29 tháng 5, 2014

Đi biểu tình ...

(Mến tặng các bạn trẻ sinh viên Việt Nam ở Ý)

Sáng chúa nhật 18/05/2014 vừa qua vợ chồng tôi đến địa điểm tập trung đã được các cô chú sinh viên Việt Nam ở Ý thông báo trước đó để tham dự cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Chổ biểu tình được sở cảnh sát Roma cho phép nằm cách Đại Sứ Quán Trung Quốc khoảng chừng trên dưới 100 mét, nhìn chung là nhà chức trách Roma chắc cũng muốn tránh không cho buổi biểu tình nằm ngay trước cổng Đại Sứ Quán Trung Quốc .... để không làm phật lòng một đối tác kinh tế thương mãi có trọng lượng mà Tây Âu nói chung cũng đang chịu khó lấy lòng. Tôi nói thế là bởi vì hồi năm 1979 thì cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng Việt Nam đã được nhà chức trách Roma cho phép tổ chức ngay trước cổng của Đại Sứ Quán Trung Quốc ... Chắc có lẽ 35 năm về trước mấy chú Ba chưa “có thớ” như bây giờ .... Nghĩ vậy không biết có trúng không. Thật ra cũng không thể nào hỏi thẳng mấy anh cảnh sát Ý, mà giả sử có hỏi, chắc họ cũng chẳng biết trả lời ra sao. Nói cho cùng họ cũng chỉ là những người thừa hành công vụ. Còn lệnh là lệnh đến từ bên trên ... chỉ đạo cao lắm, không vói tới được đâu.

Tôi không nhớ là lần chót tôi xuống đường biểu tình “vì Việt Nam” là năm nào. Trước 75, thì cũng có tham dự những cuộc biểu tình của “nhân dân Ý ủng hộ cuộc chiến tranh chống Mỹ”, nhưng cũng chỉ là tham dự lén lút, đi bên lề của đoàn người biểu tình ... vì sợ bị “Bác Diêm” (1) kêu lên “điểm mặt chỉ tên”. Sau 75 thì đi biểu tình công khai, cùng với “bè bạn” ủng hộ cuộc “chiến thắng thần thánh” của Việt Nam ... Rồi lần lần cuộc sống cũng trở lại bình thường, Việt Nam cũng lần lần không còn là “điểm nóng” của thời sự mỗi ngày trên thế giới. Thêm vào đó là tình hình chính trị xã hội trong nước trong quá trình xây dựng đất nước cũng không suôn sẻ như người ta mơ tưởng: khó khăn khách quan thời hậu chiến, thêm tình trạng bị cô lập ngoại giao và phong tỏa kinh tế thương mãi với Tây Âu, cộng với những sai lầm chủ quan của giới lãnh đạo cũng bắt đầu tạo ra những bất cập, làm thay đổi trong suy nghĩ của mỗi người, của bè bạn thế giới. Thế rồi sau đó nổ ra chiến tranh ở biên giới phía tây (Campuchia) và tiếp theo là phía bắc bị Trung Quốc tràn quân sang xâm lăng (để dạy cho Việt Nam một bài học – tuyên bố của Đặng Tiểu Bình, thực chất là để tìm cách gây áp lực lên Việt Nam trong cuộc chiến ở Campuchia). Chắc có lẽ năm 1979 là lần cuối cùng vợ chồng tôi xuống đường biểu tình “vì Việt Nam”. Vì sau đó, nếu tôi nhớ không lầm, chẳng còn có cuộc biểu tình nào khác.

Thế mà cũng đã 35 năm qua rồi. Lần đó thì cũng là những gương mặt của bè bạn với Việt Nam, của những Việt kiều, của những anh chị trong phong trào ... Lần này, thì cũng vẫn những gương mặt đó .... có điều là ... 35 năm cũng hằn lên gương mặt của từng người. Bây giờ thì ai cũng lên chức “bô lão” cả rồi, con cái thì hầu như đã trưởng thành, có người cũng đã thành ông bà. Chả bù 35 năm về trước, đại đa số vẫn còn độc thân, hay cùng lắm cũng có một vài Việt kiều có con còn tay ẳm tay bồng.

Các "bô lão cựu chiến binh" tham gia biểu tình chống Trung Quốc ở Roma hôm 18/05/2014


35 năm trước thì chính chúng tôi là những người đã trực tiếp đứng ra tổ chức cuộc biểu tình, cũng thức đêm ngồi vẽ biểu ngữ, gõ máy chữ để làm tờ rơi, may cờ để hôm sau đem ra giăng lên trước cổng Đại Sứ Quan Trung Quốc. Lần này thì chúng tôi chỉ là các “bô lão” ngồi ngắm các cô chú sinh viên Việt nam trương cờ giăng biểu ngữ và hò hét khẩu hiệu ... và gật đầu tán thưởng ... chứ cũng chẳng còn sức để hò hét như 35 năm về trước. Thời buổi hậu hiện đại, kỹ thuật cao, các biểu ngữ bây giờ cũng được in ấn đẹp đẻ, cờ xí cũng nhiều vô số kể, tờ rơi in “offset” màu mè kỹ thuật đẹp, chẳng bù 35 năm về trước biểu ngữ vẽ tay méo mó, tờ rơi quay ronéo trắng đen, cờ xí thì may tay nên hình các cánh sao cũng không khéo như bây giờ (2).

Nhìn qua nhìn lại mà cũng đã 35 năm. Ấy vậy mà khi chạy ngang qua cổng của Đại Sứ Quán Trung Quốc (cửa sắt đóng im lìm, các xe bít bùng của cảnh sát đậu ngay trước cổng, cảnh sát gờm gờm nhìn chúng tôi đi ngang qua ...) tôi có cảm giác như cuộc biểu tình lần chót chống Trung Quốc chỉ mới xẩy ra hôm qua. Chắc có lẽ trong suốt 35 năm vừa qua, dù rằng quan hệ kinh tế và thương mãi giữa ta và Trung Quốc cũng đã có những bước tăng trưởng rất lớn, dù rằng mười mấy chữ vàng vẫn được lãnh đạo Việt Nam thường xuyên đem ra để “minh chứng” cho một quan hệ “đồng chí” tốt đẹp song phương .... nhưng trong đầu tôi ... lúc nào cũng bị cái “họa Đại Hán” ám ảnh, bởi vậy từ năm 1979 đến nay, lúc nào trong tiềm thức tôi cũng vẫn nghi ngại rằng ... có ngày lại phải quay trở lại trước cái cổng sắt của Đại Sứ Quán Trung Quốc ở Roma .... Và quả đúng như thế: 35 năm sau vợ chồng tôi cùng các bè bạn “bô lão” một thời ... lại phải “đường xưa lối cũ” ....

Các cô chú sinh viên trẻ Việt Nam hôm nay


Nhìn các gương mặt trẻ của các cô chú sinh viên Việt Nam hôm nay mà tôi cảm thấy như nhìn thấy lại chính mình của 35 năm về trước. Họ còn trẻ lắm, chắc là 35 năm về trước khi tôi tổ chức biểu tình chống Trung Quốc ... thì bố mẹ họ cũng chưa hẳn đã quen biết nhau. Nhìn họ tôi nghĩ đến một sợi chỉ hồng đã xuyên suốt qua từng thế hệ của dân tộc ta trong quá trình dựng nước và giữ nước: trước tôi là ông bà cha mẹ, rồi bây giờ sau tôi là các cô chú sinh viên hôm nay, ngày mai thì đến phiên các con cháu của các cô chú ... Thực tâm mà nói, cái ý nghĩ sợi chỉ hồng xuyên suốt từ thế hệ này qua thế hệ khác ... cũng không phải là một ý nghĩ vui vẽ gì. Vì nó chỉ cho thấy là đất nước ta lúc nào cũng phải lo chống ngoại xâm. Tôi chỉ cầu mong cho đất nước mình được yên ổn làm ăn để đời sống của người dân bớt phần cơ cực, để xã hội gột rửa hết những tàn dư của lạc hậu nghèo đói ngu dân, để đất nước bớt đi những bước tường vô hình ngăn cách các thành phần trong xã hội, để đất nước thực sự có một xã hội dân sự lành mạnh. Tôi chỉ cầu mong cho thế giới ... đến một lúc nào đó “quên” đi Việt Nam, vì  sẽ chẳng có điều gì đại họa để báo chí thế giới phải chỏ mũi vào ... Nhưng rất tiếc là qua bao nhiêu thế kỷ, đã biết bao thế hệ đã nằm xuống ... mà sợi chỉ hồng này vẫn cứ tiếp tục len lõi đi từ thế hệ này sang thế hệ khác.

  
Tờ rơi do các cô chú sinh viên soạn thảo để phát tán cho quần chúng trong buổi biểu tình


Đến khoảng 13 giờ hơn, một anh công an Ý vận thường phục ... đến cạnh tôi hỏi nhỏ: “Thế chừng nào các bạn tính ... xong chuyện biểu tình ?”. Tôi quay lại, nhìn anh ta dò xét. Anh ta nói thêm: “Chúng tôi đói bụng quá rồi ...”. Đúng là xứ Ý, cái gì cũng “phải” tùy tiện. Kiểu phép vua phải thua lệ làng (có lẽ đây là đầu dây mối nhợ của tất cả các yếu điểm của xứ Ý !!!). Giấy phép cho biểu tình đến 14 giờ, thế mà mới hơn 13 giờ các anh công an bắt đầu “van nài” để về nhà cơm nước.

Thế rồi sau cùng, cũng “thông cảm”, các anh chị sinh viên cho vãng tuồng khoảng hơn 13 giờ 30 ... sớm hơn thời gian dự định độ 15-20 phút. Trước khi ra về, các cô sinh viên Việt nam trẻ đẹp tặng cho mỗi anh công an cảnh sát một lá cờ Việt Nam .... có anh còn hỏi .... ở Roma có tiệm ăn Việt Nam nào ăn ngon hay không ?

Vợ chồng tôi cũng chuẩn bị khăn gói về nhà … Quay lưng đi, tôi thầm nghĩ … không biết chừng nào sợi chỉ hồng mới dứt ?

Roma, 28/05/2014




Chú thích:

(1): "Bác Diêm" là ông cố vấn của Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa thời trước 1975. Hồi đó, thi thoảng hể lâu lâu "nghe tin đồn" là "Bác Diêm" hay triệu anh em trong phòng trào chúng tôi đến để vừa "răn đe" vừa "dỗ ngọt".

(2) Hy vọng hôm nào rãnh rỗi ngồi lục lại mớ hình cũ tìm được một vài tấm ảnh chụp năm 1979 trước cổng Đại Sứ Quán Trung Quốc.




3 nhận xét:

  1. Thời nào cũng thế chú Huê Đăng ơi. Thời của các cô chú có một "Bác Diêm" kêu lên điểm mặt chỉ tên, thời của các em, các cháu có cả chục "Bác Diêm" như Bác Chi, Bác Hà, Bác Huyền, Bác Quỳnh. Hễ ai bị điểm danh là cả họ tôn tằng 3 đời thành phản động không được hưởng ơn mưa móc của nhà nước. Thời của các cô chú biểu tình là tự phát vì lòng yêu nước, còn thời các em biểu tình là theo chỉ thị của Bác Long nên gọi là ... biểu tình quốc doanh.

    Trả lờiXóa
  2. Sử sách Việt nam ta có phần thiên vị, hễ ai lấy mình một tấc đất thì sử ghi là "xâm lăng", nhưng nguời Việt mình lấy đất nguời Chàm , người Miên bành trướng lãnh thổ về phía Nam thì sử ghi là "mở mang bờ cõi ". Đời cha ăn mặn đời con khát nước là lẽ thường tình, còn như nước Thái lan họ không xâm lăng ai thì cũng không ai xâm lăng họ . Nếu mình sợ "họa Đại Hán " thì đừng làm "họa Đại Việt " xâm lăng nước khác. Hãy trả lại cho dân tộc Chàm đất nước của họ trong đó gồm có hải đảo Hòang Sa, hãy trả lại cho người Miên đất nước Thủy Chân Lạp của họ trong đó có quần đảo Trường sa, trước khi mình lên án Trung Quốc xâm lăng bành trướng lãnh thổ.


    Hai mặt trong đặc trưng lịch sử của Việt Nam là "chủ nghĩa dân chủ đấu tranh và chủ nghĩa dân chủ xâm lược".

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/story/2008/12/081214_viet_expansion_history.shtml

    Trả lờiXóa
  3. Chú Đăng ơi, chú viết câu này về sợi chỉ hồng hay quá, "Nhìn họ tôi nghĩ đến một sợi chỉ hồng đã xuyên suốt qua từng thế hệ của dân tộc ta trong quá trình dựng nước và giữ nước: trước tôi là ông bà cha mẹ, rồi bây giờ sau tôi là các cô chú sinh viên hôm nay, ngày mai thì đến phiên các con cháu của các cô chú ... "

    Tưởng chú viết như trong tuồng Đừng Cắt Sợi Chỉ Hồng của Minh Cảnh và Thanh Kim Huệ, không ngờ hôm nay 2/6 nghe lời phái biểu của đại biểu quốc hội Nguyễn Bắc Việt - Ninh Thuận cháu mới hiểu được sợi chỉ hồng như chú Đăng muốn nói.

    "Về vấn đề biển Đông, từ sáng tới giờ và những ngày qua trong phát biểu tôi đồng tình với các ý kiến phát biểu ở một vế, đó là vế thể hiện lòng yêu nước. Nhưng còn một vế theo tôi là chúng ta chưa thực sự quan tâm, đó là yêu chế độ và lo cho con tàu Cộng sản và công dân quốc tế. Thời điểm này chúng ta nên nhớ Di chúc của Bác, Bác để lại cho chúng ta lời di chúc trong đó khi nói về phong trào Cộng sản Bác đã nói là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em. Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản có lý có tình.
    Chính vì vậy đối sách giải pháp của chúng ta, theo tôi:
    Một, phải xác định cho rõ nguyên nhân, phải biết đau lòng với tình hình hiện nay của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế. Hai nước xã hội chủ nghĩa lình xình với nhau như thế này, ai có lợi?
    Hai, phải tiên định mục tiêu lý tưởng "dĩ bất biến, ứng vạn biến" như Bác đã căn dặn. Đó là phải làm sao giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng đến nay.

    http://www.na.gov.vn/htx/Vietnamese/C1396/C2094/C2307/C2311/default.asp?Newid=73165#ggfqDTk1sE7B

    Trả lờiXóa