11 tháng 8, 2012

Đàn bà, đàn bà, rồi lại vẫn đàn bà !!!


Y hệt như các  kịch bản cải lương đầy hỉ nộ ái ố trong đó cái thiện và cái ác đấu đá quyết liệt một mất một còn, và màn chót là màn then chốt trong đó ác nhân sẽ phải đền tội đúng lúc trống kèn trổi dậy trong bầu không khí phấn chấn của chiến thắng công lý trước khi tấm màn nhung hạ xuống ... và khán giả hả hê ra khỏi rạp nức nở tôn vinh các vai thiện nhân và hết lời nguyền rủa ác nhân ... Và hôm mùng 9 tháng 8 vừa qua tương lai của cả một siêu cường thế giới đều được quyết định ở Tòa án của thủ phủ Hợp Phì (Hefai) thuộc tỉnh An Huy (Anhui) y như màn chót của một vở cải lương, trong đó toàn bộ giới lãnh đạo Bắc Kinh đã tìm cách thí mạng một ác nhân hầu cứu vớt toàn bộ uy tính của Đảng và sự ổn định chính trị của Trung Quốc, đúng y như những nghi thức tế thần vẫn thường thấy định kỳ trên sân khấu chính trị của các nhà nước toàn trị rồng rắn Châu Á ... và lần này đặc biệt là đoạn chót của cùng một tuồng cải lương được trình bày song song trước khán giả qua hai kịch bản trên hai sân khấu khác nhau ...

Trong khi tòa án Hợp Phì đang cáo buộc tội trạng bà Cốc Khai Lai (Gu Kailai) (1) , vợ của “Hồng Hoàng tử” Bạc Hy Lai (Bo Xilai), vốn là cựu Bí thư đảng ủy của tỉnh Trùng Khánh (Chongquing), và trước đây, trước khi bị hạ bệ, Bạc từng được xem như là “vì sao đang lên” trong hàng ngũ lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc, từng được tôn vinh như “hiện thân của Chủ tịch Mao”, với viễn ảnh sẽ được vào danh sách Ủy Ban Thường Trực của Bộ Chính trị trong kỳ đại hội đảng lần thứ 18 sắp tới ... thì song song đó tại thành phố biển Bắc Đới Hà (Beidaihe) thuộc tỉnh Hà Bắc (Hebei) toàn bộ cấp lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã họp kín kiểu “nội bất xuất ngoại bất nhập” (conclave) để dàn xếp những đấu đá nội bộ trong đảng và để lập danh sách các ứng cử viên sẽ được đưa vào các tổ chức trung ương của Đảng trong kỳ đại hội 18 sẽ được tổ chức vào tháng 10 sắp tới (2). 


Gia đình Bạc Hy Lai thời hoàn kim

Cả hai “sân khấu”, một ở Hợp Phì, một ở Bắc Đới Hà, một là một phiên tòa, một là cuộc họp kín, đều không có sư hiện diện của báo chí cũng như của công chúng và tất cả đều được bao trùm trong một màn sương bí ẩn dầy đặc.

Phiên tòa Hợp Phì xử một vụ ám sát nổi tiếng mà ác nhân là một bà luật sư trẻ đẹp nổi tiếng, và nhất là phu nhân của một bí thư đảng ủy ở một tỉnh với 32,8 triệu dân cư và được xếp trong danh sách của 13 thành phố có nền kinh tế phát triển siêu tốc hàng đầu ở Trung Quốc ... và người bị ám sát là một “tay áp-phe” người Anh có tên là Neil Heywood sống lâu năm ở Trung Quốc, trong quá khứ cũng đã từng hoạt động cho cơ quan tình báo của Anh ... và đã từng có những “áp-phe” với Bạc Hy Lai khi Bạc còn giữ chức vụ Bí thư đảng ủy Trùng Khánh. Nhà chức trách Trùng Khánh đã tìm thấy thi thể của Neil Heywood trong một khách sạn cao cấp ... vị bị ngộ độc ... và bà Cốc Khai Lai, vợ của Bạc Hy Lai bị tình nghi đã chủ mưu đầu độc Neil Heywood vì có những “bất đồng” trong áp phe. Điều “ngạc nhiên” là sẽ chẳng có ai biết đến một âm mưu sát hại ... nếu trước đó Vương Lập Quân (Wang Lijun), vốn là Cảnh sát trưởng khu vực Trùng Khánh dưới thời của Bạc Hy Lai, đã âm thầm đánh cắp một vài tế bào tim của thi thể của Neil Heywood trước khi xác của Neil Heywood được hỏa táng, và chính Vương, vào ngày 6 tháng 2 năm 2012 đã trốn vào lãnh sự Mỹ ở Thành Đô (Chendu) thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan) với các kết quả xác nghiệm trên tế bào tim của Neil Heywood để minh chứng rằng Neil Heywood bị đánh thuốc độc ...và gia đình Bạc Hy Lai có dính líu đến vụ ám sát vì Neil Heywood đe dọa sẽ tố cáo những hành vi tham nhũng của Bạc. Mọi chuyện bắt đầu từ đó.

Theo các giới am tường hậu trường Trung Quốc thì vụ án ám sát đầu độc Neil Heywood thực chất là một vụ đấu đá nội bộ giữa các phe phái trong lãnh đạo đảng trước khi bước vào đại hội Đảng (3). Theo nhận định của các chuyên gia chính trị quốc tế thì hiện nay trong Đảng cộng sản Trung Quốc có một cuộc tranh giành quyền lực giữa phe “kỹ trị” của Ôn Gia Bảo và phe bảo thủ trong đó Bạc Hy Lai là một trong những nhân vật đại diện tiêu biểu. Và trước mắt là vụ án xét xử Cốc Khai Lai đã chắn đường Bạc vào Ủy Ban Thường trực của Bộ Chính trị dù trong nội bộ Đảng cũng còn rất nhiều lực lượng ủng hộ Bạc (4). Và chính vì thế song song với vụ án Hợp Phì ... giới lãnh đạo cao cấp của Đảng đã họp kín ở Bắc Đới Hà để “hòa đàm” giữa các phe phái và tìm cách thống nhất để giải quyết ổn thỏa vụ việc của Bạc, và nhất là phải tìm cách lấy lại được uy tín của Đảng vốn đang bị sói mòn vì những tệ nạn như tham nhũng hối lộ, lạm quyền .... và nhất là những căng thẳng trong giới lao động nghèo khó sống bên lề ở thành thị hay nông dân bị áp bức phải từ bỏ ruộng vườn đưa đến những bất công xã hội và thậm chí đã có những xô xát đẩm máu với lực lượng chính quyền địa phương.

Lịch sử đôi khi xẩy ra những trùng lập một cách bất ngờ.


Nếu cuộc đấu đá nội bộ tranh chấp quyền lực sau khi Mao mất .... đã đi đến màn chót của vở tuồng năm 1976 với kịch bản “Tứ nhân bang” (Băng đảng 4 tên – Gang of four) và ác nhân chính là một phụ nữ: bà quả phụ của Mao, Giang Thanh (Jiang Qing), bị kết án đã chủ mưu (xuyên qua ảnh hưởng lên chính Chủ tịch Mao) gây ra những rối loạn và tội ác trong suốt thời “cách mạng văn hóa”. Và sau lễ tế thần Giang Thanh, cả Chủ tịch Mao và toàn thể lãnh đạo Đảng được “lịch sử tuyên bố trắng án”... Để rồi 36 năm sau, cũng lại đấu đá nội bộ tranh chấp quyền lực trong Đảng ... cũng đi đến màn chót với kịch bản không khác chi mấy so với kịch bản năm 1976: lần này ác nhân vẫn là một người đàn bà, và cũng có quan hệ vợ chồng với một nhân vật cao cấp trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng ... Phiên tòa Hợp Phì cũng đã quyết định kết tội Cốc Khai Lai, rất có thể là Cốc Khai Lai sẽ được hưởng khoang hồng để tránh bị xử tử và bản án sẽ đổi thành chung thân khổ sai ... y hệt như bản án đã được áp dụng cho Giang Thanh 36 năm về trước.

Vấn đề còn lại là số mạng chính trị của Bạc đang được định đoạt ở Bắc Đới Hà.

Hầu như trong mọi bi kịch chính trị ... lúc nào cũng có một người đàn bà đóng vai ác nhân để cứu rỗi cho chính những người đàn ông đã đưa đẩy người phụ nữ vào vai trò ác nhân.

Đàn bà, đàn bà, rồi lại vẫn đàn bà !!!

Nếu như không có đàn bà ... thì chắc các nhà viết sử cũng chẳng biết viết gì ... và lịch sử chắc cũng trở thành một bộ môn nhàm chán với những chuyện vớ vẫn và ngu xuẩn của đám đàn ông không có đàn bà đem lên bàn tế thần để cứu rỗi số mạng chính trị của chính các đấng mày râu.


Roma, 11/08/2012




(1) Bà Cốc Khai Lai đang ra trước vành móng ngựa

(2) Đằng sau cuộc họp ở Bắc Đới Hà

(3) Màu sắc chính trị của vụ Cốc Khai Lai

(4) Cina: appello conservatori contro Wen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét