25 tháng 9, 2013

Agie đi tìm bạn đường !!!



“Đại thắng mùa thu” ... ở Đức

Xém một chút nữa là nàng Angie lập được chính phủ “tự sướng”. Nhưng với kết quả bầu cử ở Đức vừa rồi, Đảng CDU (Dân Chủ Thiên Chúa Giáo  Đức)  với 41,9% số phiếu, đã khiến Angie phải đi tìm “bạn đường” mới bởi vì đồng minh FDP (Freie Demokratische Partei – Đảng Dân Chủ Tự Do) của chính phủ trước đây đã bị ngã ngựa không vào được Quốc hội.

Nhìn thoạt qua tưởng là mọi chuyện cũng dễ thôi. Trước mặt Angie có hai đảng “khả thi” để nàng chọn làm “bạn”, một bên là đảng SPD với 25,7% số phiếu (Sozialdemokratische Partei Deutschlands, Đảng Dân Chủ Xã Hội), bên kia là Liên minh 90/Đảnh xanh với 8,4% (Bündnis 90/Die Grünen). Nhưng thực ra cả hai đảng này đảng nào cũng ... lưỡng lự không (chưa) chịu “cắn câu”, vì cả hai cũng đều có những lý do “chính đáng”, nhất là cái đảng SPD cũng đã từng trải kinh nghiệm xương máu trước đây với Angie.

Lịch sử trong những năm qua cho thấy là nàng Angie khá “nặng vía”: đứa nào “kết bạn” với nàng xong ... nếu không chết dở chết ương... thì cũng thân tàn ma dại ...

Cứ coi 8 năm cuối cùng của hai “triều đại” của Angie thì rõ.

Lần đầu, từ năm 2005 đến 2009, trong bối cảnh “đại đoàn kết”, đảng SPD đã can đảm bắt tay làm những cuộc cải cách cần thiết (và đến bây giờ thì những cuộc cải cách đó đã bắt đầu “cho ra trái”: nước Đức trong mấy năm gần đây là quốc gia duy nhất trong lục địa Châu Âu chẳng những không bị cuộc đại khủng hoảng nó vật ... mà còn là quốc gia đầu tàu duy nhất vừa tiếp tục phát triển sản xuất vừa có con số thất nghiệp thấp nhất ) ... nhưng cũng là đảng đã phải gánh chịu sự trừng phạt của cử tri cánh tả với con số phần trăm phiếu thấp nhất từ sau Đệ II thế chiến: chỉ còn có 23% (hóa ra ở đâu cũng thế, hễ đảng nào có can đảm đứng ra làm những cuộc cải cách sang trang ... thì đều không được quần chúng ái mộ. Bởi vì đám đông khi đã có cái gì để mất ... thì chẳng bao giờ thích cải cách, lại càng sợ cách mạng).

Rồi đến phiên của FPD, lần này thì càng tệ hơn, 4 năm “kết bạn” ... giống như con ong cái xiết cổ bạn tình trong khi giao hợp ... đảng FPD đã “hóa thành tro bụi”, hơn 2 triệu cử tri của FPD trước đây đã “ôm cầm sang thuyền” của Angie, bỏ “chàng trai Việt” thui thủi một mình trước cổng Quốc hội.

Nàng Angie, nữ Thủ tướng đầu tiên của Cộng Hòa Liên Bang Đức, biết chắc trước rằng mình sẽ thắng cử. Nhưng có lẽ nàng cũng chỉ tưởng tượng ra rằng, sau bầu cử sẽ phải chọn “bạn” một trong hai đảng là FPD và SPD, nhưng không ngờ tình huống đẩy đưa khiến nàng phải chọn giữa SPD và đảng Xanh. Tuy nhiên cũng phải công nhận là dù chọn ai đi nữa, Angie vẫn sẽ có một “bạn đường” đáng tin cậy để tiếp tục đẩy mạnh chiến lược chính trị kinh tế Châu Âu. Đây là điểm quan trọng đáng chú ý.

Có lẽ là với đảng Xanh thì nàng Angie có thể có những lợi thế chính trị trong “đàm phán” để lập chính phủ đại đoàn kết (chữ “đại đoàn kết”, Große Koalition, ở Đức hoàn toàn khác với chữ “đại đoàn kết” ở Ý vốn mang hơi hướm của “grande intesa” (đại ý đồ)).

Đảng Xanh bị mất phiếu khá nặng (từ 10,9% năm 2009 chỉ còn 8,4%, tức là mất khoảng 22% số phiếu so với năm 2009). Dù rằng từ trước đến nay, đảng Xanh lúc nào cũng lên án nặng nề những ai liên minh với đảng CDU, vốn xưa nay vẫn bị đảng Xanh “quy tội” là “bảo thủ”, thậm chí đôi khi còn gán cho CDU tĩnh từ “phản động” (reazionaria). Nhưng đó là chuyện “hôm qua”. Nhóm cầm đầu của đảng Xanh hiện nay đã lãnh đạo đảng từ năm 1980, và do đó nếu tính theo tuổi đời … thì đây là “thời cơ” cuối cùng để nhóm lãnh đạo đảng có thể có một vị trí nào đó trong guồng máy hành pháp trước khi quá trễ, để có thể có tiếng nói trong bối cảnh chính trị quốc gia trước khi … về hưu. Với cách nhìn như thế thì có thể hình dung rằng đảng Xanh sẽ tìm đủ mọi cách để ngồi vào Hội đồng Chính phủ, và cũng có nghĩa là nàng Angie sẽ có đủ điều kiện để đứng ở thế “thượng phong” trong quá trình đàm phán với đảng Xanh. Nhưng đứng về mặt “tư tưởng” thì cũng khó cho giới lãnh đạo của đảng Xanh giải thích với cử tri của mình về một quyết định liên minh với đảng CDU, một đảng mà lúc nào cũng bị lên án là “bảo thủ”, một đảng mà từ trước đến nay lúc nào cũng bị đảng Xanh cho vào vị trí đối đầu chính trị. Và cũng chính vì thế mà từ trước đến nay đảng CDU lúc nào cũng “cố tình” làm ngơ trước những khả năng cộng tác với đảng Xanh, thí dụ như trường hợp của vùng Baden-Württemberg hồi năm 2011(*).



Trường hợp của đảng SPD thì khác. SPD là một lực lượng chính trị có tinh thần dân tộc, biết đặt quyền lợi đất nước trên quyền lợi riêng tư của đảng. Trừ phi có những đột biến không lường trước, khó mà SPD có thể từ chối không liên minh với Angie, đặc biệt là nếu quyết định ngồi vào Hội đồng Chính phủ SPD có sẽ cơ hội tạo điều kiện đẩy mạnh quá trình đổi mới trong sách lược chính trị kinh tế Châu Âu ... và từ đó cũng có thể tạo thêm trọng lượng cho khối Dân Chủ Xã Hội của Châu Âu.

Theo ý kiến của các chuyên gia chính trị thì rất có thể là Angie, sau khi trút bỏ hết được những áp lực tranh cử trước đây, và nhất là đẩy lui được mối đe dọa “tẩy chay Châu Âu” của đám “Alternative für Deutschland”, dần dần Angie cũng sẽ nới lỏng gọng kềm của chính sách “khắc khổ - tằn tiện” (austerità – cắt xén ngân sách, giảm đầu tư nhà nước) và thay vào đó những những đường lối hổn hợp giữa “tằn tiện” và “đầu tư phát triển”. Và nếu có SPD làm “bạn đường” thì Angie cũng có thể “biện minh” với những cử tri nào trước đây bỏ phiếu cho CDU vì họ tán thành chính sách khắc khổ (đúng ra là khắc khổ áp dụng cho các đối tác Châu Âu) ... rằng quyết định nới lỏng khắc khổ là “cái giá phải trả” cho SPD để có ổn định chính trị. Và đối với SPD cũng là một lợi thế, vì SPD có thể “tự hào” quyết định của Chính phủ bớt “tằn tiện” và tăng “đầu tư phát triển” ... là công lao của chính SPD.

Về mặt lâu dài, SPD cũng có thể bắt đầu nghĩ đến chuyện ... thay thế Angie vào lần tranh cử tới.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng có thể đây là nhiệm kỳ chót của Angie. Và điều này có thể thúc đẩy chính Angie từ bỏ đường lối “chiến thuật” (tatticismo), vốn là kim chỉ nam (và cũng là giới hạn) của Angie từ trước đến nay để giải quyết trước mắt bất cứ vấn đề gì.

8 năm cầm quyền cho thấy là Angie có bản lảnh trong đường lối đối ngoại, nhất là trong khối Châu Âu. Chả thế mà uy tín quốc tế của Angie càng ngày càng tăng. Nhưng cũng trong 8 năm đó, thành quả của chính trị đối nội của Angie thì không được như thế. Nói một cách lịch sự  thì thành quả đối nội “khá khiêm nhường”. Nếu hôm nay tình trạng kinh tế tài chánh, và đời sống xã hội của Đức vượt hơn hẳn so với các nước Châu Âu khác ... thì cũng phải bình tâm mà nói: đó không phải là công lao của chính Angie. Đó là công lao của Gerhard Schröder (SPD), người tiền nhiệm của Angie, người mà có thời khi còn ở trong vị trí đối lập chính phủ, Angie đã sai lầm khi phê phán Gerhard Schröder là một nhà cải cách .... không có can đảm cải cách !!! Trên thực tế, 8 năm qua Angie đã không có đóng góp gì đáng kể về mặt chính trị đối nội, chẳng qua là Angie đã thừa hưởng được “gia tài” do Gerhard Schröder để lại mà thôi.

Cũng như nước Đức cũng mấy năm nay sống nhờ vào của hồi môn. Có lẽ đã đến lúc nước Đức cũng phải biết rằng ngồi không mà ăn ... thì đến núi cũng lỡ. Nhất là khi mà những chính sách khắc khổ áp dụng đại trà lên các nước Châu Âu “nợ như chúa chổm” trước sau gì cũng sẽ triệt tiêu khả năng mua sắm của Châu Âu. Lúc đó thì nền kinh tế sản xuất thượng phong của Đức ... sẽ biết bán sản phẩm cho ai ? Chẳng lẽ bán sang cho Trung Quốc, vốn là nước cũng chỉ biết phát triển kinh tế sản xuất nhờ vào xuất khẩu ?

Roma, 25/09/2013
 



(*) Tháng 3/2011 đảng Xanh đã thắng lớn ở vùng Baden-Wuerttemberg (24,2%), và thời đó người ta có nói ra mô hình “đại đoàn kết” giữa đảng Xanh với CDU (dừng lại ở 39%). Nhưng chính CDU đã từ chối, do đó sau cùng đảng Xanh đã liên minh với SPD (23,1%).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét