26 tháng 7, 2012

Cải thiện nòi giống ???


Hôm nọ có một anh bạn gởi giới thiệu cho xem hai bài báo đăng trong nước nói về chuyện nhà nước Việt Nam đầu tư đến 600 tỉ đồng (khoảng 30 triệu đô-la) cho một dự án nhằm nghiên cứu bộ gien của người Việt với mục tiêu “cải thiện nòi giống” con Rồng cháu Tiên.



Đọc xong không biết nên cười hay nên khóc.

Những kế hoạch nghiên cứu về gien của con người thực ra cũng đã được một số các chính phủ và các cơ sở y tế cùng các tổ chức đại học, nhất là ở những nước công nghệ hiện đại, đề ra trong phạm vi nghiên cứu và với hy vọng (chỉ gọi là hy vọng) trong tương lai nhân loại có thể có thêm nhiều hiểu biết về gien để có thể có những biện pháp phòng ngừa các căn bệnh di truyền hay tạo thêm khả năng đề kháng cơ thể trong một số điều kiện đặc biệt nào đó. Không nghe nói là có một quốc gia nào đó đặt mục tiêu để “cải thiện nòi giống”. Ít ra là trên giấy trắng mực đen. (Có thể là “bên trong hậu trường” cũng có người có những ý tưởng về “cải thiện nòi giống”, nhưng có lẽ vì vấn đề khá tế nhị nên không bao giờ được nhìn nhận như một mục tiêu chính thức của các kế hoạch nghiên cứu về gien).

Câu từ “cải thiện nòi giống” nghe ấn tượng quá. Trong lịch sử cũng đã có những chế độ (quân phiệt hay độc tài) đã đưa vấn đề “nòi giống” lên hàng quốc sách và các kế hoạch “cải thiện nòi giống” thường đưa đến các chính sách nặng mùi kỳ thị chủng tộc. Điển hành gần nhất là chế độ Đức Quốc Xã vào những thập niên 20-40 của thế kỷ vừa qua với quốc sách “bảo tồn nòi giống Aryan” cũng đã đưa đến những thảm kịch diệt chủng hãi hùng.

Nếu bảo là “cải thiện nòi giống” mang nội dung y tế điều trị cho nhân loại ... thì còn có thể hiểu được. Và điều này thì một số chính phủ và các tổ chức y tế trên thế giới cũng đã và đang làm trong nhiều năm nay như đã nói ở phần trên.

Nhưng nếu “cải thiện nòi giống” mang nội dung hạn chế hơn với mục tiêu con Rồng cháu Tiên sẽ “rồng rắn” nhiều hơn .... để “đi trước đón đầu” các dân tộc khác .... thì có lẽ còn nhiều câu hỏi sẽ phải được đặt ra trước một một công trình đã được chính phủ cho đề xuất đến 30 triệu đô-la trong thời buổi khó khăn kinh tế hiện nay (Nhà nước Việt Nam hiện nay đang kiểm soát chặt chẽ ngoại tệ vì cán cân thương mãi bị nhập siêu).

Tạm thời không nói đến các yếu tố y học, di truyền, về bộ gien ....  Điều thấy nhan nhản trước mắt hàng ngày là đại bộ phận người dân Việt Nam hiện nay đang sống trong một xã hội mà trong đó các quan hệ giữa người với người, giữa người với môi trường, hầu như không có một nền tảng luân lý đạo đức nào để làm mức chuẩn trong đời sống. Ở một xã hội mà tất cả những giá trị nhân bản đều được chà đạp thoải mái bằng sức mạnh của quyền thế và tiền bạc. Đọc báo chí mỗi ngày thấy nhan nhản những tệ nạn từ trộm cướp giữa phố phường, đến án mạng giết người đoạt tài sản, từ những hành hung dã man vì những chuyện nhỏ nhặt trên đường phố đến những băng đảng xã hội đen hoành hành khắp phố thị ... Những cảnh “mua vui” dã man, không những trên thú vật, như trường hợp các món nhậu đặc sản chế biến từ thịt của các loài động vật hoang dã đang được các tổ chức bảo vệ môi trường thế giới cho vào danh sách cần bảo vệ, mà thậm chí lên cả thân xác và nhân phẩm của con người. Và đi xa hơn nữa là những tệ nạn “cao cấp” như tham nhũng hối lộ, bòn rút công trình, chiếm đoạt đất đai của nông dân để đầu cơ bất động sản, bằng cấp giả, đại học giả, thầy thuốc giả ...

Một xã hội không còn tính người đến một cơ chế nhà nước hầu như vô pháp quyền ... Trước một xã hội đất nước với những tệ nạn như thế ... lý do chẳng lẽ chỉ vì gien ? Và chỉ cần phù phép một vài yếu tố gien ... là chúng ta sẽ có một xã hội nhân bản và một nhà nước pháp quyền kỷ cương ?


Ông Hồ ngày xưa có câu nói nổi tiếng: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Nhà nước Việt Nam hiện nay không biết có kế hoạch trồng người ra sao ? Chỉ biết là giáo dục hiện nay xuống cấp đến độ thảm hại. Chỉ cần nói chuyện với các em học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông là thấy khả năng kiến thức phổ thông của các em hạn chế đến mức khủng khiếp không tưởng tượng nổi. Thậm chí còn tệ hơn thời cả hai miền Nam Bắc còn có chiến tranh. Có lần trên một bải biển ở Phan Thiết, tôi có dịp nói chuyện với một em học sinh về chuyện hoàng hôn bình minh ... mới té ngửa ra là em chẳng biết quy luật trái đất xoay quanh mặt trời như thế nào ... để mỗi ngày chúng ta ra bãi biển ngắm bình minh hay hoàng hôn ... Em chỉ ngắm ... thế thôi. Chuyện nhỏ nhặt thế ... nói chi đến pháp quyền, kỷ cương, đạo đức ?

Bây giờ chẳng lẻ tất cả những vấn nạn xã hội này sẽ được giải quyết bằng những kế hoạch kiểu 30 triệu đô-la để “cải thiện nòi giống” ?

Bỏ qua một bên kết quả thuần túy y học của một công trình vĩ đại như thế. Nhưng 30 triệu đô-la trước mắt có thể giải quyết bao nhiêu chuyện bức xúc hằng ngày trong xã hội: từ giáo dục đến y tế, từ giao thông đến văn hóa ....

Chỉ cần nhà nước xác lập lại được những giá trị nhân bản trong xã hội, và tạo cho nhà nước một cơ chế pháp quyền rõ rệt (và bình đẳng) ... là nòi giống sẽ được cải thiện ... Không cần phải “giải ngân” (1) 30 triệu đô-la vào một kế hoạch có hơi hướm “thùng rỗng kêu to” hơn là một công trình nghiên cứu thật sự.

Còn nếu muốn tiếp tục nói chuyện “phong thần” thì có thể nói rằng chỉ cần “cải tạo nòi giống” của nhóm lãnh đạo nhà nước ở Việt Nam để họ biết được thế nào là các giá trị nhân bản, văn hóa, thế nào là bình đẳng, thế nào là nhà nước pháp quyền, thế nào là độc lập tự chủ ...  Như thế thì “nòi giống” của cả nước sẽ tự nhiên tốt hẳn lên ...

Roma, 26/07/2012.




 (1) “Giải ngân” là từ vựng mới sau này (ở miền Nam thời trước 1975 không có). Có nghĩa là phải “giải tỏa ngân sách” đã được cấp trên cấp cho trong thời điểm nào đó. Ví dụ như trong năm 2011, nhà nước đã đồng ý cấp ngân sách là 30 tỉ đồng cho một cơ quan nào đó, mà nếu đến gần cuối năm 2011 số tiền trong ngân sách còn thừa nhiều quá, thí dụ như còn hơn đến 10 tỉ đồng chưa chi, thì cơ quan phải tìm cách “giải ngân” ngay trước cuối năm, vì nếu không thì trước nhất là phải “hoàn trả” ngân sách dư cho nhà nước (điều mà chẳng cán bộ nào của cơ quan nào chịu áp dụng cả), nhưng tệ hơn là nếu năm 2011 đã không “xài” hết ngân sách, thì đến năm 2012 chắc chắn nhà nước sẽ cho ngân sách thấp hơn năm 2011. Giải ngân nói trắng ra là tìm cách “tẩu tán ngân sách cuối năm” để năm tới còn lý do xin nhiều tiền hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét