14 tháng 7, 2012

Yếu tố B.


Còn non một năm nữa là cử tri Ý lại đi bầu Quốc hội (Quốc hội khóa XVI hiện nay sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối mùa xuân năm tới). Mặc cho tình hình kinh tế vẫn còn đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, mặc cho đời sống xã hội của đa số người dân đang khốn đốn trăm bề (thất nghiệp hiện nay ở Ý đã lên đến 9,4%, và trong giới trẻ (từ 15 đến 24 tuổi) thì tỉ số thất nghiêp đã lên đến gần 36%), các gia đình đang lần lần ăn mòn tất cả những khoảng dành dụm tích lũy từ thời cha mẹ để lại ... Nhưng các lực lượng chính trị, không phân biệt tả cũng như hữu, vẫn “hồn nhiên” ngồi đếm đi đếm lại ai sẽ vào danh sách ứng cử, ai sẽ đứng ra ứng cử vào chức vụ Thủ Tướng (để thay thế Thủ tướng kỹ trị Mario Monti) ... mà cứ làm ngơ quên đi rằng sự ra đời của chính phủ Mario Monti chính là đỉnh cao của sự phá sản chính trị của mô hình đảng phái hiện nay ở Ý. Thay vì phải cố gắng tìm cách tự phê phán và bắt đầu quá trình đổi mới đời sống đảng phái, mới hóa nhân sự của đảng ... thì các đảng phái chỉ có mỗi khả năng là nặn ra các mô hình “bình mới rượu cũ”: loay hoay vẫn cũng chỉ là những “gương mặt quen thuộc” đã hiện lên sân khấu chính trị hơn 2 thập niên vừa qua. Chỉ cần xem thái độ “thu động” của các đảng phái, tả cũng như hữu, cứ thay phiên đỗ dấy trách nhiệm cho nhau ... đễ tiếp tục giữ luật bầu cử hiện hành (còn được gọi với cái tên rất ấn tượng là “Porcellum – Trư Bát Giới” – vì với luật này cử tri bị tước quyền trực tiếp bỏ phiếu tín nhiệm cho từng ứng cử viên dân biểu, mà chỉ còn có quyền bỏ phiếu cho đảng, do đó lãnh đạo các đảng có quyền trực tiếp đề cử ứng cử viên của đảng vào Quốc hội (còn gọi là “danh sách ứng cử viên ô dù” – lista blindata). Nếu đến năm 2013, cử tri vẫn đi bầu Quốc hội mới với đạo luật bầu cử hiện hành thì có nghĩa là lãnh đạo các đảng vẫn cứ “yên tâm” đưa tay sai thân tính, bồi bút, bộ hạ, vợ lớn, bồ nhí, họ hàng, con cháu, cha chú, anh em, gia tộc ... vào Quốc hội ... và đúng là “bình mới rượu cũ”. (Thậm chí nếu tình theo niên đại thì đến năm 2013 rượu lại càng cũ hơn so với Quốc hội khóa trước).

Nhưng có lẽ trong đám ồn ào hổn độn ơi ới gọi nhau để chuẩn bị cho mùa tranh cử 2013 ... thì tin “đồn” rằng Silvio Berlusconi sẽ lại “giáng trần” lần nữa để “cứu độ chúng sinh” là tin giựt gân nhất. Báo chí gọi đây là “yếu tố B” (fattore B) của nền sân khấu chính trị đương đại của Ý.
Thực ra thì cũng chỉ mới là những bài báo kiểu “giựt gân” của các mạng thông tin, như vừa muốn hâm nóng sân khấu chính trị vừa muốn bán báo ....

Kinh nghiệm hai thập niên vừa qua cho thấy là .... Berlusconi luôn luôn ... không bao giờ giữ lời hứa. Thậm chí những gì hắn nói ra, chỉ cần một vài tiếng đồng hồ sau là hắn tuyên bố hoàn toàn ngược lại những gì hắn vừa nói. Nếu cần hắn sẽ mắng chửi báo chí là “vu khống”, hoặc hắn giả mù sa mưa kiểu “nói chơi thôi, ai mà tin là dại !!!”. Cho nên chuyện hắn có “giáng trần” hay không ... thì từ đây đến cuối xuân 2013 còn nhiều pha cụp lạc lắm ... Đây chỉ mới là những khúc dạo đầu tiên của một thiên trường ca bi thảm.

Fattore B


Các cuộc thăm dò ý kiến do báo chí tổ chức cũng cho thấy là “món hàng Berlusconi” hình như không còn mấy ăn khách trên thị trường .... do đó Berlusconi cũng chẳng ngu gì đi rao bán một món hàng đã lỗi thời không còn ăn khách ...

Điều đáng chú ý là sự lo ngại của các lãnh đạo Châu Âu (Đức, Pháp, Anh ....) về tình hình nước Ý sau mùa bầu cử năm 2013. Trong hai năm cuối, trước những khủng hoảng kinh tế tài chánh của Châu Âu, và nhất là những đe dọa sống còn hệ thống đồng Euro ... tất cả các biện pháp, các đề nghị, các tư tưởng lớn ... đều đang tập trung vào nước Ý: nếu Ý vượt cạn được thì Châu Âu có thể thoát cơn khủng hoảng, nếu Ý chìm xuồng thì coi như đồng tiền Euro phá sản. 

Chính phủ Mario Monti đang cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được, thậm chí với những cái giá phải trả rất cao về mặt dân sự xã hội, để Ý không bị gạt ra khỏi Châu Âu, để tránh cho nước Ý nỗi nhục nhã mà Hy Lạp đã phải hứng chịu, để lấy lại uy tín và thanh thế cho nước Ý sau hai thập niên “burlesque” của gánh hát “Silvio & Company”. Và đến nay thì Chính phủ Mario Monti cũng đã đạt được một vài kết quả đáng khích lệ. Nhưng nếu đến năm 2013, với Quốc hội mới, với một chính phủ mới ... thì ai có thể bảo đảm rằng nước Ý sẽ tiếp tục theo con đường “chấn chỉnh” mà Mario Monti đã vạch ra ? Và nếu chính phủ mới lại có Berlusconi ... thì coi như những gì mà Mario Monti đang kêu gọi dân Ý khắc khổ hy sinh ... đều coi như đổ sông đổ biển ... và tình hình Châu Âu lại tiếp tục đen tối.

Dĩ nhiên mỗi quốc gia đều có tự chủ độc lập, không bất cứ một lãnh đạo Châu Âu nào dám hó hé “can thiệp” vào chuyện chính trị nội bộ của nước khác. Nếu có hỏi nghĩ gì về khả năng Berlusconi lại “giáng trần” lần nữa .... thì ông bà Châu Âu nào cũng chỉ ầm ừ tuyên bố ... “đó là chuyện nội bộ xứ Ý !!!”, nhưng theo các tin từ các giới am tường chính trị quốc tế thì các ông các bà Châu Âu đều đang “đánh lung tung trong bụng” ... Thậm chí nghe nói đến ông Obama bên kia bờ Đại Tây Dương cũng ... “run” trước một viễn ảnh .. mà 8 tháng về trước ai cũng tưởng đã đẩy lùi vĩnh viển vào quá khứ. 

Trên thế giới hiện nay chỉ có độc mỗi một lãnh đạo chính trị duy nhất cầu mong Berlusconi “gáng trần” là ... Putin. Gheddafi thì chết rồi nên "được miễn".

Thật ra vấn đề “giáng trần” của Berlusconi, trước khi trở thành vấn đề chính trị, nó là vấn đề thuộc về văn hóa văn minh. Trong một quốc gia nếu có đến gần ¼ cử tri đi bỏ phiếu cho một nhân vật bi hài mà khắp thế giới mỗi khi nhắc đến tên ai cũng bụm miệng cười (khinh bỉ). Ở bất cứ một quốc gia Tây Âu nào với truyền thống dân chủ nghị viện ... thì một danh hài như Berlusconi nếu may lắm là không ngồi tù .... nói chi đến chuyện tham chính và thậm chí lên làm Thủ Tướng. Thậm chí đến các xứ rồng rắn những người lãnh đạo dù có thối nát đến đâu cũng vẫn còn chút ít sĩ diện không lôi cả ma cô và đĩ điếm lên làm bộ trưởng. Chỉ có mỗi nước Ý mới dung thân cho một thằng hề vừa đánh trống vừa la làng. Điều này chứng tỏ rằng trình độ văn hóa và mức độ văn minh của một bộ phận khá đông cử tri Ý còn quá thấp: những trò hề diễu cợt rẽ tiền, những câu nói đùa cợt vừa thô bỉ vừa lỗ mãng ... đáng ra phải làm cho người nghe thẹn giùm ... thì rất đông cử tri Ý lại xem như đó là một cung cách làm chính trị gần gủi với quần chúng: ăn tục nói bậy, thô lỗ y như quần chúng. 

Một lý do khác để khá đông cử tri bỏ phiếu cho thằng hề này là tư duy khinh thường luật lệ nhà nước và chạy chọt đút lót khá phổ biến trong xã hội ý (tham nhũng hối lộ hiện nay là vấn nạn hàng đầu của nước Ý) ... và trong lãnh vực này thì Berlusconi là “vô địch” và đúng là “tấm gương” đáng để các cử tri loại này noi theo.

Nếu ngày nào trình độ văn hóa và mức độ văn minh của cử tri Ý không được “nâng cấp”, thì "yếu tố B" vẫn lúc nào cũng thường trực đe dọa xã hội Ý, cho dù B có mặt hay không có mặt trực tiếp trong Hội đồng chính phủ.

Roma, 14/07/2012


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét