10 tháng 4, 2012

Miriam Mafai - la ragazza rossa


Thêm một ký giả lão thành Ý ra đi: Miriam Mafai, thọ 86 tuổi. Từng được mệnh danh là "la ragazza rossa".  

Miriam Mafai

Bắt đầu tham gia đấu tranh chống phát xít rất sớm, từ ghế nhà trường, năm 1936. Năm 1938 bị đuổi học vì nhà nước Ý dưới thời Mussolini áp dụng luật "chủng tộc" (leggi razziali), và mẹ của bà là người gốc Do Thái. Năm 1944 Miriam Mafai tham gia hoạt động trong cơ quan báo chí của tổ chức kháng chiến, và tại đây bà bắt đầu quen biết Giancarlo Pajetta, một trong những lãnh đạo lịch sử của đảng Cộng Sản Ý.

Năm 1948 Miriam Mafai trở thành một trong những lãnh đạo trẻ của đảng Cộng Sản thời hậu chiến, và cũng trong năm đó lập gia đình với Umberto Scalia, thư ký thành ủy PCI ở l’Aquila, và có được hai con.

Đã từng là ủy viên của hội đồng quản trị thành phố Pescara vào thời hậu chiến, bà đã từng có dịp quan sát tận mắt những khó khăn, nghèo đói, cơ cực của xã hội Ý sau chiến tranh: cảnh những gia đình sơ tán, trẻ em không có áo quần, không có điều kiện đến trường. Và đấy cũng là những kinh nghiệm để sau này bà trở thành một trong những ký giả lỗi lạc của Ý viết về những đề tài có liên quan đến xã hội Ý trước và sau chiến tranh, nhất là trong thời gian tái kiến thiết hậu chiến.

Mặt dù đã lập gia đình, nhưng sau đó (1962), bà bắt đầu có quan hệ tình cảm với Giancarlo Pajetta (il ragazzo rosso), dù rằng trong những thập niên 60 ngay trong đảng PCI quan hệ nói trên cũng ít nhiều bị “tai tiếng”. Quan hệ tình cảm với Pajetta kéo dài khoảng 30 năm, cho đến khi Pajetta mất năm 1990.

Miriam Mafai bắt đầu sự nghiệp nhà báo với tờ “l’Unità” (cơ quan ngôn luận của PCI) vào đầu thập niên 60. Nhưng trước đó, vào những thập niên 50, Miriam Mafai cũng đã từng cộng tác từ Paris với tuần báo “Vie Nuove”.

Năm 1970 trở thành chủ biên tập của tờ “Noi Donne”, cơ quan ngôn luận chính thức của phụ nữ đảng PCI, và cũng trong năm đó bà bắt đầu cộng tác với tờ Pease Sera.

Năm 1976, bà là một trong những thành viên sáng lập tờ “la Repubblica” cùng với Eugenio Scalfari.

Miriam Mafai cũng đã tham gia đấu tranh bảo vệ các quyền lợi xã hội như phá thai, ly dị, nhà nước trần tục chống lại các sự can thiệp của Vatican về các vấn đề xã hội, phong tục.

Miriam Mafai cũng biên soạn nhiều sách về các đề tài xã hội, kinh tế của Ý thời sau chiến tranh và trong giai đoạn tái thiết.

Một trong những quyển sách nổi tiếng của Miriam Mafai là “Pane Nero” (Bánh mì đen đúa): kể về điều kiện sinh hoạt khó khăn của phụ nữ Ý vào những năm sau chiến tranh, nhất là điều kiện lao động vất vã và đôi khi đi đến cả chà đạp nhân phẩm của người phụ nữ. Một trong những cảnh mà Miriam Mafai kể trong quyền "Pane Nero" là vào những thập niên 40-50, trong rất nhiều hảng xưởng làm việc dây chuyền, mỗi sáng sớm người ta cho trải mạt cưa lên nền nhà, nơi các nữ công nhân sẽ đứng làm việc dây chuyền, bởi vì trong suốt thời gian làm việc họ sẽ không được quyền ngưng tay, kể đến cả việc đi vệ sinh cũng không được, do đó, nếu cần những nữ nhân công cứ “dang chân ra và tiểu đại xuống nền nhà, nơi đã được trải mạt cưa". Đến chiều, sau khi tan việc, sẽ có những người làm vệ sinh đi hốt hết mạt cưa thấm nước tiểu.
Đấy là một trong những đoạn văn gây ấn tượng lớn cho người đọc, và mô tả cho thấy thế nào là quá trình tích lũy của tư bản, và thế nào là tư bản rừng rú, một thứ tư bản mà nhiều nước rồng rắn trên thế giới đang áp dụng một cách hồ hởi dưới mỹ từ “Kinh tế thị trường”.

Roma, 09/04/2012
Huê Đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét