (Quốc hội) để nặn ra những luật lệ ô dù lá chắn cho chính mình, từ một nhân vật có khả năng uốn nắn hành pháp (Chính phủ) theo những quyền lợi riêng tư của mình .... Berlusconi từ nay sẽ chỉ còn là một lãnh đạo của một lực lượng chính trị đối lập ... thậm chí chưa ai biết là lực lượng chính trị đó sẽ còn “trụ” được đến bao lâu trong khi trước mắt là đã ra đời nhóm ly khai của Agelino Alfano.

Nhưng nếu xét về mặt chính trị xã hội, kinh tế tài chánh của Ý, tức là trên đời sống hằng ngày của hàng triệu người Ý ... thì chỉ có thể nói là nước Ý chỉ mới bắt đầu thực sự ý thức được tình trạng bất bình thường của mình. Hai thập niên mê muội trước một “hào quang”, ngụp lặn trong một vũng lầy ảo tưởng .... chắc chắn sẽ để lại nhiều tì vết mà không phải một sớm một chiều là xã hội Ý có thể gột rửa được.

Thật sai lầm, và thậm chí là ấu trĩ nếu nghĩ rằng chỉ “hô biến” Berlusconi ra khỏi Quốc hội ... là mọi chuyện đâu lại vào đấy. Tư duy berlusconismo vẫn sẽ tiếp tục còn tồn tại lâu dài trong đời sống xã hội của Ý. Bởi vì hai thập niên cũng đủ cho phép Berlusconi “tẩy não” được phần lớn xã hội Ý ... và không phải một sớm một chiều người ta có thể thay đổi được cung cách hành xử, thay đổi nếp suy nghĩ, thay đổi được những “thói quen” tai hại.

Năm 1945, khi Mussolini bị hạ bệ và chính quyền phát-xít Ý bị sụp đổ ... nhưng cái tư duy phát-xít của người dân Ý vẫn còn tiếp tục “thọ” trong nhiều năm sau đó. Thậm chí đến ngày hôm nay, tức là sau hơn nữa thế kỷ, những tư tưởng phát-xít vẫn đôi khi còn ngóc đầu dậy.

Điều tai hại nhất là nếu trước đó hầu như công dân Ý nào cũng hãnh diện tuyên bố rằng mình là phát-xít ... để rồi đến khi Mussolini bị xử bắn và thi hài được đem ra treo tòn ten ở quảng trường Loreto ở Milano ... thì lập tức cả mấy triệu dân Ý bổng nhiên trở thành .... “chống phát-xít”. Quá khứ một sớm một chiều được xóa bỏ một cách “hồn nhiên”.

Nhưng để rồi sau năm 45 nước Ý vẫn còn thòng lòng cái đuôi phát-xít và chính Berlusconi gần 50 năm sau đã mở cửa sổ lồng cho phát-xít vào nắm quyền hành pháp.

Rồi đến đầu thập niên 90 của thế kỷ vừa qua, khi nền Đệ I Cộng hòa Ý bị xóa xổ dưới chiến dịch “bàn tay sạch” của Tòa án Milano chống lại các vụ tham nhũng hối lộ của các đảng cầm quyền lúc đấy ... cả nước Ý cũng đã một sớm một chiều chống lại các đảng phái chính trị xôi thịt ... Một lần nữa quá khứ cũng một sớm một chiều được “hồn nhiên” xóa bỏ

Nhưng rồi sau đó ... tham nhũng và hối lộ vẫn còn tiếp tục sinh sôi nẩy nở trong suốt hai thập niên vừa qua của nền Đệ II Cộng Hòa.

Bắt đầu từ ngày mai ... cả nước Ý ai cũng sẽ  ngộ ra rằng ... mình chống berlusconismo.

Nhưng ai dám bảo đảm là từ ngày mai cái tư duy, cái văn hóa của berlusconismo sẽ không còn hiện hữu trong đời sống kinh tế xã hội chính trị văn hóa của nước Ý ?

Muôn đời nước Ý sẽ vẫn chỉ loay hoay thay đổi trang phục theo mùa ... nhưng bên trong cơ thể bệnh hoạn vẫn hoàn bệnh hoạn.

Chỉ khi nào chấp nhận nhìn vào quá khứ một cách trung thực và không cố tình tránh né, chấp nhận đối đầu với những hệ lụy ... thì khi đó nước Ý mới có hy vọng thực sự sang trang.

Bằng ngược lại nước Ý vẫn sẽ tiếp tục ... “bình mới rượu cũ” muôn đời không lối thoát.

Roma, 28/11/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét